Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Căn Cứ Tiên Động Đền Ngô Quang Bích

Căn Cứ Tiên Động Đền Ngô Quang Bích

Khu Di tích lịch sử Quốc gia căn cứ Tiên Động nằm trên địa bàn xã Tiên Lương huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tiên Động xưa kia (khi Tướng quân Ngô Quang Bích chọn làm căn cứ kháng chiến) là một cánh đồng chiêm trũng sình lầy, được bao quanh bởi địa hình đồi núi hiểm trở. Từ căn cứ Tiên Động khi tiến có thể dùng thuyền theo ngòi Giành ra sông Hồng để sang Thanh Ba, xuôi về huyện lỵ Cẩm Khê, hay ngược lên Hạ Hòa. Khi thoái có thể vào Yên Lập, đi Nghĩa Lộ lên vùng Tây Bắc. Danh nhân- Tướng quân Ngô Quang Bích sinh ngày 7/5/1832 tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Theo chính sử, ông vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền, nhưng do ông nội ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử sách cũng gọi ông là Nguyễn Quang Bích. Năm 1858, ông thi đỗ tú tài; năm 1861, thi đỗ cử nhân, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm quan nhưng ông dâng sớ xin tạm không nhậm chức để tiếp tục học thêm, đồng thời mở trường dạy học. Đến năm 1869, thời Tự Đức, ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên (tức Hoàng giáp). Sau đó, lần lượt được bổ nhiệm giữ các chức vụ Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ ngày nay); Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa ngày nay); Án sát tỉnh Sơn Tây; Tế tửu Quốc tử giám (Huế); Án sát tỉnh Bình Định; Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (bao gồm tỉnh Phú Thọ ngày nay). Khi Thực dân pháp đem quân đánh lên Hưng Hóa, cụ Ngô Quang Bích với tư cách “Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa” đã lãnh đạo quân dân đánh Pháp, giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, với sức mạnh vượt trội của quân đội Pháp, ngày 12/4/1884, thành Hưng Hóa thất thủ. Ngô Quang Bích rút quân về Tiên Động xã Tiên Lương huyện Cẩm Khê lập căn cứ, dựng cờ khởi nghĩa, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi kháng Pháp. Cờ của nghĩa quân thêu 4 chữ "Bình Tây Báo Quốc" và lời tuyên thệ "Việt quốc thiên thu nguyên bất dịch, Lạc Hồng tiên chủng phục hoàn tô" khẳng định chủ quyền dân tộc. Vua Hàm Nghi ban chiếu phong ông làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần Trung hầu, lãnh nhiệm vụ tổ chức kháng chiến ở Bắc Kỳ (văn từ Tham tán, võ từ Đề Đốc được quyền liệu nghi lục dụng). Kể từ đó, với uy tín của mình, Tướng quân Ngô Quang Bích vừa trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Tiên Động, vừa tìm cách liên hệ để phối hợp với các thủ lĩnh kháng chiến khác như Phan Đình Phùng ở Thanh-Nghệ; Đèo Văn Trì, Nông Văn Quang, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh là các sĩ phu, tù trưởng các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mông trong vùng tham gia chiến đấu hoặc ủng hộ kháng chiến. Trong khi cuộc kháng chiến đang có phần thuận lợi thì ngày 5 tháng 1 năm 1891, Tướng quân Ngô Quang Bích đột ngột chuyển bệnh nặng rồi mất, hưởng thọ 58 tuổi. Thi hài của ông được quân sĩ an táng tại núi Tôn Sơn huyện Yên Lập. Không chỉ là một chí sỹ yêu nước, thủ lĩnh kháng chiến mà Ngô Quang Bích còn là nhà thơ, nhà văn hóa. Ông để lại cho hậu thế tác phẩm “Ngư phong thi tập” (Tập thơ Ngư Phong), gồm 112 bài thơ bằng chữ Hán, phần lớn sáng tác trong những năm ông lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp tại Tiên Động. Ngoài ra, ông còn có các bài văn, câu đối viếng các đồng đội hy sinh. Đặc biệt là "Thư trả lời quân Pháp" với lời lẽ khẳng khái, ý chí quyết hi sinh vì độc lập dân tộc. (Khi Pháp đưa thư dụ ông đầu hàng, hứa sẽ cấp chức tước, bổng lộc cao, ông đã đanh thép trả lời rằng: "Ta mà thắng, mà sống thì là nghĩa sĩ triều đình. Chẳng may mà thua, mà chết thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc. Ta thà chịu tội với nhất thời, quyết không mắc tội với vạn thế!") Năm 1884, sau khi thành Hưng Hóa thất thủ, rút quân về đóng ở Tiên Động, Tướng quân Ngô Quang Bích đã xây dựng nơi đây thành một hệ thống đồn lũy liên hoàn, đảm bảo cho sự phòng thủ và tấn công hợp lý, trở thành căn của địa vững chắc của cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đại bản doanh của căn cứ đóng trên một gò cao mà nay nhân dân gọi là gò Quan Đại. Đây là quả đồi cao khoảng 150m so với mặt bằng khu vực, giáp với núi Lưỡi Hái, đỉnh đồi khá bằng phẳng và lồi mặt gương lên làm 3 mỏm. Mỏm giữa là đồi Tướng Quân, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân (và cũng là nơi mà ngày nay xây dựng đền thờ Ngô Quang Bích). Bên phải là mỏm Hồ Gia, án ngữ con đường xuyên qua núi Lưỡi Hái thông sang Yên Lập (về sau ông đã cho rút quân vào Yên Lập bằng con đường này). Bên trái là gò Cổng Đồn (đây là đồn vệ binh bảo vệ đại bản doanh). Mỗi mỏm đồi gò cách nhau khoảng 300m, gần chân đồi hiện nay còn những vết tích của giếng nước và nơi buộc ngựa của nghĩa quân xưa kia. Trong khu căn cứ Tiên Động còn lưu giữ các địa danh nổi tiếng như: đồi Tướng Quân, đồi Cột Cờ, gò Mai, gò Đồn, gò Múc, đồi Cỏ Rác… là những địa điểm gắn liền với tên tuổi Danh nhân- Tướng quân Ngô Quang Bích với các nghĩa sĩ Cần Vương và phong trào khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Ngày 12/2/1999, căn cứ Tiên Động đã được Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Trong đền có tượng thờ Tướng quân Ngô Quang Bích, các văn bia ghi lại ý chí và lòng quả cảm của ông cùng các nghĩa sĩ Cần Vương. Trên tấm bia trên đường dẫn lên đền thờ có khắc ghi những dòng thơ của quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ca ngợi ý chí, tấm lòng yêu nước của Tướng quân: Các hiện vật được trưng bày trong nhà trưng bày gồm: 1 bộ ấm chén, 1 phạng sứ đựng cơm màu da lươn, 1 khẩu súng Hỏa Mai và một số đạn và vỏ đạn của nghĩa quân. Về bộ ấm chén và chiếc phạng sứ đựng cơm, đây là những đồ dùng phục vụ Tướng quân Ngô Quang Bích trong sinh hoạt hàng ngày, được tìm thấy năm 1979 bởi gia đình bà Tuân Huệ ở Tiên Động khi đào đất trong vườn nhà (khi tìm được hiện vật, qua thông tin từ gia đình, các nhà nghiên cứu đã xác nhận, xưa kia ông nội của bà là lính cận vệ của cụ Ngô Quang Bích, vẫn dùng Phạng này để ủ cơm cho cụ). Tiên Động là căn cứ kháng chiến của cả vùng trung du, miền núi phía bắc, được lãnh đạo, điều hành trực tiếp bởi Hiệp thống Bắc kỳ quân vụ đại thần Ngô Quang Bích nên cũng là nơi tụ hội của nhiều văn thân, chí sỹ yêu nước nổi tiếng trong cả nước như Tống Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Nguyễn Cao... về đây để bàn việc phục quốc. Vì vậy, đây là di tích lịch sử ghi dấu ấn, sử liệu của cả một thời kháng Pháp oanh liệt của phong trào Cần Vương. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Cẩm Khê

Phú Thọ 1099 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Phú Thọ

Đền Hùng

Phú Thọ 1479

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền Du Yến

Phú Thọ 1446

Di tích cấp quốc gia

Đình Hùng Lô

Phú Thọ 1444

Di tích cấp quốc gia

Đình Lâu Thượng

Phú Thọ 1444

Di tích cấp quốc gia

Tượng đài chiến thắng Sông Lô

Phú Thọ 1443

Di tích cấp quốc gia

Đền Lăng Sương

Phú Thọ 1429

Di tích cấp quốc gia

Đền Tiên

Phú Thọ 1398

Di tích cấp tỉnh

Cụm di tích Đền Tam Giang- Chùa Đại Bi

Phú Thọ 1375

Di tích cấp quốc gia

Miếu Lãi Lèn

Phú Thọ 1361

Di tích cấp tỉnh

Đình Thạch Khoán

Phú Thọ 1346

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật