Khám Phá Chùa Cổ Lễ: Nơi 27 Nhà Sư "Cởi Áo Cà Sa Khoác Chiến Bào"

Chùa Cổ Lễ ở Nam Định nơi nổi tiếng với câu chuyện 27 nhà sư "cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận," mang đến những trải nghiệm về lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp tâm linh sâu sắc. Hãy nghe Nguyễn Thế Dương (Quảng Ninh) một travel blogger nổi tiếng bật mí .

Nhắc đến thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, không thể không nhắc đến Chùa Cổ Lễ – nơi có câu chuyện về những nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” để giành lại độc lập cho dân tộc. Hãy cùng mình khám phá ngôi chùa này nhé!


                                                                                                          Nguồn ảnh: Sưu tầm

Chùa Cổ Lễ nằm cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 15km, được xây dựng từ thế kỷ 12 dưới thời Lý Thần Tông với tên gọi "Thần Quang Tự". Chùa thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người có gốc gác từ làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Từ nhỏ, ông theo nghề chài lưới của gia đình, đến năm 29 tuổi ông xuất gia.

Ngài cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em và sang Tây Vực (Bắc Ấn Độ) học phép "Tâm vô lậu" đắc "Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt". Sau khi đắc lục trí thần thông, ba người trở về nước và đảm nhận những vị trí trụ trì tại các chùa lớn. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang (nay gọi là chùa Cổ Lễ), và trở thành một trong "Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ".

Ngài đã vượt qua nhiều thử thách để mang về những bảo vật quý như Tượng Phật cao hơn 4m ở chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền nặng 1000kg ở Phả Lại, tháp Báo Thiên cao 9 tầng ở Hà Nội, và đỉnh Phổ Minh nặng 1000kg ở Nam Định.

Thượng tọa Thích Tâm Vượng, trụ trì chùa Cổ Lễ, chia sẻ rằng chùa từng được xây dựng bằng gỗ theo kiến trúc cổ. Tuy nhiên, qua thời gian, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1902, Đệ Nhất sư Tổ Phạm Quang Tuyên đã trùng tu và tái thiết lại chùa theo kiến trúc "Nhất Thốc Lâu Đài" với nguyên liệu xây dựng chủ yếu là vôi, gạch, cát và mật.

Phía trước chùa có tháp "Cửu Phẩm Liên Hoa" cao 32m, nằm trên lưng một con rùa khổng lồ, đầu rùa hướng vào chùa. Tháp nằm giữa hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả lớn, với bốn con voi lớn ở mỗi góc.


                                                                                                          Nguồn ảnh: Sưu tầm

Cầu cong ba nhịp (cầu cuốn) bắc qua hồ Chu Tích dẫn tới chùa Trình, nơi thờ Phật quan âm nghìn mắt nghìn tay. Trước sân chùa Trình có hai lư hương khổng lồ. Hai bên chùa Trình là Đền thờ Linh Quang Từ và Đền thờ Thánh mẫu, nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Để đến ngôi Tam Bảo chính cung cao 29m, nơi thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, du khách phải đi qua cầu Tả Sơn Kiều hoặc Hữu Sơn Kiều, mỗi cây cầu dài hơn 14m. Ngôi Tam Bảo được xây dựng và thiết kế theo lối kiến trúc kết hợp giữa Đông và Tây, giữa cổ và kim. Bên ngoài có họa tiết, hoa văn, phù điêu mang biểu tượng Phật giáo, có rồng, phượng, hoa sen, và cánh đao.

Một nhà sư tại chùa Cổ Lễ cho biết, năm 1934, Hòa thượng Phạm Thế Long kế vị trụ trì. Năm 1936, ông cùng nhân dân đúc một quả chuông đồng nặng 9 tấn, cao 4,2m, đường kính 2,2m, và thành chuông dày 8cm, gọi là chuông Đại Hồng Chung. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó.

Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và chữ Hán. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân và nhà chùa đã giấu chuông dưới hồ để tránh bị phá hủy. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, quả chuông được kéo lên và đặt ở giữa lòng hồ. Đến nay, chuông vẫn còn nguyên vẹn và trở thành biểu tượng lịch sử của chùa Cổ Lễ.

Năm 1997, với sự giúp đỡ của người dân, nhà chùa xây dựng một gác chuông cao hơn 13m, rộng 8,21m gồm 3 tầng tứ diện 12 mái. Tầng trên cùng treo một quả chuông nhỏ đời Lê Cảnh Thịnh thế kỷ XV nặng khoảng 300kg; hai tầng dưới treo quả chuông nặng 9 tấn, cùng trọng lượng với quả chuông đặt giữa lòng hồ.


                                                                                                          Nguồn ảnh: Sưu tầm

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Cổ Lễ là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định, cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực. Ngày nay, hàng năm, từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch, chùa tổ chức lễ hội với nhiều trò chơi dân gian như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền trên dòng sông quanh chùa, để tôn vinh Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Chùa Cổ Lễ đã trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của huyện Trực Ninh và tỉnh Nam Định, mang trong mình vẻ đẹp tâm linh và lịch sử sâu sắc.

13 Tháng 07, 2024 305

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành