Điểm di tích

Đỉnh Langbiang

Langbiang là tên của một ngọn núi cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 12km, với bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với sự phát triển của du lịch. Ngọn núi gồm núi Ông cao khoảng 2.124 mét so với mực nước biển và núi Bà cao khoảng 2.167 mét. Ngoài ra, trong khuôn viên khu du lịch Langbiang còn ngọn núi thứ tư là đồi Radar, cao 1.929 mét. Vì thế nơi đây được mệnh danh là nóc nhà của Đà Lạt, du khách có thể thu gọn vào tầm mắt vẻ đẹp của cả thành phố mộng mơ. Về lịch sử, cái tên Langbiang gắn với rất nhiều những câu chuyện truyền thuyết. Nổi tiếng nhất phải kể đến là chuyện tình đầy bi thương của một chàng trai tên Lang và một cô gái tên Biang. Hai người đã đem lòng yêu thương nhau sau một lần tình cờ gặp gỡ và chàng lang đã cứu nàng Biang thoát khỏi tình huống hiểm nghèo. Thế nhưng vì hai người thuộc hai bộ lạc khác nhau, giữa hai bộ lạc lại có thù oán sâu nặng nên chuyện tình này đã gặp rất nhiều sự cấm cản. Cuối cùng hai người đã bất chấp tất cả, ngồi bên cạnh nhau vượt qua đêm lạnh giá, ngày nắng gắt, bên nhau đến trút hơi thở cuối cùng. Nước mắt của nàng Biang hòa cùng dòng thác, như nỗi đau vô tận của những người yêu nhau nhưng không thể bên cạnh nhau. Kể từ đây cái tên đỉnh Langbiang ra đời, cho đến tận ngày này vẫn lưu lưu truyền cùng câu chuyện tình yêu bi thương nhưng vô cùng cảm động. Đồng thời nơi đây cũng trở thành biểu tượng tình yêu và là sự lựa chọn của rất nhiều đôi lứa yêu nhau, muốn cùng nhau thề nguyền hẹn ước. Khu du lịch Langbiang được chia làm 5 khu vực rộng lớn để phục vụ khách du lịch bao gồm: nơi đón tiếp du khách, thung lũng Trăm năm, Bãi Mimosa, đồi Dankia – đồi Radar và đỉnh Langbiang. Nơi đón tiếp du khách là khu vực cổng vào. Bạn sẽ mua vé và thuê xe Jeep nếu có nhu cầu. Du khách còn có thể mua thêm đồ ăn, nước uống để chuẩn bị cho hành trình chinh phục đỉnh núi hay đặt dâu vườn để mang về làm quà. Giá dâu tại đây khá rẻ so với thị trường, đảm bảo dâu được hái từ vườn với chất lượng tốt nhất. Thung lũng Trăm năm cách cổng vào khoảng 500 mét. Khu vực này đã được quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng, với đầy đủ các dịch vụ bao gồm: nhà hàng, điểm lưu trú, sân tennis, sân lửa trại… Nơi đây được lựa chọn trở thành điểm tổ chức rất nhiều các chương trình lễ hội lớn của Đà Lạt. Tiếp theo là bãi Mimosa, cách thung lũng Trăm năm khoảng 1km. Nơi đây có một chiếc cầu treo đơn sơ lâu đời của người dân tộc bản địa. Ngoài ra còn có các nhà hàng theo phong cách nhà sàn của đồng bào thiểu số, phục vụ những món đặc sản địa phương theo phong cách rất mộc mạc, gần gũi. Đặc biệt tại đây, bạn còn được nếm thử rượu cần cùng thịt trâu gác bếp, tận hưởng các buổi đốt lửa trại và biểu diễn văn hóa cồng chiêng truyền thống. Đồi Radar với độ cao hơn 2000 mét so với mực nước biển, vì thế vào sáng sớm khi sương còn chưa tan hết, nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh. Du khách có thể nhâm nhi một tách cà phê nóng hổi, thuê ống nhòm khám phá Đà Lạt mờ sương. Tại đỉnh đồi có những quán cà phê, nhà hàng, trò chơi mạo hiểm để du khách trải nghiệm. Không những vậy tại đây còn có những đàn ngựa được chăn thả và vườn hoa để du khách thoải mái check-in chụp hình. Ngoài việc cảnh vật được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp mộng mơ, khu du lịch cũng được đầu tư những trò chơi cảm giác mạnh để phục vụ du khách. Nguồn: Du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 348 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Linh Phong

Chùa Linh Phong có tên đầy đủ là Chùa sư nữ Linh Phong hay Linh Phong Ni Tự là ngôi chùa nằm trên một đồi cao ở số 72 C đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chùa Linh Phong được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ ở xứ sở sương mù, với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm đặc trưng văn hóa Việt Nam. Di tích chùa Linh Phong được xây dựng vào năm 1944, ban đầu chùa chỉ là một niệm Phật đường mái tôn vách ván đơn sơ, nằm cheo leo trên chóp núi. Năm 1948 đến 1962, Sư bà Thích Nữ Từ Hương trùng tu và xây dựng nên Linh Phong Ni Tự. Ngôi chùa ngày càng được mở rộng cho xây dựng để hình thành một ngôi chùa trang nghiêm, tráng lệ như ngày nay… Cổng tam quan được xây dựng bằng đá xanh, tạo nên nét uy nghi cho ngôi tịnh đường theo triết lý tam quan “Không, Giả, Trung”. Cổng tam quan đã phủ màu rêu phong, có hàng chục bậc thang dẫn lên. Đứng ở đây có thể thấy được toàn cảnh ngôi chùa được chia làm năm gian, mái chùa được trang trí tứ linh rất tinh xảo, có kiến trúc theo kiểu những đình làng miền Trung Việt Nam, cụ thể là có nét giống như lăng tẩm, đền đài của vua chúa thời xưa ở Huế. Di tích chùa Linh Phong được bố trí theo hình chữ đinh. Mái ngói chồng diềm, trên đường nóc có trang trí đắp nổi hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Ở các đầu đao là các cặp long, ly, quy, phụng. Chùa được xây theo phong cách kiến trúc Á Ðông, hai mái xuôi hơi cong ở phía cuối trên có hai con rồng uốn khúc đối xứng vươn lên giữa trời cao. Phía trước có 4 trụ lớn và phía dưới diềm mái là mảng trang trí hoa văn hình chữ vạn cách điệu. Trên cột trong chính điện và trước tiền đường có treo nhiều câu đối, đặc biệt câu đối khảm xà cừ đượm ngát hương thiền. Gian bên phải có tượng Hộ pháp di đà, gian bên phải là tượng ông thiện, ông ác. Ở phần chính điện có tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen được đúc bằng đồng từ năm 1952 cao 1,70m, nặng 1.250kg. Bên phải nội điện có Ðại Hồng Chung nặng 450kg treo trên giá được làm bằng gỗ quý. Bên trái nội điện là giá trống có chiều dài 1m và đường kính rộng 0,75m. Tòa chánh điện nằm cao hơn mặt nền, có hai dãy tam cấp dẫn lên, hai bên có hình hai con rồng vàng mang đậm nét Phật giáo của miền Nam những thập niên trước. Khu vực chính điện là nơi đặt pho tượng A Di Đà cao 1.8m sơn son thếp vàng, được tạc vào năm 1949. Hai bên là tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí bằng đồng, phía sau là nơi thờ Đạt Ma sư tổ. Bên ngoài là hai dãy nhà dùng làn nơi tiếp khách, sinh hoạt và giảng đường. Một công trình cũng rất nổi bật nữa là nhà thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma dựa lưng vào mỏm đồi được phủ bởi rừng thông. Ngoài ra còn có một ngôi tháp nhỏ cao 3 tầng, hình lục giác nằm ở trên đồi sẽ là nơi an nghỉ của Sư bà sau khi viên tịch. Trong chùa Linh Phong còn có phòng phát hành kinh bổn và nhà vãng sinh, là nơi quàn thi hài Phật tử mà gia quyến họ muốn cử hành tang lễ tại chùa. Ngoài ra, chùa Linh Sơn còn có một giảng đường khá lớn được xây dựng từ năm 1972 và hiện tại là trường cơ bản Phật học của tỉnh Lâm Ðồng Nguồn: Giáo hội phật giáo tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 332 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Thiền Viện Trúc lâm

Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt toạ lạc trên núi Phụng Hoàng, Đường Trần Thánh Tông, Phường 3, Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng. Thiền viện do Hoà thượng Thích Thanh Từ khởi lập từ ngày 8/04/1993, hoàn thành vào ngày 8/02/1994. Bản phác thảo đầu tiên có sự tham gia của KTS nổi tiếng Ngô Viết Thụ. Vì mới xây cất cách đây một thập niên nên kiến trúc hài hoà giữa kim và cổ trông hài hoà và thanh thoát. Thiền Viện Trúc Lâm tuy không có vẻ đẹp cổ kính, nguy nga như các chùa chiền khác, xong nơi đây ẩn chứa bao điều huyền nhiệm của thế giới tâm linh. Thiền Viện Trúc Lâm thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử, là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền Viện rộng đến 30ha, được bao bọc bởi rừng thông bạt ngàn. Tọa lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng hùng vĩ nên không khí vô cùng thoáng đãng và dễ chịu. Hướng nhìn của Thiền Viện cũng hướng về phía hồ Tuyền Lâm nổi tiếng vì thế nên được ví như là “tiền sơn hậu thuỷ”. Trong Thiền viện có 4 khu vực chính: Khu tịnh thất hòa thượng; Hòa thượng viện trưởng; Khu vực ngoại viện; Khu nội viện tăng và nội viện ni. Mỗi khu đều được chia nhỏ thành 8 – 12 phần, để dễ dàng quản lý và chăm sóc. Sổ sách ghi chép lại là vào những năm 1986, trong một đêm đang say giấc ngủ, Ngài Thích Thanh Từ nằm mơ thấy mình đang ôm cổ con chim Phụng Hoàng và bay vút lên trời cao. Lúc tỉnh dậy, ngài ngồi tịnh tâm suy nghĩ lại về giấc mơ ban tối. Ngài nhận ra Đà Lạt là nơi tuyệt vời để chúng tăng tu đạo bởi khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm, núi hồ thanh vắng được thiên nhiên và rừng ưu ái. Chính vì thế, ngài liền phác họa nên sơ đồ thiền viện – Đó cũng chính là Thiền Viện Trúc Lâm ngày nay. Sau đó, Ngài Thích Thanh Từ tới khu vực hồ Tuyền Lâm, cảm thấy hài lòng với cảnh quan nơi này nên đã xây lên Thiền Viện Trúc Lâm. Cũng như rất nhiều ngôi chùa khác, chính điện của Thiền Viện Trúc Lâm nằm ngay ở vị trí trung tâm Thiền Viện vì đây là nơi linh thiêng nhất của chùa. Ngay chính giữa điện thờ là một tượng Phật Thích Ca cao 2m, tay phải cầm hoa sen. Bên phải đức Phật là tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử, bên trái là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Tất cả đều được điêu khắc, chạm trổ vô cùng tỉ mỉ, tạo cảm giác chân thật, linh thiêng vô cùng. Ngay phía ngoài là toà tháp uy nghiêm bên trong treo một chiếc chuông lớn cao 1.98 m nặng 1.1 tấn trên có khắc bài thơ của Trúc Lâm Ðầu Ðà. Thiền Viện có hơn 100 tăng ni và nhiều cư sĩ tập trung từ khắp nơi trong nước, hàng ngày đọc kinh theo một chế độ tu luyện nghiêm khắc với quan điểm triết học: “ trở về soi rọi chính bản thân mình”. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 362 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Nhà thờ Domaine de Marie

Nhà thờ Domaine de Marie theo tiếng Pháp có nghĩa là Lãnh địa Đức Bà, còn được người dân Đà Lạt quen gọi là Nhà thờ Mai Anh (nằm trên đồi Mai Anh), một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, với tổng diện tích là 12ha nằm trên đường Ngô Quyền, thành phố Đà Lạt. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1930 cho đến 1943 theo phong cách châu Âu của thế kỷ 17, là sự kết hợp hài hòa giữa các kiểu kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân gian của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Bố cục kiến trúc nhà thờ có nhiều điểm cách tân so với các nhà thờ cổ điển phương Tây, vẫn là dạng mặt bằng chữ thập nhưng tỷ lệ có phần tự do hơn: chiều rộng 11m và chiều dài là 33m. Có hai đường bậc thang đi lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính. Tiền đình được thiết kế là một hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn một cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác. Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn. Chi tiết này thường xuất hiện trong các nhà thờ của Pháp cuối thế kỷ XVII. Hệ thống mái, có hình dáng tựa như nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Mái nhà có độ dốc khá lớn, được lợp ngói màu đỏ. Hệ vì kèo gỗ được chế tạo tinh vi góp phần vào việc hình thành một không gian nội thất trong nhà thờ. Các cửa sổ mái nhô ra từ phần mái lớn, vừa tạo những điểm nhấn duyên dáng cho một diện tích mái khá lớn, vừa là nơi gắn những tấm kính màu chiếu sáng cho không gian thánh đường thêm phần lung linh, huyền ảo. Nhà thờ không có tháp chuông như nhiều nhà thờ khác, bên trong nhà thờ có tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu, tạc theo hình mẫu của phụ nữ Việt Nam, cao 3m nặng 1 tấn, được làm năm 1943, do Jonchère – một kiến trúc sư người Pháp thiết kế và do phu nhân toàn quyền Đông Dương Decoux (Suzanne Humbert) dâng cúng. Phần tường được xây bằng đá chẻ cao đến ngang bệ cửa sổ, theo kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp). Tường dưới mái xây khá dày, các cửa được thiết kế sâu vào bên trong, do đó ở mặt bên của nhà thờ có thể nhận thấy rõ các mảng đặc-rỗng, sắc độ đậm-nhạt, sáng-tối, làm cho công trình càng thêm ấn tượng và độc đáo. Phía sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu hiện đại với ba dãy nhà 3 tầng của Dòng Nữ tử Bác Ái, tường bao quanh vườn trong được quét vôi màu vàng, mái lợp ngói đỏ. Nơi đây còn có phần mộ của bà Decoux, người có công chính trong việc đứng ra quyên góp để giúp xây dựng nhà thờ và đã qua đời trong một tai nạn giao thông tại đèo Prenn. Nguồn: Du lịch Đà Lạt

Lâm Đồng 341 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang tọa lạc ở số 133 đường Hai Bà Trưng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa do Hòa thượng Thích Nhơn Thứ tạo lập vào năm 1931. Hòa thượng viên tịch năm 1941. Chùa là ngôi Tổ đình đầu tiên ở thành phố Đà Lạt. Chùa được vua Bảo Đại ban biển ngạch Sắc tứ vào năm 1938. Kế tiếp trụ trì là Hòa thượng Thích Quảng Nhuận. Hòa thượng viên tịch năm 1951 tại Tổ đình Từ Quang, Huế. Chùa được trùng tu vào năm 1958 và năm 1972 dưới thời Hòa thượng Thích Minh Cảnh trụ trì. Hòa thượng đã đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, như năm 1952, ngài là Tri sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Đồng Nai Thượng; năm 1982, ngài là Đệ nhất Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. Hòa thượng an nhiên thị tịch vào ngày 19 tháng 2 năm Bính Dần (1986), đúng vào ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm, thọ 80 tuổi. Kế tiếp trụ trì là Hòa thượng Thích Đức Thiệu. Trụ trì ngôi chùa từ năm 1993 đến nay là Thượng tọa Thích Thanh Tân. Thượng tọa đã và đang kiến tạo chốn tổ ngày càng trang nghiêm. Năm 1990, Thượng cho xây dựng tăng phòng, tàng kinh các. Năm 2000, xây dựng tượng đài Quan Thế Âm thị hiện trên thân rồng dài 100m, đường kính 2m. Năm 2001, kiến tạo vườn Lâm Tỳ Ni gồm nhiều tượng lớn như: voi trắng 6 ngà, cao 3m, dài 6m; cành Hoàng hậu Ma Gia cùng chư Thiên, Tiên nữ… Thượng tọa trụ trì chùa hiện là Trưởng Ban Từ thiện Phật giáo Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Đại diện Phật giáo TP. Đà Lạt. Đây là ngôi chùa đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật ghép mảnh sành tạo hình Long, Lân, Quy, Phụng… Chùa là điểm lễ bái, điểm du lịch hành hương hấp dẫn du khách, Phật tử gần xa. Nguồn: Giáo hội phật giáo tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 433 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Tàu

Chùa Thiên Vương Cổ Sát hay còn gọi là Chùa Tàu hoặc chùa Phật Trầm. Chùa tọa lạc tại số 385 đường Khe Sanh Phường 10, Thành Phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Năm 1958, Chùa được hòa thượng Thọ Dã thuộc hội quán Triều Châu, thuộc tông Hoa Nghiên cho xây dựng. Khi đó, chùa được xây dựng rất giản dị với ba gian nhà gỗ lợp tôn đơn giản. Trải qua một thời gian, công trình bị xuống cấp. Đến năm 1989, Chùa được một Phật tử của chùa là ông Lê Văn Cảnh đã đầu tư trùng tu và tân trang lại để chùa khang trang hơn, phần tường được xây lại bằng gạch chắc chắn. Hiện tại, chùa Thiên Vương Cổ Sát rất đẹp với không gian sân vườn rộng rãi, thoáng mái có đủ muôn hoa khoe sắc. Đây là ngôi chùa có nhiều tên nhất tại Lâm Đồng. Với mỗi cái tên lại có một ý nghĩa riêng. Chùa Tàu: Tên gọi này dùng để ghi nhận những dấu ấn sự tồn tại của những người gốc hoa. Chính họ đã sinh sống và làm việc tại đây, cũng chính bàn tay họ xây dựng ngôi chùa này. Hầu hết các nhà tu hành đều rất thông thạo hiểu biết tiếng Quảng Đông Trung Hoa. Chùa Thiên Vương Cổ Sát: Chùa có tên gọi như vậy là do bên trong Từ Bi Bảo Điện thờ Tứ Vị Thiên Vương cai quản đã tạo nên cái tên vô cùng ấn tượng. Chùa Phật Trầm: Cũng được người dân gọi nhưng chẳng mấy ai biết đến cái tên này cả. Cái tên Trầm cũng gắn bó với ba bức tượng phật do hòa thượng Thọ Dã mang từ Hồng kông về. Các bức tượng này đều được làm từ gỗ trầm và nặng hơn 1,500 tấn. Chùa Thiên Vương Cổ Sát mới được xây dựng hơn nửa thế kỷ, tuy nhiên nó vẫn còn mang nét kiến trúc cổ kính không thua kém gì những ngôi chùa Đà Lạt nổi tiếng khác. Hoàn toàn khác với những ngôi chùa nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Chùa Thiên Vương Cổ Sát do được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa nên kiến trúc chùa có hình dáng của kiến trúc chùa Trung Quốc. Chùa có 03 phần chính: Cổng Tam Quan uy nghiêm, sừng sững nằm dưới hàng thông xanh mát. Phía sau cổng Tam Quan là chánh điện với tên gọi “Từ Bi Bảo Điện”, nơi đây có tượng Phật Di Lặc màu vàng cao 3m đặt ở chính giữa. Hai bên là tượng của Tứ Đại Thiên Vương: Đa Văn Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương và Tăng Trưởng Thiên Vương oai nghiêm như đang trấn giữ chánh điện, tạo nên bầu không khí linh thiêng, trang nghiêm. Bên trái có một căn phòng để chiếc bàn xoay kì diệu. Sau Từ Bi Bảo Điện là Quang Minh Bảo Điện, đây là công trình chính của ngôi chùa với tượng 02 con rồng uốn lượn đặt đối xứng nhau trên nóc. Điểm độc đáo của Quang Minh Bảo Điện là chánh diện chùa được xây dựng với hình tứ giác, cao 02 tầng, hai tầng chông mái. Kích thước các tầng đều có chiều rộng và chiều cao là 12m. Bên trong chánh điện có 03 pho tượng Tây Phương Tam Thánh Phật làm bằng gỗ trầm hương tỏa mùi rất thơm, cao 03m và nặng 1,5 tấn có xuất xứ từ Trung Quốc. Tượng được hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hong Kong về vào năm 1958, cùng năm chùa được trùng tu lại bằng cột gỗ, mái tôn. Tây Phương Tam Thánh Phật gồm: tượng Phật A Di Đà Phật ở giữa, bên phải là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát. Cuối cùng là nơi thờ tượng Phật Thích Ca ngự trên đài sen đang bung nở, có chiều cao trên 10m. Bức tượng khổng lồ góp phần tạo nên sự tráng lệ cho ngôi chùa đặc biệt này. Phía sau tượng Phật là bức tượng có 09 bức phù điêu hình 09 chú Rồng trong các tư thế khác nhau vô cùng oai nghiêm và bề thế với tên gọi “Cửu Long”. Nguồn: Giáo hội phận giáo tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 400 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Nhà Thờ Giáo Xứ Cam Ly

Nhà thờ giáo xứ Cam Ly có địa chỉ tại số 11 Đường Nguyễn Khuyến, Phường 5, Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng. Nhà thờ giáo xứ Cam Ly có một kiến trúc độc đáo theo lối nhà rông của đồng bào Tây Nguyên. Trong số gần 100 công trình kiến trúc công giáo xuất hiện ở Ðà Lạt từ thập niên 1920 đến thập niên 1960, nhà thờ Cam Ly được xây dựng riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang một sắc thái độc đáo khác hẳn với các giáo đường dành cho người Kinh. Những người tạo tác nên ngôi nhà thờ đã thể hiện sự "hội nhập văn hóa" qua nghệ thuật kiến trúc khi cho gương mặt chúa trời hòa nhập với gương mặt của Yàng (trời) mà những người dân nơi đây đã nghìn năm sùng bái. Khai sinh ra ý tưởng về ngôi nhà chung của Chúa và Yàng là linh mục người pháp Boutary và người thể hiện thành công ý tưởng này là nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ. Công trình được khởi công vào cuối năm 1959 và hoàn thành tám năm sau đó. Nhìn ngang, hai mái giáo đường giống như lưỡi rìu, dốc đứng 17m, được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Ðể chịu đựng được sức nặng của ngôi nhà với cột, kèo, giằng bằng bê-tông, sắt và gỗ, móng của công trình đã được gia cố hết sức kỹ lưỡng. Riêng phần móng nhà thầu đã phải cật lực làm trong vòng nửa năm.Trước cổng chính nhà thờ là hai hình tượng hổ và phượng hoàng - những loài vật quen thuộc trong hiện thực và trong ý thức của đồng bào thiểu số. Hổ tượng trưng cho sức mạnh và phượng hoàng thể hiện cho sự tinh khôn. Mặt khác, các nhà tạo tác cũng ngầm ví von các cư dân Thượng có bản tính vốn như chúa sơn lâm nhưng đã trở nên tốt lành, thanh dịu như chim phượng nhờ các tín điều tôn giáo. Cùng tư duy đó, nội thất thánh đường còn xuất hiện nhiều hình ảnh các loài vật khác thể hiện bản tính của chúng như: sự trong sáng của nai, sự gần gũi của chim và cá... Ðặc biệt dưới chân thánh giá, bên cạnh cung thánh bằng gỗ thông có treo ba đầu trâu theo thứ tự cao thấp. Trâu là linh vật mà người thiểu số ở Tây Nguyên thường dùng làm vật phẩm để "giao tiếp" với Yàng của họ, trong trường hợp này là kính dâng Thiên Chúa như một thông điệp biểu lộ lòng sùng kính. Sau ba khung cửa lớn là nội thất giáo đường với diện tích gần 400m², một không gian vừa u huyền, thâm nghiêm vừa khoáng đạt, phóng túng. Cảm giác đó có được là do hiệu quả các giải pháp kiến trúc. Nối với những bức tường lửng có độ cao khoảng 3m được xây bằng đá chẻ là hệ thống cửa kính mầu xanh-nâu-vàng trong các khung gỗ. Các khung cửa liền nhau và giáp mái này cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Ðối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày ngài thọ nạn, phục sinh...Ở đây, cùng với nghệ thuật sắp đặt và giải pháp kiến trúc, các nhà tạo tác đã kết hợp hài hòa và thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 381 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn nằm trên sườn ngọn đồi ở số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc địa phận phường 2, TP. Đà Lạt là một trong những ngôi chùa lớn và lâu đời ở thành phố Đà Lạt. Đây cũng là nơi đặt trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. Chùa được xây năm 1938 theo đề nghị của bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại) với Giáo hộ Tăng già Trung Phần từ năm 1936, sau lần bà từ Đà Lạt trở về kinh đô Huế. Chùa Linh Sơn hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1940 do Hòa thượng Thích Trí Thủ trụ trì. Chùa mang tên một ngọn núi ở Ấn Độ, được nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa Linh Sơn nằm trên ngọn đồi gần 4 ha, là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Chùa Linh Sơn được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 4 ha theo những đặc trưng kiến trúc các quốc gia Á Đông hài hòa và giản dị, lối thiết kế nơi đây chịu ảnh hưởng từ kiến trúc của các ngôi chùa cổ ở Cố đô Huế. Trên đỉnh mái của chùa có đắp thêm phần đuôi rồng uốn lượn rất bay bổng. Tòa chính điện bố trí theo hình chữ đinh. Bậc cấp dẫn vào chánh điện có hai con rồng chầu ở hai bên. Đi qua cổng tam quan theo những bậc cấp vào chùa, xung quanh có những hàng cây sao, cây thông và bạch đàn cao vút. Gần đến sân chùa có hai bên là trụ gạch khảm những lời Phật dạy. Ở phía trước sân chùa là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng trên tòa sen. Phía bên trái sân chùa có một hồ nước với những hòn non bộ và cây cảnh rất tinh tế, phía bên phải là tòa bảo tháp gồm ba tầng hình bát giác và có mái ngói cao 4 mét. Ở giữa là tòa chính điện gồm hai căn nhà với hai bên bậc cấp là cặp rồng chầu tượng trưng Long thần bảo hộ độ trì Phật pháp. Bên trong chính điện chùa Linh Sơn bài trí nghiêm trang, tiền đường có bốn trụ gỗ lớn chạm khắc đôi câu đối bằng chữ Nho sơn son thếp vàng mang nặng ý nghĩa tâm linh: Chính giữa là ban thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa đài sen, ở trên có pho tượng đồng nặng 1.25 tấn và cao 1.7 mét, được đúc vào năm 1952, được khánh thành dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Phía bên trái của chính điện là nơi Tổ đường thờ Đạt Ma Sư Tổ, và đặt bài vị những sư thầy đã viên tịch hay những người đã khuất được thân nhân đưa lên chùa để linh hồn được thanh tịnh. Ở ngoài là chiếc trống lớn đường kính 0.75 mét. Bên phải chính điện có tượng Hộ pháp Di Đà và Ðại Hồng Chung nặng 450 kg treo trên khung bằng gỗ quý. Trong chùa Linh Sơn còn có phòng phát hành kinh bổn và nhà vãng sinh, là nơi quàn thi hài Phật tử mà gia quyến họ muốn cử hành tang lễ tại chùa. Ngoài ra, chùa Linh Sơn còn có một giảng đường khá lớn được xây dựng từ năm 1972 và hiện tại là trường cơ bản Phật học của tỉnh Lâm Ðồng. Nguồn: Giáo hội Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 354 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Bảo tàng Lâm Đồng

Bảo tàng nằm trên một ngọn đồi cao ở số 4 đường Hùng Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3km về hướng đông bắc. Đặc điểm: Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng là nơi trưng bầy nhiều hiện vật truyền thống và lịch sử của địa phương, đặc biệt là những hiện vật thể hiện truyền thống văn hóa của vùng đất Lâm Đồng. Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng trước đây đặt tại dinh thị trưởng cũ, trên một đỉnh đồi cao quanh co rất thơ mộng... được mệnh danh là “con đường tình ái”. Do cơ sở này được chuyển giao cho quân đội quản lý nên bảo tàng đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 10/1990 đến 22/12/1996 thì hoạt động trở lại phục vụ khách tham quan và du lịch tại dinh Nguyễn Hữu Hào. Nơi đây nguyên là tòa biệt thự do ông Nguyễn Hữu Hào xây tặng con gái là Nam Phương Hoàng hậu. Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng có nhiệm vụ sưu tầm và giới thiệu các nghiên cứu, phát hiện về khảo cổ học, dân tộc học và kháng chiến qua 2 thời kỳ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay bảo tàng đang có 9 phòng trưng bày gồm các chuyên mục: - Các thời kỳ lịch sử. - Các hiện vật khảo cổ do cơ quan công an và quản lý thị trường thu giữ. - Các hiện vật khảo cổ tại duy chỉ Đại Làng. - Các hiện vật khảo cổ tại duy chỉ Đại Lào và Đạ Đờn. - Các hình thức cư trú, các dụng cụ săn bắt và hái lượm. - Các nghề truyền thống. - Các trang phục và sinh hoạt. - Lễ hội truyền thống và đời sống văn hóa tinh thần. - Các hiện vật về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không chỉ dừng lại ở một bảo tàng đơn thuần, với chủ trương đa dạng hóa các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan và du lịch, nơi đây sẽ dần dần định hình như một trung tâm sinh hoạt văn hóa. Bốn nhà sàn đặc trưng của các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu sẽ được sưu tầm và đây cũng là nơi tổ chức giới thiệu một số sinh hoạt truyền thống như làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm... hoặc tổ chức các lễ hội như đâm trâu, cồng chiêng, uống rượu cần vào những dịp đặc biệt… Ngoài ra, du khách còn được mục kích những bộ đàn đá Di Linh, B’Lao khá nổi tiếng có niên đại từ 3.500-3.000 năm, các di tích kiến trúc P’Roh (huyện Đơn Dương), Cát Tiên (huyện Cát Tiên), các di chỉ khảo cổ được khai quật từ mộ táng của các dân tộc bản địa như Đại Làng (huyện Bảo Lâm), Đại Lào (thị xã Bảo Lộc), Đạ Đờn (huyện Lâm Hà)…Đây là bộ sưu tập khá phong phú với gần 10.000 tiêu bản gốm sứ, hiện vật đồng, sắt có giá trị tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á. Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đang có những nỗ lực nhằm tạo cho mình một sức hấp dẫn riêng biệt. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng 646 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, được chế độ cũ dựng lên với tên gọi mỹ miều: “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”. ở số 9A, Hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Di tích lịch sử cách mạng này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 22/6/2009. “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” được thành lập vào đầu năm 1971. Chế độ cũ dùng hình thức mị dân để đánh lừa công luận, che đậy âm mưu thâm độc nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam. “Trung tâm” này thực chất chính là một nhà lao thiếu nhi, thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc. Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam. Nhà lao được thiết kế thành một khối chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh. Hai dãy nhà dọc hai bên chủ yếu là các phòng giam, xà lim; các dãy nhà ngang tạo hai khoảnh sân ở giữa để phục vụ các hoạt động của tù nhân khi ra ngoài phòng giam. Những khi được cho ra sân tắm nắng, các tù nhân chỉ được phép di chuyển giới hạn trong các ô nhỏ kẻ vạch trên sân tiếp giáp cửa ra vào của mỗi phòng giam. Phía trước là khối nhà chữ A bình thường, đó là các phòng làm việc của bộ máy quản lý nhà lao. Mọi hoạt động của tù nhân thiếu nhi đều khép kín phía sau, trong những bức tường đá kiên cố, với rất nhiều cuộn dây kẽm gai ken dày trên mái, chỉ giao tiếp với bên ngoài thông qua 2 lớp cửa kiên cố nhưng hầu như lúc nào cũng đóng kín. Qua 2 lớp cửa của khối nhà chữ A là khu vực sân cờ, cột cờ khi đó treo thường trực cờ của chính quyền Sài Gòn. Mỗi sáng đầu tuần, tất cả tù nhân thiếu nhi phải tập trung tại đây để chào cờ và hát quốc ca. Những ai chống đối, không chào cờ, không hát quốc ca sẽ bị tra tấn cho đến khi khuất phục. Nhà lao có 8 phòng giam, chia thành 2 khu: khu giam tù nhân nam có 6 phòng và khu giam tù nhân nữ có 2 phòng. Diện tích mỗi phòng khoảng 30 m2, thường giam từ 60 - 70 tù nhân, có phòng lúc cao điểm giam gần 100 tù nhân. Cuối hành lang hai khu phòng giam là các dãy xà lim biệt giam những chiến sỹ chống đối. Đặc biệt, có một hầm đá xây khuất sau hành lang xà lim, không có mái che mà chỉ có lưới kẽm gai chăng dày bên trên để địch thực hiện hình phạt phơi sương, phơi nắng tù nhân. Ngày 23/4/1971, chính quyền Sài Gòn đưa 126 tù thiếu nhi từ nhà tù Kho đạn (Đà Nẵng) vào giam tại Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, đánh dấu hoạt động chính thức của nhà lao này. Sau đó, tù thiếu nhi từ Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre… tiếp tục được chuyển về; đặc biệt cuối năm 1971, chính quyền Sài Gòn tập trung các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi giam cầm ở nhà lao Côn Đảo và nhà lao Chí Hòa về giam tại đây. Từ đây, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã tập hợp lực lượng nòng cốt, thành lập bộ phận chỉ huy thống nhất, đề ra các yêu sách cụ thể để tiến hành các biện pháp đấu tranh liên tục, bền bỉ, xuyên suốt quá trình tồn tại của nhà lao. Trong quá trình đấu tranh, dù còn nhỏ tuổi, các tù nhân thiếu nhi vẫn bị hành hạ, tra tấn dã man bằng nhiều hình thức: còng tréo, đánh bằng roi tết từ dây điện, dây kẽm gai, gậy hướng đạo, hay dùng bóng điện cao áp sáng nóng ấn vào mặt... Tại xà lim, giữa đêm Đà Lạt lạnh giá, nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, kẻ địch còn dội nước lạnh để hành hạ các tù nhân biệt giam. Các chiến sĩ nhỏ tuổi phải ngủ trên nền xi măng, san sẻ cho nhau từng hạt cơm, ngụm nước, chỗ nằm… Các chiến sĩ nhỏ tuổi cũng đã bảy lần tổ chức vượt ngục, thể hiện khát vọng tự do, mong muốn được trở về tiếp tục chiến đấu. Một sự kiện gây chấn động tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào tối ngày 23/01/1973 là các tù nhân thiếu nhi tổ chức tiêu diệt tên cai ngục Nguyễn Cương, kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc. Chính phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi thành lập nhà lao này, buộc nó phải giải tán vào giữa năm 1973. Sau ngày thống nhất Tổ quốc năm 1975, các cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt tản mạn về các địa phương, tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất trong lao tù, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, năm 2009, tập thể cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 - 1973) nay trở thành một địa điểm tham quan đầy ý nghĩa của tỉnh Lâm Đồng. Đây chính là một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Nguồn: Bảo tàng Lâm Đồng

Lâm Đồng 367 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Điểm di tích nổi bật