Đền Đa Hoà

Đền Đa Hoà

Đền Đa Hòa còn có tên gọi là đền Chính Đa Hoà, thuộc địa phận thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Hồng Vân công chúa. Đền nhìn ra sông Hồng và bãi Tự Nhiên, tương truyền là nơi tác thành mối tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đền Đa Hòa được xây dựng từ lâu, công trình hiện nay được hưng công cuối thế kỷ 19, từ 1884 đến 1886 do Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, quan Án sát tỉnh Hưng Yên đảm trách. Công trình nổi tiếng với quy mô đồ sộ, ý tưởng kiến trúc độc đáo, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Khu đền bao gồm 18 công trình lớn nhỏ: nhà bia, gác chuông, gác khánh, ngọ môn, nhà tiền tế, tòa thiêu hương, đệ nhị cung, đệ tam cung, hậu cung và các nhà thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo. Các mái đền tạo dáng hình thuyền rồng cách điệu. Nếu từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy các nóc đền, tổ hợp lại trông giống như một đoàn thuyền đang dập dìu trên sông nước. Chu Mạnh Trinh có ý tạo hình khu đền giống như đoàn du thuyền của nàng Tiên Dung mười tám tuổi con gái vua Hùng thứ 18 đang du ngoạn trên sông. Đền Đa Hòa còn giữ được nhiều di vật quý giá. Tượng đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân đúc bằng đồng, tầm vóc cỡ như người thật. Ba cỗ ngai thờ Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân, làm bằng gỗ, bố cục cân đối, đầu ngai chạm rồng trong tư thế quay đầu vào. Ngai có niên đại cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, được coi là cổ nhất của loại hình này hiện còn tìm thấy ở nước ta. Hội đền Đa Hòa tổ chức từ ngày 10-12/2 âm lịch. Ngày chính hội được mở đầu bằng đám rước thần thành hoàng 8 làng thuộc tổng Mễ xưa về đền chính (gồm làng Mễ Sở, Đa Hòa, Bằng Nha, Phú Thị, Phú Trạch, Thiết Trụ, Nhạn Tháp). Mỗi đám rước đều có cờ, chiêng trống, bát bửu, lộ bộ, phường bát âm, kiệu bát cống, múa sinh tiền, rồng, sư tử. Đám rước của 8 làng gặp nhau chiêng trống vang rền, rồng vàng uốn lượn từ đầu đến cuối đám rước. Ngày hôm sau là cuộc rước nước. Đám rước gồm kiệu nước, kiệu thành hoàng của 8 làng tổng Mễ xưa lên thuyền ra giữa dòng sông Hồng làm lễ lấy nước về đền tế lễ. Cả khúc sông tưng bừng tiếng trống chiêng rộn rã, nhạc bát âm rộn ràng. Lễ hội Đa Hòa tổ chức múa rồng, vật lão, cờ người. Múa rồng, có từ 6-8 con rồng. Động tác múa của rồng theo sự điều khiển của người cầm quả cầu và tiếng trống khẩu. Rồng múa vòng quanh, uốn lượn nhịp nhàng. Khi trống đánh chậm thì múa chậm, khi trống đánh nhanh thì múa nhanh, sôi nổi. Rồng múa đơn, múa từng đôi hoặc tất cả rồng các làng đều múa, trình diễn những động tác điêu nghệ của rồng làng mình. Tham gia vật lão là các cụ già 70-80 tuổi, trong trang phục ngày hội, đầu chít khăn điều, mặc áo xanh, áo vàng, thắt lưng đỏ, vàng biểu diễn các động tác vật tượng trưng. Cuộc biểu diễn này gợi mọi người tưởng nhớ tới công ơn của Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã cứu nhiều người khỏi bệnh tật và để chứng tỏ mình hoàn toàn khoẻ mạnh, họ kéo nhau ra sân vật nhau, làm trò cho ông bà xem. Cờ người, được tổ chức tại sân đền. Có 32 quân chia làm 2 phe, một phe nam, một phe nữ. Người đóng vai tướng sĩ, quân cờ đều là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Đẹp nhất là vai tướng ông, tướng bà. Kỳ thủ các nơi về đọ tài cao thấp. Năm 1962 đền Đa Hòa được nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên 1175 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Hưng Yên

Đền Đa Hoà

Hưng Yên 1176

Di tích cấp quốc gia

Chùa Thái Lạc

Hưng Yên 1165

Di tích quốc gia đặc biệt

Đền Mây

Hưng Yên 1165

Di tích cấp quốc gia

Đền Mẫu

Hưng Yên 1143

Di tích cấp quốc gia

Văn miếu Xích Đằng

Hưng Yên 1142

Di tích cấp quốc gia

Chùa Hương Lãng

Hưng Yên 1140

Di tích cấp quốc gia

Đền Kim Đằng

Hưng Yên 1131

Di tích cấp quốc gia

Chùa Nễ Châu

Hưng Yên 1126

Di tích cấp quốc gia

Chùa Chuông

Hưng Yên 1082

Di tích cấp quốc gia

Đền Đậu An

Hưng Yên 1061

Di tích quốc gia đặc biệt

Điểm di tích nổi bật