Phú Yên: Nhà thờ Mằng Lăng công trình kiến trúc độc đáo

(Xây dựng) - Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam ở xã An Thạch, huyện Tuy An có kiến trúc độc đáo với hình dáng, đường nét mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX. Những năm qua, nơi đây nổi tiếng là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách trong nước và thế giới đến tham quan, chiêm ngưỡng.

(Xây dựng) - Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam ở xã An Thạch, huyện Tuy An có kiến trúc độc đáo với hình dáng, đường nét mang đậm dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX. Những năm qua, nơi đây nổi tiếng là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách trong nước và thế giới đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Phú Yên: Nhà thờ Mằng Lăng công trình kiến trúc độc đáo

Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Những người cao niên tại địa phương chia sẻ, nhà thờ Mằng Lăng có tên gọi như vậy, bởi hàng trăm năm trước khu vực này là rừng với rất nhiều cây mằng lăng, có tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng. Giờ đây, dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn nữa nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy được đặt tên về loại cây quý này.

Theo tư liệu, Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng vào năm 1892 thuộc kinh phí của Tu hội Thừa sai Paris do công của Linh mục Joseph de la Cassagne (tục gọi Cố Xuân). Đây là giáo xứ đầu tiên, cũng là nhà thờ có quy mô lớn nhất tỉnh Phú Yên thời bấy giờ. Đặc biệt, Nhà thờ Mằng Lăng còn lưu giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma.

Thoạt nhìn, Nhà thờ Mằng Lăng có màu xám và khuôn viên xây dựng rộng chừng 5.000m2. Mặt tiền của nhà thờ trang trí nhiều hoa văn, hai bên có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá, tất cả đều sơn màu xám hòa quyện với khung cảnh thiên nhiên. Thời gian qua, nhà thờ thu hút du khách với vẻ ngoài đậm nét kiến trúc Gothic mang đặc trưng châu Âu - một phong cách kiến trúc khá nổi tiếng trên toàn thế giới.

Phú Yên: Nhà thờ Mằng Lăng công trình kiến trúc độc đáo

Đến Nhà thờ Mằng Lăng du khách tận mắt chiêm ngưỡng cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma.

Anh Đỗ Tuấn Vũ - hướng dẫn viên của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Biển xanh Hải Phòng chia sẻ: Công ty rất có nhiều chuyến tour đưa khách về Phú Yên tham quan và một trong điểm tham quan khách du lịch thích thú nhất chính là Nhà thờ Mằng Lăng. Tại đây, du khách có thể tự do check-in, chụp ảnh lưu niệm và tận mắt chiêm ngưỡng cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma còn lưu giữ ở đây. Đoàn khách ai cũng thích thú, choáng ngợp với khu thánh đường bên trong nhà thờ qua những khung cửa sổ sặc sỡ sắc màu, những bức tường phủ sơn màu nâu vàng và mái trần gỗ bóng mượt treo những chiếc đèn cổ.

Phú Yên: Nhà thờ Mằng Lăng công trình kiến trúc độc đáo

Cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: Trong lịch sử truyền giáo, thời Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh vào trấn thủ dinh Trấn Biên (1629), các giáo sĩ phương Tây đến nơi này truyền đạo. Đầu tiên là linh mục người Ý Buzoni. Năm 1641, linh mục Alexandre de Rhodes (Giáo sĩ Đắc Lộ) đến làm lễ rửa tội cho hơn 90 giáo dân tại đây. Thánh An-rê Phú Yên được rửa tội vào thời gian này, hiện trong khuôn viên nhà thờ có khu lưu niệm thánh An-rê Phú Yên.

Phú Yên: Nhà thờ Mằng Lăng công trình kiến trúc độc đáo

Trong khuôn viên nhà thờ có khu lưu niệm thánh An-rê Phú Yên.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái thông tin thêm: Nằm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Bắc, những năm qua, với công trình kiến trúc Gothic đậm chất châu Âu, Nhà thờ Mằng Lăng trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách đến Phú Yên tham quan cũng như trải nghiệm. Cùng đó, để phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch, thời gian đến ngành văn hóa sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ như: Tập trung bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di tích, danh thắng đáp ứng yêu cầu phát triển; đa dạng sản phẩm du lịch, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, khả năng cạnh tranh cao; tổ chức các dịch vụ tại các điểm đến tăng sự đa dạng, phong phú và tính hấp dẫn của các tuyến, điểm du lịch.

16 Tháng 08, 2023 1009

Bài viết liên quan

Reviews 63 tỉnh thành