Di tích lịch sử

Việt nam

Đình Làng Mai Viên

Đình Mai Viên thuộc thôn Mai Viên, xã Song Mai - một xã có địa bàn rộng, đông dân cư và phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội của huyện Kim Động. Mai Viên – “Mai” làng đẹp như một vườn mai, “ Viên” làng có nhiều quan chức, viên chức. Theo thần tích và sắc phong và truyền ngôn lại trong dân, đình thôn Mai Viên được khởi dựng khá sớm vào thời Hậu Lê với quy mô còn nhỏ bé. Đình tọa lạc trên một gò đống cao ráo thoáng mát,cảnh quan đẹp, thuận tiện cho việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Mặt tiền quay về hướng Đông Nam, phía trước đình là cây đa giếng nước cổ kính có niên đại hàng trăm năm, sân đình được bao phủ bởi tán cây bàng, nhãn mát mẻ. nhìn toàn bộ bên ngoài cho ta cảm thấy dự uy nghi và tôn kính bởi vẻ đồ sộ và cổ kính của ngôi đình làng. Di tích đình Mai Viên được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ I (chữ công) nhưng mất phần hậu cung và 2 nhà chè. Nay di tích còn lại một nhà tiền tế đồ sộ vừa được nhân dân sửa chữa, mái lợp ngói mũi phẳng, đầu hồi 2 bên nóc đình được đắp hai đầu kìm đội lân. Trải dài phần nóc nghệ nhân đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt uốn thành 3 khúc khỏe mạnh và uy nghi. Kiến trúc đình Mai Viên cao ráo bề thế, kết cấu vì kèo nóc từ đầu đến phần mái theo kiểu chồng gường đấu xen, hệ thống con gường đỡ hoành chạm nổi hình lá lật cách điệu. Do những biến động của lịch sử và xã hội, kiến trúc đình không còn đồng bộ và phải tu bổ nhiều lần vào thời Nguyễn, vì vậy nghệ thuật kiến trúc mang đậm nét thời Nguyễn. Cũng như những ngôi đình ở các xã khác, đình Mai Viên vừa được coi là trụ sở để dân hội họp, bàn việc làng vừa là nơi thờ thần hoàng. Theo sắc phong và thần tích thì đình thờ 5 vị thành hoàng làng và 3 vị đức thánh tổ như: Trung Thành Đại Vương, Linh Lang Đại Vương, Cao Mang Đại Vương, Đổng Vĩnh Đại Vương và vị Đức thành tổ có công với dân, dạy dân làng làm nghề nung vôi, đóng gạch, làm nghề thợ xây. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đình Mai Viên là cơ sở tụ họp của các đồng chí lão thành cách mạng. Năm 1942 phong trào cách mạng phát triển, các cán bộ cách mạng đã về đây để tạo dựng cơ sở. Đình còn là nơi hậu đóng quân của bộ đội huyện cơ sở in ấn tài liệu kháng chiến, đào hầm bí mật ở hậu cung để bảo vệ bộ đội du kích. Trong những năm chống Mỹ, cơ sở còn khó khăn UBND xã Song Mai tạm mượn đình Mai Viên để họp hành tại đây. Đến năm 1988 mới trả cho thôn. Ngày nay, đình Mai Viên còn lưu giữ các hiện vật quý có giá trị lịch sử, văn hóa như: tại đình hiện có một ngai vàng thờ thời Nguyễn, 3 bát hương thời Nguyễn, 2 hòm săc, 1 giá chúc với 27 sắc phong qua các triều đại, ống hưởng, đài gỗ và một số đồ thờ khác có niên đại muộn, đỉnh đồng 2 chiếc, nến đồng 2 đôi, lục bình một đôi. Năm 1998 đình làng Mai Viên được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân dân địa phương không chỉ coi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà còn là nơi để mọi người tổ chức ôn lại truyền thống cha ông, các thuần phong mỹ tục, nếp sống cộng đồng. thông qua đó là sự giao lưu văn hóa giữa các vùng, giữa các thành viên trong cùng một cộng đồng để tạo nên mối gắn kết nhân ái, tình làng nghĩa xóm. Ngôi đình là niềm tự hào của nhân dân trong thôn. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Hưng Yên 2 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đền Bà Chúa Mụa

Bà Chúa Mụa (1580 – 1648)bà tên thật là Trần Thị Cư, sinh ngày 5 tháng 5 năm Canh Thìn (1580) tại làng Mụa, tổng Thiên Thi, phủ Khoái Châu xưa, nay thuộc thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày kia, chúa Trịnh Tráng xa giá đi qua vùng này, rộn ràng nào ngai, nào kiệu, cờ xí rợp trời, kèn trống vang lừng, dân làng náo nức đi xem. Một cô gái cắt cỏ cạnh đường cái quan vẫn cứ mặc như không hay biết gì. Khi kiệu đi qua, cô không hề nhìn lên, đôi tay thoăn thoắt giật liềm vơ cỏ, miệng hát véo von, trong trẻo: Tay cầm bán nguyệt xênh xang Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta Quân lính ngạc nhiên, tiếng hát càng véo von và kiệu chúa từ từ dừng lại. Chúa kéo rèm lên nhác thấy có cô gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đối đáp thông minh, biết đây là kỳ nữ. Chúa truyền rước cô về kinh thành Thăng Long rồi ban quốc tính, đổi tên là Trịnh Thị Ngọc Am. Bà giúp chúa trông nom việc học tập trong phủ của các cung tần, mỹ nữ, củng cố mối đoàn kết giữa chúa với triều đình nhà Lê. Bà sinh được một người con gái là Trịnh Thị Minh, được chúa ban cho 4 đĩa vàng và 1 đĩa bạc. Chẳng bao lâu công chúa Thụy Minh qua đời, quá đau buồn, bà xin về tu ở chùa làng. Chúa rất quý mến người vợ tài sắc của mình, cho khai con sông nhánh từ sông Cửu An chạy qua làng Mụa để vận chuyển các loại đồ quý về xây tháp. Hàng ngày, bà lên tháp tưởng vọng về phủ chúa ở Thăng Long. Bà đã bỏ tiền ra giúp dân khai khẩn ruộng đất, khai sông dẫn thủy nhập điền. Bà giàu lòng nhân đức hay giúp đỡ mọi người và cầu Phật ban phúc lành cho dân chúng. Tự bà xin lập và tu sửa các chùa chiền quanh vùng và phổ biến lễ cúng Phật. Bà chẳng những có công lớn đại trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân 13 thôn dựng đình. Bà Trịnh Thị Ngọc Am mất vào tuổi 68, nhân dân tôn bà làm thần và lập đền thờ ngay tại quê hương. Đền Mụa dựng vào thế kỷ thứ 17, trùng tu vào thời Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ “Nhị”. Cổng Tam quan khá đồ sộ, có hai hàng câu đối: Tài sắc song toàn nơi phủ chúa Nghĩa tình trọn vẹn với quê hương Cạnh đó có tòa thư điện nhỏ đặt pho tượng phỗng tạc đá xanh, dáng dấp bụng phệ được thờ bằng bát hương cũng bằng đá xanh chạm chân quỳ, có 3 tai mặt hổ phù. Trước cửa đền đặt tấm bia dựng năm 1634 có ghi: Bà chúa Mụa Trịnh Thị Ngọc Am đệ nhất cung tần vương phủ chúa Trịnh Tráng. Tấm bia thứ hai dựng năm 1650 ghi nhận công lao của bà với dân làng trong việc dựng chùa, đình, đền, miếu… Tại gian trung tâm tòa đại bái có nhang án bằng đá, chạm khắc nổi thành ba bức phù điêu: bức giữa chạm nổi hình trong, hai bên chạm “Long cuồn thủy”, xung quanh chạm hoa văn sóng nước cách điệu, mang phong cách Hậu Lê. Trên hai cột cái tòa đại bái có hai hàng câu đối ca ngợi tài đức của Bà: Tài cao nghĩa trọng, uy thế trấn sơn hà Tích đức tu nhân, chúa cung sùng đạo Phật Gian hậu cung đặt tượng bà chúa Mụa. Năm 1634, chúa Trịnh Tráng cho tạc tượng bà bằng đá khi đang sống. Tượng to bằng người thật ngồi trên tòa sen, đầu đội vương miện, chạm nổi hình Phật Tổ Như Lai, tai đeo bông hoa to, chân xếp bằng kiểu người ngồi thiền. Phía trước tượng bà chúa là tượng Quận Công bằng đá, ngồi xếp bằng tròn, mặc áo bào. Hai tòa hai bên thờ tượng Thị Vệ và Kim Đồng chầu bà chúa, thân chạm nổi áo gấp. Sau hậu cung là tòa Cửu phẩm liên hoa, đặt nậm đá đế hoa sen, dưới chạm tượng bà chúa lúc về già. Ngày 08/6/1963 trong khi làm thủy lợi sông cầu Ngàng dân công đã đào được 4 đĩa vàng, 1 đĩa bạc của Chúa Trịnh Tráng ban thưởng cho con gái, ở đáy một đĩa có dòng chữ. “Thụy Minh công chúa kim phụ lai bát tinh công chúa” (chén bạc của cha ban cho con, Thụy Minh công chúa). Từ những giá trị trên, đền Bà Chúa Mụa được Bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích “Nghệ thuật” cấp Quốc gia số 2233-QĐ/BT ngày 26/6/1995. Đặc biệt, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2283/QĐ- TTg, công nhận Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ (đền Mụa, xã Vũ Xá) có niên đại thế kỷ XI – XII là Bảo vật Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Hưng Yên 3 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đền Đào Xá

Thôn Đào Xá cùng với hai thôn Ngô Xá và Vĩnh Hậu hợp thành xã Vĩnh Xá. Đào Xá là một thôn lớn có cả đình, chùa, miếu, đền do cư dân theo đạo Phật và một nhà thờ của đạo Thiên chúa giáo. Đền Đào Xá có tên xưa là đền Sướng Thiện, là Tam Giáo Động, được xây dựng ở đầu thôn trên một khu đất cao, thoáng mát từ thập niên đầu thế kỷ XIX. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, khoảng năm 1896, cụ Từ trông coi đèn nhang đã sang đền Bạch Mã thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông cũ xin tên hèm để thờ, đặt tên cho đền là Sướng Thiện. Từ đó nhân dân trong vùng tìm đến đây lễ bái cầu phúc, hướng thiện và xin thuốc nam về chữa bệnh. Đền được xây dựng theo kiến trúc điêu khắc thời Nguyễn có vòm cuốn bê tông và hình khối nội công ngoại quốc. Đến năm 1929 , nhân dân lại đóng góp công sức và tiền của tu tạo lại đền cho bề thế, khang trang hơn. Khi hội Tam Thánh ra đời, đền thờ Phật – Tiên – Thánh, 3 vị giáo tổ và thờ vọng những vị anh hùng dân tộc đã có công cầm quân chống ngoại xâm như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão. Tên đền Sướng Thiện hay Tam Giác Động nói lên ý tưởng và tâm nguyện về điều thiện, hành động theo điều thiện. Sau này, tên đền được gọi theo tên thôn: Đền Đào Xá. Chữ Đào chính là tên một dòng họ có người đến khai phá vùng đất này sớm nhất và cũng là họ phát triển đông đúc nhất thời ấy. Thời kỳ 1939 – 1945, Đảng ta vận động đấu tranh cách mạng trong sự khủng bố, lùng sục gắt gao của chính quyền thực dân, đền Đào Xá là một trong những cơ sở cất giấu tài liệu của Đảng bộ Hưng Yên. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhiều cuộc mít tinh hội họp lớn của xã đã được tổ chức tại đền. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, vùng đất này từng có thời gian bị địch chiếm đóng, đền Đào Xá lại là nơi cán bộ ta đặt chân an toàn để phát triển phong trào, khi thì đóng vai người đến đền cúng lễ, khi lại là người lên đền xin lá thuốc về chữa bệnh cho người nhà. Trong đền có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Hòn Non bộ đắp nổi giữa hồ nước trong khuôn viên với mục đích cất giấu tài liệu nên được tạo dáng nhiều hang lạch ăn sâu vào giữa khối đá giả sơn trông lạ mắt mà kín đáo. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã về đây mở Hội nghị Quân chính bàn việc chống chiến tranh phá hoại của địch và các chủ trương biện pháp chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiếp đó, Bộ Y tế lại chọn đền Đào Xá làm địa điểm sơ tán cho xí nghiệp Dược phẩm. Đền Đào Xá còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, ngoài Hòn Non bộ xây đắp công phu, phải kể đến 24 pho tượng mỗi pho đều có vẻ hấp dẫn riêng. Nhiều đồ tế tự có giá trị điêu khắc như pho kiệu Ngọc Bộ, ngai, cửa võng, câu đối cùng với nhiều cổ vật quý hiếm nh lọ độc bình, lọ hoa, choé, bát hương… Đền Đào Xá, xã Vĩnh Xá được Nhà nước xếp hạng di tích “Lịch sử và nghệ thuật” cấp Quốc gia theo Quyết định số 570, tháng 9/1998. Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Hưng Yên 15 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình Thanh Sầm

Đình Thanh Sầm toạ lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng tại thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Theo thuyết phong thuỷ, đình toạ lạc trên thế đất hình “đầu rồng”, phía trước là một hồ nước lớn, bao bọc quanh đình là con đường lớn tựa “lưng con xà”, tạo nên nét đẹp không gian cho ngôi đình cổ. Với địa thế đó, đình Thanh Sầm được xem như đặt trong thế “đắc địa”, con cháu được hưởng phúc lộc dài lâu. Đình Thanh Sầm là nơi tôn thờ Nhị vị Thành hoàng làng: Hướng Thiện Ninh Quốc Đại vương (Phạm Thiện) và Đạo Quang Vĩnh Yên Đại vương (Phạm Quang) thời vua Hùng Vương. Hai vị có công giúp các vua, các tướng dẹp giặc, thiết lập trật tự đất nước, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Không chỉ vậy, đình Thanh Sầm cùng những di vật còn lưu giữ được tại di tích là nguồn sử liệu vô cùng quý giá trong việc nghiên cứ sự hình thành và phát triển của làng Thanh Sầm. Đình Thanh Sầm có bố cục mặt bằng tổng thể kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh” gồm: 05 gian Đại bái, 05 gian Trung từ và 02 gian Hậu cung. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm hoàn toàn từ vật liệu gỗ tứ thiết còn đồng bộ, chắc khỏe, bền vững với nhiều mảng chạm khắc đẹp, mang đậm phong cách kiến trúc và mỹ thuật thời Nguyễn. Các mảng chạm thể hiện nhiều đề tài trang trí, các điển tích dân gian vô cùng phong phú và đa dạng như: Tứ linh, tứ qúy, tùng lộc, chim trĩ, lá lật, vân xoắn, cá chép... Tất cả đã phản ánh được tính mỹ thuật cao, tài năng sáng tạo của người nghệ nhân đương thời. Tại đình còn bảo lưu được một số di vật tiêu biểu có giá trị như: Sắc phong (thời Nguyễn), thần tích, đại tự, câu đối, ngai và bài vị, kiệu thờ,... Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thanh Sầm đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (tại Quyết định số 887/Quyết Định -Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch ngày 15 tháng 4 năm 2022). Nguồn Sở văn hóa thể thao và du lịch.

Hưng Yên 16 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia. Mở cửa

Đình làng Chuông

Đình làng Chuông là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lớn của làng Chuông xưa, nay là thôn Tiến Phan, thị trấn Nhã Nam. Theo các tài liệu, hiện vật còn lại trong di tích, các nhà nghiên cứu đã xác định đình làng Chuông là một ngôi đình cổ được khởi dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Ngôi đình tọa lạc trên khuôn viên đất rộng, cao thoáng ở trung tâm làng Chuông. Bố cục mặt bằng di tích được làm theo lối kiến trúc hình chữ đinh gồm 7 gian tiền đình và hai gian hậu cung, ngoảnh hướng Nam. Đình tôn thờ đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh đại vương và Trấn Giang Đô Thống. Ngoài ra đình cũng thờ Nàng Giã Đại Thần - một vị nữ tướng của hai Bà Trưng. Sau này vào thời Nguyễn, đình còn thờ một vị phúc Thần là người con của quê hương Nhã Nam, đó là ông Nguyễn Đức Hiên đã công đức tiền của tu sửa đình. Trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Hoa Thám đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, bàn việc tổ chức những trận đánh lớn chống thực dân Pháp xâm lược và tay sai tại đình làng Chuông. Làng Chuông còn là nơi sinh ra Dương Văn Truật còn gọi là Đề Hậu - một trong những vị tướng tài giỏi, giữ vai trò chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Ông có tài bắn cung bách phát - bách trúng khiến bọn giặc Cờ Đen do Ngô Côn cầm đầu và sau này là thực dân Pháp và bè lũ tay sai phải kinh hoàng, khiếp sợ khi nhắc đến tên ông. Khi Lương Văn Nắm (Đề Nắm) - người làng Hả giương cao ngọn cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Dương Văn Truật gia nhập nghĩa quân, trở thành một trong những vị tướng giỏi giúp Đề Nắm và sau này là Đề Thám tổ chức nhiều trận đánh, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất. Đình làng Chuông vừa được trùng tu và khánh thành vào ngày 26.10.2023. Bố cục hình chữ đinh, với kết cấu tiền đạo hậu đốc, đại bái 5 gian, hậu cung 3 gian cùng các hạng mục phụ trợ khác. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TÂN YÊN

Bắc Giang 17 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Dương Lâm

Đình Dương Lâm được xây dựng trên một khu đất ráo đẹp đẽ của làng Dương Lâm, xã An Dương, huyện Tân Yên. Đây là ngôi đình cổ thời Lê, xưa tọa lạc ở khu đất Bãi Đình. Vì lý do giặc giã nhiều, nên Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã bàn với dân làng di chuyển đình về khu đất giữa làng như hiện nay, để tiện trông nom và cũng dễ bề hoạt động. Dương Lâm cũng là quê hương Quận công Dương Đình Bột, Dương Đình Tuấn, Dương Đình Cúc thời Lê - Mạc, Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Trong đó Dương Đình Cúc dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn, ngay tại đình làng mình. Ông kéo quân lên xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở núi Hàm Rồng thuộc Đức Lân, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) vào năm 1826. Nghĩa quân đã hoạt động khắp các huyện Yên Thế, Hữu Lũng, Võ Nhai, Phú Bình, tổ chức nhiều cuộc đánh du kích làm quân triều đình khốn đốn. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 20 năm. Mùa xuân năm 1846 Đề Cúc và các tướng lĩnh về dự hội làng Lềnh ở chân núi Hàm Rồng thị bị quân triều đình phục kích, hai bên đánh nhau quyết liệt hai tướng của Dương Đình Cúc bị chết, ông bị thương, chạy đến đầu làng Lan Thượng thì bị chết. Dân làng thương tiếc an táng ông về lập miếu thờ gọi là Dương Đình Cúc. Sau đời Dương Đình Cúc khởi nghĩa, làng Dương Lâm nổi lên ông Dương Văn Hậu (còn gọi là cụ Cai Hậu) là người giúp Hoàng Hoa Thám rất đắc lực từ 1885-1895. Truyền tích về cụ Cai Hậu còn rất nhiều ở Dương Lâm. Để đảm bảo an toàn cho các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế, cụ Cai Hậu đã cho đào một hầm bí mật từ hậu cung đình Dương Lâm xuyên ra bờ ao rồi đi nơi khác. Đến nay dấu vết vẫn còn. Suốt trong cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp kéo dài 30 năm trời, nhiều trai làng Dương Lâm đã ra nhập nghĩa quân Yên Thế như: Dương Văn Cảnh, Dương Văn Hành, Dương Văn Đôi, Dương Văn Vạn... lập nhiều chiến công ở trận Trại Cốt (Yên Thế) Yên Phụ (Yên Phong) Đông Lỗ (Hiệp Hoà) Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế)... Trong những năm tháng ấy, đình Dương Lâm là nơi đi về của nghĩa quân. Làng Dương Lâm vẫn là pháo đài vững chắc của nghĩa quân Yên Thế ngay trước dinh phủ của Pháp và tay sai ở Nhã Nam. Cũng trong thời gian ấy, Đề Thám đã gửi con trai cả của mình đến Dương Lâm học cụ Cai Hậu. Điều đó chứng tỏ tình cảm rất thân thiết giữa nghĩa quân với làng Dương Lâm. Từ khi đình chuyển về giữa làng, Đề Thám lại cùng cụ Cai Hậu đã trồng cây Dã Hương ở trước sân đình làm kỷ niệm. Cây Dã Hương sau này trở thành cây cổ thụ tỏa bóng mát che nắng cho dân làng và ru mãi những bài ca đẹp về lịch sử làng Dương Lâm. Đáng tiếc là nó đã không còn trong năm gần đây. Do không làm gì nổi nghĩa quân Yên Thế, thực dân Pháp và tay sai kéo về Dương Lâm tra khảo cụ Cai Hậu. Song vốn là người gan góc nhất làng và hết lòng vì nghĩa quân Yên Thế, chúng đã không khuất phục được con người của cụ Cai Hậu. Thời kỳ hòa hoãn lần thứ hai với thực dân Pháp (1897-1909) cụ Đề Thám thường về thăm Dương Lâm, thăm đình Dương Lâm với một tình cảm đặc biệt. Đình Dương Lâm chứa đựng những giá trị văn hoá, giá trị lịch sử đáng trân trọng là biểu tượng đẹp đẽ của Dương Lâm và là nơi tưởng niệm các anh linh đã vì mảnh đất này mà gây dựng, mà chiến đấu. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TÂN YÊN

Bắc Giang 18 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Nam Thiên

Nhân lễ hội Đình Phố, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận chùa Nam Thiên là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Đây là di tích nằm trong hệ thống di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Chùa Nam Thiên (còn gọi là chùa Phố) xây dựng năm 1882 (nay thuộc thị trấn Nhã Nam ). Cổ xưa chùa thuộc làng Cầu. Khi làng Cầu bị giặc Cờ Đen triệt hạ cuối thế kỷ XIX, chùa do làng Chuông kiêm quản. Từ năm 1885 thực dân Pháp lập đồn Nhã Nam và đặt phủ lỵ tại đây thì chùa chuyển về phố. Chùa Phố - Nam Thiên tự nằm bên Đồi Phủ, chứng kiến những sự kiện quan trọng liên quan tới phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Tháng 1-1989 di tích chùa Phố - Nam Thiên tự được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích chùa Phố - Nam Thiên tự là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao như: thi nấu cơm, thi đấu cầu lông, trò chơi dân gian, tết trồng cây... thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia./. NGUỒN: INET

Bắc Giang 14 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Nội

Đình Nội thuộc xã Việt Lập. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đình được xây dựng từ thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) trên gò đất nổi thuộc cánh đồng trung tâm làng. Đình do dân 3 giáp: Tây, Mỹ, Trong của Làng Nội xây dựng nên dân gọi là Đình Nội. Hiện này Đình Nội, thuộc làng Nội Hạc, xã Việt Lập. Đình được xây dựng từ thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) trên gò đất nổi thuộc cánh đồng trung tâm làng. Đình do dân 3 giáp: Tây, Mỹ, Trong của Làng Nội xây dựng nên dân gọi là Đình Nội. Đình Nội được xây dựng ở một gò đất cao thuộc đất giáp Trong giữa làng Lý và làng Nội hiện nay. Đình do dân ba giáp: Tây, Mỹ, Trong của làng Nội xây dựng nên dân cũng gọi là đình Nội. Khi đình làm xong dân đặt tên là "Tiên Đình" hai chữ ấy được viết ra chữ Hán rồi xây biển trên bờ nóc cho khắc đắp nổi để ai cũng nhìn thấy. Thông thường ở các nơi, cứ khi làm xong đình thì dân cho khắc bia ghi chép việc xây dựng đình để lại cho đời sau biết việc tiền nhân đã làm. Thế nhưng ở làng Nội xưa các cụ lại không làm thế mà căn cứ những ai đóng góp gì thì cho thợ mộc đục ngay lên gỗ ấy - bất di bất dịch - Thế là đình Nội có một bản lai lịch rõ tới từng chi tiết mà không đình nào có được. Đình Nội làm nên để thờ Thánh Cao Sơn – Quý Minh, khoảng thế kỷ XIX trong vùng có giặc Cờ Đen – quân Cờ Đen kéo về quấy phá tàn sát nhiều làng, xã ở Yên Thế. Làng Nội bị chúng đánh phá, dân làng chống lại không nổi nhưng cũng hạ được nhiều tướng Tàu ở ngay cạnh đình. Dân làng nội bị bắt đi, bị mất tích..làng xóm tiêu điều sơ xác. Ngôi đình không bị tàn phá nhưng đã chứng kiến những sự kiện tàn sát đó. Tình hình đó kéo dài đến cuối thế kỷ XIX dân làng không hiểu cho rằng tại hướng đình nên trong làng lục đục mất đoàn kết. Đến khi Hoàng Hoa Thám đứng lên cầm quân chống pháp, có quan hệ mật thiết với làng Nội, nghĩa quân thường qua lại nơi đây họp bàn với các Cụ Đốc Tuân (làng Lý), Chánh Hạch (Làng Nội), Tổng Lò (Văn Miếu)…biết chuyện hướng đình, Đề Thám với uy tín của mình đứng ra xoay lại hướng đình cho làng Nội. Đình Nội là một trong những ngôi đình lớn của huyện, hiện vẫn giữ được dáng vẻ và kiến trúc cổ xưa. NGUỒN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TÂN YÊN

Bắc Giang 29 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Đông Trước

Đình Đông Trước thuộc địa phận thôn Đông Trước, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) có nhiều nét độc đáo, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2014. Đình Đông Trước là công trình tín ngưỡng của nhân dân thôn Đông Trước, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa. Đình Đông Trước có niên đại khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và được trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương được dựng lên làm nơi thờ các vị Thành hoàng làng Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương và Bạch Tượng. Hai vị Cao Sơn, Quý Minh vốn là thuộc tướng thời vua Hùng Vương thứ 18, có công giúp vua Hùng Duệ Vương (thế kỷ III TCN) phá tan giặc Thục Phán đến xâm lăng. Bạch Tượng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (thế kỷ X) thống nhất đất nước. Đình Đông Trước có bố cục theo lối “tiền nhất hậu công” gồm tòa tiền đình, tòa đại đình, dải ống muống và hậu cung. Di tích là công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao, mang nét đặc trưng của hai nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng-Nguyễn. Trong di tích hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý như: 5 tấm bia đá thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (bia Hậu Thần được lập sớm nhất tại đình vào năm 1722 niên đại Bảo Thái thứ 3, muộn nhất vào năm 1916 niên đại Khải Định); kiệu thờ, bản văn, 4 ngai thờ thời Nguyễn, chấp kích, đài thờ, mâm bồng, nhang án, chiêng đồng, bát hương... Trong đó, 5 tấm bia đá thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn khắc văn tự Hán với nội dung ghi về việc lập Hậu Thần, việc công đức tu sửa đình... có ý nghĩa tích cực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử di tích và một thời kỳ đã qua của nhân dân trong vùng nói riêng và của dân tộc nói chung. Đình Đông Trước là nơi thờ các vị Đức thánh Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, Bạch Tượng làm Thành Hoàng làng. Hai vị Cao Sơn, Quý Minh vốn là thuộc tướng thời vua Hùng Vương thứ 18, có công giúp Hùng Duệ Vương (thế kỷ III TCN) phá tan giặc Thục Phán đến xâm lăng, mang lại bình yên cho đất nước. Công lao của các ngài được các sử thần xưa biên ghi trong quốc sử, ngọc phả, thần tích, sắc cho nhân dân nhiều nơi lập đình, đền thờ phụng, trong đó có đình Đông Trước, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa. Bạch Tượng vốn là người ở châu Hoan (tỉnh Nghệ An ngày nay). Vào thế kỷ X, khi Đinh Bộ Lĩnh dấy quân ở Hoa Lư, ông đem quân đến giúp sức dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, về già ông đem quân về Động Phỉ rồi qua đời ở đó. Vì có công với dân, với nước nên ông được tôn thờ trong các đình làng. Đình Đông Trước là công trình kiến trúc cổ kính được khởi tạo vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trải qua hơn 200 năm, nhiều mảng chạm trổ, điêu khắc điển hình cho nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn hiện vẫn còn được bảo lưu tại di tích. Chính quyền cùng nhân dân địa phương luôn quan tâm, ý thức ghi giữ, tu sửa tôn tạo ngôi đình thêm khang trang, tố hảo nhưng vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, uy linh. Trong di tích hiện nay còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý rất có giá trị: 5 tấm bia đá thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, ngai thờ, bảng văn, sắc phong, chấp kích, kiệu thờ, bát hương, nhang án... Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đình hiện vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của người dân thôn Đông Trước. Trong ngày hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian cổ truyền mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc: Chọi gà, đánh đu, kéo co... Bên cạnh đó vào những ngày rằm, mồng một và khi làng diễn ra sự kiện trọng đại thì người dân đều đến ngôi đình làng thắp nén hương thơm thành tâm dâng lên Thành Hoàng làng cầu cho vạn vật tốt tươi, người người khỏe mạnh, bình an. NGUỒN: Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Hòa

Bắc Giang 22 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình thôn Nguyễn

Đình thôn Nguyễn: được khởi tạo thời Lê. Đình nhìn về hướng Nam, thờ thánh Tam Giang và Quận công Nguyễn Đình Chính. Vị trí đình và chùa gần nhau, theo lối đình trước chùa sau “Tiền Thánh, hậu Phật”. Đình có bố" cục hình chữ Đinh (T) với 3 gian tiền tế, 2 gian chái, 3 gian hậu cung - kiểu thượng con chồng đấu kê trụ giá chiêng, hạ con chồng cốn kê. Các bức cốn, kẻ hiên, đầu dư trên cột được chạm khắc tinh xảo. Trong đình có đồ thờ: kiệu bát cống, kiệu song hành, tàn lọng, chấp kích, bát bửu, chiêng chông, long ngai, bài vị, ngọc phả, bia đá... Ngày 31/10/2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3825/QĐ-BVHTTDL xếp hạng đình Nguyễn là di tích Lịch sử - văn hóa. NGUỒN: TRAVEL NEWS

Bắc Giang 22 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Chợ Vân

Đình Chợ Vân xưa thuộc tổng Hoàng Vân, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc, nay thuộc thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An (Hiệp Hòa). Đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) và được tu sửa ở thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đình chợ Vân được hạ giải vào năm 1984. Thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại đình Chợ Vân diễn ra nhiều cuộc mít tinh, tuyên truyền lớn do cán bộ cách mạng tổ chức và chỉ đạo thực hiện. Trên đà thắng lợi ở Xuân Biều (xã Xuân Cẩm) và Trung Định (xã Mai Trung), nhân dân vô cùng phấn khởi, khí thế cách mạng sục sôi, uy thế của Mặt trận Việt Minh ngày càng nâng cao. Tại đình Chợ Vân, ngày 15/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị, khi ấy là Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban cán sự tỉnh chỉ đạo Chi bộ Hoàng Vân và Mặt trận Việt Minh địa phương tổ chức cuộc tuyên truyền vào ngày chợ phiên nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Nội dung cuộc diễn thuyết nêu rõ tinh thần cơ bản của Nghị quyết hội nghị Ban Thường vụ Trung ương (9/3/1945). Các đồng chí đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ kẻ thù chính của nhân dân ta trước mắt lúc này là phát xít Nhật và phát động quần chúng phá kho thóc của Nhật, Pháp giải quyết nạn đói. Tiếp đó, để biểu dương lực lượng, ngày 16/3/1945, Ban cán sự tỉnh tổ chức cuộc mít tinh lớn tại đình Chợ Vân. Sau cuộc mít tinh, tự vệ chiến đấu, nhân dân kéo đi phá kho thóc đồn điền. Sự kiện này tác động mạnh mẽ tới phong trào cách mạng ở các vùng xung quanh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Theo các bậc cao niên và lãnh đạo địa phương, gần 60 năm trước, ngôi đình là điểm dạy, học của thôn, xã. Năm 1965, 1966, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, ngôi đình là nơi chứa các linh kiện máy móc của lực lượng phòng không không quân. Ngày 10 tháng Giêng hằng năm, địa phương tổ chức hội đình Chợ Vân. Trong ngày hội có nhiều hoạt động như hát quan họ, các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền hơi, cờ tướng, kéo co… Ngoài ra, vào ngày 10 tháng 4 âm lịch hằng năm có lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh. Các nghi lễ này được khôi phục từ năm 2012 đến nay, sau 66 năm bị gián đoạn. Trải qua thời gian dài, song chợ Vân vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống, trở thành nơi mua bán hàng hóa của người dân. Ngoài chiêm ngưỡng hệ thống di tích lịch sử, đến chợ Vân du khách bị cuốn hút bởi nhiều đặc sản của địa phương như trám đen Hoàng Vân, bánh chưng. Chợ họp vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch. Những năm qua, tại đình Chợ Vân diễn ra nhiều hoạt động báo công dâng Bác, kết nạp đoàn viên, đội viên, phát động lễ ra quân của đoàn thanh niên, các nhà trường... Qua đó giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào cho thế hệ trẻ. NGUỒN: Cổng thông tin điện tử UBND Xã Mai Đình

Bắc Giang 33 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Vân Xuyên

(BGĐT) - Tọa lạc tại xóm Trung, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa), đình Vân Xuyên là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn thờ người có công với dân, với nước đồng thời có ý nghĩa lịch sử quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là một trong 8 điểm thuộc Di tích An toàn khu II (ATK II) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đình Vân Xuyên được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Hiện nay, đình còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ, mang nét đặc trưng của ngôi đình vùng châu thổ Bắc Bộ với nhiều các hạng mục: Nghi môn, tả hữu vu, sân vườn và khu đình chính có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh (Đại đình và Hậu cung). Tòa Đại đình được tạo bởi 3 gian 2 chái với 4 mái đao cong. Bờ nóc, bờ dải xây gạch phủ vữa, chính giữa bờ nóc đắp đề tài lưỡng long chầu nhật, bốn xung quanh đình được bưng ván gỗ. Gian giữa đình tạo lòng giếng, hai bên còn lại có ván sàn gỗ. Hệ thống khung gỗ của đình được tạo bởi 6 vì, kết cấu các vì được liên kết theo lối truyền thống kiểu thượng con chồng giá chiêng, hạ con chồng đấu kê, tiền kẻ hậu bẩy, với các mảng chạm khắc mang đặc trưng phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII). Tòa Hậu cung có 2 gian nối vuông góc với Đại đình. Hậu cung được ngăn cách bởi lớp cửa bức bàn và thượng song hạ bản. Trong Hậu cung bài trí khám thờ, hương án, sập thờ, bài vị được chạm khắc tinh xảo, sơn thếp công phu. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình Vân Xuyên là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Ngày 25/2/1945, đội tự vệ làng Vân Xuyên được thành lập; ngày 15/3/1945, các đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh đã chỉ đạo Chi bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh ở Hoàng Vân tổ chức mít tinh tuyên truyền xung phong, tuyên bố thủ tiêu chính quyền địch, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Vân Xuyên với sự tham gia của hàng trăm người với sự bảo vệ của các đội tự vệ chiến đấu ở Hoàng Vân, Ngọc Thành và ấp Ba Huyện; ngày 1/6/1945, tự vệ tổng Hoàng Vân cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang đã tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào huyện lỵ cướp chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Với giá trị lịch sử tiêu biểu, năm 1994, đình Vân Xuyên được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1994; đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK II. NGUỒN: Báo Bắc Giang.

Bắc Giang 30 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Xuân Biều

Đình Xuân Biều là ngôi đình cổ được xây dựng lâu đời, tọa lạc bên bờ Bắc Sông Cầu thuộc thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa. Đình là nơi thờ Cao Sơn - Quý Minh và đức thánh Tam Giang có công đánh giặc cứu nước. Không chỉ là một ngôi đình có kiến trúc cổ, đình Xuân Biều còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Trong đó giá trị đặc biệt của đình là giá trị về lịch sử, tại đình cách đây 77 năm diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp cơ sở đầu tiên trong cả nước theo tinh thần Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 do đồng chí Lê Thanh Nghị, Chính trị viên chỉ đạo phong trào chống Nhật tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang tổ chức. Năm 1994, đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ATKII. Năm 2020, đình được nâng từ cấp Quốc gia lên cấp Quốc gia đặc biệt ATKII Hiệp Hòa. Do đình được xây dựng lâu đời, cùng với thời gian đã bị xuống cấp không đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá của nhân dân địa phương cũng như công tác giáo dục truyền thống. Xuất phát từ nhu cầu đó, được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền, ngày 10/12/2021, đình Xuân Biều được khởi công tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư hơn 11,1 tỷ đồng. Sau gần 1 năm thi công, ngày 7/9/2022, đình đã hoàn thành và được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng. Đình hoàn thành tu bổ, tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc xưa, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân địa phương, đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống. Cùng đó, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích đã và đang được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Di tích Quốc gia đặc biệt đình Xuân Biều được tu bổ, tôn tạo khánh thành cùng với điểm lưu niệm Bác Hồ về thôn Cẩm Xuyên được xây dựng trước đó trở thành những địa chỉ đỏ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh. Tại buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng khánh thành đình Xuân Biều. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Xuân Biều cho đại diện lãnh đạo xã, thôn. NGUỒN: Báo Bắc Giang

Bắc Giang 26 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Chí Linh

Đình Chí Linh nằm ở thôn Chí Linh, xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào “Thần tích bi ký” khắc dựng năm Tự Đức 20 (1867) hiện còn lưu giữ tại đây cho biết rằng, đình Chí Linh thờ 3 vị Thành hoàng làng gồm: Cao Sơn Quốc Trạng Đại Vương (tức Cao Hiển, Thánh Cả); Đương Cảnh Thành Hoàng Quảng Bác Đại Vương (tức Phạm Cường, Thánh Hai); Đương Cảnh Thành Hoàng Hùng Duệ Đại Vương (tức Phạm Úy – Thánh Ba) Theo thần tích, Cao Sơn Quốc trạng Đại Vương là nội tộc Tản viên Quốc vương thứ hai thời Hùng Vương thứ 18 tên là Cao Hiển tinh thông văn võ, đã “âm phù” giúp vua Lý Thái Tông đánh giặc cứu nước. Cao Sơn Đại Vương hóa thân thành một vị tướng tài của vua Lý cầm quân đi đánh giặc. Đến Ba Gia Trang, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương gặp 2 anh em sinh đôi, người bản trang là Phạm Cường, Phạm Úy là con ông bà Phạm Chân và Đào Thị Quý. Thấy hai anh em Phạm Cường, Phạm Úy văn võ song toàn, tài năng xuất chúng, Hiển Công liền chiêu mộ làm bộ tướng của mình. Sau khi đánh trận bến Động (nay là Bình Than – Lục Đầu) giành chiến thắng trở về, qua Ba Gia Trang khao quân, Hiển Công và 2 bộ tướng Phạm Cường, Phạm Úy hóa cùng một ngày. Ghi nhớ công ơn của 3 vị tướng tài, vua Lý Thái Tông xuống chiếu cử hành tang lễ trang trọng và cho dân sở tại lập miếu để phụng thờ. Đình Chí Linh được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê (Thế kỷ18), được trùng tu và tôn tạo vào thời Nguyễn qua các năm 1848, 1856, 1859, 1867, 1911. Kiến trúc ban đầu theo kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung xây theo hướng tây. Đến năm Khải Định nguyên niên (1916) nhân dân tiếp tục xây thêm 5 gian tiền tế và hai giải vũ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong những ngày lễ hội. Trải qua nhiều biến động lịch sử, đình Chí Linh đến nay còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như bộ tượng “Tam vị thành hoàng” từ thời Nguyễn, 9 đạo sắc phong từ thời vua Thành Thái đến vua Khải Định, 16 tấm bia công đức từ thế kỷ 18, 19… Đình tọa lạc trên một gò đất cao rộng, phía trước dòng sông Thái Bình cuộn chảy về xuôi, phía sau liên tiếp ao hồ chạy dài, nguyên là một nhánh sông cổ sau nhiều lần đắp đê còn lại bao bọc xung quanh di tích tạo thành một hàng rào tự nhiên. Cảnh quan thiên nhiên hài hòa, ngoạn mục. Đình Chí Linh là nơi thờ những anh hùng gắn liền với đời sống tín ngưỡng của nhân dân xã Nhân Huệ, hun đúc truyền thống yêu nước của dân tộc. Lễ hội đình Chí Linh diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội diễn ra trong 03 ngày, trong đó ngày mùng 10 là chính hội . Căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh và những kiến trúc truyền thống, Đình Chí Linh đã được Bộ Văn Hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia năm 1994. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 32 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Quốc Phụ

Đền Quốc Phụ là một trong tám di tích thuộc “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng đ­ược nhiều sử sách ghi nhận. Trước kia đền thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Nay di tích thuộc thôn Nẻo, xã Chí Minh, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dư­ơng. Đây là đền thờ Nhập nội Quốc phụ Th­ượng tể Trần Quốc Chẩn – một trong những danh t­ướng kiệt xuất của nhà Trần, tài đức vẹn toàn, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất n­ước. Trần Quốc Chẩn là con trai thứ của Trần Nhân Tông, em của Thái tử Trần Thuyên, người sau là Trần Anh Tông. Ông là một nhân vật chính trị, quan viên và là hoàng thân của triều đại nhà Trần dưới thời trị vì của các vua Anh Tông và Minh Tông, được đánh giá là một trong những nhân vật chính trị kiệt xuất, một người tài năng nhưng kết cục cuộc đời lại đầy oan khuất. Trần Quốc Chẩn bị kết tội phản nghịch và bị bỏ đói đến chết. Việc ông qua đời để lại rất nhiều chỉ trích của các sử gia đối với Trần Minh Tông. Đến năm Giáp Thân (1341), thời Trần Dụ Tôn, vụ án Trần Quốc Chẩn đư­ợc minh oan hoàn toàn. Triều đình phục chức: Nhập nội Quốc Phụ Thư­ợng Tể cho Trần Quốc Chẩn, trả lại phẩm giá cho ng­ười đã khuất. Đền Quốc Phụ được lập sau khi ông được minh oan, khôi phục danh dự, chức tước. Đền thờ được xây dựng từ ngôi nhà cũ của ông nên còn gọi là Thượng tể cổ trạch (tức là nhà cổ của quan Thượng tể). Đền đều được các triều đại phong kiến sau này ban sắc phong. Di tích được xây dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng lúa chạy dài theo hướng Bắc – Nam. Theo thuyết “phong thuỷ” đền Quốc Phụ có “Kim Xà” (Rắn Vàng): phía trước có đường ra bến đá ven sông Kinh Thầy, bên trái là cánh đồng Lạng Trì và Ao Vả, tục truyền đây là nơi tắm gội của Trần Quốc Chẩn, bên phải có cánh đồng Giải Phướn, tại đây có di tích Đống Đỏ, có nhiều đống son tự nhiên và phía sau là cánh đồng Đống Lăng. Năm 1951, giặc Pháp từ bốt Trung Hà (Nam H­ưng – Nam Sách) đã nã pháo vào khu đền chính hòng tiêu diệt cơ sở bí mật kháng chiến của ta làm nhiều hạng mục công trình bị đổ nát, chỉ còn lại một phần Hậu cung và một số đồ thờ đ­ược nhân dân cất giấu từ năm tr­ước. Năm 1953 di tích bị sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 1958, nhân dân địa ph­ương tiếp tục vận động công đức xây lại Hậu cung trên nền móng cũ để ổn định việc sinh hoạt tín ngư­ỡng, tiếp tục tôn vinh người có công với đất n­ước. Năm 1997 – 1998, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân, đ­ược sự nhất trí của các cấp và các ngành chức năng, UBND xã đã tổ chức phát động công đức, huy động mọi nguồn lực tại địa ph­ương khôi phục lại đền Quốc Phụ. Công trình đã đ­ược hoàn thành trong một thời gian ngắn không quá 60 ngày đêm. Đền được xây dựng theo kiểu chữ nhị gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, cùng một số hạng mục cổng tam quan, sân đền… Riêng 5 gian tiền tế được dựng bằng khung nhà gỗ cổ ở Hưng Yên. Toàn bộ gian tiền tế và hậu cung được xây tường bao, cột gỗ đỡ xà gồ, lợp ngói đỏ. Đền Quốc Phụ: Ghi nhận công lao của Trần Quốc Chẩn, triều đình đã giao cho bản xã sửa lại ngôi nhà cũ ở quê ông tại Kiệt Đặc, Chí Linh làm đền thờ. Trải qua các triều đại, nhà n­ước phong kiến đều sắc phong cho Trần Quốc Chẩn và cho phép địa ph­ương theo tr­ước phụng thờ, tôn vinh ngư­ời có công với đất n­ước. Căn cứ vào nội dung giá trị lịch sử của di tích và danh nhân, đền Quốc Phụ đã đ­ược Bộ Văn hoá - Thông tin ra quyết định số 15/2003/Quyết Định - Bộ Văn Hóa Thông Tin ngày 14/4/2003 xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Đây là di tích thứ 127 của tỉnh Hải D­ương đ­ược xếp hạng bảo vệ. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 31 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Y Sơn

Đền Ia tên gọi trước đây, ngày nay gọi là Đền Y Sơn. Ngôi Đền thờ Đức thánh Hùng Linh Công – Người có công dẹp giặc Ân cứu nước, được nhân dân trong vùng ngưỡng vọng, thờ phụng từ lâu đời.Đền Y Sơn thuộc xã Hòa Sơn được xây dựng dưới chân núi Ia huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ngôi đền cách thị trấn Thắng 7 km về phía Tây. Đền nằm trong quần thể Di tích lịch sử Văn hóa Y Sơn bao gồm đền Hạ, đền Thượng, giếng Tiên và chùa.Cả đền Hạ, đền Thượng, giếng Tiên và chùa đều nằm trong quần thể gắn liền với sự tích đức thánh Hùng Linh Công, Người có công đánh giặc Ân cùng với Đức Thánh Gióng vào thời kỳ Hùng Vương thứ 6. Ngôi Đền đã được nhà nước cấp Bằng công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm từ năm 1994. Theo các tài liệu thư tịch cổ và truyền thuyết kể lại rằng: “Vào thời kỳ Hùng Vương thứ 6, có quan trị sự xứ Kinh Bắc tên là Hùng Nhạc dòng dõi Hùng Vương. Ông đã ngoài 60 tuổi, bà ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Nhân ngày đầu xuân, ông bà đi thăm Châu Lạng và vãng cảnh trên dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), qua vùng núi Ia thì trời sẩm tối. Ông bà đã vào chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) nghỉ trọ lễ phật cầu phúc. Đêm ấy xảy ra thần mộng: “Thiên thần thị ngã ứng hoài thai”.Quan bà Cao Tiên phu nhân mang thai, rồi sinh cậu con trai vào ngày 12 tháng 10 (năm Đinh Hợi), cậu được đặt tên là Hùng Linh Công. Ở tuổi 17, Hùng Linh Công khôi ngô tuấn tú văn võ song toàn. Đức vua nghe tin đã triệu về Kinh đô tham gia thi kén hiền tài. Hùng Linh Công đã được chọn và tỏ ra là người xuất sắc. Khi có giặc, Đức vua sai Hùng Linh Công cầm quân dẹp yên và bắt những con mãnh thú đầu đàn mang về nuôi thuần hóa để sử dụng.Khi giặc Ân xâm lược nước ta, Đức vua giao cho Hùng Linh Công ba vạn quân và phong chức Nhạc phủ thống lĩnh tướng quân cùng Đức Thánh Gióng cầm quân dẹp giặc. Sau khi đánh tan quân giặc, đất nước thanh bình, Hùng Linh Công trở lại vùng núi Ia, thấy phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, Người đã đóng bản doanh tại đây và hiển thánh vào ngày mùng 8 tháng 8 Âm lịch.Sau khi Phụ thân và Mẫu thân Hùng Linh Công từ trần, Đức vua cảm kính trước câu chuyện thần mộng và công lao của Người đối với dân, với nước nên đã cho dân làng thờ hai ông bà Hùng Nhạc tại Hậu đường chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) và phụng thờ Hùng Linh Công tại đền Ia.Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, Di tích lịch sử – văn hóa đền Y Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật thần khí, tế khí quý hiếm như: 21 đạo sắc phong của các triều đại từ triều Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn, Lư hương thế kỷ thứ XV, quạt nan bằng ngà voi, voi đá, ngựa đá, hoành phi, câu đối cổ. Trên đỉnh núi Ia – nơi Hùng Linh Công hóa thánh, dân làng xây dựng đền Thượng để phụng thờ tưởng nhớ. Trước cửa đền Thượng có giếng Tiên. Tương truyền những đêm sáng trăng đẹp trời, các nàng tiên thường xuống đây múa hát, đánh cờ, chải tóc, soi gương bên giếng nước. Để bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Hùng Linh Công và song thân của Người, hàng năm vào rằm tháng Giêng Âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội, gọi là Tích hội thánh mẫu phu nhân, còn cứ 3 năm 1 lần, hội lại được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra từ ngày 15-17 tháng Giêng Âm lịch.Cứ mỗi năm thời điểm Tết đến xuân về, nhân dân trong vùng lại rộn ràng, rục rịch cùng nhau chuẩn bị các nghi thức, phục trang cho ngày hội. Lễ hội Y Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, bà con nơi đây vô cùng phấn khởi, háo hức và chuẩn bị từ trước ngày hội hàng năm. Lễ hội Đền Y Sơn bắt đầu từ các hoạt động như lễ nghênh Thánh, rước kiệu, rước ông Mã từ đền sang chùa. Lễ dâng hương, tế lễ, khám tượng, tướng quản, kéo chữ, cốn quân, khám tướng… Đội hình lễ rước có tới hơn 200 người. Hương hoa, lễ vật dâng lên bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với Đức Thánh Hùng Linh Công và song thân của Người và cầu chúc cho dân làng có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an…Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Y Sơn còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện cách mạng. Ngay từ năm 1940, trên đỉnh núi Ia đã xuất hiện cờ đỏ búa liềm của Đảng. Ngày 22/02/1940, nhân ngày hội Ia, ông Lê Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng xứ Bắc Kỳ đã diễn thuyết tuyên truyền cách mạng. Ngày 12/7/1945, ông Lê Quang Đạo – cán bộ cách mạng đã chủ trì tổ chức nhân dân 3 huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), huyện Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên) mít tinh biểu dương lực lượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.. Năm 1966, dân quân xã Hòa Sơn trực chiến trên đỉnh núi Ia, dùng súng bộ binh bắn rơi 01 máy bay phản lực Mỹ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Ngày nay khu di tích lịch sử văn hóa đền Y Sơn đã được tu sửa nhiều lần. NGUỒN: HIEPHOANET.VN

Bắc Giang 42 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Hương Câu

Đình Hương Câu, xã Hương Lâm là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu còn lại không nhiều ở Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Ngôi đình được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ ngày 31 tháng 1 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch). Xét về giá trị kiến trúc nghệ thuật,có lẽ đình Hương Câu chỉ đứng sau đình Lỗ Hạnh “đệ nhất Kinh Bắc”, xã Đông Lỗ cùng huyện. Ngôi đình tọa lạc ở trung tâm làng nhìn về hướng Tây, phía trước có hồ thủy đình, xa hơn nữa là dòng sông Cầu bao bọc. Hồ thủy đình không chỉ là nơi tụ thủy, mang lại cảnh quan sinh thái mà còn là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian trong ngày hội đình, đấu vật, đi cầu kiều, hát quan họ trên thuyền….đều diễn ra trên hồ cửa đình. Bên trái phía trước cổng đình, một cái giếng làng còn in bóng nước bên cạnh một góc chợ quê. Giếng làng có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết nhiều thế hệ lớp người ở đây đã rất gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ bên cạnh giếng làng. Một góc chợ quê cũng bày, bán mua đủ thứ món hàng sản vật của làng quê. Cũng giống như bao ngôi đình khác, cổng đình Hương Câu tạo theo lối nghi môn gồm một cổng chính xây trụ biểu có cạnh hình vuông, thân trụ biểu đắp câu đối chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đình và người được thờ trong đình. Đỉnh trụ biểu tạo hình cách điệu mang dáng hình quả dành. Nhiều yếu tố tạo hình, cùng với vốn văn hóa dân gian được phô diễn tại đây. Phần dưới tai trụ biểu tạo các gờ bo đường chỉ, bốn mặt đắp hình tứ linh: Long, ly, quy, phụng, bốn con vật linh mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đình Hương Câu có tổng diện tích: 8.971m2 , khu vực nội tự đình 291,60 m2. Khuôn viên sân vườn rộng, cây xanh tỏa bóng mát. Nhìn từ xa, mái đình Hương Câu rộng, bè thấp với các đầu đao cong vút ẩn hiện trong vòm cây lá xanh tươi của làng xóm, cũng dễ nhận ra đó là một ngôi đình cổ. Ngôi đình có kiến trúc rất độc đáo, tòa đại đình trông giống như một chiếc long đình, xung quanh có hệ thống song gỗ rất thoáng đãng, hệ mái với bốn đầu đao cong. Hai mặt mái chính và hai mặt mái bên đều lợp ngói mũi hài. Bờ nóc xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng nối hai đầu kìm nóc. Đầu kìm nóc tạo cách điệu hình đầu rồng đang há miệng ngậm chọn lấy bờ nóc. Phần đuôi rồng là một dải mảnh uốn cong tựa như vành trăng lưỡi liềm. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật, nó còn mang yếu tố đối đãi âm dương. Cha ông ta đã gửi gắm vào đó những kinh nghiệm dân gian quý báu. Con rồng là biểu tượng của vương quyền vừa là biểu tượng của mây mưa. Vành trăng lưỡi liềm cũng là biểu tượng của mưa. Đầu rồng ngậm chọn lấy bờ nóc dễ hình dung về hình tượng rồng hý thủy, đang phun nước. Và như thế sẽ tránh được hỏa hoạn xảy ra. Xét về góc độ khoa học cũng rất hợp lý, về kinh nghiệm dân gian sẽ làm cho mọi người luôn ý thức về thủy, hỏa trong đời sống. Bờ dải cũng xây tạo dải hoa chanh bắt tới khúc nguỷnh để nối với bờ guột. Bờ guột xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng để nối với bốn đầu đao cong. Các góc đầu đao đắp hình rồng phượng cách điệu có dáng vút cong lên, ở bốn góc đầu đao đều có hình đầu rồng hý thủy như đang phun nước trên bờ guột. Bốn góc đầu đao cong vút không chỉ mang yếu tố đối đãi âm dương mà còn tạo cho ngôi đình thêm thanh thoát mềm mại. Sự tài khéo của người thợ nề thi công đình Hương Câu, họ đã đắp các bờ dải hoa chanh cứng rắn, chắc khỏe nhưng rất thanh thoát đồng thời tạo bốn góc đầu đao cong đắp các cạnh bờ dải tạo cho mái đình bay bổng mềm mại. Tòa đại đình có 3 gian, 2 chái được dựng trên nền đất cao, đứng từ xa nhìn các mái đình tạo thành hình như một chiếc thuyền lớn úp xuống bộ khung gỗ vì mái. Hệ mái rộng phẳng, cấu trúc thấp tạo cho độ dốc của mái đình lớn. Ở mặt ngoài dễ dàng quan sát thấy các đầu kẻ hiên chạy xung quanh bốn mái đình với 24 đầu kẻ. Các đầu kẻ mái hiên trước chạm khắc nhiều hơn cả. Hai đầu kẻ gian giữa chạm phủ kín cả hai mặt. Đề tài chính là hình rồng ổ, rồng mẹ, rồng con, với chi tiết rồng 4 móng, thân hình tròn, mập. Ngoài hình rồng còn có cả hình người, hình linh thú. Đầu kẻ hiên bên trái mặt trong chạm hình rồng, lại có hình bàn tay tiên nữ với các ngón tay thon dài, móng tay dài, đang nắm đao rồng. Gần phía đuôi rồng lại có hình người, mình trần, lưng thắt đai, đóng khố đang trong tư thế nằm trên sập gỗ, một tay trống gối đầu, tay kia để trên đầu gối, chân vắt chữ ngũ trông rất thoải mái, ngộ nghĩnh, mặt người được diễn tả chi tiết và toát ra một tình cảm rất hồ hởi và gần gũi. Đầu kẻ hiên bên phải cũng được chạm phủ kín với đề tài chính là hình rồng với chi tiết rồng 4 móng, một phần góc của đầu kẻ có cả hình linh thú rất ngộ nghĩnh. Hai đầu kẻ kế tiếp bên cũng được chạm dày đề tài hình rồng, đao mác và vân mây. Các đầu kẻ còn lại chạy xung quanh 4 mái đình được chạm khắc nhẹ và thưa hơn các đầu kẻ hiên mái trước. Đề tài chạm khắc chủ yếu là hình rồng mẹ, rồng con, hình đao mác, vân mây, rồng mẹ luôn há miệng ngậm lấy tàu mái. Nếu như ở một số đình khác ở làng quê Bắc Bộ, mới chớm sang thế kỷ XVIII, các mảng chạm khắc hình ảnh con người đã vắng bóng, nét dân gian chỉ còn ở các con vật gần gũi người lao động thì đình Hương Câu vẫn giữ được đầy đủ hình ảnh con người và con vật rất gần gũi, giữ được thẩm mỹ, ý thích và tình cảm của người lao động. Cảnh trai gái tình tứ bên cạnh cảnh “tứ linh, tứ quý”. Nghệ thuật mang tính chất cung đình ở đây rất xa lạ và thô cứng. Ít thấy những hình hổ phù dữ tợn, hay hình tứ linh, tứ quý một cách dập khuôn mà thay vào đó là những hình ảnh rất đời thường, gần gũi mà tràn đầy sức sống dân gian. NGUỒN: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG

Bắc Giang 43 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng họ Trần

Lăng họ Trần được xây dựng từ thời Lê (cách đây khoảng hơn 200 năm), là công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc có giá trị độc đáo. Giá trị chủ yếu của khu lăng này là nghệ thuật chạm khắc đá, bởi toàn bộ công trình trong lăng đều được xây cất bằng đá ong, đá xanh. Từ nhà lăng, am nhỏ che ban thờ và tượng từng vũ sĩ, đến các hiện vật ở đây đều rất phong phú đa dạng và chứa đựng nội dung nghệ thuật rất sâu sắc. Đó là hệ thống hiện vật được cấu tạo bằng đá như: Bia, câu đối, tượng các vũ sĩ, các con vật biểu tượng cũng bằng đá. Tất cả đã tạo cho khu lăng có giá trị lớn về mặt nghệ thuật dù đã trải qua bao biến thiên của thời gian, bao thăng trầm của lịch sử. Đây là nơi thờ tự danh nhân tiêu biểu của dòng họ Trần: Hai vợ chồng Quận công Trần Đình Ngọc và Quận công Trần Đình Miên nên khu lăng này không chỉ đơn thuần là nơi tưởng niệm danh nhân của riêng một gia tộc mà còn là nơi chứng kiến những sự việc trọng đại của địa phương: Các sự lệ, đình đám, tế lễ không chỉ diễn ra ở chốn đình chung mà nó còn diễn ra ở phạm vi gia tộc họ Trần, thể hiện sâu sắc tình cảm "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của nhân dân. Tài liệu ghi chép về các danh nhân tiêu biểu của họ Trần tuy bị thất lạc nhiều, nhưng trong chính sử quốc gia được ghi chép khá rõ ràng trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" (tập I, Bản kỷ lục niên 1686-1740) của Nhà Xuất bản Khoa học - Xã hội, HN, 1982. Phần nội tự của lăng họ Trần hiện nay chia thành hai phần chủ yếu: Phần thứ nhất là nhà lăng (phần mộ) gồm có 3 am nhỏ hướng của lăng nhìn theo hướng Nam, ba phía kia là dân ở. Phía trước khu lăng có ao lăng, sông máng và đường 19. Xung quanh khu vực lăng có một số mộ hợp chất (thời Lê). Trong các mộ này đáng lưu ý là có những ngôi mộ bà con gia tộc và dân thôn xưa nay vẫn gọi là "lăng hầu ông" và "lăng hầu bà". Hầu hết các mộ trên đều nằm chìm và phẳng dưới mặt đất (không có nấm bằng đất hoặc xây cất bên trên). Một số ngôi đã bị đào bới không còn nguyên vẹn. Phần thứ hai trong khu vực nội tự của lăng được xem như phần trưng bày ngoại thất của một bảo tàng. Ở đây gồm chủ yếu là các bia đá, tượng võ sĩ và các con vật biểu tượng như sấu đá, ngựa đá. Các hiện vật này được xây dựng thành hai hàng dài chạy dọc theo khu lăng, ngoài cùng là hai ông ngựa đá chầu vào nhau. Trước đây những tượng võ sĩ đều có mái che như những am nhỏ. Hiện nay, các am đó đều mất và một số bia đá ở đây cũng bị thất tán, sau này mới sưu tầm lại đưa về như cũ. Toàn bộ tượng đá ở lăng họ Trần đều được chạm khắc rất công phu, nghệ thuật điêu luyện, theo phong cách thời Lê rất sinh động, rõ nét và độc đáo. Mỗi vũ sĩ có một sắc thái riêng và thể hiện nội tâm khác nhau nhưng đều toát lên vẻ uy nghiêm của những tiêu binh đứng canh giữ dinh thự (phần mộ) của chủ tướng mình. Lăng họ Trần là di tích ngoài trời, không có những công trình nhà cửa xây cất như những công trình văn hoá là đền hay đình, chùa. Bởi vậy, các hiện vật có liên quan đến khu lăng, ngoài những thứ ở tại khu vực của nó còn phải kể đến những hiện vật được lưu giữ trong gia tộc và làng xã ở đây. Những bia đá câu đối đá ở đây là những tài liệu, hiện vật cực kỳ quý báu, có vai trò quan trọng trong công việc nghiên cứu về lịch sử gia tộc, các danh nhân họ Trần và quá trình xây dựng, tu bổ của lăng này. Tượng người và vật ở lăng họ Trần đều có xu hướng đi tới mô tả gần với hiện thực (kích thước giống như người và ngựa thật). Hiện nay, 4 tượng vũ sĩ đã được đưa về Bảo tàng Bắc Giang để trưng bày giới thiệu cho khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan nghiên cứu. Những hiện vật vốn trước của đình Câu, nay được lưu giữ bảo quản ở điếm xóm Giữa cũng thuộc xã Lương Phong. Đó là sắc phong, văn tế, những minh chứng tin cậy về sự ảnh hưởng to lớn, sâu sắc của những danh nhân tiêu biểu trong gia tộc Trần đối với làng xã Lương Phong. Sắc phong hiện nay còn 18 đạo, đa số thuộc đời Nguyễn nhờ các sắc phong này mà nay ta mới có thể biết được đầy đủ và chính xác. Cụ thể là 5 vị sau - Đức vương linh Cao Sơn đại vương - Đức vương Quý Minh đại vương - Đức vương Diên Bình công chúa. - Đức vương trợ Linh quốc hầu đại vương. Tóm lại, lăng họ Trần là một công trình văn hoá vô cùng quý báu. Nó bao hàm giá trị cơ bản tương đồng nhau giá trị về mặt văn hoá và giá trị kiến trúc chạm khắc nghệ thuật (chạm khắc đá). Đây là công trình lăng mộ được tạo dựng từ thời Lê. Nghệ thuật chạm khắc đạt đến trình độ cao. Hiện vật là những tác phẩm điêu khắc đá ở đây rất phong phú và đa dạng, thể hiện sâu sắc tâm hồn và tài nghệ của ông cha ta từ thuở trước. Với những giá trị quý báu về lịch sử cũng như kiến trúc điêu khắc đá độc đáo của lăng họ Trần, năm 1990 Bộ Văn hoá đã công nhận khu lăng này là di tích lịch sử cấp quốc gia. NGUỒN: Khám phá di sản thiên nhiên & văn hoá Việt Nam

Bắc Giang 39 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Bà Chúa Sao Sa (Đền Bà Duệ)

Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh Phi tức Sao Sa, bà sinh ra tại xã Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dư­ơng) Ngọc Toàn là ng­ười con gái tài sắc vẹn toàn, thông minh trác việt và đức độ hơn ng­ười. Bà sinh vào cuối thế kỷ 16 trong một gia đình hiếu học. Ngay từ thuở thiếu niên bà đã tỏ ra có bản lĩnh và quyết đoán, đ­ược gia đình mời thầy họ Cao về dạy học. Ngọc Toàn càng lớn lên nhan sắc càng tuyệt thế, thông minh hơn ng­ười, có chí khí. Năm Quang H­ưng 15 (Mạc Bảo Định nguyên niên) quân của triều đình Lê Trịnh chiếm đ­ược Thăng Long, quân Mạc rút về phía Đông thuộc trấn Hải D­ương. Đầu Năm Quang H­ưng 16 (1593) quân Lê Trịnh tấn công vùng Nam Sách, nhà Mạc thất thủ phải rút khỏi Hải D­ương, chạy lên Cao Bằng lập căn cứ...Năm đó, Nguyễn Thị Duệ 20 tuổi cùng cha chạy theo nhà Mạc lên Cao Bằng. Tuy phải chạy loạn, bà vẫn chăm chỉ học hành thể hiện một ng­ười có chí lớn. Sau khi xây thành, đắp lũy ổn định vị thế ở Cao Bằng, nhà Mạc mở khoa thi hội kén chọn nhân tài, sỹ tử ứng thi khá đông. Khoa thi Bính Thìn Năm 1616, Nguyễn Thị Duệ đã đóng giả trai đi thi cùng với thầy giáo của mình. Sau khi chấm bài khớp phách bà đ­ược điểm cao đỗ đầu, thầy giáo của bà đỗ thứ hai. Cảm kích trước tài năng của ng­ười học trò ư­u tú của mình, ông nói: “ Mầu xanh từ màu lam mà ra nh­ưng đẹp hơn màu lam”. Khi vào dự yến vua Mạc thấy diện mạo giống nữ, xét hỏi biết đ­ược sự thật đã không xử tội mà còn khuyến khích và lấy làm vợ phong làm Tinh Phi đặt tên là Sao Sa. Sắc đẹp của Nguyễn Thị Duệ thiên hạ thật khó ai bì, dưới con mắt của Chúa Mạc nàng Duệ là “ngôi Sao Băng trên trời sa xuống”. Khi quân Lê Trịnh tiến đánh Cao bằng, quân Mạc đại bại, bà ẩn vào trong hang núi, bị quân Trịnh bắt đ­ược đ­ưa vào tiến Chúa, bà liền đ­ược quý mến và trọng dụng. Nhân dân xã bà từ trên chí d­ưới, đã đ­ược cảm tình của bà, lại chịu ơn ban ngoại lệ, nên đều một lòng kính trọng tôn làm hậu thần. Bà rộng xem kinh thánh, thông suốt Phật giáo, h­ưởng bổng lộc nhiều nh­ưng sống rất thanh đạm, Bà lập ra quy ­ước, định rằng những ngày giỗ tổ nội ngoại và ngày sinh (14 tháng 3), ngày hoá của bà khi bà trăm tuổi, đều dùng cỗ chay, oản quả cúng lễ, và lệ đó sẽ truyền mãi về sau. Khi tuổi đã cao bà về trụ trì chùa Vụ Nông, huyện Gia Lâm. Khi Trịnh Tạc (hoàng tổ D­ương V­ương) lên ngôi, cho tìm nữ học sĩ dạy cung nhân, các quan đều đề cử bà. D­ương Vư­ơng cho mời bà vào cung , dạy cung nhân gọi bà là Đức Lão lễ S­ư. Gần 80 tuổi, bà dựng một am nhỏ tr­ước mộ tổ, trên một đỉnh đồi thấp ở chân núi Ph­ượng Hoàng, cách chùa Huyền Thiên 200m về phía nam. Bà qua đời ngày 8 tháng 11, khi bà đã ngoài 80 tuổi, từng trải ba đời vua: Lê Thần Tông (1619 – 1643), Lê Chân Tông (1643 – 1649), Lê Thần Tông (làm vua lần thứ hai, 1649 – 1662). Sau khi bà qua đời, di hài của bà đ­ược mai táng bên cạnh mộ tổ, trên xây một ngôi tháp hồng bằng gạch, từ xa đã nhìn rõ. Đến cuối triều Hậu Lê (thế kỷ XVIII) lăng mộ của bà đ­ược các sử gia đ­ương thời xếp vào hàng “Chí Linh bát cổ” nghĩa là một trong tám di tích cổ của huyện Chí Linh, có tên là Tinh Phi cổ tháp. Từ năm 2004 trở lại đây nhận thấy tầm quan trọng của di tích, đặc biệt là về giá trị lịch sử của danh nhân. Ngày 28 tháng 6 năm 2006 UBND tỉnh đã ký quyết định số 2283/ Quyết Định -Uỷ Ban Nhân Dân phê duyệt dự án xây dựng đền thờ Nguyễn Thị Duệ. Dự án gồm các hạng mục: Đền chính, Tả hữu vu, Tam quan, 2 am hoá vàng và cải tạo nâng cấp Lăng mộ. Sau một thời gian ngắn thi công đến nay đã hoàn thành ba hạng mục: Đền chính, hai am hoá vàng và sân tr­ước. Đền thờ Nguyễn Thị Duệ đ­ược xây dựng trên cơ sở của ngôi đền cũ trên đỉnh đồi Mâm Xôi. mặt hư­ớng theo phía tây nam. Theo thuyết phong thuỷ thế đất của đền nh­ư viên ngọc đư­ợc bao bọc bởi dãy núi Ph­ượng Hoàng. Phía trư­ớc là một đập n­ước rộng mênh mang chấp chới những cánh cò, cánh vạc vào những buổi hoàng hôn đã khẳng định nơi đây quả thật đất lành. Đền thờ bà chúa Sao Sa kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền tế ba gian hai dĩ và một gian Hậu cung. Phía sau Hậu cung là Tinh Phi cổ tháp. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh , tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 65 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Chu Văn An

Đền Chu Văn An nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng mà quý khách có thể đến thăm, với cảnh rừng thông đẹp trùng điệp, có đền thờ cũ và mới xây xong năm 2007. Lăng mộ Chu Văn An nằm trong khu di tích này. Lễ hội vào tháng tám và tháng một, trọng hội vào ngày 25 tháng 8 và ngày 26 tháng 11. Khu di tích được xếp hạng năm 1998. Khu lăng mộ nằm ẩn sâu trong khe núi Phượng Hoàng, cách đền thờ chừng 600m. Khu lăng mộ thầy Chu Văn An được tu bổ từ nguồn kinh phí của các thầy trò trong ngành giáo dục tỉnh Hải Dương. Lối mòn nhỏ với những lớp đá sỏi chênh vênh được che mát bởi tán thông rừng sẽ đưa du khách đến viếng mộ thầy. Tương truyền, khi thầy Chu Văn An mất (1370) các học trò đã mang thầy lên táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm để tỏ lòng thương tiếc. Chính điện của đền nằm trên một vị trí cao, thoáng đãng, với lối kiến trúc chữ đinh (J), chồng diên 8 mái, những đầu đai cong vút tạo vẻ thanh thoát, linh thiêng, bờ nóc đắp nổi ‘‘lưỡng long chầu nhật”, phía trước là một đôi rồng đá lớn cùng bậc thềm đá cao. Điều đặc biệt ở đây là du khách khi vào viếng đền thầy ngoài dâng lễ chay, lễ mặn thường dâng cả bút, sách vở để cầu công danh, khoa cử, học hành. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 66 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Sinh – đền Hóa

Di tích Đền Sinh – đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc thôn An Mô xã Lê Lợi huyện Chí Linh. Đền là một công trình kiến trúc cổ, tựa lưng vào núi Ngũ Nhạc nhìn ra hướng Đông Bắc giữa bạt ngàn cây rừng xen lẫn những đồi vải thiều xum xuê. Đền Sinh thờ nơi sinh, đền Hóa thờ nơi hóa của tướng quân Chu Phúc Uy – thiên thần thời tiền Lý ( 544) Đền Sinh - đền Hóa (đền Mẫu Sinh – Thánh Hóa) ngày nay còn có tên là đền Thánh Phi Bồng, đền Thánh An Mô nay thuộc xã Lê Lợi – huyện Chí Linh. Đền ở trên sườn núi Ngũ Nhạc, giữa rừng cây bát ngát. Đó đây có những khối đá kỳ dị bên suối nước ngầm chảy rì rầm trong lòng đất hòa cùng tiếng thông reo vi vu. Trên mặt suối những viên cuội lớn được thời gian và nước suối mài nhẵn chồng xếp lên nhau. Xa xa trên đỉnh núi, thấp thoáng vài miếu cổ trong làn mây trắng nhẹ bay. Cảnh tượng này khiến người ta nghĩ đến những sự tích thần bí. Căn cứ lịch sử và thần tích thì đền Sinh – đền Hóa ra đời từ thế kỷ 11. Nhưng di tích hiện còn được tái tạo vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đền Sinh xây dựng theo hình chữ Tam gồm 3 tòa liền nhau, phần hậu cung xây trùm lên khối đá kỳ dị được mô tả trong huyền thoại. Ở đây có tượng Mẫu – tượng bà Hoàng Thị Ba. Tại đền còn nhiều cổ vật và hai tấm bia nói về thần tích và quá trình trùng tu đền. Đền Hóa có hình thức và kiến trúc tương tự đền Sinh nhưng quy mô lớn hơn trên một khu đất tương đối bằng phẳng. Trung từ tái tạo năm Tự Đức Kỷ Mão (1879). Hậu cung có tượng tướng quân Chu Phúc Uy và nhiều đồ tế tự có giá trị. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đền Sinh – đền Hóa trở thành nơi họp kín của cơ sở cách mạng ( 1943- 1944). Năm 1947, đền Sinh – đền Hóa thành nơi hội họp của các tổ chức cách mạng tại địa phương. Cuối năm 1947, đầu năm 1948, xưởng quân khí của huyện Chí Linh – Nam Sách – Kinh Môn đã chọn đền Hóa làm nơi sản xuất vũ khí. Trong kháng chiến chống Mỹ (1969 – 1972) đền Sinh – đền Hóa là nơi tạm trú để giảng dạy và học tập của cán bộ, sinh viên trường Đại học Lâm nghiệp. Xét về cảnh quan, kiến trúc, ý nghĩa lịch sử văn hóa và những sự kiện trong thời kỳ cách mạng kháng chiến, Bộ Văn hóa – thông tin đã ra quyết định số 295/ QĐ – BT ngày 12 tháng 12 năm 1994 xếp hạng khu di tích đền Sinh – đền Hóa nhằm bảo tồn một di sản văn hóa, một cảnh đẹp tự nhiên, mở rộng không gian du lịch và nội dung tham quan cho du khách khi đến với mảnh đất Chí Linh. Ngày nay tại đền Sinh, đền Hoá, hàng năm cứ đến tháng Năm và tháng Tám âm lịch. Vùng đất An Mô lại náo nhiệt, tưng bừng cho không khí vào hội. Lễ hội tháng năm là lễ hội chính tại đền Sinh, đền Hoá. Từ khắp các mọi miền đất nước khách hành hương về với lễ hội đền Sinh, đền Hoá, mang theo những tâm tư, những ước nguyện của mình để về với chốn tâm linh. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 38 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám. Chùa Thanh Mai là ngôi chùa rất cổ, được xây dựng năm 1329 do Thiền sư Pháp Loa - Đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên tử sáng lập. Chùa được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1992. Chùa Thanh Mai xây dựng trên sườn núi, bên một con suối nhỏ, nhìn về phía nam. Trước chùa là núi Bái Vọng nơi có phần mộ của Nguyễn Phi Khanh – thân phụ Nguyễn Trãi. Nay chùa đang được khôi phục từng phần trên di tích của một công trình lớn gồm: tiền đường 7 gian, tam bảo 5 gian, hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng. Phía sau là tháp Viên Thông, xây dựng từ năm 1334. Phía trước có 7 ngôi tháp. Tại di tích còn 7 tấm bia có giá trị trong đó Thanh mai Viên Thông tháp bi có giá trị lớn hơn cả. Có thể nói đây là một bảo vật của quốc gia. Văn bia nói về thân thế và sự nghiệp của đệ nhị tổ thiền phái Trúc lâm, nhưng qua đó có thể thấy được tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tôn, Pháp Loa và Huyền Quang. Căn cứ văn bia thì: Pháp Loa nguyên là Đồng Kiên Cương sinh ngày 7 tháng 5 năm Giáp thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách Giang, nay thuộc xã Ái Quốc huyện Nam Sách. Năm Hưng Long 13 (1304) nhân chuyến đến thăm hương Cửu La của Trần Nhân Tôn, Đồng Kiên Cương ra bái yết, Nhân Tôn nhận thấy Kiên Cương là con người có đạo nhãn, nghĩa là có khả năng tu hành đắc đạo. Ông cho Pháp Loa đi theo học đạo và đặt cho một cái tên mới: Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui, Hỷ Lai thông minh hiếu học có nhiệt tâm với đạo phật nên chỉ một năm sau, tại liêu Kỳ lân ( Chí Linh) ông được Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tôn ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1307) Trần Nhân Tôn đã trao cho Pháp Loa các bảo bối. Và ngày mùng 1 tháng giêng năm Hưng Long 16 trao quyền thừa kế sự nghiệp của thiền phái Trúc lâm Tam tổ. Từ đó ông trở thành vị tổ thứ 2 của thiền phái này. Ngày mùng 5 tháng 2 năm Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa đang giảng kinh ở viện An Lạc thì đột nhiên mắc bệnh. Ngày 13 sư về viện Quỳnh lâm ( Đông Triều) tĩnh dưỡng. Ngày 19 bệnh trở nên trầm trọng. Thấy khó qua khỏi, Pháp Loa cho mời Huyền Quang đến trao cho những bảo bối mà 22 năm trước Trần Nhân Tôn trao cho ông trước khi qua đời như áo cà sa, kệ tả tâm… và nói: “ Huyền Quang sẽ là người hộ trì và thừa kế”. Đêm ngày mùng 3 tháng 3, Pháp Loa viên tịch tại viện Quỳnh Lâm. Theo di chúc của nhà sư, xá lỵ của người được đặt trong tháp sau chùa Thanh Mai. Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự bút đặt tên hiệu cho sư là Tĩnh Trí tôn giả và tên tháp là Viên Thông, xuất ngân khố 10 lạng vàng cho xây tháp và làm một bài thơ viếng đầy xúc cảm. Đây là ân sủng hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Kể từ đó, sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm do Huyền Quang chủ trì và trở thành vị tổ thứ 3 của thiền phái này. Huyền Quang từng chủ Trì chùa Thanh Mai 6 năm. Chùa Thanh Mai là một trung tâm tôn giáo của thiền phái Trúc Lâm ở chốn rừng sâu, núi cao. Sự hiện diện của di tích đã chứng minh cho tính phi thường của tôn giáo thời Trần. Tại đây còn một rừng cổ thụ do con người trồng giữa đại ngàn tự nhiên, một hệ thống tháp và bia ký có giá trị, tiêu biểu là bia “Tháp Viên Thông’. Chính vì vậy khu di tích cùng rừng tự nhiên đã được nhà nước khoanh vùng bảo vệ, từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn một di sản văn hóa, tạo một điểm tham quan du lịch hấp dẫn về văn hóa và cảnh quan tự nhiên. Kỷ niệm ngày mất của Pháp Loa đã trở thành hội chùa hàng năm. Hội bắt đầu từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 3. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 55 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cao An Lạc

