Ghềnh đá cổ Mang Yang còn được biết đến với tên gọi khác là bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang. Ghềnh đá này nằm ở hạ lưu của Nhà máy Thủy điện H’Chan, thuộc địa phận làng Đôn Hyang, xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Gia Lai. Ghềnh đá được phát hiện trong quá trình khai thác và xây dựng nhà máy thủy điện. Chỉ trong một thời gian ngắn, những hình ảnh chụp tại đây đã cực hot trong các group review Gia Lai. Rất nhiều bạn trẻ đổ về đây để được tận mắt chiêm ngưỡng loại địa hình độc đáo này cũng như check-in với background siêu ấn tượng. Tại Gia Lai hiện nay có ba bãi đá cổ nổi tiếng là Ghềnh đá cổ Mang Yang, Suối đá cổ làng Vân và thiên đường đá lục lăng tại làng Kông Yang. Cả ba bãi đá này đều có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu địa chất, giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu thêm nhiều điều mới mẻ về quá trình hình thành khu vực Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Cùng với đó, dựa theo tài liệu chuyên môn và đánh giá của các nhà địa chất học thì Ghềnh đá cổ Mang Yang có hình thức cấu tại và niên đại tương đồng với Gành Đá Đĩa của tỉnh Phú Yên. Ghềnh đá cổ tại Mang Yang được cấu tạo từ những khối và thanh đá lục lăng tương đối đều đặn, hình dáng khá giống nhau, sắp xếp xen kẽ theo hướng vuông góc. Cấu trúc tại đây dễ khiến chúng ta liên tưởng đến một tổ ong khổng lồ, có nhiều chỗ gồ ghề độc đáo. Đá thì có màu lem luốc như vừa trải qua một vụ cháy lớn, màu sắc không đồng đều, chỗ đậm chỗ nhạt rất đặc biệt. Nếu đoạn suối đá tại làng Vân từng có khoảng thời gian dài nằm ẩn mình dưới những tán lá cổ thụ thì Ghềnh đá cổ Mang Yang lại chịu tác động từ dòng chảy của sông Ayun. Con sông này chảy rất xiết, đặc biệt là vào mùa mưa, lượng nước cùng sức nước có khả năng bào mòn rất lớn. Hàng trăm thanh đá trải qua nhiều thế kỷ liên tục bị dòng chảy mài mòn, cộng thêm những biến đổi địa chất và quá trình phong hóa đã tạo nên cảnh quan đặc sắc như ngày hôm nay. Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học thì bãi đá cổ này có nguồn gốc từ magma núi lửa phun trào. Vốn dĩ, đá magma có độ cứng khủng khiếp nên sức mạnh dòng chảy đã mài láng bề mặt bên ngoài, khiến các khối đá trông như liền đặc vào nhau tạo thành từng mảng lớn với cấu trúc lục giác y như tổ ong. Ở nhiều vị trí, các khối đá cổ còn tạo thành những vùng lõm lớn, thậm chí bị nước xuyên thủng hình thành lỗ hổng có đường kính rộng đến cả mét. Từ đó mà địa hình có thêm nhiều hốc, hang đá đủ loại với các hình dáng và kích thước khác nhau. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể biết bên dưới đập nước hoặc lòng đất liệu còn có bao nhiêu khối đá cổ. Tuy nhiên, theo đánh giá và suy luận của các nhà địa chất học thì phần Ghềnh đá cổ Mang Yang lộ thiên hiện tại có lẽ chỉ là một phần của bãi đá. Qua thời gian, những biến đổi địa hình có thể giúp chúng ta khám phá thêm nhiều điều thú vị hơn nữa vẫn còn đang bị vùi lấp dưới lòng đất.
Gia Lai 115 lượt xem Từ tháng 11 đến tháng 04
Ngày cập nhật : 18/12/2024