Đền Trúc Hà Nam nằm trong khu du lịch Đền Trúc - Ngũ Ðộng Thi Sơn, thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, cách thành phố Phủ Lý hơn 7km theo quốc lộ 21A. Có khá nhiều sự tích về Đền Trúc Hà Nam nhưng theo các cụ già trông coi đền kể lại thì vào năm 1089, trên đường đi chinh phạt phương Nam qua thôn Quyển Sơn, đoàn thuyền chiến của Lý Thường Kiệt bị một cơn gió bất ngờ thổi gãy cột buồm, cuốn lá cờ lên đỉnh núi Cấm. Thấy lạ, ông bèn cùng tướng sĩ dừng lại, sửa soạn lễ tế trời đất, cầu cho quân đại thắng. Và lần ra quân ấy đúng thật thắng lớn, Lý Thường Kiệt đã cùng quân sĩ quay trở lại làm lễ tạ và cho phép mọi người mở hội ăn mừng chiến thắng. Lễ hội kéo dài hằng tháng, không khí tưng bừng, náo nhiệt, thậm chí trong khoảng thời gian đó ông còn dạy cho người dân nơi đây nghề nuôi tằm dệt vải. Sau này để tưởng nhớ công ơn của Lý Thường Kiệt, dân làng đã lập đền thờ ngay tại nơi ông mở hội, chính là Đền Trúc ngày nay nằm sâu bên trong khu rừng bạt ngàn trúc xanh. Đền Trúc ở Hà Nam được thiết kế theo kiểu chữ “Đinh” gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung. Cổng đền có 4 cột trụ: 2 cột chính giữa cao trên 6m và 2 cột nhỏ ở hai bên. Tiền đường Đền Trúc chia làm 5 gian và hậu cung có 3 gian đều được xây dựng theo phong cách truyền thống của thế kỷ 17- 19 là lợp ngói nam, xây bằng gạch thất, bắt mạch để trần, hệ thống cửa được chạm trổ theo các đề tài tứ linh, tứ quý... có giá trị nghệ thuật cao. Không chỉ được ngắm cảnh đẹp và tham gia lễ hội, đến với Đền Trúc Hà Nam du khách còn có cơ hội tận mắt nhìn thấy những hiện vật bằng đá từ thời Lý mang đậm dấu ấn lịch sử của một thời hào hùng. Được biết, hiện nay ở Đền Trúc đang lưu giữ 2 cổ vật chưa được nghiên cứu từ thời Lý là đôi rồng và một bể cảnh bằng đá. Đôi rồng không lớn lắm, nằm đối xứng theo chiều dọc, đầu quay vào tòa tiền đường nhưng lại có hình dạng khác nhau. Theo những nhà khảo cổ từng đến đây cho biết, con rồng phía bên phải nhìn từ ngoài vào là rồng thời Lý có hình dáng mềm mại, uyển chuyển; còn con rồng phía bên trái là rồng thời Trần có dáng to khỏe, mập mạp hơn. Còn bể cảnh bằng đá được tạo từ đá nguyên khối, có hình chữ nhật, vuông thành sắc cạnh, đáy bể có diềm hình sóng nước bao quanh, thành bể có họa tiết tứ quý. Mặc dù chưa biết chính xác được niên đại của bể cảnh này song nhìn những chi tiết phủ rêu phong cũng biết bể có từ hàng trăm năm trước.
Hà Nam 1243 lượt xem Từ tháng 1 đến tháng 12
Ngày cập nhật : 11/03/2023