Là một trong những công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo được xây dựng sớm nhất Hà Nội, Nhà thờ lớn đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử của nước nhà, thấm đẫm cuộc đời cũng như tâm hồn của nhiều người dân Hà thành. Khu đất xây dựng nhà thờ vốn là nơi chùa Báo Thiên tọa lạc, tồn tại từ thời Lý. Đến cuối thế kỷ 18, chùa Báo Thiên bị phá hủy và trở thành khu chợ nhỏ trước khi nhà thờ đầu tiên được xây dựng. Từ năm 1884 – 1888, Giáo hội công giáo tiến hành xây dựng nhà thờ bằng gạch trên nền móng nhà thờ tạm bằng gỗ ban đầu. Đây chính là nhà thờ lớn nhất được xây dựng ở Hà Nội, được tôn phong là “ Nhà thờ chính tòa kính Thánh Giuse”. Nhà thờ được khánh vào lễ Giáng sinh năm 1887. Đến năm 1890, phố Nhà Chung được mở rộng và Nhà thờ lớn trở thành địa điểm trung tâm tấp nập người qua lại. Từ hồ Hoàn Kiếm men theo hướng phố Nhà Chung, du khách có thể dễ dàng tìm đường đến nhà thờ. Nổi bật giữa khu phố với quảng trường rộng lớn với tượng đài Đức mẹ bồng chúa hài đồng. Khách tham quan sẽ phải đi vào nhà thờ qua cổng bên. Được mệnh danh là nhà thờ lâu đời và có kiến trúc đẹp nhất Hà Nội, Nhà thờ lớn đã được thiết kế công phủ, tinh xảo bởi bàn tay cũng những nghệ nhân tài hoa. Với phong cách thiết kế Châu Âu, Gothic, Nhà thờ lớn được xây dựng theo mô típ của công trình Nhà thờ Đức Bà Paris. Nhà thờ có chiều dài tầm 65m, chiều rộng 21m và 2 tháp chuông cao gần 32m được cố định bởi những trụ đá to lớn. Cây thánh giá được thiết kế tinh xảo bằng đá thu hút ánh nhìn của mọi người ngay từ lúc bước chân vào. Toàn bộ sàn gạch được tạo ra từ gạch đất nung, bốn bề bức trường trát bằng giấy bổi tạo nên không gian cổ kính, vô cùng đẹp mắt. Vì đã có tuổi đời từ trăm năm, bức tường nhà thờ bám phủ rêu phong tạo nên khung cảnh hoang sơ, kì bí. Các ô cửa chính và cửa đều mang hình vòm cuốn nhọn, đặc trưng phong cách Gothic. Mái vòm uốn cong rộng lớn hướng lên trên tạo ra một không gian cao vời vợi. Điểm nhấn ở giữa chính là cánh cửa sổ tròn hình hoa, tinh xảo. Với màu sắc trầm, chủ đạo theo phong cách Châu Âu, xen lẫn nhiều họa tiết mang hình ảnh Việt Nam, làm cho hai bên lối đi của nhà thờ hấp dẫn thu hút khách du lịch ngắm nghía, chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo. Nhà thờ được chia làm 3 gian: sảnh đón tiếp – nơi dành cho ca đoàn và các nhạc công, khu vực hành lễ và cung thánh cử hành nghi lễ. Ngay trong thánh đường ẩn chứa 3 ngôi mộ của Hồng y Trịnh Như Khuê, Hồng y Phạm Đình Tụng và Hồng ý Trịnh Văn Căn. Ở giữa là tượng Đức Mẹ, bao trùm lên toàn bộ khung cảnh nhà thờ, tạo nên cảm giác ấm áp lạ thường, như người mẹ đang dang trọn vòng tay ôm ấp những đứa con thơ. Nhà thờ thường có 2 thánh lễ vào ngày thường và 7 thánh lễ vào chủ nhật. Ngày 19 tháng 3 hằng năm, nơi đây sẽ tổ chức lễ rước thánh Quan thầy của Tổng giáo phận Hà Nội. Trong những hôm hành lễ, người dân thường nghe tiếng nhạc vang lên cùng những bài cầu kinh trong Nhà thờ lớn. Đây cũng là nơi diễn ra các buổi xá tội dành cho giáo đoàn. Như những nhà thờ khác, lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh là 2 lễ lớn nhất ở nhà thờ, thường tổ chức những buổi hành lễ linh đình, tấp nập người công giáo đến cử hành buổi lễ. Không chỉ là địa điểm tôn giáo nổi tiếng của thủ đô, Nhà thờ lớn Hà Nội còn là điểm đến thu hút rất đông các bạn trẻ và du khách tới tham quan, chụp ảnh. Đặc biệt vào dịp Noel là lúc Nhà thờ lớn được trang hoàng lộng lẫy nhất với những cây thông được trang trí cầu kì và ánh đèn lung linh đa màu sắc. Tuy nhiên bạn sẽ cần phải tới từ sớm bởi chỉ chập choạng tối là nơi đây đã đông nghẹt người. Nhắc đến nhà thờ Lớn thì dĩ nhiên không thể không kể tới “đặc sản” “trà chanh chém gió” ở đây. Những cốc trà thoảng hương hoa nhài, điểm thêm một vài lát chanh tươi với vị chua, ngọt, chan chát đã trở thành thức uống quen thuộc với không ít người Hà Nội. Chỉ cần một chiếc ghế nhựa bên vỉa hè, nhấp ngụm trà, trò chuyện với bạn bè hay nhìn ngắm dòng xe cộ qua lại. Có lẽ từ những điều giản dị như vậy mà trà chanh Nhà thờ luôn giữ được cái thú vị rất riêng của người Hà Nội. Ngoài ra sẽ thật là thiếu sót nếu như đến Nhà thờ lớn Hà Nội mà không thưởng thức hết những món ăn ở đây. Từ các món Á, Âu cho tới những món ăn vặt Hà Nội như nem nướng, bánh gối, cháo quẩy… tất cả đều sẽ được tìm thấy chỉ trong vài bước chân quanh Nhà thờ Lớn.
Hà Nội 2196 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 11/03/2023