Điểm di tích

Cột cờ Nam Định

Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu thuộc phường Ngô Quyền - TP Nam Định. Thời xưa, Cột cờ Nam Định còn gọi là kỳ đài. Đây là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn. Cột cờ Nam Định được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 28 tháng 4 năm 1962. Cột cờ Nam Định ngày nay gồm ba phần chính là chân đế (phần bệ), thân cột (thân dài) và vọng canh (vọng lâu). Cột cờ Nam Định cao 23,84m; nằm ở phía nam Thành cổ, cách đình Vọng Cung (nay là chùa Vọng Cung) khoảng 100m. Sân Cột cờ xưa được xây thành sân hành lễ, hình vuông, có hàng lan can ở bốn cạnh. Phía nam đặt hai khẩu súng thần công. Phía đông có lư hương tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp để bảo vệ Cột cờ - Thành cổ vào các năm 1873 và 1883. Chân đế Cột cờ gồm hai bệ hình vuông. Bệ trên thu nhỏ lại so với bệ dưới. Xung quanh phía ngoài của hai mặt bệ đều xây lan can. Bệ dưới mỗi cạnh dài 16,33m; cao 2,40m. Từ bệ dưới lên bệ trên đều có bậc lên xuống. Bệ trên mỗi cạnh dài 11,42m; cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can và trổ bốn cửa. Trên mặt bệ thứ hai, có cửa đi vào thân Cột cờ (thân đài). Trên cửa phía đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai); cửa phía nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Dưới bệ có Đền thờ Bà chúa Cột cờ - Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh - liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định ngày 11-12-1873 (phát hiện khảo cổ học năm 2002 – Viện khảo cổ học Việt Nam – Lê Bá Ngọc). Thân cột cờ cao 12,65m thu nhỏ dần về phía trên với hai phần: Phần dưới xây hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên xây hình tròn đường kính đáy 3,25m. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có hàng lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh có thang sắt nhỏ lên đỉnh Cột cờ. Cột cờ xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm có kích thước 0,30m x 0,14m x 0,07m. Các góc vuông của hai tầng bệ xây bằng một loại gạch chuyên một đầu vát 450, còn các góc 1200 của thân cột trụ bát giác là một loại gạch riêng. Gạch lát nền kích thước 0,28m x 0,28m x 0,07m, màu nâu đen. Cột cờ Thành Nam gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27/3/1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong Thành. Tại cột cờ, ở độ cao 11m, về phía Nam còn một vết đạn cắm sâu vào 4cm, đường kính 6cm. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, Đảng viên vẫn lấy Cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Đỉnh Cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào - tự vệ nhà máy Dệt chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu. Ngày 11-6-1972, máy bay Mỹ lao vào đánh phá thành phố Dệt. Vào hồi 10 giờ 10 phút sáng, chúng đã bắn rocket và ném bom trúng vào khu vực Cột cờ làm sập toàn bộ công trình kiến trúc cổ kính này. Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định, Cột cờ đã được phục dựng lại nguyên dạng. Gần hai thế kỷ qua, cột cờ Thành Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của đất nước, quê hương. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam. Hàng năm, nơi đây đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và thắp hương tưởng nhớ Bà chúa Cột cờ. Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn: Di tích lịch sử văn hoá

Nam Định 245 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Trần Nam Định

Khu di tích Đền Trần Nam Định là ngôi đền thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ dâng hương khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám âm lịch hàng năm. Khu di tích đền Trần - Nam Định bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa, có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Phía trước có cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường. Đền Thiên Trường thường gọi Đền Thượng, tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu di tích Đền Trần Nam Định. Đền được xây trên nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ tộc của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Kiến trúc Đền Thiên Trường hiện nay gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch. Tiền đường là nơi để ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần. Trung đường đặt bài vị của 14 hoàng đế nhà Trần. Chính tẩm thờ tự 4 vị thủy tổ họ Trần, và các phu nhân, hoàng phi. Tòa thiêu hương (kinh đàn) đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Đền Cố Trạch thường gọi là Đền Hạ, nằm ở mặt Đông của khu di tích Đền Trần Nam Định. Tiền đường đặt bài vị 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa. Trung đường thờ bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, 4 người con trai, Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân. Chính tẩm đặt bài vị cha mẹ, Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), 4 con trai và 4 con dâu, con gái và con rể. Thiêu hương (kinh đàn) đặt long đình, trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Gian tả vu đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các văn thần triều Trần. Gian hữu vu đặt bài vị các võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần. Đền Trùng Hoa nằm ở mặt phía Tây của khu di tích Đền Trần. Đền được xây dựng mới từ năm 2000, trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng được đúc bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ. Hàng năm, tại khu di tích Đền Trần Nam Định sẽ diễn ra 2 lễ hội lớn, đó là Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách thập phương về dự, tri ân công đức của 14 vị vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp. Đền Trần là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, quan trọng của tỉnh Nam Định được nhà nước xếp hạng di tích tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Nguồn: Cổng thông tin Điện tử Thành phố Nam Định

Nam Định 224 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Giáp Ba

Đền Giáp Ba hay còn gọi là đền Cẩm Nang tọa lạc tại thị trấn Nam Giang, thành phố Nam Định. Công trình bao gồm Đền chính thờ Triệu Việt Vương và hai Đền thờ hai vị tướng họ Đoàn. Từ thời Hậu Lê, nơi đây được gọi là thôn Cẩm Nang thuộc xã Châu Nguyên, nay là thôn Ba, thị trấn Nam Giang, nhân dân vẫn gọi là Giáp Ba. Cái tên đền Cẩm Nang xưa hay đền Giáp Ba nay có xuất xứ là như vậy. Đền Giáp Ba được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia năm 1994. Theo nguồn tư liệu lịch sử và truyền thuyết thì ở xã Phật Nội huyện Chu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có ông Triệu Túc vợ là Hán Thị Siêu. Một đêm bà Siêu nằm mơ thấy rồng bay, sau đó bà có mang. Mùa xuân năm Mậu Thìn, bà sinh một bé trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Quang Phục. Thuở nhỏ, Quang Phục rất chăm chỉ học hành, văn võ đều tinh thông. Năm mười bẩy tuổi, cha mẹ qua đời, ông theo danh tướng Lý Bôn đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành độc lập cho đất nước. Năm 544, Lý Bôn lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở Long Biên. Không lâu sau, nhà Lương sai Trần Bá Tiên, Dương Sàn đem quân xâm lược nước ta; Lý Nam Đế thất trận chạy về động Khuất Liêu, trao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Năm 547, Triệu Quang Phục lui về đầm Dạ Trạch (nay là vùng Khoái Châu, Hưng Yên), vùng đầm lầy rộng lớn, lau sậy um tùm; ông cho quân lập doanh trại trên một vùng gò đất nổi giữa đầm, hàng ngày dùng thuyền độc mộc đi đánh tỉa làm quân Lương hao tổn nhiều binh lực, tinh thần hoang mang cực độ. Dần dần quân ta thắng lớn quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi. Sau khi đánh tan quân giặc năm 548, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, đóng đô ở Long Biên. Đến năm 570, ông bị Lý Phật Tử - người cùng họ với Lý Nam Đế đem quân đánh úp, phải rút chạy, rồi trẫm mình xuống cửa biển Đại Nha vào ngày 14/8. Tương truyền khi rút chạy, Triệu Việt Vương đã dừng chân ở thôn Cẩm Nang lập doanh trại nhưng vẫn bị truy kích, phải chạy đến cửa biển Đại Nha (nay thuộc thôn Độc Bộ xã Yên Nhân huyện Ý Yên). Hiện nay, ở thôn Ba thị trấn Nam Giang vẫn còn những dấu tích của lần Triệu Việt Vương dừng chân như: khu đất An Mã Chiến - nơi quan quân cho ngựa ăn cỏ, uống nước; nơi ngựa chạy gọi là Mã Khởi, phía Đông Nam làng có đường Mã Chạy, doanh trại quân lính xưa là khu Cầu Cửa... Sau khi Triệu Việt Vương mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân thôn Cẩm Nang đã lập đền thờ ngay trên khu đất mà ông đã dừng chân. Đền thờ ông với qui mô lớn, cùng nhiều đồ tế tự rất nghiêm trang lộng lẫy. Trải qua nhiều triều đại phong kiến, đền thôn Ba đều được phong sắc phụng sự. Ngay bên cạnh đền thờ vua Triệu Việt Vương còn có hai ngôi đền thờ quan Đoàn Tướng Công và Đoàn Công Thưởng. Đây là hai người sống ở thế kỷ thứ 18, thuộc dòng dõi họ Đoàn ở Cẩm Nang. Sinh thời hai ông đã từng đảm nhận nhiều trọng trách của Triều đình. Trong đó, Đoàn Công Thưởng còn gọi là Đoàn Quận Công, đã được phong tới chức Tổng thái giám, cai quản đề đốc Thị quận công dưới thời vua Lê Dụ Tông (1740-1786). Đối với quê hương, hai ông đã để lại nhiều công lao đóng góp. Do đó, lăng mộ cũng như đền thờ hai ông được nhân dân thôn giữ gìn, hương khói, tôn kính là phúc thần của làng. Nguồn: Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Nam Trực

Nam Định 226 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Đại Bi

Chùa Đại Bi thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Chùa ngoài thờ Phật còn thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Qua các tư liệu Hán Nôm cho biết. Thánh Thiền sư Từ Đạo Hạnh họ Từ, huý là Lộ; Cha là Từ, huý Vinh... quê ở làng Láng, làm chức Tăng Quan Đô Sát. Tuổi nhỏ có nhiều điểm khác thường, có cốt khí tiên phật, hào hiệp phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được. Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất (có tài liệu nói là Phí Ất). Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày đá cầu, thổi sáo, đánh bạc vui chơi. Cha ông bị Diên Thành hầu nhờ Đại Điên dùng phép thuật giết chết. Thánh đi trả thù không thành, tìm đường sang Tây Trúc học phép thuật, đường đi đến nước Kim Xỉ gian nan, bèn bỏ về núi Phật Tích tu luyện, đọc chú Đà La Ni mười vạn tám ngàn lần, hoàn thành đạo pháp, tìm Đại Điên trả thù. Từ đó rửa sạch oán thù, sư đi khắp nơi trong chốn tùng lâm tìm thầy ấn chứng. Thánh đã gặp Thiền sư Trí Huyền và Thiền sư Sùng Phạm để học hỏi, mở rộng kiến văn. Sau đó sư đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, về sau là vua Lý Thần Tông. Chùa Đại Bi tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng có kiến trúc độc đáo. Theo truyền thuyết, khu đất của chùa có thế đầu rồng. Hai bên cửa chùa có hai giếng nước tròn người dân nơi đây vẫn quen gọi là hai mắt rồng. Hệ thống kiến trúc của chùa có nhiều nét độc đáo. Tam Quan (cổng chùa) không nằm chính giữa mà được xây dựng chếch về phía đông. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu đến nay Tam quan vẫn còn giữ lại nhiều nét chạm khắc thời Hậu Lê (thế kỷ 17 - 18). Trong chùa bài trí các tượng phật như mọi ngôi chùa Việt Nam khác. Điều khác biệt ở chùa Đại Bi là phía phải Tam bảo có khám thờ Thánh tổ Từ Đạo Hạnh và Giác Hải Thiền sư là những người có nhiều công lao với phật pháp nước nhà. Ở lĩnh vực phật giáo các thiền sư được coi là những thánh tăng; trên lĩnh vực xã hội được coi là những thành hoàng làng, người có công lao truyền dạy nghề cho dân… Các pho tượng ở chùa Đại Bi được tạc khá hoàn mỹ. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ và câu đối có giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Sau chùa có gác chuông kiến trúc kiểu chuông diêm, 8 mái với các đầu đao vút cao mềm mại thanh thoát. Đây là công trình có giá trị nhất của chùa Đại Bi. Sau gác chuông là nhà thờ tổ, nơi thờ đức Bồ Đề Đạt Ma vị tổ thứ 28 và là vị sư tổ của phái thiền. Chùa Đại Bi còn có gian thờ Mẫu, một tín ngưỡng dân tộc mà người dân Việt Nam hằng thực hiện từ bao đời nay. Chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, cổ thư rất có giá trị, tiêu biểu nhất là 10 tấm bia trong đó Văn bia cổ nhất khắc năm Kỉ Mùi (1679) đời Lê Hy Tông; 10 đạo sắc phong; Quả chuông lớn cao 2m đúc năm Minh Mạng thứ 18 (1838). Tín ngưỡng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh trên mảnh đất Nam trực, cùng với kiến trúc chùa Đại Bi độc đáo, chùa trăm gian, thuần Việt nở rộ vào thế kỷ 17 và tồn tại đến tận ngày nay, thể hiện sức sống trường tồn của dân tộc Việt. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật chùa Đại Bi được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm1964 Nguồn: Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Nam Trực

Nam Định 236 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Gin

Đền Gin, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đã được Bộ Văn hoá xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962. Ngôi đền là nơi thờ phụng và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với đức Long Kiều linh thánh - Kiều Công Hãn, người đã có công giúp Ngô Quyền đánh thắng quân giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ tự chủ của dân tộc. Sau này, khi triều đình nhà Ngô sụp đổ, âu cũng do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, Tướng công Kiều Công Hãn trở thành một trong 12 sứ quân cát cứ trong bối cảnh đất nước loạn ly, chia cắt. Ông đã sớm hy sinh trong cuộc chiến hỗn loạn giữa các thế lực cát cứ địa phương. Sau khi Tướng công Kiều Công Hãn mất, để tưởng nhớ công lao của tướng công, nhân dân các địa phương đã xây dựng đền thờ tướng công; hiện nay có 72 ngôi đền thờ tướng công, kéo dài từ Phong Châu, Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ về tới tỉnh Nam Định, trong đó trên địa bàn huyện Nam Trực có 2 ngôi đền thờ tướng công là đền Gin, thôn Chiền, xã Nam Dương và đền Tây lạc, xã Đồng Sơn. Thời kỳ chống quân giặc Tống xâm lược, vua Lê Đại Hành dẫn quân đi qua đây, nghỉ đêm, nhà vua mơ thấy Kiều Công Hãn báo mộng phò giá giúp vua đánh giặc Tống. Sau khi đánh thắng giặc Tống xâm lược, nhà vua Lê Đại Hành đã trở lại cho cấp ruộng, sắc phong làm Thành Hoàng. Đến các triều đại phong kiến về sau đều cấp tế điền và tu sửa đền cho khắc bia đá ghi việc, cũng như ban hành Sắc phong “Long Kiều linh thánh”. Công trình kiến trúc đền Gin có quy mô lớn được bố cục đăng đối, hài hoà, bao gồm các hạng mục: giếng đền, miếu thờ, bình phong, nghi môn, giải vũ ngoại, tiền các, giải vũ nội và công trình kiến trúc trung tâm (tiền đường, cung cấm), toạ lạc trong một khuôn viên rộng 3.290 m2. Đền Gin là di tích còn bảo lưu được gần như trọn vẹn phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17- 18, thể hiện bàn tay lao động tài hoa và khối óc sáng tạo của nghệ nhân dân gian. Hiện vật được lưu giữ tại di tích hết sức phong phú và đa dạng, nhất là các cổ vật thời Hậu Lê, thời Nguyễn như: thần tích, sắc phong, nhang án, ngai và bài vị, tượng thờ, nghê đá.... Nghệ thuật trang trí tại đền Gin rất phong phú, sinh động với các đường đục chạm sắc nét, đề tài trang trí đa dạng, được kết hợp với các kiểu đục chạm như: thông phong, bong kênh, đã góp phần làm chủ đề cho các đề tài trang trí tại di tích trở lên sống động mang đậm phong cách truyền thống dân tộc. Được thể hiện qua các hạng mục kiến trúc như toà Tiền các, toà Tiền đường, Cung cấm. Các đề tài (Long, Ly, Quy, Phượng) lá lật, lá lật hoá, hoa văn triện tàu lá dắt, phượng chầu; Long cuốn thuỷ, lưỡng Long chầu nguyệt và hoa văn mai hoá Long... được trang trí trên các thành phần cấu kiện kiến trúc đền Gin, đã được các nghệ nhân xưa chế tác với một bố cục chặt chẽ, đề tài phong phú, sinh động góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị kiến trúc nghệ thuật cho di tích. Lễ hội truyền thống đền Gin là một trong 10 lễ hội tiêu biểu của toàn tỉnh Nam Định. Lễ hội diễn ra vào các ngày mùng 8, 9, 10 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm với các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc như rước kiệu, rước nước, hát chèo, tổ tôm điếm, chọi gà... Nguồn: Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Nam Trực

Nam Định 220 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Am

Đền Am thuộc thôn Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đền Am là nơi nhân dân địa phương thờ phụng, tri ân công đức của Đức Thánh Tổ, Thiền sư Bùi Huệ Tộ (1566 - 1641). Tín ngưỡng thờ tự Đức Thánh tổ Bùi Huệ Tộ tại đền Am ngoài mang ý nghĩa thờ tự một vị chân tu, một vị phúc thần còn mang một ý nghĩa riêng khác, bởi đây chính là quê hương của Ngài. Sau khi Thánh tổ “hỏa trung hóa Phật”, để ghi nhớ công đức, nhân dân địa phương đã lập đền thờ phụng. Ngôi đền được xây dựng ngay trên nền đất thảo am mà trước đây Đức Thánh tổ đã tạo dựng. Mặc dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng việc thờ tự của nhân dân ở vùng quê Nam Trực nói chung, thôn Nhất nói riêng đối với Thánh tổ vẫn không hề thay đổi. Điều đó đã thể hiện sự tri ân, niềm tôn kính sâu sắc của người dân đối với công lao của Ngài, một vị chân tu suốt đời vì đạo pháp dân tộc, vì cuộc sống yên bình, no ấm của nhân dân. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, ngày 14 tháng 12 năm 2012, Bộ Văn Hoá Thể Thao Du Lịch đã công nhận đền Am là di tích lịch sử kiến trúc cấp Quốc gia. Đền Am tọa lạc trên một khu đất rộng 2.685m2, mặt quay về hướng tây nam, xung quanh đền có nhiều cây lưu niên tạo không khí mát mẻ, trong lành. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, đền Am gồm các hạng mục kiến trúc chủ yếu sau: Hồ nước, cổng, nghi môn, sân, nhà khách, công trình đền chính và hai dãy giải vũ nội. Tất cả các hạng mục công trình được trải dài theo trục bắc nam. Đền chính có kiến trúc kiểu chữ “công” gồm tiền đường, trung đường và cung cấm. Tòa tiền đường 3 gian 2 chái. Hai hồi hiên trước cửa tiền đường xây hai cột đồng trụ bằng đá, ba mặt khắc câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của Thiền sư. Mái của tiền đường là bộ mái cong phẳng, gồm các cấu kiện: hoành, rui làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Bờ nóc trang trí họa tiết rồng chầu, hai hồi đốc còn đắp họa tiết mặt hổ phù. Tòa trung đường kiến trúc theo lối cuốn vòm, cột gạch chồng lâu 2 tầng 8 mái được tôn tạo lại năm Kỷ Tỵ (1989). Phần cổ lâu, phía trước đắp nổi 4 chữ đại tự: Thánh tổ linh từ, hai mặt bên đắp trang trí họa tiết long cuốn thủy, phượng hàm thư, long mã...Trung đường là nơi đặt ban thờ công đồng và bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị, đặc biệt là cỗ ngai mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII. Nối liền phía sau trung đường là tòa cung cấm với 3 gian. Trang trí mỹ thuật ở đây đáng chú ý nhất là tại câu đầu của gian bên phải có chạm họa tiết lá hỏa, mặt trời, vân mây mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII. Cung cấm là không gian thờ tự quan trọng nhất của ngôi đền: Gian giữa đặt bài vị, tượng thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ, gian bên phải đặt bài vị thờ Thánh mẫu, gian bên trái đặt bài vị thờ Thánh phụ. Giải vũ nội chia thành 2 dãy, mỗi dãy gồm 4 gian, được xây đối xứng với nhau theo kiểu thu hồi bít đốc, các bộ vì được thiết kế theo kiểu kèo cầu, quá giang bằng gỗ, là nơi hội họp của dân làng. Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đền Am còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tiêu biểu là: Ngai và bài vị thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ; tượng Thiền sư Bùi Huệ Tộ; bia đá “Linh từ bi ký” và “bách thế, bách thiên”; truy viễn miếu bi; sắc phong; Sách Thánh tổ thực lục; nón tu lờ. Hàng năm, vào ngày mồng 10 tháng Giêng (âm lịch) là ngày sinh, đồng thời cũng là ngày hóa của Đức Thánh tổ, Thiền sư Bùi Huệ Tộ, nhân dân địa phương mở hội lớn. Ngoài ra, vào ngày 27 tháng 4 là ngày lễ kỵ Thánh mẫu, ngày 16 tháng 11 là ngày lễ kỵ Thánh phụ, dân làng tổ chức làm lễ dâng hương, dâng lễ tại đền. Nguồn: Cục du lịch quốc gia

Nam Định 225 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đình làng Vân Chàng Di tích Lịch sử - Kiến trúc Nghệ thuật và nghề rèn truyền thống

Đình làng Vân Chàng tọa lạc trên địa phận tổ dân phố số 16, thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang. Đình làng Vân Chàng là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Lục vị Tổ sư nghề rèn. Thần phả đình làng Vân Chàng cho biết, sáu vị tổ nghề đã cùng 15 vị tổ thuộc các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô... chiêu mộ nhân dân khai phá đồng ruộng, phát triển sản xuất và mở mang nghề nghiệp. Năm Quý Sửu (1373), đời vua Trần Duệ Tông, niên hiệu Long Khánh 2, sau khi truyền dạy nghề cho người dân nơi đây, sáu vị tổ lại trở về quê cũ làng Hoa Chàng (Hà Tĩnh) tiếp tục truyền dạy nghề rèn. Để tri ân công đức của các ông tổ nghề, nhân dân địa phương đã đặt tên làng là Hoa Chàng - quê gốc của các vị Tổ sư (đến thời Nguyễn đổi thành làng Vân Chàng); lập đền thờ tôn làm: Phúc thần - Lục vị Tổ sư - Đương cảnh Thành hoàng và lấy ngày 15 tháng 11 âm lịch là ngày sáu vị Tổ sư từ làng Vân Chàng trở về quê cũ làm ngày chính kỵ. Hiện tại đình làng Vân Chàng còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924) khẳng định công lao “Hộ quốc”, “Tý dân” và gia tặng Lục vị Tổ sư là: Dực bảo trung hưng linh phù Vân Sơn Thánh tổ. Ngoài các đạo sắc phong, thì đình làng Vân Chàng còn lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công lao và sự nghiệp của Lục vị tổ sư. Hiện nay, cùng với đình làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thờ Lục vị Tổ sư, ở các địa phương khác là Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh đều có nơi thờ các vị Tổ sư nghề rèn. Nghề rèn ở làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang hình thành từ cuối thế kỷ XIV, tính đến nay đã gần 7 thế kỷ. Ban đầu, nghề rèn chỉ là nghề phụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nghề rèn đã từng bước phát triển, tách khỏi nông nghiệp để đi sâu vào sản xuất chuyên môn hóa, trở thành nghề thủ công truyền thống. Năm 1426, khi nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc, một thanh niên người họ Đoàn đã đứng ra tập hợp dân làng đứng lên giết giặc, được phong Dũng tráng Đại tướng quân. Biết nơi đây có nghề rèn, Bình Định vương Lê Lợi đã giao cho dân làng nhiệm vụ rèn vũ khí cho nghĩa quân. Từ đó đến nay, nghề rèn Vân Chàng liên tục tồn tại và phát triển. Cũng trong thời kỳ chống giặc Minh xâm lược, một nhóm thợ Vân Chàng đã đến với nghĩa quân Lam Sơn dùng phương pháp rèn ra ống pháo lệnh bằng sắt. Loại pháo này là hiệu lệnh để nghĩa quân nhất tề vùng dậy tiêu diệt quân thù. Hiện nay, tại đình Vân Chàng vẫn còn lưu giữ được 2 pháo lệnh đúc bằng sắt. Thời Nguyễn, thợ rèn Vân Chàng đi lính, nhiều người được phong “Tượng mục”, có người được phong “Thủy bộ chư dinh Thủy mục” là người cầm đầu lính thợ sửa chữa vũ khí cho các doanh trại quân đội, bao gồm cả quân thủy và quân bộ. Khi giặc Pháp xâm lược Bắc kỳ, nhiều thợ Vân Chàng đứng trong hàng ngũ quân dân chống Pháp. Hơn 2.000 quân Cần Vương do Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi (1836 - 1886) chỉ huy đóng tại làng Giao Cù (Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định), tất cả vũ khí đều do thợ rèn Vân Chàng sản xuất. Đến nay, trải qua gần 7 thế kỷ, từ nghề rèn thủ công truyền thống đã phát triển và lan tỏa mạnh mẽ, hình thành cụm công nghiệp cơ khí Nam Giang. Nghề rèn Vân Chàng và cơ khí Nam Giang đã và đang trở thành nền kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, xây dựng kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương ngày một phát triển. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đình làng Vân Chàng đã được xếp hạng di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2018. Nguồn: Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Nam Trực

Nam Định 241 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Bảo Lộc

Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) được xây dựng trên đất “thang mộc” của An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và là anh trai của Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của vương triều Trần. Thời Trần, cùng với việc xuất hiện chế độ Thượng hoàng, năm 1262, hương Tức Mặc đổi thành phủ Thiên Trường và được xây dựng quy mô như kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Bên cạnh việc xây dựng cung điện, nhà cửa nguy nga tráng lệ cho bậc đế vương, nhà Trần còn phong hàng loạt thái ấp cho các quý tộc, bao quanh như một vành đai bảo vệ Thiên Trường. Ấp An Lạc ngày đó cách trung tâm Thiên Trường 2km (đường chim bay) về phía bắc. Tương truyền, ấp An Lạc là nơi sinh ra và lớn lên của Trần Quốc Tuấn. Với công lao to lớn trong ba cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tháng 4 năm 1288 ông được ban tước hiệu “Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương”. Khi ông mất, triều đình lại phong là: “Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương”. Đền Bảo Lộc ban đầu được xây dựng ven sông Châu gồm ba gian gỗ lim lợp ngói mũi hài, sau bờ sông bị sói lở, đền được di chuyển vào vị trí như hiện nay. Một thời gian dài tồn tại với quy mô nhỏ, đầu thế kỷ XX, đền Bảo Lộc được nhân dân quyên tiền nâng cấp thành công trình kiên cố, quy mô khá lớn, kích thước cao rộng. Đền được xây theo thiết kế của Đông Phương Bác Cổ, song có sửa chữa lại cho phù hợp với kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Bắt đầu xây dựng từ năm 1928, phải 5 năm sau công trình mới hoàn thành. Đền nằm chính giữa, quay hướng đông, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là phủ thờ Mẫu, phía sau đền là Khải Thánh thờ vương phụ, vương mẫu, phu nhân của ông. Toàn bộ khu di tích được thiết kế đăng đối, hài hòa, không gian thoáng đãng tạo cảm giác thanh thoát lòng người về lễ thánh. Đền Bảo Lộc nằm chính giữa được xây theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường 7 gian rộng, trung đường dài 5 gian, hậu cung 3 gian. Kiến trúc của đền đơn giản, các cột xây bằng gạch, nhiều xà được đổ xi măng cốt thép bền vững, bề thế. Tuy chạm khắc không nhiều, song rải rác ở từng bộ phận vẫn có các đề tài: tứ linh, long cuốn thủy, hoa lá, tùng, cúc, trúc, mai… Đặc biệt, sáu bộ cánh cửa ở hậu cung với những mảng chạm tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trong đền, ngoài bài vị còn có hai pho tượng thờ Trần Hưng Đạo (một bằng đồng, một bằng gỗ). Pho tượng đồng trong tư thế ngồi nặng 4,8 tấn, đặt ở trung đường. Hai bên có tượng Hưng Vũ Vương Nhiễn và Phạm Ngũ Lão là con trai và con rể của ông. Pho tượng bằng gỗ trầm hương được đặt tại hậu cung, hai bên là tượng thầy dạy văn và thầy dạy võ. Đền Khải Thánh nằm ở phía sau, kiến trúc tương tự như đền chính nhưng phần nền cao hơn 3m, thờ thân phụ, thân mẫu, phu nhân và hai người con gái của Trần Hưng Đạo. Cách bài trí thờ tự ở đây thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, trung hiếu vẹn toàn của Hưng Đạo đại vương. Trong các di tích thờ Trần Hưng Đạo, đền Bảo Lộc có ý nghĩa đặc biệt vì mảnh đất này đã gắn với tuổi thơ của ông. Bởi vậy dân gian có câu “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Hằng năm, vào ngày kỵ của ông (20 tháng 8 âm lịch) rất đông khách thập phương lại có dịp về lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo. Nguồn: Di tích lịch sử - văn hóa Nam Định

Nam Định 259 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Đức Thánh Cả (Đền Vĩnh Lại)

Đền và chùa Vĩnh Lại thuộc xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đền Vĩnh Lại thờ hai ông Bạch Đằng và Cao Lộc giúp Hai Bà Trưng đánh quân Hán xâm lược. Tương truyền hồi đó ở huyện Phong Châu có ông Bạch Bằng và bà Hoàng Thị Đảng ăn hiền ở lành. Vào ngày 10 tháng 2 năm Giáp Ngọ bà sinh ra một trai tuấn tú đặt tên là Bạch Đẳng. Năm Bạch Đẳng 16 tuổi, cha mẹ đều mất, ông theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, được Trưng Trắc nhận làm con nuôi. Cao Lôi vốn là con ông Cao Điện và bà Hàn Thị quê ở Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (sinh ngày 15 tháng chạp năm Bính Thân) tương truyền ông có giọng như sấm vang nên gọi là Cao Lôi. Cha mẹ mất sớm, ông ở với cậu ruột là Hàn Công Chiêu học hành và luyện tập võ nghệ. Sau khi cậu bị Tô Định giết, ông theo phò tá Hai Bà Trưng và kết nghĩa anh em với Bạch Đẳng. Hai ông về trang Vĩnh Phúc huyện Thiên Bản mộ quân và lập đồn cùng Hai Bà Trưng chống giặc thắng lợi. Hai ông ở lại đất xưa, khuyên dân làm ăn lương thiện. Ít lâu sau, Hán Vũ Đế sai Mã Viện sang. Mùa xuân năm Quý Mão (43) Hai Bà Trưng và các tướng sỹ do thế yếu phải rút chạy. Hai ông và một số quân tướng nhảy xuống sông tuẫn tiết. Nhân dân trang Vĩnh Phúc thương tiếc, lập đền thờ hai ông trên đất đồn binh xưa. Vua Đinh đã phong “Đương cảnh Thành hoàng Bạch Đằng tôn thần” và “Lôi công Đại vương tôn thần”. Ngoài thờ hai ông, đền Vĩnh Lại còn thờ các tổ lập làng mở đất. Thời kỳ kháng chiến, khu đền chùa Vĩnh Lại là điểm bảo vệ cán bộ, du kích. Đền chùa Vĩnh Lại nằm trên khu đất cao, quay hướng nam, gồm 7 tòa nhà với 21 gian. Phía trước là hệ thống tam quan, nhà khách và một sân rộng. Tòa tiền đường đền Vĩnh Lại được xây vào năm Kỷ Tỵ niên hiệu Gia Long năm thứ 8 (1809), trùng tu vào niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909). Đây là công trình làm vào thời Nguyễn nên cấu trúc, bẩy kẻ đều nhẹ nhàng thanh thoát. Đặc biệt khu chùa Vĩnh Lại là công trình được gia công nghệ thuật nhiều nhất: xà nách, đầu dư, con rường đều chạm kênh bong lá lật, vân tản, hoa cúc, hoa chanh. Trên các vì chạm hình các con ly ẩn hiện, lá hỏa, hình rồng mẹ và bầy con theo phong cách Nguyễn. Long ngai thờ Bạch Đẳng, Cao Lôi là công trình chạm khắc có giá trị với những băng hoa lá cách điệu, hình rồng chầu nhiều dáng vẻ. Ở đây còn có quả chuông đồng đúc vào đời vua Tự Đức năm thứ 23 (1870) có tiếng ngân ấm lạ. Chùa Vĩnh Lại, ngoài các hệ tượng phật được thờ như ở các chùa khác, tại nhà tổ có một pho tương tạc một cụ già, mặc áo cà sa, trán nhăn nếp sâu và mắt như nhìn xuống... Đây là một pho tượng đẹp có giá trị ở chùa Vĩnh Lại. Lễ hội ở đền chùa Vĩnh Lại được tổ chức vào ngày thánh ra đời hoặc dịp đầu xuân để tri ân các tổ mở đất, tụ dân. Nguồn: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

Nam Định 226 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Đá Nam Hà

Đền Đá còn gọi là đình Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đền Đá thôn Nam Hà là di tích thờ ba anh em họ Vũ là những vị tướng thời Hùng Vương, trong đó người em út là Vũ Uy được tôn làm thành hoàng làng. Ngoài ra còn có bài vị thờ hai người anh của ngài là Chính Ngọ và Gia Sửu. Theo cuốn Kim Âu ngọc phả được viết năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), hiện còn lưu giữ tại đền thì vùng đất Kim Âu xưa kia, nay là các thôn Nam Hà, Võ Lao Thượng, Võ Lao Hạ thuộc xã Tân Thịnh. Vào thời Hùng Vương thứ 18 ở vùng ái Châu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có ông Vũ Công rời quê ra đi tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Từ Thanh Hóa ông đi đến vùng đất Kim Âu. Được nhân dân nhiệt tình chào đón, ông vui mừng ở lại dựng nhà và mở trường dạy học. Thời gian sau Vũ Công được dân làng vun đắp lấy người con gái họ Hoàng tên gọi là Loan. Ít lâu sau bà Loan sinh được hai người con trai. Người anh đặt tên là Gia Sửu, người em đặt tên là Chính Ngọ. Năm sau bà Loan đột ngột qua đời, Vũ Công lại phải kết duyên với bà Trần Thị Thịnh để lấy người nuôi dạy hai con. Vài năm sau bà Thịnh sinh ra cho ông một bé trai tuấn tú nhưng lạ thay trên trán cậu bé có chữ Vũ Uy và sau lưng có hàng vảy cá. Vũ Công liền đặt tên cho con là Vũ Uy. Lớn lên Vũ Uy cùng hai anh theo thầy học đạo. Ba ông đều rất thông minh lại am hiểu thiên văn, địa lý và giỏi võ nghệ. Khi cha mẹ qua đời cả ba ông cùng tìm về kinh đô Văn Lang giúp vua Hùng cai quản bờ cõi trong gần 20 năm. Ba ông đã đóng góp nhiều công sức của mình trong cuộc chiến đấu với quân Thục. Khi Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Phán, vì không thuần phục chủ mới nên cả ba ông đã tìm về đất Kim Âu chia xã làm ba thôn và mỗi người cai quản một thôn, rồi giúp nhân dân phát triển nông tang, ngành nghề và tiếp tục mở trường dạy học cho con em nhân dân trong vùng. Ghi nhớ công lao đó nên sau khi các ông qua đời dân làng lập đền thờ tưởng niệm. Ngoài việc thờ ba vị tướng thời kỳ Hùng Vương, đền Đá còn thờ 12 vị tổ (thập nhị gia tiên tổ) của 12 họ sớm về đây lập làng. Đền còn phối thờ hai vị đại khoa họ Hoàng và họ Lưu để nhân dân địa phương ghi nhớ truyền thống hiếu học của mình, khích lệ con cháu phát huy niềm tự hào đó. Đền Đá xã Tân Thịnh là một công trình kiến trúc lớn tọa lạc trên khu đất cao, với diện tích 2 mẫu (bắc bộ) ở giữa cánh đồng xa làng xóm. Xung quanh có nhiều cây lưu niên hòa nhập với kiến trúc công trình thành một tổng thể hoàn chỉnh. Qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo công trình hiện nay còn 4 tòa chính và một dãy giải vũ về phía bắc. Tòa bái đường 5 gian được tôn tạo cách đây hơn 60 năm, kiến trúc hoàn toàn bằng đá, nhưng vẫn giữ được phong cách cổ truyền của dân tộc. Bên trong bái đường là hai tòa đệ nhị và đệ tam. Tòa đệ tam gồm 5 gian, được tu sửa năm 1877. Tòa đệ nhị cũng có 5 gian, được trùng tu vào đời vua Thành Thái năm thứ 4 (1892). Hiện nay tại tòa đệ nhị vẫn giữ được nhiều dáng vẻ kiến trúc cổ truyền, nổi bật là bộ cánh cửa gỗ lim được chạm nổi họa tiết lưỡng long chầu ở hai cánh cửa giữa và long chầu ở hai cánh hai bên. Lễ hội đền Đá được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đền Đá được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Nguồn: Báo Nam Định điện tử

Nam Định 250 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Điểm di tích nổi bật