Du lịch Huế, không khó để du khách bắt gặp hình ảnh những cô gái dịu dàng trong tà áo dài với chiếc nón bài thơ, đây được xem như một trong những hình ảnh kinh điển hoạ nên vẻ đẹp của xứ sở này và làng nón Phú Cam chính là một trong những nơi tạo ra vẻ đẹp ấy. Là một làng nghề truyền thống rất nổi tiếng nên Phú Cam thu hút nhiều du khách tìm đến, để tận mắt chiêm ngưỡng quy trình tạo nên những chiếc nón trứ danh và hiểu hơn về một trong những nghề truyền thống lắm công phu và gian nan của xứ cố đô. Làng nón Phú Cam hiện nằm ở bên bờ Nam của sông An Cựu thuộc phường Phước Vĩnh, trung tâm thành phố Huế. Chính vì vậy, du khách muốn ghé thăm nơi này có thể di chuyển khá thuận tiện và dễ dàng.Cùng với dòng chảy lịch sử của xứ Huế, làng nghề nón Phú Cam vẫn được gìn giữ và lưu truyền cho đến tận ngày nay như một nét đẹp văn hoá truyền thống khiến người ta tự hào. Ngược dòng lịch sử, làng nón Phú Cam được thành lập từ khoảng thế kỷ XVII. Theo đó, vào thời gian này có một công đoàn giáo dẫn đã đến Phú Cam sinh sống, sau đó Langlois một vị linh mục người Pháp được điều về Huế đã lập nên giáo xứ và quy tụ dân chúng theo đạo cũng như phát triển nghề làm nón truyền thống. Từ đó đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm làng nón Phú Cam vẫn bền bỉ tồn tại và tô điểm thêm cho vẻ đẹp của xứ Huế bằng những chiếc nón truyền thống. g chiếc nón lá trông giản dị và nhẹ nhàng là vậy nhưng để tạo nên được những sản phẩm đẹp, ấn tượng đòi hỏi một quá trình công phu và đầy tỉ mẩn cùng đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Ở làng nón Phú Cam người ta sử dụng 16 chiếc vánh kích thước to nhỏ khác nhau để làm nón. Công đoạn đầu tiên sẽ là vót tre, chuốt vành, xây khung làm sao cho thật tròn trịa và cân xứng. Dáng nón đẹp hay không phụ thuộc vào khung nón do đó các nghệ nhân phải giữ được kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vàng và độ tròn của vành phải thật chuẩn. Sau phần khung thì phần lá nón cũng cũng được làm rất kỹ lưỡng. Người ta sẽ chọn những chiếc lá có màu trắng xanh, lá cần có tuổi vừa đủ để một chiếc nón chỉ phải sử dụng từ 8 đến 9 lá. Khi đã chọn được lá đúng tuổi, người làm nón làng Phú Cam cần phải thực hiện bước ủ và sấy rất phức tạp cho đến khi lá khô nhưng sắc vẫn tươi xanh mịn màng chứ không bị thâm đen hay vàng đi. Lá đã được chọn và sấy xong sẽ mang đi ủi trên chảo gang sau đó lấy nùi vải tẩm dầu nón để vuốt lá cho láng mịn và bắt mắt. Khuâ cuối cùng trong quy trình làm nón ở làng nón Phú Cam xứ Huế chính là bước chằm nón. Các nghệ nhân phải rất khéo léo và tinh tế để chằm một cách vừa kỹ lượng tỉ mỉ những sợi chỉ cước trong suốt trên những tấm lá vào bộ vành nón. Ẩn mình giữa hai lớp lá của nón sẽ là các hoạ tiết hoa văn mang đặc trưng xứ Huế như sông Hương, núi Ngự, chùa Linh Mộ, Đại Nội, cầu Trường Tiền hay những câu thơ, câu cá về Huế. Dưới ánh nắng những hoạ tiết, hình ảnh và thơ ca hiện lên rõ nét trên vành nón tựa như một bức tranh. Quai nón Phú Cam cũng là một nghệ thuật, có khi đó sẽ là một dải gấm lụa trắng, hay dải gấm đen tuyền có khi lại là những dải lụa màu tím e ấp, màu liễu xanh, hồng rực hay xanh ánh trăng. Mỗi một màu sắc lại thể hiện một cái hồn riêng càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của những chiếc nón xinh. Thông qua những chiếc nón làng Phú Cam, vẻ đẹp Huế hiện lên vừa dịu dàng vừa gần gũi. Những chiếc nón của làng nghề không đơn thuần chỉ là sản phẩm thủ công phục vụ đời sống, du lịch mà còn đong đầy tình yêu, niềm tự hào của người dân cố đô qua từng vành nón, khắc hoạ trọn vẹn nét đẹp của cố đô dịu dàng, cổ kính mà thanh lịch.Làng nón Phú Cam với những chiếc nón lá truyền thống thể hiện nét đẹp dịu dàng của những người con xứ Huế không chỉ là làng nghề thủ công đặc trưng cho văn hoá xứ Huế mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa, nếu có cơ hội đến Huế bạn đừng bỏ lỡ điểm đến hấp dẫn này nhé.
Thừa Thiên Huế 725 lượt xem Từ tháng 03 đến tháng 08
Ngày cập nhật : 01/12/2024