Chùa Bà Thiên Hậu

Là một di tích văn hóa của tỉnh Bình Dương. Miếu bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” thường được người dân quen gọi là chùa Bà có kiến trúc theo lối cổ, là nơi thờ tự tôn nghiêm, một điểm hành hương rất quen thuộc của người dân Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Là một di tích văn hóa của tỉnh Bình Dương. Miếu bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” thường được người dân quen gọi là chùa Bà có kiến trúc theo lối cổ, là nơi thờ tự tôn nghiêm, một điểm hành hương rất quen thuộc của người dân Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Chùa Bà hiện nay tọa lạc tại số 4, đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương và một ngôi chùa Bà mới được khánh thành vào tháng 1/2013 ở trung tâm thành phố mới Bình Dương. Tuy nhiên, khi nhắc đến chùa Bà ở Bình Dương, người ta thường nghĩ ngay đến chùa Bà ở thành phố Thủ Dầu Một.

Cổng chùa Bà

BÀ THIÊN HẬU THÁNH MẪU

Theo truyền thuyết được ghi ở tấm bia đá đặt ở chùa, Bà sinh vào thời Tống Kiến Long nguyên niên (Công nguyên 960), là con thứ 6 của gia đình họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi mới lọt lòng mẹ, Bà đã toả ánh hào quang và hương thơm. Lớn lên, Bà thường cưỡi thảm bay lượn trên biển và du ngoạn nhiều nơi. Đến đời Tống Ung Hy tứ niên (Công nguyên 987), năm 27 tuổi Bà từ giã cõi trần và hiển linh. Đời Nguyên, Bà được phong là Thiên Phi, đến đời Thanh, vua Khang Hy gia phong làm Thiên Hậu. Và danh hiệu Thiên Hậu tồn tại cho đến nay.

Từ truyền thuyết dân gian đã chuyển hoá thành tín ngưỡng và Bà được những thế hệ sau hương khói, phụng thờ ở nhiều nơi. So những điều ghi ở bia đá nói trên với một số truyền thuyết về Bà ở các chùa khác thì có ít nhiều khác biệt, nhưng nhìn chung họ đều ca ngợi suy tôn Bà là một người phụ nữ đức hạnh, hiếu thảo, xả thân cứu người đời và khi chết hiển linh, được các triều đại phong kiến Trung Quốc phong tặng. Đề cao Bà Thiên Hậu, ngưỡng mộ và phụng thờ Bà như một vị hiển thánh, bà con người Hoa muốn thông qua tấm gương của Bà mà giáo dục cộng đồng của mình hãy học tập lòng hiếu thuận, đức nhân hậu của Bà, sống có đạo nghĩa. Mặt khác, trên con đường vượt sóng gió biển khơi, đi về hướng Nam tìm đất lập nghiệp đầy gian truân, họ luôn cầu nguyện Bà giúp đỡ, phù hộ và sau khi đã định cư, ổn định đời sống, sum họp đông vui, làm ăn phát đạt trên đất Việt Nam, quê hương thứ hai của họ, họ cùng nhau lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bà.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CHÙA

Chùa được xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ XIX, lúc đầu chùa tọa lạc tại con rạch Hương Chủ Hiếu (nay đã xây dựng lại ngôi miếu trên vị trí ban đầu của xưa kia). Người xưa đã chịu ảnh hưởng của quan niệm dân gian là địa thế xây cất miếu Bà thường tuân theo nguyên tắc kiến trúc điện mẫu, tức là luôn mang yếu tính nữ trong xây cất, một trong yếu tố nữ là điện thờ nên chọn nơi gần sông, suối, ao, hồ… nghĩa là gần nơi có nước, vì nước mang yếu tố âm, mang tính nữ.

Đến năm 1923, bốn Bang người Hoa (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hẹ) chung sức tái tạo, dời ngôi chùa về vị trí như ngày nay.

VỀ KIẾN TRÚC, THỜ TỰ, TRANG TRÍ, NỘI THẤT

Toàn bộ ngôi chùa kiến trúc theo kiểu chữ tam gồm ba dãy nhà.

Vào sân chùa, trước cửa chánh điện có đặt một cái đỉnh lớn để những người đến chiêm bái cắm nhang.

Mái trước cửa chánh điện lợp ngói âm dương với những đường chỉ đắp nổi, trang trí lưỡng long tranh châu, cá chép hóa rồng. Hai bên đường viền của mái nhà là tượng “bà Mặt trăng”, những tượng quan văn, quan võ… tiêu biểu nhất lí âm dương và cũng là đặc trưng của lối kiến trúc người Hoa.

Ở giữa,  phía bên trên cửa chánh điện đề ba chữ "Thiên Hậu Cung, hai bên cửa là hai cặp câu đối ca ngợi công đức của Bà:

             Cặp câu đối thứ nhất:

Thánh đức phối thiên hải đức từ hành phổ tế

Mẫu nghi xưng hậu tang du trở đậu trùng quang.

Tạm dịch: Công đức của bậc thánh có thể sánh với trời, đức mênh mông như biển thuyền từ cứu vớt khắp cùng.

             Cặp câu đối thứ hai:

Thiên thượng từ hành nhân gian thánh mẫu

Hậu nghị cộng ngưỡng khôn đức trường tồn.

Tạm dịch: Tại thượng giới hiệu là từ hàng, tại nhân gian tồn là thánh mẫu. Bậc hậu oai nghi ai cũng tôn kính, đức dày mãi mãi với thời gian.

Trong chánh điện có treo nhiều cặp đối, nội dung các cặp đối là ngợi ca công đức và sự linh diệu của Bà trong việc cứu nhân độ thế, hơn nữa bà là vị nữ thần phò hộ cho người dân đi biển nên hầu hết các cặp đối đều có nhắc đến những hình ảnh có liên quan đến biển khơi và sự mong ước được sóng yên, bể lặng.

Tại chánh cung, thờ vị chánh thần là Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng có áo mão nghiêm trang và thường được thay mới hàng năm, hoặc hai, ba năm một lần. Bên trái điện thờ Bà là khám thờ Ngũ hành nương nương. Bên phải thờ Bổn, gọi là bổn đầu công công.

Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu

Hai bên tường có giá cắm tấm biển đề Túc Tĩnh - Hồi Tị, để kêu gọi mọi người nghiêm trang hoặc tránh ra mỗi khi có rước kiệu Bà đi trên đường. Cặp biển thứ hai đề Thiên Hậu Nguyên Quân (vị thần chủ việc tiền tài). Các cặp biển sắp theo thứ tự trong thờ tự cũng như trong diễu hành lễ rước bà. 

Trong điện còn có trưng bày giá cắm bát bửu là tám món bửu bối của tám vị tiên theo truyền thuyết của người Trung Hoa.

Hai dãy nhà hai bên chính điện có đề ở cửa cái chữ "Thất phủ, công sở", là nơi làm việc, hội họp và những kho chứa đồ đạc. Do vậy, mà bên trong phía bên phải ghi những chữ như: "Hữu thông" (đi suốt qua bên mặc), “Sự chi, Công lý” (mọi việc theo lẽ công). Bên trái ghi: “Dĩ lễ, Thủ chánh” (hãy theo lễ, giữ gìn cái chính), “Quảng nội” (rộng rãi bên trong), những chữ vắn tắt ấy như những khẩu hiệu nhắc nhở mọi người.

Nhìn chung, ngoài những lối kiến trúc, thờ phượng, những chùa miếu người Hoa còn có những nét đặc trưng nữa là những cây nhang vòng và lồng đèn có viết chữ Hán được treo rất nhiều.

Lễ hội chùa Bà được xem là một lễ hội văn hóa lớn nhất ở tỉnh Bình Dương,được tổ chức thường lệ mỗi năm vào 3 ngày từ ngày 13 đến ngày 15/1 âm lịch với nhiều chương trình lễ hội đặc sắc: lễ cúng Bà, đấu giá lồng đèn, rước kiệu Bà,…

20 Tháng 08, 2023 1332

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành