Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel
Tải ứng dụng 63Stravel
Chẳng quá ồn ào cũng chẳng quá phô trương nhưng hồ đập Tân Sơn lại sở hữu sự duyên dáng và sức hút khó cưỡng. Hãy nghe Trần Thị Trà My (Gia Lai) một travel blogger nổi tiếng bật mí .
Cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 25 km về phía Bắc, hồ đập Tân Sơn – hay còn gọi là hồ thủy lợi Tân Sơn – một điểm đến đẹp như tranh vẽ, nép mình yên bình giữa lòng xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah. Con đập này nằm trên cung đường dẫn đến ngọn núi lửa Chư Đăng Ya huyền thoại và được xây dựng từ năm 2007 và hoàn thành vào năm 2010. Đập Tân Sơn đã âm thầm tưới mát cho cả một vùng đất rộng lớn, nơi những cánh đồng, vườn rẫy phụ thuộc vào dòng nước quý giá trong mùa khô khắc nghiệt.
Vẻ đẹp giản dị nhưng quyến rũ của hồ đập Tân Sơn (Ảnh: sưu tầm).
Hành trình đến đập nước Tân Sơn không chỉ là chuyến đi khám phá vẻ đẹp của quê hương mà còn là dịp để tôi thấu hiểu hơn về mảnh đất đã nuôi dưỡng mình. Đập nước Tân Sơn hiện lên trước mắt tôi như một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống, nơi mà những mảng xanh bất tận bao trùm không gian, khiến tâm hồn bất giác trở nên yên bình.
Không nằm gần khu dân cư, nơi này tựa như một chốn bình yên tách biệt khỏi thế giới ồn ào ngoài kia. Tựa lưng vào ngọn Tiên Sơn hùng vĩ, đập Tân Sơn như một "chiếc túi khổng lồ" đón nhận những dòng nước quý giá từ hàng trăm con rạch, sông suối trên núi chảy về. Người ta thường ví von nơi đây là "nguồn nước trời" và quả thực, đứng trước mặt hồ rộng mênh mông gần 18km tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp đơn sơ mà cuốn hút đến kỳ lạ.
Vào mùa mưa, mặt hồ xanh thẳm, đầy tràn nguồn nước dồi dào mang đến khung cảnh trù phú và trong trẻo đến nao lòng. Khi mùa khô đến, nước rút, để lộ ra lòng hồ với những dải đất đỏ và những tảng đá lớn phủ rêu xanh, đẹp một cách hoang sơ và khác biệt. Đặc biệt, những nhánh thông bị ngâm lâu dưới nước trong mùa mưa, khi trồi lên sẽ lộ ra lớp xám bạc đầy ma mị, khiến khung cảnh như bước ra từ một giấc mơ huyền bí. Tôi đứng trên thân đập chính, phóng tầm mắt ra xa, trước mặt là màu xanh mướt của rừng thông soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng tựa ngọc bích, sóng nước lấp lánh đuổi nhau từng đợt, bên tai là tiếng chim ríu rít như lời thì thầm của thiên nhiên.
Vẻ đẹp giản dị nhưng quyến rũ của hồ đập Tân Sơn (Ảnh: sưu tầm).
Bên kia hồ, thung lũng hiện lên với những vạt hoa xuyến chi, ngũ sắc và những đám cỏ đuôi chồn đang lặng lẽ khoe sắc dưới ánh nắng dịu nhẹ biến nơi đây thành một bức tranh đa sắc hoàn mỹ, đẹp đến mê hồn. Tôi như bị cuốn vào khung cảnh ấy, nơi đất trời hòa quyện, nơi mỗi nhịp thở đều tràn ngập mùi hương của cỏ cây, hoa lá. Đập Tân Sơn quy mô không lớn như những công trình thủy lợi khác nhưng chính sự giản dị và duyên dáng đã làm nên vẻ đẹp riêng đầy mê hoặc của nó, một vẻ đẹp mà bất cứ ai đặt chân đến cũng đều không thể rời mắt, không thể rời lòng.
Tại đây, tôi không chỉ thỏa sức ngắm nhìn khung cảnh mênh mông của mặt hồ mà còn tìm thấy những góc check-in đẹp như tranh vẽ. Từ cây cầu dẫn ra giữa hồ, bờ kè của đập đến những rừng thông xanh ngút ngàn hay những đồi hoa khoe sắc bên hồ – mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng, khiến tôi không ngừng mê đắm. Những mảng màu thiên nhiên hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh sống động.
Điểm đặc biệt ở nơi này không chỉ là vẻ đẹp của nó, mà còn là sự tiện lợi khi bạn có thể dễ dàng kết hợp chuyến đi với những điểm đến nổi tiếng khác của Gia Lai. Chùa Bửu Minh, Biển Hồ, hàng thông ngàn tuổi hay núi lửa Chư Đăng Ya – tất cả như những viên ngọc quý tạo nên một hành trình đầy ắp kỷ niệm.
Vẻ đẹp giản dị nhưng quyến rũ của hồ đập Tân Sơn (Ảnh: sưu tầm).
Hồ đập Tân Sơn không chỉ là một công trình thủy lợi mà còn là một tác phẩm thiên nhiên tuyệt đẹp, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Giữa khung cảnh mênh mông, nơi mà màu xanh của rừng, màu ngọc bích của hồ hòa quyện với nhau, tôi cảm nhận được nhịp đập của mảnh đất quê hương. Hãy một lần đặt chân đến đập Tân Sơn để cảm nhận sự yên bình, để thấy lòng mình hòa vào vẻ đẹp thuần khiết của đất trời Gia Lai.