Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) của người Mơ Nâm (một nhánh dân tộc Xơ Đăng) nằm giữa một khu vực giữa bốn bề là rừng núi còn nguyên sinh, có nhiều nét đặc trưng độc đáo và những giá trị văn hóa đặc sắc... đang là điểm đến ấn tượng của du khách trong và ngoài nước. Từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đi về phía Tây Bắc tầm 40 km theo tỉnh lộ 676 đến cầu Măng Bút, sau đó rẽ vào đường liên thôn 7,5 km nữa là đến làng Vi Rơ Ngheo, ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng hoang sơ và tách biệt với những ngôi làng khác. Vi Rơ Ngheo theo tiếng Xơ Đăng có nghĩa là một vùng đất có khí hậu lạnh, đây cũng là tên một con suối chảy qua làng. Làng Vi Rơ Ngheo hiện có 63 hộ, hơn 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Xơ Đăng. Giữa làng có ngôi nhà rông bề thế, chiều cao tầm 20 m, đây là nơi diễn ra các lễ hội dân gian truyền thống, nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: Cồng, chiêng, trống, vũ khí… và cũng là nơi tiếp đón khánh quý đến thăm làng. Người dân ở đây xem nhà rông như là biểu tượng về văn hóa, linh hồn của làng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng với nhau và giữa dân làng với thần linh. Xung quanh nhà rông là những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn, ven làng và trên cánh đồng có những kho lúa được người dân dựng lên để lưu giữ lúa sau mỗi mùa gặt. Điều đặc biệt chỉ có ở Vi Rơ Ngheo mà các làng khác không có, đó là gần như nhà nào cũng trồng phong lan. Các loại phong lan ở đây chủ yếu được người dân mang về từ những cánh rừng ở xa và được trồng trong những bọng cây đặt xung quanh nhà, hàng rào hay trước cổng. Đến nay người dân làng Vi Rơ Ngheo đã sưu tầm, nhân giống trồng được khoảng 1.000 chậu địa lan và phong lan; tổ chức khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan và sim, mua quanh làng. Khi bóng chiều phủ núi đồi cũng là lúc sắc hồng, vàng hoa địa lan nhường chỗ cho rừng hoa sim khoe sắc, nhuộm tím cả cánh rừng. Đã bao đời, dân làng chung tay bảo vệ từng cây gỗ, cây lan, cây sim trên cổng trời Ngọc Ruông. Từng ngôi nhà, con suối, khu rừng già ven làng được người dân gìn giữ, bảo vệ và chăm chút nhằm tô thêm cảnh sắc cho làng. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân trong làng luôn có ý thức giữ gìn môi trường sống xung quanh sạch đẹp. Ở các ngã ba, ngã tư trong làng đều có sọt đựng rác được làm từ những cây lồ ô lớn, người dân ở đây không xả rác ra rừng, ra sông, suối, ra đường. Nhà nào cũng có nơi để rác sinh hoạt hàng ngày. Vi Rơ Ngheo có một đội cồng chiêng và múa xoang với 32 nghệ nhân, 1 bộ cồng chiêng truyền thống và một bộ cồng chiêng cải tiến. Các nghệ nhân vẫn tập luyện và truyền nghề cho nhau qua nhiều thế hệ từ bao đời nay. Cũng như nhiều ngôi làng ở Tây Nguyên, cồng chiêng và múa xoang không thể thiếu trong các dịp lễ hội và sinh hoạt truyền thống ở đây. Người dân làng Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ làm máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ làm chuồng trâu, nhà rông mới, lễ gieo mạ... Ẩm thực của dân làng là các loại rau rừng và thực phẩm tự sản xuất như gà, dê, heo, lúa nếp, gạo rẫy, mì, sâm dây và các loại cá, cua, ốc tự bắt ở suối, rượu cần tự làm. Nghề truyền thống của làng là nghề đan lát từ mây tre và dệt thổ cẩm.
Kon Tum 240 lượt xem Từ tháng 11 đến tháng 04
Ngày cập nhật : 20/12/2024