Chùa Dâu.

Chùa Dâu.

Chùa Dâu có tên chữ Hán là Sùng Thiên tự thuộc thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc). Từ xa đã thấy ngôi chùa uy nghiêm hiện ra giữa cánh đồng cùng với một vùng cây cối um tùm. Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, kiến trúc đặc sắc, mang đậm dấu ấn Phật giáo. Xung quanh chùa có ao sen và dòng sông Hàn uốn lượn. Theo ngọc phả, chùa Dâu thờ đức thánh bà húy Phạm Trinh Hiến hiệu Tiên Dung công chúa có công âm phù Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, chống lại nhà Hán. Một lần tiến quân tới đất này, hai bà cho đóng quân doanh tại đây, đêm nằm mộng có người xưng là Tiên Dung công chúa nguyện âm phù đánh giặc. Ngày hôm sau hai bà mang quân đánh trận trên sông Hàn và giành thắng lợi vang dội. Hai Bà Trưng cho tướng sĩ và nhân dân địa phương ăn mừng rồi ra chiếu chỉ cho dân làng lập miếu thờ Tiên Dung, gia phong mỹ tự là Diệu Quang Huệ Tĩnh Ý Phạm Trinh Hiến phu nhân Thượng đẳng thần. Qua thời gian nhân dân đã xây dựng nơi đây thành ngôi chùa uy nghi vừa thờ Phật vừa thờ thánh. Chùa Dâu xưa có quy mô hơn 100 gian. Niên đại khởi dựng chùa chưa xác định được nhưng căn cứ các dấu tích gạch, ngói tìm có thể xác định chùa được làm cuối thời Lý, đầu thời Trần. Tuy nhiên do chiến tranh và thiên tai, đến nay, chùa Dâu đã mất đi nhiều hạng mục kiến trúc cổ. Hiện tại, chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Mái chùa có nhiều bức phù điêu với hoa văn tản vân, nhật, nguyệt đẹp mắt. Trong chùa có 12 pho tượng, chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng. Ngoài hệ thống tượng Phật cổ kính, hậu cung còn một khám lớn, chất liệu gỗ, chạm khắc tinh xảo, bên trong có tượng của công chúa Tiên Dung. Tượng được tạc ở tư thế ngồi, khoan thai, nét mặt phúc hậu. Theo những người cao tuổi địa phương, toàn bộ hệ thống tượng trong chùa đều được tạc bằng gỗ dâu. Tương truyền, dòng sông Hàn cạnh chùa thường xuyên xảy ra lũ lụt. Một lần nước lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn theo một bè gỗ dâu lớn, thớ vàng óng như tơ. Mọi người cho là điềm lành bèn vớt lên lấy gỗ tạc thành tượng. Từ đó chùa có tên gọi là chùa Dâu. Viếng thăm chùa Dâu mới thấy nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như 2 tấm bia thời Lê, một số mảnh tháp nung, mảnh đất nung đầu chim phượng, đất nung hình đầu rồng cùng gạch, ngói có hoa văn niên đại từ thế kỷ 13-14. Độc đáo và đặc biệt nhất là tấm bia thời Trần được bài trí ngay trước sân chùa. Bia được tạo dựng năm 1331. Nội dung của văn bia do hòa thượng Huệ Văn, một người tu hành tại đây soạn, có khoảng 1.180 chữ. Đây là một tác phẩm độc đáo về nghệ thuật điêu khắc. Bia cao khoảng 1,5m, được đặt trên lưng rùa đá khá lớn. Mái bia cong vừa phải, thân bia có một đường diềm chạm khắc hình rồng và hoa dây. Trán bia được trang trí bằng nhiều lá và hoa sen sống động, gần gũi với thiên nhiên. Nổi bật ở mặt trước bia khắc chữ Phật lớn dạng chữ thảo. Dưới chữ Phật có chạm hai hình, một bên là chim hạc đứng, đầu đội ngọn nến đang cháy. Một bên là con quỷ hình người đội đỉnh hương. Dưới chân bia có chạm khắc các hoa văn hình sóng nước, hình núi. Mặt sau bia có khắc 3 chữ Hán “Sùng Thiên tự”, dưới ghi họ tên những người cung tiến ruộng, tiền tu sửa chùa. Không chỉ độc đáo về kiến trúc và lễ hội, chùa Dâu còn là một trong những “địa chỉ đỏ” quan trọng. Chùa Dâu là nơi ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng. Trước Cách mạng Tháng 8.1945, Mặt trận Việt Minh có một cuộc họp tại chùa bàn về cướp chính quyền, phá kho thóc của giặc Nhật ở huyện Thanh Miện chia cho dân nghèo. Năm 1945, khi giặc Pháp đánh chiếm thị xã Hải Dương, Hội Liên Việt tỉnh chọn địa điểm nhà chùa là nơi sơ tán. Đến năm 1945-1950, bộ đội Tây Sơn của huyện Gia Lộc đã chọn ngôi chùa làm địa điểm mở lớp huấn luyện. Từ đây, quân ta tỏa đi hướng đường 17, đường 20 tiến hành các trận phục kích đánh địch trong cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1949-1953. Các năm 1951-1952, cán bộ, du kích các xã Phạm Kha, Lam Sơn cùng bộ đội đã chọn chùa làm cơ sở bám dân tiêu diệt địch, phá tề diệt ác ôn ở chợ Chương, chợ Ba Đông. Hiện trong chùa vẫn còn hầm bí mật từ thời kỳ trước. Chùa Dâu là nơi vừa thờ Phật lại vừa thờ thánh. Lễ hội truyền thống của chùa được mở vào ngày 8 đến ngày 10 tháng 8 âm lịch. Vào dịp này, nhân dân, du khách thập phương về tham dự rất đông. Với kiến trúc, giá trị đặc sắc, chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 148 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hải Dương

Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia

Hải Dương 1371

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền thờ Khúc Thừa Dụ

Hải Dương 1363

Di tích cấp quốc gia

Văn Miếu Mao Điền

Hải Dương 1265

Di tích quốc gia đặc biệt

Côn Sơn-Kiếp Bạc

Hải Dương 1219

Di tích quốc gia đặc biệt

Khu di tích An Phụ- Kính Chủ-Nhẫm Dương

Hải Dương 1218

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền thờ Chu Văn An

Hải Dương 1203

Di tích cấp quốc gia

Đền Cao An Lạc

Hải Dương 1153

Di tích cấp quốc gia

Đình Huề Trì

Hải Dương 1143

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thanh Mai

Hải Dương 1123

Di tích cấp quốc gia

Đình Trịnh Xuyên

Hải Dương 1093

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật