Điểm du lịch Bửu Sơn Tự( Chùa Đất Sét)

Sóc Trăng được mệnh danh là xứ sở của chùa chiền và lễ hội. Chính vì vậy mà Sóc Trăng có nhiều địa chỉ di tích, điểm du lịch gắn với các cơ sở thờ tự và tín ngưỡng tôn giáo mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc rất độc đáo như: Chùa Dơi, Chùa Kh’leang hay Chùa Chén Kiểu... Trong những di tích độc đáo đó không thể không kể đến Bửu Sơn Tự mà bà con phật tử và du khách gần xa quen gọi là Chùa Đất Sét

Sóc Trăng được mệnh danh là xứ sở của chùa chiền và lễ hội. Chính vì vậy mà Sóc Trăng có nhiều địa chỉ di tích, điểm du lịch gắn với các cơ sở thờ tự và tín ngưỡng tôn giáo mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc rất độc đáo như: Chùa Dơi, Chùa Kh’leang hay Chùa Chén Kiểu... Trong những di tích độc đáo đó không thể không kể đến Bửu Sơn Tự mà bà con phật tử và du khách gần xa quen gọi là Chùa Đất Sét.Nhưng vì sao mọi người gọi là Chùa Đất Sét? Cũng chính tên gọi này mà phần nào thu hút đông đảo du khách đến đây tham quan và nghiên cứu.

Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương (người đi giữa) thăm chùa Đất Sét; Ảnh: Nguyễn Dũng    

 Chùa Đất Sét tọa lạc tại số 286, đường Tôn Đức Thắng, thuộc khóm 1, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Cổng Tây hướng ra đường Tôn Đức Thắng, mặt tiền chùa hướng về hướng Đông, tổng diện tích chùa Đất Sét chỉ rộng khoảng 2.000m2 nhưng thoáng mát. Ngôi chánh điện có không gian nhỏ nhưng được sắp đặt hài hòa. Nội điện là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nhất. Phía trước mặt tiền Chùa là tượng đài Phật Quan Thế Âm, bệ tượng Phật Di Lạc, bộ tượng Phật ngồi thuyết pháp gồm 05 vị Kiều Trần Như, Bạc Đề, Thập Lực, Mahanam và Ác Bệ, các miếu nhỏ thờ Ông Hổ và Ông Tà, bàn thờ Thiên Phụ, Địa Mẫu. Phía bên trái Chùa là khu mộ của nghệ nhân Ngô Kim Tòng và dòng họ. Chùa Đất Sét được gia đình họ Ngô (ông Ngô Kim Đính 1844 - 1947 và vợ Đỗ Thị Ngọc 1880 - 1975) khai lập cách nay đã hơn 200 năm để tu tại gia, nên Chùa không có giáo lý và không có sư. Hiện nay, Chùa Đất Sét do gia đình thay nhau hướng dẫn và quản lý.

Du khách nghe thuyết minh tại Bửu Sơn Tự; Ảnh: Tân Trang

   Chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự) là một trong những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo thuộc hệ thống tổ chức của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, do ông Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856) khai lập vào năm 1849, tại cốc ông Đạo Kiến, nay là Tây An Cổ Tự (núi Sam Châu Đốc), thuộc xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày nay. Giáo pháp của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là “Học Phật Tu Nhân” lấy việc báo đáp “Tứ Đại Trọng Ân” làm gốc (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại), đặc biệt nhấn mạnh ân đất nước để tập hợp lực lượng yêu nước và nhân dân lao động đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Bảo tòa Liên hoa được kỷ luật Việt Nam công nhận là bảo vật bằng đất sét

 Chùa Đất Sét với kiến trúc đơn sơ nhưng ngôi cổ tự này lại chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật rất độc đáo, được đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Ngô Kim Tòng tạo tác nên. Đó là gần 2.000 tượng phật lớn nhỏ, cùng với linh thú, vật thờ được nghệ nhân Ngô Kim Tòng nặn bằng đất sét trong suốt 42 năm (từ năm 1929 đến năm 1970). Những tác phẩm nghệ thuật bằng đất sét của ông là cả một quá trình lao động nghệ thuật cần cù, với óc sáng tạo và tấm lòng hướng Phật vô biên. Ông đã để lại cho hậu thế một kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý hiếm mà các thế hệ con cháu mai sau cần phải trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

     Sự ra đời của những tác phẩm bằng chất liệu đất sét thô sơ này, chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoàn cảnh xuất thân của nghệ nhân Ngô Kim Tòng. Theo lời kể của ông Ngô Kim Quang, cháu gọi nghệ nhân Ngô Kim Tòng bằng bác, Phó Ban quản lý điểm du lịch Chùa Đất Sét hiện nay: ông Ngô Kim Tòng được sinh ra vào năm 1909, trong một gia đình nghèo nhưng hiếu đạo thuộc làng Nhâm Lăng, tổng Nhiêu Khánh (nay thuộc phạm vi phường 5, thành phố Sóc Trăng). Cha mẹ ông Ngô Kim Tòng là cư sĩ tu tại gia, kế thừa đời thứ ba của dòng tộc họ Ngô tại đất Sóc Trăng. Ông Ngô Kim Tòng có 08 anh chị em (04 trai, 04 gái), ông là con thứ tư, gọi theo người miền Nam là Cậu Năm Tòng. Từ nhỏ, ông đã có thiên hướng say mê nghệ thuật từ rất sớm, nhưng do gia đình nghèo và bản thân ông bệnh tật liên miên nên Ông chỉ học hết lớp ba thì nghỉ. Cha ông là Ngô Kim Đính, thấy con thân hình ốm yếu, bệnh tật nên đưa ông vào ở chung trong chùa để tiện bề chăm sóc thuốc thang và tụng kinh, niệm Phật. Một thời gian sau thì bệnh tình thuyên giảm và dần dà dứt hẳn. Đến năm 18 tuổi, thấy cha mẹ tuổi già sức yếu, nhà không có ruộng đất, nên Ông tìm đến xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, thuê 02 công đất để canh tác. Ban ngày ông cuốc đất trồng khoai, đêm về đọc kinh, niệm Phật.

Lục Long Đăng bằng đất sét

     Mỗi mùa thu hoạch, ông chèo xuồng chở khoai ra chợ Sóc Trăng bán. Vì lao động quá sức nên ông bị ngất xỉu trong chòi rẫy tại Phú Hữu. Hay tin, cha mẹ đưa về, vì không có tiền mua thuốc chữa trị nên lập bàn hương án tại chùa, cầu nguyện mười phương chư Phật cùng Đức Quan Âm phù hộ độ trì, suốt 03 ngày 03 đêm. Lúc này thần sắc ông không còn, mắt thì trợn trừng. Đến ngày thứ 3, đột nhiên ông tỉnh lại và khỏe mạnh hẳn ra. Sau lần thập tử nhất sinh đó, ông  nguyện suốt đời sẽ ăn chay, niệm Phật, làm nhiều việc thiện, đóng góp công đức để trả ơn Phật đã cứu sống mình.

     Đến năm 1929, lúc bấy giờ ông Tòng được 20 tuổi thì cha lâm trọng bệnh qua đời, chỉ còn lại mẹ. Do hoàn cảnh nghèo khó, những tượng thờ trong chùa chỉ là những bức hình, tượng Phật bằng giấy, gỗ thô sơ, đã bị hư hỏng, mục nát nhưng không có tiền để sửa chữa mới. Vào một đêm nọ, ông nằm mộng thấy Phật dạy: “Con hãy đi về hướng Tây, cách chùa khoảng 1.000m, mặt quay về hướng Đông, đào lấy đất sét nặn tượng Phật mà thờ”. Khi tỉnh mộng, ngay ngày hôm sau, ông thực hiện đúng theo lời Phật dạy, khi đào đất sét gánh về, đầu tiên ông phơi cho thật khô, để vào cối giã gạo giã cho thật nhuyễn thành bột, rồi lược bỏ hết những tạp chất như rễ lúa, rễ cây cỏ, dùng keo “Ô Dước” và bột nhang, 03 chất kết hợp lại rồi nhào nặn trong nhiều giờ cho đất thật dẻo, cùng với trí tưởng tượng và đôi bàn tay thiên phú, ông vừa làm vừa mày mò tự học hỏi, nghiên cứu từ kinh Phật, kiên trì và tỉ mỉ trong từng tác phẩm một. Sau nhiều năm kiên trì bền bĩ lao động, ông đã tạo ra nhiều tượng Phật, đồ thờ, vật trang trí và những danh thú như ngày nay.

     Chánh điện Chùa Đất Sét không lớn lắm, mái chùa được chống đỡ bởi 24 cây cột, mỗi cột đều được trang trí hình rồng uốn lượn bằng đất sét từ nền điện lên đến mái vòm. Nội điện của ngôi cổ tự tuy không rộng, nhưng được bày trí nhiều tượng Phật, sắp đặt theo thứ tự. Không gian trang trọng nhất thờ “Thập Phương Phật”, được nghệ nhân Ngô Kim Tòng chế tác từ đầu năm 1929, đây là những tác phẩm đầu tay của ông, bao gồm ba tầng chư Phật, Phật và Khổng Tử, Lão Tử. Tầng một gồm các vị Phật A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Tầng hai gồm các vị Bổn Sư Thích Ca , A Nan, Ca Diếp, Khổng Tử, Lão Tử, Văn Thù, Sư Lợi. Tầng ba là các vị Quan Âm, Chuẩn Đề, Địa Tạng Vương, Mẹ Phật và Thái tử Tất Đạt Đa... Sự sắp đặt này đã nói lên tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, gồm: “Nho, Phật, Lão” của người lập nên ngôi Chùa.

     Trong số hàng ngàn tượng Phật, đồ thờ và danh thú hiện có trong Chùa, đặc biệt nhất là “Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên Hoa”, có thể nói đây là 02 công trình nghệ thuật đỉnh cao được nghệ nhân Ngô Kim Tòng nặn vào đầu năm 1939. Tháp Đa Bảo gồm 13 tầng, cao khoảng 04m chất liệu bằng đất sét, nhưng đã trải qua gần một thế kỷ mà không bị nghiêng lệch, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một vị Phật ngự, như vậy tháp có 208 cửa và 208 vị Phật, có 156 con rồng đắp nổi chạy theo mái ngói và nâng đỡ chân tháp. Tháp Đa Bảo này được hoàn thành trong thời gian 06 tháng 01 ngày, với hàng ngàn chi tiết được làm tỉ mỉ bằng đất sét, càng khẳng định rõ hơn đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Ngô Kim Tòng.

     Cạnh Tháp Đa Bảo là Bảo Tòa Liên Hoa. Bảo Tòa này được  nghệ nhân Ngô Kim Tòng đắp vào giữa năm 1939, sau khi hoàn thành Tháp Đa Bảo, là một tòa sen, gồm 1.000 cánh sen, mỗi cánh sen có 1 vị Phật nhỏ ngồi tọa thiền. Phía dưới đài sen có Bát Quái, Tứ  Đại Thiên Vương, Thiên Tiên, gồm 08 cung: Càn-Khảm-Cấn-Chấn-Tốn-Ly-Khôn-Đoài, mỗi cung có 02 tiên nữ đứng hầu.

     Ngoài ra, nghệ nhân Ngô Kim Tòng còn nặn một số tác phẩm khác rất công phu và tỉ mỉ, đến nay vẫn còn nguyên vẹn và mang nhiều giá trị nghệ thuật rất độc đáo như: 03 cây nhang lớn, mỗi cây cao 2m, đường kính khoảng 0,2m, nặng khoảng 50kg, chất liệu bằng bột nhang và keo Ô Dước, được trang trí hình rồng uốn lượn và mỗi cây đắp nổi 04 chữ Hán; 03 chóp đỉnh lớn, chóp đỉnh lớn cao 2,5m và 2 đỉnh còn lại cao 1,5m và 07 lư hương nhỏ; 01 cây đèn “Lục Long Đăng” khổng lồ treo trên trần ở trung tâm chánh điện. Cây đèn này là tác phẩm cuối đời của nghệ nhân Ngô Kim Tòng. Đèn Lục Long Đăng gồm 03 chóp đỉnh với 06 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các hướng. Bệ đèn là một tòa sen cách điệu nâng đỡ 06 con rồng. Đèn Lục Long Đăng được làm hoàn toàn bằng đất sét với ngàn vạn hoa văn chi tiết tinh vi, lại có trọng lượng khá nặng, vậy mà treo mấy chục năm nay vẫn không bị biến đổi.

     Bên cạnh đó, nghệ nhân Ngô Kim Tòng còn nặn 04 bức hoành phi lớn, mỗi bức có kích thước khoảng 02m x 04m, với nhiều họa tiết trang trí hết sức tinh xảo. Bức hoành phi thứ nhất treo trên điện thờ “Thập phương Phật”, gồm 03 mảnh tứ giác lớn ghép lại tạo thành hình quyển sách mở cách điệu, xung quanh bức hoành phi có 02 con rồng lớn uốn lượn “Song Long chầu Phật”, 02 bảng câu chúc bằng chữ Hán ở hai bên, cạnh đáy trang trí 01 tòa sen lớn ngay trung tâm, trên nền bức hoành phi trang trí trúc, hoa mai, hoa đào và hoa sen cách điệu, trên 03 mảnh ghép lớn đắp nổi tên Chùa bằng 03 chữ Hán lớn “Bửu Sơn Tự”, được sơn son thếp vàng rất lộng lẫy; Bức hoành phi thứ hai được treo trên điện thờ “Tam Bảo”, được gọi là “Cửu Ngũ Bệ Rồng chầu Phật”, trên bức hoành phi này có 09 con rồng nhỏ uốn lượn ẩn hiện trong mây, tạo thành hình “Bán Nguyệt”, trên nền đắp nổi 07 chữ Hán và trang trí mây, trúc và hoa sen cách điệu, được sơn son thếp vàng. Bức hoành phi thứ ba và thứ tư được treo trên điện thờ “Diêu Trì Kim Mẫu và Ngọc Hoàng Thượng Đế”, trang trí giống nhau, gồm 02 con rồng lớn uốn lượn “Song Long Chầu Phật” ôm lấy bức hoành phi hình chữ nhật được lộng trong lồng kính, bên trong đắp nổi 04 chữ Hán.

     Ngắm các tác phẩm này hầu hết du khách đến tham quan đều nghĩ rằng đó là sản phẩm của một nhà nặn tượng, một nhà điêu khắc chuyên nghiệp, chứ không phải của một người chỉ mới học hết lớp ba trường làng, không hiểu biết gì về mỹ thuật và cũng chưa qua trường lớp học mỹ thuật bao giờ, nhưng lại sáng tạo nên được những bức tượng Phật, những linh thú với hình khối, với họa tiết vô cùng tinh xảo. Chính vì việc ông nặn tượng Phật tài hoa và độc đáo như thế, nên được người đời ca ngợi rằng ông có sự “mách bảo của Phật”.

     Năm 1953, để cúng dường chư Phật mười phương, ông bắt đầu miệt mài lao động để đắp những linh thú bằng đất sét như: Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã… được tạo tác rất tinh xảo mỗi hình thú đều gắn với sự tích Đức Phật với nhiều truyền thuyết ly kỳ hấp dẫn.

     Những năm cuối đời, nghệ nhân Ngô Kim Tòng tạm ngưng đắp tượng để tiến hành đúc những cây nến dựng tại các điện thờ trong chánh điện. Để đúc được những cây nến theo ý muốn, ông cất công lên tận Sài Gòn mua sáp Bạch Lạc, một loại sáp nguyên chất nhập từ bên Pháp rồi đem về chặt nhỏ ra cho vào chảo nấu lỏng rồi đổ vào khuôn. Dự kiến sẽ đổ những đôi nến này có kích thước khá lớn, nên nghệ nhân Ngô Kim Tòng không tìm được khuôn thích hợp. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đã dùng tôn lợp nhà cuộn lại để làm khuôn. Để đúc thành công một cây nến nghệ nhân Ngô Kim Tòng phải kiên trì làm việc. Vì muốn nến cháy liên tục không tắt, nên khi đổ khuôn không để cho sáp có khớp nối ngang. Do đó phải đổ liên tục cả ngày lẫn đêm trong mấy ngày liền. Sau một tháng sáp nguội rồi mới mở khuôn ra. Tổng cộng, nghệ nhân Ngô Kim Tòng đã đúc được 06 cây nến lớn, mỗi cây nặng 200 kg và 02 cây nến nhỏ mỗi cây nặng 100 kg. Cặp nến nhỏ được thắp lên từ năm 1970, vào ngày nghệ nhân Ngô Kim Tòng qua đời và đã cháy ròng rã từ đó đến nay đã 46 năm. Theo tính toán, mặc dù còn khoảng 1/16 chiều dài nhưng phải đến khoảng 3 năm nữa thì 02 cây nến này mới cháy hết. Một điều kỳ lạ nữa, đó là suốt 46 năm qua 02 ngọn nến này chưa một lần tắt. Sau khi 02 cây nến nhỏ cháy hết, thì cặp nến lớn sẽ được thắp lên. Ước tính mỗi cây cháy khoảng 70 năm mới tắt, như vậy nếu đốt lần lượt từng cây một thì khoảng 400 năm nữa mới hết.

     Để khen ngợi tài năng và sức sáng tạo của ông, một nhà văn đã nói về nghệ nhân Ngô Kim Tòng: “Là người sống vì đất, suốt 42 năm miệt mài với từng gánh đất, nâng niu từng vóc đất, cậu đã tạo dáng cho đất, thả hồn thiêng vào đất, tạo nhịp đập trái tim cho đất, để trăm năm sau đất cất tiếng nói thay người”.

     Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo đó, ngày 19/12/2001, Bà Võ Thị Thắng - Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch tặng chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự) huy hiệu Du lịch Việt Nam.

     Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của Chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự), ngày 10/12/2010, Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng quyết định xếp hạng Chùa Đất Sét  (Bửu Sơn Tự)  là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

     Để ghi nhận công lao và tài năng của nghệ nhân Ngô Kim Tòng, ngày 18/7/2013 Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa lớn nhất Việt Nam của Bửu Sơn tự là 02 bảo vật bằng đất sét.

     Hiện nay, trung bình mỗi ngày Chùa Đất Sét đón tiếp hàng ngàn lượt du khách trong nước, ngoài nước và bà con Phật tử đến tham quan. Trong những ngày mùng một, ngày rằm, ngày lễ, tết du khách đến tham quan, chiêm bái nhiều hơn gấp mấy lần./.

23 Tháng 08, 2023 646

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành