Phố cổ Hội An - Nơi cất giữ vẻ đẹp của thời gian

Không tấp nập, không hối hả, không náo nhiệt, Phố cổ Hội An mang một vẻ đẹp cổ kính, yên bình và chậm rãi... Hãy nghe Lê Thị Thanh Trúc một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Phố cổ Hội An là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của dải đất miền Trung Việt Nam. Khu phố này thuộc tỉnh Quảng Nam, nhưng tọa lạc gần ranh giới giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, cách Đà Nẵng 30km về phía Tây Nam. Nơi đây đặc trưng với vẻ đẹp của sự cổ kính, bởi đây là một đô thị đã chứng kiến một tiến trình lịch sử kéo dài suốt 400 năm, với những ngôi nhà, ngõ phố theo một kiến trúc của thời xa xưa.

Phố cổ Hội An, thuộc hạ lưu sông Thu Bồn, trước đây từng là một thương cảng sầm uất có tên là faifo. Đây là một tên gọi không hề xa lạ đối với các thương nhân phương Tây vào khoảng thế kỷ 16-17, faifo là một cách đọc xuất phát từ phiên âm của người nước ngoài từ tên gọi “hoài phố” trong tiếng Việt.

Trải qua hàng trăm năm, Phố cổ Hội An vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn những công trình kiến trúc cổ, từ nhà cửa, phố xá, chùa, miếu…Nhắc đến Hội An, chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua biểu tượng của nơi đây, đó là Chùa Cầu, hay còn gọi là Chùa Nhật Bản. Ngôi chùa cũ kỹ nhưng nhuốm màu của thời gian, đây chính là linh hồn của khu phố cổ này. Chùa Cầu đúng như cái tên, đó là một ngôi chùa nhỏ, nhưng dưới hình thức một chiếc cầu bắc qua nhánh nhỏ của sông Thu Bồn. Công trình này được xây dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản, do đó nơi đây mang đậm kiến trúc cổ của Nhật Bản. Khác với những ngôi chùa khác, Chùa Cầu Hội An thờ một vị thần có tên là Bắc Đế Trấn Võ, với tín ngưỡng rằng vị thần này sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người. Điều này cũng là một phần tạo nên sức hấp dẫn của Hội An đối với du khách trong và ngoài nước.


Chùa Cầu Hội An. Ảnh: Lê Thị Thanh Trúc

Một phần không thể thiếu tạo nên biểu tượng của Phố cổ Hội An đó là sông Hoài. Sông Hoài là một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn, con sông mang một nét đẹp trầm mặc, êm đềm bên cạnh khu phố cổ. Nét đẹp của sông Hoài được tô điểm bởi những ngôi nhà, những chiếc đèn lồng in bóng xuống dòng sông, khiến cho dòng sông không chỉ sặc sỡ mà còn sống động bởi dòng người qua lại. Vậy mới thấy rằng, sông Hoài tuy dịu dàng nhưng không hề nhạt nhòa nơi phố cổ. Sông Hoài đặc biệt đẹp nhất về đêm khi nơi đây trở thành địa điểm thả hoa đăng đối với du khách. Những chiếc đèn hoa đăng hình bông sen nhiều màu sắc, sáng lấp lánh làm sáng rực cả một dòng sông.

Du khách bên dòng sông Hoài khi về đêm. Ảnh: Lê Thị Thanh Trúc

Phố cổ Hội An nổi bật với những ngôi nhà được sơn màu vàng, nhưng không hiện đại mà mang một nét cổ kính rất đặc trưng của phố cổ. Những ngôi nhà bình dị, chân chất được xây san sát nhau dọc theo lối đi khiến cho bất kỳ ai khi đến đây cũng đều cảm thấy như được bước vào khu phố của thế kỷ 16, 17. Kiến trúc nhà phổ biến ở Hội An là kiểu nhà ống, khung gỗ, phần lớn được làm hai mái. Không chỉ nhà ở, những hàng quán cũng theo lối kiến trúc này, xen kẽ với nhau, tạo nên sự sầm uất của một khu phố cổ thời hiện đại. Những ngôi nhà nơi đây còn được tô điểm bởi những dàn hoa nở rộ trước mái hiên, với màu hồng sặc sỡ của hoa giấy, màu đỏ pha trắng của hoa sử quân tử, màu tím nhạt pha chút trầm mặc của hoa cát đằng. Ôm trọn những ngôi nhà nơi đây là các ngõ phố quanh co. Những cung đường nơi đây thường được treo những chiếc đèn lồng bên trên. Màu đỏ rực của đèn lồng, màu vàng cổ kính của những ngôi nhà, màu hồng rực rỡ của những dàn bông giấy… Tất cả đều hòa quyện với nhau, tạo nên một khu phố sặc sỡ nhưng hài hòa và pha chút bình dị.

Một góc nhỏ của Phố cổ Hội An. Ảnh: Lê Thị Thanh Trúc

Ẩm thực Hội An. Ảnh: Lê Thị Thanh Trúc

Nước Mót, đặc sản Hội An. Ảnh: Lê Thị Thanh Trúc

Biểu tượng văn hóa tinh thần tạo nên linh hồn của Hội An đó là ẩm thực nơi đây. Ẩm thực ở Hội An rất đa dạng, đặc trưng của một nơi giao thoa giữa nhiều nền văn hóa, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc. Đặc sản ở Hội An có rất nhiều như mì quảng, cao lầu, cơm gà Bà Buội, bánh mì Phượng, nước Mót… Nhưng đặc biệt là cao lầu, một món ăn có tên gọi rất xa lạ đối với nhiều du khách khi đến đây. Đây là món ăn pha trộn giữa hai nền văn hóa Trung và Nhật. Lịch sử ghi chép rằng, trước đây, cao lầu là món ăn dành cho giới thượng lưu. Cao lầu có nghĩa là món ăn cao lương mĩ vị, được thưởng thức trên lầu cao, nơi mà thực khách vừa dùng món, vừa có thể ngắm được toàn bộ cảnh đẹp nơi đây. Do đó, nếu đã đặt chân đến Hội An, bạn hãy thử một lần thưởng thức món ăn này để cảm nhận được cảm giác của tầng lớp thượng lưu một thời nơi đây.


28 Tháng 06, 2024 307

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành