Chùa Hội Khánh là một ngôi chùa cổ Phật giáo được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741) ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng vào năm 1861 nó bị phá hủy trong chiến tranh. Chùa được cho xây lại do thầy Thích Chánh Đắc dưới chân đồi khoảng 100 m cách vị trí cũ. Địa chỉ của chùa hiện tại là 29 đường Chùa Hội Khánh phường Phú Cường thành phố Thủ Dầu Một, 30 km về phía bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa nằm cách đường cái 150 m. Sau cổng Tam Quan có chạm rồng phụng chùa tọa trên một vùng dất yên tỉnh với nhiều cây cối, đặc biệt là có bốn cây dầu đã được trồng hơn một thế kỷ không bao lâu sau khi chùa được xây lại. Nơi tụng kinh và phía đông chùa được xây dựng lại vào năm 1917 và phía tây được xây lại vào năm 1984. Chánh điện được xây lại năm 1990 và 1991. Vào ngày 29 tháng 2 năm 1992 Hội Đồng Phật giáo tỉnh Sông Bé cho trùng tu lại những pho tượng lịch sử trong chùa. Diện tích của chánh diện cộng với nơi tụng kinh và phai gian phía bên đông và tây là 700 m². Các tượng Phật tại đây đều được tạo ra do các thợ trong vùng Thủ Dầu Một vào thế kỷ thứ 19. Đặc biệt, Chùa Hội Khánh ở Bình Dương còn gắn với hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1923 – 1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập ra Hội Danh Dự tại đây. Tháng 5/2013, tổ chức kỷ lục Châu Á đã chính thức xác lập tượng Phật Nằm tại chùa là “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á”. Dù được trùng tu và mở rộng nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nỗi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương. Chính điện và giảng đường được bố trí theo kiểu “sấp đội”, nối liền nhau theo thức “trùng thềm điệp ốc”, một dạng thức kiến trúc phổ biến đối với đình, chùa ở xứ Đàng Trong bấy giờ. Trong khuôn viên Chùa có 4 kiến trúc mang tên 4 thánh tích gắn với Đức Phật, gồm vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh); Bồ Đề đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo), vườn Lộc Uyển (nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (nơi Đức Phật nhập niết bàn). Xung quanh sân chùa là 9 ngôi tháp của 9 vị trụ trì đã viên tịch, được xây dựng công phu. Phía bên trái Chùa còn có ngọn tháp 7 tầng, được phục dựng gần đây, tầng dưới của tháp là nơi trưng bày các văn hóa phẩm của chùa, như băng đĩa, tượng Phật kỷ niệm, chuông mõ… Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong Chùa Hội Khánh đều được điêu khắc, chạm trổ rất tinh vi, với những đề tài như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung. Ngoài ra, Phật đài cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước Chùa. Tầng trệt là dãy nhà dài 64m, rộng 23m dùng làm trường Phật học, thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đặc biệt có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và các vị bồ tát, tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa. Về phần liễn đối, thơ văn còn lưu giữ phong phú, giá trị khó có ngôi chùa nào sánh kịp. Nhiều người nhắc đến câu đối của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn lưu ở chùa Hội Khánh, với ý nghĩa ngôn từ hàm súc của thiền học: “Đại đạo quảng khai thố giác khuê đàm để nguyệt. Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằn thụ đầu phong” (Tạm dịch: mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước. Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây). Về phần nghệ thuật trang trí nội thất, tranh tượng tự khí thờ phượng được điêu khắc, chạm trổ rất công phu, sắc sảo… đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “thập bát La Hán” (tạo tác 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước chánh điện; các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925). Nhà chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm. Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm Quí Mùi (1883) do Bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng. Điều đó cho thấy đạo phật đã phát triển khá sớm và khá vững mạnh tại địa phương này.
Bình Dương 1574 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 29/03/2023