Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Yên Bái

Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái

Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh - Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tọa lạc tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là một trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995. Trong đời sống hàng ngày, ngôi nhà của ông cũng bình dị như những ngôi nhà khác trong bản Tày, nhưng trong những năm tháng kháng chiến lại “sục sôi”, “hăng hái” như chính những con người vùng đất cách mạng này. Năm 1995, nơi đây cùng với các điểm Hang Dơi, đình Chung, gò cọ Đồng Yếng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống chống thực dân Pháp xâm lược của cha ông. Ông Trần Đình Khánh là một Chánh tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên làm việc dưới chính quyền cai trị của Pháp. Ông là người có tư tưởng tiến bộ, yêu nước thương dân, bất mãn với chế độ bóc lột của thực dân Pháp. Được các cán bộ Việt Minh giác ngộ cách mạng, với tầm ảnh hưởng của mình, ông đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu Cơ, quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho kháng chiến. Bản thân gia đình ông ủng hộ cách mạng hàng chục tấn thóc gạo, cùng nhiều trâu bò, tiền bạc và dùng ngôi nhà của mình làm căn cứ hoạt động của Việt Minh, trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp, ủng hộ của nhân dân cho kháng chiến, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Đội du kích Âu Cơ và căn cứ địa cách mạng. Ngôi nhà sàn có kiến trúc cột gỗ, 5 gian, 2 chái, 4 hàng chân, thiết kế theo kiểu chồng bồn, kẻ truyền, có hành lang phía trước. Nhà chính nối liền với nhà bếp, mái lợp cọ. Phía sau tựa lưng vào núi, phía trước hướng ra cánh đồng cây Gạo. Tại đây, đã diễn ra nhiều sự kiện, nhiều cuộc họp đưa ra những quyết định quan trọng của chiến khu Vần - Hiền Lương, đồng thời là nơi tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, đấu tranh giành chính quyền trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời kỳ kháng chiến, Việt Hồng - cái nôi của cách mạng Yên Bái, nhân dân có tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh quả cảm không chịu khuất phục trước sự đàn áp của chế độ thực dân nửa phong kiến. Từ khi có ánh sáng cách mạng soi sáng, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, chiến khu Vần – Hiền Lương được thành lập có nhiệm vụ đón các chiến sỹ cách mạng vượt ngục từ nhà tù Sơn La và từ Căng đồn Nghĩa Lộ về; tổ chức huấn luyện lực lượng vũ trang các địa phương chiến đấu; tuyên truyền giáo dục đường lối cách mạng của Đảng, chính sách của mặt trận Việt Minh. Một sự kiện quan trọng trong giai đoạn này diễn ra là ngày 14/6/1945 đội du kích Âu Cơ được thành lập tại Hiền Lương đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang cách mạng. Đến sáng hôm sau, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Minh Loan đội du kích đã hành quân vào Đồng Yếng (Vân Hội) và làng Vần. Trước khi vào làng Vần, các cán bộ Việt Minh cử vào giác ngộ cách mạng cho nhân dân trong vùng, nhờ chính sách tuyên truyền sâu rộng nên được nhân dân giúp đỡ, đồng thời cử con em tham gia đội du kích nên chỉ trong thời gian ngắn lực lượng đã tăng lên hàng trăm người. Năm 1946, ông Trần Đình Khánh vinh dự được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 1 của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh là một trong 4 điểm di tích nằm trong cụm Di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995. Nguồn: Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái

Yên Bái 926 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Bến Âu Lâu

Bến Âu Lâu (nay nằm trên địa bàn xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) là nơi góp phần quan trọng vận chuyển cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mở đường đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở miền Bắc năm 1954. Năm 1953, bến đò mà người dân ven sông Hồng qua lại giao lưu, buôn bán được xây dựng thành bến phà Âu Lâu. Bến phà Âu Lâu là điểm nối thuận tiện giữa Việt Bắc và Tây Bắc của đất nước. Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bến Âu Lâu là nơi tập kết, bí mật đưa đón các cán bộ cách mạng, chiến sỹ chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa và sau đó là thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời và tiếp quản thị xã Yên Bái. Cũng chính ở nơi đây, thực dân Pháp đã dẫn giải các tù chính trị từ Nghệ An (1943), Thái Nguyên (1945) qua bến sang giam ở Căng Nghĩa Lộ. Đêm 16 rạng ngày 17/8/1945, theo kế hoạch Ủy ban quân sự cách mạng du kích Âu Lâu và du kích Âu Cơ (Vân Hội) cùng bộ đội hữu ngạn sông Hồng qua sông đánh trại Bảo an cướp chính quyền từ tay Nhật. Năm 1951, trong chiến dịch Lý Thường Kiệt, một hướng của đại đoàn 312 qua bến sang đánh vào khu quân sự Nghĩa Lộ (3/10/1951). Chiến dịch Tây Bắc diễn ra, đêm 10-11/10/1952 bến Âu Lâu là một trong bốn bến mà trung đoàn 36, trung đoàn 174 của đại đoàn 316 và đại đoàn 308 vượt sông Hồng vào Ca Vịnh, Ba Khe, đèo Hồng đánh căn cứ Cửa Nhì. Cuối tháng 11/1952, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh yêu cầu gấp rút mở rộng tuyến đường 13 từ Việt Bắc qua Yên Bái. Trong hoàn cảnh khó khăn và địch bắn phá ác liệt nhưng chúng ta vẫn thông đường 13 sớm 5 ngày qua bến Âu Lâu tiếp viện cho chiến trường Tây Bắc. Bến Âu Lâu có vị trí quan trọng là nối liền hệ thống giao thông Việt Bắc với Tây Bắc, là nơi duy nhất có thể cẩu các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự qua sông tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong thời gian này, bến Âu Lâu được tăng cường cả về nhân lực và phương tiện để chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, dân công, bộ đội vượt sông Hồng, đồng thời gồng mình chống đỡ những trận bom ác liệt của thực dân Pháp. Ban đêm là lúc chủ yếu diễn ra các hoạt động ở bến Âu Lâu để tránh sự phát hiện của địch, những chuyến phà qua lại một cách nhanh nhất để thông đường cho xe tiếp viện. Để ngăn chặn sự phá hoại của máy bay địch, ban ngày ta phải kéo phà lên thượng lưu vào Ngòi Lâu nhấn chìm phà, ban đêm lại tát nước kéo phà ra. Từ 11/1953 - 5/1954, thực dân Pháp tập trung bắn phá ác liệt bến Âu Lâu hơn 200 ngày đêm với 2.700 tấn bom đạn nhưng chỉ tắc 8 ngày đêm và chúng ta vẫn vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực và hàng trăm tấn đạn dược, vũ khí cho mặt trận Điện Biên Phủ. Sau những ngày tháng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, từ năm 1955-1965, bến được nâng cấp từ phà gỗ sang phà thép có ca nô sắt. Năm 1965-1968, với tinh thần: “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” bến đã có 100 lần đưa 500 lượt xe pháo qua sông, chuyên chở gần 200.000 lượt ô tô, hàng ngàn tấn hàng hóa qua lại. Những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng đã dùng nhiều tốp máy bay đánh phá trong 4 tiếng gây thiệt hại nặng nề cho thị xã Yên Bái và bến phà Âu Lâu trong ngày 31/5/1966. Năm 1967, bến Âu Lâu vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua thăm nhân dịp lên chúc tết quân và dân hai tỉnh Yên Bái và Nghĩa Lộ. Ngày 18/12/1972, giặc Mỹ lại tiếp tục tập kích Yên Bái trong đó có bến Âu Lâu nhưng vẫn không cản được những chuyến phà chở người và lương thực, thực phẩm tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, bến phà Âu Lâu tiếp tục hoạt động và xây dựng thành đơn vị chủ chốt của ngành giao thông vận tải tỉnh Yên Bái. Ngày 07/8/2012 Bến Âu Lâu được Bộ Văn Hoá Thể Thao & Du Lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia . Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1551 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nơi thành lập đội du kích Khau Phạ

Đội du kích Khau Phạ (xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải) được thành lập vào tháng 10 năm 1946 tại bản Trống Tông Khúa trên đỉnh đèo Khau Phạ (trước đó vốn là một đội vũ trang được ra đời từ năm 1944 của đồng bào Hmông để chống lại sự đàn áp bóc lột của bọn thống trị, rồi sau trở thành đội vũ trang chống lại bọn Quốc dân đảng). Ban đầu lực lượng chỉ có 7 đội viên, vũ khí chỉ có 3 khẩu súng tự tạo là súng kíp, dao nhọn và cung nỏ. Trải qua một thời gian chiến đấu, đội du kích phát triển rất nhanh về quân số, lên 30 người, 50 người rồi khi đông nhất lên tới hơn 200 đội viên, lực lượng tham gia hầu hết là người dân địa phương (người Hmông). Đây là một di tích nằm trên vùng đồi núi hiểm trở, trải dài và rộng từ chân đèo Cao Phạ lên đỉnh đèo (dài trên 20km). Địa bàn hoạt động của đội du kích rộng, có nhiều địa điểm trong đó có ba địa điểm trọng yếu nhất, diễn ra những sự kiện quan trọng trong suốt gần 8 năm hoạt động của đội du kích Khau Phạ. Đó là: Bản Trống Tông Khúa - nơi thành lập đội du kích Khau Phạ;. nhà của ông Lý Nủ Chu - cơ sở cách mạng của Đội du kích Khau Phạ (bản Lìm Mông) và Hang Dơi - địa điểm phục kích Pháp dưới chân đèo Khau Phạ, năm 1948. Trong suốt những năm hoạt động (1946 - 1952), đội du kích đã chặn đánh nhiều trận, gây cho Pháp nhiều khó khăn, tổn thất. Được ra đời từ năm 1946, Đội vừa tổ chức huấn luyện vừa làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất tại đỉnh đèo vừa dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, phối hợp với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương anh dũng đánh giặc, lập nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 8-10-1947, địch càn quét đánh phá Khau Phạ. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Đội trưởng Lý Nủ Chu, đội du kích đã dùng lực lượng nhỏ đánh trả, làm chết một tên quan 2 và bị thương nhiều tên lính Pháp, buộc địch phải bỏ dở cuộc hành quân. Trong giai đoạn 1947-1949, đội du kích đã nhiều lần nhịn đói, nhịn khát, sống trên rừng, ăn củ nâu, củ mài, quyết chiến đấu với giặc. Chính trong những năm tháng gian khổ này, Đội đã lập được nhiều thành tích rất đáng ghi nhận. Tiêu biểu là trận Nậm Khắt, đội du kích đã phục kích, bắn chạy toán loạn 1 đại đội của địch, thu gọn 2 khẩu súng. Tiếp đó là hai trận liên tiếp ở Gia Hội và Tú Lệ, đội du kích đã phối hợp với bộ đội đuổi đánh địch, thu được 2 khẩu súng, nhiều mìn và lựu đạn. Tháng 3/1948, đội du kích đã phối hợp với Đội xung phong Quyết Tiến do đồng chí Hồng Quân và Lý Bạch Luân phụ trách, tổ chức phục kích chặn đánh địch trên đoạn đường Tú Lệ - Gia Hội, thu được 3 súng trường và một số đạn dược. Cuối tháng 3-1948, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 10 quyết định mở chiến dịch Nghĩa Lộ, riêng đội du kích Khau Phạ đã phối hợp với đại đội 520 và đội xung phong Quyết Tiến đánh đồn Tú Lệ, bắt sống tên Bang tá Lò Văn Inh (chỉ huy đồn), đồng thời làm tan rã đơn vị lính dõng gồm 27 tên, thu 2 súng máy, gần 20 súng trường và một số vũ khí khác. Sau chiến thắng này, đội được trang bị thêm 50 khẩu súng. Từ năm 1949, nhận thấy sự lợi hại của Đội du kích Khau Phạ, địch ngày càng khủng bố hơn, chúng ra sức tập trung dân, kiểm soát chặt chẽ địa hình. Vì vậy, hoạt động của đội gặp nhiều khó khăn: thiếu lương thực, thực phẩm, đạn dược, mất hoàn toàn liên lạc với Đảng, với chính quyền, với quân đội nhưng vẫn tuyệt đối trung thành, kiên trì và chiến đấu liên tục. Sau năm 1951, Pháp đánh phá dữ dội các cơ sở của ta trong vùng hậu địch, hầu hết các cơ sở đều bị tan rã. Nhưng với lòng quả cảm, kiên cường bám trụ, Đội du kích Khau Phạ vẫn duy trì cuộc chiến đấu gây cho địch nhiều tổn thất. Đội đã trở thành một điểm nối quan trọng nằm ở cửa ngõ Mù Cang Chải, nối các cơ sở cách mạng trong vùng với hai đầu Nghĩa Lộ-Than Uyên. Tháng 10-1952, Bộ Tổng tư lệnh mở chiến dịch Tây Bắc nhằm giải phóng Phân khu Nghĩa Lộ và các tiểu khu Than Uyên, Phù Yên, Sơn La. Ngày 16 tháng 10 năm 1952, địch cho nhảy dù một tiểu đoàn xuống Tú Lệ, Cao Phạ nhưng đã bị đội du kích phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt, truy kích. Ngày 15 tháng 10 năm 1952, Than Uyên được giải phóng. Ngày 18 tháng 10 năm 1952, địch thất bại thảm hại ở Phân khu Nghĩa Lộ và tìm đường tháo chạy sang Sơn La, tàn quân địch đi qua Cao Phạ đã bị lực lượng du kích truy kích, tiêu diệt. Mù Cang Chải được hoàn toàn giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Ngày 27/8/2012, nơi thành lập đội du kích Khau Phạ đã được Bộ Văn Hoá Thể Thao & Du Lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1527 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Nhược Sơn

Nằm bên bờ sông Hồng, cách thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) chừng 41 km theo đường tỉnh lộ 151 là tới Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Nhược Sơn. Khu di tích này thuộc thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, là đền thờ võ tướng Hà Chương - một nhân vật có thật trong lịch sử, một võ tướng tài ba thời nhà Trần - đã có những đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía Bắc, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trước quân xâm lược Nguyên Mông. Khu di tích đã được xếp vào loại hình di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 16/11/2005. Hàng năm, cứ vào ngày 20 - 1 và 20 - 9 (âm lịch), nhân dân địa phương lại náo nức chuẩn bị cho công tác đón du khách thập phương. Thời gian gần đây, không chỉ người dân địa phương, trong huyện, trong tỉnh mà còn có rất nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh khác tìm đến với đền. Hai năm trở lại đây, đền Nhược Sơn khôi phục hoạt động lễ hội và thu hút du khách thập phương ngày một đông. Người dân địa phương gọi đền Nhược Sơn bằng tên gọi khác là: Loòng Mẹac, Tại Mẹac. Theo "Hồ sơ di tích đền Nhược Sơn" (Hoàng Tiến Long, Bảo tàng tỉnh Yên Bái) thì vào tháng Hai năm Đinh Hợi 1287, hơn 30 vạn quân Nguyên Mông tiến đánh nước ta, đạo quân Nguyên Mông do Nạt Tốc Lạt Đinh chỉ huy khi tháo chạy qua địa phận Phù Ninh đã bị quân dân địa phương do anh em Hà Đặc, Hà Chương chỉ huy chặn đánh. Khi đuổi giặc tới A Lạp thì anh em Hà Đặc, Hà Chương bị đạo quân đi sau của giặc chặn đánh, Hà Đặc anh dũng hy sinh, Hà Chương bị bắt. Lợi dụng đêm tối và sơ hở của giặc, Hà Chương đã lấy cờ xí và y phục quân giặc trốn về, xin triều đình cho dùng cờ và y phục giả làm quân giặc tới quân doanh của chúng. Giặc bị tập kích bất ngờ không kịp đề phòng bị quân của Hà Chương đánh từ trong ra, quân Nguyên Mông tan vỡ, rút tàn binh về Vân Nam. Theo gia phả của dòng họ Hà vốn gốc người Tày Khao, thuộc dòng Hà Đặc, Hà Chương thời Trần, nay tụ cư tại An Bồi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, khi đánh quân Nguyên, Hà Chương hăng hái truy kích địch tới vùng Yên Bái và hy sinh. Theo lời các cụ cao niên tại xã Châu Quế Hạ, Hà Chương trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai đã đuổi quân Nguyên theo đường sông Hồng lên Yên Bái, tới Châu Quế Hạ ngày nay chiêu mộ thêm binh sĩ tiếp tục truy kích và phá tan quân địch. Trong lúc quyết chiến, Hà Chương bị thương nặng rồi hy sinh và được đưa sang sông chôn cất tại cửa thác Nhược Sơn.... Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1361 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đèo Lũng Lô

Đèo Lũng Lô thuộc bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đèo còn có tên gọi khác là Đèo Đao. Lũng Lô - một địa danh đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại. Nơi đây quân và dân cả nước, đã dốc sức tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô. Đèo Lũng Lô nằm trên Quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32B) tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), nằm về phía Đông Bắc và cách thị trấn Phù Yên33 km. Đèo dài 15 km, từ km 349 đến km 364, độ dốc 10%. Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Trung ương Đảng quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên, thuộc tỉnh Tuyên Quang, vượt qua Bến Âu Lâu, đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuyến đường mà công binh và dân công phải mở dài trên 120km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, phải đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà. Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, ngay từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập cung đường 13, huy động 124.458 lượt dân công tham gia mở đường với 173.197 công đào, đắp và san lấp hố bom chống lún sạt. Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch. Sau hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn. Tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt nối với chiến khu Việt Bắc và các tỉnh Tây Bắc, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ đó mà hàng vạn ô tô, xe thồ chở hàng vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho chiến trường. Trước tình hình đó, tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Cùng với Âu Lâu, Hưng Khánh, Vực Tuần, Cò Nòi, thì địa điểm đèo Lũng Lô là nơi địch đã ném xuống đây gần 12.000 tấn bom, có những ngày địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Vượt qua nguy hiểm, bất chấp bom rơi đạn nổ, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến đã có hàng vạn lượt người, dân công ngày đêm bám đường. Địch phá, ta lại sửa ta đi, địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác, địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm. Hàng vạn tấn quân lương, quân trang vũ khí đạn dược, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực Thượng Bằng La đã vượt đèo vào chiến trường và được bảo vệ an toàn. Với nhiệm vụ nặng nề và thời gian cấp bách, con đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày và trở thành một kỳ tích lịch sử, khiến thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ tinh thần quả cảm của quân và dân ta. Từ sự đoàn kết, thống nhất trong lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, con đường 13A - con đường lịch sử, văn hóa đã được hình thành đóng góp tích cực cho chiến thắng Điện Biên Phủ và quá trình phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Yên Bái, Sơn La, Sau này con đường được mang tên “Quốc lộ 13A” - con đường lịch sử. Đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2011, vào đúng dịp kỷ niệm 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954-7.5.2011). Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1317 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Căng và Đồn Nghĩa Lộ

Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ nằm trên trục chính đường Điện Biên (Quốc lộ 32). Đây là điểm trung tâm của thị xã Nghĩa Lộ và vùng lòng chảo cánh đồng Mường Lò. Khi nhắc tới lịch sử của Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn và nhắc tới lịch sử nơi này thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng của ta, thực dân Pháp đã lập các trại "lao động đặc biệt" để bắt nhốt những người yêu nước đưa vào trại tập trung. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ. Mùa hè năm 1944, tri phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu, nộp vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử tên Đinh Văn Dung và tên Lăm - Be, sở mật thám huyện đến kiểm tra đôn đốc khẩn trương ngày đêm. Đến tháng 1/1945 thì việc xây dựng hoàn thành. Nhìn toàn cảnh lúc này, Căng Nghĩa Lộ như một cái tủ dựng đứng có ba dãy nhà dài "hai dãy là nơi giam giữ chính trị phạm nam giới, phía trong giam chính trị phạm nữ giới, phía ngoài là nơi thường trực và bên cạnh là trạm gác của lính khố xanh". Bao bọc toàn bộ khu Căng - Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững, ngày đêm canh giữ cẩn mật. Cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân ta với sự kiện phá Căng - Đồn Nghĩa Lộ, giải phóng Văn Chấn lần thứ nhất năm 1945, thực sự là những trang sử vô cùng oanh liệt. Văn Chấn là huyện lớn, nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, địa hình là một khu núi rừng trùng điệp, có nhiều núi cao, hang động, là vị trí quân sự có tầm chiến lược quan trọng "tiến có thế công, lùi có thế thủ". Vì thế, giặc Pháp đã đặt mục tiêu phải chinh phục cho bằng được Văn Chấn. Thực hiện ý đồ ấy, ngày mùng 2/10/1947, chúng đem quân đánh tái chiếm Văn Chấn, với âm mưu đánh nhanh và sử dụng lực lượng quân sự mạnh, vũ khí tối tân. Thực dân Pháp muốn khuất phục nhân dân các dân tộc Văn Chấn bằng cách bắn giết hết sức man rợ. Chiếm được Văn Chấn, địch dựa vào những tên tay sai lập nên bộ máy cai trị từ huyện đến xã; đồng thời đặt đồn Nghĩa Lộ thành Phân khu quân sự mạnh nhất trong bốn Phân khu ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Sau khi cắm các đồn bốt và dựng lên bộ máy cai trị, giặc Pháp thực hiện âm mưu chia để trị, dùng người dân tộc này giết người dân tộc khác, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh; chúng biến hệ thống ngụy quân, ngụy quyền thành một công cụ đàn áp, bóc lột nhân dân các dân tộc. Chúng chặt đầu, mổ bụng, moi gan một số cán bộ, chiến sĩ của ta. Rồi chúng dùng mô đá trên Ngòi Lao làm pháp trường xử tử 76 cán bộ, chiến sĩ giữa dòng nước xiết. Trong gần 5 năm (1947 - 1952) chiếm đóng Văn Chấn, bọn Pháp đã giết hại và gây thương tích cho hơn 300 người, làm mất tích khoảng 56 người. Hàng nghìn con em các dân tộc bị cường ép đi làm lính đánh thuê cho chúng, cầm súng bắn lại đồng bào, đốt phá rừng núi quê hương. Ngoài việc bắn giết, chúng còn đốt nhà, phá lúa, cướp trâu bò và hàng nghìn tấn lương thực, hãm hiếp phụ nữ và trẻ em. Chúng bắt đồng bào vào ở ngay dưới chân đồn bốt để cắt đứt liên lạc với Việt Minh và bắt đồng bào quen với sự bắn giết man rợ. Độc ác hơn, chúng còn làm hàng rào bằng xương, bằng thịt của đồng bào để ngăn đòn tấn công của quân ta. Những cái nhỏ như củ khoai, củ sắn, bát gạo, lưng cơm và cái quý nhất của con người là tâm hồn, thể xác đều bị chúng giành giật và thuộc quyền sở hữu của quan đồn. Trước sự tàn sát của súng đạn, nhân dân các dân tộc Văn Chấn đã trỗi dậy sự căm phẫn giặc sâu sắc, khơi dậy niềm tin, tình cảm và lòng yêu nước, tin vào Việt Minh, tin theo kháng chiến. Nhân dân ta đã nổi dậy với tinh thần quyết chiến, quyết thắng và giành được thắng lợi vào lúc 5h30 phút ngày 18/10/1952. Chính sự ủng hộ của đồng bào và quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc đã thôi thúc quân và dân ta chiến đấu, lập nên chiến công vang dội vào mùa thu năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ. Để tưởng nhớ các trận chiến đấu oanh liệt, ngày 25/7/1992, Uỷ ban nhân dân huyện Văn Chấn đã xây dựng "Đài tưởng niệm Căng Nghĩa Lộ". Hiện nay, Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ bao gồm: Đài tưởng niệm Căng Nghĩa Lộ, tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ mang hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ và nhân dân các dân tộc trong chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ tháng 10 năm 1952, cùng với nhà bia ghi tên các liệt sĩ. Ngày 27/9/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - thông tin công nhận di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1485 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu ủy Tây Bắc

Địa điểm Khu ủy Tây Bắc thuộc bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cách huyện lỵ Văn Chấn 12km về phía Đông, cách thành phố Yên Bái 80km về phía Đông Bắc. Nơi đặt trụ sở của Khu ủy Tây Bắc từ tháng 11/1953 đến cuối năm 1954 là bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. Trước đây bản Chanh được gọi là bản Chanh Quân, song do mật độ dân cư ngày càng đông nên bản Chanh Quân được tách thành hai bản là bản Quân và bản Chanh. Vào thế kỷ XIX, khoảng năm 1873 khi giặc cờ Vàng (tàn quân của phong trào khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc - Trung Quốc) do Dịp Tài (theo cách đọc của người Thái, còn tên chính thức được ghi trong sử sách là Diệp Tài) cầm đầu kéo quân vào xâm chiếm đất Mường Lò, dân Phù Nham đã anh dũng đứng lên theo lời kêu gọi của vị thủ lĩnh người Thái là Cầm Ngọc Hánh chống lại giặc cờ Vàng. Năm 1875 - 1896 hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào chống Thực dân Pháp do Nguyễn Quang Bích chỉ huy đã phát triển nhanh chóng. Ở Yên Bái đã hình thành các trung tâm hoạt động của nghĩa quân tại các vùng Đại Lịch, lòng chảo Mường Lò... trong thời gian đó, nhân dân các dân tộc tại các địa điểm trên đã đoàn kết một lòng cùng nghĩa quân chống lại bọn xâm lược và nhân dân xã Phù Nham cũng nhiệt tình tham gia những hoạt động đó. Để chuẩn bị giải phóng khu Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, tháng 5/1952 Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch quyết định 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của khu XX (tiền thân của Khu ủy Tây Bắc). Giữa năm 1953, Trung ương điều động đồng chí Trần Quyết - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La bổ sung vào Khu ủy, giám đốc công an khu Tây Bắc, ông Lò Văn Mười - Ủy viên ban hành chính kháng chiến tỉnh Sơn La về nhận công tác ở Khu. Tháng 5/1952, trụ sở khu XX đóng tại làng Đồng Lý huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Yên Bái). Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, chỉ trong vòng mười ngày ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên (Yên Bái), Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La); sau đó bộ đội ta mở đợt hai chiến dịch Tây Bắc, đến cuối tháng 12/1952 giải phóng phần lớn Tây Bắc (trừ cứ điểm Nà Sản và thị xã Lai Châu). Để việc lãnh đạo được sâu sát hơn, tháng 11/1952 khu XX đã chuyển trụ sở về đóng tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (Thác Thiến - km 28, đường 13A). Đầu năm 1953, ta mở đường 13A từ Ba Khe sang nối với đường 41 (Hà Nội đi Sơn La - Lai Châu) ở Cò Nòi để chuẩn bị lực lượng tấn công tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Thấy nguy cơ bị tấn công nên giặc Pháp bí mật rút bỏ cứ điểm Nà Sản (tháng 5 năm 1953) để bảo toàn lực lượng. Tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc đã chuyển toàn bộ các cơ quan của Khu ủy vào đóng rải rác tại các bản làng của xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. Đến nay, do yêu cầu mới của cách mạng và đất nước, mặc dù Khu ủy Tây Bắc không còn tồn tại nữa, song địa danh bản Chanh, xã Phù Nham - nơi Khu ủy chọn đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo phong trào cách mạng của bốn tỉnh Tây Bắc đã trở thành một địa danh khắc sâu vào tâm trí và tình cảm của những thế hệ cán bộ, nhân dân đã trực tiếp tham gia hoạt động, phục vụ kháng chiến. Ngày 27/8/2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa danh Khu ủy Tây Bắc, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn là di tích cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1343 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chiến khu Vần

Chiến khu Vần là một vùng đất khá rộng, nằm ở phía Nam huyện Trấn Yên và Đông Nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm ở địa bàn của 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên (thuộc Trấn Yên) và Đại Lịch thuộc Văn Chấn có cự ly dài từ Bắc xuống Nam là 23km và từ Đông sang Tây 18km. Lịch sử vùng chiến khu trải qua thời gian, địa danh, địa giới có nhiều thay đổi, trước đây vùng đất này thuộc huyện Văn Chấn, nay thuộc huyện Trấn Yên. Năm 1945, xã Vân Hội ngày nay có tên gọi là xã Minh Phú; Ngày 6/1/1946, liên xã Minh Phú - Đồng Phú - Phú Thịnh - Phú Lương gọi là xã Việt Cường; Ngày 23/3/1949, chia xã Việt Cường thành 2 xã Hồng Đức và Việt Cường; Ngày 1/1/1951, sáp nhập 3 xã Việt Cường, Hồng Đức, Minh Quân gọi là xã Việt Hồng; Ngày 4/1/1954, tách xã Việt Cường thành 3 xã: Việt Hồng, Việt Cường và Minh Quân; Ngày 6/6/1988, Hội đồng bộ trưởng chia xã Việt Hồng thành 2 xã: Xã Việt Hồng và xã Vân Hội. Địa giới có thể thay đổi song trung tâm của Chiến khu là xã Minh Phú (tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên) nay gồm 3 xã Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội trong đó tiêu biểu là 2 điểm Làng Vần xã Việt Hồng (là trung tâm chỉ huy của Chiến khu) và Làng Đồng Yếng (thuộc xã Vân Hội) là trung tâm huấn luyện quân sự của căn cứ cách mạng Chiến khu. Làng Vần: Là thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi có độ cao trung bình từ 200 đến 500m, thung lũng có chiều dài 4,5 km, đường đi lại khó khăn, ngày nay được kết cấu bằng những chân ruộng bậc thang, sau cách mạng được đồng bào khai phá (có độ chênh lệch thấp) nay gọi là Đồng Trò, Đồng Cây Gạo… có ngòi Vần chạy dọc theo làng. Đây cũng là hợp lưu của 3 con ngòi nhỏ để tạo nên ngòi Vần. Địa thế hiểm trở, xưa chỉ có một con đường duy nhất vào làng và phải qua đèo. Vừa kín đáo lại vừa gần các trung tâm chính trị (tỉnh lỵ hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ) nên khu vực này đã được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm nơi thuận lợi cho việc lập căn cứ cách mạng dần phát triển hình thành mô hình kiểu Chiến khu. Làng Đồng Yếng: Cách làng Vần khoảng 4 km về phía Đông và cách Hiền Lương hơn 3 km về phía Tây, là làng nằm giữa Vần và Hiền Lương. Có vị trí thuận lợi, đồi hình mâm xôi, nên Đồng Yếng được đội du kích Âu Cơ chọn làm trung tâm huấn luyện quân sự để phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Yên Bái và Phú Thọ. Sau khi nhận định tình hình vị trí địa lý và tinh thần của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, khi thành lập đội du kích Âu Cơ đã chuyển lên Đồng Yếng rồi vào làng Vần. Lấy Vần làm trung tâm chỉ huy, lấy Đồng Yếng làm trung tâm huấn luyện quân sự cho hình thành Chiến khu. Một sự kiện trọng đại đã diễn ra tại đây, ngày 30/6/1945, Ban cán sự liên tỉnh Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái) được thành lập - một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành Chiến khu. Di tích chiến khu Vần là một mốc son của sự kiện lịch sử Yên Bái nói riêng và của vùng Tây Bắc rộng lớn nói chung. Chiến khu Vần đã có vai trò quyết định trong việc chuẩn bị lực lượng để đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở hai tỉnh Phú Thọ - Yên Bái và huyện Phù Yên (Sơn La) đồng thời là căn cứ đảm bảo cho địa phương trong công cuộc chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp quyết liệt (1946 - 1954), là nơi thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ và là tiền thân ra đời của Đảng bộ 2 tỉnh. Ngày 4/9/1995, Bộ Văn hoá - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận Chiến khu Vần là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1413 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái

Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái, thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái là nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958. Đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận ngày 16/11/1988. Lễ đài nguyên là khán đài sân vận động thị xã xưa. Sân và Lễ đài nằm trong khu vực đông dân cư, trung tâm của tỉnh lỵ trước đây. Sân vận động thị xã có từ thời Pháp thuộc. Sau khi hoàn thành việc đánh chiếm và thành lập tỉnh Yên Bái (1900) đến năm 1905 Pháp thành lập trại lính lê dương bảo vệ chính quyền của chúng. Để phục vụ đời sống tinh thần của binh lính, nhất là các hoạt động văn hoá - thể thao. Năm 1927, Pháp cho xây dựng sân vận động này để tổ chức các hoạt động hội hè, đá bóng, nhưng xung quanh sân chỉ được đắp thành các mô đất cao chứ chưa có khán đài, đến năm 1930 mới hoàn thành. Từ đó, Pháp thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây, mời các đội bóng từ Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang đến thi đấu, đồng thời cũng tổ chức nhiều ngày "hội Tây" tại khán đài sân vận động thị xã này. Năm 1954, hòa bình lập lại, tỉnh Yên Bái chủ trương khôi phục lại sân bóng thành sân vận động thị xã. Tháng 1/1957, tỉnh cho xây dựng khán đài (lễ đài hiện nay) và tường bao quanh sân theo hình bầu dục. Sự kiện lịch sử quan trọng nhất là ngày 25/9/1958, phái đoàn của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu lên thăm tỉnh Yên Bái. Trong thời gian làm việc tại tỉnh, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban hành chính tỉnh đã chọn sân vận động thị xã làm nơi mít tinh để Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Khi đó tỉnh Yên Bái là một trong những tỉnh khó khăn nhất miền Bắc, vừa mới dành được độc lập, chiến tranh tàn phá nặng nề, phần lớn địa hình là đồi núi, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, nạn du canh du cư, mê tín dị đoan còn nhiều, cuộc sống còn vô cùng thiếu thốn. Trong lúc khó khăn nhất, Bác đã đến thăm Yên Bái. Sáng sớm ngày 25/9/1958, gần 5.000 cán bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái cùng đồng bào các vùng lân cận đã nô nức kéo đến dự mít tinh để được nhìn thấy Bác, nghe tiếng Bác. Từ tỉnh đội đi ra, Bác đến sân vận động và bước lên Lễ đài trong tiếng hò reo như sấm dậy của đồng bào. Sau khi mọi người im lặng, Bác bắt đầu nói chuyện, Người thân mật thăm hỏi cán bộ và nhân dân, chỉ ra những việc làm thiết thực. Người đề cập đến nhiều vấn đề từ đoàn kết dân tộc, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Nói chuyện xong Bác bắt nhịp cùng toàn thể đồng bào Yên Bái hát bài "kết đoàn". Từ lễ đài, Người rời về nơi làm việc trong tiếng vỗ tay và những bài ca hùng tráng của đồng bào tỉnh nhà. Ngày 31/5/1966, một trận ném bom của máy bay Mỹ đã làm sập một góc của sân vận động, năm 1977 sân vận động được sửa lại thay cửa hình vòm bằng cửa hình vuông, toàn bộ kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Năm 2016, khu Di tích lễ đài đã được cải tạo nâng cấp. Di tích lễ đài và toàn bộ kiến trúc của khu vực tưởng niệm Bác được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống, mô phỏng theo kiến trúc tưởng niệm Bác Hồ tại Kim Liên - Nghệ An quê Bác. Với ý nghĩa văn hóa lịch sử đó, nơi đây đang là một điểm đến, một địa chỉ của nhân dân và du khách đến thăm quan và thắp hương tưởng niệm Bác, mãi là nơi lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về vị Lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1462 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học

Di tích khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, nằm trong khuôn viên công viên Yên Hòa (rộng 30 ha ), thuộc phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái được xây dựng từ năm 2001. Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902 tại Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người yêu nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế của nhà trường thực dân, ông đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, kêu gọi tiến hành cải cách xã hội ở Việt Nam. Vị Toàn quyền Đông Dương ấy không thèm quan tâm tới những điều mà Nguyễn Thái Học đề nghị. Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học và các đồng sự tổ chức thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng, ông được bầu làm Chủ tịch. Việt Nam Quốc dân Đảng bị nhà cầm quyền lùng sục, bắt bớ. Trước nguy cơ Việt Nam Quốc dân Đảng bị tan vỡ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã quyết định tiến hành cuộc "tổng khởi nghĩa vũ trang". Nếu thất bại cũng là tấm gương cho đời sau tiếp bước, "Không thành công cũng thành nhân". Lực lượng khởi nghĩa gồm Việt Nam Quốc dân Đảng, chủ yếu là lính khố đỏ thuộc đại đội 5, 6, 7 Tiểu đoàn 2, Trung đoàn lính khố đỏ số 4 Bắc Kỳ. Lính khố xanh không tham dự khởi nghĩa. Đêm 9 rạng ngày 10/2/1930, khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ, nghĩa quân đã hạ sát được hầu hết bọn sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy ở các nhà riêng, phối hợp với nghĩa quân hai cơ lính khố đỏ đồn 5 và 6 đồn Dưới nổi dậy. Trước sân trại lính, một đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng đọc bài "Hịch khởi nghĩa" với những khẩu hiệu: "Đuổi giặc Pháp về nước Pháp. Đem nước Nam trả người Nam. Cho trăm họ khỏi lầm than. Được thêm phần hạnh phúc". Cờ của Việt Nam Quốc dân Đảng tung bay trên trại lính và các công sở. Do không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh cơ số 7 và số 8 ở trên đồn cao, lực lượng mỏng nên nghĩa quân bị đánh bật khỏi các vị trí đã chiếm, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu. Sau khởi nghĩa Yên Bái 5 ngày, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, chủ trương tiến tới chiếm toàn bộ Hải Phòng. Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện lỵ Vĩnh Bảo, giết chết tên tri huyện Hoàng Gia Mô, một tên quan lại tham tàn độc ác. Với sự phản công quyết liệt của quân Pháp với vũ khí hiện đại, quân khởi nghĩa bị tiêu diệt. Nguyễn Thái Học trốn thoát do được sự che chở của nhân dân. Cùng một số đảng viên tiêu biểu còn lại của Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Thái Học bàn bạc và dự định cải tổ lại Đảng và thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của Đảng. Chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ngày 23/3/1930, ông bị kết án tử hình. Ngày 17/6/1930, Pháp đưa Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ khác của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Yên Bái lên máy chém. Bước lên đoạn đầu đài, trước khi đưa đầu vào máy chém, Nguyễn Thái Học hô vang: "Việt Nam vạn tuế!". Pháp phải thừa nhận khởi nghĩa Yên Bái đã giáng một đòn chí mạng vào chính quyền thuộc địa. Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học ghi dấu cuộc “Khởi nghĩa Yên Bái” hiện nay gồm khu lăng mộ, khu tượng đài, khu nhà đón khách, bia tưởng niệm và khuân viên cây cảnh. Khu tượng đài Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái. Nổi bật nhất khu vực này là câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học trở thành phương châm hành động và tư tưởng chủ đạo của Việt Nam quốc dân Đảng, đó là “Không thành công cũng thành nhân”, được nghĩa quân coi như lời thề quyết tử. Khởi nghĩa Yên Bái tuy không thành công, nhưng lòng yêu nước là bất diệt. Chính vì thế, trên đất nước ta, rất nhiều nơi lấy tên Nguyễn Thái Học đặt tên cho các đại lộ và các trường học. Cụ Phan Bội Châu đã viết bài văn tế về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và các nhân vật trọng yếu của cuộc khởi nghĩa. Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 5/3/1990. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1551 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đông Cuông

Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời, tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đền Đông Cuông là cụm Di tích gồm 4 điểm: Ngoài Đền chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông. Đền có từ lâu đời, qua sử sách thư tịch được biết Đền có muộn nhất vào đời Lê, được phát triển từ một Miếu cổ (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần); Các thư tịch cổ như Kiến văn tiểu lục, Đại Nam thống nhất chí đều có ghi chép về ngôi Đền Đông Cuông này. Đền và khu vực đền có liên quan đến Đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ). Đền Đông Cuông sơ khởi là Miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, Hoàng là người Tày Khao sáng lập và thay nhau đảm lãnh công vụ chính quyền, đồng thời là nơi làm việc của Thổ Tù, chức dịch, phiên quan và đảm chức năng “Đinh Trạm” chuyển tống đạt công văn hai chiều giữa triều đình trung ương và cơ sở. Thời Trần tổng dinh Quy Hóa - Hà Bổng và ông Từ (Ngọc Tháp - Quang Sơn) lên trấn giữ biên ải. Hiện nay, trước là Đình, nay là Đền dòng họ Hà quán xuyến bởi tổ phụ của dòng họ Hà là Hà Văn đã từng lãnh đạo địa phương đánh giặc Nguyên - Mông thời Trần. Sử chép tháng 2 năm Đinh Hợi (1287) vua Nguyên - Mông lấy 7 vạn quân, 500 chiến thuyền, 6.000 quân Vân Nam và 1 vạn 5.000 quân ở 4 châu ngoài bể và sai thái tử Thoát Hoan làm đại nguyên soái; A Bát Xích làm Tả Thừa; A Lỗ Xích làm bình trương chính sự; Ô Mã Nhi làm chính sự đem tất cả hơn 30 vạn quân sang tiến đánh nước Nam. Trước tình thế đó, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã sắc phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm quốc công tiết chế chỉ huy toàn bộ quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Đạo quân Nguyên - Mông do Nạt Tốc Lạt Đinh chỉ huy chạy ngược theo sông Lô về Vân Nam, khi chạy qua địa phận Phù Ninh (nay là huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ) chúng bị quân dân địa phương do anh em Hà Đặc, Hà Chương đã rút quân lên đánh tận căn cứ núi Chỉ (thuộc tỉnh Phú Thọ), từ trên núi đưa dân binh xông vào đồn quân tiên phong của giặc, tập kích bất ngờ bằng nhiều mưu lược quân sự. Quân của Hà Đặc, Hà Chương đuổi giặc tới tận A Lạp thì bị đạo quân đi sau của giặc chặn đánh, Hà Đặc anh dũng hy sinh, Hà Chương bị bắt . Quân Nguyên - Mông tan vỡ thiệt hại nặng, số sống sót rút chạy về Vân Nam. Theo gia phả của dòng họ Hà “vốn gốc người Tày Khao thuộc dòng Hà Đặc, Hà Chương thời Trần. Nay tụ cư tại An Bồi - Kiến Xương, Thái Bình: Hà Đặc và Hà Chương là hai anh em, khi đánh giặc Hà Chương hăng hái truy kích địch tới vùng Yên Bái đã hy sinh tại đó. Ông được phong hầu là “Bình Nguyên thượng tướng trung dũng hầu”". (Theo mục cổ tích Trấn Hưng Hóa) sau bị tử trận và được dân làng lập miếu thờ bên ghềnh ngai (thuộc thôn Ghềnh Ngai bên bờ trái thuộc xã Tân Hợp, huyện Văn Yên), vợ ông là Lê Thị và con trai ông là Hoàng Báo khi mất cũng được dân làng thờ bên Ghềnh Ngai và ít lâu sau, ban thờ mẹ và con được di chuyển sang đình cả Đông Cuông (nơi Đền Đông Cuông ngày nay). Chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 2 là một chiến thắng hiển hách, địa danh tiêu biểu Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Cự Đà sẽ mãi còn ghi trong sử sách. Kể từ khi di dời, đình được mở rộng và cải đổi trở thành Đền cụ Lê Quý Đôn thời Hậu Lê đã có ký lục. Sách Đại nam nhất thống chí có định danh là “Đền Thần Vệ Quốc” gọi theo sắc phong. Sự biến cuộc khởi nghĩa Giáp Dần (1913-1914), năm 1914 nghĩa quân Mán quần trắng, Mán đại bản và người Tày, người Nùng tỉnh Yên Bái tổ chức tập hợp lực lượng và nổi dậy năm Giáp Dần tấn công các đồn của Pháp trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Lao Cai. Cùng thời gian này, công nhân hỏa xa và thương gia Việt Kiều tại tỉnh Vân Nam - Trung Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu và những người Việt Nam quang phục hội, lập hội ái hữu và hội yêu nước ở hải ngoại, bí mật ủng hộ phong trào đấu tranh chống Pháp ở trong nước. Một số đồn binh của Pháp dọc biên giới Việt Trung, địa phận Lao Cai bị nghĩa quân tấn công. Cuộc nổi dậy thất bại. Do thiếu tổ chức đúng đắn. Chính quyền thống trị Pháp thiết lập, tòa án quân sự đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh… xét xử những chiến sỹ yêu nước, hầu hết bị kết tội tử hình, chung thân hoặc khổ sai lưu đày, một số bị hành quyết lén lút. Năm 2000, đền được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Ngày 22/1/2009, đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia tại Quyết định số 296/QĐ-BVHTTDL. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Yên Bái

Yên Bái 1454 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật