Dinh thự Vua Mèo hay còn được biết đến với cái tên Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 125km và cách cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng chỉ 15km. Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành). Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo. Còn con trai ông là người đi theo con đường cách mạng, nhờ những cống hiến cho đất nước nên được bầu làm đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ đầu tiên. Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 1898 và chính thức hoàn thành vào năm 1907, tiêu tốn một khoảng tiền khổng lồ là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ VNĐ ngày nay. Dinh thự được thiết kế và xây dựng bởi những người thợ Vân Nam Trung Quốc kết hợp với đồng bào người Mông, tạo ra một công trình rộng hơn 1200m2 trên diện tích khoảng 3000m2. Nhờ lịch sử lâu đời và giá trị văn hóa không thể bàn cãi, Dinh thự Vua Mèo đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1993, sau gần 1 thế kỉ tồn tại. Ngoài ra dinh thự này cũng mất đến 5 năm để khởi công xây dựng bởi và tất cả đều được xây dựng bằng sức người chứ không hề dùng phương tiện máy móc gì. Dinh thự Vua Mèo nằm dưới chân một thung lũng được bao bọc phía trên bằng một vùng đất cao. Với kiểu địa thế này, toàn bộ công trình được bảo vệ bởi những cánh cung núi gọi là thế mai rùa, hỗ trợ phòng thủ rất tốt trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Trải qua hơn trăm năm tồn tại, mọi thứ trong dinh thự vẫn vẹn nguyên như ngày đầu, tạo sự kích thích với mọi người đến đây để khám giá ít nhất một lần trong đời. Kiến trúc bên trong dinh thự vô cùng độc đáo, là sự kết tinh của 3 nền văn hóa khác nhau gồm người Mông, người Pháp và người Trung Quốc. Công trình gồm 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc chia thành 3 khu vực tiền dinh (dành cho lính canh và nô tì), trung dinh và hậu dinh (là nơi ở và làm việc) với 64 buồng nhỏ chia thành 2 tầng. Để đáp ứng được tiêu chí kiên cố, những người thợ xây đã sử dụng đá xanh để xây dựng giúp dinh thự đứng vững trước kẻ thù và thời gian. Mái vách và cột trụ được làm bằng gỗ để tôn thêm sự uy nghiêm và uyển chuyển cho những căn phòng. Một vật liệu nữa được sử dụng là đất nung dùng cho việc xây các mái ngói để tạo hình dễ hơn nhưng không kém phần chắc chắn. Cho đến tận ngày nay, Dinh thự Vua Mèo là một trong số ít những công trình đáp ứng tất cả các yêu cầu về nơi ở, làm việc và trở thành một căn cứ phòng thủ mỗi khi có chiến sự xảy ra. Dù có sự kết hợp của 3 nền văn hóa trong kiến trúc nhưng nhiều người nhận xét rằng dinh thự họ Vương vô cùng hài hòa, uyển chuyển nhịp nhàng như thành một khối thống nhất mà không hề gò bó, khiên cưỡng. Thêm vào đó, tuy là công trình được xây dựng trên một khu đất lên tới 3000m2 nhưng Dinh thự không hề to lớn hay đồ sộ như nhiều người vẫn hình dung vì nó được cấu tạo từ những phân khu nhỏ, mang nét giản dị, mộc mạc của văn hóa kiến trúc dân gian. Kiểu thiết kế với nguyên tắc trong thấp ngoài cao khiến cho tổng thể Dinh thự càng gần gần gũi với cảnh vật xung quanh hơn nữa. Nhìn chung, đa số nội thất và vật dụng gắn liền với Vua Mèo khi còn sống đều được lưu giữ và bảo quản tốt đến tận ngày nay. Duy chỉ có một số ghế và đồ gỗ được làm bằng thông đá, về sau đã được nhà nước ta thay đổi bằng gỗ lim và gỗ nghiến để không bị mai một dần theo thời gian. Các cấu kiện gỗ mang bản sắc văn hóa địa phương đậm đà bằng cách khắc những hoa văn hình bông hoa bản địa như đào, anh túc… Những trụ nhà thì được chế tác sao cho giống quả của cây thuốc phiện, là loại cây mà Vua Mèo kinh doanh để làm ra tiền xây dinh thự. Một số vật dụng bị ảnh hưởng bởi phương tây có trong công trình này có thể kể đến như bồn tắm sữa dê bằng đá, cửa sổ chớp kính bên cạnh lò sưởi, lối ra vào thì được làm bằng đá hoa cương kết nối bằng khung hoa sắt đậm chất kiến trúc Pháp. Tồn tại cùng kiến trúc độc đáo của Dinh thự Vua Mèo là những câu chuyện xung quanh được lưu truyền từ khi nó được xây dựng đến mãi về sau. Tương truyền rằng, nơi ở ban đầu Vua Mèo Vương Đức Chính là trong một chân núi cao cạnh một hẻm núi lớn. Được sự gợi ý của một thuộc hạ về việc chỗ ở không hợp phong thủy, họ Vương nghe theo và tìm thầy am hiểu thiên văn, địa lý để nhanh chóng tìm nơi vừa có địa thế thuận lợi, vừa có phong thủy tốt. Ông đã sai lính sang tận bên đất Trung Hoa để mời Trương Chiếu, một người giỏi xem tướng để xây dựng nhà cửa, sang tìm địa điểm xây dựng dinh thự. Sau một thời gian suy xét kĩ lưỡng, thầy đã chọn Sà Phìn làm nơi ở mới cho Vua Mèo. Trương Chiếu quả quyết rằng thứ được thung lũng Sa Phìn bao quanh kia là một quả đồi hình con rùa, xây dựng trên lưng rùa sẽ giàu sang phú quý, cũng là mảnh đất mà anh hùng quy tụ. Một giai thoại bí ẩn khác liên quan đến Dinh thự Vua Mèo là vào thời người con Vương Chí Sình. cả nhà họ Vương đã bị yểm bùa bởi một thầy phong thủy người Hán, đến mức suýt chút nữa không có người nối dõi tông đường. Theo đó, Vua Mèo khi còn sống bị chứng đau lưng, đã thử qua rất nhiều thần y và phương thuốc tứ phương mà không khỏi. Một ông thầy người Hán phán rằng mộ của cha ông đang chôn trên lưng rồng, có tội nên bề trên quở trách. Tin lời, Vua Mèo di dời ngôi mộ đến một địa điểm khác mà ngờ rằng bị người Hán chơi xấu, bịa chuyện để hãm hại. Vì phạm chuyện cấm kỵ, những người vợ đầu tiên của Vua Mèo đều không thể sinh con. Đến người vợ thứ 4 mới sinh ra được một người con trai, đặt tên là Vương Duy Thọ.
Hà Giang 1553 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 06/03/2023