Núi Thiên Ấn từ lâu đã trở thành biểu tượng gắn liền với thiên nhiên và con người tỉnh Quảng Ngãi. Đây là địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến vùng đất Quảng. Núi Thiên Ấn còn được gọi với cái tên khác là Kim Ấn Sơn hay Thiên Ấn Niêm Hà. Đây là một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc địa phận xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 3,5km. Ngọn núi này có đỉnh khá rộng và bằng phẳng, bốn phía sườn có hình thang cân và rậm rạp cỏ tranh. Với chiều cao lên đến 100m, núi Thiên Ấn tựa như một chiếc ấn khổng lồ nằm uy nghi bên bờ con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Du khách muốn ghé đến núi Thiên Ấn có thể bắt đầu hành trình từ ngã ba đầu cầu Trà Khúc trên quốc lộ 1A. Khi gặp quốc lộ 24B, bạn rẽ sang hướng Đông và tiếp tục di chuyển khoảng 5 – 10 phút nữa là đến được chân núi. Ðường lên đỉnh Thiên Ấn khá dễ đi vì độ dốc của núi không cao, lòng đường rộng và đã được trải nhựa hoàn toàn. Do đó, hầu hết các phương tiện đều có thể lên xuống dễ dàng. Lịch sử núi Thiên Ấn là huyền thoại gắn liền với vị thiền sư thế danh là Lê Duyệt, pháp danh Minh Hải, tự Phật Bảo, hiệu là Pháp Hóa hòa thượng, sinh năm Giáp Thân (1644) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Vị thiền sư này lên núi Thiên Ấn, dựng một thảo am và tu thiền. Theo truyền thuyết kể lại, ngài chỉ ăn lá cây, củ rừng và uống nước trong hang để sống. Nhưng rồi nước trong hang cũng cạn kiệt, vị Hòa thượng quyết tâm đào một cái giếng nước. Với sự giúp đỡ thêm của một vị sư trẻ, hai thầy trò hòa thượng đào giếng trong vòng 3 tháng nhưng không được kết quả gì. Sau khi ngồi thiền 7 ngày 7 đêm không ăn không ngủ, tấm lòng của vị hòa thượng được Bồ Tát rung động, Bồ Tát xuất hiện và mách bảo ông hướng đào thấy nước. Khi tìm thấy nguồn nước, vị tăng sư trẻ cũng biến mất ngay sau đó. Để tỏ lòng thành kính, người ta đặt tên cho cái giếng này là giếng Phật với sự tích nước giếng không bao giờ cạn. Bên sườn phía Đông núi Thiên Ấn là một ngôi chùa cùng tên nằm ẩn mình sau những hàng cổ thụ lớn. Chùa Thiên Ấn nằm ngay trên thế đất được xem là cực kỳ linh thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi. Ngôi chùa cổ này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII và được chúa Nguyễn ban cho biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự” vào năm 1717. Ban đầu, nơi đây chỉ là một cái am nhỏ, nhưng càng ngày càng thu hút được nhiều Tăng Ni và Phật tử chọn là nơi dừng chân. Về sau, nơi này trở thành một ngôi chùa nổi tiếng trên núi Thiên Ấn được du lịch bốn phương thăm viếng. Trong khuôn viên chùa là một giếng nước cổ sâu không thấy đáy. Tương truyền, để đào được giếng nước này, một vị thiền sư đã phải ngồi thiền mất 7 ngày 7 đêm để cầu nguyện Bồ Tát và phải vất vả nhiều tháng liền để đào tìm nguồn nước. Do đó, giếng nước này được người dân đặt trên là Giếng Phật. Điều bất ngờ là trải qua thời gian dài như vậy, đến bây giờ Giếng Phật vẫn chưa bao giờ cạn nước. Bên cạnh đó, chùa Thiên Ấn còn có quả chuông lớn được gọi là Chuông Thần, được thỉnh về từ làng đúc đồng Chú Tượng năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị.Ngoài ra, phía Đông của chùa có một khu mộ thiết diện hình lục giác. Đây là nơi an táng của các vị sư tổ và các sư trụ trì chùa qua nhiều thế hệ. Khu mộ gồm những ngôi bửu tháp được xây dựng theo 5, 7 hoặc 9 tầng. Bên ngoài là những bức tượng hình hoa sen và bia mộ ghi lại công đức của người đã khuất. Đặc biệt, tại đỉnh Thiên Ấn, trên trảng đất bằng phẳng thoáng đãng phía Tây còn có phần mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một trong những địa điểm không thể bỏ lỡ trong chuyến du lịch Quảng Ngãi sắp tới. Từ xa xưa, núi Thiên Ấn đã được xem là “đệ nhất phong cảnh” của tỉnh Quảng Ngãi. Đứng từ trên đỉnh núi, du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng toàn cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, xen vào đó là những ruộng đồng màu mỡ và làng mạc đa sắc, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình của tỉnh Quảng Ngãi. Hình ảnh núi Thiên Ấn cùng ngôi chùa tâm linh trên đỉnh núi thể hiện sự gắn bó bền chặt về mặt tâm linh đối với người dân ở đây. Hai hình ảnh Giếng Phật và Chuông Thần đều đã đi vào thơ ca, gắn liền với những giai thoại không thể nào quên của người dân Quảng Ngãi. Hàng năm, tại núi Thiên Ấn, chính quyền địa phương có tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc như lễ tưởng niệm cụ Huỳnh hay các lễ hội tôn giáo do nhà chùa và tín hữu đảm trách. Đây là dịp mà Quảng Ngãi thu hút đông đảo du khách đến tham quan, viếng cảnh và tận hưởng không khí yên bình tại ngọn núi nổi tiếng này.
Quảng Ngãi 262 lượt xem Từ tháng 03 đến tháng 08
Ngày cập nhật : 10/12/2024