Di tích lịch sử

Kon Tum

Di tích lịch sử cách mạng điểm Cao 601

Cách thị xã Kon Tum 17 km về phía bắc theo Quốc lộ 14, có một địa danh mà trong chúng ta hẳn nhiều người biết đến, đó là Dốc Đầu Lâu. Dốc Đầu Lâu là tên gọi dân gian mới có từ sau ngày xảy ra chiến sự tháng 4 năm 1972 giữa quân cách mạng và quân địch. Người Ba Na Ở vùng này gọi địa danh đó là Kon Loong Phă, có nghĩa là dốc có nhiều cây Trắc và Điểm cao 601 là thuật ngữ quân sự gọi cứ điểm quân sự của địch trên đồi K-Rang Loong Pha. Cho đến đầu năm 1972, điểm cao vẫn là một chốt điểm quân sự quan trọng của địch, gồm có trận địa pháo binh và xe tăng được bố trí trên hai mỏm đồi hình yên ngựa. Phía Bắc có đồn Bảo an Hà Mòn do tiểu đoàn Bảo an số 23 đóng giữ có xe thiết giáp tăng cường. Phía nam có Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3, trận địa pháo lớn, xe tăng, xe bọc thép chốt giữ. Ngoài ra còn có các trận địa pháo, đồn Bảo an của địch ở Kon Trang K-la; Bãi ủi; Bắc thị xã Kon Tum... Với vị trí chiến lược quân sự quan trọng, chiếm được điểm cao 601 là khống chế được phần lớn thị xã Kon Tum cũng như toàn bộ vùng Đăk Tô - Tân Cảnh. Chiếm được Điểm cao 601 là làm chủ được hoàn toàn con đường chiến lược 14, đoạn phía bắc Tây Nguyên. Nhận rõ được tầm quan trọng của Điểm cao 601, ta quyết tâm đánh chiếm, về phía địch chúng cũng bằng mọi cách cố thủ. Trong hai ngày mồng 10 và 11 tháng 4 năm 1972, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ta đã thắng lớn tại Điểm cao 601. Kết quả thu được: Diệt gọn 2 chi đội thiết giáp địch, một đoàn xe hàng, phá hủy 28 xe (có 14 xe tăng, xe thiết giáp M113 và 14 xe vận tải), phá hủy 72 tấn hàng quân trang, quân dụng, diệt gọn một trung đội bảo an, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội dù, đánh thiệt hại sở chỉ huy lữ đoàn dù 23, trận địa súng cối, diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi 2 máy bay, phá hủy 2 khẩu cối 106,7 mi-li-mét, thu hơn 15 súng các loại, ta cắt đứt hoàn toàn đường 14. Cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích, đây là trận đánh cắt giao thông có hiệu suất cao của Trung đoàn 28 trong chiến dịch Xuân - Hè 1972 ở Tây Nguyên. Kể từ sau ngày ký Hiệp định Pari (từ đầu năm 1973 đến 1975), khu vực Điểm cao 601, Dốc KRang Loong Pha (Dốc Đầu lâu) và toàn bộ khu vực Đăk La, Hà Mòn là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh chính trị gay gắt quyết liệt, có khi phải dùng cả vũ trang quân sự để giành từng tấc đất với địch: Với chủ trương đúng đắn của cấp trên cộng với trí thông minh mưu lược và lòng dũng cảm của quân và dân ta, mặc dù phải chịu nhiều gian khổ hy sinh, nhưng ta đã giữ vững được toàn bộ vùng giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh đến Diên Bình, Hà Mòn và kiểm soát được khu vực Đăk La góp phần giải phóng thị xã Kon Tum vào mùa xuân 1975. Trong những năm qua, Bảo tàng tổng hợp Kon Tum đã lên danh mục di tích trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó Điểm cao 601 là một điểm di tích lịch sử cách mạng được lãnh đạo tỉnh cũng như ngành Văn hóa rất quan tâm.Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa học cho di tích lịch sử Điểm cao 601 để đề nghị xếp hạng. Mặc dù chậm trễ, nhưng đây là một việc làm thật sự có ý nghĩa. Đã hơn 30 năm sau sự kiện chiến thắng Điểm cao 601, do tác động của con người, do môi trường tự nhiên khắc nghiệt, di tích chỉ còn là dấu tích tuy vậy nó vẫn còn đầy sức thuyết phục. Di tích lịch sử cách mạng Điểm cao 601 đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh ngày 17/5/2003. Nguồn: Cổng thông tin huyện Đăk Hà

Kon Tum 774 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Ngã ba Đông Dương

Ngã ba Đông Dương không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ mà nơi này ngày nay đang trở nên rất hấp dẫn du khách trên hành trình thăm Kon Tum - cực bắc Tây Nguyên Việt Nam. Địa danh ngã ba Đông Dương trên dãy Trường Sơn hùng vỹ luôn nằm trong ký ức lớp bộ đội, thanh niên xung phong trên đường vào chiến trường miền Nam, chiến trường C (Lào), chiến trường K (Campuchia) trong những năm tháng chiến tranh không thể nào quên. Đây là vùng đất được mệnh danh là một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe. Nay vùng đất này đang trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi các địa danh đã đi vào lịch sử như ngã ba Đông Dương (nơi đường Trường Sơn Tây gặp đường Trường Sơn Đông thời kháng chiến ), di tích lịch sử chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972; cột mốc biên giới do ba nước anh em Việt Nam - Lào - Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, cách thị trấn Playku khoảng 30 km. Cột mốc này do tỉnh Kon Tum tổ chức thi công xây dựng tháng 12/2007 dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới. Đại diện Bộ Ngoại giao ba nước cùng làm lễ khánh thành trọng thể vào ngày 18/1/2008. Cột mốc đặc biệt nặng 900 kg , làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét, trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn quốc huy, năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ màu đỏ của chính nước đó. Đây là cột mốc thứ hai cùng ghi danh cả ba quốc gia được cắm trên mảnh đất Việt Nam. Cột mốc thứ nhất là của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc thống nhất xây dựng ở A Pa Chải (Điện Biên). Từ cột mốc ngã ba biên giới, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương. Cũng tại đây, du khách muốn thăm hai nước Lào và Campuchia có thể làm thủ tục xuất cảnh tại đồn biên phòng Việt Nam ở cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Nguồn: Du lịch Kon Tum

Kon Tum 1011 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm trên địa phận hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Ngay cạnh Vườn quốc gia Chư Mom Ray là Vườn quốc gia Virachey của Campuchia và Khu bảo tồn Đông Nam Ghong của Lào. Hệ thực vật rừng quốc gia Chư Mom Ray phong phú, đa dạng về số loài và trạng thái. Nơi đây có khoảng 1.534 loài thực vật, trong đó có 113 loài quý hiếm thuộc họ phong lan, ngành hạt trần, các loài họ dầu, lớp tuế, kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai… Hệ động vật Vườn quốc gia Chư Mom Ray ghi nhận 718 loài, gồm 115 loài động vật có vú, 275 loài chim, 41 loài bò sát, lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 179 loài côn trùng. Trong đó có 124 loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới, điển hình như: vượn đen má hung, mang Trường Sơn, bò tót, hổ Đông Dương, voi, gấu ngựa, beo lửa…, thằn lằn giả 4 vạch mới, rắn sài mép trắng, rắn trán cúc…, chim hồng hoàng, công, đại bàng đất… Nơi đây từng ghi dấu ấn nhiều trận chiến ác liệt thời kỳ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Một số nơi trong rừng vẫn còn dấu tích các hầm hào, hố bom... Tổng diện tích rừng Chư Mom Ray đặc dụng vào khoảng 54.583,59 ha; rừng sản xuất 1.665,64 ha; vùng đệm 188.749 ha. Gồm các xã Bờ Y, Sa Loong (huyện Ngọc Hồi); Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, Ya Xiêr, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, nổi bật là người Gia Rai và người Rơ Măm. Điểm đáng tự hào của Vườn quốc gia là có tới 114 loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, cánh đồng cỏ (thung lũng Ja Book) rộng vào loại lớn nhất Việt Nam (hơn 9.000ha) đã thu hút nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt quan trọng sinh sống như mang Trường Sơn, trâu rừng, hổ, bò tót, bò rừng, voi, gấu ngựa, beo lửa… và hàng trăm loài bò sát, lưỡng cư. Ngoài ra, trên các đỉnh núi cao như Ngọc Linh, Ngọc Tu Ba, đỉnh Chư Mom Ray… là nơi sinh sống của nhiều loài linh trưởng và các loài thú sinh sống trên cây như vượn, vọc, các loài chim quý như hồng hoàng, đại bàng đất, công… Đây là một trong 94 khu rừng đặc dụng của Việt Nam, có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất và chứa nguồn gene quý hiếm. Năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Di sản ASEAN. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Kon Tum 1082 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử và danh thắng Măng Đen

Khu du lịch sinh thái Măng Đen nằm ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Măng Đen là cụm cứ điểm của địch, án ngữ trên đường 5 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi, nay là quốc lộ 24, cách thành phố Kon Tum khoảng 55 km về phía Đông Bắc. Đây là cụm cứ điểm của địch nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Bao quanh cứ điểm là hệ thống các vật cản phức tạp dày đặc với 10 lớp kẽm gai và 2 lớp rào. Xen kẽ các lớp hàng rào là mìn chống bộ binh, xe tăng và tuyến hào hình lòng máng rộng 4m, sâu 2,5m, cắm chông dày đặc. Bên trong xây dựng hàng trăm lô cốt bằng bê tông cốt thép, gỗ đất, có đường hầm nối liền các công sự và ba góc có ba lô cốt mẹ bằng bê tông cốt thép kiên cố. Vào giữa năm 1974, Tỉnh ủy Kon Tum và Bộ Tư lệnh B3 đã chủ trương tấn công tiêu diệt các cứ điểm của địch nhằm mở rộng vùng giải phóng, tạo đà tiến về vùng tạm chiếm Kon Tum. Sau thời gian chuẩn bị, đúng 5 giờ 30 phút sáng ngày 3 tháng 10 năm 1974, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 ra lệnh nổ súng tấn công sở chỉ huy địch. 7 giờ 55 phút hoả lực của ta đồng loạt bắn vào các mục tiêu. Sau thời gian ngắn phát triển tấn công, lúc 10h45′ ta làm chủ hoàn toàn chốt điểm M12. Trước sức mạnh tấn công của lực lượng H16, H29, cùng bộ đội chủ lực Trung đoàn Bộ binh 28 và một số binh chủng kỹ thuật của ta, ngày 12 tháng 10 năm 1974, cứ điểm cuối cùng của địch nằm sâu trong vùng giải phóng phía Đông Bắc Kon Tum đã bị xoá sổ hoàn toàn. Chiến thắng Măng Đen tháng 10 năm 1974, quân ta đã đập tan cứ điểm cuối cùng của địch nằm sâu trong vùng giải phóng của ta, phá vỡ tuyến hành lang an toàn của địch ở phía Bắc thị xã Kon Tum, làm cho quân địch ở chiến trường Bắc Tây Nguyên bị uy hiếp mạnh. Chiến thắng này đã giải phóng hàng ngàn người dân với một vùng đất rộng lớn là một niềm cổ vũ lớn lao thúc đẩy hành động cách mạng của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc ít người; đồng thời, củng cố xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương phát triển vững mạnh. Trên đà thắng lợi, lực lượng vũ trang đã bao vây quận lỵ Măng Bút, giải phóng toàn bộ nhân dân trong vùng. Cùng với thắng lợi tại các cứ điểm Đăk Pét, Măng Bút, chiến thắng Măng Đen đã góp phần mở rộng vùng giải phóng đến sát thị xã Kon Tum, tạo thế và lực mới cho chiến dịch Tây Nguyên, mở đường giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước. Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Măng Đen đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Danh thắng cấp quốc gia vào ngày 13 tháng 4 năm 2002. Nguồn:Du lịch Kon Tum

Kon Tum 1190 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu chứng tích Kon Hrinh

Khu chứng tích Nhà thờ Kon Hơ ring thuộc làng Kon Hơ ring, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum là nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Tại đây, vào đêm 25/5/1972, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dùng máy bay ném bom, oanh tạc nhà thờ, tu viện Kon Hơ ring, giết chết 500 người dân vô tội, làm hàng trăm người khác bị thương. Cách đây hơn 10 năm, để tưởng nhớ đồng bào đã thiệt mạng bởi tội ác của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng Khu chứng tích Nhà thờ Kon Hơ ring. Công trình được xây dựng kiên cố, với nhiều hạng mục chính như: Bia tưởng niệm với nội dung phản ánh tội ác của kẻ thù, khuôn viên cây xanh, hàng rào... Sau khi hoàn thành, Khu chứng tích Nhà thờ Kon Hơ ring trở thành điểm đến của người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài tỉnh. Nhà Thờ Kon Hơ ring là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi bật tại Xã Diên Bình, Huyện Đắk Tô, Tỉnh Kon Tum. Được xây dựng vào năm 1959, nhà thờ này là nơi tụ điểm của cộng đồng người dân K'ho, một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại địa phận Kon Tum. Nhà Thờ Kon Hơ ring nổi bật với kiến trúc độc đáo, lấy cảm hứng từ nền văn hóa truyền thống của dân tộc K'ho. Các mái chùa được làm từ tre và lá dừa, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc mà không kém phần ấn tượng. Bên trong nhà thờ, các bức tranh và tượng thánh được chạm trên gỗ, tạo nên không khí linh thiêng và trang nghiêm. Nhà Thờ Kon Hơ ring không chỉ là nơi tụ điểm của các nghi lễ tôn giáo mà còn là địa điểm thu hút du khách và những người yêu thích văn hóa, kiến trúc. Du khách đến đây sẽ được tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của dân tộc K'ho và cũng có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của họ. Ngoài ra, Nhà Thờ Kon Hơ ring còn là nơi bạn có thể tìm hiểu về cuộc sống tâm linh của người dân địa phương, cũng như tham gia các hoạt động tôn giáo như lễ hội, hội thảo, học tập về đạo đức và lối sống của dân tộc. Với vẻ đẹp và giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, Nhà Thờ Kon Hơ ring đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi bạn đến với Kon Tum. Hãy dành thời gian để khám phá và trải nghiệm cảm giác thanh bình, tĩnh lặng tại địa điểm này. Chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ và ý nghĩa khi đặt chân đến Nhà Thờ Kon Hơ ring. Nguồn: Cổng thông tin tỉnh Kon Tum

Kon Tum 1040 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Bác Ái

Chùa Tổ đình Bác Ái tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum. Chùa được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 8 (tức năm 1932 đến 1933). nằm trên một khu đất cao, mặt chùa quay về hướng Nam, theo lối kiến trúc Huế, hình chữ Môn, gồm có Chánh điện, Đông Lang, Tây Lang và Cổng tam quan. Quản đạo Võ Chuẩn, đã thiết kế và đốc thúc cả người kinh lẫn đồng bào dân tộc thiểu số khai phá ngọn đồi rừng già để xây chùa, thiết kế theo kiểu chữ “Môn”. Năm Tân Mùi 1931, các tỉnh miền Trung bộ bị hạn hán mất mùa liên tiếp, dân tình đói khổ. Vì vậy, cuối những năm 1931 và 1932, cuộc di dân từ các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đổ xô vào vùng đất cao nguyên và Kon Tum. Trong cuộc di dân này 70% đã bị chết đói dọc đường, 30% còn lại đến được miền đất hứa. Họ phá rừng làm nương rẫy, nhưng tại nơi này họ đã gặp bao điều không lường trước đó là thú dữ, nạn rắn hổ mang hoành hành cắn chết vô số người, dân tình hoang mang hoảng sợ, đêm đêm tại vùng đất này xảy ra nhiều hiện tượng rùng rợn. Năm 1932, Quản đạo Võ Chuẩn đã cho thỉnh ngài Hoằng Thông, thủ tọa chùa Bạch Sa, Quy Nhơn cùng chư tăng lên Kon Tum làm chay 3 ngày để cầu siêu cho những oan hồn uổng tử. Sau trai đàn chẩn tế, Ông Võ Chuẩn đã cung thỉnh ngài Hoằng Thông chứng minh khai tự hiệu Bác Ái. Bác Ái là lòng thương bao la, không phân biệt tôn giáo, người Kinh, kẻ Thượng. Chùa đã được vua Bảo Đại ban tấm biển “Sắc tứ Bác Ái Tự” vào năm 1933. Năm 1990, chùa được trùng tu với sự tổ chức của Thượng tọa trụ trì Thích Chánh Quang Nhìn tổng thể kiến trúc, chùa Tổ đình Bác Ái xây dựng theo hướng Bắc Nam, kiểu chữ Môn, mở đầu cho hướng đó là cổng tam quan án ngự, đến nhà Chánh điện ở trung tâm và 2 bên tả hữu là Đông Lang và Tây Lang. Chánh điện gồm 3 gian 2 chái. Cổ lầu chia làm 3 gian tiền đường, trung điện, và thượng điện. Mái lợp ngói, tường gạch quét vôi, trần đóng la phông. Các vì, kèo, cột đều dùng các loại gỗ quý như sao tía, trắc, cà chít, được các nghệ nhân người Huế chạm trổ trau chuốt, công phu. Gian này thờ Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh… Đặc biệt thờ một tấm bia ghi công đức của ngài Đại uý Pháp Quenin và trụ gỗ biểu tượng 7 đầu lâu của sĩ quan Nhật tự vẫn tại sân chùa vào cuối Thế chiến thứ 2. Bên ngoài chánh điện là Hoa Viên, nơi tập trung các bia mộ, tháp, miếu thờ Thần hoàng Bổn cảnh, Sơn thần, Đoàn quán và nhà trù. Qua nhiều lần trùng tu, Chùa Tổ đình Bác Ái nét kiến trúc ban đầu đã bị thay đổi, một số điểm điêu khắc độc đáo như rồng chầu, dây cuốn, đã không còn. Hệ thống tượng thờ được phủ lớp đồng sáng, không giữ được nét đẹp nguyên sơ. Tuy nhiên, một số hiện vật quý giá mang giá trị nghệ thuật tạo hình như Tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Quan Âm bằng gốm men rạn, Hoành phi, Câu đối, hộp Sắc phong, Bửu ấn…vẫn còn được trung bày, phảng phất vết tích thời gian. Hiện, Chùa Tổ Đình Bác Ái là một trong 3 ngôi đình (Đình Võ Lâm, Đình Trung Lương, Chùa Tổ đình bác Ái) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ra quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Nguồn:Du lịch Kon Tum

Kon Tum 1103 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chiến thắng Plei Kần

Plei Kần nằm ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nó nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, trên sườn đông của dãy Trường Sơn. Điểm đặc biệt của Plei Kần là nó nằm ở ngã ba giới của ba nước: Việt Nam, Lào và Campuchia. Plei Kần có một lịch sử quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trước năm 1965, Plei Kần là một ngôi làng lớn của người dân tộc Xê Đăng và các dân tộc khác như Brâu, HLăng, Kdong. Vị trí địa lý chiến lược của nó đã được nhận ra vào cuối năm 1964 khi Mỹ quyết định xây dựng cụm cứ điểm án ngữ ở đây. Plei Kần theo tiếng của đồng bào Xê Đăng là “làng lớn”. Trước năm 1965, đây là nơi chung sống thuận hòa của bà con đồng bào Xê Đăng và đồng bào Brâu trong một ngôi làng yên bình ở khu vực ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Cuối năm 1964, nhận thấy vị trí chiến lược quan trọng khu vực ngã ba biên giới Đông Dương, Mỹ ngụy thực hiện chính sách dồn dân lập ấp để cách ly đồng bào với lực lượng cách mạng, dồn dân về làng Đăk Rnăng (Tân Cảnh, Đăk Tô) lập ấp chiến lược. Năm 1966, Mỹ tiến hành xây dựng Plei Kần thành căn cứ quân sự nằm án ngữ khu vực ngã ba Đông Dương (ta thường gọi là Căn cứ Plei Kần) nhằm chặn sự tiến công của bộ đội chủ lực của ta từ Bắc vào và từ Lào, Campuchia sang. Toàn căn cứ có các khu A, B, C, D, E, được bố trí liên hoàn trên 5 quả đồi cách nhau từ 600 - 1.000 mét. Trong đó, khu A là khu trung tâm. Tại đây có 1 phân đội xe tăng, sân bay quân sự, sân bay dã chiến, trận địa pháo 155 ly, 105 ly, hệ thống hầm ngầm, lô cốt, bệnh viện, kho tàng… Căn cứ được bao bọc bởi 8 đến 12 lớp kẽm gai. Từ năm 1969, tại đây, thường xuyên có từ 450 - 500 lính biệt động biên phòng (Tiểu đoàn 95 Biệt động biên phòng) và 2 đại đội pháo binh của E 42 (Sư đoàn 22) của Ngụy. Đầu tháng 10/1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 10 nhiệm vụ tiêu diệt Căn cứ Plei Kần. Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công và hầu hết lực lượng pháo binh Sư đoàn được lệnh tiến công. 10h sáng 12/10/1972, từ các trận địa pháo xung quanh pháo binh ta dồn dập nã đạn. Tất cả các loại pháo D74, 105 ly, 155 ly DKZ, B72, cối 106 ly… đồng loạt bắn phá các mục tiêu trong căn cứ. Dưới sự yểm trợ của bộ binh, pháo binh và bộ đội đặc công cắt rào mở cửa. Đến 11h trưa, với sự yểm trợ đắc lực của pháo binh, xe tăng và bộ binh ta đã anh dũng xông lên đánh chiếm các mục tiêu. Cuộc chiến đấu trong căn cứ diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành nhau từng lô cốt, hầm ngầm, công sự… Với tinh thần quả cảm, ngoan cường, sau gần 1 ngày đêm chiến đấu, đến rạng sáng 13/10/1972, ta đã hoàn toàn làm chủ Căn cứ Plei Kần. Kết quả, ta đã diệt 404 tên địch, bắt sống 65 tên, bắn rơi và phá hủy 6 máy bay, thu 6 pháo 105 ly, 2 pháo 155 ly, 4 xe tăng và toàn bộ kho tàng đạn dược. Với chiến thắng Căn cứ Plei Kần, chúng ta đã hoàn chỉnh vùng giải phóng phía bắc Kon Tum, khai thông tuyến hành lang biên giới Đông Dương, con đường vận tải chiến lược của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trở thành một hệ thống liên hoàn vững chắc và giải phóng hàng chục ngàn dân. Ngày nay, khu di tích chiến thắng Plei Kần nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi). Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Kần được xếp hạng cấp Quốc gia ngày 15/5/2024. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum

Kon Tum 1091 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum

Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum nằm về phía Đông Bắc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Là một trong những khu căn cứ có vị trí, vai trò chiến lượt hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Tỉnh Kon Tum nói riêng và của Tây Nguyên nói chung. Căn cứ được xây dựng, củng cố và phát triển trên một địa bàn hết sức thuận lợi. nằm trong lòng cách mạng của dân cư dân tộc Xơ Đăng. Nơi đây có một địa hình chia cắt rất phức tạp, với một hệ thống đồi núi liên hoàn nằm trong quần thể núi Ngọc Linh, có thế núi cao và suối sâu vô cùng hiểm trở làm cho địch rất khó khăn trong việc phát hiện, tấn công ta. Nhưng ngược lại, đây là địa bàn rất thuận lợi cho ta về hệ thống liên lạc, nằm về cực Bắc Tây Nguyên, là cửa ngõ nối liền ra Miền Bắc XHCN, nơi tiếp giáp các khu căn cứ và các vùng cơ sở của ta từ các hướng trong tỉnh. Trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi cho ta trong quá trình di chuyển cũng như trong quá trình tấn công hoặc lui về phòng ngự. Chính những điều kiện thuận lợi như vậy, cơ quan Tỉnh uỷ đã đứng chân hoạt động và chỉ đạo đấu tranh trong suốt thời gian từ 1960 đến năm 1972. Đầu năm 1955 Ban cán sự tỉnh Kon Tum dời lên Kon Pơ Oai và Kon Pơ Ê (xã Pờ Ê), sau đó chuyển về Đăk Sơ Lò rồi lại chuyển về Nước Chè (hiện nay thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong), ổn định việc tổ chức chỉ đạo, xúc tiến khẩn trương việc chuyển hướng tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới. Cuối năm1959, Ban cán sự Tỉnh ủy Kon Tum chuyển cơ quan lên H80 (nay là huyện Tu Mơ Rông) đóng tại làng Mô Gia, xã Măng Ri để kịp thời chỉ đạo phong trào đấu tranh trong giai đoạn tới. Vì địa hình H29 (Kon Plông) xa xôi, hướng chỉ đạo không sao xát, kịp thời. Nên Ban cán sự tỉnh Kon Tum đã chọn địa điểm tại suối Đăk Y Hai thuộc xã Măng Ri làm căn cứ đứng chân, vì đây là địa bàn mang tính chiến lược về quân sự cũng như về chính trị, sau lưng án ngữ bởi dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ với độ cao 2598m nằm về phía bắc, phía đông là căn cứ khu ủy khu 5. Địa bàn này tạo cho ta một hành lang giao thông liên hoàn thuận lợi trong các tuyến đường từ đông sang tây. Ngoài ra đây còn là địa bàn chiến lược về phát triển kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước dọc theo hai dòng suối Đăk Mỹ (H30) và Đăk Pơ sy (H80), ở đây còn có một thung lũng khá bằng phẳng, đất tốt cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho ban cán sự Tỉnh ủy hoạt động lâu dài. Hơn nữa quần chúng nơi đây rất tốt, trên 70 làng là dân tộc Xơ Đăng, là cơ sở cách mạng của ta không có Ngụy lui tới. Để ổn định cho công tác hoạt động, chỉ đạo lâu dài, ngay thời gian ban đầu Ban cán sự Tỉnh ủy đã tiến hành xây dựng các phòng ban làm việc bằng những vật liệu thô sơ như tranh tre, gỗ... với diện tích của mỗi phòng rộng 25m đến 30m vuông. Ngoài ra để đảm bảo an toàn đề phòng tránh bom đạn khi địch phát hiện, Ban cán sự còn trang bị hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn bao bọc xung quanh khu làm việc của đồng chí Bí thư, Phó Bí thư của Văn phòng Tỉnh ủy, hậu cần, ban cơ yếu...Và được bố trí khá bài bản theo một hệ thống liên hoàn, khép kín trải dài từ bắc xuống nam dọc theo triền đồi ở độ cao 1922,6m nằm trong lòng hai dòng suối Đăk Y Hai lớn và Đăk Y Hai nhỏ. Tại đây, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành công 4 kỳ Đại hội Tỉnh đảng bộ (từ Đại hội 1, ngày 09-3-1960 đến Đại hội 4, ngày 26-10-1971), đề ra những quyết sách quan trọng, chỉ đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: Quyết định lệnh đồng khởi giành quyền làm chủ nông thôn ; Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968); Chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh , tiến đến giải phóng tỉnh Kon Tum … Ngoài ra, Đảng bộ tỉnh đã phát động được sức mạnh của các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, vận động được quần chúng, thực hiện tốt các nội dung cốt lõi lấy dân làm gốc. Trên cơ sở đó mà trong suốt cuộc đấu tranh chống Mỹ, nhân dân các dân tộc trong vùng căn cứ như xã Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri… đã tham gia tích cực trong mọi hoạt động. Trong đó, đặc biệt là nhân dân xã Măng Ri đã đóng góp 4000 ngày công, tham gia dân công hoả tuyến, gùi gạo, đạn dược. Cán bộ nhân dân và lực lượng vũ trang dân quân du kích của xã đã tham gia trực tiếp 17 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm tan rã 2 tiểu đoàn Mỹ, Ngụy, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đưa đón và bảo vệ hàng trăm lượt cán bộ của trên đi về an toàn, tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều đơn vị chủ lực của Tỉnh, quân khu trong thời gian tập kết tại địa bàn xã. Vót 5 triệu cây chông và bố phòng hàng trăm hố chông, chế ra các loại vũ khí tự tạo để đánh địch, đóng góp cho cách mạng mỗi năm 600 gùi lúa, 5000 gốc mỳ hàng trăm con trâu, bò, heo, gà và nhiều tấn thực phẩm khác… Di tích Căn cứ Tỉnh ủy mãi là địa chỉ đỏ, là biểu tượng lòng kiên trung cách mạng của quân và dân tỉnh Kon Tum. Với ý nghĩa lịch sử đó, Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum (giai đoạn 1960-1972) tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 02/8/2007. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum

Kon Tum 1109 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Ngục Dak Glei

Ngục Đăk Glei thuộc xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum. Cụm di tích lịch sử Ngục Đăk Glei gồm ba công trình nhỏ: Khu đồn canh gác, khu Căng an trí và khu nhà Ngục. Toàn bộ khu di tích nằm trên đồi, xung quanh núi cao, suối, thung lũng bao bọc. Ngục Đắk Glei được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1932, đây là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong những năm 1932 – 1954. Đồng thời, bọn thực dân còn cách ly những nhà hoạt động cách mạng có tầm ảnh hưởng với âm mưu kiểm soát toàn bộ Tây Nguyên. Ban đầu, ngục Đắk Glei chỉ giam những người dân không phục tùng chính sách cai trị của thực dân Pháp và tay sai. Nhưng kể từ cuối năm 1939, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản sau khi tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Không chỉ là nơi giam cầm nhà thơ cách mạng nổi tiếng như Tố Hữu, đây còn là nơi nhiều nhân vật chủ chốt của Đảng bị bắt giữ như Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Hiến, Trần Văn Trà, Lê Bá Từ, Hà Phú Hương và Nguyễn Tất Thắng. Ngục Đắk Glei là công trình kiến trúc có hình chữ nhật, gồm một tầng, diện tích khoảng 200m2, rộng 19,85m, sâu 10,2m, bao gồm 4 phòng. Nằm đối diện với ngục Đắk Glei qua một khoảng sân rộng chừng 20m là một ngôi nhà một tầng có 2 gian nhỏ, cũng được xây dựng bằng đá, gian bên ngoài là trạm gác, gian còn lại là nhà bếp. Từ ngục Đắk Glei đi xuống dưới sườn đồi khoảng 150m là nhà “ngục biệt giam” rộng khoảng 12m2, được xây dựng vào khoảng từ tháng 2 đén tháng 6/1942 ngay sau cuộc vượt ngục của hai nhà cách mạng yêu nước là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ. Tại nhà giam này, không gian vừa ngột ngạt, vừa u ám với đầy xiềng xích, gông cùm... Nằm ở khoảng giữa nhà ngục với khu đồn là căng an trí với các dãy nhà giam được xây dựng bằng tre và gỗ. Mỗi nhà giam có một sạp nằm cho tù nhân, đầu quay vào giữa, chân cùm phía ngoài, mỗi sạp chứa khoảng 20 tù binh. Vào buổi tối lính canh thường đếm chân để kiểm tra số lượng tù nhân. Vì chỉ được xây dựng bằng tre và gỗ không kiên cố nên khu vực căng an trí hiện không còn dấu tích công trình do có sự khác nhau giữa các tư liệu ghi chép, chưa thể thống kê được số lượng chính xác là 2 hay 3 cái. Ngục Đắk Glei còn được người dân Kon Tum gọi với tên thân thuộc khác là ngục Tố Hữu bởi trong thời kỳ chống Pháp, đây là nơi giam cầm nhà cách mạng, nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu. Nơi đây được gắn liền với câu chuyện vượt ngục ngoạn mục của nhà thơ Tố Hữu tại đây. Cụ thể, đầu năm 1942 Tố Hữu cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã lập kế hoạch và vượt ngục. Sau sự kiện đó, thực dân Pháp đã khủng bố những chiến sĩ cộng sản khác và bắt các đồng chí của nhân dân ta ở căng an trí giam vào ngục. Ngày nay, khu di tích đã và đang được trùng tu tôn tạo, hệ thống đường giao thông đến di tích cũng được đầu tư xây dựng thuận lợi, xứng đáng là địa chỉ đỏ cách mạng, có ý nghĩa giáo dục to lớn, một biểu tượng đầy tự hào cho tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Ngày 30/12/1991, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Ngục Đăk Glei là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum

Kon Tum 1150 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Ngục Kon Tum

“Ngục Kon Tum” có địa chỉ tại đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum. “Ngục Kon Tum” phản ánh một giai đoạn lịch sử thời kỳ đầu của phong trào đấu tranh chống quân xâm lược nước ta. Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1905 đến cuối năm 1917 mới hoàn thành. Ngục Kon Tum xây bên cạnh một rãnh nước lớn kế cận ngục phía Đông - Bắc là đường 14 (nay là đường Phan Đình Phùng - trục đường Hồ Chí Minh chạy qua thành phố Kon Tum); Tây - Nam là đồn lính khố xanh; Đông - Nam là tòa sứ, dinh quản đạo bù nhìn, Sở Cảnh sát. Chúng đặt Ngục Kon Tum vào thế bị bao vây cô lập. Để dễ bề kiểm soát chúng đào một rãnh sâu dài 150m, rộng 100m, thiết kế tại đó bốn dãy nhà theo hình hộp (vuông) diện tích khoảng 2,5ha, bốn góc ngục có 4 lô cốt xây nổi lên, đêm ngày canh phòng cẩn mật. Nhà lao xây theo kiểu pháo đài Vauban (Vô-băng) xưa của Pháp thuộc thế kỷ 17. Mái lợp ngói, vách bằng tocsi quét vôi, bốn bề không có tường bao quanh che kín như các nhà lao khác, bốn nhà dọc ngang xây liền lại với nhau thành một hình vuông, mỗi bề 18m thì có một cửa ra vào và hai chòi cao để lính gác có thể quan sát trong và ngoài lao; ở giữa là một cái sân vuông nhỏ hẹp, bề rộng của một dãy là 3,5m trong đó để 2m lát ván nằm, 1,5m là đường đi, người nằm trên sàn ván nhìn thấy ngoài sân. Ngục tù Kon Tum là nơi giam giữ tù binh chính trị bị thực dân Pháp áp giải từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá cao nguyên, mở đường 14. Theo số liệu ghi lại, nơi đây đã giam giữ khoảng 500 tù binh chính trị và gần một nửa trong số họ đã hy sinh. Cụ thể, trong quá trình 6 tháng làm con đường 14, thực dân Pháp đã bốc lột lao động của tù binh đến kiệt sức dẫn đến tình trạng 210 người phải bỏ mạng tại nơi này. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ngục tù Kon Tum được xem là lò giết người tàn bạo nhất. Ngục Kon Tum từng là nơi nổ ra rất nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường ở Đắk Pô. Tuy những cuộc biểu tình tại đây đều bị thực dân Pháp tàn sát đẫm máu nhưng sự hy sinh này đã khiến chúng thừa nhận sự thất bại và buộc phải đóng cửa vào năm 1935. Có thể nói, ngục tù Kon Tum chính là bằng chứng tố cáo tội dã man mà thực dân Pháp đã gây ra cho đồng bào ta trong giai đoạn 1930 - 1931. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ cộng sản tại mảnh đất Kon Tum. Năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, ngục tù Kon Tum trở thành Di tích lịch sử của miền Nam Việt Nam. Sau tàn tích của chiến tranh, ngày nay di tích chỉ còn lại mộ và bia tưởng niệm của 8 chiến sĩ cách mạng. Năm 1990, ngục tù Kon Tum được công nhận là khu Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum

Kon Tum 1078 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích chiến thắng đăk tô – tân cảnh

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Tây Nguyên, mở rộng vùng giải phóng và cùng với chiến thắng Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút quân khỏi Việt Nam. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của khu vực. Trong đó, Kon Tum là địa đầu phía bắc Tây Nguyên, án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; nối liền tuyến hành lang Bắc - Nam và tuyến hành lang giữa Đông và Tây Trường Sơn. Với vị trí địa chính trị quan trọng này, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng để xây dựng vùng Bắc Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở phía Bắc Tây Nguyên mà trung tâm là cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh. Từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ-Nguỵ đã cho xây dựng tại Đăk Tô - Tân Cảnh một hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2. Vì vậy, Đăk Tô - Tân Cảnh trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, nhiều chiến dịch lớn được thực hiện tại đây như: Chiến dịch Đăk Tô 1 vào năm 1967, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã tiêu diệt bộ phận Sư đoàn bộ binh 4, Sư đoàn kị binh không vận số 1 và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại điểm cao 875 đã góp phần cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Đăk Tô 2 vào năm 1969 ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ và kế hoạch “tìm diệt” của Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và đặc biệt là chiến dịch Xuân hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên mà trọng điểm là giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh. Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các đơn vị của ta đã quyết định mở chiến dịch Xuân - Hè 1972 nhằm "Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ". Đảng bộ Kon Tum đã huy động tối đa lực lượng bộ đội địa phương, du kích, dân công phối hợp cùng bộ đội chủ lực B3 Và Khu 5 tham gia chiến dịch. Về phía địch, tổng số lực lượng địch bố trị tại khu vực này lên tới 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp, địch quyết tâm tập trung lực lượng tạo thành tuyến phòng ngự vững chắc, ngăn chặn quân giải phóng đánh chiếm vùng đất Tây Nguyên. Với sự tập trung lực lượng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hai bên đã tạo ra một trận chiến gay go, quyết liệt và thắng lợi hoàn toàn nghiêng về quân giải phóng. Đúng 11 giờ trưa ngày 24-4-1972, lá cờ giải phóng do Tỉnh uỷ Kon Tum trao cho Trung đoàn 66 hôm làm lễ xuất quân được các chiến sỹ ta mang vào trận đánh, cắm tung bay trên đỉnh trung tâm căn cứ địch, báo tin giải phóng. Cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi được Mỹ - Ngụy mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên bị quân ta tiêu diệt gọn. Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ là những đòn tiêu diệt chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, nó đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam. Với quyết tâm “Trường Sơn chuyển mình - Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Đăk Tô”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã huy động tối đa sức người, sức của cho chiến dịch này. Những "rẫy mì cách mạng", "rẫy mì giải phóng", "tiếng chày giã gạo" thâu đêm.... cung cấp lương thực cho tiền tuyến hay hình ảnh người mẹ "Tay cầm khẩu súng, phía trước địu con, sau lưng cõng đạn " của Nhân dân các dân tộc Kon Tum mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp cho ý chí tất cả vì các mạng, vì độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình. Với ý nghĩa lịch sử sâu sắc, năm 2017 “Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã được Thủ Tướng Chính phủ Công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum

Kon Tum 1099 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật