Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Thanh Hóa

Đền Đồng Cổ

Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử – văn hóa của huyện Yên Định được xếp hạng cấp Quốc gia (2001), cách TP. Thanh Hóa 40 km về phía Tây Bắc. Cùng với các di tích: Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn, Núi Đọ, Núi Nưa…, đền Đồng Cổ là điểm du lịch tâm linh và về nguồn, tạo thành quần thể di tích lịch sử – văn hóa Nổi tiếng của xứ Thanh có bề dày truyền thống từ lâu đời. Du khách từ TP. Thanh Hóa, ngược Rừng Thông, qua cầu Vạn Hà (sông Chu), đến thị trấn Quán Lào, đi chừng 12 cây số lên xã Yên Thọ là đến với đền Đồng Cổ ở thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, nơi vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có những huyền thoại gắn với nhiều giai đoạn trong lịch sử đất nước. Hiếm có một di tích nào ở xứ Thanh có lịch sử lâu đời gắn liền với những huyền thoại và nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước như Đền Ðồng Cổ. Thuở xưa, với vị trí đắc địa nằm bên bờ hữu sông Mã, Đền Đồng Cổ đã trở thành điểm dừng chân của nhiều tao nhân mặc khách trên đường thiên lý. Ngày nay, danh tiếng của ngôi đền vẫn còn âm vang như mùa xuân vĩnh cửu của dân tộc thu hút du khách xa gần tìm về với cội nguồn. Cách thành phố Thanh Hoá 40km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 47 đến xã Yên Thọ (Yên Định) là du khách đã đến với Đền Đồng Cổ huyền thoại và hữu tình; cùng với di tích Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn,… đã tạo thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa có bề dày truyền thống lâu đời của xứ Thanh. Tương truyền, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần nơi đây báo mộng. Quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên linh thiêng. Lịch sử ngôi đền ở Thượng Điện đã ghi: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh (1630), miếu được xây dựng khang trang, to đẹp hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ rất hiển linh, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp Vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp Vua Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp Vua Lê - Chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước…”. Vốn là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đại vua chúa nước ta nên trong đền còn lưu giữ rất nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại. Các vương triều Trần, Lê, Trịnh - Nguyễn vẫn duy trì các nghi thức quốc lễ tại đền Đồng Cổ ở Yên Định (Thanh Hóa) và phường Bưởi (Hà Nội). Theo những người cao tuổi trong làng Đan Nê, đền Đồng Cổ từng có 38 gian, bề thế tựa lưng vào Tam Thái Sơn (hay còn gọi là dãy núi Đổng), bao quanh đền là rừng cây nguyên sinh rậm rạp, nhiều cây to, có nhiều chim, thú. Qua biết bao thăng trầm biến đổi, nay chỉ còn những ngọn núi đá với cây mọc tái sinh tầng thấp. Đền có Nghi môn gồm 3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15 (thời Lê), được ghép bằng những khối đá vuông vức, cuốn thành vòm tò vò. Theo những bậc đá lên đến ngôi miếu cổ trên núi Xuân, du khách có thể thu vào tầm mắt phong cảnh của dòng sông Mã giữa đôi bờ bạt ngàn những ruộng ngô xanh mướt, xa xa phía bên kia sông là Thành Nhà Hồ cổ kính, trường tồn cùng thời gian. Trước đền, hồ Bán Nguyệt như một tấm gương soi mây trời lồng bóng núi. Thời kháng chiến chống Pháp, hang động Ích Minh trong lòng ngọn núi Tam Thái Sơn là xưởng sản xuất vũ khí của quân đội ta, trong hang còn ghi dấu vỏ bom và những vũ khí tự tạo. Khi quân Pháp phát hiện ra chúng đã cho máy bay ném bom phá đền Đồng Cổ. Ngôi đền chỉ còn lại nền móng, hai tấm bia, miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân, và chiếc cổng Nghi môn nằm ở phía tây ngôi đền. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhà máy điện cũng sơ tán về đây, sản xuất điện phục vụ kháng chiến ngay trong lòng hang Nội ở ngọn núi bên trái ngôi đền. Năm 2010, với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc Di tích đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa) được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây thực sự là Di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt với người dân Việt Nam, nó thể hiện rõ tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam, phát huy những giá trị tiếp nối truyền thống thượng võ của dân tộc ta. Đây cũng là điểm tham quan, thưởng ngoạn và thắp hương cầu nguyện của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp xuân về. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 812 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Nguyễn Phục

Nghè Mỹ Lộc là tên mà dân gian thường gọi thay vì tên quản lý nhà nước Đền thờ Nguyễn Phục - để định danh về tâm linh, tín ngưỡng của người làng mình. Theo Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến được đóng quyển gần 20 trang bằng chữ Hán, lập ngày 24 tháng 2 năm Thiệu Trị 7, tức năm 1847 (dưới triều Nguyễn) cách nay 176 năm, thì nghè làng Mỹ Lộc thờ Đông Hải Linh ứng Huệ trạch Hoằng Hiệp Quảng nhuận (tức Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục). Theo đó, dân làng Mỹ Lộc đã rước chân hương từ nhà thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (nay thuộc phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) về lập nghè thờ Thần hoàng làng. Còn trong sách “Lịch sử Đảng bộ xã Định Tiến” (NXB Thông tin) lại ghi cụ thể rằng thời điểm đó, ở Lỗ Thôn (nay là thôn Mỹ Lộc) có cụ Mai Văn Y làm quan dưới triều vua Lê Ý tông, niên hiệu Vĩnh Hựu được sắc phong: Phấn lực tướng quân, sau là Minh Vũ tướng quân xin rước chân hương đức Thám hoa Nguyễn Phục - sắc Đông Hải - thượng đẳng thần về lập Thành hoàng làng. Nguyễn Phục quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông thi đỗ Hoàng giáp tiến sĩ niên hiệu Thái Hòa (1443-1453) thời vua Lê Nhân tông. Ông đã làm quan đến chức Hàn lâm phi viện tướng quân, kiêm chức sư phụ dạy học cho các Thần vương, Hoàng tử trong triều. Năm 1467, ông được bổ nhiệm chức tham chính sứ, xứ Thanh Hoa. Ông đã có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Chiêm Thành và trấn an cửa biển. Có lần, khi vua Lê Thánh tông đem quân đi đánh dẹp Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô chỉ huy sứ đốc vận chuyển quân nhu. Một lần đi tiếp tế quân lương, thuyền vận lương gặp bão lớn ở cửa Lạch Trào, ông quyết định chờ tan bão mới xuất quân vì thế lương bị chậm vài ngày. Quân luật khép ông vào tội “Bất tuân quân lệnh”, xử chém vào ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (1470) và táng tại địa phận phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn ngày nay. Sau khi ông mất, xét công lao của ông đã đóng góp cho đất nước, vua Lê Thánh tông đã truy tặng sắc phong và cho dựng rất nhiều đền để thờ ông. Các triều đại sau như đời Lê Hiến tông, Lê Dụ tông đều sắc phong Nguyễn Phục hàng Thượng đẳng phúc thần. Một con người khoa bảng, một người dám chịu tội trước hành động của mình, đồng thời là người thương dân, thương quân... tấm lòng ấy khiến Nhân dân khắp nơi nể phục, trong đó có dân làng Mỹ Lộc. Việc rước ngài về thờ cũng bởi mong muốn giáo dục cháu con giữ được đức, tài, để xây dựng làng, xã tốt hơn. Đó là lý do mà đền thờ Nguyễn Phục có mặt trên đất Mỹ Lộc. Đền thờ Nguyễn Phục đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 1999. Đền thờ Nguyễn Phục chính là một phần đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân thôn Mỹ Lộc (Định Tiến). Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 761 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền thờ Hoàng Minh Tự (Đền Đệ Tam)

Đền Hoàng Minh Tự Sầm Sơn nằm tại địa bàn phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Lịch sử của đền có tên thường gọi như “Hoàng Minh Tự” tên này là được đặt tên theo nhân vật, còn được đặt theo vị trí địa lý còn có tên gọi là đền Hạ hay còn gọi là đền đệ Tam (Sở dĩ gọi tên đền Hạ vì đền nằm ở chân núi Trường Lệ). Phía chân núi có đền Trung (thờ Tô Hiến Thành) đỉnh núi có đền Thượng hay còn gọi là đền Độc Cước. Về nhân vật Hoàng Minh Tự, thần họ Hoàng úy là người Bách Việt từ Nam Hoàng Hà (Trung Quốc) đến Việt Nam rồi ở lại một xã thuộc huyện Hậu Lộc Thanh Hóa. Khoảng năm Long Khánh đời nhà Trần(1373 - 1377) có giặc Chiêm thành đến xâm lấn. Vua nhà Trần thân chinh đi đánh giặc, ông đứng giữa đường đón và xin theo đi đánh giặc. Vua bèn sai ông làm đốc vận quân lương. Ông hoàn thành nhiệm vụ tốt và được vua Trần phong trước “Minh Tự”. Vì vậy nhân dân quen gọi ông là “Hoàng Minh Tự”. Khi ông mất triều đình sai dân lập đền thờ ở Thanh Hóa, theo thông kê của sách có (06) nơi thờ là: Xã Uy Hồ thôn đồng Lạc, thôn Xuân Lôi (Nay là xã Xuân Kỳ - Lộc Tân – Hậu Lộc;) thôn trường Lệ, xã Du Vịnh; Sơn thôn huyên Quảng Xương, đại danh Sơn thôn chính là đền Hoàng Minh Tự mà chúng ta đang thờ phụng đến nay đã hơn 700 năm – Là nơi thờ chính (Làng núi chính là phường Trường Sơn, hiện nay). Đền “Hoàng MinhTự” có kiến trúc kiểu chuôi vồ. Có ba thành phần chính là tiền đường, trung đường, hậu cung. Đây là kiểu kiến trúc đền sớm nhất của nước ta trong đền hiên vật cổ của đền không còn nhiều. Chỉ còn một số hiện vật như hương án, long ngai, đại tự (bức đại tự sơn son thiếp vàng ghi chữ hán”Tối linh từ” tức là đền rất thiêng). Có bốn đạo sắc phong,một cỗ kiệu song loan,một bộ áo chầu.Những hiện vật này được bảo quản tốt (Đang lưu giữ và bảo quản tại đền Độc Cước chờ ngày rước về đền Hạ . Căn cứ vào dòng chữ ghi trên thương lương ,tiền đường .Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm bảo đại thứ ba 1928 đến nay (đã tròn 80 năm).Toàn bộ kết cấu cột, xà dọc và bộ vì kèo đền làm bằng vật liệu xi măng cốt thép, làm theo kiểu vuông thành chữ nhật. Các bộ phận như kẻ, đấu, dường đố đều có trang trí họa tiết hoa văn hình mây lá. Hai bức tượng Võ quan đắp bằng vôi mật ( Do công ty tư vấn và thiết kế công trình văn hóa Bộ văn hóa – thông tin, kiểm tra và thống kê tháng 10 năm 2002). Thần “Hoàng Minh Tự” là vị thần mà các nhà nghiên cứu cho biết Thanh Hóa có 06 nơi thờ. Song phường Trường Sơn chúng ta tự hào có đền Hoàng Minh Tự là đền chính, thần “Hoàng Minh Tự” là biểu tượng hoàn hảo của tinh thần đoàn kết cộng đồng, sự lao động cần cù sáng tạo, chống lại các thế lực xấu xa, vì cuộc sống bình yên của nhân dân .vv… mà hậu sinh chúng ta đời nào cũng phải học tập. Thần Hoàng Minh Tự là hình tượng cao đẹp, không mang danh lợi, vì cuộc sống bình yên của nhân dân .vv… mà mỗi chúng ta, ai ai cũng cần học tập noi theo, xin thắp một nén hương, trầm mặc dâng lên đấng thần linh, tổ tiên mà tự nhủ với lòng mình: Hãy rũ bỏ những gì xấu xa, khuất tắt mà làm nhiều việc thiện, làm nhiều việc tốt đẹp góp phần mình xây dựng, điểm tô cho cuộc sống này, cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 810 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một ngôi chùa cổ có từ trước thời Lý và được xếp hạng di tích quốc gia; chùa thuộc địa phận thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chùa cũng là nơi thờ đại tướng Trần Hưng Đạo. Xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc xưa kia là trị sở của quận Cửu Chân gần 400 năm (suốt thời Lý, Trần). Thái úy Lý Thường Kiệt đã từng ở đây 19 năm. Cuốn từ điển di tích văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học &Xã hội (trang 582) ghi về chùa như sau: "Chùa có từ lâu, trước đời Lý. Vua Lý Nhân Tông đi tuần phương nam, xa giá dừng ở trị sở châu Ái (Thanh Hoá) rồi trở về... để báo ơn vua, chúc quốc vận trường tồn, Thông phán Chu Công (người được vua nhà Lý cử trấn giữ, cai quản Thanh Hóa) bàn giao cho huyện lệnh là Lê Chiếu dựng lại ngôi chùa cổ đã đổ nát. Dân bản huyện góp lương, góp sức, san gò, lấp trũng, thợ mộc, thợ nề, gắng sức trong 2 năm dựng xong chùa vào cuối năm mậu tuất (Hội Tường Đại Khánh 9) (1118). Quy mô kiến trúc to lớn, xây dựng chạm trổ công phu…. Qua các triều đại tiếp theo, Chùa là thiền viên có danh tiếng ở Ái Châu. Do biến động của lịch sử, chùa bị đổ nát. Năm 1952 toà tiền đường đã bị bom Pháp làm sập; tấm bia thời Lý bị sứt trán…Sau đó, chùa được các nhà sư và nhân dân quanh vùng sửa chữa lại với quy mô nhỏ, diện tích chùa bị thu hẹp. Sau này, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã được Bộ Văn hoá đưa vào danh sách Di tích quốc gia Việt Nam ngày 13/3/1990. Chùa được tu bổ lớn từ năm 1997: gác chuông, trung đường, toà tiền đường tôn tạo hoàn thành năm 2001 có kiến trúc đẹp gồm tám mái, với các cột xà, cửa… toàn bằng gỗ lim, nhà tổ cũng được tu bổ năm 2005, cầu đá năm 2007… Bộ Văn hoá thông tin đã đồng ý cho ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phê duyệt dự án tổng thể tôn tạo chùa chính và khuôn viên chùa. Đến nay (2010), phần tôn tạo cơ bản đã hoàn thành. Ngoài ra, cùng với sự đóng góp của phật tử khắp nơi, nhà chùa còn cải tạo được hồ sen trước chùa và xây cây cầu vòm bắc qua hồ sen dẫn vào chùa, tạo nên vẻ đẹp cổ kính vốn có của các ngôi chùa cổ. Hiện nay chùa còn nhiều hiện vật quý của thời Lý mà các di tích cùng thời không có. Cụ thể là: hàng rồng lớn chạm trên đá là những phần còn lại của cây tháp lớn, những đầu rồng và phượng bằng gốm rất lớn mang tư cách những con vật vũ trụ. Trên tam bảo còn để lại 3 bệ đá hoa sen tương tự bệ đá ở chùa Thầy Hà Nội, nhưng các bệ đá này đã được làm kĩ hơn ở các làn sóng dưới chân. Trong chùa còn nhiều tượng gỗ rất quý, đặc biệt là 3 pho tượng quan âm bằng gỗ được tạc vào khoảng giữa thế kỷ 17. Những đồ thờ trong chùa như bàn, ngai, khám, ỷ đã có suốt trong các thế kỷ 17, 18, 19. Chuông của chùa được đúc vào năm Gia Long thứ 11 (1812). Ngay sau khi bước qua cây cầu đá dẫn vào chùa, du khách sẽ thấy hai tượng Hộ pháp uy nghi ngay trước cổng chùa. Bước qua cổng là đến khuôn viên chính của Chùa. Bên phải là tiền đường phụ dành cho các gia chủ làm lễ. Bên trái là dãy nhà ở dành cho tăng ni trong chùa. Tiền đường chính ở giữa khá lớn và hầu hết các hoạt động tế lễ đều diễn ra ở đây. Bước qua bậc cửa, du khách sẽ thấy hiện ngay trước mặt là rất nhiều pho tượng lớn uy nghi trải dài mãi tận sâu bên trong. Ngay bên trái sảnh đường là kệ thờ các thân nhân phật tử quá cố được gửi vào chùa. Du khách có thể đi sâu vào bên trong khám phá tài năng của các nghệ nhân hoặc chứng kiến quang cảnh của các buổi cầu siêu. Chùa tổ chức lễ hội hàng năm từ ngày 8-10/2 âm lịch thu hút không những bà con phật tử nhiều nơi mà còn cả vị đại biểu của tỉnh và huyện cũng như khách thập phương về dự. Vào mùng một tết Nguyên đán, nhân dân trong huyện đi lễ rất đông. Nguồn Cổng thông tin điển tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 749 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Khải Nam

Chùa Khải Nam trước năm 1945 nằm trên địa bàn Làng Cá Lập, xã Lương Niệm, Tổng Giạc Thượng (vào đầu thế kỷ 19 đổi thành tổng Cung Thượng), Phủ Tĩnh Gia, Trấn Thanh Hoa. Nay là xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Chùa Khải Nam có nhiều tên gọi khác nhau. Trước kia chùa có tên gọi là Chùa ải hay Chùa Giạc. Chùa ải là tên nôm do đọc chệch âm từ chữ Khải, chữ hán tự mà ra, còn tên Chùa Giạc là tên gọi theo địa danh hành chính. Đến cuối thế kỷ 19 thì Chùa Khải Nam mới có tên gọi chính thức bằng chữ hán. Tên Chùa Khải Nam hiểu theo nghĩa thông thường là: Mở rộng lòng từ bi, đón nhận cứu khổ mọi chúng sinh trên Nước Nam. Đã phần nào đã nói lên tư tưởng Phật phái thời Nhà Trần. Chùa Khải Nam xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê, trước cửa Tam quan có Chợ Chùa với nhiều cây cổ thụ cao to, sầm uất. Tam quan chùa với gác chuông như một hoa sen vuon lên giữa biển lúa xanh rờn, đuợc vun bón bởi phù sa sông Mã bồi đắp. Đây là cụng trình kiến trúc nghệ thuật đậm vẻ kiến trúc của thế kỷ 17. Với nhiều phù điêu, đường nét hoa văn tinh sảo, hài hoà. Tượng Phật trong chùa đều mang giá trị nghệ thuật rất cao, cách thể hiện giáng mẫu, điêu khắc khi tạo hình, hợp với tính truyền thống của người Việt, truyền thống Phật giáo. Các tượng đều được trạm khắc rất kỹ, chau chuốt mềm mại. Khuôn mặt tượng mang dáng vẻ đôn hậu, gần gũi, mắt nhìn xuống trong sự soi rọi nội tâm và mỉm cười cứu độ. Biểu hiện tính nhân đạo rất cao. Hiện nay Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hoá còn đang lưu giữ được một số phù điêu hoa văn bằng gỗ rất đẹp của chùa Khải Nam. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các cây cổ thụ, Tam quan, Nhà Tả vu, Tường rào đã được tháo dỡ để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Đến năm Đinh Tỵ (1977) do có sự sai lầm về quan điểm giữa truyền thống văn hoá dân tộc với mê tín dị đoan. Chùa Khải Nam đã bị tháo dỡ và hư hỏng, may thay còn rất nhiều số đồ thờ cổ quý giá như Bát hương, Lư hương, Hạc đồng... vẫn còn được địa phương và Phật tử bảo quản, lưu giữ lại. Trên nền Chùa cũ, nay là Trường Tiểu học còn một cây Sanh già gần 300 tuổi hình thù cổ quái rất đẹp. Theo đánh giá của các chuyên gia Sinh vật cảnh trong nước thì cây si có giá trị gần Một Tỷ Đồng. Đây là cổ vật của toàn dân nên đang được địa phương chăm sóc giữ gìn chu đáo. Vào cuối những năm thập kỷ 80, thiên niên kỷ thứ 2. Theo nguyện vọng của nhân dân và các Phật tử. Các Cụ Ngũ hiệu Làng Cá Lập đã kêu gọi nhân dân, Phật tử trong Làng và thập phương phát tâm công đức xây dựng tạm một gian nhà gần 20m2 ngay sát Đền thờ Làng Cá Lập (Di tích LSVH cấp Quốc gia) để thờ Phật. Đến năm Giáp Tuất (1994) do nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, Nhân dân Làng Cá Lập lại đóng góp tu bổ, cơi nới rộng ngôi chùa, tô tạc thêm tượng Phật như hiện nay. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 771 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ An Dương Vương

Đền thờ An Dương Vương thuộc địa phận làng Bình Hòa, xã Quảng Châu nằm ở vị trí địa lý thuận lợi về giao thông thủy bộ, có Quốc lộ 47 chạy qua, cùng với con sông Đơ, một nhánh sông bắt nguồn từ sông Lạch Trào chạy qua trước làng về phía Nam, dãy núi Trường Lệ như bức bình phong. Xưa kia làng Bình Hòa thuộc xã Bình An, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ngày nay Bình Hòa chia làm 4 thôn: Châu Bình, Châu An, Châu Thành, Châu Chính. Theo truyền thuyết, sau khi An Dương Vương chém Mỵ Châu và nhảy xuống biển tự vẫn có đánh rơi một chiếc đai vàng vào cánh đồng trước đền bây giờ. Để tưởng nhớ đến công lao dựng nước của An Dương Vương, làng Bình Hòa đã lập đền thờ An Dương Vương và Công chúa Mỵ Châu. Sau này, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngôi đền không còn nữa. Năm 1993, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã trùng tu lại đền với các hạng mục: Thượng cung, Trung điện, Tiền đường, Đền thờ công chúa Mỵ Châu, đền thờ Mẫu, đền thờ Bác Hồ...với tổng diện tích gần 4000m2. Năm 1997, đền thờ An Dưong Vương và công chúa Mỵ Châu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 745 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cá Lập

Ngoài tên gọi dân gian, đền Cá Lập (tọa lạc trên địa bàn làng Cá Lập xưa kia) còn được biết với những tên gọi như: đền thờ Tây Phương Thành hoàng xã Quảng Tiến; Nghè làng Trấp, hay tên chữ là “Tướng công linh từ” - đền thờ vị tướng linh thiêng. Dẫu vậy, dù là tên gọi có thể khác nhau, song di tích chính là nơi thờ phụng vị tướng tài ba mà nhân dân Sầm Sơn bao đời qua vẫn thường gọi tên “Tây Phương Đại tướng quân”. Tương truyền, cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược Nguyên Mông của vương triều Trần và nhân dân Đại Việt xưa kia. Di tích đền Cá Lập trải qua hơn 700 năm khởi dựng và nhiều lần trùng tu vẫn được nhân dân trong vùng gìn giữ, bảo vệ trở thành địa điểm tín ngưỡng tâm linh thể hiện sự ngưỡng vọng của nhân dân vùng biển Sầm Sơn đối với vị tướng tài danh. Với thần tích và giá trị hiện hữu, năm 1999 di tích đền Cá Lập đã được Bộ VHTT công nhận là Di tích Quốc gia. Nguồn Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 713 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Kênh ( Chùa Hưng Phúc )

Nằm trong chùa Hưng Phúc, còn gọi là chùa Kênh (xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn), được xây dựng vào cuối mùa đông năm Giáp Tý, niên hiệu Khai Thái nguyên niên (1324) thời vua Trần Minh Tông (1314-1329), tấm bia là tài liệu gốc duy nhất ghi chép về một “hương” chiến đấu dưới thời Trần có sự đoàn kết đánh bại đội quân xâm lược Nguyên - Mông do Toa Đô chỉ huy. Chùa được xây dựng ở hương Yên Duyên để thờ Phật và thờ Thượng tướng minh tự Lê An, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (năm 1258), đồng thời được vua Trần Thái Tông phong tướng và cho gả công chúa. Là tướng cận kề Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, nên khi mất, tướng Lê An được triều đình gia phong “Đô Nguyên súy vĩ thống quản, Đại thần trụ quốc, Đại tướng quân” - một tước hiệu rất lớn dưới triều nhà Trần. Xuất phát từ tấm lòng từ bi, hiếu thuận, Lê Bằng - con thứ của Thượng tướng minh tự Lê An, đã khởi công xây dựng chùa năm 1264. Công việc chưa hoàn thành thì Lê Bằng mất, người con thứ là Lê Mạnh tiếp tục công việc và xây lại chùa rộng lớn, đẹp đẽ hơn. Năm 1326 chùa hoàn thành, gồm 11 toà nhà ngói và hai gian thảo lư khang trang, toạ ngự trên thế đất đẹp vừa trang nghiêm vừa thanh nhã. Chùa bị quân Minh xâm lược phá hủy hoàn toàn vào thế kỷ XV, chỉ còn lại tấm bia ghi chiến công của quân dân Đại Việt do tướng Lê Mạnh chỉ huy. Cụ thể, năm 1285, Lê Mạnh chỉ huy dân binh địa phương phục kích cánh quân Toa Đô từ phía Nam đi tắt qua Cổ Khê, tiến vào Thanh Hoá, đánh một trận thắng lớn ở vùng Cổ Bút. Chiến công ấy được ghi tạc trên tấm bia dựng trong chùa, một di vật quý của văn hoá Lý - Trần. Bia cao 1,5 m, rộng 0,6 m, dày 0,25 m, dựng trên lưng rùa đang xoạc chân vươn cổ về phía đông. Trán bia tạc đôi rồng chầu mặt trời uốn khúc cuồn cuộn, khỏe mạnh. Thân rồng để trơn, giản dị, đặc trưng rồng thời Lý - Trần. Bốn chữ Hưng phúc tự bi viết theo lối chữ triện trên trán bia. Hai bên là hai đường viền hoa văn cúc dây và phía dưới là sóng nước được cách điệu cao. Văn bia được soạn khắc năm khánh thành chùa, tức năm Khai Thái thứ 3 (1326), do Đô tướng quân Trần Quốc Chính đại phu soạn. Đây là một trong hơn mười tấm bia thời nhà Trần duy nhất còn lại ở Việt Nam. Bài văn bia có 2 phần: phần trên kể lại việc dựng chùa và thuật lại công tích của Lê Mạnh, phần dưới là bài minh 24 câu, ca ngợi công đức họ Lê. Với giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng của tấm bia cổ, ngày 4-9-1995 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng cấp Quốc gia Di tích bia chùa Kênh. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 723 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đề Lĩnh

Đền nằm trên một gò đất cao, tương truyền là nơi an táng của ông và hai người con gái. Đền hướng tây nam, phía trước là cánh đồng sen bát ngát, xa xa là dòng sông Đơ hiền hòa ngày đêm chảy về với biển. Đề Lĩnh người làng Bồng Báo, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), có tước quan xếp vào hạng tứ đại triều đình dưới thời Vua Lê Tương Dực (1510 -1516), là người tài trí hơn người, văn võ song toàn. Theo sử sách, từ khi được nhà vua giao trấn giữ vùng xung yếu cửa biển Sầm Sơn, ông đã tiến hành khai hoang mở đất, luyện binh, lập trại ngày đêm rèn luyện võ nghệ và chăm lo đời sống yên vui cho Nhân dân nên được mọi người rất mực ca ngợi. Trong một lần quân Minh tràn vào nước ta bằng đường biển, chúng giết dân cướp đất, tướng công Đề Lĩnh đã chiêu mộ binh sỹ đem quân đánh giặc nhưng thế trận chênh lệch lại bị cô lập không có người ứng viện kịp thời nên quân ta đã bị giăc vây hãm. Hai cô con gái của ông vì muốn báo thù cho cha nên đã cầm quân giải vây cho cha. Ba cha con chiến đấu ngoan cường cho tới giây phút cuối cùng. Ghi nhớ công lao to lớn của tướng Đề Lĩnh và hai ái nữ của ông, Nhân dân đã xây mộ, lập đền để ngày đêm kính cẩn hương khói người anh hùng dân tộc. Ngôi đền được nằm trên khoảng đất cao ráo tương truyền là phần đầu rồng linh thiêng, xung quanh là cảnh quan đẹp mắt, non nước hữu tình. Phần mộ Đề Lĩnh được xây dựng kiên cố bên trong ngôi đền.Phần mộ được ốp bới những lớp đá cổ đẹp mắt. Nơi đây còn lưu giữ 9 sắc phong cổ, được xem là báu vật của địa phương. Ngoài ra, còn có nhiều di vật cổ như: Bia ký, khánh đá, lư hương...Bảng văn chỉ có tuổi đời hàng trăm năm cũng được gìn giữ cẩn thận. Vào ngày 17 tháng giêng hằng năm, người dân địa phương lại tổ chức tế lễ hương và mở hội đấu vật để ghi nhớ công ơn đối với vị công thần của đất nước, ông tổ nghề võ vật. rải qua nhiều thế kỷ với không ít thăng trầm nhưng ngôi đền vẫn được Nhân dân chăm lo hương khói và tỏ lòng ngưỡng mộ. Năm 1993 đền đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 694 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Tô Hiến Thành

Nằm trên núi Trường Lệ, đền thờ Tô Hiến Thành là một ngôi đền cổ nổi tiếng của thị xã Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đền còn có tên gọi là Đền Đệ Nhị hay đền Trung, là một ngôi đền trong hệ thống ba đền của làng Núi hay Sầm Thôn (Đền Độc Cước là đền Thượng, đền Đệ Nhất; Đền Hoàng Minh Tự là đền Đệ Tam hay đền Hạ). Tương truyền ngôi đền đã có lịch sử trên 800 năm, là nơi thờ Tô Hiến Thành - quan đại thần phụ chính nhà Lý dưới hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý. Trải qua các thăng trầm lịch sử, ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu và xây mới. Hiện tại ngôi đền có cấu trúc hình chữ Đinh, gồm 3 cung: Bái đường, Trung đường và Hậu cung. Bái đường có ba gian thờ cộng đồng các quan, là nơi tổ chức các thể thức tế lễ vào ngày lễ hội, giỗ Ngài… Trung đường có gian, là nơi đặt khám thờ và tượng ngài Tô Hiến Thành. Hậu cung đặt khám thánh vị, sắc phong. Khuôn viên đền rộng rãi, có nhiều cây xanh che bóng. Nét cổ kính, rêu phong của ngôi đền. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 648 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Cô Tiên

Đền Cô Tiên nằm trên đỉnh hòn Đầu Voi cuối dãy núi Trường Lệ về phía Tây Nam. Hòn đầu voi là hòn thứ năm trong hệ thống phân loại dân gian. Nó có tên chữ là "Tượng Đầu Sơn" cũng có nghĩa núi Đầu Voi, vì dãy núi Trường Lệ đang chạy dài đến chỗ này chợt nhô ra một hòn hình dáng như đầu con voi đang cúi mình uống nước. Đền Cô Tiên được xây dựng vào thời Lý theo kiểu kiến trúc cổ, gồm 3 lớp: Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung. Kiểu kiến trúc hình chữ Đinh (hay kiến trúc chuôi vồ). Trải qua bao độ mưa nắng, gió bão và sự tàn phá của chiến tranh ngôi đền đã bị hư hỏng nặng. Ngôi đền đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Những năm 90 của thế kỷ XX, Ban quản lý di tích thành phố Sầm Sơn cho sửa chữa lại một số hạng mục. Lần tu sữa gần đây nhất vào năm 2010 Thành phố Sầm Sơn đã trùng tu tôn tạo lại toàn bộ ngôi đền nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính. Kinh phí xây dựng Đền là từ nguồn tiền công đức của nhân dân và du khách thập phương. Ngôi đền đã được xếp hạng Di Tích quốc gia năm 1962. Nguồn Cổng thông tin tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 742 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Độc Cước

Đền Độc Cước là đền thờ vị thần mang cùng tên, một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền Độc Cước nằm trên đỉnh núi mang tên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngay cạnh bãi biển Sầm Sơn. Đền được xây dựng vào thời nhà Trần, sang đến thời nhà Lê được được trùng tu lại nhiều lần. Đường lên đền là 45 bậc bằng đá. Tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân. Phía sau đền có Môn Lâu dựng năm 1863 bằng gỗ. Năm 1962 đền được Bộ Văn hóa, Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa .

Thanh Hóa 846 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chiến khu Ba Đình

Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887) là một trong những cuộc đấu tranh lớn và tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Di tích lịch sử Ba Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1992. Tháng 3 năm 1886 các lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa tổ chức cuộc họp tại Đồng Biên (Bồng Trung nay thuộc xã Vĩnh Tâm, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bàn kế hoạch chống Pháp. Hội nghị đã quyết định giao cho Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt phụ trách xây dựng căn cứ Ba Đình ở vùng đồng bằng phía bắc huyện Nga Sơn. Căn cứ Ba Đình là nơi bảo vệ cửa ngõ miền Trung và là bàn đạp tỏa ra đánh địch ở đồng bằng. Ba Đình nằm ở phía Tây Bắc huyện Nga Sơn, gồm ba làng là: Thượng Thọ, Mỹ Khê, Mậu Thịnh nằm liền nhau. Mỗi làng có một ngôi đình và có chung một ngôi nghè. Ba Đình nằm giữa cánh đồng chiêm trũng và hai con sông là sông Hoạt, sông Chính Đại biệt lập với khu dân cư lân cận, nhất là vào mùa mưa. Đóng quân ở Ba Đình, nghĩa quân Cần Vương có thể kiểm soát được dòng sông, dễ dàng kéo lên Bỉm Sơn, Đồng Giao để khống chế quốc lộ 1. Địa thế Ba Đình rất thuận lợi cho việc xây dựng pháo đài phòng ngự vững chắc, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt được phân công xây dựng và chỉ huy căn cứ Ba Đình. Chỉ trong 1 tháng, căn cứ Ba Đình đã được xây xong, bao quanh ba làng là một hệ thống thung lũng bằng đất, có nơi chân thành rộng 9-10 mét, mặt thành xếp bằng cọc tre, bên trong tạo lớp bùn và rơm rạ tạo thành chiếc bia đỡ đạt rất công hiệu. Bên ngoài không thể nhìn thấy được vào bên trong, phía trong có hào rộng 4m, sâu 3m, cắm cọc nhọn chông chà bằng tre. Qua cánh đồng trũng là một lũy tre dày đặc bao bọc cả 3 phía Bắc, Tây, Tây nam. Lúc đầu nghĩa quân Ba Đình chỉ có khoảng 300 người, nhưng sau đó được bổ sung thêm. Vũ khí của nghĩa quân là súng hỏa mai, súng trường, cung, nỏ, vài khẩu súng thần công tổ chức cho 10 cơ đội, mỗi cơ đội khoảng 30 người do một hiệp quân chỉ huy. Lãnh đạo tối cao của căn cứ Ba Đình là Cán lý quân vụ Phạm Bành, còn người trực tiếp chỉ huy là Đinh Công Tráng được coi là linh hồn của khởi nghĩa Ba Đình. Lực lượng nghĩa quân Ba Đình có lúc đông tới hai vạn người, tuyển từ ba làng và các vùng Thanh Hóa, bao gồm cả người Kinh, Thái, Mường. Nghĩa quân có 10 toán, mỗi toán có một hiệp quản chỉ huy. Về vũ khí, nghĩa quân tự trang bị bằng súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ. Năm 1886, nghĩa quân liên tiếp tiến công các phủ, thành, huyện lỵ, chặn đánh các đoàn xe, các toán quân lẻ, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 12 tháng 3 năm 1886 lợi dụng phiên chợ đã tấn công Tòa Công sứ Thanh Hóa. Và tiếp đó, nghĩa quân đã tấn công nhiều phủ thành, chặn đánh các đoàn xe, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Từ 18 tháng 12 năm 1886 đến 20 tháng 1 năm 1887 Đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm và tiến đánh căn cứ Ba Đình. Quân Pháp đã nã tới 16.000 quả đại bác trong vòng một ngày trời, biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa. Nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu trong suốt 32 ngày đêm chống lại đối phương đông gấp 12 lần, được trang bị vũ khí tối tân hiện đại. Trong trận chiến đấu vô cùng ác liệt này, nghĩa quân đã tỏ ra mưu trí dũng cảm, nhưng vì hỏa lực mạnh của đối phương nên nghĩa quân Ba Đình bị thương vong nhiều. Để tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, nghĩa quân Ba Đình đã mở một con đường máu vượt qua vòng vây dày đặc của quân Pháp, rút lên căn cứ Mã Cao. Đến sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp mới chiếm được Ba Đình. Sau đó, quân Pháp đã triệt hạ hoàn toàn cả ba làng của căn cứ Ba Đình, tiếp tục cho quân truy kích nghĩa quân ở Mã Cao, rồi triệt hạ luôn đồn này vào 2 tháng 2 năm 1887. Sau đó, một số đông nghĩa quân rút lên Thung Voi, Thung Khoai, rồi lên miền Tây Thanh Hóa sáp nhập với đội nghĩa quân của Cầm Bá Thước. Kết cục, thủ lĩnh Nguyễn Khế tử trận. Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại tự sát... Hoàng Bật Đạt sau bị bắt và bị Pháp chém đầu vì tinh thần bất khuất, không hàng giặc. Đinh Công Tráng thì chạy về Nghệ An. Quân Pháp treo giải cái đầu ông với giá trị tiền thưởng rất cao. Tháng 10 năm 1887, vì tham tiền thưởng, viên lý trưởng làng Chính An đã mật báo cho quân Pháp đến bắt và sát hại Đinh Công Tráng. Cuộc khởi nghĩa Ba Đình và các lãnh tụ Ba Đình được lịch sử đánh giá rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã chọn tên Ba Đình để đặt cho Quảng trường Ba Đình, nơi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn: Báo điện tử Thanh Hoá

Thanh Hóa 1283 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Chu Văn Lương

Đền thờ Chu Văn Lương (còn gọi là đình làng Nam Ngạn), xưa thuộc xã Nam Ngạn, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, nay là phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa. Đền thờ quan Đốc học Liệt hầu đồng bình chương sự Chu Văn Lương, người có công dạy chữ, bốc thuốc chữa bệnh, khai phá đất đai lập ra ấp Nam Sơn, trại Nam Ngạn và tổ chức nhân dân nơi đây đánh giặc giữ làng, có nhiều công trạng trong cuộc khánh chiến chống quân Nguyên Mông đầu thế kỷ XIII. Sau khi ngài mất, vua Trần đã ban sắc phong cho ngài là “Thượng đẳng Phúc thần” và y chuẩn cho nhân dân trại Nam Ngạn giữ gìn cúng tế. Dân làng suy tôn ông làm Thành Hoàng làng. Đền được khởi dựng từ thời Trần ở ngoài đê sông Mã, đến năm Bảo Thái thứ 4 triều Lê Dụ Tông (1723) được di dời cùng với chùa Mật Đa vào khu đất hiện nay. Trải qua các triều đại, ngôi đền đều được triều đình quan tâm tu sửa, ban thêm sắc phong, mỹ tự cho thần. Đền thờ Chu Văn Lương đã được Bộ Văn Hoá-Thể Thao xếp hạng di tích Lịch Sử Văn Hoá cấp Quốc gia ngày 6/11/1989. Hiện nay, đền thờ còn lưu giữ được nhiều mảng chạm độc đáo, đặc sắc có phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX), cùng nhiều hiện vật đồ thờ thời Lê, Nguyễn có giá trị lịch sử văn hóa như: Sắc phong, ngai thờ bài vị, bảng văn, bia đá… Lễ hội được tổ chức vào ngày sinh nhật 18 tháng 2 âm lịch và ngày giỗ 12 tháng 9 âm lịch của ngài, với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc. Hiện nay, đền thờ có vị trí địa lý như sau: Phía bắc giáp đường ngõ Đúc Tiền, phía nam giáp chùa Mật Đa và nhà dân, phía đông và phía tây giáp nhà dân. Tổng diện tích đất theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ của di tích đền Chu Văn Lương là 0,140 hét ta. Diện tích đất nghiên cứu Quy hoạch dự kiến là 0,142 hét ta. Nguồn: Trang thông tin điện tử thành phố Thanh Hoá

Thanh Hóa 1549 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Mật Đa

Chùa Mật Đa thuộc cụm Di tích lịch sử Nam Ngạn, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Theo văn bia còn lưu giữ thì chùa Mật Đa lúc đầu ở ngoại đê sông Mã, thuộc ấp Hòa Bình, xã Nam Ngạn, được xây dựng vào thời Hậu Lê - đời Bảo Thái năm thứ tư, tức năm Quý Mão 1723. Thuở ban sơ, ngôi chùa chỉ là nhà tranh vách đất, dùng để thờ Phật. Tượng Phật được tôn tạo bằng đất nung rất đẹp, cung kính, trang nghiêm. Chùa Mật Đa là một ngôi chùa cổ của Thanh Hóa còn giữ được nguyên vẹn với kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ. Chữ “Mật Đa tự” mang hàm nghĩa là nơi có hoa thơm, quả ngọt của đất Phật, có nhiều phúc đức nên từ xa xưa chùa đã thu hút rất đông khách thập phương về chiêm bái, thể hiện tâm linh, cầu phúc, làm việc thiện giúp đời. Cảnh chùa phong quang, hoa văn trang trí rất độc đáo. Quy mô ngôi chùa mang kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 2 gian hậu cung. Bên trong chính điện có treo một bức đại tự sơn son thếp vàng chạm 3 chữ “Mật Đa tự”. Ở gian giữa có 4 chữ “Pháp giới mông huân”. Gian ngoài cùng treo một bức có 4 chữ “Tam giới độc tôn”. Hậu cung là cung Tam bảo nơi đặt tượng Phật. Phía Tây Nam ngôi chùa là nhà Tăng và nhà Tổ. Kết cấu của chùa với bộ khung gỗ vững chắc, cột bằng gỗ lim, chùa lợp bằng ngói đất nung mái cong. Trong chùa bài trí tượng pháp khá đầy đủ. Đặc biệt chùa có hai tượng hộ pháp khuyến thiện và trừ ác cao hơn 3m. Sau khi xây dựng tôn tạo nhiều lần, về mặt kiến trúc điêu khắc của chùa đã có sự thay đổi hài hòa đan xen giữa các nền nghệ thuật của các thời Trần, Lê, Nguyễn... Chùa có 4 pho tượng rất đẹp do thập phương công đức. Tại bia số 2 bên trái chùa có ghi ngôi chùa này được trùng tu vào thời Bảo Đại năm thứ 3 Mậu Thìn 1928. Mật Đa tự không chỉ là một ngôi chùa đẹp linh thiêng trong tâm nguyện của Nhân dân, mà còn mang dấu ấn của một di tích lịch sử, có công trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn không bao giờ quên hình ảnh các nhà sư trong chùa đã tích cực tham gia chiến đấu. Chùa Mật Đa trở thành sở chỉ huy của trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng, là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, đạn dược, nơi cấp cứu nuôi dưỡng ban đầu cho thương binh. Chỉ nằm cách cầu Hàm Rồng gần 2km theo đường chim bay, nên chùa Mật Đa đã trở thành địa điểm cứu chữa thương binh quan trọng của trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng. Chùa Mật Đa sẽ sống mãi với những trang sử hào hùng của dân tộc và trong tâm thức tăng ni, đồng bào phật tử và Nhân dân cả nước cũng như của Nam Ngạn - Hàm Rồng, Thanh Hóa. Nguồn: Báo Thanh Hoá

Thanh Hóa 1528 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thái miếu nhà Hậu Lê

Tọa lạc tại phố Kiều Đại, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, Thái miếu nhà Hậu Lê nằm tĩnh lặng, yên bình bên những bóng cây cổ thụ hơn 200 năm tuổi. Nơi hậu thế tỏ lòng kính ngưỡng với vương triều Hậu Lê - một triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Thái miếu nhà Hậu Lê hay còn gọi là Đền Lê, Miếu Bố Vệ được xây dựng vào năm Gia Long thứ 4 (1805) là nơi thờ tự chung của các đời vua, các vị Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, Triệu tổ, Hiển tổ, Tuyên tổ cùng các vị vương công, đại thần triều hậu Lê. Điểm nhấn của Thái miếu được thể hiện ở lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn, với các công trình: Nghinh môn, sân điện, tiền điện, hậu điện. Qua Nghinh môn là bức cuốn thư (xây dựng năm 1805) một trong những hiện vật cổ còn lưu giữ. Thái miếu gồm 2 tòa: Tiền điện và Hậu điện được bố trí liền nhau theo lối trùng thềm (kiểu chữ Nhị) gồm 7 gian, mái được lợp ngói mũi hài, phía trên nóc được trang trí công phu với biểu tượng "lưỡng long chầu nguyệt". Phía trước Tiền điện có 2 cột nanh cao 6m và các con Nghê làm từ chất liệu gỗ mít, được chạm khắc tinh xảo, mang đậm chất nghệ thuật điêu khắc cổ. Tại gian giữa của Tiền Điện treo một bức hoành phi lớn có khắc 6 chữ: "Nam quốc sơn hà tự thử" (có nghĩa là nước Nam ta có từ đây), bên cạnh có hàng chữ nhỏ ghi năm dựng miếu là 1805. Trải qua biến thiên của thời gian cùng nhiều lần trùng tu, nhưng Thái miếu nhà Lê còn lưu giữ được nhiều hiện vật giá trị. Nơi đây hiện đang lưu thờ bài vị của 27 vua, Hoàng Thái Hậu cùng các vương công nhà Hậu Lê. Trong đó có 4 thánh vị cổ của các vua Lê Thái Tổ, Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông. Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Hơn 200 năm đã trôi qua, Thái miếu nhà Hậu Lê uy nghi đứng đó, cổ kính và linh thiêng, là nơi để hậu thế tìm về, chiêm ngắm, tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa giúp hậu thế phần nào hiểu được về một chặng đường phát triển của lịch sử để từ đó thêm tự hào và yêu hơn mảnh đất nơi mình được sinh ra và lớn lên. Nguồn: Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hoá

Thanh Hóa 1463 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Mai An Tiêm

Đền thờ Mai An Tiên thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, cách huyện lỵ Nga Sơn 5km về phía Đông Bắc. Ngôi đền nhỏ đơn sơ nép mình bên sườn núi nhưng chứa đựng cả một huyền thoại đẹp được lưu truyền bao đời nay. Kiến trúc của ngôi đền khá đơn giản, đền được kết cấu theo hình chữ Đinh gồm 5 gian Tiền Bái và 4 gian Hậu cung được mô phỏng theo kiến trúc đình, đền Việt Nam, có cổng tứ trụ truyền thống. Nội thất trong đền được bố trí trang nghiêm, gọn gàng. Đến thăm ngôi đền của nhân vật huyền sử - Mai An Tiêm, người khai sinh ra quả dưa hấu đỏ ai cũng có tâm trạng xúc động về một biểu tượng về tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo trong lao động. Tương truyền: Vào thời vua Hùng Vương thứ 6, Mai Yển - hiệu An Tiêm nguyên Thượng thư Lại Bộ Xuân Thu, do có nhiều công trạng nên được nhà vua rất yêu mến và gả con gái cho. Được vua yêu quý nên chàng bị các lạc hầu, lạc tướng ghen ghét, gièm pha tìm cách hãm hại;một lần vì làm phật ý vua nên chàng và gia đình bị đày ra đảo hoang sinh sống. Nhờ có loài quạ tha quả về ăn, Mai Yển đã tìm cách đuổi quạ đi và ăn thử thấy ngon, ngọt lạ thường bèn đem hạt gieo, mùa đầu đã cho nhiều quả và thứ quả đó đã nuôi sống gia đình Mai Yển, sau này người ta gọi đó là quả dưa hấu. Vụ này tiếp nối vụ kia, dưa hấu ngày càng nhiều, gia đình Mai Yển dùng không hết liền nghĩ cách, khắc chữ vào vỏ quả, bỏ xuống biển, thủy triều đã đẩy những quả dưa vào bờ, quan quân thấy vậy liền tâu lên nhà vua, mọi người cùng ăn và vui mừng khen ngon. Vua biết Mai Yển và vợ con không chết mà còn nhớ đến nhà vua, tìm cách dâng quả ngon; vua liền ra lệnh đưa Mai Yển về đất liền để phong lại chức tước. Với ý nghĩa dân gian sâu sắc, vào năm Duy Tân thứ nhất, vua sắc phong cho thôn Ngoại, huyện Nga sơn thờ phụng Mai Yển hiệu An Tiêm Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần. Đến năm Khải Định thứ 9, vua gia phong Đoan túc tôn thần, sắc cho thôn Ngoại tiếp tục thờ phụng. Đặc biệt chuẩn phong cho phép phụng thờ, dùng theo lễ quốc khánh. Năm 1989, đền thờ Mai An Tiêm thuộc xã Nga Phú, huyện Nga Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, vào ngày 12 đến 15 tháng 3 âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm, chính quyền và nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân Mai An Tiêm, người có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước. Nguồn: Du lịch Thanh Hoá

Thanh Hóa 1472 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng lịch sử nằm trên tuyến đường Bắc – Nam của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, sơn thủy hữu tình bắc qua sông Mã, với lối kiến trúc độc đáo, gắn liền với lịch sử phát triển của mảnh đất Xứ Thanh hào hùng, ý chí quật cường của người Thanh Hóa. Cầu Hàm Rồng là cây cầu đầu tiên được bắc ngang qua dòng sông Mã ở Thanh Hóa, cách trung tâm Thành phố Thanh Hóa gần 5km về phía Bắc... Đây cũng là cây cầu đường sắt duy nhất đi qua dòng sông Mã do Pháp xây dựng năm 1904 theo kiểu cầu vòm thép không có trụ, hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1946, cầu bị phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược. Năm 1963, cầu được các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ thiết kế và thi công khôi phục lại, trở thành cầu có trụ như hiện nay, với chiều rộng 17 mét, gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Trong chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, Không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam. Việc đánh phá Hàm Rồng được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chọn là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Với âm mưu cắt đứt sự chi viện Bắc - Nam, cô lập Hàm Rồng và tập trung đánh dứt điểm Hàm Rồng, vào 8 giờ 45 phút ngày 3/4/1965, 16 chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ ném bom vào địa phận Thanh Hoá với một loạt địa điểm đánh phá như cầu Đò Lèn (Hà Trung), cầu Cun (Nông Cống), ga Văn Trai (Tĩnh Gia)... Chỉ trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, quân Mỹ đã sử dụng 174 lần tốp, 454 lần máy bay; ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hoá 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (gồm các loại từ 500 đến 1.000kg), hàng trăm tên lửa, rốc-két vào các khu vực trọng điểm của Thanh Hoá. Riêng khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két. Để bảo vệ cầu Hàm Rồng, về phía ta, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tháng 12 năm 1967, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Nếu như Quân khu IV là quan trọng thì Thanh Hóa là quan trọng nhất bởi vì Thanh Hóa là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và Lào”. Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận định: “Trọng điểm đánh phá quân khu vào lúc này là Thanh Hóa, trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng, bảo vệ cầu Hàm Rồng là góp phần bảo vệ giao thông thông suốt”. Do vị trí đặc biệt quan trọng của cầu Hàm Rồng là ở hai đầu Bắc vào Nam của cầu có hai ngọn núi, núi Ngọc và núi Rồng có thể chắn được hầu hết bom rơi xuống. Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng. Điều này đã chứng minh đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta đã đi vào lịch sử như một huyền thoại khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục. Năm tháng qua đi. Cầu Hàm Rồng cùng hai chữ “Quyết Thắng” uy nghiêm tạc vào sườn núi như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Với mỗi người con Thanh Hóa, Hàm Rồng - Sông Mã còn là hiện thân của quê hương, vừa gần gũi, thân thuộc, vừa rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Nguồn: Trường Chính Trị Thanh Hóa

Thanh Hóa 1849 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Thờ Lê Hoàn

Đền Lê Hoàn ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và được ví là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh. Đền Lê Hoàn ở ngôi làng hàng trăm năm tuổi, nơi đã sinh ra vị khai quốc của Triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc - Lê Đại hành Hoàng đế. Hiện nơi đây vẫn còn một ngôi đền thờ Vua nằm ở cuối làng được mệnh danh là một trong những ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh và được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Theo sử sách, Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) tại trang Kẻ Xốp, huyện Di Phong Châu Ái (nay là làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo. Cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị. Năm lên 6 tuổi, Lê Hoàn mồ côi cả cha lẫn mẹ, làm con nuôi cụ Lê Đột ở trang Kẻ Mía (nay là làng Phong Mỹ, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lớn lên, Lê Hoàn tòng quân phò giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân, lập nhiều công trạng và được phong Thập đạo Tướng quân. Ông một lòng phò tá góp phần cùng Vua Đinh vỗ yên trăm họ, đất nước thái bình. Mùa Đông tháng 10 năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Nam Việt Vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Lê Hoàn được cử làm nhiếp chính, giúp ấu Chúa nhà Đinh giữ yên biên cương xã tắc, dẹp tan nội phản, được Thái hậu Dương Vân Nga trao áo long bào. Năm Canh Thìn 980 Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Vua đánh tan quân Tống, giữ yên bờ cõi, chinh phạt Chiêm Thành từng bước khẳng định chủ quyền đất nước dân tộc, cho đúc tiền Thiên Phú chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giao thông, thương mại. Sau đó, Lê Hoàn mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) tại Cố Đô Hoa Lư - tỉnh Ninh Bình, thi hài Lê Hoàn được an táng tại Sơn Lăng, châu Trường Yên, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi, miếu hiệu là Đại Hành Hoàng đế. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Huyện Thọ Xuân

Thanh Hóa 1649 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích khảo cổ Hang Con Moong

Di tích Hang Con Moong và các di tích phụ cận thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, có tổng diện tích 4.999.180m2, khai quật lần đầu tiên vào năm 1976. Năm 2008 - 2009, hang Con Moong được đoàn kiểm tra, nghiên cứu tổng thể và khảo sát các di tích phụ cận. Trong thời gian khai quật hang Con Moong (2010 - 2015), đoàn khảo cổ học Việt - Nga đã phát hiện thêm các di tích là hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, di tích đất đắp núi Đầu Voi, hang Mang Chiêng, Hang Diêm, đồng thời khai quật 4 di tích xung quanh là: Hang Lai (2010), hang Lý Chùn (2010), hang Mang Chiêng (2011 - 2012) và Hang Diêm (2013 - 2014). Cụ thể: 1. Hang Con Moong: nằm trong núi đá vôi tuổi Triat thượng (Upper Triassic) thuộc hệ tầng Đồng Giao (Tađg), khoảng 240 triệu năm. Hang Con Moong có địa tầng dày trung bình từ 9,5m - gồm 10 lớp có cấu trúc khác nhau. Từ lớp 1 đến lớp 6 (độ sâu từ 1m - 6m) tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 đến 10 không gặp dấu tích động thực vật, nhưng có nhiều công cụ mảnh tước, chế tác bằng đá quartz, tập trung nhất là ở lớp 10. Theo nghiên cứu bước đầu, hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa. Kết quả nghiên cứu các bon phóng xạ (C14) các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ khác cho thấy niên đại sớm nhất của Con Moong được dự đoán 40.000 đến 60.000 năm cách ngày nay. Từ kết quả khai quật khảo cổ cho thấy, hang Con Moong là 1 trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. 2. Các di tích phụ cận: - Di tích Hang Lai: nằm trong dãy núi đá vôi thuộc thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Hang có hình hàm ếch. - Di tích Hang Lý Chùn: Lòng hang như một mái đá nhỏ, cửa hướng Tây - Tây Nam, vòm cao 2m không phẳng nhiều diềm và nhũ đá rủ xuống, chiều dài sâu trên 2m, vách hang có những vỉa đá lan ra cửa, có nhiều mảng khối trầm tích chứa xương răng động vật hóa thạch. - Di tích Hang Bố Giáo: thuộc địa phận thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Hang có hai khoang, ngăn cách nhau bởi các cột nhũ đá lớn. - Di tích Đất đắp Núi Đầu Voi (hay còn gọi là Hệ thống hào lũy núi Đầu Voi, Thành đất đắp núi Đầu Voi, Thành Lý Chùn, Lũy Đầu Voi, Đồn Binh Lý Chùn) nằm sát (bao bọc ba mặt) núi Đầu Voi, trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương. - Di tích Hang Diêm: nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Hang có hình ống dài trên 50m, rộng trung bình 10m. - Di tích Hang Mang Chiêng (hay còn gọi là Vang Chiêng): nằm trong địa bàn của Vườn Quốc gia Cúc Phương, trước cửa hang có hai cây Vông lớn nên nhân dân còn gọi là hang Cây Vông. - Di tích Hang Mộc Long và Mái đá Mộc Long: nằm trên một phía của núi Chùa thuộc xã Thành Minh. Sau quá trình nghiên cứu, khai quật hang Con Moong và các di tích phụ cận, các nhà khoa học bước đầu nhận xét, đánh giá những giá trị nổi bật: - Cấu tạo địa tầng và tầng văn hóa ở di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận cho thấy, đây là di tích cư trú, mộ táng của cư dân thuộc nhiều thời kỳ. Hang Con Moong là 1 trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học, có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á. - Các di vật khai quật được ở hang Con Moong là những bằng chứng xác thực về truyền thống cư trú trong hang, chế tác và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, từ đó, có thể nghiên cứu sự thay đổi về hành vi, ứng xử của người cổ trước những biến động của cổ khí hậu và môi trường tự nhiên... - Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật ở hang Con Moong là sự thích nghi của con người với môi trường trong suốt hàng vạn năm, từ hái lượm săn bắt, tiến dần đến trồng trọt, chăn nuôi... Kết quả khai quật cho thấy, con người đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước, song không thường xuyên. Từ khoảng 25.000 - 20.000 năm trước, khí hậu ấm dần, có thời kỳ xen kẽ ấm và lạnh, người ta cư trú trong hang thường xuyên hơn. Từ sau 20.000 năm là thời kỳ nóng ẩm mưa nhiều, khiến các loài ốc và nhuyễn thể sinh sôi, là nguồn thức ăn thường xuyên của con người, bằng chứng là vỏ nhuyễn thể chất đầy cửa hang, có chỗ dày tới 4m. Từ 11.400 năm đến 8.000 năm là thời kỳ mưa nhiều, người Tiền sử liên tục cư trú ở cửa hang Con Moong. Tại khu vực này đã thu được trong địa tầng rất dày toàn vỏ ốc với hàng trăm công cụ lao động bằng đá, xương, sừng, vỏ nhuyễn thể… với kỹ nghệ chế tác công cụ phát triển từ văn hóa Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Từ 7.000 năm cách ngày nay là thời kỳ biển lùi, mưa ít, con người bắt đầu rời hang động dần chiếm lĩnh đồng bằng, ven biển, xác lập các nền văn hóa biển đầu tiên trong thời kỳ Tiền sử. Những dấu tích lớp văn hóa trên cùng ở Con Moong gồm những chiếc rìu mài và gốm văn đập thô sơ tương thích với lớp sớm nhất của văn hóa Đa Bút cho thấy sự chuyển cư của cư dân hang Con Moong đã tiến dần xuống đồng bằng ven biển, lập nên văn hóa Đa Bút. - Song song với việc hoàn thiện khai quật hang Con Moong, các nhà khoa học đã khảo sát, khai quật và nghiên cứu các hang động xung quanh khu vực hang Con Moong. Qua đây cho thấy Con Moong là di tích cổ xưa nhất, có mối quan hệ nhất định với các di tích xung quanh ở các bình tuyến khác nhau. Từ Con Moong, trải qua hàng chục ngàn năm do biến đổi của khí hậu, thời tiết dẫn đến môi trường sinh sống được mở rộng, kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, sinh hoạt ngày càng tiến bộ, người nguyên thủy đã tách ra từng bầy nhóm, di chuyển đến các hang động Mang Chiêng, hang Diêm, hang Lai, hang Mộc Long, Mái đá Mộc Long, Hang Đắng (Động Người xưa), hang Bố giáo … Những kết quả nhiên cứu đó đã góp phần nâng tầm giá trị lịch sử - văn hóa của quần thể di tích - hang động khu vực hang Con Moong. Với giá trị tiêu biểu, di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Thanh Hóa 1725 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu

Bà Triệu (tên là Triệu Thị Trinh, còn gọi là Trinh Nương, hay Triệu Ẩu), sinh năm 226, người huyện Quân Yên (Quan Yên), quận Cửu Chân. Bà có dung mạo hơn người, võ nghệ cao cường, thích giao du bạn bè, có hoài bão lớn thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người!" Năm 248, Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp trai tráng trong vùng tụ nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Ngô. Một thời gian ngắn sau, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, Bà được tướng sĩ tôn làm Chủ tướng. Trước sức mạnh của quân ta, các thành ấp của quân Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị đánh hạ. Cuộc khởi nghĩa phát triển, lan rộng ra các vùng Giao Chỉ, kéo dài vào tận Nhật Nam. Trước tình hình đó, Ngô vương Tôn Quyền đã phải cử viên tướng Lục Dận làm Thứ sử đem quân sang đàn áp. Sau nhiều trận chiến ác liệt, nghĩa quân không thể chống chọi được với cường địch. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên Núi Tùng (nay thuộc xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 22 tháng Tám, năm Mậu Thìn (248), khi mới tròn 23 tuổi. Để tưởng nhớ ân đức của Bà Triệu và các tướng sĩ, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại địa điểm trước đây Bà cùng nghĩa quân đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt. Trải qua biến cố của thời gian và lịch sử, đền thờ Bà Triệu tại Núi Tùng vẫn được nhân dân gìn giữ, là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Khu di tích Bà Triệu được xây dựng, trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ khác nhau, bao gồm các địa điểm: Đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba Ông tướng họ Lý, miếu Bàn thề, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ. 1. Đền Bà Triệu: tọa lạc hướng Bắc, gồm: Nghi môn ngoại, hồ sen hình chữ nhật, bình phong, Nghi môn trung, sân dưới, Nghi môn nội, sân trên (hai bên có Tả/hữu mạc), Tiền đường, sân thượng, Trung đường, sân thiên tỉnh, Hậu cung. 2. Khu lăng mộ Bà Triệu Lăng Bà Triệu: nằm trên đỉnh núi Tùng, hình trụ đứng (tứ giác) nhỏ dần về phía đỉnh gồm 2 tầng mái: có chiều cao từ mặt nền đến đỉnh là 5,8m. Mái lăng làm theo kiểu mái kiệu long đình, đỉnh lăng gắn hình nậm rượu. Toàn bộ Lăng được chế tác từ đá xanh nguyên khối, bên trong đặt bát hương, mặt chính của Lăng đặt bàn thờ bằng đá. Mộ: được xây cao hơn 0,50m so với nền. Cấu trúc mộ vuông bốn mặt có kích thước 1,5m, chiều cao 2,3m. Mộ được mở cửa hình vòm ra 4 phía, mái tạo dáng cong ở các góc, đỉnh mộ gắn quả cầu tròn. Tháp chúa: cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt làm bằng đá nguyên khối cao 1,45m, đế tháp cao 0,5m, vuông bốn mặt. 3. Mộ Ba ông tướng họ Lý: nằm dưới chân núi Tùng, kích thước ba ngôi mộ đều là 3m. Phía sau mộ có bàn thờ xây gạch hình chữ nhật dùng làm nơi đặt đồ tế lễ. Ngoài khu mộ còn có tấm bia đá, trán bia ghi “Kỷ niệm bia chí”. 4. Miếu Bàn thề: tương truyền đây là nơi ba anh em họ Lý tổ chức ăn thề đi theo nghĩa quân của Bà Triệu, thuộc khu ruộng Đồng Bảng, làng Phú Điền. Hiện trạng miếu chỉ là một bệ thờ xây bằng gạch, dài 2,04m, rộng 1,48, cao 1,38m. 5. Đình Phú Điền: được dựng dưới thời vua Cảnh Hưng thứ 33 (1772), tọa lạc về hướng Tây Nam, nhìn ra núi Tùng, gồm các hạng mục sau: Nghi môn: kiểu tứ trụ, bằng đá xanh nguyên khối, với 3 cửa ra vào. Cột tứ trụ lớn, chân đế tạo tác kiểu chân quỳ, bốn mặt chạm tứ linh, đỉnh cột gắn tượng chim phượng lá lật. Tòa Đại đình: kiến trúc chữ Đinh, dài 18,40m, rộng 14,37m, mặt trước có hiên rộng 1,9m, cánh cửa kiểu bức bàn. Tiền đường: có kiến trúc đẹp, hài hòa, vì kèo được chạm trổ tinh vi theo phong cách chạm lộng, chạm bong, chạm nổi, chạm chìm với đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, cá chép hóa rồng, hoa sen, hoa mai, chim sáo, hươu nai, gà trống, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ và những hoạt cảnh dân gian. Hậu cung: 3 gian 2 chái, vì kèo kiểu "giá chiêng chồng rường kẻ bẩy" với 4 hàng chân cột, 4 vì kèo gỗ. Hậu cung được mở 3 cửa, cửa kiểu bức bàn, khung gỗ được tạo tác hình tròn ở tất cả các cấu kiện. Các bức chạm khắc tập trung ở bức tường long cốt bằng gỗ, trên hệ thống xuân hoa và các bức cốn ở ngoài hiên. 6. Đền Đệ Tứ: nằm gần khu vực núi Eo, làng Phú Điền, nên nhân dân còn gọi là Nghè Eo. Tại di tích, hiện còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, trong đó, có 1 bản niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (1797). Đền gồm 2 gian xây dọc, dài 6,12m, chiều rộng trung bình 2,88m, cao 3,85m, gồm Hậu điện và Tiền đường, xây theo kiểu cuốn vòm, nền lát gạch bát màu đỏ cổ. Đền Bà Triệu, có 297 di vật, cổ vật thuộc nhiều chủng loại, đa dạng về chất liệu như giấy, gỗ, đồng, gốm,... niên đại từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. Những tài liệu, hiện vật còn được bảo lưu trong di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình tồn tại của di tích và truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, phong tục của địa phương. Di tích là nơi nhân dân làng Phú Điền tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng theo phong tục cổ truyền (ngày lễ, Tết cổ truyền, ngày mất của nhân vật lịch sử). Lễ hội đền Bà Triệu diễn ra trong 3 ngày (từ 19 - 22 tháng Hai âm lịch) gồm lễ tế, lễ rước kiệu, trò diễn dân gian với sự tham gia đông đảo của cộng đồng trong vùng và thu hút hàng vạn du khách đến tham quan và hành lễ. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Thanh Hóa 1864 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc), với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn là 200ha. Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi, ngư­ời có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418 - 1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: - Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thư­ờng trực trông coi Lam Kinh; - Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc. Về diện mạo kiến trúc của di tích hiện nay, có thể điểm tới một số công trình tiêu biểu như: Chính điện Lam Kinh: theo tư liệu lịch sử và khảo cổ học, chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, với tổng diện tích là 1.645,04m2,gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Hiện nay, trong khu vực này chỉ còn lại dấu tích nền móng, với 127 tảng kê chân cột, nền lát, bó vỉa cùng một số hiện vật khác. Thái miếu: là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Theo kết quả khai quật khảo cổ, trong khu vực này gồm 9 tòa kiến trúc. Hiện nay, đã tôn tạo, phục hồi được 5 tòa (các tòa số 3, 4, 5, 6, 7). Sân rồng: là một trong những kiến trúc có diện tích lớn nhất trong khu trung tâm của điện Lam Kinh, nằm tại phía sau Ngọ môn, chính giữa có 3 lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng. Đông trù: nằm ở phía Đông Nam của chính điện, được coi như khu vực hậu cần, bếp núc để phục vụ cho toàn bộ khu vực trung tâm của Lam Kinh. Tả vu, Hữu vu: nằm về hai bên sân rồng, hiện chỉ còn lại nền móng và một số chân tảng kê cột cùng một số hiện vật khác. Tây thất: nằm trên một gò đất nhỏ ở phía Tây của Chính Điện, ngoài phạm vi thành Nội. Hiện nay, khu vực này chỉ là phế tích kiến trúc. Cầu Bạch: mới được phục hồi, dài 17m, rộng 5,50m, bắc qua sông Ngọc, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh. Hệ thống tường thành: gồm 3 vòng thành (La thành, thành Nội và thành Ngoại). Năm 2008, một số đoạn của La thành phía Đông và phía Tây cầu Bạch đã được khôi phục (với tổng chiều dài 21m). Hồ Như Áng, kênh dẫn nước đập nhà Lê, hồ Tây: trước kia, khu vực này vốn là vùng đất trũng, xung quanh có nhiều khe suối nhỏ. Lợi dụng địa thế tự nhiên, nhà Lê đã cho đào kênh dẫn nước về hồ Tây, để cung cấp cho toàn bộ khu vực Lam Kinh. Núi Dầu: cách lăng vua Lê Thái Tổ khoảng 500m. Trên núi có đền thờ bà hàng Dầu, gắn liền với truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lăng mộ Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng: Vĩnh Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng, ở phía Nam chân núi Dầu. Năm 1995, Vĩnh Lăng đã được trùng tu, xây lại bằng gạch, bên ngoài ốp đá đục nhám, phía trước lăng có 2 tượng quan hầu và 4 đôi tượng con giống bằng đá, đứng chầu vào đường “thần đạo” của lăng. Bia Vĩnh Lăng được làm bằng đá trầm tích nguyên khối, cao 2 mét 79, rộng 1 mét 94, đặt trên lưng rùa đá. Nội dung văn bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của Lê Thái Tổ. Đây là một công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật, đồng thời cũng là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ. Lăng mộ Lê Thái Tông và Bia Hựu Lăng: nằm trên đỉnh cao của rừng Phú Lâm, thuộc xã Xuân Lam, cách Vĩnh Lăng 800 mét. Bia Hựu Lăng được dựng cách lăng khoảng 20m. Hiện nay, bia đã bị mất, chỉ còn lại rùa đá nằm nguyên ở vị trí ban đầu. Lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bia Khôn Nguyên Chí Đức: tọa lạc trên một khu đất thấp, gọi là Xà Đàm (đầm Rắn), cách Vĩnh Lăng 700 mét về phía Đông. Năm 1998, lăng mộ được trùng tu lại bằng gạch vồ, mặt ngoài trát xi măng, hai bên tạc tượng người và động vật bằng chất liệu đá. Bia Khôn Nguyên Chí Đức dựng năm Mậu Ngọ (1498), làm bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, cao 2 mét 76, rộng 1 mét 90. Trán bia và diềm bia trang trí hình rồng 5 móng và hoa lá cách điệu... Lăng mộ Lê Thánh Tông và Bia Chiêu lăng: nằm sát gò Đình (xã Xuân Lam). Bia được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống (1498). Lăng mộ vua Lê Hiến Tông và Bia Dụ Lăng: nằm ở bên phải của Vĩnh Lăng, giáp hồ Tây. Bia Dụ Lăng nằm cách lăng mộ khoảng 30 mét, được làm bằng đá nguyên khối, cao 2 mét 78, rộng 1 mét 98. Lăng mộ Lê Túc Tông và Bia Kính Lăng: được xây trên đỉnh núi “Hổ Xứ Ngọc Giăng Đèn”, thuộc địa phận xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Bia Kính Lăng được dựng vào tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), nội dung bia ghi về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Túc Tông. Đền thờ vua Lê Thái Tổ: tọa lạc ở phía Đông Nam khu di tích Lam Kinh, Năm 1996, đền này được tôn tạo lại, với kết cấu khung gỗ lim, theo mẫu thức của kiến trúc truyền thống, bao gồm các hạng mục: tiền đường, nhà cầu (ống muống) trung đường và hậu cung. Ngoài các kiến trúc kể trên, trong khu vực Lam Kinh còn có hệ thống công trình phụ trợ cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học khác. Tại Khu di tích, vào dịp tháng 8 (Âm lịch) hàng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc... Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Thanh Hóa 2004 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc lịch sử ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi đây cách trung tâm Hà Nội khoảng 140km. Thành Nhà Hồ được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ 14 tính đến hiện tại đã tồn tại hơn 600 năm. Đến năm 1962, Thành Nhà Hồ chính thức trở thành di tích cấp quốc gia. Năm 2011, di tích lịch sử này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Di sản bao gồm: Thành nội, La thành, Đàn tế Nam Giao rộng 155,5 ha và được bao bọc bởi một vùng đệm có diện tích 5078,5 ha. Vị trí của Thành được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngày nay, tòa thành vẫn còn giữ được 4 cổng thành, các cổng thành được xây bằng những khối đá lớn, nhiều khối đá nặng từ 10 đến 26 tấn. Tường thành có chu vi hơn 3,5km với nhiều đoạn tường thành gần như nguyên vẹn cùng rất nhiều hiện vật lưu dấu nơi từng được coi là kinh đô, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, đồng thời, là công trình quân sự phòng thủ lớn nhất của Nhà Hồ. Đến thăm Thành Nhà Hồ, du khách không khỏi kinh ngạc về khối lượng đá khổng lồ, cách thức lắp ghép đá xây nên những tường thành, cổng thành đồ sộ, vững trãi. Du khách càng kinh ngạc, thán phục khi biết rằng: ở cái thời cách đây tới hơn 600 năm mà ngôi thành đá to lớn này được xây dựng xong chỉ vẻn vẹn trong thời gian 3 tháng. Giá trị nổi bật của tòa thành là những khối đá nặng hàng chục tấn được ghè đẽo thủ công nhưng đạt đến công năng, hiệu quả sử dụng tối đa, riêng biệt và duy nhất có tại Đông Á những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15. Đây là kỳ tích“vô tiền khoáng hậu” hiện nay vẫn chưa được khoa học lý giải. Các đợt khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ những dấu tích kiến trúc cùng rất nhiều hiện vật từng góp mình làm nên một Tây Đô tráng lệ, uy nghiêm. Tất cả đã minh chứng rằng: Thành Nhà Hồ là một kinh đô cổ đã được xây dựng hoàn chỉnh vốn đầy đủ cung điện, đền đài, miếu mạo ở bên trong và được sử dụng liên tục trong suốt tiến trình lịch sử của văn minh Đại Việt. Di sản càng trở nên hấp dẫn, khi trong khu vực nội thành và khu vực làng cổ bao quanh thành có rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử và cả những câu chuyện truyền thuyết liên quan đến ngôi thành đặc biệt này. Ngày nay, Thành Nhà Hồ trở thành chứng nhân lịch sử và những giá trị tự thân của nó đương nhiên đã mang “tầm” thế giới khi chính thức ghi tên mình vào “ngôi đền” di sản văn hóa nhân loại. Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ giữ vai trò quan trọng, là nguồn tài nguyên vô hạn cho việc khai thác, phục vụ phát triển du lịch. Nguồn: Trang thông tin điện tử Thành Nhà Hồ

Thanh Hóa 1688 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật