Chùa Trung Tiết - Ngôi chùa thứ ba nằm trong khu di tích kiến trúc Phật giáo đời Trần tại Đông Triều

Nằm tại An Sinh - Đông Triều - Quảng Ninh, chùa Trung Tiết vừa là chốn linh thiêng, vừa là địa danh minh chứng cho lịch sử hào hùng bất diệt. Hãy nghe Kim Linh một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Có một ngôi chùa đã trở thành một trong 14 điểm di tích nhà Trần được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2013 mà rất nhiều người con Đông Triều chưa biết đến. Nằm tại An Sinh - Đông Triều - Quảng Ninh, chùa Trung Tiết vừa là chốn linh thiêng, vừa là địa danh minh chứng cho lịch sử hào hùng bất diệt. Chùa Trung Tiết còn có tên gọi thân mật là Chùa Tuyết cách đền An Sinh khoảng 2 km về phía Đông Bắc. Chùa Trung Tiết được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIV, ban đầu do Đặng Tảo và Lê Chung xây dựng với quy mô nhỏ, là nơi chôn cất lăng tẩm của vua Trần Anh Tông - vị vua thứ Tư của triều đại Trần.


Theo sử sách Đại Việt, năm 1314, Trần Anh Tông nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng, Đặng Tảo và Lê Chung cùng được vua cho theo hầu. Về sau, vua Anh Tông lâm bệnh nặng, 2 vị ngày đêm túc trực bên giường để sẵn sàng viết di chiếu. Sau khi nhà vua mất, lo liệu và mai táng xong, Đặng Tảo và Lê Chung không màng đến ân thưởng. Cả hai cùng dọn nhà đến Yên Sinh nay là xã An Sinh - Đông Triều - Quảng Ninh để trông nom lăng tẩm của Thượng Hoàng Anh Tông cho đến hết đời. Sau khi Đặng Tảo và Lê Chung mất, vua Trần Nghệ Tông về dâng hương các miếu điện ở An Sinh, thăm viếng lăng mộ các bậc tiên vương, cảm động trước lòng trung nghĩa của 2 người, ông đã cho xây dựng lại chùa trên nền nhà cũ và mang tên là Chùa Trung Tiết. 



Chùa Trung Tiết quay hướng chính nam. Theo quan niệm dân gian, hướng nam là hướng thuận hoà, phù hợp với khí hậu của nước ta, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Còn theo quan niệm của Phật giáo, hướng nam là hướng hội tụ của mọi ý tốt lành, là hướng để phát triển trí tuệ Phật giáo. Chùa được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, khuôn viên diện tích khoảng 0,5 ha, xung quanh có nhiều cây cổ thụ.


Chùa Trung Tiết tuy được trùng tu qua nhiều thời kỳ nhưng những di vật vẫn còn được lưu giữ tại đây đã phản ánh rõ nét niên đại xây dưng, quy mô cũng như kiết trúc độc đáo thời Trần qua các hiện vật dưới nhiều thời đại khác nhau vẫn được lưu giữ tại chùa giúp chúng ta hiểu thêm về nghệ thuật kiến trúc điêu khắc rực rỡ dưới thời Trần.




Chùa Tuyết hiện nay cũng còn có nhiều các hiện vật có giá trị là cứ liệu cho nhiều nhà nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau. Đó là những pho tượng có niên đại từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX như tượng Di Đà, tượng Đức Thánh Tăng, tượng Đức Ông,... những pho tượng này đều có chất liệu bằng gỗ và đều tương đối nguyên vẹn.


Trong số các di vật còn lại, tiêu biểu là tấm bia Trung Tiết tự bi ký bằng đá xanh dựng dưới thời vua Bảo Đại. Đây là tấm bia được dựng trước cửa nhà Mẫu.

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, chùa Trung Tiết không chỉ là nơi lưu lại giá trị văn hoá lịch sử - một dấu ấn quan trọng về sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm tại quê hương Đông Triều, mà còn là nơi giáo dục các thế hệ trẻ sau này về các đạo lý tốt đẹp, về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi con người trong việc thực hiện đạo lý "tam cương ngũ thường".

11 Tháng 06, 2024 942

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành