GHÉ THĂM LÀNG GỐM LÁI THIÊU - NƠI LƯU GIỮ NÉT ĐẸP CỦA VÙNG NAM BỘ

Nằm khuất trong khu dân cư TP.Thuận An, Bình Dương lò nung gốm xây dựng hơn năm mươi năm vẫn miệt mài nhóm lửa với mong muốn gìn giữ nét văn hoá đặc trưng của người dân Nam Bộ. Hãy nghe Mỹ Ngọc Hà Nội một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Bình Dương nổi tiếng những làng nghề thủ công truyền thống do được thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều điều kiện thuận lợi, hiện nay ở Bình Dương có khoảng hơn ba mươi làng nghề vẫn còn đang hoạt động. Trong đó có làng nghề làm gốm Lái Thiêu từng là nơi cung cấp các mặt hàng gốm cho vùng Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung.

Gốm Lái Thiêu hình thành vào những năm đầu thế kỷ XIX, buổi ban đầu hoa văn trên gốm vẫn còn nét đặc trưng của người Trung Hoa. Sau này để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân miền Nam mà gốm Lái Thiêu đã có sự điều chỉnh trong hoa văn và kiểu dáng. Có thể nói mỗi sản phẩm mà gốm Lái Thiêu hình thành đều dựa trên nhu cầu tiêu dùng của người dân miền Nam như dĩa ảo, chén, tô, đèn mỡ, lư hương, chum, vại,.... Người làm gốm học hỏi những kỹ thuật của người Pháp như in hoa giấy, in kalit, tạo khuôn thạch cao kết hợp với những hình ảnh thực của vùng đất Nam Bộ như con gà, cây chuối, con cua, con cá,... Sự giao thoa của văn hoá bản địa và văn hoá ngoại lai, sự gìn giữ và tiếp thu học hỏi của người nghệ nhân làm gốm Lái Thiêu đã khiến dòng gốm này trở nên khác biệt.

Vẽ công chiếc - một trong những bước cuối cùng để tạo ra gốm Lái Thiêu 

Những năm gần đây, sự tác động một phần của quá trình đô thị hoá đã khiến quy mô những lò gốm dần bị thu hẹp. Nhiều sản phẩm có giá thành rẻ hơn, và tính ứng dụng cao hơn đã khiến sản phẩm gốm Lái Thiêu khó cạnh tranh trên thị trường. Nhiều nghệ nhân đã không thể tiếp tục giữ nghề, trong mỗi gia đình Nam Bộ cũng ít khi xuất hiện những tô chén với những hoa văn màu sắc sặc sỡ. Dòng gốm nổi tiếng từng cung cấp sản phẩm vào tận miền Trung giờ chỉ có thể trở thành những món quà lưu niệm.

Thực tế hiện nay có rất nhiều bạn trẻ vẫn còn say mê, tìm tòi nghiên cứu những giá trị văn hoá của dân tộc. Với quan điểm văn hoá dân tộc phải gìn giữ muôn đời, anh Huỳnh Xuân Huỳnh sau khi tốt nghiệp đại học đã quyết tâm làm cho làng nghề làm gốm Lái Thiêu sống lại. Chia sẻ với báo Đôi Mươi, anh Huỳnh cho biết niềm cảm hứng để anh quyết định làm việc này bắt đầu bằng những điều thân thuộc với bản thân: “Hồi nhỏ trong nhà có rất nhiều chén hoa văn rất đẹp, gia đình anh đã sử dụng nó rất lâu. Nhưng khi lớn rồi, đi ra ngoài mới thấy hầu như chẳng còn ai dùng tới nữa. Nên anh mới tự đặt câu hỏi tại sao một dòng gốm đẹp như thế này lại không còn được ưa chuộng.” Anh Huỳnh từng chủ động ghé thăm các lò gốm ở Bình Dương nhưng điều đáng buồn là rất nhiều lò gốm không còn hoạt động nữa, phải mất hơn nửa tháng anh mới tìm được một lò gốm nung bằng củi: “Ban đầu lúc làm thử một bộ chén về dùng, anh định vẽ những hoa văn hiện đại vì nó đơn giản hơn. Sau đó anh làm thêm những mẻ mới, trong quá trình làm anh có cơ hội tiếp xúc nhiều dòng gốm xưa hơn. Anh tìm đến những người thợ xưa học vẽ, sau đó nghiên cứu dựa trên những hoa văn và kỹ thuật còn sót lại, cố gắng phục hồi những kỹ thuật gần bị thất truyền.”

Những hoa văn màu sắc sặc sỡ là nét đặc trưng của gốm Lái Thiêu

Ghé thăm lò gốm, du khách có việc được tiếp xúc với quá trình để tạo ra một sản phẩm gốm Lái Thiêu, được tham quan lò nung có tuổi nghề 50 năm tuổi, được nghe về lịch sử hình thành và phát triển của dòng gốm này.

Vì không muốn ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình làm việc, anh Huỳnh chưa có ý định mở rộng và phát triển lò nung gốm thành một địa điểm tham quan du lịch với quy mô lớn hơn. Nhưng trong tương lai gần, khi cảm thấy dòng gốm có chỗ đứng vững chãi trong lòng các bạn trẻ, anh sẽ sử dụng những kinh nghiệm hiện có của mình để tạo thêm một cơ hội việc làm cho bà con gần đây.


11 Tháng 06, 2024 380

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành