Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười là lễ hội truyền thống gắn với di tích đền Ông Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Trong hệ thống điện thần thờ Mẫu tứ phủ của người Việt, Quan Hoàng Mười là một trong Thập vị quan hoàng, thường được thờ trong các đền, phủ, điện thờ Mẫu. Ở Nghệ An, ngôi đền thờ Quan Hoàng Mười tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên nổi tiếng linh thiêng. Bên cạnh nhân vật thờ chính là Quan Hoàng Mười, trong đền còn thờ hệ thống tượng Mẫu và các vị phúc thần khác: Đương Cảnh Uy Minh Song Đồng Ngọc Nữ, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc,...
Đền được xây dựng dưới Triều Lê Trung hưng, khoảng thế kỷ thứ XVII. Cùng với sự hình thành và tồn tại của đền, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được thực hành từ hàng trăm năm nay nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Quan Hoàng Mười.
Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 10 âm lịch hằng năm. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch xuất phát từ nguồn gốc tín ngưỡng, tâm linh. Người dân tin rằng ông Hoàng Mười hóa vào ngày 10 tháng 10 âm lịch và trùng khớp với cái tên “Ông Hoàng Mười”. Cũng trùng với dịp tết Cơm mới vốn rất phổ biến ở Việt Nam, còn được gọi là tết Song thập (hay tết Trùng thập) hoặc tết Hạ nguyên. Tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng 10 còn bởi niềm tin của người dân về sự tròn trịa, viên mãn, mang lại nhiều điều tốt đẹp.
Lễ hội diễn ra tập trung tại khuôn viên của di tích đền Ông Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Địa điểm liên quan trong quá trình thực hành lễ hội là: Nhà thờ họ Nguyễn ở làng Xuân Am, cách Đền Ông Hoàng Mười khoảng 2km về phía Tây, đây là nơi lưu giữ sắc phong và diễn ra nghi lễ xin rước sắc phong của thần về đền trong những dịp lễ hội.
Về hình thức, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười có các nghi lễ chính: lễ Khai quang, lễ Rước sắc, lễ Yết cáo, lễ Đại tế,
Mở đầu là lễ Khai quang vào rạng sáng ngày mùng 8 tháng 10 âm lịch, có ý nghĩa khai quang tẩy uế, sái tịnh sạch sẽ các cung thờ tại đền và không gian xung quanh. Sau lễ Khai quang, khoảng 14 giờ chiều ngày mùng 9 tháng 10 âm lịch, bắt đầu tiến hành lễ rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn làng Xuân Am về đền Hoàng Mười. Tục này bắt nguồn từ việc trong thời kỳ phong kiến: Sắc phong thần của đền Ông Hoàng Mười được giao cho dòng họ Nguyễn trông coi, lưu giữ. Đến mỗi kỳ lễ hội lại làm lễ rước sắc về đền và xong lễ hội lại rước sắc trở về nhà thờ. Sau lễ an vị sắc, khoảng 16h chiều, ngày mùng 9 tháng 10 âm lịch, lễ Yết cáo được bắt đầu. Lễ vật gồm có cỗ xôi lợn, xôi gà, ngũ quả, trầu cau, trà, rượu, hương, hoa được bày biện đầy đủ trên các ban thờ. Chủ tế làm lễ kính thỉnh các vị thần ở đền Hoàng Mười về chứng giám lễ hội, xin phép được mở lễ hội, cầu mong phù hộ cho trời quang mây tạnh, lễ hội diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp. Sáng ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch, lễ Đại tế được bắt đầu. Vật tế được chuẩn bị đầy đủ cơ bản giống như lễ Yết cáo. Lễ Đại tế diễn ra trong khoảng hai tiếng đồng hồ, theo nghi thức cổ truyền, bao gồm hai nghi lễ: Nghi lễ Tuyên sắc và lễ Chính tế. Điểm nhấn đặc sắc tại Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười là nghi lễ Hầu đồng.
Phần hội diễn ra trong 2 ngày từ ngày 9 cho đến hết ngày 10 tháng 10 âm lịch, với nhiều hoạt động hấp dẫn, có nhiều trò chơi dân gian được Nhân dân tham gia hào hứng, nhiệt tình như đua thuyền, kéo co, đánh cờ người, cờ thẻ, bịt mắt đập niêu,... Ngoài ra, còn có hoạt động cắm trại, trưng bày sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống; các hoạt động thể thao: thi đấu bóng chuyền nam, nữ giữa các xã trong huyện cũng diễn ra sôi nổi, tranh tài quyết liệt, thu hút đông đảo bà con và du khách tham gia cổ vũ.
Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười đã tồn tại hàng trăm năm và được duy trì liên tục. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười vẫn tồn tại và ngày càng có sức lan tỏa không chỉ trong vùng xứ Nghệ mà còn nổi tiếng khắp cả nước, thu hút đông đảo Nhân dân trong vùng và du khách cả nước đến tham gia, thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2970/QĐ-BVHTTDL, ngày 27 tháng 8 năm 2019.
Từ 08/11/2024 - 10/11/2024