Hành Trình "Healing", Khám Phá Các Điểm Du Lịch Thiên Nhiên Hấp Dẫn Tại Tỉnh Gia Lai

Cùng khám phá những địa điểm thú vị ở Gia Lai – vùng đất của núi rừng Tây Nguyên Hãy nghe Đinh Thị Kim Thoa một travel blogger nổi tiếng bật mí .

   Trên hành trình khám phá dải đất hình chữ S, mình đã từng đến và dừng chân để trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên tại tỉnh Gia Lai, một vùng đất yên bình đậm nét của núi rừng Tây Nguyên, mộc mạc và không quá xô bồ. Nếu bạn nào đang cần một nơi để thư giãn, chữa lành và yêu thích thiên nhiên thì có thể lưu lại địa điểm này nhé!

   Điểm khởi đầu và không thể thiếu khi mình đến Gia Lai đó là ghé thăm tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, được đặt tại quảng trường Đại Đoàn Kết. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2010 và khánh thành năm 2013. Tượng Bác được thiết kế với độ cao 10,8 m, đúc bằng đồng nguyên khối. Ngay sau lưng của bức tượng là một bức phù điêu từ đá xanh tự nhiên trải dài với diện tích 600 m2 được cách điệu hình cánh sen. Đối diện tượng Bác có 216 ô cỏ xanh được liên kết bởi những tấm đá badan. Các nhà thiết kế đã dựng nên 54 cột bằng đá badan cao khoảng 3 m ngay bên phải tượng và được liên tưởng như hình của bó đũa, với ý nghĩa thể hiện về tình đoàn kết của 54 tộc người trên mảnh đất Việt Nam. Bên trái là phiến đá granit cao 4 m, rộng 3 m. Ở đó được khắc lên bức thư mà Bác Hồ đã gửi cho Ðại hội các dân tộc thiểu số ở miền Nam vào ngày 19-4-1946.

                 

                Hình ảnh tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai (nguồn: Ảnh sưu tầm)

   Bác ra đi trong bao niềm thương tiếc, với mong mỏi còn dang dở ghé thăm người con đất đỏ badan. Nay đã có tượng đài Bác cao lớn, đứng hiên ngang ngắm nhìn đồng bào Tây Nguyên thân thương, chân chất mà thật thà. Cũng như người dân luôn giữ trong tâm hình bóng Bác, trở thành điểm tựa sức mạnh tinh thần của sự trí thức và lòng yêu nước, vượt qua khó khăn nghịch cảnh, cùng nhau đoàn kết dân tộc, bảo vệ non sông gấm vóc và hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

   Đến đây, mình đã không khỏi bồi hồi, xúc động nghiêng mình thành kính trước tượng đài để tỏ lòng biết ơn đối với vị Chủ Tịch vĩ đại kính yêu của dân tộc Việt Nam ta và khâm phục trước sự hi sinh kiên trung bất khuất của tộc người Tây Nguyên trong công cuộc dựng xây tổ quốc.

   Địa điểm kế tiếp trên danh sách tham quan của mình đó là Biển Hồ Chè tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Pleiku,. Nghe qua tên gọi cũng đã phần nào miêu tả cảnh quan nơi đây. Thật vây, Biển Hồ Chè là một địa điểm chuyên trồng chè canh tác khoa học và đồng thời được dùng để phục vụ khai thác trong du lịch của tỉnh Gia Lai.

                               

                                    Hình ảnh Biển Hồ Chè xanh tươi đang vươn mình đón nắng sớm (nguồn: Ảnh sưu tầm)

   Lúc mình đi tham quan là vào tháng 1, trong những ngày đầu năm mới, thời tiết thì rất chiều lòng người, vô cùng mát mẻ và lý tưởng cho chuyến tham quan. Theo mình tìm hiểu thì Biển Hồ Chè được trồng vào thời Pháp thuộc và được xem là cánh đồng đầu tiên có mặt tại Gia Lai.

   Từ xa nhìn lại, cánh đồng chè rộng lớn cả ngàn hecta trải rộng ra phía chân trời, phủ xanh toàn cảnh, khiến ta cứ ngỡ đang lạc trong không gian của biển cả lại tựa êm không gợn sóng của mặt hồ. Khi đến đây, mình đã vô cùng thích thú và nhanh tay chụp thật nhiều bức ảnh để lưu lại khoảnh ấy. Không gian rộng lớn và có nhiều góc chụp hình đẹp nên mình đã thỏa thích tạo dáng mà không lo thiếu chỗ chụp hay dính hình của các du khách xung quanh.

          

                                          Checkin có bối cảnh từ thiên nhiên siêu sịn của Biển Hồ Chè (nguồn: Ảnh tự chụp)

   Địa điểm cuối mình ghé đến cũng không hề kém phần hấp dẫn. Chính là Biển Hồ Pleiku thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, nằm trong quần thể “khu du lịch sinh thái Lâm Viên Biển Hồ”. Đây là miệng núi lửa đã dừng hoạt động và hiện là hồ nước ngọt tự nhiên, chỗ sâu nhất khoảng 40m, tổng diện tích là khoảng 340ha. Nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn để trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái. Biển Hồ thường được du khách liên tưởng đến đôi mắt của Pleiku hay là lá phổi xanh của thành phố. Không biết các bạn có thấy quen không khi địa điểm này đã được nhắc đến trong bài hát “Đôi Mắt Pleiku” do nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác rất nổi tiếng về Tây Nguyên mà mình chắc rằng nhiều bạn đã từng một lần nghe qua: “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Vẻ đẹp của Biển Hồ tựa như đôi mắt to tròn, dịu dàng, trong trẻo của nàng dân nữ Pleiku khi chào đón người phương xa ghé thăm.

   

                                             Cảnh Biển Hồ Pleiku được bao trọn trong tầm mắt (nguồn: Ảnh sưu tầm)

   Để tham quan Biển Hồ cao 800m so với mặt nước biển, mình đã lựa chọn đi bộ để tận hưởng bầu không khí trong lành và chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Mình men theo đường dốc thoai thoải được xây bê tông trông khá thoáng đãng và sạch sẽ, con đường tham quan thẳng tắp bao quanh dưới tán rừng thông, khóm hoa Dã Quỳ và cỏ dại xanh tươi. Đi bộ tầm 10 phút mình bắt gặp tượng Phật Bà Quan Âm, đó cũng chính là điểm dừng chân để chiêm ngưỡng rõ và đẹp nhất của Biển Hồ. Theo mình tìm hiểu thì tượng Phật cao 15,3m, làm bằng đá nguyên khối lấy từ tỉnh Ninh Bình. Sau lưng tượng là bức chắn phong thủy, ở đó có 5 cột bằng đá tượng trưng cho ngũ hành theo 5 ngọn núi là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

   

                                    Mặt hồ phẳng lặng và yên bình giữa không gian núi rừng Tây Nguyên (nguồn: Ảnh sưu tầm)

   Biển Hồ Pleiku có màu xanh ngọc, kết hợp với những tàn tích của nham thạch được bao trọn trong nền trời xanh thẳm đặc trưng của những ngày se lạnh, phản chiếu lấp lánh ánh nắng len theo mặt hồ đã tạo nên hiệu ứng vô cùng đẹp mắt như bức tranh thủy mặc huyền diệu, khiến cho mình và các bạn du khách tham quan khi chiêm ngưỡng cũng phải trầm trồ, đắm say.

   Còn gì tuyệt vời hơn khi bản thân vừa được hòa mình vào không gian linh thiêng, trầm mặc của tín ngưỡng Phật giáo lại vừa được chiêm ngưỡng cảnh sắc thơ mộng của Biển Hồ mênh mông, phẳng lặng khẽ trôi. Bản thân còn được chinh phục miệng núi lửa cao hàng trăm mét rất thú vị. Mọi thứ dần trở nên nhẹ nhàng và thư giãn, tưởng chừng lạc vào mộng cảnh, đâu đó lại ngân vang lên bản nhạc hương rừng “Em đẹp thế Pleiku ơi, trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/ Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku biển hồ đầy”.

   Qua những cảm nhận của mình, mong rằng các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn địa điểm du lịch phù hợp và mình chúc rằng bạn sẽ có những cảm xúc tuyệt vời như mình đã từng cảm nhận tại vùng đất Tây Nguyên này nhé! Cảm ơn bạn đã đọc.


04 Tháng 07, 2024 414

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành