HÒA MÌNH VÀO LỄ HỘI MỪNG LÚA MỚI CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC BA NA - GIA LAI

Khi khắp các cánh đồng lúa chín rực lên ánh vàng cũng là lúc người đồng bào dân tộc Ba Na ở tỉnh Gia Lai nô nức chuẩn bị cho lễ hội mừng lúa mới. Hãy nghe Trần Thị Trà My (Gia Lai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Gia Lai - một mảnh đất trù phú với những rừng cây đại ngàn, những đồi chè, cao su, cà phê rộng lớn. Gia Lai để lại trong mắt du khách khi đến đây chính là cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và vô cùng hùng vỹ. Thế nhưng, điều làm nên sự độc đáo và khác biệt ở mảnh đất này còn nằm ở những hoạt động, lối sống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như các món ăn đặc sản hay những lễ hội truyền thống như Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya, Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô,...và đặc biệt hơn hết có thể phải kể đến lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Ba Na ở Gia Lai.

Lễ hội mừng lúa mới ở Gia Lai (Ảnh: sưu tầm).

Từ khoảng tháng 10 đến tháng 11, trên khắp cánh đồng của đồng bào dân tộc Ba Na tại xã Hà Tây huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai, màu vàng rực rỡ của những ruộng lúa tô điểm cả một không gian rộng lớn. Ai ai cũng háo hức thu hoạch, khi trong kho đã được chất đầy lúa cũng là thời điểm mà bà con nơi đây tổ chức lễ mừng lúa mới. Đây được coi là một lễ hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mục đích để dân làng cảm tạ thần linh đã giúp cho họ có một mùa vụ bội thu vì họ tin rằng ở xung quanh mình luôn có những vị thần giúp đỡ họ, chẳng hạn trong nông nghiệp thường có thần núi, thần sông, thần lúa,... và ngoài ra tùy vào từng cộng đồng mà họ còn có những vị thần khác nhau.

Lễ mừng lúa mới được tổ chức rất thiêng liêng và trang trọng tại nhà rông - nơi diễn ra những hoạt động và sự kiện quan trọng của bản làng, để cộng đồng cùng tạ ơn đất trời và hưởng thụ thành quả lao động trong một năm. Người dân chuẩn bị kỹ lưỡng từ những phần lễ vật quý giá nhất, con heo mập ú, đôi gà, ghè rượu cần sóng sánh với cùng những hạt cốm xanh mướt thơm lừng được làm từ chính những hạt lúa mới vừa hái. Không khí lễ hội ngập tràn tiếng cười nói rộn rã, tiếng cồng chiêng vang vọng và hương thơm nồng nàn của các lễ vật, tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân bản địa.

Lễ hội mừng lúa mới ở Gia Lai (Ảnh: sưu tầm).

Ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na sinh sống. Tại đây được chia thành 9 làng và trong đó sẽ có một già làng đứng đầu hoặc do một hội đồng già làng đứng đầu. Và tất nhiên, ở đây già làng sẽ là người có địa vị cao nhất cũng như là người có uy tín nhất trong làng được mọi người vô cùng tin tưởng giao trọng trách hướng dẫn dân làng tiến hành trình tự lễ cúng và chủ trì nghi lễ.

Trước một ngày diễn ra lễ mừng lúa mới người dân sẽ đi lấy lúa về và làm cốm, tất cả mọi người trong buôn làng ai cũng có nhiệm vụ để chuẩn bị cho nghi lễ, những người đàn ông khỏe mạnh thì sẽ dựng dàn cúng còn phái nữ thì cột ghè rượu, khiêng nước hay sắp xếp bàn cúng,... Tất cả đều được chuẩn bị chu đáo để cho nghi lễ của làng được diễn ra một cách trang trọng và không có bất kỳ sai sót nào.

Khi nghi lễ diễn ra, các thầy cúng sẽ bắt đầu làm lễ, trình tự sẽ đi từ cúng tổ tiên (yang so), cúng các thần linh (thần núi, thần sông,…), lễ cúng ma (a tâu). Già làng sẽ thay mặt người dân trong buôn dâng lễ vật lên thần linh, cảm tạ và cầu khấn, mong rằng thần linh sẽ phù hộ cho tất cả người dân nơi đây sẽ gặp may mắn trong lao động sản xuất, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con luôn khỏe mạnh không đau ốm, bệnh tật.

Lễ hội mừng lúa mới ở Gia Lai (Ảnh: sưu tầm).

Điều làm nên sự đặc biệt của buổi lễ chính là ngọn nến được thắp sáng trên miệng ghè rượu, theo quan niệm của đồng bào Ba Na, họ cho rằng ánh sáng ấy sẽ thắp sáng cuộc sống cũng như đưa đường dẫn lối để người dân trong buôn làng sẽ không bao giờ phải lạc lối. Một số nơi khi kết thúc lễ mừng lúa mới già làng sẽ lấy một bó lúa ném lên mái nhà rông, hành động này tượng trưng cho mong muốn vào vụ mùa tiếp theo sẽ tiếp tục được các vị thần giúp đỡ để lúa gạo đầy kho, bà con ấm no hạnh phúc.

Khi cúng xong, tiếng cồng chiêng cũng bắt đầu vang lên, đội múa xoang cùng những nghệ nhân của đội cồng chiêng sẽ đi biểu diễn ở xung quanh và lần lượt uống các ghè rượu và ăn cốm do người dân trong làng mời. Và tất nhiên trong buổi lễ sẽ không thể nào thiếu đi sự xuất hiện những món ăn truyền thống của người đồng bào Ba Na, những món ăn giản dị được làm từ những hạt lúa được người dân tận tâm chăm sóc hay những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà không nơi nào có được. Sau đó cả làng sẽ cùng hòa vào lễ mừng lúa mới, quây quần bên những ghè rượu, cùng nhau chuyện trò, ai ai cũng hy vọng mùa vụ tiếp theo ấm no và bình an tạo nên một không khí vô cùng hân hoan nơi bản làng.

Lễ hội mừng lúa mới ở Gia Lai (Ảnh: sưu tầm).

Đây là dịp không chỉ để thể hiện lòng biết ơn “hồn lúa” đã sinh sôi nảy nở và cảm ơn thần linh đã ban tặng lương thực nuôi sống con người mà đây còn là dịp để tất cả bà con có thể hội tụ gặp mặt, để mọi người có thể tạm nghỉ ngơi và vui vẻ cùng nhau sau một năm làm việc vất vả giúp mọi người trong cộng đồng có thêm tinh thần đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống.

Lễ mừng lúa mới là một nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Ba Na nói riêng và một số dân tộc thiểu số khác nói chung, tuy đã có từ rất lâu nhưng ngày nay vẫn được các thế hệ gìn giữ và phát triển để mọi người trên cả nước hay cả những du khách nước ngoài đều có thể biết đến văn hóa dân tộc tại địa phương cũng như sự độc đáo của lễ hội này.

28 Tháng 10, 2024 301

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành