Chỉ Bạc Liêu có đồng hồ đá cổ trên trăm năm, đến nay vẫn cực kỳ chính xác. Tại đây còn có tháp cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn, ngoài ra du khách còn được ăn trái từ cụ xoài trên 300 tuổi.
Chỉ Bạc Liêu có đồng hồ đá cổ trên trăm năm, đến nay vẫn cực kỳ chính xác. Tại đây còn có tháp cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn, ngoài ra du khách còn được ăn trái từ cụ xoài trên 300 tuổi.
"Cụ xoài" trên 300 tuổi – cây di sản Việt Nam
Chiều cao cây khoảng 20m, tán lá tỏa rộng trên 300m2, gốc xoài to “6 người ôm”, nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km, tọa lạc tại ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.
Đây là vùng đất ven biển, nước mặn quanh năm, nhưng dưới gốc cây xoài lại có mạch nước ngầm, điều đặc biệt mạch nước này là nước ngọt, chính mạch nước này đã giúp cho cây xoài tươi tốt quanh năm, người dân nơi đây đã đào hố để lấy nước ngọt sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Truyền thuyết kể rằng: Thời kỳ đó vẫn còn là nơi rừng thiêng nước độc, có rất nhiều thú dữ, dưới gốc xoài đã xuất hiện một con cọp, nhưng nó lại hiền lành đến kỳ lạ, không bao giờ quấy phá dân làng, mà ngược lại người dân còn cảm thấy được con hổ này bảo vệ.
Chính vì thế, dân làng đã tôn cọp thành “Thần Hổ”, mỗi năm vào ngày 28/7 âm lịch đều tổ chức cúng bái long trọng dưới gốc cây xoài, việc cúng lễ vật cho “Thần Hổ” đã trở thành tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương để cầu mọi sự an lành, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mặc dù tuổi thọ cao, nhưng hàng năm xoài vẫn ra hoa và rất sai trái, đặc biệt trái xoài rất thơm ngọt, đến mùa xoài chín, hương thơm lan tỏa khắp cả một vùng, người dân nơi đây thường rất tự hào gọi là “Cụ Xoài”.
Hiện nay, cây xoài là một trong những điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách và là điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân địa phương. Với tuổi thọ và đặc điểm hiếm có, năm 2015, cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Hiện nay, cây xoài cổ thụ thuộc quyền sở hữu, quản lý của Ban trị sự miếu Huỳnh thiên Thượng Đế.
Tháp Cổ Vĩnh Hưng
Cách trung tâm thành Bạc Liêu khoảng 20 km, tháp cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, được phát hiện vào năm 1911.
Tháp cổ Vĩnh Hưng được cho là một trong những kiến trúc của nền văn hóa Óc-eo còn sót lại ở vùng Tây Nam Bộ. Qua nhiều đợt khảo sát trong khu vực, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều mảnh gốm, nhiều tượng đồng, với những chứng tích có giá trị của một nền văn hóa lâu đời, Tháp cổ đã được Bộ văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.
Trải qua hơn một nghìn năm, bên ngoài tháp đã bị bong tróc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phải ra tận miền Đông tìm đất mang về nung thành những viên gạch để phục chế một phần phía trước đã bị hư hỏng.
Bên trong Tháp, gạch phía dưới màu nâu đỏ, từ độ cao 4,15 m trở lên gạch màu trắng xám có kích thước lớn hơn nhưng nhẹ hơn gạch phía dưới.
Những cuộc hội thảo trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ nhận định Tháp Vĩnh Hưng không phải là một di tích đơn lập hay đơn độc mà cùng với di tích cổ này còn có các di tích khác nhau thuộc dạng cư trú, sinh hoạt phân bổ ở nhiều nơi trong vùng Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, các di tích ấy đã trở thành phế tích, ghi lại dấu vết của một khu cư dân khá lớn đã phát triển, tồn tại từ cách nay nhiều thế kỷ. Hiện chỉ có tháp Vĩnh Hưng còn bảo tồn được khá nguyên vẹn cho đến nay.
Ngày nay, Tháp cổ đã được tôn tạo trùng tu, xây dựng phòng trưng bày các hiện vật khai quật được cũng như những tư liệu có liên quan đến tháp cổ này. Chính điều này đã thu hút nhiều du khách đến với Tháp cổ Vĩnh Hưng để tìm hiểu sâu hơn về một thời vàng son của nền văn hóa Oc-eo, là một trong những điểm tham quan đặc biệt không thể thiếu trong hành trình tham quan, khám phá du lịch Bạc Liêu.
Đồng hồ đá duy nhất tại Việt Nam
Đồng hồ đá hay còn gọi là “đồng hồ Thái Dương”, “đồng hồ mặt trời” được nhà khoa học Lưu Văn Lang (1880 - 1969), người quê ở làng Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp thiết kế và xây dựng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20, trong khuôn viên của khu Tòa tham biện tỉnh Bạc Liêu (nay nằm trên đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu).
Đây là chiếc đồng hồ duy nhất ở Việt Nam, và là chiếc thứ hai có trên thế giới. Thoạt nhìn thì đây chỉ là một khối bê tông với những con số La mã có trên bề mặt tưởng chừng như bình thường.
Đồng hồ này đặc biệt ở chỗ chỉ dùng ánh sáng của mặt trời mà không dùng bất cứ loại máy móc nào, hay bất kỳ một thứ kim loại nào, đồng hồ có chiều cao khoảng 0,8m, rộng 1m, trên bề mặt đồng hồ kẻ 12 chữ số La Mã phân định đều nhau, giữa mặt đồng hồ xây một cái gờ nhô lên, cái gờ này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số, phân chia đồng hồ thành hai phần sáng và tối. Phần ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào có màu tối, phần còn lại do không bị gờ che ánh sáng nên có màu sáng rõ hơn.
Nơi tiếp giáp giữa hai màu đó là điểm giờ trong ngày, nhìn vào điểm tiếp giáp đó hiện ở khu vực nào trên mặt đồng hồ, người ta sẽ biết lúc đó là mấy giờ. Nói cách khác, ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật sẽ tạo ra một vệt sáng, tối. Con số nào nằm trong lằn ranh giữa vệt sáng và tối đó chính là số giờ. Sáng sớm, mặt trời vừa mọc thì “chiếc kim” rọi ngay số 7. Mặt trời dần cao đến độ nào thì “chiếc kim” rọi dần lên các con số chỉ giờ cao hơn, cho đến khi đứng bóng thì chỉ đúng số 12.
Trời trở về chiều, bóng lại nghiêng theo đúng thứ tự thời khắc. Đến khi “chiếc kim” hạ dần tới bậc tam cấp thấp nhất thì mặt trời đã lặn.
Trải qua hành trình hơn 100 năm, chiếc đồng hồ này hiện vẫn chỉ giờ chính xác đến mức sai số dao động không quá 2 phút so với đồng hồ điện tử đeo tay hiện nay. Đây là một công trình khoa học, được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006.
Giờ đây, du lịch Bạc Liêu không chỉ thu hút du khách bởi những cung điệu của bản Dạ cổ hoài lang, hay các giai thoại công tử Bạc Liêu, mà còn được biết đến một trong những nơi lưu giữ được một bảo vật quý hiếm của Việt Nam. Chiếc đồng hồ mặt trời với tuổi đời trên 100 năm giống như minh chứng cho tài năng và sức sáng tạo của người Việt. Vì thế, nếu ghé đến Bạc Liêu thì bạn đừng bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng đồng hồ mặt trời này nhé.
Bạc Liêu
1639 lượt xem
Ngày cập nhật
: 19/10/2023
N.Nguyệt