Chùa Lái (còn gọi là Linh Ngai Tự)

Chùa Lái (còn gọi là Linh Ngai Tự)

Chùa Lái (còn gọi là Linh Ngai Tự) là một ngôi chùa nằm trên địa bàn thôn Vị Khê - xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, địa dư hành chính thuộc phường Phong Cốc. Chùa Lái tên chữ là Linh Ngai tự (chùa Linh Ngai), Ngai là thế tay ngai. Hai chữ Linh Ngai được giải thích là do sông Ván tỏa ra thành hai nhánh sông Cái Đỗng và sông Vị Khê tạo thành thế tay ngai ôm trọn vùng đất này, còn gọi là xứ Linh Ngai. Tên của chùa xuất phát từ tên gọi của làng. Làng Lái xưa là bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng. Dân ở đây quanh năm sống bằng nghề chài lưới, tối đến nghỉ ngay trên thuyền của họ. Khoảng thời vua Lê - niên hiệu Hồng Đức, Tiên công Phạm Thanh Lảnh quê ở Quang Lang chiêu tập những người dân vạn chài trong khu vực lại để quai đê, lấn biển, làm nhà, dựng cửa trên bờ, lập thành làng gọi là làng Lái. Khi cuộc sống đông vui, họ đã xây dựng chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và lấy tên làng làm tên thường gọi cho chùa. Hai chữ "chùa Lái" cho đến nay vẫn không thay đổi và đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây. Chùa Lái được xây dựng khá sớm, từ giữa thế kỷ XVI. Ban đầu làm bằng tranh tre, vách đất để thờ Phật. Đến năm Hưng Trị thứ 2 (1589), chùa được các hội chủ sĩ ni và tín thí hai xã Vị Dương, Vị Khê góp quả phúc trùng tu, tạo tác tượng Phật, xây dựng lại khang trang hơn. Chùa nằm trong khu đất có tổng diện tích 5.767 m², xung quanh là cánh đồng lúa phì nhiêu, màu mỡ, tấm bia "Linh Ngai tự bi ký" khắc năm 1589 có đoạn viết: "Chùa Linh Ngai được tọa lạc trên khu đất Linh Ngai, thôn Vị Khê, xã Vị Dương, huyện Yên Hưng, bốn phía xung quanh là ruộng Phật. Xưa kia cổ nhân đã dựng chùa, cấy ruộng, nhìn thấy một khu lâu đài trúc mọc tốt tươi như đường dẫn tới bát nhã, là vẻ giàu có vững vàng của đất nước, là thắng cảnh đệ nhất của xứ Hải Đông... Sau khi xây dựng lại, chùa Linh Ngai tráng lệ, tượng Phật tôn nghiêm, nhân dân kính thờ. Đây là bờ cõi rộng lớn ở trấn Tây, là thắng cảnh của nước Nam...". Tiếng lành đồn xa, sau khi chùa Lái hoàn thành thì nơi đây càng trở nên đông đúc, nhộn nhịp, linh thiêng, phật tử quy y, tăng ni trụ trì, tất cả đều hướng lòng thiện vào cõi Phật, góp công, góp của mong quả phúc đời đời cho con cháu. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vào các năm: Vĩnh Hựu thứ 2 (1716), Thành Thái thứ 19 (1907), Khải Định thứ 3 (1918), Khải Định thứ 10 (1925), Bảo Đại thứ 3 (1928). Chùa Lái đã trải qua bảy lần sư trụ trì, các sư đều có lòng mộ đạo. Có những nhà sư còn tham gia hoạt động cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến nay, mặc dù thời gian đã làm cho cảnh cũ chùa xưa thay đổi nhiều, nhưng nhìn tổng thể chùa Lái vẫn giữ được nét cổ kính của ngôi chùa cổ: năm gian chùa chính, năm gian nhà tổ, vườn, tháp được bố cục theo kiểu tiền Phật hậu Tổ. Chùa quay hướng tây bắc, tuy không theo hướng của các ngôi chùa Việt thường thấy, nhưng lại là một thế rất đẹp, có dòng sông Ván chia hai nhánh Cái Đỗng, Vị Khê ôm trọn vùng đất như thể tay ngai vững chãi. Hai nhánh sông này uốn lượn mềm mại như thể hai con rồng đang vờn nước quanh chùa (lưỡng long vờn Thủy). Mặt khác, khi triều lên, nước ở biển qua hai dòng sông Cái Đỗng và Vị Khê hội tụ và gặp nhau ở sông Ván (trước cửa chùa). Khi triều xuống, nước ở dòng sông Ván lại tỏa ra hai sông Cái Đỗng, Vị Khê để chảy ra biển. Cứ ngày lại ngày, tỏa ra rồi lại tụ vào cửa dòng nước theo sự vận hành của trái đất như thể bánh xe luân hồi của đạo Phật. Chùa Lái hiện còn lưu giữ được 125 hiện vật nguyên vẹn, trong đó có 6 pho tượng gỗ được tạc vào thời Mạc (3 pho Tam Thế, 1 pho A di dà, 1 pho Quan Âm chuẩn đề, 1 pho Thích Ca Mâu Ni), 1 tấm bia đá thời Mạc được làm vào năm Hưng Trị thứ 2 (1589), 1 cây hương đá năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716), 28 pho tượng được tạc vào thời Nguyễn (2 pho Quan Thế Âm, 4 pho Thiên Vương, 1 pho Di Lặc, 2 pho Tuyết Sơn, 1 pho Thích Ca sơ sinh, 1 pho Đức Ông, 2 pho trợ thủ của Đức Ông, 1 pho tượng Mẫu, 7 pho tượng Cô, Cậu..., 6 tấm bia đá, 1 tòa Cửu long bằng đồng) và một chuông đồng to thời Nguyễn đúc năm Thành Thái thứ 19 (1907) cùng nhiều đồ thờ tự thời Lê, Nguyễn có giá trị. Tương truyền, bên trong khuôn viên chùa có một đường hầm ngầm dưới lòng đất để cất giấu nhiều thư từ, vũ khí và nơi ẩn náu của cán bộ cách mạng những năm kháng chiến chống Pháp. Với những giá trị lịch sử, văn hoá, chùa Lái đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 1870/QĐ-UBND, ngày 27-7-2000. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh 282 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh

Mở cửa

Khám Phá Quảng Ninh

Di tích Lịch sử Bạch Đằng

Quảng Ninh 1522

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Di tích Nhà Trần tại Đông Triều

Quảng Ninh 1337

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử

Quảng Ninh 1319

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông

Quảng Ninh 1292

Di tích quốc gia đặc biệt

Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh 1256

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên

Quảng Ninh 1233

Di tích cấp quốc gia

Núi Mằn

Quảng Ninh 1224

Di tích cấp quốc gia

Núi Bài Thơ

Quảng Ninh 1193

Di tích cấp quốc gia

Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm

Quảng Ninh 1176

Di tích cấp quốc gia

Trận địa pháo 37 ly của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai

Quảng Ninh 1159

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật