Đền thờ Chử Đồng Tử - một trong số "tứ bất tử của Việt Nam".

Bạn đã từng học, từng đọc về sự tích Chử Đồng Tử nhưng "hơn cả một tranh sách", bạn đã từng ghé thăm, được ngắm nhìn, được hình dung thực tế về truyền thuyết ấy chưa?

                                                        Đền thờ Chử Đồng Tử - một trong số "tứ bất tử của Việt Nam".        

Từ xa xưa, câu chuyện về Chử Đồng Tử đã chẳng còn xa lạ với con người Việt Nam, hình ảnh vị thánh ấy như một tượng đài sừng sững hiện lên với bao phẩm chất quý báu. Chính vì thế, nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao và răn dạy hậu thế muôn vàn bài học sâu sắc.

1. Địa điểm.

Đền tọa lạc tại thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, tỉnh Hưng Yên. Năm 1962, đền Chử Đồng Tử nằm ở thôn Đa Hòa được nhà nước xếp hạng di sản văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962. 

Bên cạnh đó còn có ngôi đền khác thờ Chử Đồng Tử nằm ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên.

2. Khám phá Đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung có gì?

+ Đền Chử Đồng Tử tại thôn Đa Hòa, xã Bình Minh.

Ngôi đền được ra đời dựa trên truyền thuyết về Chử Đồng Tử, nên người dân đã lựa chọn khu vực trên bờ đê sông Hồng, cửa đền nhìn ra bãi Tự Nhiên, nơi chàng Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung gặp nhau lần đầu tiên. Vì thế nơi đây chính là địa điểm thích hợp cho những ngày hè nắng nóng, du khách có thể chèo thuyền thưởng ngoạn cảnh sông nước mênh mông về với đền thờ vị "tứ bất tử" này. Bên cạnh đó, bạn còn có thể thưởng thức khung cảnh thiên nhiên mát lành, tự nhiên bên ngoài cổng đền và đừng lo ngại sẽ nhàm chán, hay buồn tẻ vì nơi đây luôn có sẵn những hàng quán tận tâm phục vụ bạn đồ ăn hay nước uống nhé!

Xung quanh đền là những tán cây cổ thụ xanh mát, tỏa bóng không gian như tô điểm cho sắc màu rêu phong, cổ kính nơi đây, đồng thời mang hàm ẩn về sự bất tử của vị Thánh đức đáng kính.

Năm 1894, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho thiết kế và trùng tu lại đền Đa Hòa. Thế đất khu đền cao và bằng phẳng, rộng 18.720m². Ngôi đền Đức thánh Chử Đạo gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ, trải dài từ Trấn Giang Lâu đến Hậu Cung, mái lợp ngói với các bờ nóc, đầu đao được vát cong tựa như những mũi thuyền, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.                                                                                                                                                           

                                                          Đền Chính Đa Hòa với tầm nhìn thơ mộng hướng ra bãi bồi sông Hồng. (Ảnh: ST)

Ngọ môn gồm 3 cửa: cửa chính là tòa nhà 3 gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt (chỉ mở cửa vào đại lễ); 2 cửa bên để đón du khách. Ngọ môn gồm 3 cửa: cửa chính là tòa nhà 3 gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt (chỉ mở cửa vào đại lễ); 2 cửa bên để đón khách gần xa. Qua sân là đến tòa Ðại tế, Thiêu hương, cung Ðệ nhị, cung Ðệ tam và Hậu cung. Ra đời vào thời nhà Nguyễn, nên kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của ngôi đền có phần ảnh hưởng phong cách của thời đại bấy giờ. Điển hình, tòa Thiêu hương có kiến trúc cao, thoáng, trang nghiêm; các đầu đao, bờ nóc được chạm trổ, đắp gọt tỉ mỉ, màu sắc rực rỡ, trang trí hình rồng, sư tử. Cửa võng ở cung Ðệ nhị đều được chạm hình chim phượng, hoa cúc mãn khai và các hoa quả được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Trong Đền Ða Hòa còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, đặc biệt là đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ, mỗi chữ là một "vân chữ" không trộn lẫn, không giống nhau, khắc trên thành lọ bằng gốm), được coi một cổ vật vô giá của dân tộc. Đi sâu vào Hậu cung, bạn có  thể thấy tượng đức thánh Chử Ðồng Tử và nhị vị phu nhân, được đúc bằng đồng. Nhìn vào đó, ta có cảm giác như được  chiêm ngưỡng vầng hào quang ấm áp, sự tốt lành , lương thiện mà vị thánh ấy đã để lại cho đời!


                                                                   Tượng thờ Chử Đồng Tử và vị phu nhân (Ảnh: ST)

+ Đền Chử Đồng Tử (Đền Hóa) tại Dạ Trạch Hưng Yên

Ngôi Đền Dạ Trạch nằm giữa không gian thoáng đãng cạnh đầm Dạ Trạch mà theo truyền thuyết đây chính là nơi vị Đức thánh Chử Đồng Tử cùng vị phu nhân bay về trời. Kết cấu chính của đền từ ngoài vào trong gồm có lầu chuông, hồ bán nguyệt, qua sân là đến điện thờ gồm ba tòa nhà. Đẹp nhất tòa thứ ba, tức hậu cung, mái vòm cuốn tam cấp, gợi cảm giác như đứng trong khoang thuyền, gợi nhắc hậu thế về câu chuyện tình yêu diệu kì của Tiên Dung công chúa năm 18 tuổi cùng Thánh Đức Chử Đạo. Vẻ thâm trầm, cổ kính, rêu phong dường như bao trùm khắp không gian, ôm lấy kiến trúc, nội thất, ngoại thất của ngôi đền.

                                                                        Đền Hóa Dạ Trạch. (Ảnh: ST)                        

Đền Hóa Dạ Trạch hiện nay mới được trùng tu cách đây khoảng 100 năm. Đền Dạ Trạch là một đền lớn và đẹp, nhiều cột lim to, nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi sự tích, tôn vinh thánh Chử và Đạo của Ngài. Năm 1988, Đền Dạ Trạch đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

Ngoài ra, khi tham quan đền Đức thánh Chử Đồng Tử bạn còn có thể hoài niệm, tự hào về một thời oanh liệt, vàng son của trang sử vẻ vang dân tộc - nơi lưu giữ truyền thuyết về tình yêu và các chiến thắng lừng lẫy của nhân dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu như Triệu Quang Phục chống lại quân Lương; Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi chống quân Minh; nhiều trào lưu khởi nghĩa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

3. Lễ Hội Chử Đồng Tử diễn ra như thế nào?

Lễ hội Chử Đồng Tử thường được tổ chức từ thời điểm ngày 10 tới 12 tháng hai âm lịch hàng năm. Lễ hội về vị tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam mang giá trị văn hóa sâu sắc, là thước phim quay chậm về cuộc sống đa dạng và phong phú, sinh động của các người Việt cổ vùng đồng bằng trung du phía Bắc. 


                                                                     Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. (ảnh: ST)                                  

Nét đặc trưng của lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là lễ rước nước với việc ký dánh của 10 chiến thuyền nối đuôi nhau ra sông Hồng lấy nước về lễ Thánh tại đền Đa Hòa và Dạ Trạch. Nếu đến thăm Đền vào dịp này, du khách chắc chắn sẽ không ngần ngại hòa mình vào những cuộc vui như: chọi gà, đấu vật, đu bay, bịt mắt bắt dê, cầu kiều, đập liêu…, cùng các hình nghệ thuật và thẩm mỹ truyền thống như: múa rồng, múa lân, ca trù, ả đào, hát đối, hát văn, quan họ,…Bạn cũng có thể thưởng thức những món ngon tuổi thơ như lạp xưởng, xúc xích, kẹo bông gòn, kem... cùng nhiều đồ chơi thú vị, ngỗ nghĩnh khác.                               

4. Cảm nhận về truyền thuyết Chử Đồng Tử và ngôi đền thờ Chử Đạo Thánh.

Chử Đồng Tử chính là tấm gương sáng ngời về đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, là bài học mang giá trị nhân văn sâu sắc với hậu thế. Tình yêu vĩnh cửu giữa Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung không chỉ phản ánh lòng trắc ẩn, thương người mà còn cho thấy quan niệm xa xưa của nhân dân "ngẫm hay muôn sự tại trời" (Nguyễn Du). Ngoài ra, ở Chử Đồng Tử còn ánh lên tia sáng của lòng hiếu thảo, về đạo làm người, giúp dân, là vật chứng của nền văn minh lâu năm của dân tộc Việt Nam.

Đền Chử Đồng Tử đã đi vào nghệ thuật, văn học và lối sống con người Việt Nam. Dù lớp bụi thời gian đã đi qua và phủ lên từng đường nét, hoa văn, kiến trúc ngôi đền nhưng giá trị truyền thống cổ truyền văn hoá dân tộc vẫn không mờ, tâm linh người Việt vẫn luôn hướng về tổ tiên ông bà, hướng về cội nguồn và hướng về “đền Chử Đồng Tử – linh thiêng một tình yêu”. 

Vì thế, nơi đây chính là địa điểm tâm linh lí thú để bạn nguyện cầu bình an, sức khỏe dồi dào, may mắn trong cuộc sống. Trên tất cả, tìm về đền chử Đồng Tử sẽ giúp bạn có một tâm hồn thoải mái, thư thái, hướng thiện và trở về với những giá trị nhân văn sâu sắc!

Trên đây là cảm nhận của mình về đền Chử Đồng Tử. Hi vọng những chia sẻ ấy sẽ khích lệ sự khao khát đặt chân đến đây trong bạn!

10 Tháng 09, 2024 341

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành