Sóc Trăng với đặc thù có sự cộng cư của nhiều dân tộc, đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc. Đi du lịch Sóc Trăng, bạn sẽ bắt gặp nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, nguy nga và tất cả đều mang đặc trưng riêng độc đáo, trong đó phải kể đến chùa KhLeang. Chùa KhLeang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lịch sử gần 500 năm. Chùa KhLeang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer rất tinh tế, sắc sảo, nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt – Hoa trong bài trí. Chùa KhLeang tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, Thành phố Sóc Trăng trong một khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Đến đây du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer, truyền thuyết về nguồn gốc Sóc Trăng và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa. Tên gọi của chùa KhLeang gắn liền với truyền thuyết địa danh Sóc Trăng, nếu dịch ra từ tiếng Khmer sẽ có nghĩa là “xứ có kho”, gợi về một vùng đất xưa trù phú. Theo các thư tịch, chùa được xây dựng từ năm 1533, lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá, sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc chùa hiện nay như ngôi chánh điện và Sala được xây dựng mới vào năm 1918. Chùa có kiến trúc gần giống như các chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia. Quần thể kiến trúc chùa Khleang bao gồm: ngôi chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,… được bố trí hài hòa trên nền đất cao. Điểm độc đáo không kém chính là các công trình này trong chùa Khleang đa số đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xa xưa, mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo mang đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer. Tòa chính điện nằm ở trung tâm được chia làm ba bậc nền, mỗi bậc cao khoảng 1 mét có hàng rào bao xung quanh màu sắc rực rỡ. Vòng rào ngoài lớn rồi nhỏ dần vào trong, khoảng cách giữa các vòng rào rất rộng, nền chùa chiếm diện tích rất lớn. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong. Bên trong chính điện có các cột bằng gỗ, rất to, đen mượt, được thếp bằng vàng các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật, về sinh hoạt Phật pháp. Trên trần và chung quanh đều được trang trí bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật, thể hiện được sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa. Chính điện có bức tượng Phật cao 6,8 m, phần thân tượng cao 2,7 m được đúc vào năm 1916. Tượng được đặt ngồi trên tòa sen lộng lẫy với vầng hào quang bằng điện lúc ẩn, lúc hiện, tạo nên sự uy nghiêm thanh thoát và huyền ảo. So với nhiều ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Khleang còn giữ lại những nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Không những vậy, ngoài đặc điểm chủ đạo theo kiến trúc hoa văn Khmer, trong chánh điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc vốn có quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng. Điều lý thú là tủ sách trưng bày trong chánh điện nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy các lá buông có chữ Khmer cổ trên đó. Đây là những nội dung kinh Phật được viết trên lá buông, được nhà chùa cẩn thận gìn giữ. Với đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng, chính điện chùa KhLeang thực sự là công trình có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật. Với những giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc, ngày 27/4/1990, chùa Khleang được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây là một địa điểm du lịch Sóc Trăng thú vị mà bạn không nên bỏ qua nếu có dịp ghé thăm vùng đất này. Ngoài chức năng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chùa Khleang còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc khmer thông qua các ngày lễ hội hàng năm, cùng các hoạt động văn hóa khác. Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng tại chùa, trong đó có Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sene Đôl Ta (Lễ cúng ông bà), Oóc – Om – Bóc (Lễ cúng trăng),…
Sóc Trăng 157 lượt xem Từ tháng 11 đến tháng 04
Ngày cập nhật : 19/12/2024