Đền Cao thuộc xã An Lạc. Ở đây có bốn ngôi đền linh thiêng từ lâu đời, thờ năm anh em nhà họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống do Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy năm 981. Ngôi đền là điểm văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng của nước ta. Đền Cao thờ 5 anh em họ Vương có tên là: Vương Minh, Vương Hồng, Vương Xuân, Vương Thị Đào, Vương thị Liễu có công chống giặc Tống xâm lược ở thế kỷ X. Đền xây dựng theo kiến trúc chữ “đinh” nằm trên ngọn núi Thiên Bồng. Chung quanh đền là rừng lim già. Gần di tích có một rừng tre, cò vạc về trú ngụ khá đông, tạo nên một cảnh quan sinh động. Đây từng là căn cứ quân sự của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống, năm 981. Đền khởi dựng từ thời tiền Lê, di tích hiện còn trùng tu vào thời Nguyễn, kiểu chữ tam, quy mô nhỏ. Kiến trúc và đồ tế tự còn khá đồng bộ, tiêu biểu là hệ thống câu đối, đại tự. Đây là một trung tâm tín ngưỡng sùng kính lâu đời của nhân dân địa phương. Hằng năm có một mùa hội từ ngày 22 đến ngày 25 tháng giêng. Di tích có các công trình: tiền tế, trung tử và hậu cung; có nhiều cổ vật có giá trị như bia ký, long đao, bát bửu, ngai ỷ, … Đặc biệt là hệ thống đại tự, câu đối ca ngợi công đức của 5 anh em họ Vương và cuộc kháng chiến chống quân Tống thắng lợi của dân tộc Khi leo hết hơn 100 bậc gạch rêu phong, du khách sẽ được thấy 99 con voi bằng đá. Theo truyền thuyết, đây chính là những con voi vừa thắng trận trở về, chúng tung vòi gầm vang chen nhau xuống dòng Nguyệt Giang mềm mại để uống nước. Ở gian chính điện có bức đại tự viết theo lối đá có thảo 4 chữ lớn “Thanh Thọ Vô Cương”, phía bên tả “Cao Sơn Ngưỡng Tử” và bên hữu “Cao Cao Tại Thượng”. Trước cửa đền, dưới tán lim cổ thụ là hai hàng voi đá, ngựa đá. Ngoài ra đền Cao còn là ngôi đền với kiểu kiến trúc khá độc đáo. Đền Cao là điểm hẹn của những người biết tôn trọng lịch sử văn hóa dân tộc. Đền Cao thờ tướng Vương Đức Minh, có công chống giặc Tống xâm lược. Công trình thuộc quần thể di tích đền Cao thờ 5 anh em họ Vương, được Nhà nước xếp hạng quốc gia năm 1988. Nguồn Cổng thông tin điện tử thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hải Dương 62 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng đá Bầu

Lăng đá Bầu nằm ở thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa. Nơi đây lưu giữ thi hài Quận công Ngô Đình Hoành- một vị quan võ dưới Triều Lê (Lê Thần Tông - Lê Duy Kỳ). Theo ông Ngô Đình Quyết, Hậu duệ đời thứ 13 của Quận công Ngô Đình Hoành thì do dòng họ trông nom cẩn thận nên hiện nay, lăng mộ của Quận công vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Lăng đá Bầu được xây dựng theo hướng Tây Nam, không gian phía trước được tạo thế hài hòa với cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, yên bình với cây cổ thụ soi bóng bên hồ nước trong xanh, rộng lớn. Trước cổng lăng là 2 đôi chó đá to ngồi chầu, cổ đeo chuông nhạc tư thế thoải mái nhưng vững chãi. Toàn thể khu tường bao quanh, cổng lăng và lăng mộ đều được xây bằng đá ong cổ kính. Cổng lăng gồm có 2 tầng, dưới là vòm cuốn được ghép bởi những phiến đá ong lớn. Bên cạnh cổng lăng, có 2 tượng võ sĩ, đứng nghiêm trang, mặc áo giáp, chân đi hia, tay nắm long đao. Qua cổng lăng, dọc đường thần đạo, lại có từng cặp tượng người, voi đứng đối xứng trầu hai bên uy nghiêm. Đôi voi được tạc rất công phu ở theo tư thế quỳ. Bên cạnh đó, đôi ngựa chiến bằng đá cũng được tạc tỉ mỉ với dáng vóc khỏe, đẹp. Tượng võ sĩ bảo vệ khu lăng mộ cũng được tạc với sự trang nghiêm, thành kính với tấm áo giáp 2 lớp dài, tay cầm chùy… Trong cùng khu lăng là phần mộ của Quận công Ngô Đình Hoành, được xây dựng bằng những khối đá ong lớn. Có thể nói, tất cả các linh vật được bố trí trong lăng đá Bầu đều toát lên vẻ uy nghi, bề thế thể hiện sự tinh tế của chủ nhân vốn là người rất kỹ lưỡng về phong cách nghệ thuật. Đồng thời, thể hiện quan niệm của người Á Đông xưa là sống trên đời chỉ là cõi tạm còn chết là về với cõi vĩnh hằng. NGUỒN: Báo Bắc Giang

Bắc Giang 48 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng đá họ Ngọ

(BGĐT) - Lăng có tên chữ Hán là Linh Quang Từ, thuộc xã Thái Sơn, thờ Tướng công Ngọ Công Quế, là bậc văn võ song toàn, luôn hết mình vì dân, vì nước. Lăng được xây dựng vào năm 1697, đến năm 1714 tiếp tục được tu bổ. Lăng có bình đồ hình chữ nhật, mặt quay hướng chính Nam với diện tích khoảng 400m2.Cổng dẫn vào lăng xây kiểu vòm cuốn, hai bên cửa có chạm phù điêu hai võ sĩ cầm chùy. Phía ngoài cổng có 1 con chó đá được tạc theo phong cách hiện thực. Qua cổng, đăng đối hai bên đường thần đạo là các tượng chầu, hương án đồ thờ bao gồm: Đôi voi phục, cặp người ngựa, đôi nghê nằm. Hương án chính giữa bằng đá khá cao, hai bên có đôi nghê ngồi đầu ngẩng cao. Phía trước hương án có 2 bàn đá cao, phía sau có một bàn đá to và thấp đặt khá sát với cổng vào khu mộ dùng để đặt đồ lễ trong ngày tết. Kiến trúc khu mộ với kết cấu là một thành bằng đá muối ghép hình chữ nhật diện tích 15x12,5m, chiều cao thành đá gần 2m. Cổng mộ chạm phù điêu nổi khá cao. Trung tâm là một tháp đá hình vuông với hai tầng mái cong. Đây là nơi quản thi hài của Ngọ Công Quế. Tầng hai có cửa bốn mặt với bốn bức phù điêu hổ phù được chạm khắc khá tỉ mỉ. Theo ông Nguyễn Quang Chính, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hiệp Hòa, trong hệ thống lăng còn ở Bắc Giang, đây là khu di tích được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Lăng được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1964. Nét khác biệt của khu lăng này là chất liệu xây dựng chủ yếu là đá muối. Tác phẩm điêu khắc ở đây phần lớn cao dưới 1m nên rất ăn nhập với tổng thể mô hình và tỷ lệ kiến trúc chung. Đáng chú ý, con cháu họ Ngọ rất quan tâm bảo tồn di sản của cha ông. Ngoài đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo, còn cử người trông nom, bảo vệ khu Lăng mộ. NGUỒN: Báo Bắc Giang

Bắc Giang 51 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật