Di tích lịch sử

Bắc Kạn

Đền Phja Khao

Công trình đền Phja Khao được bà con địa phương góp sức xây dựng trên đỉnh núi Phja Khao, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn từ năm 1933. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quen thuộc, gắn bó lâu đời với đời sống của người dân địa phương. Đền Phja Khao thờ Đức Thánh Trần, người đã có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII để giữ vững bờ cõi cho quốc thái, dân an. Phối thờ những công nhân mỏ quặng, đã bị thực dân Pháp giết hại. Năm 2017, đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đỉnh Phja Khao có rất nhiều mỏ chì kẽm là chứng tích lịch sử ghi lại sự bóc lột của thực dân Pháp đối với công nhân mỏ Bản Thi, từ năm 1909 – 1941. Tại đây hơn trăm năm trước, khi Công ty Khai thác và luyện kim Đông Dương đã bỏ nhiều vốn đầu tư vào mỏ, nhất là xây dựng công trình cáp treo dài hơn 3km và đường sắt vận chuyển quặng. Được biết, hồi toàn thịnh, khu mỏ có tới 5.000 công nhân, 80 thư ký, đến năm 1942 chỉ còn 500 thợ và 5 người Âu quản lý. Trong vòng 27 năm (1914 - 1941), Pháp đã mang về nước trên 350.000 tấn quặng kẽm. Phja Khao là nơi mang lại lợi nhuận cho thực dân, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều thành phần phức tạp, hay xảy ra cướp bóc, chém giết. Trên đỉnh Phja Khao, Cách điểm di tích chừng 15m là một vực sâu mà theo như người dân bản địa, từ trên miệng vực không thể nhìn được tới đáy bởi quanh năm mù sương. đó là nơi mà thực dân Pháp ném những cu li (phu mỏ) ốm yếu hoặc người dám phản kháng từ trên núi xuống. Tại đây có những khu nghỉ dưỡng của thực dân Pháp, nơi nhân viên quản lý mỏ dưỡng nhàn. Khu nghỉ dưỡng được xây dựng cách đây cả 100 năm giờ chỉ còn là phế tích, cây đã mọc kín vách tường tạo nét cổ kính, rêu phong. Hoà bình lặp lại nơi đây không còn những khu mỏ, những khu nhà nghỉ dưỡng của thực dân Pháp. Đỉnh Phja Khao lại trở về vẻ bình yên, tĩnh lặng vốn có của núi rừng. nơi đây trở thành khu bảo tồn sinh quyển. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh ở đây rất đa dạng về động thực vật. Có cả voọc, vạc hoa, những loài có tên trong Sách đỏ đặc biệt cần được bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 581 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Thắm

Đền Thắm thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn với nhiều huyền sử, huyền tích đã đi vào tâm thức các cư dân vùng núi nơi đây. Đền nằm ngay cạnh con đường rải nhựa cấp phối dẫn đến xã Quảng Chu, cách quốc lộ 3 chưa đầy 4km cách thành phố Bắc Kạn 45km về phía Nam. Đền thờ vị nữ tướng có tên là Thắm - người có công lớn trong công cuộc chống giặc Cờ Đen vào nửa cuối thế kỷ XIX. Trước đây đền là nơi thờ Sơn thần, Thuỷ thần để cầu cho thuyền bè được qua lại bình yên. Cho đến cuối thế kỷ XIX đền được tu bổ để thờ phụng vị nữ tướng có công lớn đánh giặc Cờ Đen là cô Thắm. Chuyện kể rằng, có hai cha con ông lão đánh cá mưu sinh bên khúc sông Tràng Cổ. Một năm thiên tai, lụt lội, con nước hung dữ đã cuốn trôi thuyền, lưới của ông lão nghèo khổ. Sau khi nước rút, ông lão mang chài ra sông. Đến khi chiều xuống ông mới cất được một mẻ nặng trịch nhưng buồn thay chỉ là một tảng đá. Những lần tiếp theo, vẫn chỉ có tảng đá đó vào lưới. Ông bỏ sang khúc sông khác, vẫn cất lên tảng đá kỳ lạ kia. Ông toan vứt bỏ thì có tiếng vọng từ trong lòng đá: “Ông lão, hãy mang tôi về”. Thấy lạ, ông mang theo tảng đá biết nói về nhà. Đến nơi, mệt bã người ông quăng tảng đá xuống đất, nó va phải một tảng đá khác, vỡ ra. Kỳ lạ thay, rực một màu vàng trong bụng đá. Đó là những thỏi vàng, nghĩ rằng Giàng (Trời) cho làng để bù đắp tai ương lụt lội, ông đem vàng chia cho khắp người dân quanh vùng. Có vàng nhưng hai cha con ông lão vẫn làm lụng kiếm sống bên khúc sông Tràng Cổ. Biết ơn, người dân nơi đây đã lập đền thờ hai hòn đá Sơn thần, Thủy thần để thuyền bè qua lại bình an. Cô Thắm con ông lão đánh cá nết na hiền thục lại xinh đẹp có tiếng, trai khắp mường trên, mường dưới đều mơ ước được kết tóc xe duyên cùng nàng. Đương tuổi xuân thì, nàng bị tay Chúa mường dùng quyền lực bắt về làm vợ. Nàng sống trong cảnh vàng son mà tủi nhục trăm bề, nhất là khi lũ giặc Cờ Đen kéo sang nhũng nhiễu, tên Chúa mường chẳng những không chống giặc mà còn làm tay sai cho chúng. Nàng đã tìm mọi cách thoát ra khỏi nhà tên Chúa mường, tập hợp dân nghèo vùng lên đánh giặc. Tên Chúa mường uất hận và muốn lập công đã dẫn giặc đến đánh. Vị nữ tướng cầm quân kiên cường đánh trả. Tại khúc sông Tràng Cổ đã diễn ra một trận kịch chiến, máu chảy thành sông mà quân sĩ Cô Thắm vẫn không hề nao núng. Chẳng may, nữ tướng trúng phải tên độc mà mất, quân sĩ tức giận quyết chiến để rửa thù. Giặc khiếp sợ tháo chạy tán loạn, tên Chúa mường bị bắt sống và bị xử tử để tế vị chủ tướng. Để tưởng nhớ vị nữ tướng can trường, người dân đã lập đền thờ cô Thắm. Quần thể đền Thắm gồm đền chính, miếu cô Thắm và miếu Sơn thần. Đền chính được chia làm ba gian, thờ: Ngũ vị tôn ông, Bách Linh, Đức thánh Trần Hưng Đạo, mẫu Thượng Thiên, Phật Quan âm. Miếu thờ cô Thắm nằm kề ngay bên đền chính, về phía trái có kiến trúc bê tông cuốn vòm, trên bệ thờ là tượng cô Thắm mặc áo xanh, dưới bệ có đôi chim phượng tạc bằng đá. Hàng năm, du khách thập phương về đền Thắm lễ bái, cầu nguyện rất đông, nhất là dịp giêng hai. Sau nhiều năm tôn dựng và tu sửa, năm 2012 ngôi đền được xếp hạng cấp tỉnh là di tích lịch sử - văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Bắc Kạn 1030 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di tích lịch sử Khuổi Linh, đồi Khau Mạ

Di tích lịch sử Khuổi Linh (thuộc xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn) là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng và văn phòng Trung ương từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1950. Nơi ở của đồng chí Trường Chinh nằm trên sườn đồi, chỗ làm việc nằm trên đỉnh một mỏm đồi kê sát nơi ở thuộc chân núi Khau Bon. Khu vực văn phòng Trung ương Đảng nằm trên một quả đồi gần nơi ở của đồng chí Trường Chinh. Khu di tích Khuổi Linh ở vào vị trí rất hiểm trở nhưng giao thông lại rất thuận lợi cho việc liên lạc đi các hướng. Ngày 18/3/1996, Khuổi Linh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2000, xã Nghĩa Tá được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Di tích lịch sử Đồi Khau Mạ thuộc bản Vèn, xã Lương Bằng (Chợ Đồn) là nơi đồng chí Phạm Văn Đồng - nguyên Thủ tướng Chính phủ cùng cơ quan Văn Phòng Chính phủ ở và làm việc từ đầu năm 1950 đến mùa hè năm1951. Tại nơi này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cùng với Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân Dân Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh tổ chức họp bàn mở chiến dịch biên giới năm 1950, mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam. Có thể nói, trong thời kì ở chiến khu Việt Bắc, đặc biệt là thời kì sống và làm việc ở Khau Mạ - Bản Vèn (Lương Bằng), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhiều hoạt động tích cực cùng với Trung ương Đảng và Bác Hồ lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Năm 1996, nhân dân xã Lương Bằng đã vinh dự đón nhận Bằng di tích lịch sử do Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1247 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thạch Long

Chùa Thạch Long (Rồng đá) thuộc xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây được mệnh danh là “chùa thiêng trong hang đá”. Ngôi chùa chứa trong mình nhiều sự tích, huyền sử đẹp. Chùa Thạch Long thu hút hàng ngàn khách thập phương tới dự hội và dâng hương cầu phúc, cầu tài mỗi dịp xuân về. Nhiều người nói rằng, đi khắp Bắc chí Nam chưa thấy chùa nào nằm trong hang núi đá rộng, sạch mà thoáng như chùa Thạch Long. Tăng ni Phật tử tới dự hội có thể vào hang lễ Phật tới hàng ngàn người. Chuyện kể rằng, ngày xưa, người dân xã Vi Hương - Bạch Thông xuôi dòng sông Cầu rước tượng Phật Thích Ca về thờ ở làng mình là Hoa Sơn, trên đỉnh dãy núi Phja Bjoóc. Tượng Phật bằng vàng rất nặng nên khi ngược lên Vi Hương phải kéo bằng mảng. Đến vằng Bó Mi thuộc xã Cao Kỳ ngày nay, mảng cứ xoay tròn không sao đi được. Trời đã tối, đêm ấy, người đi rước tượng phải căng lều ngủ tại vằng Bó Mi để hôm sau tính tiếp. Sáng hôm sau tỉnh dậy, họ hốt hoảng không thấy Đức Phật đâu. Người đi rước tượng đành thắp một bó nhang to và khấn: “Nếu ngài muốn ở đây thì con đành thuận theo ý ngài, nhưng ngài hãy cho con biết nơi ngài đang thượng tọa để con cháu đời sau thờ phụng hương khói”. Dứt lời, bó nhang cuộn khói bay sang bên kia bờ sông, luồn mãi vào trong núi. Người rước tượng cứ đi theo khói nhang ấy và phát hiện ra một hang động tuyệt đẹp, rộng thênh thang. Đức Phật Thích Ca đã ngự tọa ở chốn cao nhất. Biết hang đá thiêng, từ đó dân làng lập chùa ngay tại hang đá này. Chùa có tên Thạch Long (con rồng đá) là vì hang động nằm trong núi đá, cổng hang có hình miệng con rồng đang há. Chùa có hai phần chính. Phần thứ nhất là chùa Thiên. Chùa này nằm ở trên cao, có một bậc đá xếp từ chân núi dẫn thẳng lên tới cửa động. Gian cao nhất thờ Đức Phật Thích Ca. Ở gian trung, trên bệ cao nhất có ảnh thờ Bác Hồ. Phần thứ hai của chùa là chùa Âm, đường đến chùa Âm phải đi vòng quanh sườn núi. Cửa vào chùa Âm hẹp hơn chùa Thiên một chút. Lòng hang cũng không rộng bằng chùa Thiên. Ước chừng cao khoảng 6m, rộng 6m và có ngách ăn sâu vào bên trong. Cả chùa Thiên và chùa Âm đều có nhiều tượng thiên tạo hình các Chư Phật. Trong lòng chùa Thiên, vách đá tự chia thành từng múi như những chiếc lọng cao và sang trọng che cho các vị Chư Phật ngồi dưới. Không chỉ chứa trong mình nhiều huyền tích, chùa Thạch Long còn là một di tích lịch sử, là niềm tự hào của bà con xã Cao Kỳ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã 3 lần đến đây. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chùa trở thành trạm vận chuyển vũ khí và là kho vũ khí bí mật của quân đội ta. Hoà bình lập lại, chùa lại được bà con thờ tự như xưa. Hội chùa Thạch Long được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm, thu hút rất nhiều du khách thập phương, họ đến để dâng hương cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình và người thân. Chùa Thạch Long không những là thắng cảnh đẹp của Bắc Kạn, mà còn là một di tích lịch sử. Di tích này đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, bảo vệ, tôn tạo để trở thành điểm du lịch văn hoá hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1196 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Di Tích Đồi Nà Pậu

Địa danh Nà Pậu - xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Cùng với di tích lịch sử Bản Ca, Khuổi Linh, Đồi Pù Cọ, Khau Mạ, Nà Quân và Nà Pậu là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc đầu năm 1951. Đầu năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến làm việc tại Nà Pậu, thuộc bản Thít, xã Lương Bằng (Chợ Đồn). Trên quả đồi này, Trung ương Đảng đã cho làm hầm, dựng lán để Người làm việc. Nà Pậu - nơi Người ở và làm việc có địa thế rất thuận tiện cho hoạt động cũng như khi di chuyển để tránh tai mắt kẻ thù. Phía trước đồi Nà Pậu là một đám ruộng rộng, có khả năng quan sát phía xa, bên cạnh là một con suối trong vắt cung cấp nguồn nước, phía sau liền với cánh rừng đại ngàn mà khi có động, Người và các đồng chí trong cơ quan có thể rút thẳng sang xã Phong Huân, Nghĩa Tá hoặc sang thẳng Chiêm Hóa (Tuyên Quang) rất an toàn. Từ Km 18, đường 254 Chợ Đồn - Thái Nguyên, men theo con đường mòn của bản Thít khoảng 150m là đến đồi Nà Pậu. Nhà của Người có hai gian, một gian để làm việc, một gian để nghỉ ngơi và một nhà khoảng 6 gian để cho anh em cơ quan (đơn vị 41) ở”. Cách nền nhà khoảng 70m đi về hướng Tây là căn hầm trú ẩn của Hồ Chủ tịch. Căn hầm có hình chữ T, chiều cao cửa hầm là 1,5m, đi sâu vào 4m thì chia làm 2 ngách cân đối. Tuy thời gian đã lâu, mưa xói đất lấp mất một chút cửa hầm nhưng căn hầm vẫn như còn được giữ nguyên vẹn. Từ hầm của Hồ Chủ tịch đi ra phía trước khoảng 5 - 6m có một cây cổ thụ khá lớn, có tuổi khoảng 90 - 100 năm, dân địa phương gọi là cây Phay. Trước cửa hầm là một khu đất bằng phẳng, nơi trước đây Người thường tăng gia trồng rau… Trước đồi Nà Pậu là suối Nà Pậu, bên cạnh có 2 cây đại thụ đan chéo nhau, dưới tán cây có tảng đá to, nơi Người thường câu cá, tắm giặt. Tại Nà Pậu, Người đã viết nhiều bức thư và điện mừng gửi tới các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước. Ngày 20/1/1951, Người ký quyết định khen thưởng các đơn vị bộ đội đã chiến thắng trong chiến dịch Trung Du và Đông Bắc, đồng thời gửi 4 lá cờ danh dự để trao tặng cho các đơn vị bộ đội đạt nhiều thành tích và lập nhiều chiến công xuất sắc. Cũng trong thời gian này, Người đã ký nhiều quyết định quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi. Người còn đi thăm một số cơ quan của Trung ương Đảng, quân đội đóng trên địa bàn Chợ Đồn, động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ, đồng bào hăng hái thi đua giết giặc và lao động sản xuất phục vụ kháng chiến. Chiều ngày 27/2/1951, Hồ Chủ tịch rời Nà Pậu - Lương Bằng lên đường đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ngày 28/6/1996, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận và xếp hạng Di tích Đồi Nà Pậu xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1155 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Bản Ca

Di tích lịch sử Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi Bác Hồ từng sống và làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đã ở Bản Ca từ ngày 7/12/1947 đến cuối tháng 12/1947. Ban đầu Người cho dựng lán trại ở đầu suối Bản Ca, sau đó cho dựng thêm một lán nữa ở đồi Khau Phay gần dân trong bản. Hai lán này cách nhau 800m, bên cạnh có lán đặt máy chữ để in ấn và soạn thảo tài liệu, máy soạn thảo văn bản và lán của các chiến sĩ bảo vệ. Theo người dân nơi đây kể lại, trong thời gian sống và làm việc tại đây, Người sống rất giản dị và gần gũi với nhân dân, cũng mặc áo nâu, đeo túi vải như người dân. Người làm việc có giờ giấc, sau giờ làm việc, Người thường tập thể dục và tham gia trồng rau xanh cùng cán bộ trong Phủ Chủ tịch. Người thường xuyên đến thăm các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng khác ở Chợ Đồn nhưng thỉnh thoảng mới đi ngựa còn lại là đi bộ. Trong thời gian ở đây, Bác Hồ đã từng ra nhiều sắc lệnh, chỉ thị, thư từ như: Người kí sắc lệnh khen thưởng các chủ tịch kiêm hành chính xã nhân kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến. Ngày 8/12/1947, Người đã viết thư gửi giám mục Lê Hữu Từ nhân dịp lễ giáng sinh. Ngày 12/12/1947, Người viết thư gửi Chính phủ Cao Miên giải phóng (Cam-pu-chia) hoan nghênh việc thành lập Ủy ban giải phóng Việt-Miên-Lào. Ngày 19/12/1947, Người ra lời kêu gọi đồng bào thi đua giết giặc lập công nhân ngày toàn quốc kháng chiến, và kí thông tư gửi các Bộ về việc “cử các nhân viên làm việc đắc lực để khen thưởng”. Nhân kỉ niệm 3 năm ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam, Người đã viết bài về quá trình phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân, và mong muốn lực lượng vũ trang của ta không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Ngày 24/12/1947, Người viết thư gửi đồng bào công giáo, mong muốn đồng bào công giáo sát cánh cùng đồng bào chiến sĩ cả nước đánh đuổi thực dân xâm lược. Ngoài ra, Người còn viết rất nhiều bài báo cổ vũ động viên đồng bào cả nước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược… Hiện nay, chứng tích còn lại của khu vực lán Bác Hồ tại bản Ca chỉ còn lại dấu tích của nền lán cạnh cây cọ già. Hai hiện vật là kiềng nấu ăn cho Bác Hồ và chiếc áo dạ đen Người tặng cho gia đình cụ Bàn Văn Trai (cụ Nhuôi). Đầu năm 1990, gia đình cụ Trai đã tặng lại hai hiện vật này cho bảo tàng Bắc Thái (cũ). Hiện nay hai hiện vật này vẫn được lưu giữ tại bảo tàng Thái Nguyên. Ngày 28/6/1996, Bản Ca đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1078 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông

Đồn Phủ Thông nằm trên địa bàn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Toàn bộ khu vực này là núi đất với độ cao trung bình trên 350m. Đồn được xây dựng trên một mỏm nhỏ nhô ra của núi Nà Cọt, độ cao gần 200m, cách ngã ba Phủ Thông 300m. Ngày 7/10/1947, binh đoàn đổ bộ đường không của quân viễn chinh Pháp với gần 1.200 tên đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, ngày 15/10 chúng tiến quân lên chiếm đóng Đồn Phủ Thông. Đồn dài 100m, rộng 50m; tường đắp bằng đất dày 1m, cao 2m, trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, bốn phía có nhiều lỗ châu mai, bốn góc đồn có 4 lô cốt mẹ, có đài quan sát. Nhà chỉ huy ở chính giữa đồn, địch đào hầm từ nhà chỉ huy, nhà lính thông đến các lô cốt. Ngoài bờ tường có 3 lớp hàng rào tre nứa. Trong những năm 1947 - 1948, khi địch mới chiếm đóng Đồn Phủ Thông liên tiếp gặp phải các trận công đồn của quân ta, khiến cho chúng tinh thần hoang mang. Trong đó, trận tập kích lần thứ nhất đêm 30/11/1947 đã tiêu diệt và hạ thương 50 tên địch, thu 2 súng máy, 1 súng trường. Đây là lần đầu tiên quân địch bị tiêu diệt ngay tại sào huyệt có công sự kiên cố. Ta thực hiện một phần nhiệm vụ đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, làm tiền đề cho trận đánh tiếp theo. Đêm 12/3/1948, quân ta mở trận tập kích thứ hai vào Đồn Phủ Thông. Trận này, quân ta phá sập phần lớn công sự và doanh trại trong cứ điểm, làm thương vong gần 70 tên địch. Sau trận này, quân ta liên tiếp nắm thế chủ động trên mặt trận đường số 3. Ngày 25/7/1948, Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở trận công đồn lần thứ 3 vào Đồn Phủ Thông. Khoảng 18 giờ ngày 25/7/1948, pháo binh của Tiểu đoàn 410 nổ súng, phá sập một phần khu thông tin, phá hủy đường rào giao thông hào bao quanh điểm. Tiểu đoàn 11 chia làm hai mũi tiến công vào Đồn. Quân ta cắt hàng rào dây thép gai, phá hàng rào tre nứa, bắc thang phên trèo qua tường tiến công vào Đồn. Địch hoảng sợ, rút xuống hầm ngầm, quân ta làm chủ chiến trường, thu vũ khí, chiến lợi phẩm. Sau ít phút đầu hoang mang, địch phục hồi lại thế phòng ngự, chống trả quyết liệt, tập trung hoả lực súng máy, súng cối ngăn chặn các đơn vị vào sau, quân ta có một số chiến sỹ hy sinh, bị thương. Trận đánh kéo dài đến 23 giờ đêm. Ta rút khỏi Đồn, tuy không chiếm được cứ điểm nhưng đã tiêu diệt, làm bị thương 3 phần 4 quân số trong đồn, phá hủy nặng nề hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn; thu được 5 trung liên, 4 tiểu liên, 10 súng trường, một số đạn, lựu đạn. Tuy không giành thắng lợi hoàn toàn, song trận đánh Đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948 có ý nghĩa to lớn. Sau trận công Đồn Phủ Thông, quân địch ở các cứ điểm không dám càn quét, sạo sục các vùng xung quanh, quân ta giành được chủ động trên địa bàn Bắc Bạch Thông. Trận Phủ Thông được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương. Ngày 27/3/1998, Đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 01/6/1999 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Phủ Thông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1265 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Chiến thắng Đèo Giàng

Đèo Giàng nằm trên Quốc lộ 3, giáp ranh giữa hai huyện Bạch Thông và Ngân Sơn. Nơi đây trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội và đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây là trận đánh có quy mô lớn nhất so với các trận phục kích đánh địch khác ở khu vực Đèo Giàng. Từ trận đánh này, ta đã rút được nhiều kinh nghiệm về chiến thuật phục kích cấp tiểu đoàn cho các trận phục kích địch trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trận đánh này gắn liền với trận đánh đồn Phủ Thông, đã gây tiếng vang lớn, có tác dụng mạnh mẽ, cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại mọi âm mưu phá hoại của thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc. 9 giờ sáng ngày 12/12/1947, tại km số 187 -188 Đèo Giàng - thuộc xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn) có 1 đoàn xe cơ giới của địch gồm 22 chiếc xe tăng, xe thiết giáp, ô tô tải, xe jíp chở lính lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 165 (Trung đoàn Thủ đô). Trận phục kích là đoạn đường hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Ngay từ loạt đạn đầu của bộ đội ta, 1 xe ô tô của địch đã bị phá hủy, nhiều tên lính địch bị tiêu diệt. Sau ít phút dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng vào đội hình địch, bộ đội ta ào ạt xung phong xuống mặt đường tiêu diệt địch. Kết quả trận đánh: Diệt tại chỗ 60 tên (trong đó có hai tên trung úy), phá hủy, đốt 17 xe cơ giới, thu 2 triệu đồng tiền Đông Dương và nhiều vũ khí quân trang, quân dụng. Từ trận đánh vang dội này, Đèo Giàng đã trở thành địa danh lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch phản công Việt Bắc - Thu Đông năm 1947. Di tích lịch sử Đèo Giàng trở thành niềm tự hào của quân đội nhân dân Việt Nam và quân dân Bắc Kạn. Ngày 12/7/2001, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận và xếp hạng di tích lịch sử Chiến thắng Đèo Giàng xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, đoạn đường tại khu di tích Đèo Giàng đã thay đổi nhiều, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng một nhà bia kỉ niệm chiến thắng Đèo Giàng. Nhà bia được xây sát vách núi trên một khu đất rộng, có cửa sắt, tường rào bảo vệ. Nhà bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mái làm theo kiểu cổ (Bốn mái đao, dán ngói mũi hài) trên bốn cột bê tông sơn màu giả gỗ, để trống bốn mặt. Bên trong có đặt bia kỉ niệm ghi lại chiến thắng Đèo Giàng năm 1947. Bia được làm bằng đá, mặt bia hướng ra đường quốc lộ 3. Nền nhà bia được xây bằng gạch, vữa xi măng, lát đá và trồng hoa trang trí. Đường lên nhà bia được xây bậc thang bằng gạch trát xi măng. Đối diện với nhà bia là công trình phù điêu lớn ghi dấu chiến công của quân và dân đã có công trong trận đánh tại Đèo Giàng, có khắc hình Ban Chỉ huy, quân và dân chuẩn bị cho trận chiến cùng với toàn cảnh trận chiến đấu ác liệt diễn ra tại Đèo Giàng. Bia dẫn tích và các hạng mục công trình phụ trợ kèm theo, kè xung quanh nền, trồng cây xanh tạo cảnh quan công trình. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1068 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Di Tích Lịch Sử Nà Tu

Nà Tu là một di tích lịch sử cách mạng thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) nằm dọc bên Quốc lộ 3, cách thị xã Bắc Kạn 10 km về phía Bắc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đây là nơi Tổng đội thanh niên xung phong đóng quân, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải phục vụ kháng chiến. Trong chiến tranh giặc Pháp luôn tăng cường máy bay bắn phá các tuyến giao thông, trong đó trọng điểm nhất là đoạn Quốc lộ 3 đi qua Bắc Kạn. Do vậy lúc này việc đảm bảo giao thông vận tải đã trở thành nhiệm vụ trọng yếu của quân và dân Bắc Kạn. Ngay từ năm 1950, Trung ương Đảng đã chủ chương cho sửa chữa, khôi phục lại quốc lộ 3 đoạn từ Thái Nguyên đi Cao Bằng nhằm phục vụ cho kháng chiến. Cũng tại thời điểm này Chính phủ đã phát động chiến dịch 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đồng thời tăng cường cho Bắc Kạn nhiều liên phân đội thanh niên xung phong. Tổng đội thanh niên xung phong đã chọn Nà Tu để đóng quân. Mặc dù còn thiếu thốn nhiều thứ, lại phải lao động nặng nhọc mà thời gian máy bay địch bắn phá thì nhiều, thanh niên xung phong phải làm việc ngày đêm rất nguy hiểm nhưng họ đã cùng quân và dân Bắc Kạn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thật vinh dự thay trong lúc khó khăn vất vả, ác liệt đó ngày 28/3/1951 trong một chuyến đi công tác Bác Hồ đã đến Nà Tu để thăm hỏi sức khoẻ, động viên thanh niên và nhân dân ở đây. Bác nhắc nhở Ban chỉ huy công trường, cán bộ phải tổ chức lao động thật khoa học, đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Trước khi ra về Bác đã đọc tặng lực lượng thanh niên xung phong 4 câu thơ: Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên. Như vậy tại địa danh Nà Tu đã là nơi ra đời 4 câu thơ bất hủ của Bác, và Nà Tu ngày nay đã trở thành khu di tích lịch sử. Từ đó cùng với nhịp độ phát triển của cách mạng, lời dạy của Bác trong 4 câu thơ trở thành nguồn động viên cho các thế hệ trẻ, củng cố lòng quyết tâm đạp bằng mọi trở lực làm nên chiến thắng. Cho đến hôm nay khi đã được sống trong hoà bình tự do nhân dân thôn Nà Tu - Cẩm Giàng vẫn không thể nào quên những lời dạy sâu sắc của Bác và coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1152 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích tích lịch sử An toàn khu (ATK) Chợ Đồn

Khu di tích An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, thuộc địa bàn 3 xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. ATK Chợ Đồn thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc (bao gồm ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và ATK Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang), là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Di tích ATK Chợ Đồn là căn cứ địa chiến lược, chứng kiến và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954); gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh… Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã hoạch định đường lối kháng chiến, đưa ra những quyết sách mang tầm chiến lược, quyết định vận mệnh của đất nước trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ, lãnh đạo toàn dân, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nằm trên địa bàn 3 xã phía Nam huyện Chợ Đồn, nơi có địa hình rừng núi hiểm trở, độ cao trung bình là 600m, hệ thống sông, suối, khe, ngòi khá dày đặc, lớn nhất là sông Phó Đáy, Khu ATK Chợ Đồn, bao gồm 25 di tích, trong đó có: 6 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 3 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 16 di tích đưa vào danh mục kiểm kê. 1. Di tích Đồi Pù Cọ (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá - Nơi hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau tháng 10/1943) 2. Di tích Lán đồng chí Võ Nguyên Giáp (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá - Nơi ở và hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, sau khi con đường Nam tiến được khai thông năm 1943). 3. Di tích Khuổi Khít (thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá - nơi tổ chức triển lãm biểu dương lực lượng Đồng Minh thời kỳ trước năm 1945). 4. Di tích Nhà ông Triệu Phú Dương (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá - Nơi các đồng chí lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh hội họp trong suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945). 5. Di tích Nà Pay (thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá - Nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ trên đường từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 17, 18, và 19/5/1945. 6. Di tích L-sao L-sô đỗ (Khe Nứa) (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá - Nơi lực lượng Việt Minh đặt cơ sở sửa chữa và tự chế vũ khí thô sơ phục vụ trực tiếp cho hai đoàn quân Bắc tiến, Nam tiến, năm 1943 – 1945). 7. Di tích Bản Ca (thôn Bản Ca, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của Bác Hồ tháng 12/1947) 8. Di tích Nà Kiến (thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá - Nơi tổ chức Lễ Bế giảng Khóa 2, Khóa 3 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào ngày 28/10/1947. 9. Di tích Khuổi Đăm (thôn Nà Khằn, xã Nghĩa Tá - Nơi ở và làm việc của Báo Sự thật từ năm 1948 đến năm 1953), nằm ở một thung lũng nhỏ, nơi giao nhau giữa 2 con suối nhỏ, xung quanh là đồi núi cao, cây cối rậm rạp, thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ khu vực II, chia thành 3 khu vực: 10. Di tích Đồi Bản Tảng (thôn Nà Quân, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái từ năm 1947 - 1954). 11. Di tích Nền lán Chuyên gia (thôn Nà Quân, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của chuyên gia từ năm 1947 - 1954) 12. Di tích Nà Đon (thôn Đon Liên, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của cơ quan Hậu cần Bộ Quốc phòng từ năm 1948 - 1951). 13. Di tích Khuổi Đó (thôn Nà Tông, xã Nghĩa Tá - Nơi ở và làm việc của cơ quan cơ khí Thăng Long từ năm 1948 - 1950) 14. Di tích Khuổi Tói (thôn Nà Quân, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của Bác Hồ năm 1948). 15. Di tích Khuổi Dân (thôn 8 Vằng Quân, xã Bình Trung - Nơi Nhà máy giấy Minh Khai đặt cơ sở sản xuất giấy từ năm 1948 - 1952), chia làm 2 khu: 16. Di tích Nhà ông Ma Văn Chương (thôn Nà Phầy, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ năm 1948 – 1952) 17. Di tích Nà Chang (thôn Nà Chang, xã Nghĩa Tá - Nơi đặt khu Giao tế (Nhà khách Chính phủ) từ năm 1948 – 1953) 18. Di tích Nà Săm (thôn Nà Quân, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948- 1953) 19. Di tích Khuổi Chang (thôn Bản Pèo, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của Bác Hồ từ ngày 12 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 1949. 20. Di tích Khuổi Áng (thôn Khuổi Áng, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của cơ quan Báo Cứu Quốc năm 1949). 21. Di tích Khuổi Linh (thôn Nà Đeng, xã Nghĩa Tá - Nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng từ năm 1950 – 1951) 22. Di tích Đồi Khau Mạ (thôn Bản Vèn, xã Lương Bằng - Nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ năm 1950 - 1951). 23. Di tích Nà Quân (thôn Nà Quân, xã Bình Trung - Nơi đặt Hội trường Trung ương Đảng từ năm 1948 – 1952). 24. Di tích Nhà ông Trần Văn Lý (thôn Nà Phầy, xã Bình Trung - Nơi ở và làm việc của cơ quan Bộ Quốc phòng từ năm 1950 – 1953). 25. Di tích Nà Pậu (thôn Bản Thít, xã Lương Bằng - Nơi Bác Hồ ở và làm việc từ năm 1950 – 1951), nằm trên một khu đất rộng: Ngày nay, khu di tích ATK Chợ Đồn trở thành địa chỉ đỏ khơi dậy niềm tự hào dân tộc; tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Chợ Đồn (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Bắc Kạn 1162 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích lịch sử Hoàng Phài

Đây là địa điểm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào tháng 5 năm 1945 tại thôn Hoàng Phài xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Mới đây, di tích lịch sử Hoàng Phài đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là một địa chỉ đỏ đánh dấu chặng đường lịch sử cách mạng của ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1945 chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Trong nước, Nhật đảo chính Pháp. Nhận thấy đây là cơ hội ngàn năm có một, tình thế lúc này đòi hỏi ta phải hành động kiên quyết, linh hoạt, mau lẹ, kịp thời. Bác Hồ quyết định nhanh chóng chuyển địa điểm từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận lợi cho việc lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong thời gian này tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn phong trào cách mạng của các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Việt Minh phát triển mạnh. Chiều ngày 9/5/1945, Bác Hồ và đoàn đến thôn Hoàng Phài. Thời gian lưu lại tại thôn Hoàng Phài của Bác Hồ và đoàn cán bộ đã để lại những tình cảm tốt đẹp, mãi mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân các dân tộc địa phương. Tại đây, Bác đã đến lớp bình dân học vụ thăm hỏi tình hình học tập của các học viên. Trước lúc ra về, Bác đã dặn nam nữ thanh niên cố gắng rèn luyện, chăm chỉ học hành để sau này trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập. Sáng 10/05/1945, Bác cùng đoàn cán bộ tiếp tục cuộc hành trình về Tân Trào (Tuyên Quang), tại khu vực Hoàng Phài, Ban Việt Minh, các đoàn thể xã cùng nhân dân đã lưu luyến tiễn Bác và đoàn công tác trước khi lên đường. Để ghi dấu sự kiện quan trọng này, đồng thời xây dựng một điểm di tích xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của nó nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, ngày 31/10/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận và xếp hạng di tích lịch sử, Địa điểm Lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân trên đường từ Pác Bó về Tân Trào, tháng 5 năm 1945 tại thôn Hoàng Phài xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đó là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân xã Cốc Đán nói riêng mà là của tỉnh Bắc Kạn nói chung. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Ngân Sơn Tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn 1191 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật