Điểm di tích

Đình Hoàng Sơn

Đình Hoành Sơn (còn gọi là Đình làng Ngang) thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh khoảng 35km về phía Tây Nam, cách huyện Nam Đàn 20km về phía Đông Nam. Theo truyền thuyết dân gian, Đình Hoành Sơn hình thành gắn với tích các thợ mộc nhà trời được phái xuống để dựng lên một ngôi đình to lớn tại làng Hoành Sơn (tên Nôm là rú Ngang) ven sông Lam, vốn luôn xảy ra lũ lụt. Điều này cắt nghĩa việc làng Hoành Sơn có một ngôi đình đồ sộ, đẹp tưởng như sức người không thể làm nổi, kỳ thực, là tôn vinh ý thức cộng đồng, tinh thần tự cường và tài năng sáng tạo của nhân dân qua một quá trình lịch sử. Căn cứ vào lạc khoản, nghệ thuật chạm khắc tại đình, các nghiên cứu của một số nhà khoa học trong và ngoài nước thì Đình Hoành Sơn được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVIII thời Lê Trung hưng (1763). Đình Hoành Sơn thờ chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, ngoài ra, còn phối thờ thêm Tứ Vị Thánh nương và các vị chư Phật. Đình Hoành Sơn được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng có diện tích 1663,3m2, gồm 2 tòa Đại đình và Hậu cung bố cục kiểu chữ nhất chuôi vồ, ngoài ra còn có sân, vườn và hệ thống tường bao. Đại đình có diện tích 330,4m2 (25,97m x 12,725m), gồm 7 gian, 2 chái. Hai phía xây tường dày 0,25m, phía trước xây tường ở hai bên, trừ gian giữa trổ cửa ra vào, phía sau cũng xây tường hai bên, ở giữa thông với Hậu cung. Độ cao từ đỉnh xuống nền nhà là 7,35m, nền lát gạch đất nung kích thước 0,2m x 0,2m. Phía trước, gian giữa trổ cửa ra vào gồm 4 cánh kiểu bàn khoa. Đại đình có 4 mái gồm hai mái lớn ở trước, sau và hai mái hồi, lợp ngói âm dương. Trên bờ nóc trang trí “Lưỡng long chầu nhật”; ở giữa là hình mặt trời với những đao mác, hai đầu kìm là hình ảnh hai con rồng được tạo trong tư thế “hồi long”. Ở các đầu đao và khúc nguỷnh có gắn các con xô bằng chất liệu vôi vữa. Hệ khung nhà Đại đình được tạo bởi 6 bộ vì với 32 chân cột (12 cột cái, 20 cột quân) được làm theo kiểu “thượng thu hạ thách”. Hậu cung gồm 1 gian có diện tích 44,8m2 (6,37m x 7,035m). Ba phía xây tường dày 0,25m, phía trước trổ cửa ra vào, nền lát gạch đất nung. Nâng đỡ mái là hệ thống khung nhà làm bằng gỗ lim với 2 bộ vì kiểu kẻ suốt. Tại Hậu cung có tất cả 8 cột, trong đó có 4 cột cái trốn, 4 cột quân. Hậu cung không chạm trổ, đây là nơi thờ Thành hoàng của làng Hoàng Sơn và phối thờ các thần Tứ Vị Thánh Nương và các vị Chư Phật (được rước từ chùa Ngang về). Hiện nay, đình Hoành Sơn còn lưu giữ được 10 pho tượng cổ có giá trị, đặc biệt là bộ tượng Tam thế. Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hoành Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017. Nguồn: Cục di sản văn hoá

Nghệ An 244 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Khu tưởng niệm Phan Bội Châu

Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn gồm hai địa điểm, cách nhau khoảng 1,5km: quê nội thuộc xóm 2, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn và quê ngoại thuộc thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 trong một gia đình hàn nho, thuộc làng Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; là nhà văn hóa lớn và là người tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Trong đêm trường nô lệ đen tối, trên hành trình đi tìm đường cứu nước với gần ba mươi năm hoạt động gian lao vất vả, bước chân Phan Bội Châu đã trải qua nhiều địa danh: khi tỉnh Quảng, lúc Hoan Đồn, khi Tuyên Quang, Đông Kinh, Thần Hộ, Thượng Hải, Quế Việt, khi ở Nhật Bản, khi ở Trung Quốc, lúc lại về Thái Lan… Các phong trào yêu nước do Cụ Phan phát động như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội, Việt Nam Quốc dân đảng... luôn được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, họ xem Phan Bội Châu như thần tượng, lý tưởng để phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị Thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải (Trung Quốc) giải về nước, đem xử ở tòa Đề hình Hà Nội, rồi đưa về an trí ở Huế. Sáng ngày 29/10/1940 (tức ngày 29 tháng Chín năm Canh Thìn), Cụ trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự (Huế). Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn là nơi gắn bó với cuộc đời Phan Bội Châu từ khi cất tiếng khóc chào đời, cho đến lúc ra đi hoạt động tìm đường cứu nước. Nhà Cụ Phan Bội Châu từng là nơi hội tụ “anh hùng bốn phương” - là những văn thân, sĩ phu yêu nước, dư đảng Cần Vương, khách lục lâm vong mạng nghĩa hiệp... ở khắp mọi nơi cùng nhau luận bàn việc nước. Trong số đó có Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày còn thơ ấu theo cha đến thăm Cụ Phan, được nghe các bậc cha chú luận bàn việc nước, đã góp phần hình thành tư tưởng cứu nước, thương dân trong con người Hồ Chí Minh. Những năm hoạt động ở trong và ngoài nước cho đến khi bị bắt và đưa về giam lỏng ở Huế, Cụ Phan đã mấy lần về thăm quê hương và gia đình. Lần cuối cùng Cụ về thăm nhà là xuân năm Bính Dần - 1926. Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Các công trình được bố trí hài hòa, kiến trúc phù hợp, tạo thành một thể thống nhất vừa làm tốt chức năng lưu niệm, tri ân danh nhân, đồng thời toát lên sự thanh tao, nho nhã như cốt cách của cụ Phan. 1. Quê nội: nhà Cụ Phan tại quê nội nằm ở phía ngoài đê Tả Lam, nhìn ra xa là dãy Đại Huệ hùng vĩ, phía sau là dòng sông Lam. Phía Tây Bắc là rú Đụn uy nghi, từng là đại bản doanh của Mai Hắc Đế năm xưa. Hiện nay, khuôn viên di tích rộng 754m2, bao gồm các hạng mục: cổng, tường bao, nhà bia tưởng niệm, sân vườn... 2. Quê ngoại: là nơi chào đời và gắn liền với tuổi thơ ấu của Phan Bội Châu, tổng khuôn viên di tích là 4878m2, gồm 02 khu vực chính là: khu lưu niệm gồm ngôi nhà tranh và mảnh vườn của gia đình Cụ Phan Bội Châu; khu tưởng niệm gồm nhà trưng bày hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cụ Phan và các công trình phụ trợ. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được 134 tài liệu, hiện vật (51 cổ vật, 83 di vật), bao gồm các chất liệu giấy, gỗ, đá, đồng, tre,... là những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Hàng năm, tại di tích diễn ra hai kỳ lễ trọng, đó là lễ kỷ niệm ngày mất của Phan Bội Châu ngày 29 tháng Chín Âm lịch và lễ kỷ niệm này sinh của cụ Phan Bội Châu vào ngày 26/12 dương lịch, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương, các cấp, các ngành tham dự. Ngoài ra những ngày lễ tiết, theo truyền thống địa phương như Tết Nguyên đán, Thượng nguyên, Trung nguyên... và ngày sóc vọng hàng tháng nhân dân địa phương đến dâng hương tưởng niệm rất đông. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016). Nguồn: Cục di sản văn hoá

Nghệ An 247 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tọa lạc trên Núi Dũng Quyết - nơi được ví như viên ngọc xanh mà thiên nhiên đã ban tặng cho Nghệ An và thành phố Vinh. Núi Dũng Quyết có 4 chi: Long Thủ (đầu rồng), Phượng Dực (cánh Phượng), Quy Bôi (cồn Rùa) và Kỳ Lân. Người xưa gọi địa thế nơi đây là đất tứ linh, bởi có đủ Long, Ly, Quy Phượng. Đây được xem là vị trí yết hầu trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước trên con đường thiên lý xuyên việt. Sau khi tham vấn La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ đã chọn vùng núi Dũng Quyết là nơi đắc địa, có khí tượng tươi sáng, hình thế rộng rãi để định đô tính kế lâu dài. Ngày 03 tháng 9 năm Mậu Thân (01/10/1788) Nguyễn Huệ Quang Trung đã xuống chiếu giao cho Trần Thủ Thận và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở vùng đất giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân. Do đó, ngày 01/10/1788 được chọn là ngày kỷ niệm Phượng Hoàng Trung Đô. Để tuởng nhớ đến công lao to lớn của vị anh hùng áo vải, lưu giữ mối gắn bó keo sơn giữa Hoàng đế Quang Trung với quê cha đất tổ Nghệ An, ngày 15/8/2005 UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành khởi công xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Sau hơn 1000 ngày thi công, đền được khánh thành vào ngày 07/5/2008. Đền gồm có các công trình: Nghi môn tứ trụ được thiết kế theo kiến trúc hai tầng tám mái. Tiếp theo là các công trình phụ trợ: Nhà tả vu và hữu vu nơi đón tiếp đại biểu và nhà trưng bày hiện vật. Trung tâm toàn bộ kiến trúc ngôi đền là nhà tiền đường gồm có 3 gian nhà: hạ điện, trung điện, thượng điện, được thiết kế theo hình chữ Tam cao dần lên. Cả ba nhà được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Nhà Hạ điện có khung thờ được bố trí theo tín ngưỡng thờ phụng của người Việt – Tiền phật hậu thánh. Nhà Trung điện gồm có ba gian thờ: Ở giữa bàn thờ Cộng đồng- thờ chung các quan lại tướng sỹ thời Tây Sơn; hai bên tả hữu thờ các quan văn và quan võ triều Tây Sơn. Nhà Thượng điện là nơi thờ Hoàng đế Quang Trung và thân phụ của Người - ông Hồ Phi Phúc và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Đồng. Hàng năm, Thượng điện được mở vào hai dịp lễ lớn: Ngày 29/7 âm lịch - ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung và ngày 05/01- ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đền thờ Hoàng đế Quang Trung và di tích Phượng Hoàng Trung Đô được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là điểm du lịch tại quyết định số 6188/QĐ-UBND, ngày 21/12/2017. Nguồn: Cổng thông tin điện tử sở du lịch tỉnh Nghệ An

Nghệ An 251 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Làng Sen quê Bác

Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn ( Nghệ An ) là nơi cất tiếng khóc chào đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là nơi sinh sống thời niên thiếu của Bác. Nơi đây còn lưu giữ nhà tranh thân thương mộc mạc, ao sen, những ký ức thiêng liêng gắn liền với gia đình, tuổi thơ của Bác Hồ. Làng Sen có vẻ đẹp mộc mạc, yên bình, đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc miền Trung, giống như tâm hồn của người dân nơi đây. Có thể cảm nhận được không khí ấy khi bước chân trên con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi nhà Bác ở năm xưa. Đôi bờ tre rì rào trong gió, hàng râm bụt đung đưa nhè nhẹ, hoa cau hoa bưởi thơm nồng, lòng cảm thấy thanh thản an nhiên đến lạ... Từ thành phố Vinh đi theo quốc lộ 46 khoảng 15km là tới làng Sen, đây cũng là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất cả nước về vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc và là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ vùng đất của “địa linh nhân kiệt” nơi sinh ra nhiều bậc nhân tài gắn liền với vận mệnh của đất nước. Tham quan khu di tích du khách có thể cảm nhận đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ được ghé thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết của Bác thời kỳ đó như : Lò rèn Cố Điền; nhà cụ Vương Thúc Quý; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm- ông nội của Bác. Các di tích cây đa, giếng Cốc, khu trưng bày hiện vật, tài liệu nhà tưởng niệm Bác Hồ... Những cảnh quan và các hiện vật quá đỗi thân thuộc gắn liền với hình ảnh của Bác như vẫn còn đọng lại một ít hơi ấm quanh đây. Trên lưng núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ (xã Nam Giang-Nam Đàn) là nơi mai táng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ. Mộ bà được đặt trên lưng chừng dãy núi có độ cao chừng 100m so với mực nước biển. Ngày 10.5.2012, Khu di tích Kim Liên vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đây thực sự là niềm vui, niềm vinh dự của người dân Nghệ An – nơi tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Mỗi năm, các tầng lớp nhân dân, kiều bào và khách quốc tế nườm nượp về quê Bác, để chiêm nghiệm những giá trị văn hóa, nhân văn cao cả. Nguồn: Báo du lịch Nghệ An

Nghệ An 228 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Cột mốc km số 0 Đường mòn HCM

Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh nằm cạnh bờ sông Con, dưới chân động Truông Dong, ẩn mình trong dãy đại ngàn Bồ Bồ - Ba Xanh, Động cầu ở Trại Lạt xưa, nay là thị trấn Lạt, thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Ngày 27/4/1990, Mốc Km số 0 được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Xây dựng trong khuôn viên đẹp, có suối nước chảy quanh, trước mắt là con đường Trường Sơn cũ đi qua nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Nhà truyền thống hiện đang trưng bày nhiều hiện vật quý: Cột mốc không số bằng đá granit được dựng đầu tiên, đến cột mốc bằng gỗ khắc chạm “Đường Hồ Chí Minh Km 0”. Nơi đây có những cái tên nghe đã thấy địa linh như: Động Thờ, Khe Thần, Trại Lạt, Tập Mã. Tiếp giáp với các huyện vùng bán sơn địa như Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Anh Sơn. Mảnh đất ấy đã đi vào lịch sử dân tộc gắn với bao chiến công lẫy lừng của chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn mà như trong thơ Nguyễn Trãi đã viết: “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Miền thượng Trà Lân ấy ngày nay thuộc huyện Tân Kỳ và một phần của huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Nơi mà kẻ thù vào đó sẽ tiến thoái lưỡng nan, bởi bốn bề là núi cao vực thẳm. Nghĩa quân Lam Sơn xưa đã chọn vùng đất này để lập trại (Trại Lạt); luyện tập binh mã (Tập Mã). Quân lương được đồn trú trong những thung lũng kín đáo (bản Đồn)... giàu nguồn tiếp tế. Họ đã lập ra những trại cây tự túc lương thực tại chỗ, chờ thời cơ đánh đuổi quân xâm lược. Đầu năm 1969, Tồng thống Ních-Xơn vừa mới lên nắm quyền đã bật tín hiệu tái diễn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam cho mở “Chiến dịch cắt cổ” hòng ngăn chặn con đường mòn huyền thoại và các trục nhánh đi vào miền Nam. Trục đường 15 A - con đường chiến lược thượng đạo mà Nguyễn Huệ hành quân thần tốc ra Thăng Long xưa, nay là những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, chúng oanh tạc ngày đêm, nhiều lần tập kích bằng không quân, pháo từ hạm đội 7 bắn vào các cửa tử như Bò Lăn, Dốc Lụi, Truông Én, Phà Sen, Truông Bồn, Phà Linh Cảm... Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định phải đánh bại âm mưu, chiến lược của địch. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Quân khu 4, Quân chủng Phòng không - Không quân hợp đồng tác chiến đập tan “Chiến dịch cắt cổ” của địch. Như mối lương duyên, Trại Lạt lại một lần nữa được chọn làm đại bản doanh để xuất binh giải phóng miền Nam. Ngày 5/2/1973, Thường vụ Quân uỷ Trung ương triệu tập Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính uỷ Đặng Tính giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn: Xây dựng hệ thống đường chiến lược, đặc biệt coi trọng xây dựng cơ bản đường Trường Sơn từ Tân Kỳ - Nghệ An đi Chơn Thành - Bình Phước thành con đường quốc lộ xuyên Bắc Nam...”. Sau Hiệp định Paris, tranh thủ thời cơ thuận lợi trên mặt trận ngoại giao, Bộ Tư lệnh 559 tập trung thực thi nhiệm vụ công tác khảo sát, thiết kế được coi trọng, cán bộ kỹ thuật cần cỏ kiến thức, đơn vị có trang thiết bị hiện đại.Bốn sư đoàn công binh gồm F470, F472, F565, F473 trực tiếp thi công. Đường Trường Sơn sôi động thành một đại công trường với lực lượng trực tiếp thi công gồm công binh, thanh niên xung phong phối thuộc. Nhà nước Cu Ba giúp ta trang bị máy móc hiện đại thi công trị giá 6 triệu USD; cố vấn cho kiến trúc sư, kỹ sư, kỹ thuật viên từng li từng tí, Nhờ vậy, đường chiến lược đã áp sát các đồn bốt, cứ điểm các quân đoàn, quân khu của địch. Ngày 13/5/1973, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo với Thường trực Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và các Phó Thủ tướng" Đỗ Mười, Phan Trọng Tuệ về kế hoạch xây dựng tuyến đường Trường Sơn chạy suổt Bắc - Nam. Con đường mòn đi dưới tán rừng già, luồn lách trong lòng khe cạn để tránh bom thù. Một thung lũng rộng dài từ Đông Nam Phủ Quỳ chạy men bờ con sông Hiếu (hay còn gọi là sông Con) xuôi theo đường “15A mới” là điểm tập kết bí mật bất ngờ. Hàng vạn công binh, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong được điều động về đây để đào hầm hào cất giấu quân trang, quân dụng; cho xe vận tải, xe tăng, pháo, tên lửa trú ẩn, che chở cho hàng chục sư đoàn quân chủ lực. Khu rừng thiêng nước độc, dọc từ làng Ga, xẵ Nghĩa Bình xuống Động Thờ, Trại Lạt dài hơn 20km. Nơi đây có ba ngả đường, một ngả nối với đường 15B, một ngả là đường 15 A chạy về Đô Lương, một ngả chính là con đường vận tải chiến lược chạy vào miền Nam. Thiếu tướng Võ Sở Nguyên - Chủ nhiệm chính trị Đoàn 559 là người trực tiếp khảo sát và xây dựng điểm tập kết tại Km số 0 này. Đây trở thành nơi trú quân lý tưởng của những binh đoàn chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Cũng từ đây, con em miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, họ là những cán bộ, công nhân viên ở các nông trường quân đội quốc doanh: 1/5, Đông Hiếu, Tây Hiếu, Nông trường 3/2, sông Con... có nguyện vọng về quê chiến đấu; là lực lượng cán bộ chủ chốt cho cách mạng miền Nam. Và cũng từ đây, đại binh có thể tránh được những cửa tử như ga Si, cầu Cấm, ga Vinh, Truông Bồn, phà Bến Thuỷ, phà Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc để hành quân theo đường ra trận, tránh được bom đạn đánh phá, tránh được những túi lửa khổng lồ suốt đêm ngày trên tuyến lửa Khu 4. Ngày nay đường Hồ Chí Minh đã được nâng cấp, mở rộng rải nhựa Asphalt phẳng. Cột mốc số 0 cũng đã được tôn tạo và công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An

Nghệ An 242 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Truông Bồn Nghệ An

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong kháng chiến chống mỹ cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây được xem là tuyến lửa ác liệt nhất trên tuyến đường chiến lược 15A. Nắm được vị trí chiến lược của Truông Bồn, đế quốc Mỹ rải bom đạn huỷ diệt, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Chỉ tính từ năm 1964 – 1968, chúng đã trút xuống nơi đây gần 20 nghìn quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa. Trung bình mỗi kilomet đã phải hứng chịu hơn 4.000 quả bom. Truông Bồn vốn là đỉnh núi cao 70m so với mặt biển, sau nhiều năm đánh phá ác liệt Truông Bồn đã trở thành bình địa, độ cao chỉ còn hơn 30m so với mặt biển. Với số lượng bom đạn khủng khiếp như vậy, Truông Bồn được ví là hố bom của miền Bắc. Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề, nhưng hàng vạn con người nơi đây đã vượt lên bom đạn, vất vả thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa,. Với quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, chúng ta đã giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu m³ đất đá, đưa hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn theo sát các đoàn quân vào chiến trường miền Nam. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong Đại đội 317 ngày 31/10/1968. Đó là một buổi sáng đặc biệt, các đơn vị nhận được mật lệnh đảm bảo thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng, mọi người hồ hởi, náo nức ra trận địa. Khi công việc sắp hoàn thành, bất ngờ, những tốp máy bay gầm rú, lao tới oanh tạc Truông Bồn, những tiếng nổ xé toang cả bầu trời, mặt đất rung chuyển, đội hình Tiểu đội 2 đã không kịp rút về hầm trú ẩn, lập tức đã bị vùi nát dưới trận bom dữ dội, đồng đội chưa kịp ứng cứu thì những loạt bom vẫn liên tục giội xuống, trên đoạn đường chỉ có chiều dài 120m này thôi nhưng đã phải hứng chịu 170 quả bom tàn phá. Mặc khói bom nồng nặc, mặt đất bốc cháy, đồng đội lao ra tìm kiếm, từng lớp đất, hòn đá được lật tung, may mắn tìm thấy chị Trần Thị Thông bị vùi sâu bên cạnh hố bom và vẫn còn cơ hội sống sót, còn lại 13 chiến sỹ thân thể đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây, tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không nguyên vẹn hình hài. Gạt nước mắt, đồng đội gom về những mẩu xương thịt trộn lẫn bùn đất, không biết được của ai, đành ngậm ngùi đắp cho các chị, các anh một ngôi mộ chung. Đau đớn không chỉ bởi trận bom khủng khiếp và tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 11 cô gái và 2 chàng trai khi mà chỉ còn ít giờ nữa, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, chỉ còn ít giờ nữa thôi họ sẽ bước chân về phía hòa bình với nhiều dự định cho tương lai. 5 chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học vẫn đang gói trong từng chiếc khăn mùi soa; và cũng chỉ 1 giờ đồng hồ nữa thôi, chị Tâm, anh Hòa sẽ đưa nhau về làm lễ đính hôn. Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã gạt qua bao nhiêu nước mắt, nỗi nhớ, niềm thương để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc, họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân cao quý của mình để hiến dâng cho Tổ quốc. Đó là kết tinh cao đẹp nhất tinh thần yêu nước, của ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm, của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình, để viết nên 1 huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX. Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, ngày 12/1/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An – trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 2 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh. Nguồn: Báo công an nhân dân online

Nghệ An 241 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được thành lập ngày 15/ 01/1960, tọa lạc trong khu vực Thành cổ Nghệ An, tại số 10 đường Đào Tấn, phường Cửa Nam, Tp. Vinh. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được đặt trên nền nhà lao Vinh, nơi mà trước đây, năm 1929 đến 1931 đã giam cầm hàng ngàn chiến sỹ cách mạng tham gia trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là bảo tàng trưng bày chuyên đề về một sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc khi Đảng ta mới ra đời, đó là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Đây cũng là một trong ba bảo tàng được thành lập sớm nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Bảo tàng xây dựng 2 tầng, trên một khu đất rộng 2 hecta, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh vừa có kiến trúc đẹp, cổ kính, vừa hiện đại vừa mang đậm nét bản sắc dân tộc. Đây là công trình văn hóa độc đáo lưu giữ trên 5.000 hiện vật gốc và các tư liệu cách mạng của nhân dân Nghệ An trong cao trào Xô Viết 1930 - 1931. Trong khuôn viên bảo tàng rộng hơn 15.000m2, ngoài nhà trưng bày thường trực, còn có 02 công trình văn hóa, tín ngưỡng, đó là: “Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh” và “Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931”. Nhà trưng bày thường trực gồm có 09 phòng giới thiệu toàn bộ tiến trình của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, bảo tàng còn có hai phòng trưng bày chuyên đề: Cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ Lê nin; Chủ tịch Cay-Xỏn Phôm-Vi-Hản và tình hữu nghị Việt Nam – Lào. Phòng trưng bày số 1 là phòng khánh tiết Phòng trưng bày số 2 trưng bày, trang trí nhiều hiện vật liên quan đến phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, Phong Trào Cần Vương là hai phong trào tạo tiền đề cho Xô Viết – Nghệ Tĩnh diễn ra. Phòng trưng bày số 3 ghi lại quá trình thành lập, các hoạt động tiêu biểu của Đảng Bộ tỉnh Nghệ An. Phòng trưng bày số 4 có sa bàn mô phỏng lại cuộc đấu tranh Xô Viết – Nghệ Tĩnh cùng nhiều tranh ảnh cổ động có giá trị. Phòng trưng bày số 5 số 6, số 7 bao gồm các tranh tư liệu ghi lại diễn biến, quá trình đấu tranh chống lại sự khủng bố của kẻ thù và kết quả của phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh trong từng các giai đoạn khác nhau. Phòng trưng bày số 8 là mô hình thu nhỏ của Nhà Lao Vinh – nơi giam cầm những người hoạt động trong phong trào Cần Vương, phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh với nhiều dụng cụ tra tấn tàn bạo. Ngoài ra, cò có mô hình thu nhỏ của thành cổ Vinh. Phòng trưng bày số 9 gồm những tư liệu nói về sức ảnh hưởng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phấn đấu không ngừng và trưởng thành về mọi mặt, trở thành một thiết chế văn hóa nổi bật trong họat động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa xứ Nghệ. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Nguồn: Tổng hợp cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An

Nghệ An 276 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Thành cổ Vinh

Thành phố Vinh - trái tim của Xứ Nghệ - mảnh đất có bề dày lịch sử hàng trăm năm, nơi từng được vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn làm nơi xây dựng kinh đô vào năm 1788. Để từ đó còn có tên gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Thành Vinh ngày xưa thuộc xã Vĩnh Yên, phủ Yên Trường, tỉnh Nghệ An. Nay là địa phận phường Cửa Nam -Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ an. Thành có tên gọi cũ là Thành nghệ An, trong dân gian còn có tên là Thành con rùa (thành quy hình). Sở dĩ được gọi là thành con rùa là bởi thành được xây theo hình 6 cạnh, đứng trên núi Quyết nhìn xuống trông giống như hình con rùa. Thành được xây dựng vào triều Nguyễn, đời vua Gia Long. Năm 1802, nhà Nguyễn giành được chính quyền từ vương triều Tây Sơn. Mặc dù rất thù ghét Nguyễn Huệ - Quang Trung, nhưng Gia Long không thể làm ngơ trước cái nhìn có tầm kiệt xuất của nhà quân sự thiên tài Quang Trung- Nguyễn Huệ rằng: núi Quyết, sông Vĩnh có tầm thế của một đế đô thì sao lại không đáng để xây trấn sở của một tỉnh. Chính vì vậy, năm 1804 Gia Long khởi công xây dựng thành. Tuy nhiên, do muốn xóa đi dấu vết triều Tây Sơn nên Gia Long không cho xây Thành ở núi Dũng Quyết mà xây ở địa phận 2 tức là Xã Vĩnh Yên thuộc phủ Yên Trường, chính là nơi mà dấu tích của thành vẫn còn mãi đến bây giờ. Thành được xây bằng đất.Triều đình vua Gia Long đã huy động 1.000 lính Thanh Hoá, 4.000 lính Nghệ An để xây thành. Đến đời vua Minh Mạng, năm 1831 thành được xây bằng đá ong với quy mô to lớn, kiên cố hơn. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp đã lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền - một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ để xây dựng. Như vậy là chúng ta có thể thấy được quy mô xây dựng thành và vị thế của thành là rất quan trọng. Thành được xây dựng chính bằng sức của nhân dân, thậm chí là bằng cả máu và nước mắt của nhân dân. Thành có cấu tạo hình lục giác, với diện tích khoảng 420.000m2 , chu vi là 2.520m. bao gồm 2 vòng thành: vòng thành trong và vòng thành ngoài. Cùng với hệ thống Thành cao là hệ thống hào sâu. Hào được đào sát bờ thành để lấy đất đắp lũy thành và cũng là hệ thống bảo vệ, tăng thêm sự khó khăn khi đối phương tấn công vào thành. Hệ thống hào hàng năm còn được thả sen để lấy hạt cống nạp triều đình. Thành có 3 cửa ra vào: cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu. Cửa Tiền là cửa chính hướng về phía nam với ý thức hướng về kinh đô Huế, là cửa để vua ngự giá. Nhà vua được nghênh tiếp một cách long trọng tại đây, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào cũng được nghênh đón tại đây. Cửa Tả mở về hướng đông. Chính giữa phía trên vòm cổng khắc hai chữ Hán: “Tả môn”. Phần móng của cổng nay đã bị lấp kín bởi đoạn đường này đã được rải nhựa năm 1990. Cửa Hữu được mở về hướng tây. Phần móng trung gian còn lộ ra những phiến đá xanh được mài nhẵn với nhiều kích thước khác nhau. So với cổng Tiền và cổng tả thì thân cồng Hữu vẫn còn nguyên vẹn hơn cả. Các cổng được thiết kế mái vòm. Đứng ở giữa cổng thành ta vừa có cảm giác như đứng ở giữa một ngôi nhà nhỏ kiên cố, lại vừa có cảm giác như đứng trong một lô cốt chắc chắn. Có thể nói, thành Nghệ An được thiết kế như một pháo đài quân sự, có khả năng phòng thủ cao. Trên đường vào các cổng thành, bắc qua hào sâu thì được xây cầu để đi lại. Cầu được xây theo kiểu vòm cuốn. Dưới phần móng xây bằng đá rất kiên cố. Cầu rộng 4,42 m, cao 2,5m lòng cầu rộng 3,5m thuyền có thể qua lại dưới vòm cầu dễ dàng. Vào thời Nguyễn, bên trong thành, công trình lớn nhất là hành cung. Cùng với đó là các cơ quan như dinh thống đốc, dinh bố chánh, lãnh binh, dinh đốc học, trại lính và nhà ngục. Toàn bộ thành được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc. Thành Vinh ra đời nhằm tạo ra một trung tâm chính trị, quân sự, vừa là một công trình phòng thủ của tỉnh Nghệ An. Năm 1885 Thực dân Pháp nổ súng xâm lược đất nước ta. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn chống cự yếu ớt nên thành Vinh nhanh chóng rơi vào tay thực dân Pháp. Kể từ đó, Thành Vinh đã trở thành chứng tích của một thời kỳ bi thương mà hào hùng của nhân dân Nghệ An. Nơi đây chứng kiến sự đấu tranh dũng cảm của người chị gái thương yêu của Bác Hồ - bà Nguyễn Thị Thanh. Bà đã tổ chức lấy trộm súng của doanh trại để cho nghĩa quân có đủ vũ khí đánh úp thành, song việc bị bại lộ, bà bị bắt và bị giải vào nhà Lao Vinh, bị tra tấn giã man. Phiên tòa ngày 4/6/1918 đã xử bà chịu đánh 100 trượng và đày khổ sai 9 năm. Tiếp đó là thời kì sục sôi khí thế của cao trào cách mạng 30,31. Thành Vinh trở thành nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt, chứng kiến tinh thần dũng cảm hy sinh của nhân dân xứ Nghệ để làm nên một đỉnh cao Xô Viết. Đến năm 1941, thành Vinh lại chứng kiến sự hy sinh của Đội Cung và những binh sỹ yêu nước đứng trong hàng ngũ quân đội Pháp. Trải qua quá trình lịch sử, lớp bụi thời gian và sự tàn phá của chiến tranh đã khiến Thành không còn được nguyên vẹn. Chỉ còn 3 cổng thành vẫn còn giữ được những kết cấu cơ bản, vẫn sừng sừng án ngự giữa những con đường vào thành nội. Thành cổ Vinh một dấu tích xưa, một công trình kiến trúc độc đáo có giá trị lịch sử - văn hóa vô cùng to lớn. Năm 1998, thành Vinh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích quốc gia. Nguồn: Ban quản lý di tích Nghệ An

Nghệ An 241 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Quả Sơn

Đền Quả Sơn tọa lạc dưới chân núi Quả, nay thuộc xã Bồi Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cách TP Vinh hơn 70km về phía tây bắc. Ngôi đền có tuổi thọ gần một ngàn năm, quy mô lớn, nổi tiếng linh thiêng này là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – Tri châu Nghệ An. Theo sử sách ghi lại, Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ). Năm 1039, Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An với tước hiệu “Uy Minh Thái tử”. Đến năm 1041, Lý Nhật Quang được bổ nhiệm làm tri châu Nghệ An với tước hiệu “Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang”. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An. 3 năm sau, vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước “Hầu” lên tước “Vương” thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và ban cho ông quyền “Tiết Việt” (tức có quyền thay mặt nhà vua, được vua tin cậy và ủy thác quyền được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An). Suốt 16 năm làm Tri Châu ở Nghệ An, Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế. Với đường lối Vương đạo, thân dân, ông là người có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Nghệ An từ một vùng đất “biên viễn”, “phên dậu” trở thành một trọng trấn, pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế, văn hóa không chỉ đối với nhà Lý mà cả với các triều đại về sau. Trong thời gian trị nhậm ở đây, Ngài đã có nhiều chiến công lớn lao về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng như: Lập nên trại Bà Hòa, cung cấp quân lương cho vua Thái Tông đi mở cõi phương Nam, làm đường, đào kênh, đắp đê, mở thêm 52 châu, 22 trại, 56 sách, giúp nhân dân ổn định đời sống, biên giới được giữ vững, các nước láng giềng kính phục. Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quy hóa và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả và được nhân dân xứ Nghệ lập đền thờ gọi là đền Quả Sơn. Chuyện còn ghi lại, sau khi quy hoá, Lý Nhật Quang đã hiển thánh và luôn phù hộ cho triều đình đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, nên các triều đại về sau, mỗi khi xuất quân đánh giặc đều về đền Quả Sơn thắp hương cầu ngài phù hộ và sau khi thắng trận thì quay về đền thắp hương tạ lễ báo công. Vì thế, người dân nói, Lý Nhật Quang sống đánh giặc, chết hiển linh đánh giặc. Hiện, ngôi mộ linh thiêng của Ngài tại di tích đền Quả Sơn luôn được nhân dân chăm sóc, phụng thờ, hương khói. Đền Quả Sơn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, được liệt vào hàng “quốc tế, quốc tạo”, sau đó được trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê, Nguyễn. Đến đầu thế kỷ 20, đền trở thành một quần thể có quy mô lớn, gồm bảy tòa, là một trong “tứ đại thắng tích” của xứ Nghệ. Đền Quả Sơn là một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ, là công trình hội tụ tư duy sáng tạo, mới mẻ: Bộ khung của các công trình trong đền được lấy từ các nơi đưa về và dựng lại. Đền bao gồm nhiều hạng mục, điển hình như: Tòa nhà hình chữ công gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện nối liên tiếp với nhau – thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tả vu thờ Đông Chính Vương, Hữu vu thờ Dực Thánh Vương, phần mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhà bia, nhà ngựa và ông ngựa… Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, do thời gian và chiến tranh, đền Quả Sơn ngày nay không còn lưu giữ được quy mô và tầm vóc như xưa. Năm 1952, bom đạn đã làm cho đền bị phá hoại nghiêm trọng. Đền chỉ còn lại tấm bia đá cổ và ngôi mộ của Ngài. Đến năm 1996, thực hiện chủ trương bảo tồn, phục hồi và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa dân tộc, ngôi đền được chính quyền và nhân dân trung tu. Ngày 12/02/1999, đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp quốc gia. Năm 2019 Lễ hội đền Quả Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, điểm du lịch của tỉnh Nghệ An. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Đô Lương Nghệ An

Nghệ An 236 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Cuông

Đền Cuông tọa lạc trên núi Mộ Dạ, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An là ngôi đền thờ Thục Phán An Dương Vương. Từ tư liệu đền Cuông, đền còn có tên gọi khác là đền Công, bởi xưa kia nơi đây có rất nhiều con chim công sinh sống. Đặc biệt ngọn núi này có dáng hình con chim công khổng lồ, đầu con chim công là nơi ngôi đền tọa lạc. Đền Cuông gắn liền với một vị vua trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngôi đền cũng gắn với truyền thuyết nỏ thần, mối tình ngang trái Mỵ Châu – Trọng Thủy. Sau khi được Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã đoàn kết sức mạnh toàn quân, đại phá quân Tần và lên ngôi vua, lấy hiệu là An Dương Vương. Khi lên ngôi, An Dương Vương đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì đất nước trong 50 năm (từ năm 257 đến năm 208 trước công nguyên). Tương truyền, khi được thần Kim Quy giúp xây thành và làm nỏ thần, An Dương Vương mất cảnh giác và đã mắc mưu của Triệu Đà. Năm 208 trước công nguyên, sau khi chiếm được nỏ thần, Triệu Đà đã cho quân tấn công bất ngờ nước Âu Lạc, An Dương Vương phải rút lui về phương Nam. Khi đến nơi đây, cùng đường (trước mặt là núi, phía đông là biển, sau lưng là giặc), An Dương Vương đã rút gươm chém Mỵ Châu rồi tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc chân núi Mộ Dạ. Để tưởng nhớ An Dương Vương, sau khi nhà vua mất, nhân dân vùng này đã lập đền thờ vua ở đây. Đền đã có từ rất lâu. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào xác định được chính xác thời điểm khởi dựng ngôi đền. Tuy nhiên, dưới thời nhà Nguyễn, đền Cuông đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt vào năm Giáp Tý (1864), vua Tự Đức đã ban sắc chỉ xây dựng lại ngôi đền với quy mô như ngày nay. Đền Cuông là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên, xung quanh có trồng nhiều cây xanh đan xen. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa thượng, trung và hạ điện. Lễ hội đền Cuông được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Lễ hội Đền Cuông có quy mô lớn nổi tiếng của Nghệ An, thu hút sự quan tâm đông đảo người dân địa phương và du khách khắp mọi miền đất nước. Ngày 16/01/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nguồn: Sở du lịch Nghệ An

Nghệ An 247 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Điểm di tích nổi bật