Điểm di tích

Văn miếu Diên Khánh

Văn miếu Diên Khánh tọa lạc tại khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Văn miếu là nơi thờ Đức Khổng Tử, người sáng lập Nho Giáo và những bậc hiền triết là học trò của Ngài; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, tôn vinh những người đỗ đạt thành danh trong các kỳ khoa bảng. Năm 1803, vua Gia Long ra chỉ dụ lập Văn Miếu tại xã Phú Lộc, huyện Hoà Châu - thị trấn Bình Hoà, nay thuộc khóm Phú Lộc Tây - thị trấn Diên Khánh - tỉnh Khánh Hoà. Văn Miếu được xây dựng với quy mô lớn từ năm 1853 và đến năm sau thì cơ bản hoàn thành: phía trước có nhà bi đình, chính giữa có tòa tiền đường và chánh đường cao rộng, làm bằng gỗ xây tường gạch bao, các cột kèo được chạm trổ sơn son thếp vàng đẹp đẽ, uy nghiêm. Văn miếu Diên Khánh được xây trên một khu đất rộng, bằng phẳng, với tổng diện tích 1.500m2. Khi khởi dựng, Văn miếu có các công trình kiến trúc: miếu Chính và miếu Khải Thánh, được lợp bằng cỏ tranh. Năm 1849, Văn miếu được tu bổ hệ mái, thay mái tranh bằng mái ngói và dựng thêm Tả vu, Hữu vu, Khải miếu, Quan cư, Từ miếu… với quy mô rất bề thế, vững chắc. Năm 1959, Văn miếu được xây dựng lại trên nền cũ ở thôn Phú Lộc, nhưng quy mô nhỏ hơn, bao gồm: Nghi môn ngoại và tường thành; Nghi môn nội ; nhà bia (Thạch Bi đình); sân miếu; cột cờ; nhà Đông, nhà Tây (Tả Vu – Hữu Vu); Bái đường; Chánh tẩm. Về cơ bản kết cấu gian Chánh tẩm và Bái đường đưa từ Văn chỉ Phước Điền chuyển về, xây dựng thêm Tả vu, Hữu vu theo kiểu nhà cấp bốn ba gian. Tường vách xây bằng gạch thẻ, không có chái. Mái lợp ngói âm dương, sau này trùng tu thay bằng ngói Tây; hệ cửa gỗ đóng theo kiểu ván bưng, thay kiểu thượng song hạ bản cổ xưa; không phục dựng lại Khải miếu, Quan cư và Từ miếu. Hiện tại, Văn Miếu chỉ còn giữ được 2 tấm bia đá thời Tự Đức 11 (1858) giúp ta hiểu biết hơn về lịch sử, văn hoá, sinh hoạt của nhân dân Khánh Hoà và quá trình hoàn thiện khu Văn Miếu năm 1854. Ngoài ra còn có một Bài minh ở Bái Đường nói rõ hơn về sự đỗ đạt của các vị văn võ, khoa bảng, hào mục, chức sắc và các học sinh địa phương từ đầu triều Nguyễn đến thời Tự Đức. Với bề dày lịch sử, khu Văn Miếu mang giá trị to lớn về quá trình học tập, tiếp nhận tri thức và biểu hiện sự tôn sư trọng đạo, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Di tích Văn miếu Diên Khánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 15/10/1998. Nguồn: Sở văn hoá thể thao tỉnh Khánh Hoà

Khánh Hòa 1021 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Thành cổ Diên Khánh

Thành cổ Diên Khánh nằm trên đường Lý Tự Trọng, khóm Đông Môn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta thời Nhà Nguyễn. Thành cổ Diên Khánh nằm trên diện tích khoảng 36.000m2; gồm 6 đoạn tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác, dài khoảng 2.694m, xây cao khoảng 3,5m. Thành Diên Khánh được xây dựng vào năm 1793 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đã xây dựng Diên Khánh thành một căn cứ vững chắc. Hoàng tử Cảnh đã trực tiếp trông coi công cuộc xây dựng thành với hơn 3000 nhân lực từ Bình Thuận và Thuận Thành, chỉ sau hơn một tháng thì thành được xây xong. Khi xây xong, thành Diên Khánh do hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc chỉ huy trấn giữ. Trước đây trong thành có hoàng cung, bên trái là dinh Tuần Vũ, phía sau là dinh Án Sát, sâu trong phía sau nữa là dinh Lãnh Binh, phía dưới là dinh Tham Tri, ngoài ra còn có nhà kho, nhà lao kiên cố. Thành cổ Diên Khánh được đắp trên một khu đất trống, có hình dáng nhô cao giống như lưng con rùa - linh vật tượng trưng cho sự trường tồn và vững chắc. Thành có hệ thống hào sâu bên ngoài và hai bậc thang bên trong dùng làm đường lên xuống. Các góc thành được đắp nhô ra ngoài để dễ dàng quan sát, mỗi góc có một khoảng đất rộng dùng làm chỗ trú quân với một ụ đất cao khoảng 2m để đặt súng đại bác, gọi là pháo đài góc - đặc điểm nổi bật của kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban. Trên thành được trồng nhiều tre và cây gai để tăng độ vững chắc và tạo thành một hàng rào phòng ngự theo truyền thống của người Việt. Hệ thống hào bên ngoài thành có độ sâu từ 3m đến 5m, rộng hẹp không đều tùy theo địa hình. Dưới lòng hào thường xuyên có nước và nhiều chướng ngại vật. Phía ngoài hào có đường hào ngoại. Để vào trong thành phải đi qua cầu bắc qua hào nước. Ban đầu, thành Diên Khánh có 6 cửa (cổng), nhưng 2 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823, đến nay chỉ còn 4 cửa Ðông - Tây - Tiền (Nam) - Hậu (Bắc). Các cổng của thành được xây bằng gạch nung và trát vôi vữa tạo thành hình khối dài khoảng 15m. Các cổng có vòm cuốn ở giữa, rộng 2,88m và cao 2,44m, có lối đi phía dưới. Mặt ngoài cổng xây thẳng đứng, mặt trong xây tường gạch cao 1,7m dài 5m. Đường đi trên bờ thành rộng 5,35m. Hai bên cổng xây bậc cấp rộng 3m để đi lên phía trên cổng thành. Phía trên cổng thành có lầu tứ giác và bốn cửa ở bốn hướng, trên cùng là cổ lầu có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Cổ lầu cao 4,1m so với nền. Hai bên lầu tứ giác có lan can cao 0,85cm. Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất thoai thoải phía bên trong, thẳng đứng phía bên ngoài. Ngày nay các đoạn tường bằng đất không còn nối liền mạch như xưa. Tổng chiều dài tường thành bằng đất hiện nay dài khoảng 1.656m, cao 3m và bề mặt rộng 5m. Qua hơn 200 năm lịch sử, Thành Cổ Diên Khánh đã trải qua nhiều biến động thăng trầm. Để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của di tích này, ngày 16/11/1988, Bộ Văn Hóa quyết định xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử - văn hóa Quốc Gia. Trải qua sự tàn phá theo thời gian, Thành cổ Diên Khánh ngày nay đã mất nhiều đoạn tường và hào. Năm 2003, Thành Diên Khánh đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng và gia cố những nơi bị nứt tường do mưa. Năm 2010 thành được tỉnh triển khai tu bổ và bảo vệ các khu vực xung quanh. Cuối năm 2014 thì nơi đây được xây dựng thành phố đi bộ và phục hồi các công trình có giá trị lịch sử để phục vụ du lịch. Năm 1988, Thành cổ Diên Khánh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Sở văn hoá thể thao tỉnh Khánh Hoà

Khánh Hòa 233 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền thờ Trần Quý Cáp

Đền Trần Quý Cáp tọa lạc tại tổ 5, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trần Quý Cáp tự là Thích Phu, hiệu Thái Xuyên, sinh năm 1870 tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trần Quý Cáp khi nhỏ là người thông minh, học giỏi, ham hiểu biết và là người có chí khí lớn. Trần Quý Cáp sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầy biến động. Ngay từ khi 13 tuổi ông đã chứng kiến đám tang của Tổng đốc Hoàng Diệu, khi thành Thăng Long thất thủ (1882); ba năm sau ông lại chứng kiến một biến động chính trị to lớn, đó là phong trào Cần Vương yêu nước do các văn thân ở quê ông lãnh đạo nhân dân đứng lên theo hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, kêu gọi mọi người đứng lên đánh Pháp. Năm 1904 ông đi thi và đậu tiến sĩ cùng với Huỳnh Thúc Kháng, (hiện nay còn bia đề danh tiến sĩ tại triều đình Huế). Lúc này ở nước ta nền Hán học thoái trào, nền Tân học bắt đầu khởi xướng. Trần Quý Cáp thường xuyên qua lại với cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu nghiên cứu những sách báo mới, nắm bắt những tư tưởng tiến bộ và ông tự xác định trách nhiệm của mình là đề cao tân học, thông qua cải cách giáo dục để nâng cao dân trí, ý thức dân quyền, tự lực tự cường dân tộc. Tại Quảng Nam, Phan Bội Châu đã cùng với các đồng chí của mình trong đó có Trần Quý Cáp sáng lập ra tổ chức “Duy Tân hội” – một tổ chức tiền cách mạng, nó đánh dấu sự phân hóa của tầng lớp trí thức tại Việt Nam. Duy Tân hội đã chọn lọc nhiều thanh niên ưu tú để đưa đi học ở Trung Quốc, Nhật Bản…học tập ở tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự… làm nòng cốt cho phong trào cách mạng nước nhà sau này. Năm 1906 ông được xung là Giáo thọ huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa (nay là huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Ông là đại diện những nhà ái quốc cách mạng trong phong trào Duy Tân, cổ súy cho phong trào kháng chiến chống Pháp ở miền Trung. Ông cùng một số người thành lập hội nông học, hội thương, trường học… Là người có tài thao lược, giỏi trong việc vận động nhân dân, được mọi người đánh giá cao về tài năng, đức độ. Vì vậy thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến biết được vai trò quan trọng của ông trong giới sĩ phu và quần chúng lao động. Ông đã mở các lớp Tân học, rước thầy dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp ngay trong trường Phủ. Bọn quan lại ở đây rất căm tức và tìm mọi cách hãm hại ông, chúng bắt ông giữa lúc ông đang dạy học, về giam tại nhà lao Thành Diên Khánh – lúc đó là thủ phủ của Khánh Hòa. Ngày 15/6/1908, sau khi bị bắt hai tháng ông bị tuyên “trảm nêu” tại Cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp). Nhân dân Khánh Hòa thương tiếc ông, cảm phục tấm lòng trung nghĩa của ông đã hưởng ứng đấu tranh xây đền thờ Trần Quý Cáp vào năm 1970. Trần Quý Cáp mặc dù không phải là người sinh ra và lớn lên trên đất Khánh Hòa nhưng cuộc đời ông và sự nghiệp của ông gắn với mảnh đất này. Cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân như ông không thuộc về riêng một ai, mà ông thuộc về Tổ quốc, về nhân dân Việt Nam anh hùng! Đền được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Sân vận động Trần Quý Cáp của huyện Diên Khánh, nhằm nâng cao giá trị di tích, tôn vinh truyền thống văn hóa, gắn kết các hoạt động văn hóa truyền thống với hoạt động văn hóa, thể thao. Đền Trần Quý Cáp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích Quốc gia, ngày 30/8/1991. Nguồn: Sở văn hoá thể thao tỉnh Khánh Hoà

Khánh Hòa 253 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết

Hai bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là một trong những dấu tích cổ xưa trên quần đảo Trường Sa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cùng với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa là cột mốc tiền tiêu trên biển Đông của Tổ quốc. Trường Sa nằm phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, có tọa độ 80 38’ bắc 1110 55’ đông, từ vĩ độ 60 50’ đến 120.000’ bắc, kinh độ 1110 30’ đến 1170 20’ đông, với hơn 100 hòn đảo nổi và chìm, đá, cồn cát, san hô và bãi san hô, dàn trải trên một vùng biển từ đông sang tây khoảng 800km. Quần đảo chiếm một diện tích biển khoảng 160.000km2 đến 180.000km2. Đảo gần nhất là đảo Đá Lát, nằm phía tây đảo Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh gần 250 hải lý (450km về phía đông), cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) trên 600 hải lý. Các đảo có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 3m - 5m. Đảo có diện tích lớn nhất là đảo Ba Bình rộng khoảng 0,6km, sau đó đến các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn … Trước đây, Trường Sa có tên gọi là Đại Trường Sa, hay Vạn Lý Trường Sa được ghi trong sách Phủ biên tạp lục – quyển sách nổi tiếng của nhà bác học Lê Quý Đôn viết năm 1776 . Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, có vĩ độ 110 25’55’’ bắc và kinh độ 114018’00’’ đông. Bia chủ quyền đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, có vĩ độ 100 10’45’’ bắc và kinh độ 114022’00’’ đông. Các chữ trên thân các bia được khắc lõm chìm vào trong, có nội dung được ghi: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Các chữ trên thân bia được khắc lõm chìm vào trong, với nội dung: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay chỉ có đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết còn tồn tại bia chủ quyền và đó cũng là 2 bia cũ nhất còn được bảo tồn ở quần đảo Trường Sa hiện nay. Hiện nay, bia chủ quyền tại đảo Song Tử Tây còn khá nguyên vẹn, gồm phần tháp và thân bia; bia chủ quyền tại đảo Nam Yết chỉ còn phần thân. Hai bia chủ quyền này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 3/11/2011. Năm 2012, Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL công nhận cụm bia chủ quyền nói trên là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ghi nhận những giá trị lịch sử tiêu biểu của di tích và góp phần khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, ngày 13/6/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 1825/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là di tích lịch sử Quốc gia. Việc công nhận 2 bia chủ quyền trên đảo Trường Sa là Di tích lịch sử cấp quốc gia không chỉ là lời khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, mà 2 bia này cũng là bằng chứng có giá trị trong việc chứng minh chủ quyền của đất nước ta với thế giới. Tỉnh Khánh Hòa đang có kế hoạch tôn tạo các bia này thành các điểm tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử. Nguồn: Việt Nam net

Khánh Hòa 235 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Phủ Đường Ninh Hoà

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, từ thời vua Gia Long đến Minh Mệnh năm thứ 1 (1820), Phủ đường Ninh Hòa là trụ sở hành chính cấp huyện; đến thời Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) lỵ sở này được xây dựng lại với quy mô khang trang, tương xứng là trụ sở hành chính cấp huyện (sau đó là Phủ). Hiện nay, Phủ đường Ninh Hòa thuộc phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc có dạng hình chữ nhật với bốn cạnh là tường hồi bít đốc, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Về tổng thể, di tích được kết cấu theo mô típ nhà truyền thống của vùng đồng bằng Khánh Hòa theo kiểu 3 gian 2 chái. Riêng phần tường phía trước hiên và phần mái trang trí theo mô típ cấu trúc thành cổ ở cố đô Huế - kiến trúc truyền thống của thời Nguyễn. Chính điều này tạo cho di tích vừa có nét cổ kính, vừa có sự trang nghiêm mang tính chất một công đường; kết cấu kiến trúc hài hòa, giá trị nghệ thuật cao. Năm 1930, đồng thời với việc thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thì Đảng bộ huyện Tân Định cũng được thành lập. Thực hiện quyết định của Xứ ủy Nam Kỳ, trên cơ sở đánh giá cao phong trào cách mạng của huyện Tân Định, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chỉ thị cho Đảng bộ Tân Định huy động quần chúng biểu tình đấu tranh hưởng ứng phong trào ở Nghệ An. Khoảng 5 giờ sáng ngày 16/7, đoàn biểu tình tiến vào Quốc lộ I đoạn ngã ba quốc lộ I lên Bệnh viện thị xã hiện nay. Nhiều người hưởng ứng rất nhiệt tình, họ kéo nhau đi cùng đoàn biểu tình và cùng hô vang khẩu hiệu, đoàn biểu tình mỗi lúc một đông, lên đến cả ngàn người, khí thế mỗi lúc một mạnh. Đoàn biểu tình tiến vào Huyện đường, Tri huyện Đinh Bá Cẩn và bọn nha lại khiếp sợ không dám có hành động gì chống đối. Giành được thắng lợi, đoàn biểu tình tỏa ra đường diễu hành qua phố rồi tập trung trước chợ Dinh làm lễ mít tinh. Nhân dân trong khu phố và đồng bào đang mua bán trong chợ đến nghe rất đông. Đồng chí Dương Chước đứng lên vạch rõ âm mưu, tội ác của bọn thực dân, phong kiến, đồng thời nói vắn tắt chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên đấu tranh chống ách áp bức bóc lột. Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 là dấu son chói lọi mở đầu thời kỳ đấu tranh cách mạng rạng rỡ của Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Hòa. Để đánh dấu sự kiện trọng đại này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra Nghị quyết, lấy ngày 16/7 hàng năm làm “Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa”. Năm 1931, huyện Tân Định và 03 tổng của huyện Quảng Phước được sát nhập thành Phủ Ninh Hòa, huyện đường Tân Định trở thành Phủ đường Ninh Hòa. Tháng 8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Vạn Ninh bùng nổ và giành thắng lợi mở màn cho khí thế cách mạng ở Khánh Hòa. Phong trào cách mạng giành chính quyền ở Phủ Ninh Hòa lên cao, nhân dân Ninh Hòa nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền ở hầu hết các vùng nông thôn. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đóng tại Phủ đường Ninh Hòa. Ngày 02/9/1945, các cán bộ cách mạng và nhân dân địa phương đã tập trung về Phủ đường để nghe qua Radio bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Phủ đường Ninh Hòa cũng là nơi Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đã tổ chức phát động các phong trào yêu nước như: Tuần lễ vàng, Quỹ độc lập, Hũ gạo kháng chiến, Hũ gạo nuôi quân… trong những ngày đầu giành độc lập. Ngoài ra, Phủ đường Ninh Hòa cũng là nơi diễn ra các sự kiện khác như: Nơi thành lập và đóng quân của Bộ chỉ huy Tiền phương Mặt trận Nha Trang và Tây Nguyên; nơi nhân dân tập trung để nghe đồng chí Lê Văn Hiến đọc thư Bác gửi cho đồng bào, chiến sĩ Khánh Hòa; nơi tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam; nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến làm việc và sinh hoạt trong thời gian kiểm tra tình hình chiến đấu của quân và dân Khánh Hòa… Với những giá trị lịch sử-văn hóa của Phủ đường Ninh Hòa, ngày 21/8/2000 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Phủ đường Ninh Hòa là di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia. Nguồn: Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hoà

Khánh Hòa 253 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Lăng Bà Vú

Lăng Bà Vú (còn gọi là Lăng Nhũ Mẫu) tọa lạc tại tổ 9, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Lăng Bà Vú là nơi chôn cất người phụ nữ đã có công giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) qua cơn hoạn nạn lúc giao tranh với nhà Tây Sơn. Công trình do vua chỉ đạo xây dựng theo kiến trúc lăng tẩm để đền ơn đáp nghĩa nên dân gian gọi là lăng. Ngược dòng lịch sử, từ năm 1775 trở đi, Khánh Hòa là vùng đất thường xuyên xảy ra việc tranh chấp giữa quân Tây Sơn và quân Chúa Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép: Nguyễn Ánh đã 5 lần đem quân ra đánh chiếm phủ Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay) và trong tất cả những lần đó, Nguyễn Ánh đều bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, bị đuổi chạy khắp nơi, điển hình như trận thủy chiến ở khu vực Hòn Thị (1784). Khi giao tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh nhiều lần thất bại phải kéo tàn quân bỏ chạy, trong một lần khi chạy đến làng Mỹ Hiệp thì lương thực cạn kiệt, trong mình lại đang bị bệnh, quân lính vừa đói vừa kiệt sức…tình thế vô cùng nguy khốn. Trong đêm tối, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đến gõ cửa nhà một người dân để xin bát cơm đỡ dạ. Chủ nhà (tương truyền là bà Trương Thị Tiềm) động lòng trắc ẩn nên mời Nguyễn Ánh và đám tùy tùng vào nhà nghỉ ngơi. Sau đó, bà cho người giúp việc giết heo làm thịt, nấu cơm đãi tất cả mọi người, đồng thời cung cấp thêm lương thực để đi đường. Riêng đối với Nguyễn Ánh, ngoài việc lo thuốc men chu đáo, bà còn cho người vắt sữa bò cho ông uống để mau phục hồi sức khỏe. Nhờ sự chăm sóc tận tình và đối đãi tử tế ấy mà Nguyễn Ánh sớm lành bệnh, tướng sĩ dần dần phục hồi sức khỏe để tiếp tục kéo quân về phương Nam. Sau khi Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu là Gia Long (1802-1819). Nhớ lại ơn người cứu giúp năm xưa, vua sai người về làng Mỹ Hiệp đưa bà cụ ra kinh đô phụng dưỡng. Tuy nhiên, khi sứ giả tới nơi thì bà cụ đã mất. Để tỏ lòng tri ân, vua Gia Long truy phong cho bà danh hiệu “Nhũ Mẫu” (người Vú nuôi). Đồng thời, vua ra lệnh cho bộ Công cử một số thợ giỏi đang xây dựng cung điện nhà vua ở kinh đô lúc bấy giờ vào Mỹ Hiệp phối hợp với thợ địa phương xây dựng lăng mộ cho người Vú nuôi theo quy cách lăng tẩm của hoàng tộc. Khu lăng mộ được xây dựng trong hai năm, từ năm 1802 đến năm 1804 hoàn thành. Buổi lễ khánh thành được tổ chức cúng rất lớn và do quan đầu tỉnh trực tiếp làm chủ lễ. Bên cạnh đó, vì bà không có con cháu để nhang khói và tế tự, vua còn cấp ruộng đất cho bà con trong vùng cày cấy không phải nộp thuế để lo cúng giỗ của Bà (truyền khẩu là ngày 16 tháng Chạp). Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Bà, chức sắc và dân làng tập trung làm lễ giỗ rất trọng thể, đủ lễ nhạc như các lăng tẩm ở triều đình. Từ đó, việc nhang khói, cúng tế ở lăng Bà Vú vẫn do quan Tuần Vũ Khánh Hòa đến làm chủ lễ theo lệ Xuân Thu nhị kỳ. Ngày nay, Ban quản lý di tích cùng chính quyền và nhân dân địa phương vẫn tổ chức lễ giỗ Bà Vú vào ngày 16 tháng Chạp hàng năm. Lăng Bà Vú là một Di sản văn hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia tại Quyết định số 05/1999-QĐ-BVHTT ngày 12/02/1999, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Di tích không chỉ có ý nghĩa về mặt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật phản ánh sự tài hoa của các nghệ nhân dưới triều nhà Nguyễn cách đây hơn hai thế kỷ. Nguồn: Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hoà

Khánh Hòa 419 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Miếu Bình Tây Đại Tướng

Miếu Trịnh Phong tọa lạc tại xóm 1, thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu được khởi dựng năm 1886. Trịnh Phong sinh ra ở làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay là thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang), thuở nhỏ ông là người thông minh, học giỏi. Năm 1864 ông thi đậu Cử nhân võ và được triều đình nhà Nguyễn phong đến chức Đề đốc, nhậm chức tại Quảng Nam. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng và sau đó phát động chiến tranh xâm lược trên khắp nước ta. Sau đó không bao lâu chúng đã chiếm được Lục tỉnh Nam Kỳ và có tham vọng chiếm luôn cả vùng đất thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn. Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp ngày càng bộc lộ rõ, trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn chia làm hai phe: phe chủ chiến và phe chủ hòa; ông đã từ quan, trở về quê hương nung nấu ý chí, chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân xâm lược. Theo Hiệp ước năm 1884 thì Khánh Hòa là tỉnh bên trong vùng quản lý của triều đình nhà Nguyễn (thuộc Trung Kỳ). Năm 1885 vua Hàm Nghi lên ngôi, là một vị vua trẻ có lòng yêu nước nồng nàn, được Tôn Thất Thuyết – một viên tướng cầm đầu phái chủ chiến ở triều đình ủng hộ. Năm 1885, cuộc phản công ở Kinh thành Huế do Tôn Thất Thuyết chỉ huy đã nổ súng tấn công trước khi quân Pháp kịp tấn công. Cuộc phản công không thành, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, chuẩn bị kháng chiến lâu dài và ra Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước. Chiếu Cần Vương đã như một hiệu lệnh thống nhất cho phong trào yêu nước ở các địa phương. Trên phạm vi cả nước, nhân dân đã nổi dậy kháng chiến ở nhiều nơi, phong trào phát triển ngày một mạnh mẽ. Tại Khánh Hòa, Trịnh Phong đã cùng các thân hào nhân sĩ uy tín đứng lên thành lập. “Bình Tây cứu quốc đoàn” với khẩu hiệu: “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”, kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, luyện tập binh sĩ, đúc rèn vũ khí sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Do tài trí và đức độ hơn người Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm Bình Tây đại tướng, thống lĩnh nghĩa quân. Phong trào “Cần Vương” ở Khánh Hòa do Trịnh Phong đứng đầu đã được các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ nhất là về lương thực, thực phẩm, vận động thanh niên tham gia nghĩa quân. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa tuy bị dập tắt, nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường bất khuất đã để lại trong lòng nhân dân Khánh Hòa một tình cảm đặc biệt sâu sắc, nhân dân đã suy tôn ba thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tại Khánh Hòa là Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh với danh hiệu “Khánh Hòa tam kiệt”. Miếu thờ Trịnh Phong được vua Thành Thái thứ 13 (1901) ban tặng sắc phong cho “Đại Đức Khôi Tinh”, sau đó vào đời vua Khải Định thứ 9 (1924) tiếp tục phong tặng sắc phong với mỹ tự: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Thuần Chính. Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, năm 1991 Bộ Văn hóa–Thông tin đã ra quyết định xếp hạng di tích Miếu Trịnh Phong là di tích cấp Quốc gia, ngày 30/8/1991. Nguồn: Sở văn hoá và thể thao tỉnh khánh Hoà

Khánh Hòa 240 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235

Di tích Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, để chi viện vũ khí, trang bị cho cách mạng miền Nam, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ; tháng 7/1959, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 759 tổ chức đường vận chuyển trên biển mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đây là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam.Đặc biệt là chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo Đoàn 125 cho tàu C 235 sẵn sàng làm nhiệm vụ.Tàu C 235 gồm 21 cán bộ, chiến sĩ do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng và Trung úy Nguyễn Tương làm Chính trị viên, chỉ huy. * Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích: Tàu C235 có 2 chuyến đi: Chuyến thứ nhất xuất phát lúc 18h 30 phút ngày 6/02/1968, chở 16 tấn vũ khí rời cảng ở căn cứ A2 vào bến Hòn Hèo (thôn Đầm Vân - nay là thôn Tây, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Ngày 10 tháng 2, khi còn cách bờ 38 hải lý, tàu bị tàu chiến và máy bay địch bám theo. 12 giờ ngày 11/2, Sở chỉ huy lệnh cho tàu quay trở lại cảng A3. Ở A3, tàu được ngụy trang và sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp. Chuyến thứ 2, Tàu C235 rời bến lúc 11 giờ 30 phút ngày 27/2 từ vị trí A3.Đến 18 giờ ngày 29/2 khi đến ngang vùng biển Nha Trang, Tàu C235 bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Lúc 23 giờ 30 phút, tất cả đèn của tàu địch đều tắt, chúng phục kích, theo dõi tàu ta bằng ra đa. Cuộc săn đuổi Tàu C235 mà sau này địch gọi là chiếc tàu “ma” rất quyết liệt. Chúng nã đạn dữ dội rồi gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc-két. Các thủy thủ liên tiếp dùng DKZ 14 ly 5 bắn về phía tàu địch. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Cuối cùng, khi tàu vào gần bờ, quân ta nhảy khỏi tàu bơi vào bờ và cho nổ tàu để dịch mất dấu. 14 cán bộ, chiến sỹ tàu C235 đã anh dũng hy sinh. Tàu C235 còn lại 7 đồng chí, tất cả đều thương tích đầy mình. Anh em cố gắng dìu nhau di chuyển khắp vùng núi đá Hòn Hèo để tránh sự lùng sục của địch và tìm du kích bến. Mười một ngày phơi dưới nắng, không lương thực, không nước uống, những chiến sĩ Tàu C235 kiệt sức. Đến ngày thứ 12 các cán bộ chiến sĩ mới liên lạc được với du kích ở bến và lúc này chỉ còn lại 05 đồng chí. Sau thời gian điều trị và phục hồi sức khỏe, họ đã vượt núi, băng qua đại ngàn Trường Sơn và trở lại miền Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Với giá trị tiêu biểu về lịch sử, quân sự, sự chiến đấu và anh dũng hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ tàu C235 thể hiện tính nhân văn cao đẹp và sâu sắc, thể hiện truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày 26/4/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 1262/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Sở văn hoá thể thảo tỉnh Khánh Hoà

Khánh Hòa 236 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang (hay còn có tên gọi khác là Vịnh Bình Cang) là một vịnh ven bờ biển nằm ở phía Đông thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 250km2 với 19 đảo lớn nhỏ nổi bật trên nền biển xanh ngọc, những bãi cát trắng phau: Hòn Tre, Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Rơm, Hòn Rùa, Hòn Đỏ, Hòn Yến, Hòn Vung, Hòn Nọc… Trong đó, Hòn Tre là đảo lớn nhất với diện tích 32,5 km2, nằm sừng sững giữa lòng biển Vịnh Nha Trang. Hòn đảo nhỏ nhất là hòn Nọc với diện tích 4ha. Cùng với Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang là vịnh thứ hai của Việt Nam có vinh dự trở thành thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới vào tháng 6 năm 2003. Nhờ vẻ đẹp ưu đãi từ thiên nhiên, Vịnh Nha Trang sở hữu đầy đủ các yếu tố núi, biển, hải đảo, đầm phá, làng quê, ruộng đồng trù phú thể hiện rõ bản sắc dân tộc Việt Nam. Vẻ đẹp nơi đây được ví như một bức tranh sinh động đủ các sắc màu mà chỉ một lần đặt chân đến đây, bạn sẽ khó lòng quên được vẻ đẹp dịu dàng, hữu tình mà tạo hóa đã ban tặng cho thành phố. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Vịnh Nha Trang không chỉ là điểm du lịch để du khách tới nghỉ dưỡng, tắm biển mà còn là nơi giúp du khách có cơ hội khám phá về thế giới tự nhiên xung quanh với đa dạng các loài động thực vật quý hiếm: chim yến, san hô, trai ngọc môi vàng, bào ngư bầu dục… Vòng cung bờ vịnh Nha Trang có thể chia làm ba đoạn với ba tiểu cánh cung rất đẹp, tựa như một đóa hoa hình bán nguyệt có ba cánh hoa nhỏ, bao gồm: tiểu cánh cung phía bắc từ mũi Cù Hin đến Hòn Chồng (đồi La San), cánh cung thư hai dài và rộng hơn, là trung tâm của bờ vịnh, kéo dài từ Hòn Chồng đến lầu Bảo Đại (núi Cảnh Long), cánh cung thứ ba về phía nam vòng cung vịnh là tiểu cánh cung từ Lầu Bảo Đại đến mũi Cù Hin giáp địa phận huyện Cam Lâm. Trên bờ vịnh có nhiều cảnh đẹp đặc sắc khác nhau, rất đa dạng và phong phú. Vịnh Nha Trang có nét đẹp bao la của biển trời mênh mông xanh ngát với những đảo lớn nhỏ nổi bật lên trên mặt biển trong xanh thăm thẳm và những bãi cát trắng phau, vàng óng dưới ánh mặt trời trải dài ở một số hòn đảo và ven bờ biển trên vòng cung vịnh. Đặc biệt, một số đảo có chim yến làm tổ là nguồn lợi vô giá, từ yến sào đầy chất bổ dưỡng trở thành “vàng trắng” của Việt Nam. Dưới lòng vịnh, ngoài vô số tài nguyên sản vật biển còn có các rạn san hô như ở khu vực đảo hòn Mun hình thành những thuỷ cung đầy màu sắc sinh động mà du khách không thể bỏ qua khi đến tham quan vịnh Nha Trang. Thêm vào đó, di chỉ khảo cổ học tại làng đảo Bích Đầm thuộc văn hóa Xóm Cồn góp phần nâng tầm giá trị di sản văn hoá cho vịnh Nha Trang. Tất cả những điều đó đã làm sinh động cho vùng biển đảo giàu tiềm năng kinh tế du lịch. Vịnh Nha Trang còn được tôn vinh bởi thành phố trẻ, đẹp, năng động, đang từng ngày từng giờ thay da đổi thịt một cách diệu kỳ, làm ngỡ ngàng, xao xuyến, rung động biết bao con tim khi đã một lần đến đây. Người Nha Trang luôn tự hào và dù có đi nơi đâu, ở chân trời góc biển nào vẫn luôn nhớ về Nha Trang hiền hoà xinh đẹp và có nhiều người chọn Nha Trang làm nơi lập nghiệp, định cư và trở thành quê hương thứ hai. Nguồn: Du lịch Nha Trang

Khánh Hòa 458 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Lễ hội Tháp Bà Pônagar

Lễ hội Tháp Bà Pônagar ở tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (năm 2012). Lễ hội Tháp Bà diễn ra hàng năm tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Tháp Bà Pônagar, trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người Kinh (Việt) và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế ... Nữ thần Pônagar là Mẹ xứ sở của người Chăm, có tên gọi đầy đủ là Yang Pô Inư Nagar. Vốn mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, khi người Việt vào sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa (khoảng năm 1653) đã “tiếp biến” tín ngưỡng này và gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Các truyền thuyết về Thiên Y A Na Thánh Mẫu đã được Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, tổng hợp, biên soạn và cho khắc bia dựng vào năm 1856 ở tại di tích Tháp Bà Pônagar. Các vua triều Nguyễn đã ban các sắc phong cho Thiên Y Thánh Mẫu là Thượng đẳng thần. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm, gồm những nghi thức chính sau: - Lễ thay y: được tiến hành đúng giờ Ngọ ngày 20 tháng 3. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Các thành viên trong đội thay y thực hiện việc sắp xếp đồ lễ trong dinh và cởi xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và các cánh hoa có mùi thơm (5 loại). Sau khi tắm, tượng Mẹ được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng. Những bộ xiêm y sau khi thay được giặt sạch, rồi đưa ra trưng bày để du khách và nhân dân chiêm ngưỡng. Nước và khăn dùng để tắm tượng cho Mẹ xong được người dân xin về để lấy phước hoặc rửa mặt hay tắm cho trẻ con, hoặc tưới lên ghe thuyền, ... với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn, ... - Lễ thả hoa đăng: diễn ra từ 19 giờ đến 21giờ ngày 20 tháng 3. Nến và hoa được thả trên sông để cầu siêu cho các vong linh, với hơn mười ngàn chiếc hoa đăng nhỏ và năm hoa đăng lớn ... - Lễ cầu quốc thái dân an: bắt đầu từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 21 tháng 3, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Đây là đại lễ cầu cho đất nước thanh bình, phồn vinh, nhân dân an vui, hạnh phúc. - Lễ cúng Ngọ, cúng thí thực: diễn ra từ 12 giờ đến 12 giờ 30 ngày 21 tháng 3 tại ngôi tháp chính, để dâng Mẫu và bố thí cho các cô hồn … - Tế lễ cổ truyền: diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ ngày 23 tháng 3, do các cụ hào lão đình Cù Lao dâng lễ theo nghi thức cổ truyền, rất trang nghiêm. - Lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương: diễn ra từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 23 tháng 3. Sân lễ được dựng trước Mandapa (tiền đình), mặt hướng vào điện thờ Đức Thánh Mẫu. Hát thứ lễ là hát cúng Bà và hát cho thần linh xem, do các đoàn Hát Bội thực hiện. Trong lúc diễn, yêu cầu diễn viên phải diễn nghiêm túc và tích tuồng được diễn cũng phải được chọn lựa và theo dõi gắt gao. Lễ Tôn Vương được cử hành rất trang trọng trước khi tuồng kết thúc và trở thành một lệ bắt buộc phải có khi hát ở lễ hội Tháp Bà. - Lễ Dâng hương tạ Mẫu: diễn ra từ 23 giờ đến 24 giờ ngày 23 tháng 3, để dâng hương đăng lễ tạ Mẫu. - Múa Bóng và hát Văn: diễn ra trong suốt các ngày lễ hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những buổi biểu diễn các tích tuồng cổ liên quan đến Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Múa Bóng là một hoạt động đặc sắc trong lễ hội Tháp Bà. - Hội thi rước nước và bày mâm hoa quả dâng Mẫu: diễn ra từ 10 giờ đến 15 giờ ngày 23 tháng 3. Hội này dành cho các đoàn về dự lễ hội tháp Bà. Mâm lễ của đoàn nào đẹp nhất được dâng lên Mẫu ở tháp chính, các mâm còn lại sẽ được dâng ở các tháp khác trong di tích Tháp Bà Pônagar. Khu di tích tháp Bà ở Nha Trang, nơi diễn ra lễ hội Tháp Bà hàng năm, chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của qúa trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Khánh Hòa 233 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Điểm di tích nổi bật