Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Điểm du lịch

Sóc Trăng

Chùa Som Rong

Chùa Khmer ở Nam Bộ là một điều gì đó rất riêng của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Cứ hễ một ngôi chùa được dựng nên thì đó là cả công sức của bao thế hệ và con người sinh sống trên vùng đất, bởi chùa là điểm tựa vững chắc cho con người nơi này, nơi thực hành tín ngưỡng thiêng liêng nhất mà họ không bao giờ quên được. Hiện tại, Sóc Trăng là vùng đất đông dân cư đồng bào Khmer sinh sống với những ngôi chùa Khmer đồ sộ, công phu, cùng các công trình Phật giáo mang dấu ấn thế kỷ. Trong hàng trăm ngôi chùa Khmer trên địa bàn thành phố thì chùa Som Rong là cái tên ấn tượng nhất, được nhiều du khách biết đến nhiều nhất vì đây là niềm tự hào to lớn nhất của người dân nơi này. Chùa Som Rong có tên gọi đầy đủ theo tiếng Khmer là Wat Pătum Wôngsa Som Rông. Nghe người dân kể chùa đã có từ lâu đời trước kia là chùa nhỏ, mái lá đơn sơ đã truyền qua nhiều đời khác nhau. Đến đời thượng tọa Lý Đức thì cho xây dựng lại chùa mới, khang trang hơn trên nền đất rộng lớn. Năm 2000 chùa bắt đầu xây dựng lại khu chánh điện mới, 2013 xây dựng nhà hội Sala, cùng với đó là bảo tháp và đại công trình tượng Phật nhập niết bàn lớn nhất Việt Nam.Với hơn 20 năm xây dựng ngôi chùa Som Rong thì giờ đây chùa trở thành một điểm tựa tâm linh tự hào nhất của con người nơi này. Với du lịch Sóc Trăng thì ngôi chùa này là một điểm tự hào để quảng bá hình ảnh chùa Khmer Nam Bộ, nét đẹp chùa Việt Nam ra thế giới bằng những công trình đỉnh cao. Công trình nằm ngay lối đi vào. Bảo tháp bốn mặt, bốn lối đi lên, ấn tượng với màu trắng xám. Tháp có bảy tầng cao thu dần từ lớn đến nhỏ và bệ tháp có ba tầng, trung tâm tháp là hình ảnh Phật Thích Ca Mâu Ni tọa trên đài sen. Bảo tháp ấn tượng người du khách bởi sự kì trong điêu khắc, tạo hình mỗi một chi tiết đều rất sống động với hoa sen cách điệu, dây leo chạy theo từng cạnh viền, hoa văn lửa và thiên thần. Ngoài việc nổi bật trong điêu khắc bảo tháp còn điểm tô bằng cờ ngũ sắc vào các ngày lễ lớn. Ấn tượng bên ngoài chánh điện là mảng trang trí rực rỡ, lối đi uốn cong, trụ cột phủ đầy những hoa văn cổ điển, tranh tường về Đức Phật và cuộc sống. Trên đỉnh trước của chánh điện là hình ảnh Đức Phật Đản sanh bước đi trên tòa hoa sen.Hai bên chánh điện là hai lối hành lang, hành lang bên phải là để nhìn ra bảo tháp, nhìn về nhà Sala và tượng Phật nhập niết bàn; đây là một góc ảnh vô cùng đẹp mà nhiều bạn có thể bỏ qua. Sắp tới khu chánh điện và thư viện chùa cũng được trùng tu mới lại. Nhà hội Sala công trình ấn tượng mất hơn bốn năm xây dựng (2013-2017) vô cùng rộng rãi dùng để thực hành các nghi thức sinh hoạt truyền thống của chùa, làm giảng đường và tăng xá. Kiến trúc nhà hội Sala cũng vô cùng ấn tượng trong mắt du khách vì sự đồ sộ, quy mô và màu sắc. Nhưng ít ai biết rằng đây là công trình này là hoàn toàn dựa vào kiến trúc truyền thống, kết hợp tạo không gian bên trong có kết cấu hiện đại mang nhiều công năng sử dụng. Nhà hội Sala có hai tầng, nhiều lớp mái, kết hợp nhiều màu sắc nổi bật để tạo nên tính khác biệt. Tận dụng hết tất cả nghệ thuật trang trí truyền thống trông chùa Khmer để điểm tô cho nhà hội Sala. Từ lối cầu thang bước vào là trang trí thần rồng, áp mái tầng một là hình thần rắn Naga. Áp mái tầng hai là hình nổi Vũ nữ, trên mỗi phần áp mái chim thần Krud, chạy dọc theo phần viền mái ngói là thần rồng, thần chim. Mỗi diềm mái là hình nhọn hình ngọn núi Xôme. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn tại chùa Som Rong là công trình đặc biệt nhất của chùa. Công trình tượng dài 63m, cao 18m được xem là tượng nằm lớn nhất Việt Nam. Nhờ vào công trình này mà chùa được nhiều du khách gần xa biết đến, thu hút du lịch và cũng như các tín đồ của nhiếp ảnh chuyên nghiệp đến đây săn đón những khoảnh khắc. Chùa Som Rong là một điểm dừng thú vị trên hành trình khám phá du lịch Sóc Trăng với những ngôi chùa cổ kính, thiêng liêng và kiến trúc độc đáo.

Sóc Trăng

Từ tháng 11 đến tháng 04

579 lượt xem

Chùa KhLeang

Sóc Trăng với đặc thù có sự cộng cư của nhiều dân tộc, đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc. Đi du lịch Sóc Trăng, bạn sẽ bắt gặp nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, nguy nga và tất cả đều mang đặc trưng riêng độc đáo, trong đó phải kể đến chùa KhLeang. Chùa KhLeang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lịch sử gần 500 năm. Chùa KhLeang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer rất tinh tế, sắc sảo, nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt – Hoa trong bài trí. Chùa KhLeang tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, Thành phố Sóc Trăng trong một khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Đến đây du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, tìm hiểu về thư tịch cổ Khmer, truyền thuyết về nguồn gốc Sóc Trăng và chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo của chùa. Tên gọi của chùa KhLeang gắn liền với truyền thuyết địa danh Sóc Trăng, nếu dịch ra từ tiếng Khmer sẽ có nghĩa là “xứ có kho”, gợi về một vùng đất xưa trù phú. Theo các thư tịch, chùa được xây dựng từ năm 1533, lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá, sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc chùa hiện nay như ngôi chánh điện và Sala được xây dựng mới vào năm 1918. Chùa có kiến trúc gần giống như các chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia. Quần thể kiến trúc chùa Khleang bao gồm: ngôi chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,… được bố trí hài hòa trên nền đất cao. Điểm độc đáo không kém chính là các công trình này trong chùa Khleang đa số đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xa xưa, mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo mang đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer. Tòa chính điện nằm ở trung tâm được chia làm ba bậc nền, mỗi bậc cao khoảng 1 mét có hàng rào bao xung quanh màu sắc rực rỡ. Vòng rào ngoài lớn rồi nhỏ dần vào trong, khoảng cách giữa các vòng rào rất rộng, nền chùa chiếm diện tích rất lớn. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong. Bên trong chính điện có các cột bằng gỗ, rất to, đen mượt, được thếp bằng vàng các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật, về sinh hoạt Phật pháp. Trên trần và chung quanh đều được trang trí bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật, thể hiện được sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa. Chính điện có bức tượng Phật cao 6,8 m, phần thân tượng cao 2,7 m được đúc vào năm 1916. Tượng được đặt ngồi trên tòa sen lộng lẫy với vầng hào quang bằng điện lúc ẩn, lúc hiện, tạo nên sự uy nghiêm thanh thoát và huyền ảo. So với nhiều ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Khleang còn giữ lại những nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Không những vậy, ngoài đặc điểm chủ đạo theo kiến trúc hoa văn Khmer, trong chánh điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc vốn có quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng. Điều lý thú là tủ sách trưng bày trong chánh điện nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy các lá buông có chữ Khmer cổ trên đó. Đây là những nội dung kinh Phật được viết trên lá buông, được nhà chùa cẩn thận gìn giữ. Với đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng, chính điện chùa KhLeang thực sự là công trình có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật. Với những giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc, ngày 27/4/1990, chùa Khleang được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây là một địa điểm du lịch Sóc Trăng thú vị mà bạn không nên bỏ qua nếu có dịp ghé thăm vùng đất này. Ngoài chức năng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chùa Khleang còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc khmer thông qua các ngày lễ hội hàng năm, cùng các hoạt động văn hóa khác. Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng tại chùa, trong đó có Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sene Đôl Ta (Lễ cúng ông bà), Oóc – Om – Bóc (Lễ cúng trăng),…

Sóc Trăng

Từ tháng 11 đến tháng 04

604 lượt xem

Chùa Peam Buôl Thmây

Chùa Peam Buôl Thmây là một trong những điểm đến bạn không thể bỏ lỡ khi có dịp du lịch Sóc Trăng. Ngôi chùa này được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo, cực kỳ đồ sộ và dát nhũ vàng rực rỡ, không khác gì một tòa cung điện nguy nga. Chùa Peam Buôl Thmây hiện nay đang là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của tỉnh Sóc Trăng. So với các công trình tâm linh khác của người Khmer thì chùa được xây khá muộn, khởi công vào năm 1964. Vì thế nên trong tên chùa mới có một chữ Thmay có nghĩa là mới. Ngoài tên Peam Buôl Thmây trong tiếng Khmer thì ngôi chùa này còn có nhiều tên khác như: Chùa Ngã Tư vì nằm cạnh ngã tư đường tỉnh lộ Sung Đinh. Chùa Cột Đèn vì bên cạnh chùa có nhiều cột viễn thông phục vụ ngành bưu chính. Chùa Sung Đinh vì nằm trên mảnh đất án ngữ trước đây là làng Sung Đinh (nay đã xác nhập vào thành phố Sóc Trăng). Còn cái tên chính thức Chùa Peam Buôl Thmây thì trong tiếng Khmer có nghĩa là ngã tư mới. Vì Chùa Peam Buôl Thmây là của người Khmer nên chắc chắn sẽ mang đậm nét văn hóa kiến trúc đặc trưng của tộc người này. Năm 2016, phần Sala tại đây được thi công sửa chữa để có một diện mạo hoàn thiện hơn. Đến năm 2018 thì chính thức hoàn thành với phong cách đền chùa đặc trưng của Thái Lan. Sự mới mẻ này đã bắt nguồn cho việc nhiều bạn trẻ đổ về đây để tham quan và chụp ảnh. Ngoài Sala, các phần còn lại của khuôn viên chùa như chánh điện, tăng xá của sư sãi vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu với vách tường gạch, mái tôn đơn giản. Chánh điện khá mộc mạc, nếu so với những chùa ở Sóc Trăng khác thì Peam Buol Thmay có phần đơn sơ hơn. Bên cạnh đó, vì nằm ngã tư đường lớn nên diện tích chùa cũng có nhiều hạn chế, khuôn viên xung quanh không quá rộng và trồng ít cây cối. Tất cả điểm nhấn của Chùa Peam Buôl Thmây chính là ở kiến trúc của Sala. Thiết kế sử dụng tông màu trắng làm chủ đạo, các đường nét và họa tiết trang trí dùng sơn nhũ vàng. Sala gồm 2 tầng, trên đỉnh là tháp lớn, tạo nên ấn tượng về sự uy nghi, tráng lệ và linh thiêng. Nếu đã từng đến đất nước Chùa vàng Thái Lan thì bạn sẽ nhận ra lối kiến trúc này cực kỳ quen thuộc. Khi đến với Chùa Peam Buôl Thmây, bạn không chỉ cảm nhận được sự thiêng liêng, trang trọng mà còn có vô số góc “sống ảo” ấn tượng để mang về những khung hình triệu like. So với lối kiến trúc truyền thống Phật giáo Khmer thì phong cách đền chùa Thái Lan có phần mềm mại, nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Màu sắc trang trí cũng khá đơn giản nhưng rất nổi bật và cực kỳ rực rỡ. Vì thế, trong quá trình tu sửa Sala, Chùa Peam Buôl Thmây đã chú ý đến từng chi tiết, đường nét để tạo nên một không gian giao thoa hài hòa giữa hai phong cách chùa chiền này. Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy họa tiết những con rồng được chạm khắc chạy dọc hành lang và trên mái nhà, chúng uốn lượn, sống động và mềm mại. Bên trong Sala cũng trang trí khá đơn giản, phần bàn thờ với tượng Phật Thích Ca cũng được tạc theo phong cách Phật giáo Thái Lan. Toàn bộ tường trong Sala sơn màu trắng, điểm xuyết là những họa tiết kỷ hà hình thoi, sơn lớp nhũ vàng lung linh. Có thể nói, đến với Sala của Chùa Peam Buôl Thmây thì góc nào bạn cũng chụp được ảnh đẹp. Không khí tại đây không mang lại cảm giác nặng nề của sự linh thiêng mà thiên về sang trọng, rực rỡ. Thế nên, bạn có thể tha hồ sáng tạo với những góc máy ấn tượng, chọn trang phục nổi bật một chút thì chỉ cần bấm máy là đảm bảo ảnh xinh. Đặc biệt, khoảnh khắc chiều tà và hoàng hôn ở đây cực đẹp do ánh nắng vàng hồng phản chiếu lên những họa tiết nhũ vàng tạo nên khung cảnh như bước ra từ tranh vẽ. Do đó, bạn có thể cân nhắc đến đây vào buổi chiều muộn để có nhiều bức hình ấn tượng hơn nhé. Ngoài ra, người Khmer còn có rất nhiều lễ hội truyền thống khác thường được tổ chức tại chùa Peam Buôl Thmây. Vì vậy khi đến đây, bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về những nét độc đáo trong văn hóa của cộng đồng dân tộc này.

Sóc Trăng

Từ tháng 11 đến tháng 04

496 lượt xem

Chùa Dơi

Chùa Dơi còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) nằm bên đường Văn Ngọc Chính (có bảng chỉ dẫn) thuộc Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Sở dĩ có cái tên đặc biệt này là vì chùa là ngôi nhà của những bầy dơi đông đúc. Ngôi chùa là không gian văn hóa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Theo thư tịch cổ còn lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569, cách nay đã hơn 440 năm. Ban đầu, chính điện của chùa chỉ được xây dựng bằng tre lá, sau đó được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói. Năm 1960, chùa được sửa chữa lớn ở chánh điện và cho đến khi có được vẻ khang trang đẹp đẽ như hiện nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Năm 2008, một sự việc không may xảy ra khiến chùa bị cháy khu vực chánh điện. Nhưng liên tiếp những tín hiệu đáng mừng khi vào tháng 4/ 2009, chánh điện chùa đã được phục chế lại như cũ. Năm 2013, khu du lịch Chùa Dơi tỉnh Sóc Trăng được đưa vào hoạt động. Tuy ngân sách không được dư dả nhưng khu du lịch nằm phía đối diện cổng chùa có bãi đậu xe rộng rãi, các dịch vụ tiện ích khác như nhà hàng, xe điện… rất được lòng du khách. Từ năm 1999, chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Cho đến nay, chính quyền Sóc Trăng vẫn đang xem xét các chính sách bảo tồn và tôn tạo nơi đây để vừa giáo dục tín ngưỡng, vừa đưa chùa Dơi thành điểm du lịch quen thuộc của tỉnh. Chùa Dơi là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… Toàn bộ các công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ, diện tích khoảng 04 hecta. Tuy là không gian thờ Phật Thích Ca nhưng kiến trúc chùa Dơi Sóc Trăng vẫn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa Khmer. Ngôi chùa nổi bật trong không gian xanh mát của cây cối nhờ sắc màu vàng cam Khmer đặc trưng. Chùa có mái được lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn. Bao quanh chánh điện là các hàng cột đỡ, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực… Tiến sâu vào thánh điện, ta sẽ thấy pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m. Ấn tượng không kém ngay gần đó là một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Khách du lịch có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ về cuộc đời đức Phật qua những bức tranh miêu tả Đức Phật, từ lúc ra đời cho tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn.. Các bộ kinh ghi trên lá cây thốt nốt cùng những hiện vật quý hiếm mang giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam Bộ cũng được lưu giữ trong khuôn viên trang nghiêm của chùa. Hướng dẫn viên du lịch chắn chắn sẽ thuyết minh về chùa Dơi Sóc Trăng giúp bạn hiểu hơn nhiều điều. Thăm thú chùa Dơi một vòng, du khách có thể nghỉ chân ở hàng ghế dưới bóng cây cổ thụ dịu mát. Trong khuôn viên còn có xây nhiều bảo tháp chứa di hài các sư trụ trì chùa, và nhà hội Sa La với kiến trúc kiểu nhà rông, làm nơi nghỉ ngơi, tu học của các sư sãi…

Sóc Trăng

Từ tháng 1 đến tháng 12

1625 lượt xem

Chợ Nổi Ngã Năm

Ai đến Miền Tây Nam Bộ mà không đi chợ nổi thì quả là thiếu sót. Nơi đây không chỉ là nơi để buôn bán mà còn là một điểm đến lý tưởng để du khách tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng sông nước miền Tây. Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có nhiều chợ nổi, nhưng chợ nổi Ngã Năm vẫn mang đậm nét đơn sơ bình dị và là một trong những chợ nổi lâu đời có bề dày lịch sử hơn trăm năm, quy mô lớn trong khu vực. Chợ nổi Ngã Năm thuộc thị xã Ngã Năm, cách TP Sóc Trăng khoảng 60 km là nơi thu hút du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống sông nước miền Tây. Muốn đến thăm chợ nổi Ngã Năm, bắt đầu từ trung tâm thành phố Sóc Trăng, du khách có thể di chuyển theo tuyến quốc lộ 1A, đến Phú Lộc, sau đó rẽ phải vào tỉnh lộ 42 là tới. Tên gọi Ngã Năm xuất hiện khi người Pháp đào kênh quản lộ Phụng Hiệp. Kênh này cùng kênh Xáng cắt ngang kênh Xẻo Chính tạo thành năm nhánh sông đổ về 5 ngã: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Chợ nổi Ngã Năm thường họp chợ khá sớm từ và kéo dài đến 8 giờ thì tan dần. Đông đúc nhất thường từ 5h đến 6h với cảnh hàng trăm ghe thuyền tụ họp, huyên náo cả bến sông. Đây thời gian lý tưởng nhất để trải nghiệm chợ nổi. Vào dịp gần tết nguyên đán, chợ nổi Ngã Năm hầu như họp từ sáng đến tối khiến không khí càng tấp nập hơn. Chủng loại hàng hóa của chợ nổi Ngã Năm rất phong phú và đa đạng, từ các loại gạo ngon nổi tiếng của vựa lúa lớn trong khu vực cho đến các loại rau, củ quả miệt vườn; từ các mặt hàng nông sản, hải sản cho đến các vật dụng sinh hoạt, gia dụng hàng ngày,… Để giúp cho việc truyền tải thông tin dễ dàng giữa bên bán và bên mua, cây Bẹo chính là phương tiện quảng cáo hữu hiệu của loại hình chợ nổi. Dụng cụ này thường được làm từ loại tre tầm vong già, uốn thẳng, dài khoảng 4-5 m, góc vạt nhọn cho dễ cắm và kìm ghe khi đậu, ngọn thì đục lỗ có thể xiên dây qua để treo hàng hóa. Người mua chỉ cần đứng từ xa, nhìn vào những cây Bẹo để quan sát và tìm loại hàng muốn mua. Hiện nay, do hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện, một số thương lái đã chuyển sang hình thức nhóm chợ trên bờ. Mặc dù vậy chợ nổi vẫn hoạt động khá nhộn nhịp vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây, là điểm du lịch Sóc Trăng không thể bỏ qua. Đến với chợ Ngã Năm, du khách sẽ thấy toàn cảnh khu chợ như một bức tranh tả thực sống động, nhiều màu sắc. Màu sắc từ các loại rau củ, hoa quả; màu của những chiếc áo bà bà phất phơ trong gió… Giữa một vùng sông nước bao la, tiếng mái chèo khua nước, lời mời gọi mua hàng trên những chiếc ghe xuồng, vỏ lãi, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược… tạo nên quang cảnh mua bán vui tươi. Đến thăm Chợ Nổi, du khách có thể thưởng thức bữa sáng ngay trên ghe với các món đặc sản Sóc Trăng như bún nước lèo, bún riêu, bánh tằm cùng đồ uống gồm cà phê đà, trà đường, nước trái cây… Tìm mua một ít nông sản, ăn một vài món ăn sáng trên sông thì còn gì bằng khi ghé thăm nơi này.

Sóc Trăng

Từ tháng 1 đến tháng 12

1674 lượt xem

Chùa Đất Sét

Nếu có dịp ghé thăm Bửu Sơn Tự du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu nét độc đáo về đời sống văn hóa, tinh thần, sinh hoạt tôn giáo của người dân Sóc Trăng. Bửu Sơn Tự còn gọi chùa Đất Sét tọa lạc tại số 286, đường Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa Đất Sét không nổi tiếng về kiến trúc xây dựng bên ngoài cũng như không quy mô bề thế về diện tích nhưng lại là một ngôi chùa độc đáo ở Việt Nam bởi hàng ngàn hiện vật bên trong đều được tạo hình từ đất sét và sở hữu những cặp đèn cầy, những cây nhang khổng lồ. Theo như lời kể của các vị cao niên, trước đây Bửu Sơn tự chỉ là một am nhỏ được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, do ông Ngô Kim Tây xây dựng với mục đích tu tại gia. Lúc đầu chùa được làm hoàn toàn bằng những vật liệu tự nhiên sẵn có như: Tre, nứa, tranh,… Mãi đến đời trụ trì thứ tư, ông Ngô Kim Tòng (1909 – 1970) am nhỏ được tôn tạo, mở rộng thêm để có ngôi Bửu Sơn tự như bây giờ. Bửu Sơn tự có diện tích khoảng 400m2 với kiến trúc chân phương cột gỗ mái tôn nhưng ngôi cổ tự này lại chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật rất độc đáo. Đó là gần 2.000 tượng phật lớn nhỏ, cùng với linh thú, vật thờ được nghệ nhân Ngô Kim Tòng nặn bằng đất sét trong suốt 42 năm (từ năm 1929 đến năm 1970). Du lịch Sóc Trăng, đến thăm chùa Đất Sét ai cũng trầm trồ thán phục và ngưỡng mộ bậc kỳ tài đã dùng tâm quyết cả đời và lòng mến mộ Phật pháp đã sáng tạo ra công trình đầy kỳ công này. Ông Ngô Kim Tòng là con của ông Ngô Kim Đính, khi còn nhỏ ông hay đau ốm bệnh tật. Đến năm 1929, lúc ấy Ông 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình chỉ còn cách đưa ông Tòng lên ngôi chùa trên núi thuộc tỉnh An Giang để chữa trị và cầu khấn trời Phật. Vừa uống thuốc vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dần ông đã khoẻ lại. Ông Ngô Kim Tòng đi tu và về chùa trụ trì đời thứ tư, một nghệ nhân không qua trường lớp điêu khắc, hội hoạ, không học ông thầy dạy chính qui mà chỉ qua chiêm nghiệm dân gian đã tạo nên những công trình kỳ vật điêu khắc bằng đất sét có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm. Nguyên liệu dùng cho việc nặn tượng chủ yếu bằng đất sét, do Ông Tòng đào từ những cánh đồng cách chùa vài cây số, đem về phơi khô, rồi bỏ vào cối dùng chày giã nhuyễn cho mịn ra, lọc hết tạp chất, rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn cùng mạc cưa làm nhang (bột hương) và keo ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo thơm. Lúc đó, Ông mới bắt đầu nắn tượng, những bức tượng mịn màng, không nứt nẻ. Ngoài ra, Ông còn nghiên cứu và ứng dụng cách đỡ cho việc nặn tượng đạt yêu cầu thẩm mỹ cao, Ông đã dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, sau đó dùng vải mùng bao lại và đắp nguyên liệu hỗn hợp làm tượng lên, bề ngoài được phủ bằng một lớp sơn nước kim nhũ và dầu bóng. Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà với tư duy tưởng tượng vô cùng phong phú của ông hàng trăm bức tượng lớn, nhỏ được hình thành mà không trùng lắp. Mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ cái thần sắc trên từng khuôn mặt. Đó còn là kết quả từ cái tâm của người có lòng hướng Phật, sự miệt mài cần mẫn, lặng lẽ nhưng mang lại vị ngọt cho đời. Ông Ngô Kim Tòng còn tạo nên các tác phẩm khác, trông đó nổi bật nhất là tháp Đa Bảo được làm 1939 lúc ông mới 30 tuổi, cao khoảng 4m được thiết kế hết sức tinh vi. Tháp có 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật, tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị phật và xung quanh tháp có 156 con rồng uốn lượn chuyển mình đang trong tư thế bay vút lên trời cao, hộ pháp cho tháp. Bảo Tòa là công trình đặc sắc thứ 2 được xây dựng vào năm 1940, cao khoảng 2m. Trên có hoa sen với 1000 cánh theo hình bát giác, dưới có 16 tiên nữ đứng hầu. Chân tháp tạo hình 4 con vật trong tứ linh (lân, long, quy, phụng) và 12 con cá hóa long đặc sắc, sinh động và đầy ấn tượng. Nhìn tổng thể tòa tháp và đài sen này, du khách sẽ nghĩ ngay đến một nhà điêu khắc tài ba lỗi lạc đã tận dụng giáo lý Phật pháp để sáng tạo ra những pho tượng biết nói ý Phật. Trong gian thờ phía trên trần nhà, có treo một chùm đèn gọi là “Lục Long Đăng” cũng bằng chất liệu đất sét, gồm ba chóp đỉnh với 6 con rồng uốn cong như tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây Nam bộ, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với nhiều chi tiết tinh xảo, nên trọng lượng khá nặng. Đáy đèn là một tòa sen lặt úp tỏa cánh xuống điện thờ, cánh sen khá mỏng nhưng theo dấu thời gian Lục Long Đăng không hề rơi hay sứt mẽ tí nào. Đây là một kiệt tác nghệ thuật hiếm có và là tác phẩm cuối đời của Ông. Chung quanh chùa, góp phần canh giữ cho hệ thống các tượng Phật, còn nhiều tượng thú cũng bằng đất sét, nổi bật nhất và sắc sảo nhất là cặp Kim Lân đang ngẩng cao đầu trước bệ thờ giữa điện, ngậm trái trân châu, chân gác lên quả cầu trông thật oai phong lẫm liệt, thêm tượng Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã,.. con thì hiền lành con thì hết sức oai phong. Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn bức tượng làm bằng đất sét mà còn được du khách biết đến bởi 04 cặp đèn cầy (nến) khổng lồ khá đặc biệt. Những năm cuối đời ông tạm ngưng đắp tượng, tiến hành đúc đèn cầy dựng tại các toà chánh điện trong chùa. Ông mua sáp bạch lạp loại sáp nguyên chất, không lẫn tạp từ Sài Gòn về nhiều lần cùng các đệ tử thân tín chặt vụn sáp nguyên khối nấu chảy ra rồi mới “đúc” đèn. Do các đôi đèn này có kích thước quá to nên ông Ngô Kim Tòng không tìm được khuôn thích hợp nên ông đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn, sáp đổ vào chảo lớn nấu liên tục nhiều ngày đổ liên tục đến khi đầy ống tới chiều cao 2 mét. Sau một tháng, các đôi đèn mới khô hẵn, khi dỡ bỏ khuôn, các đôi đèn này tự nhiên có hình dợn sóng của các tấm tôn, mấy tháng ròng liên tục làm như vậy ông đúc được sáu cây đèn cầy lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg, ước tính mỗi cặp sẽ cháy liên tục hơn 70 năm và hai cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg cặp đèn cầy được thắp sáng vào ngày rằm tháng bảy năm 1970 kể từ ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch cháy liên tục hơn 40 năm nay còn gần 1/5 cây. Những tác phẩm được làm từ đất sét do ông Ngô Kim Tòng tạo dựng cách đây hơn 60 năm vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Tuy nhiên, điều mà tất cả du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và các nhà khoa học chưa thể lý giải nổi, tất cả những công trình nổi tiếng và kỳ lạ hàng đầu thế giới này lại được tạo nên bởi một người tu hành mới học hết lớp 3 trường làng và không hiểu biết gì về nghệ thuật hội hoạ.

Sóc Trăng

Từ tháng 1 đến tháng 12

1458 lượt xem

Chùa Chén Kiểu

Nằm trong hệ thống chùa Khmer Nam Bộ tại Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu được biết đến là một trong số những ngôi chùa có phong cách kiến trúc “độc nhất vô nhị” để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách. Nét nổi bậc đặc trưng của ngôi chùa này là ở những bức tường. Không phải được tô xi măng thẳng đều, hay lát gạch bông hay sơn màu như những ngôi chùa khác. Tường của ngôi chùa này được ốp bởi những mảnh chén, dĩa, sành sứ nhìn rất độc đáo nhưng vô cùng thẩm mỹ đẹp lạ. Chùa Chén Kiểu còn gọi là chùa Sà Lôn thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nằm ngay quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km, theo hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu. Chùa có tên Khmer là Wath Sro Loun, để dễ phát âm nên từ Sro Loun được đọc chại thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong – là tên của 1 con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa. Năm 1815, chùa Chén Kiểu bắt đầu xây dựng bằng các vật liệu lá cây, gỗ, đất… như bao ngôi chùa Khmer khác . Trong thời gian chiến tranh, dưới sức tàn phá của bom đạn, ngôi chánh điện của chùa bị hư hại nặng. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: Chánh điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh,… Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai: “Chùa Chén Kiểu”. Các nghệ nhân Khmer đã khéo léo tận dụng số chén, đĩa này để trang trí các bức tường, cột tháp, tạo nên một công trình kiến trúc hài hòa, ấn tượng. Những đồ còn mới được ốp trực tiếp lên tường, hay làm thành những con tiện hàng rào bao quanh các dãy hành lang hay tay vịn cầu thang, còn những đồ đã vỡ hay sứt mẻ được sắp xếp và ghép thành các hoa văn trang trí lạ mắt. Ấn tượng đầu tiên khi vào chùa chính là cổng tam quan với 3 ngôi tòa tháp được chạm khắc hoa văn và màu sắc rực rỡ theo phong cách truyền thống Angkor Campuchia. Trong ba ngọn tháp, nổi bật với tháp giữa bên trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi. Chung quanh chùa là tường rào trang trí hình tượng tiên nữ Apsara đang múa, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Hai bên cổng vào có 2 tượng sư tử đá, mặt hướng ra đường như bảo vệ ngôi chùa. Trên thành cổng có dòng chữ Khmer và chữ quốc ngữ: “Chùa Sà Lôn (Chén Kiểu)”. Dọc lối vào chùa là 2 hàng tượng thần Kâyno (kerno), đây là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara – tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng và thân hình chim thần Garuda – tượng trưng cho sức mạnh. Khuôn viên chùa Chén Kiểu rất rộng với nhiều cây xanh thoáng mát, tạo cho du khách cảm giác thật thoải mái. Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát. Mái trên hình tam giác được trang trí đẹp như tấm thảm nhiều màu sắc phơi mình giữa bầu trời. Hai đầu đao ở hai bên cong vút như có sự giao cảm tâm linh với đấng cứu rỗi cho linh hồn con người, phù hộ độ trì cho chúng sinh được an bình, lạc nghiệp. Kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt đứng ngôi chánh điện chính là trên các đầu cột được trang trí hình tượng nữ thần có cánh Kâyno. Các tượng nữ thần Kâyno này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái. Chính điện chùa rộng rãi, thoáng mát, với 16 hàng cột to. Quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa Khmer. Hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể câu chuyện đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo. Các bức tường, tranh càng đặc biệt hơn khi được trang trí, tạo hình bằng mảnh vỡ chén, dĩa kiểu. Gian thờ là một quần thể gồm 20 tượng phật lớn nhỏ, với nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, được bố trí hợp lý, mỹ thuật. Khói hương nghi ngút, ánh sáng của các ngọn nến lắt lay theo từng cơn gió nhẹ làm cho ngôi chùa vốn đã tôn nghiêm lại càng tôn nghiêm hơn. Giữa sân Chùa Chén Kiểu là cột cờ, với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu khá sinh động, nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi người tọa thiền. Rắn thần Nagar là mô típ trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Khmer. Người Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn Độ, vì thế Phật giáo Tiểu thừa là tôn giáo chính, chi phối đời sống tinh thần của họ. Chính vì vậy, họ chỉ thờ Phật Thích Ca, mà không thờ các vị Quan âm hay Bồ Tát khác. Hơn nữa, người Khmer tin rằng tổ tiên của họ là mẹ rắn, nên có tín ngưỡng thờ rắn và hình tượng rắn thường xuất hiện trong chùa. Phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của đức Phật Thích Ca. Chùa Chén Kiểu là một ngôi chùa nổi tiếng tại Sóc Trăng, là địa điểm hành hương tâm linh không thể thiếu đối với đời sống của người dân và cộng đồng người Khmer. Là chốn linh thiêng để người dân tìm đến sự an lành thanh tịnh. Đến với chùa Chén Kiểu, ngoài việc ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của chùa, du khách còn có dịp tìm hiểu văn hóa của người dân Khmer. Với những bạn yêu thích khám phá hay check-in với những công trình kiến trúc cổ kính thì đây là một địa điểm lý tưởng. Mọi góc trong ngôi chùa đều có thể trở thành back-ground đậm chất nghệ thuật để có những bức hình ngàn like, đảm bảo khi lên ảnh sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Sóc Trăng

Từ tháng 1 đến tháng 12

1561 lượt xem

Cồn Mỹ Phước

Cồn Mỹ Phước với khí hậu trong lành, mát mẻ cây cối xanh tươi, sum suê trĩu quả bốn mùa, phong cảnh nên thơ hữu tình, người dân chất phát, hiền hòa, mến khách… đã trở thành điểm du lịch Sóc Trăng xanh hấp dẫn thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và thư giãn. Cồn Mỹ Phước còn được gọi là cồn Công Điền hay cồn Bùn nằm gần cuối hạ lưu, xuôi theo dòng sông Hậu, theo hướng Tây – Bắc, Đông – Nam, ở giữa đôi bờ của 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, thuộc ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đầu cồn hướng về phía Hậu Giang, Cần Thơ, đuôi cồn hướng ra biển Đông, tiếp giáp với huyện Cù Lao Dung, cách đầu cù lao khoảng 1km, cách bờ biển Đông khoảng 40km, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 25km. Nếu nhìn từ trên cao xuống, cồn Mỹ Phước có hình bầu dục giống như hình dáng của một chiếc xuồng hay một trái cà na, hai đầu tóp lại, ở giữa phình to ra, chỗ rộng nhất là đoạn cắt ngang qua giữa thân cồn, đường kính khoảng 600m. Cồn Mỹ Phước có chiều dài khoảng 5km, với diện tích tự nhiên hơn 1020 hecta, trong đó diện tích cây ăn trái trên 300 hecta, hiện có 540 hộ gia đình với hơn 1280 cư dân sinh sống. Theo lời những người dân cố cựu nơi đây kể lại, cồn Mỹ Phước đã định hình cách đây khoảng 150 năm. Lúc đầu, mặt cồn rất thấp, trên cồn chỉ toàn bãi bùn, cỏ dại, dây leo, một số loài cây tạp, đa số là cây bần cùng một số loài thú hoang và chim muông sinh sống. Từ việc trồng rẫy lúc ban đầu, bà con bắt đầu trồng thêm các loại cây ăn trái thông thường như: chuối, dừa, cam quýt, bưởi, sabô… rồi sau đó phát triển thêm các vườn cây đặc sản khác như: xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mặng cụt… Có lẻ do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại trái cây nơi đây phát triển rất tốt, có hương vị đậm đà, thơm ngon giàu dinh dưỡng hơn những vùng đất khác. Du lịch Sóc Trăng đến thăm Cồn Mỹ Phước với không gian bao la rộng lớn, sông nước thơ mộng chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được từng ngọn gió mát lành trên những con đường quanh năm rợp bóng cây trái. Ngoài ra còn được tham gia vào hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn như tham quan nhà vườn, tự tay hái trái cây; thả lưới, đặt lờ bắt cá, hái rau; bơi xuồng hái lượm bần, thụt cá bống sao, lịch, mò chem chép; dỡ chà bắt cá, tắm sông…hay làm các loại bánh dân gian, nghe đờn ca tài tử Nam bộ với những làn điệu dân ca “cây nhà lá vườn” đậm chất mộc mạc, trữ tình, khám phá các món ăn dân dã mang hương vị xứ cồn như cá lóc luộc hèm, canh chua cá ngát nấu bần, ốc luộc nước dừa chấm cơm mẻ…từ đó hiểu hơn về cuộc sống của người dân miệt vườn.

Sóc Trăng

Từ tháng 1 đến tháng 12

1589 lượt xem