Đình Lũng Xuyên

Đình Lũng Xuyên

Đình Lũng Xuyên thuộc thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đình Lũng Xuyên thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, con sông Châu chảy qua địa phận Lũng Xuyên là con đường thủy mà Lý Thường Kiệt cùng các chiến binh của ông thường qua lại khi đóng quân ở vùng Thịnh Châu hạ và An Xá. Trong các lần tuần binh qua, ông và quân sĩ đã có lần nghỉ tại đây. Xung quanh làng Lũng Xuyên còn thấy có nhiều các gò đống, tương truyền đây là nơi để buộc thuyền chiến và để đồ dùng của các đạo quân do Lý Thường Kiệt chỉ huy. Nhân dân địa phương cho rằng, Lý Thường Kiệt đã từ Thăng Long, theo sông Hồng, vào sông Châu (có nghỉ lại Lũng Xuyên), rồi ra sông Đáy. Hiện nay, tại đình vẫn còn nhiều bài văn tế ca ngợi công lao, nhân đức của Thái úy, ở hai cung còn có hàng chữ khắc trên xà ngang của vì kèo thứ nhất giáp với tiền đường “Phát Tống bình Chiêm, an dân muôn thuở”, chính là để ngợi ca công lao to lớn của ông đối với đất nước. Đình được xây dựng trên mảnh đất rộng, cao ráo, thoáng đãng. Đình quay hướng nam, được kiến trúc theo lối chữ đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Tòa tiền đường dài 17 mét 20, rộng 8 mét 80, mái cong, lợp ngói nam, đứng hàng, thẳng lối, ngói lợp kiểu móng rồng. Mặt tiền của tòa tiền đường là dãy cửa bức bàn, khung được tạo bằng các gờ chỉ, giữa là ván bưng tạo kiểu panô. Hai bên xây bít bằng tường gạch, giữa bức tường có hai cửa sổ. Hai hàng cột trong tòa tiền đường được làm kiểu búp đòng, giữa to hai đầu nhỏ, đặt chân trên tảng đá xanh hình vuông, trên mặt đá tảng nổi gương tròn tương xứng với đường kính của chân cột. Dàn mái còn giữ được một số hoành tròn đường kính 12cm, các lần trùng tu sau này bổ sung nhiều hoành vuông có cạnh 12cm. Hậu cung 3 gian bắt mái với gian giữa của tòa tiền đường, cửa giữa của hậu cung có mảng chạm hai con long mã chầu, mặt hổ phù với chân nắm lấy đầu của hai con long mã. Dưới bức chạm là bức đại tự khắc 4 chữ Hán lớn: "Sơn xuyên chung tú" (sáng đẹp cùng sông núi). Ở sân đình còn có hệ thống cột đồng trụ, gồm có đế trụ đắp theo kiểu thắt cổ bổng, thân cột được đắp gờ nổi ở bốn cạnh, phía trên là đèn lồng và trên cùng là trục đỡ hai quả dành dành lớn. Tiếp đến là tả môn và hữu môn đăng đối, mỗi cửa có 4 mái cong với đầu đao, ngói ống. Trong sân là hai dãy tảo xá, mỗi dãy 3 gian dùng để đón khách trong các kỳ lễ hội. Tại nơi đây, đêm 19 tháng 8 năm 1945 lực lượng chính của đội quân cách mạng giành chính quyền của huyện đã tập trung để chờ lệnh xuất phát. Sáng sớm ngày 20 tháng 8 năm 1945, tại sân đình Lũng Xuyên 3 tiểu đội vũ trang của huyện đã làm lễ tuyên thệ trước lá cờ tổ quốc, sau đó tiến quân theo kế hoạch đã định. Trước đây đình Lũng Xuyên có nhiều đồ thờ tự đẹp. Qua năm tháng chiến tranh, nhiều hiện vật bị mất mát. Hiện nay trong hậu cung chỉ còn cỗ ngai thờ thần hoàng Lý Thường Kiệt là tiêu biểu, ngai cao 1,1m chạm khắc tập trung trên thân và tay ngai. Trong hậu cung còn có chiếc chuông nhỏ cao 50cm, đáy 30cm, quai chuông tạo hình hai đầu rồng một thân. Ngoài ra, đình Lũng Xuyên còn có một bộ tam sự bằng đồng gồm đỉnh hương và hai cây nến. Đỉnh hương cao 50cm, thân hình bầu, có gắn hai quai, 3 chân tạo hình chân ly, nắp tạo hình con nghê đang cười. Những hiện vật trên góp phần tạo nên giá trị văn hóa của đình Lũng Xuyên. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hà Nam

Hà Nam 1055 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hà Nam

Di tích Lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn

Hà Nam 1248

Di tích cấp quốc gia

Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến

Hà Nam 1236

Di tích cấp quốc gia

Đình Làng Dâu

Hà Nam 1107

Di tích cấp quốc gia

Đình và Chùa Cổ Viễn

Hà Nam 1098

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ tổ Quốc Công Trần Như Lân

Hà Nam 1091

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ nữ tướng Lê Chân

Hà Nam 1063

Di tích cấp quốc gia

Đình Lũng Xuyên

Hà Nam 1056

Di tích cấp quốc gia

ĐÌNH CÔNG ĐỒNG AN THÁI

Hà Nam 1040

Di tích cấp quốc gia

Đình Triều Hội

Hà Nam 990

Di tích cấp quốc gia

Chùa Bà Đanh

Hà Nam 985

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật