Lễ hội Tây Thiên

Lễ hội Tây Thiên

khu danh thắng Tây Thiên, thị trấn Ðại Ðình, huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Từ ngày 6 - 8/3/2023, Lễ hội Tây Thiên năm 2023 tại huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Theo Ban Tổ chức Lễ hội, Lễ hội Tây Thiên nhằm mục tiêu giữ gìn bản sắc dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; phát huy giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh du lịch Tam Đảo đến bạn bè trong nước và quốc tế. Lễ hội Tây Thiên năm 2023 được chia làm 2 nội dung, gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm: Lễ cáo, lễ rước kiệu, lễ khai mạc, lễ dâng hương và lễ tạ theo truyền thống được tổ chức quy mô với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Phần hội được tổ chức với 6 nội dung chính, gồm: Trưng bày triển lãm chuyên đề “Tây Thiên một cõi thiêng”; Hội chợ thương mại - du lịch với các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và ẩm thực của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn tỉnh gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên; tổ chức giải bóng chuyền, vật dân tộc, các trò chơi kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố, hội thi làm bánh chưng, bánh giày, nấu cơm; hội trại văn hóa các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị của huyện Tam Đảo; giao lưu hội diễn văn hóa - văn nghệ, trình diễn tái hiện một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Sán Dìu…


Từ 06/03/2023 - 08/03/2023

Khám Phá Vĩnh Phúc

Hồ Đại Lải

Để đến khu du lịch Đại Lải, bạn nên đi vào mùa hè, khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Đây là lúc thích hợp để đi tránh nóng, Đại Lải sẽ có nắng đẹp vào ban ngày và se se lạnh vào ban đêm, không khí luôn được điều hoà vì xung quanh có rất nhiều rừng xanh bao bọc, cực kì thích hợp với các hoạt động vui chơi ở đây như đua thuyền, đạp vịt, du thuyền quanh hồ. Đại Lải cách Hà Nội khoảng 60km nên có thể đi đến đây bằng ô tô hoặc xe máy khá dễ dàng và thuận tiện. Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn đi theo hướng quốc lộ 2, sau khi đi qua điểm soát vé Thăng Long-Nội Bài, đến ngã tư đầu tiên thì rẽ trái, đến chặng Xuân Hoà thì rẽ phải rồi đi thẳng tiếp khoảng 10km là đến nơi. Vì khoảng cách cũng không xa nên bạn có thể đi bằng xe máy, nhưng cần chú ý trên đường đi để đảm bảo an toàn cho bản thân. Hồ Đại Lải rộng 525 ha, xung quanh bát ngát màu xanh của cả một rừng cây phòng hộ. Từ bãi tắm dưới hồ có thể lên đỉnh núi Thằn Lằn ở phía nam để ngắm cảnh từ trên cao, xa xa là dãy núi Tam Đảo huyền ảo. Bên cạnh đó, du khách có thể đi thăm những làng bản của người Sàn Dìu để khám phá thêm về phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn dân tộc vô cùng đặc sắc và thú vị. Đảo Ngọc, hay còn có tên gọi khác là đảo Chim, nằm giữa lòng hồ Đại Lải là nơi tụ họp của hàng trăm loài chim khác nhau từ khắp nơi bay về, khiến cho nơi đây giống như một bức tranh thiên nhiên đầy sống động mà hiếm nơi nào có được. Đến Đại Lải, bạn có thể tham gia vào rất nhiều những hoạt động thú vị ngoài trời như tắm hồ, đạp vịt, đi thuyền tới tham quan các đảo xung quanh hồ Đại Lải, ngắm cảnh chụp hình và đến thăm vùng rừng núi xanh mát. Các bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên khi được vẫy vùng trong làn nước mát hay vừa thảnh thơi đạp vịt vừa ngắm cảnh non nước mây trời. Vì du lịch Đại Lải Vĩnh Phúc gần đây rất phát triển nên các nhà nghỉ cũng mọc lên khá nhiều. Để tìm kiếm một nơi ở lại qua đêm dịch vụ tốt, giá cả hợp lí cũng không quá khó khăn, tuy nhiên bạn nên đặt phòng trước vì rất dễ bị hết phòng. Đặc biệt gần đây có khu resort Flamingo Đại Lải cũng được rất nhiều người ưa chuộng vì sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên với kiến trúc do con người sáng tạo. Ngoài những đồ ăn ngon còn có các dịch vụ, trò chơi vô cùng hấp dẫn. Bạn được tận hưởng mọi thứ theo chuẩn khách sạn 5 sao và hơn thế nữa : hồ bơi, bida, tenis, sân golf, thuyền, vườn… tuy nhiên giá cả cũng khá cao so với những nơi nghỉ ngơi khác.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Núi Tam Đảo

Là một dãy núi trung bình nằm trên địa phận ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang, tên gọi núi Tam Đảo bắt nguồn từ ba đỉnh núi cao nhất là Rùng Rình, Thạch Bàn và Thiên Thị. Chính địa hình khép kín cùng với hệ thống rừng đặc trưng đã gợi lên cho các tín đồ xê dịch một vùng rừng núi huyền bí cần được khám phá. Hầu hết các chuyến leo núi đều bắt đầu từ vườn quốc gia Tam Đảo và đi sâu vào bên trong với nhiều tuyến khác nhau như tuyến đèo Thái Nguyên, tuyến đỉnh Thạch Bàn hay tuyến lên đỉnh phía nam….Lộ trình vẫn được nhiều “nhà leo núi” lựa chọn nhất chính là tuyến đi qua ba đỉnh theo thứ tự là Thiên Thị, Thạch Bàn và Rùng Rình. Trước khi bắt đầu thử thách, bạn phải thông báo với trạm kiểm lâm tại chân núi để được cấp phép leo núi. Nếu là là lần đầu tiên thử thách mình với địa hình núi tại Tam Đảo, bạn nên thuê người hướng dẫn tại trung tâm thị trấn Tam Đảo để đề phòng lạc đường cũng như đối phó với các tình huống xấu. Đoạn đường leo núi Tam Đảo sẽ bao gồm nhiều dạng địa hình dốc thoải, trơn trượt, những rừng tre xanh mát kỳ bí nhưng cùng không kém phần thú vị và kịch tính. Các đỉnh núi Thạch Bàn và Thiên Thị tuy đường đi không quá hiểm trở và âm u nhưng đòi hỏi bạn phải có sức bền cùng với sự phán đoán để có thể chinh phục được những vách đá phân bố dọc đường leo núi. Đứng từ trên đỉnh thứ nhất và thứ hai, bạn sẽ đem về cho mình những trải nghiệm siêu thực khi được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn những làn sương và mây trôi dần phía dưới. Một cảnh tượng choáng ngợp mà có lẽ phải đến đây người ta mới dễ dàng cảm nhận được. Chặng chinh phục đỉnh Rùng Rình (hay còn gọi là Phù Nghĩa) có lẽ chính là thử thách thật sự cho các bạn trẻ quyết định du lịch Tam Đảo. Sau khi đã thấm mệt với những chướng ngại vật tại hai đỉnh núi trước, đỉnh Rùng Rình đòi hỏi ở bạn sự nhẫn nại và lòng quyết tâm chinh phục của một nhà leo núi. Thông thường một chặng leo núi như vậy mất khoảng từ 4 đến 6 giờ. Bạn nên lưu ý thời gian và quyết định thật sáng suốt nếu như không muốn lưu trú lại trong rừng. Vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu cho mỗi chuyến đi, đặc biệt là những hành trình mang tính trải nghiệm như leo núi Tam Đảo. Nước sạch, các thức ăn vặt như sô cô la, bánh snack cùng mì tôm là những loại thực phẩm nhanh, gọn, nhẹ nhất mà bạn nên chuẩn bị, đề phòng phải ở lại trong rừng vào ban đêm. Đêm xuống, nhiệt độ tại các đỉnh núi sẽ giảm thấp, bạn cần lưu ý mang theo áo ấm hoặc thuê các loại lều và túi ngủ dày, tránh bị sốc nhiệt. Ngoài ra, đèn pin là một vật dụng bắt buộc nếu cần phải di chuyển trong đêm. Đừng quên mang theo thuốc chống mũi, thuốc giảm đau, dao găm và các túi ni lông để bọc các vật dụng điện tử, đề phòng trời mưa đột xuất, các vết cắn của côn trùng hay tai nạn không đáng có.

Tháng 3 đến tháng 10

Tây Thiên

Nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, Tây Thiên là một vùng sơn thuỷ hữu tình với hệ động thực vật phong phú và khí hậu quanh năm dịu mát. Chính vì thế nên bạn có thể du lịch Tây Thiên Tam Đảo vào bất kì thời điểm nào trong năm, mỗi mùa là một trải nghiệm không giống nhau. Nếu đi vào mùa xuân, bạn sẽ được trẩy hội để cầu tài, cầu lộc cho cả năm may mắn và tham gia nhiều hoạt động văn hoá độc đáo. Du lịch Tây Thiên Tam Đảo vào mùa hè bạn sẽ được tận hưởng không khí thanh bình, tịnh tâm và được dự lễ sám hối tại thiền viện. Đi vào mùa thu hoặc mùa đông để hít thở không khí trong lành của núi rừng. Mỗi mùa có một nét đặc sắc riêng nên bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Với diện tích khoảng 148ha, quần thể di tích Tây Thiên nằm trong một vùng đa dạng sinh học với gần 500 loài thực vật và 300 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Tại Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi, kiêu hãnh vươn mình và tỏa bóng xuống những lối đi quanh co trong rừng. Một ngày ở nơi đây, người ta có thể thưởng thức được dư vị của bốn mùa trong một năm: gió xuân mơn man lúc bình minh, nắng hạ ấm áp vào buổi trưa, tiết thu dìu dịu khi chiều về và cái se lạnh của mùa đông khi bóng tối đổ xuống. Tây Thiên Tam Đảo không chỉ hấp dẫn bởi phong cảnh thiên nhiên nên thơ trữ tình, núi non trùng điệp thơ mộng mà còn là điểm tâm linh linh thiêng ở miền Bắc. Nếu bạn đang có dự định ghé thăm khu danh thắng đẹp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc này thì không thể bỏ qua nơi này. Cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thuỷ tú, hùng vĩ, thanh bình và ngoạn mục đẹp trong từng giây, từng khoảnh khắc. Đó là cảnh núi rừng nguyên sơ, là những ngôi cổ tự, thảo am tịnh thất cheo leo tren độ cao ngút ngàn hay nguồn Bát Nhã tuyền róc rách ca lên khúc nhạc hoàn hương từ vô thuỷ. Xa xa dòng Thác Bạc trắng xoá như dải ngân hà vắt mình thả xuống từ trời cao xanh thẳm tạo nên một bầu không khí thanh bình. Không những mang vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng hùng vĩ mà Tây Thiên còn đem đến cho du khách những trải nghiệm hết sức thú vị và mới lạ với những loại kiến trúc đền, chùa cổ kính. Thảng trong sự tĩnh lặng đến vô chừng là tiếng chuông từ xa vọng về, gợi ra những yên bình và thanh thản cho tâm hồn của bất kì du khách nào từng đặt chân đến nơi đây. Thiền viện trúc lâm Tây Thiên (hay nhiều người còn gọi là chùa Tây Thiên) nằm cách Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là một quần thể văn hoá du lịch tổng hợp. Cùng với thiền viện Trúc Lâm ở chùa Yên Tử và Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Nếu quan tâm đến loại hình tôn giáo Phật giáo, có lẽ không ai không biết đến thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác. Nếu có ghé qua Tây Thiên du khách cũng nên một lần đến với trải nghiệm về Phật giáo tại nơi này. Trong Kiến Văn Tản Lục của Lê Quý Đôn cũng có đoạn tả về Tây Thiên: “Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, cảnh sắc thanh nhã. Trên đỉnh núi có chùa Đồng Cổ; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng…”. Hệ thống Thiền viện Trúc lâm ở khu vực Tây Thiên bao gồm chùa tăng và chùa ni. Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm được xây dựng từ năm 2009 do ni sư thích nữ Thuần Giác xây dựng và phần cơ bản hoàn tất năm 2012. An Tâm có ngôi chính điện thờ Phật Thích Ca mâu ni, ngôi nhà tổ thờ các vị tổ thiền tông, một nhà khách, một nhà ăn phục vụ được một lúc 200 người. Ngoài ra còn có ni đường, thiền đường dành cho các thiền sinh tu tập; nhiều thiền thất cho các ni sư tu hành. Ngoài ra du khách khi tới đây có thể tham quan đại bảo tháp Mandala, là bảo tháp dòng tu kim cương thừa đầu tiên tại Việt Nam. Cuối cuộc hành trình là đền Quốc Mẫu Tây Thiên, nơi thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, vương phi của Hùng Vương thứ 7, người có công giúp vua mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa trong buổi đầu dựng nước.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Tháp Bình Sơn

Vĩnh Phúc may mắn được mẹ thiên nhiên ban tặng những phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, đẹp mê đắm lòng người, bởi vậy mà khi người ta nhắc đến Vĩnh Phúc là sẽ nhắc đến một khu du lịch tiềm năng với rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng vươn tầm thế giới. Đó là những khung cảnh núi non hùng vỹ của khu du lịch Tam Đảo, chùa Tây Thiên nơi tâm linh an lạc giúp bạn nuôi dưỡng tâm hồn, hay hồ Đại Lải với hồ nước trong xanh thơ mộng,… và đặc biệt không thể không kể đến tháp Bình Sơn. Tháp Bình Sơn là một trong những tháp cao nhất ở tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với di tích Tây Thiên, tháp Bình Sơn đã được nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt ngày 14/03/2016. Do trải qua quá trình lịch sử khá lâu đời nên tháp Bình Sơn hiện nay chỉ còn lại 11 tầng và 1 tầng bệ. Phần chóp của tháp đã bị phá nên tháp có bình đồ hình vuông và nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng cuối cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét. Nhìn bao quát tháp Bình Sơn là một tuyệt tác tháp uy nghi, cổ kính. Tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, gồm hai loại là gạch vuông và gạch chữ nhật. Những viên gạch này không cần vôi vữa để lắp ghép với nhau mà được xây dựng bằng phương pháp hết sức đặc biệt đó là nung ở nhiệt độ cao, chính vì sử dụng bằng phương pháp này nên tháp được xây dựng khá vững chắc. Ruột tháp không kín mà có một phần rỗng chạy dọc từ chân tháp lên đến ngọn tháp. Bên ngoài tháp được ốp bằng một lớp gạch vuông được trang trí bằng những hoa văn như hình hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc,… Những đường nét hoa văn được chạm khắc hết sức tỉ mỉ, tinh tế, mang nét phóng khoáng, chắc khỏe mang đậm nét văn hóa nghệ thuật thời Lý- Trần. Nét độc đáo của tháp Bình Sơn là ở phần chân tháp. Chân tháp có nhiều vành đai sen chồng lên nhau nên khi nhìn vào ta sẽ cảm nhận như tòa tháp được mọc ra từ một đóa sen, mang hình ảnh đặc trưng cho nét đẹp văn hóa Việt. Hình rồng được chạm khắc ở đây cũng rất đặc biệt là hình rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên. Tháp Bình Sơn với nhiều nét độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật cũng như kỹ thuật xây dựng nên tháp Bình Sơn được đánh giá là một trong những cây tháp đẹp nhất xứ Bắc Kỳ. Nếu du khách lựa chọn thời điểm tham quan vào 15 tháng Giêng thì du khách không chỉ có thể tham quan và chiêm ngưỡng vể đẹp nghệ thuật của tháp Bình Sơn mà còn có thể tham gia vào “Lễ hội chùa tháp” với các nghi thức truyền thống nhu rước kiệu, lễ cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, những chương trình văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và những trò chơi dân gian.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Làng gốm Hương Canh

Nói đến những làng nghề cổ ở miền Bắc nói chung và làng nghề gồm nổi tiếng nói riêng thì không thể không nhắc đến làng gốm Hương Canh ở tỉnh Vĩnh Phúc. Với tuổi đời hơn 300 năm, làng gốm đã có thời kỳ bị mai một nhưng chính nhờ sự yêu nghề và mong muốn giữ gìn nét đẹp của làng nghề truyền thống của nhiều nghệ nhân chân chính. Giờ đây, làng gốm dù đổi mới nhưng vẫn còn giữ lại lại nét đẹp đơn sơ, giản dị và trở thành điểm tham quan hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Nằm tại thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh, huyện Xuyên Bình, tỉnh Vĩnh Phúc, làng gốm Hương Canh cách thành phố Vĩnh Yên tầm 12km, cách Hà Nội 42km, vô cùng phù hợp cho những chuyến du lịch ngắn ngày, kết hợp với các điểm du lịch nổi tiếng khác tại Vĩnh Phúc như hồ Đại Lải, Tam Đảo, thiền viền trúc lâm Tây Thiên, v.v… Dù không nổi tiếng như gốm Bát Tràng, Hà Nội nhưng làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phúc lại có nét đẹp và sức hút riêng. Nghề gốm ở đây đã có mặt từ cách đây hơn 300 năm nhưng cho đến những năm 1950 – 1970, khi xuất hiện hợp tác xã gốm thì làng nghề mới thực sự lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm gốm cung cấp cho các khu vực gần xa. Đây cũng có thể nói là thời điểm hưng thịnh nhất của làng gốm Hương Canh lúc đó. Giờ đây, làng nghề đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn quyết tâm tồn tại, trở thành một trong những làng nghề độc đáo của miền Bắc nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Trong chuyến du lịch Tam Đảo, du khách có thể ghé qua để chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm với nét thẩm mỹ cao cũng như là hiểu hơn về lịch sử của một trong những làng nghề cổ này. Đường đi tới làng gốm Hương Canh không quá khó so với một số điểm du lịch khác trong Vĩnh Phúc. Những du khách du lịch Tam Đảo tự túc có thể thuê xe máy hoặc đi xe buýt từ các bến xe của Hà Nội để tiết kiệm chi phí, còn đối với những khách đoạn nên di chuyển bằng ô tô hoặc là đi tour sẽ là hợp lý nhất. Từ thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc du khách có thể đi theo tuyến quốc lộ 2, hỏi đường về UBND xã Bình Xuyên, đi một đoạn nữa là sẽ tới ngay làng gốm Hương Canh. Còn nếu đi từ Hà Nội, du khách chỉ cần chạy xe máy đi theo quốc lộ 23, tới cầu Lò Cang rồi hỏi đường vào làng gốm. Đây thực sự là điểm đến cho những ai yêu thích nghệ thuật làm gốm cũng như là có niềm đam mê với các sản phẩm gốm truyền thống. Đến với làng gốm, du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn và chạm tay vào những sản phẩm gốm truyền thống nhu chậu, chai, lọ, chum, vại,… Ngoài ra, để tạo sự đa dạng phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ, làng gốm không chỉ chuốt gốm mà còn các loại đồ mỹ nghệ, bức phù điêu bằng gốm vô cùng độc đáo, có giá trị. Một điều thú vị khác là loại đất sét dùng để nặn gốm ở đây là dòng đất sét xanh, nhiều thịt nên khi sản phẩm hình thành có độ dày, màu sắc đẹp và hơn hết là sở hữu nhiều công dụng hơn là một sản phẩm để trưng bày. Những chiếc bình gốm dùng để pha trà sẽ giúp giữ được độ nóng và vị trà rất lâu, càng tuyệt vời hơn khi để đựng rượu vì rượu sẽ không bị giảm đi độ cồn mà còn ngon hơn nếu để lâu. Đặc biệt, do đặc trưng về nguyên liệu nên khi dùng tay để gõ vào, các sản phẩm gốm đều tạo ra tiếng kêu leng keng rất thú vị hệt như những sản phẩm bằng kim loại. Ngày nay, để đáp ứng được nhu cầu và tính thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng, các nghệ nhân tại đây đã đổi mới, sáng tạo nhưng đồng thời cũng giữ lại những sản phẩm truyền thống không chỉ đẹp mà còn đa dạng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người dân địa phương. Đến làng gốm nơi đây, du khách cũng đừng bỏ lỡ cơ hội được ngồi nghe các nghệ nhân kể về lịch sử tạo ra gốm, hiểu hơn về quy trình làm gốm và thích thú nhất vẫn là "vào vai" một nghệ nhân gốm thực thụ để tự tạo nên những sản phẩm gốm handmade. Đây cũng chính là những trải nghiệm tuyệt vời hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn những giây phút đáng nhớ và ý nghĩa nhất khi đến với làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phúc.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Hồ Xạ Hương

Ẩn mình giữa thung lũng núi Con Trâu, thuộc xã Minh Quang huyện Tam Đảo Vĩnh Phúc, hồ Xạ Hương chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km nên rất dễ để bạn có một chuyến đi phượt bằng xe máy tới đây. Hồ rộng hơn 83ha, là một hồ nước ngọt nhân tạo được đào vét từ năm 1984. Bao quanh hồ là những ngọn núi non trùng điệp theo đúng như ý tưởng thiết kế ban đầu là hồ trên lưng núi. Một năm hồ Xạ Hương có hai mùa nước là mùa ngập nước và mùa nước vơi. Tuy nhiên vào mùa nào thì hồ cũng đẹp, cũng sạch như vậy. Trải qua hơn 30 năm, hồ vẫn luôn giữ được vẻ đẹp đến nao lòng, cảnh sắc thiên nhiên quanh vẫn như những bức tranh sơn thủy hữu tình mê hoặc bao du khách ghé qua đây. Mỗi khi đất trời giao mùa, hồ Xạ Hương lại khoác lên mình một vẻ đẹp yêu kiều mê hoặc khác nhau. Vào mùa xuân, những chồi non bắt đầu chớm nở, hồ Xạ Hương cũng như hòa mình cùng núi rừng cỏ cây vươn mình sau những ngày tháng mùa đông giá rét. Khung cảnh thiên nhiên mộng mơ của những cánh hoa sim tỏa sắc hai bờ, của làn nước phẳng lặng của những rặng cây đang căng tràn nhựa sống khiến nàng thơ của mảnh đất Tam Đảo trở nên xinh đẹp biết nhường nào! Hạ đến cũng là sự xuất hiện của những ánh nắng vàng rực rỡ làm mặt nước Xạ Hương cũng rạo rực đáp lời chào mùa hạ. Cái nắng gay gắt của mùa hè có lẽ cũng phải chịu khuất phục trước không khí mát mẻ, những cơn gió mát lạnh lùa qua rừng cây mặt nước. Một thời điểm vô cùng thích hợp cho các dân phượt Tam Đảo cắm trại. Thu sang, thời điểm mà cảnh sắc của hồ Xạ Hương được phô ra những gì đẹp nhất, quyến rũ nhất. Cả một bầu trời trong xanh với những đám mây trắng hững hờ thả trôi in bóng xuống mặt nước trong veo. Nàng thơ của Tam Đảo được núi rừng hùng vĩ điểm những sắc vàng, sắc đỏ tô thắm. Cả một vùng trời mộng mơ, bình yên khiến bất kỳ một lữ khách nào cũng ngỡ như mình đang lạc vào một chốn Châu Âu nào đó. Đông ghé qua, sự lạnh lẽo của hồ Xạ Hương lại làm nên một vẻ đẹp ma mị đầy quyến rũ. Hòa quyện cùng làn sương trắng xóa buốt giá, núi rừng cũng trở nên trầm mặc hơn. Những ngày đông hồ lại gợi lên trong tâm hồn ai đó một nỗi niềm thật khó tả.

Từ tháng 1 đến tháng 12

Vườn quốc gia Tam Đảo

Vườn quốc gia này nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, trải dài 80 km và thuộc địa phận của 3 tỉnh (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang). Hiện nay, khu du lịch trong khuôn viên vườn quốc gia được khai thác tại Vĩnh Phúc, cho phép du khách ghé qua tham quan và nghỉ dưỡng. Sở hữu diện tích lên đến 34.995 ha, đây là khu rừng sinh thái lớn nhất miền Bắc. Đặc biệt, hệ sinh thái ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ lên tới 70%. Nơi đây nằm trong khu vực núi nên khí hậu có sự phân chia rõ ràng theo độ cao. Với độ cao dưới 700-800m, khí hậu ở vườn quốc gia Tam Đảo đặc trưng bởi độ ẩm cao, nhiệt độ mát mẻ vào ban ngày và trở lạnh khi đêm xuống. Nhờ đó, thảm thực vật luôn xanh tốt quanh năm, tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi mát khiến nhiều du khách thích thú. Ngoài ra, dãy núi Tam Đảo được chia thành sườn Đông và sườn Tây với đặc điểm khí hậu khác nhau. Nhờ đó, hệ sinh thái ở nơi này vô cùng đa dạng với nhiều tầng và nhiều loài. Khi đến đây, bạn sẽ biết thêm nhiều điều kỳ thú về thiên nhiên và được chiêm ngưỡng nhiều cảnh quan độc đáo ở các phân khu khác nhau trong khuôn viên vườn quốc gia. Ngay khi đặt chân đến đây, bạn đã có thể cảm nhận bầu không khí mát mẻ, khác hẳn với khói bụi nơi thành thị. Với thời tiết dễ chịu và cảnh quan xanh mát, du khách sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái khi bước đi trên những con đường mòn tại đây. Kể cả vào mùa hè, những tán cây cổ thụ rộng lớn cũng làm dịu đi ánh nắng chói chang chiếu xuống mặt đất. Vườn quốc gia còn được biết đến với các con đường xuyên rừng, nơi bạn có thể tản bộ qua rừng trúc bí ẩn và lắng nghe tiếng chim hót líu lo. Trên đường đi, du khách sẽ thấy những loài hoa đặc trưng của Tam Đảo như đỗ quyên, phong lan,… Việc đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp sẽ giúp bạn quên đi những âu lo, mỏi mệt và tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn nhất. Vườn quốc gia còn được biết đến với các con đường xuyên rừng, nơi bạn có thể tản bộ qua rừng trúc bí ẩn và lắng nghe tiếng chim hót líu lo. Trên đường đi, du khách sẽ thấy những loài hoa đặc trưng của Tam Đảo như đỗ quyên, phong lan,… Việc đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp sẽ giúp bạn quên đi những âu lo, mỏi mệt và tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn nhất. Đặc biệt, khi đứng ở độ cao 1.300m, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh của vườn quốc gia với thảm thực vật xanh tốt. Đây có thể là phông nền hoàn hảo cho các bức ảnh “sống ảo” của bạn. Trong hành trình này, nhiều du khách còn tranh thủ check-in tại rừng trúc và ghé thăm chùa Đồng Cổ trên đỉnh Thiên Thị. Dọc theo tuyến đường xuyên rừng có nhiều bãi đất bằng phẳng, thích hợp cho hoạt động cắm trại qua đêm. Theo kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Tam Đảo, du khách nên dành một ngày khám phá hết các điểm tham quan tại đây và dừng chân cắm trại qua đêm. Khung cảnh thơ mộng và tiếng suối chảy róc rách sẽ khiến bạn có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Các hoạt động như đốt lửa trại, tổ chức tiệc nướng ngoài trời hay ngắm sao sẽ giúp bạn có thêm nhiều kí ức khó quên bên bạn bè, người thân. Du khách có thể lưu lại một số địa điểm cắm trại được nhiều người lựa chọn như lầu Gió, đồi Mây, đồi Gió,... Nếu không có thời gian ở lại qua đêm, bạn hãy tổ chức cắm trại vào buổi trưa và quay về trung tâm thị trấn lúc hoàng hôn. Du khách có thể lựa chọn lưu trú tại một trong các khách sạn ở huyện Tam Đảo để hành trình khám phá được thuận tiện nhất.

Tháng 4 đến tháng 10