Làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận: về miền di sản nghe chuyện làm gốm

Ngược về vùng đất Ninh Thuận, du khách sẽ được nghe câu chuyện làm gốm qua bao đời với cái tâm và cái tình của những con người nơi đây. Hãy nghe Hương Kha một travel blogger nổi tiếng bật mí . Hãy nghe Hương Kha một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, làng gốm Bàu Trúc toạ lạc tại trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đất nung đậm đà bản sắc văn hóa Chăm, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách những năm gần đây.

Có dịp ghé thăm làng gốm Bàu Trúc tại vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió, tôi trông thấy những người chị, người mẹ mặc váy Chăm, bàn tay thoăn thoắt, uyển chuyển nhào nặn những khối đất thô sơ thành những chiếc bình gốm tuyệt đẹp. Trước làn sóng hiện đại, người ta ưa chuộng những loại gốm công nghiệp sản xuất nhanh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Lúc này, những người nghệ nhân lại thầm lặng “giữ lửa” cho gốm truyền thống cũng như nền văn hóa Chăm in đậm trên thân gốm.

Khác với những loại gốm dùng bàn xoay hay dụng cụ hỗ trợ, người làm chỉ cần ngồi tại chỗ để nặn gốm, nghệ nhân Bàu Trúc lấy gốm làm trung tâm với câu nói quen thuộc "làm bằng tay, xoay bằng mông”. Họ đi xoay vòng quanh gốm để tạo hình và "thổi hồn" vào những khối đất thô sơ, vô tri vô giác. Những bàn tay tạo hình, nặn khối điêu luyện, chăm bẵm nên những "đóa hoa" vươn mình ra từ đất.


Nguồn ảnh: Hương Kha

Gốm được phơi dưới cái nắng đổ lửa. Nguồn ảnh: Hương Kha

Khi khối đất đã nên hình dạng, nghệ nhân lại tiếp tục khắc vẽ hoa văn lên sản phẩm. Với dụng cụ thô sơ như một cái nắp chai, một cây dũa, những hoa văn đẹp mắt như răng cưa, sóng nước, trái tim... đã được trạm trổ lên thân gốm. Tôi có cơ hội được chiêm ngưỡng tận mắt quy trình làm gốm và bị ấn tượng bởi sự khéo léo của những đôi bàn tay. Trong những lúc quây quần vẽ hoa văn, những nghệ nhân lại cười đùa, trò chuyện với nhau bằng tiếng Chăm. Có lẽ vì thế mà hoa văn trên gốm Bàu Trúc vô cùng sống động, chúng dường như không nằm im trên sản phẩm mà còn "cựa quậy" kể chuyện về không khí ấm cúng cùng nhịp sống êm đềm nơi đây.

Để hợp với thị hiếu công chúng và phát triển kinh tế, làng gốm hiện tại đã mở rộng làm các sản phẩm mỹ nghệ với mẫu mã đa dạng. Những sản phẩm gốm mỹ nghệ vừa là đặc trưng thu hút khách du lịch vừa thể hiện sự khéo léo của nghệ nhân nơi đây. Du khách được tận mắt nhìn quy trình nghệ nhân làm gốm, chiêm ngưỡng nét văn hóa độc đáo trong từng sản phẩm và được tự tay trải nghiệm nặn gốm.


Nguồn ảnh: Hương Kha

Hợp tác xã là nơi mà du khách không thể bỏ qua. Nơi đây trưng bày các sản phẩm làm từ gốm vô cùng công phu, tỉ mỉ và tinh xảo. Có thể kể đến bình gốm hay những vật dụng sinh hoạt như ấm nước, nồi niêu, chum vại. Đặc biệt, du khách sẽ không khỏi xuýt xoa với những tháp Chăm, tượng mô phỏng các vị thần Brahma, Vishnu, Shiva…


Cầm trên tay tượng mô phỏng tòa tháp Chăm được trạm trổ tinh xảo, tôi như thấy một nền văn hóa đặc sắc và sống động. Nguồn ảnh: Hương Kha

Nếu ghé Bàu Trúc đúng dịp lễ hội Kate, du khách sẽ có cơ hội tham gia vào đoàn rước kiệu đầy màu sắc từ nhà làng ra đền thờ. Từ Kate là một danh từ có nguồn gốc từ từ Katik của người Hindu (Hindu giáo) và từ Kattika trong tiếng Phạn của người Ấn Độ. Đây là lễ cúng vào tháng 7 lịch Chăm để tưởng nhớ tổ tiên, thần linh cùng những nhân vật có công với dân tộc, mang bản sắc riêng của vương quốc Chăm Pa xưa.

Vào ngày này, các gia đình trong làng sẽ đội những mâm lễ vật tới đền dâng cúng, các vị chức sắc làm nghi lễ truyền thống mở cửa đền, tắm tượng… Lễ rước y phục cũng được thực hiện trang trọng, tôn nghiêm với những bộ trang phục đầy màu sắc, những bài hát, điệu múa uyển chuyển đặc trưng của người Chăm.


Nguồn ảnh: sưu tầm

Không chỉ là câu chuyện về gốm, làng gốm Bàu Trúc là cả một hành trình văn hóa, tôi nhìn thấy dưới cái nắng gay gắt là những cánh đồng đất sét, hình bóng người thợ dùng tay đào đất, những ụ rơm rạ, gốm được nung dưới cái nắng đổ lửa để thêm cứng cáp. Tất cả như một bức họa sơn mài, một hình ảnh không thể bắt gặp giữa nhịp thành thị vội vã. Cảnh vật và con người nơi đây thật chan hòa, họ sống khoan thai, hồn hậu và mến khách.

Ngày 29/11/2022, UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là sự khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, nghề làm gốm truyền thống ở Bàu Trúc càng được tôn vinh và bảo vệ. Và rồi trong những chuyến xê dịch, du khách sẽ không không ấn tượng và hoài niệm về miền di sản của những sản phẩm gốm tinh xảo, những con người tỉ mẩn tháng ngày gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.



30 Tháng 07, 2024 160

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành