Thánh địa Mỹ Sơn là công trình được vua Bhadravarman cho khởi công từ thế kỷ IV và kết thúc vào cuối thế kỷ XIII. Dưới triều đại vua Jaya Simhavarman III tại đầu thế kỷ XIV thì Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc với hơn 70 ngôi đền với phong cách, kiểu dáng độc đáo đặc trưng của vương quốc Chăm Pa. Phần lớn các kiến trúc tại đây đều chịu ảnh hưởng từ văn hoá Ấn Độ giáo. Do sự tàn phá của chiến tranh mà đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn giữ lại được 32 công trình gồm 20 đền tháp là còn giữ được nét kiến trúc ban đầu. Đến ngày 1/12/1999 thì thánh địa Mỹ Sơn chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá Thế giới. Trải qua bao nhiêu sự thăng trầm của lịch sử, Mỹ Sơn vẫn đứng vững cho đến ngày hôm nay. Như đã biết thì kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng lớn từ Ấn Độ giáo. Toàn bộ đền tháp đều sử dụng chất liệu là gạch đá và quay mặt về hướng đông - đây là hướng mặt trời mọc và được xem là nơi thần linh trú ngụ. Cấu trúc đền tháp tại đây được chia làm 3 phần chính là: đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Điều đặc biệt là mỗi đền tháp tại Mỹ Sơn sẽ thờ một triều đại vua hoặc một vị thần khác nhau, chính vì điều này mà mỗi một công trình được xem là mảnh ghép quan trọng qua từng triều đại của Chăm Pa. Khu di tích Mỹ Sơn sẽ có những khu vực gồm: Khu vực A: Là khu vực đầu tiên nên đến, tại đây có thể ngắm nhìn toàn bộ thánh địa Mỹ Sơn, nhưng hầu hết các công trình tại khu A đang trong quá trình trùng tu. Khu vực B: Thuộc khu vực đồi phía Tây, nơi đây có 1 tháp chính và 3 tháp phụ. Khu vực C: Toạ lạc tại đồi phía Nam và cũng là khu vực độc đáo nhất với nhiều đền, tháp, phù điêu, bia khắc, tác phẩm vô cùng ấn tượng. Khi đến Thánh địa Mỹ Sơn thì đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm lễ hội Katê độc đáo của người Chăm nữa nhé. Đây là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng 7 mỗi năm tính theo lịch của người Chăm, là dịp để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cầu mong sự sinh sôi cho vạn vật. Du khách sẽ được chứng kiến nhiều nghi lễ truyền thống như: rước nước, cúng cầu an, kiệu rước hay chiêm ngưỡng các màn biểu diễn với nhiều nhạc cụ phong phú. Ngoài việc tham quan các công trình lịch sử, du khách còn được chiêm ngưỡng điệu múa Apsara được lấy cảm hứng từ tượng đá sa thạch điêu khắc Apsara. Điệu múa Apsara với tựa đề “Linh hồn của đá” cùng sự biểu diễn của những cô gái người Chăm xinh đẹp trong tiếng trống Paranưng và tiếng kèn Saranai sẽ làm mê hoặc mọi du khách. Về thời điểm nào thuận lợi nhất để đến Mỹ Sơn thì bạn cần lưu ý, tại Quảng Nam sẽ có hai mùa chính là mùa mưa (Tháng 9 - tháng 12) và mùa khô (tháng 2 - tháng 8). Mùa khô dĩ nhiên sẽ là thời điểm thuận lợi hơn rất nhiều. Để ghé thăm thánh địa Mỹ Sơn thì nên chọn từ tháng 2 đến tháng 4 nhé, lúc này thời tiết rất mát mẻ, nắng không quá gắt nên rất dễ dàng để di chuyển thăm thú.
Quảng Nam 1384 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 15/03/2023