Di tích lịch sử

Cao Bằng

Đồn Phai Khắt

Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7km. Tại đây, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị, Đội xây dựng kế hoạch tổ chức một trận đánh để “cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của cả một dân tộc đang bị nô lệ, đang sục sôi ý chí vùng lên”, đồng thời “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị”. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội thảo luận kỹ lưỡng để làm rõ vấn đề: "Đánh vào đâu và đánh như thế nào, để chỉ với một lực lượng nhỏ nhưng có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự, đồng thời hạn chế tổn thất về người và vũ khí của ta. Sau khi bàn bạc các phương án, Ban chỉ huy Đội quyết định “phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược”, mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn Giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh. Đến chiều ngày 24/2, lực lượng tham gia trận đánh cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ ngày 25/2, “Đội xếp” Thu Sơn dẫn quân tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Trong khi bọn địch chưa kịp phản ứng, đồng chí Thu Sơn hô lớn: “Rát-săm-măng” (tập hợp), 17 tên lính và tên cai ra tập hợp giữa sân. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang. Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25/12, Đội khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần. Đội tiến hành rút kinh nghiệm và biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời phổ biến lại kế hoạch tiến công vào ngày hôm sau. Do địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên Đội quyết định cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải ba Cộng sản Mán đến giao nộp cho quan đồn. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ đội viên đã tham gia đánh đồn Phai Khắt. Khoảng 7 giờ sáng ngày 26/12, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn ba cộng sản bị trói vào đồn cùng với lá cờ tam tài (Đội lấy được ở đồn Phai Khắt). Bọn lính tưởng thật vội bố trí 6 lính và tên cai ra xếp hàng đón theo nghi thức nhà binh. Sau khi cả Đội tiến vào đồn, theo kế hoạch đã phân công, bốn chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Trong trận này, đồng chí Nông Văn Bê bị thương nhẹ. Sau khi hạ đồn xong, Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn biểu ngữ cho nhân dân. Tốp tù binh được tập hợp ở giữa sân, hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích bằng tiếng Tày cho họ hiểu chủ trương chính sách đánh Pháp, Nhật, cứu nước của Việt Minh, kêu gọi họ quay súng vào Pháp-Nhật để giành độc lập cho dân tộc. Sau khi được nghe chính sách của Việt Minh, một số tù binh xin đi theo cách mạng còn đa phần xin được trở về quê. Trong hai trận đánh đầu tiên, Đội sử dụng chiến thuật “tiến công bằng lối hoá trang kỳ tập (tập kích) đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hoá trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp song hiệu quả chiến đấu cao. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, quân trang. Quan trọng nhất là Đội giành thắng lợi theo đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cao Bằng

Cao Bằng 440 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Di Tích Lịch Sử Chiến Thắng Đông Khê

Khu di tích lịch sử Chiến Thắng Đông Khê (Chiến dịch Biên giới 1950) nằm tại Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, cách thành phố Cao Bằng. Đây là một khu di tích gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, do Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân khu 1, Quân khu II và tỉnh Cao Bằng phối hợp xây dựng. Khu di tích được đưa vào sử dụng ngày 19/05/2004, thể hiện đạo lý cao cả "Uống nước nhớ nguồn " đối với vị lãnh tụ thiên tài, vị cha già kính yêu của dân tộc và ghi lại dấu ấn oanh liệt, hào hùng của một chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khu di tích gồm 2 phần: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụm tượng đài Bác Hồ quan sát trận đánh Đông Khê trên núi Báo Đông. Nhà tưởng niệm được thiết kế theo kiểu kiến trúc sàn hiện đại, trưng bày những hình ảnh, hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi quan sát trận đánh trên núi Báo Đông. Cụm tượng đài Bác Hồ quan sát trận đánh Đông Khê trên núi Báo Đông làm bằng vật liệu compozit giả đồng, cao 2,8m, nặng 418 kg, cột bê tông cốt thép, toàn bộ bức tượng đặt trên bệ đá ốp gạch lát hoa. Để đến Đài Bác Hồ quan sát trận đánh Đông Khê trên núi Báo Đông đi qua 846 bậc đá, được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Những bậc đá hôm nay chính là con đường năm xưa, ngày 13/9/1950, Bác rời Sở Chỉ huy Chiến dịch đến Sở Chỉ huy tiền phương ở Nà Lạn, lên núi Báo Đông quan sát trận đánh Đông Khê. Sáng sớm 16/9/1950, từ vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới năm 1950, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Ngày 16/9/1950, các đơn vị quân đội ta nổ súng mở đầu Chiến dịch bằng trận đánh vào cứ điểm Đông Khê. Mất Đông Khê, quân địch ở Thất Khê lâm vào tình thế bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân Pháp buộc phải rút khỏi Cao Bằng theo đường số 4. Để yểm trợ cho cuộc rút quân này, Pháp huy động quân từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê và đón cánh quân từ Cao Bằng rút về; đồng thời, cho quân đánh lên Thái Nguyên để thu hút chủ lực của ta. Đoán được ý định của địch, quân ta chủ động mai phục, chặn đánh địch nhiều nơi trên đường số 4 khiến cho 2 cánh quân này không gặp được nhau. Đến lượt Thất Khê bị uy hiếp, ngày 8/10/1950, quân Pháp phải rút về Na Sầm; ngày 13/10/1950, Pháp rút khỏi Na Sầm về Lạng Sơn. Trong khi đó, cuộc hành quân của địch lên Thái Nguyên cũng bị quân ta chặn đánh, quân Pháp trở nên hoảng loạn, phải rút chạy, ngày 22/10/1950, đường số 4 được giải phóng. Ngày 3/10/1950, tỉnh Cao Bằng được giải phóng, ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử, trở thành ngày kỷ niệm lớn của Cao Bằng hằng năm. Chiến dịch Biên giới kết thúc, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.300 tên địch, giải phóng toàn tuyến biên giới Việt - Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập với 35 vạn dân, với diện tích rộng 4.500 km2 ; chọc thủng “Hành lang Đông - Tây” của Pháp. Thế bao vây của địch cả trong và ngoài đối với căn cứ địa Việt Bắc bị phá vỡ. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và Pháp, tạo bước chuyển biến mới về chiến lược tiến công, phản công, góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến tới đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng

Cao Bằng 940 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

KHU DI TÍCH PÁC BÓ

Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945). Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc cùng 5 đồng chí đã về nước và ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Tại đây, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Và, cũng tại lán Khuổi Nặm II, Bác đã thành lập Báo Việt Nam độc lập, kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do. Theo “Quy hoạch tổng thể di tích” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, di tích Pác Bó bao gồm: 1. Cụm di tích khu vực đầu nguồn - Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. - Nền nhà ông Lý Quốc Súng: là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 1 đến ngày 07/02/1941). - Hang Lũng Lạn: là nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3 năm 1941. - Hang Ngườm Vài: tại đây, năm 1941, Bác trực tiếp hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trưng. - Suối Lê Nin: thời gian ở Pác Bó, Bác thường ngồi câu cá ở suối này. - Nền nhà ông La Thanh: là cơ sở cách mạng quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là nơi đón tiếp các đại biểu toàn quốc về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. - Cột mốc 108: nay là cột mốc số 675, là một trong 314 cột mốc biên giới Việt - Trung. - Khu ruộng Goọc Mu: Năm 1940, nhân dân thôn Pác Bó đã từng vào đây cắt máu ăn thề, nguyện suốt đời đi theo cách mạng. 2. Các điểm lưu niệm tại khu trung tâm - Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và sân quảng trường: được xây dựng theo mô hình nhà sàn dân tộc, nằm trên dãy Linh Sơn, thuộc khu di tích Pác Bó. - Khu ruộng Nà Chang: Là nơi mít tinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân Pác Bó ngày 20/2/1961. - Các công trình: nhà trưng bày, nhà đón tiếp. 3. Cụm di tích Bó Bẩm - Nhà ông Dương Văn Đình: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nói chuyện, tuyên truyền về cách mạng. - Núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Đầu Hổ: là nơi nhân dân Cao Bằng đã tổ chức lễ truy điệu Bác (tháng 9 năm 1969). 4. Cụm di tích Khuổi Nặm - Lán Khuổi Nặm: là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III). - Hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu: là địa điểm được Bác sử dụng làm hòm thư bí mật, giai đoạn 1941 - 1945. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Cao Bằng 863 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Di tích Rừng Trần Hưng Đạo

Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích gồm 5 điểm quan trọng: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm Địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, Đỉnh Slam Cao); Hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) - từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) - nơi diễn ra trận đầu ra quân của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (25/12/1944); Đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (26/12/1944); di tích Vạ Phá (xã Tam Kim). Với những giá trị lịch sử này, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là di tích quốc gia đặc biệt. Nhà trưng bày tại khu di tích sau khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tôn vinh và tri ân thế hệ đi trước, đồng thời bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Các hiện vật tại đây được trưng bày tập trung, đảm bảo tính khoa học và giá trị lịch sử chân thực theo 3 chủ đề: Cao Bằng - Đất nước, con người và truyền thống; Quá trình hình thành, ra đời và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; Quân đội anh hùng truyền thống vẻ vang. Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, không chỉ là một địa chỉ đỏ về truyền thống lịch sử vẻ vang với nhiều điểm di tích mà còn là một khu rừng nguyên sinh. Với diện tích rộng trên 201,7 ha, rừng Trần Hưng Đạo mang một vẻ đẹp hoang sơ với bầu không khí trong lành. Nằm sâu dưới những tán cây cổ thụ là nhà bia 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lán nghỉ và bếp ăn mô phỏng lại cuộc sống đời thường giản dị của các chiến sĩ. Men theo con dốc nhỏ chừng 50m là mỏ nước tự nhiên, cũng là điểm lấy nước sinh hoạt của các chiến sĩ, trải qua nhiều năm vẫn cho ra những dòng nước mát lạnh và trong vắt. Cũng tại rừng Trần Hưng Đạo, cây sấu cổ thụ 300 năm tuổi từng gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Trải qua 75 năm, những dấu tích từ thuở đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân luôn được đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng trân trọng và gìn giữ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ sau này. Khu rừng nguyên sinh rộng lớn xòe từng tán cây, bao bọc những di tích thiêng liêng trong tháng ngày hoạt động cách mạng gian khó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Cao Bằng 977 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu di tích lịch sử Kim Đồng

Để tưởng nhớ người Đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ cách mạng, Đảng, Nhà nước xây dựng Khu Di tích Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng) tỉnh Cao Bằng. Ngày 15/5/1941, mãi mãi sáng chói trong trang vàng lịch sử truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Ngày ấy ở gần hang Cốc Bó, xuôi dòng suối Lê-nin, dưới chân núi Thoong Mạ, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, 5 thiếu niên gồm: Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng), Nông Văn Thàn (Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (Thanh Minh), Lý Thị Nì (Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (Thanh Thủy), được anh Đức Thanh và các anh cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách, tập hợp để lập thành Đội Nhi đồng cứu quốc theo quyết định của Đảng; trong đó Nông Văn Dền được bầu làm Đội trưởng. Đội Nhi đồng cứu quốc có mục đích tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà, với nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác các cuộc họp của Đảng... Từ sau tháng 5/1941, các đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở mọi nơi để tham gia cách mạng, nhiều đội thiếu niên đã lập công xuất sắc làm sáng ngời trang sử vàng của Đội thiếu nhi, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi Đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Bác khuyên Kim Đồng cùng các đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động vừa học văn hoá, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập, góp phần xây dựng đất nước. 5 giờ sáng ngày 15/2/1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của ban Việt Minh, khi phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng, địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh, khi đó vừa tròn 14 tuổi. Năm 1997, Kim Đồng được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Khu Di tích Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh tại Làng Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng). Khu di tích gồm có Mộ anh Kim Đồng và Tượng anh khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc, luôn toả bóng mát. Tượng anh Kim Đồng với bộ quần áo Nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hàng năm thiếu niên và nhi đồng của tỉnh và cả nước thường tụ hội về đây tổ chức kết nạp đội viên mới, cắm trại, vui chơi, các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, núi Các Mác và hang Pác Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng

Cao Bằng 891 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Kỳ Sầm

Đền Kỳ Sầm tọa lạc trên một quả đồi thấp, sát chân núi Khau Sầm thuộc thôn Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Thành phố). Ngôi đền thờ nhân vật lịch sử, danh tướng Nùng Trí Cao (1025 - 1053), dưới triều vua Lý Thái Tông. Đền được xây dựng trên một khuôn viên rộng, kiến trúc hình chữ “nhị”, mang dáng dấp phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn, có nhà bái đường và hậu cung. Tại nhà bái đường có một ban thờ. Phía trong hậu cung có ba ban thờ, chính giữa thờ Nùng Trí Cao, bên trái thờ mẹ A Nùng, bên phải thờ ba người vợ: Vương Lan Anh, Đoàn Hồng Ngọc, Trần Thị Cẩm. Nùng Trí Cao sinh năm 1025, là con của Nùng Tồn Phúc, thủ lĩnh châu Thảng Do. Ngay từ thuở thiếu thời, Nùng Trí Cao là một cậu bé khỏe mạnh, đẹp trai, hiếu động, thông minh lạ thường, học giỏi chữ nghĩa, võ nghệ như bẩm sinh. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc chiếm hai châu Vũ Lặc và Quảng Nguyên, lập nên nước Trường Sinh, tự xưng là Chiêu thánh Hoàng đế, lập vợ A Nùng làm Minh Đức Hoàng hậu, cát cứ một phương, án ngữ một vùng biên viễn rộng lớn phía Đông Bắc nước ta. Năm 1039, vua Lý Thái Tông thân chinh dẫn đại quân đi dẹp nước Trường Sinh, Nùng Tồn Phúc và con trưởng Nùng Trí Thông bị bắt về kinh đô xử tử. A Nùng và con thứ Nùng Trí Cao chạy đến động Lôi Hỏa, thuộc địa phận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Tại đây, hai mẹ con khẩn trương tập hợp quân sĩ, ngày đêm rèn luyện võ nghệ, xây dựng lực lượng binh đao, ngựa chiến. Năm 1041, khi đó Nùng Trí Cao 16 tuổi đã cùng mẹ A Nùng dẫn binh từ động Lôi Hỏa chiếm lại châu Thảng Do, lập nên nước Đại Lịch. Triều Lý cử đại quân lên đánh và bắt được Nùng Trí Cao dẫn về kinh đô. Sau khi xem xét, nhận định tình thế, cần trấn yên vùng biên, bảo vệ lãnh địa quốc gia, vua nhà Lý miễn tội cho Nùng Trí Cao và tiếp tục cho quản lý châu Thảng Do; đồng thời, ban cho thẩm quyền cai quản thêm một vùng rộng lớn, gồm các động: Lôi Hỏa, Bình, Bà và châu Tư Lang, sắc phong Nùng Trí Cao làm châu mục Quảng Nguyên. Năm 1043, vua Lý Thái Tông sai người đến châu Quảng Nguyên ban sắc phong cho Nùng Trí Cao chức Thái Bảo, một trong ba tước quan cao cấp nhất triều đình và giao cả đô ấn. Năm 1048, Nùng Trí Cao khởi binh ở động Vật Ác, đánh chiếm châu An Đức, thuộc đất nhà Tống (Trung Quốc) làm căn cứ địa. Hai năm sau (1050), thừa thế binh hùng tướng mạnh, Nùng Trí Cao đánh chiếm động Vật Dương (thuộc đất Tống), rồi xưng vương, lập Nam Thiên Quốc, lấy niên hiệu là Cảnh Thụy. Chiến công kế tiếp chiến công, cương vực bờ cõi rộng mở nhanh chóng. Tuy vậy, Trí Cao vẫn có ý giảng hòa với nhà Tống, năm 1051 cho người đem châu báu, vàng bạc, ngà voi đến biếu cống nhưng bị triều đình Tống khước từ. Trước tình thế đó, năm 1052, Nùng Trí Cao dẫn 5.000 quân tiến đánh thành Ung Châu và Quảng Châu. Sau khi làm chủ Ung Châu, Trí Cao tự xưng là Nhân Huệ Hoàng đế; đổi niên hiệu là Khải Lịch, quốc hiệu là Đại Nam. Trí Cao ra lệnh phá nhà tù, đại xá tù nhân, mở các kho hậu cần, lương thực của quân Tống phân phát cho dân nghèo. Do đó, lực lượng của Trí Cao phát triển mạnh mẽ. Năm 1053, nhà Tống cử Địch Thanh - một viên tướng nổi tiếng triều đình dẫn đầu đại quân hùng hổ đi đánh quân Nùng Trí Cao. Lần này, Trí Cao bại trận phải chạy đến vùng đất Đại Lý, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày nay. Nùng Trí Cao sai Lương Châu về kinh đô cầu viện nhà Lý nhưng không thể cứu vãn nổi tình thế. Để tưởng nhớ ơn đức của Nùng Trí Cao, nhân dân nhiều nơi lập miếu thờ phụng. Nhà Lý đặc chiếu sắc phong Trí Cao là Khau Sầm Đại Vương và lập đền thờ tại thôn Bản Ngần, xã Tượng Lặc, châu Thạch Lâm (nay là thôn Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng). Đền thờ được nhà Lý phong Thượng Đẳng thần. Đền thờ Nùng Trí Cao được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993. Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử

Cao Bằng 901 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thành Nhà Mạc Ở Cao Bằng (Thành Nà Lữ, Thành Bản Phủ, Thành Phục Hòa)

Thời kỳ nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng, để phòng bị quân nhà Lê tiến đánh, nhà Mạc đã tu bổ, sửa chữa thành Na Lữ (nay thuộc xã Hoàng Tung, Hòa An) và thành Bản Phủ (nay thuộc xã Hưng Đạo), thành Phục Hòa, ngoài ra còn xây dựng nhiều thành lũy khác ở Cao Bằng, làm cho Cao Bằng trở thành một trung tâm chính trị và quân sự ở vùng biên viễn Đông Bắc thời bấy giờ. Thành Na Lữ và thành Phục Hoà là hai thành được xây dựng từ trước. Theo ghi chép của Bế Hựu Cung trong Cao Bằng thực lục, thành Na Lữ và thành Phục Hòa mở đầu từ đời Đường Ý Tông năm Giáp Thân, niên hiệu Hàm Thông thứ 5 (874). Căn cứ vào sự hiện diện của nhiều ngôi mộ cổ có đá khắc ghi bia mộ tên, địa chỉ, quê quán những người phu dịch xây thành chết ở đây từ thời Hàm Thông có thể khẳng định hai thành này xây từ đời Đường. Thành Na Lữ được xây qua nhiều triều đại khác nhau. Khi nhà Mạc lên Cao Bằng đã cho xây lại bằng gạch. Thành Na Lữ có hình gần chữ nhật, có tổng diện tích khoảng 37,5 ha, chiều dài khoảng 800 m, chiều rộng khoảng 600 m, thành có 4 cửa. Thành Bản Phủ tại kinh đô Nam Bình, nước Nam Cương của Thục Phán khi xưa ở Cao Bình (Cao Bằng), nhà Mạc đã tu bổ thành Vương phủ tại vòng trong của kinh đô cũ Nam Bình và được gọi là thành Bản Phủ hay Vương phủ. Tại kinh đô Nam Bình xưa của nước Nam Cương và của nhà Mạc, thành Bản Phủ vẫn còn dấu tích khá rõ nét. Kinh đô Nam Bình gồm có hai vòng thành, để bảo vệ kinh thành, vòng ngoài có chu vi khoảng 5 km, gồm cả một vùng gò đồi thấp, quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường thành, thuận lợi cho việc xây dựng phòng tuyến bảo vệ. Bờ thành phía Tây chạy song song với bờ sông Bằng đến đầu làng Bó Mạ, nối bờ thành Đông Nam chảy qua trước mặt Bản Phủ theo chân đồi ra gặp quốc lộ 4, phía Đông Bắc chạy theo chân đồi sát phía ngoài quốc lộ 4, lên đến Đầu gò là phía Tây Bắc tiếp tục chạy theo chân đồi, ra đến bờ sông gặp bờ thành phía Tây tạo thành một vòng thành khép kín. Khi nhà Mạc lên đóng đô đã tu sửa lại và xây dựng thêm một số công trình, trong đó thành Bản Phủ (thành nội - nơi của vua làm việc) được xây lên cao hơn trên các tường thành cũ từ thời kỳ Thục Phán, thành nằm trên một khu đất bằng phẳng. Cùng với việc xây dựng lại kinh thành, nhà Mạc còn xây dựng một hệ thống đồn bốt, thành lũy khá dày xung quanh kinh đô và một số điểm biên giới quan trọng, tạo thành một hệ thống bảo vệ kinh thành và bảo vệ biên giới. Thành Phục Hòa (huyện Phục Hoà) được xây theo kiểu hình vuông, mỗi chiều khoảng 400 m, gồm hai vòng thành, khoảng cách giữa hai vòng là 80 m. Hiện nay, tường thành phía Nam đã bị phá huỷ hoàn toàn. Thành Phục Hòa có 2 cổng chính: Cổng phía Bắc được mở thông ra quốc lộ đi Cửa khẩu Tà Lùng ngày nay, nhân dân thường gọi là Pác Cổng, cổng này được xây theo kiểu hình chữ nhật, rộng 8 m, cao 5 m, gồm hai cánh cổng làm bằng gỗ nghiến dày rất chắc chắn; cổng thứ hai ở phía Nam, mở thông ra bờ sông. Cả hai cổng đều bị san phẳng từ lâu, hiện nay không còn vết tích. Gần thành, tại phía Tây Bắc ngoại thành dọc bờ sông còn có nhiều vết tích lò nung gạch, nhân dân cho biết trong quá trình lao động, khai phá đã tìm thấy ở khu vực này nhiều lò gạch còn nguyên vẹn. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, tại Cao Bằng, nhà Mạc đã tu bổ, tôn tạo và xây dựng thêm nhiều thành, đồn luỹ, trong đó tu bổ, tôn tạo xây lại thành Bản Phủ, thành Na Lữ, thành Phục Hoà. Các đồn luỹ này đã tạo thành một hệ thống liên hoàn bảo vệ kinh thành khá vững chắc. Đến nay, những thành cổ nhà Mạc xây dựng thời kỳ đóng đô ở Cao Bằng, một số thành xây dựng bằng đất chỉ còn vết tích, nhưng các thành được xây bằng đá vẫn còn rất rõ. Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử

Cao Bằng 1211 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Vua Lê

Đền Vua Lê nằm ở làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 11km. Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng Đế). Đền Vua Lê dựng trên gò Long (tức gò rồng), một gò đất cao phía Bắc thành Na Lữ. Trong thành có 4 gò đất nổi lên được đặt tương ứng với 4 tên: Long, Ly, Quy, Phượng. Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử ghi lại, Đền Vua Lê vốn là cung điện trong thành Na Lữ. Thành do Cao Biền xây dựng. Đến thế kỷ XI, Nùng Tồn Phúc (cha của Nùng Trí Cao), thủ lĩnh châu Quảng Nguyên tiếp tục xây dựng. Thời Lý Thái Tông niên hiệu Thông Thụy, năm thứ 6, tức năm 1039, Nùng Tồn Phúc tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế, đổi tên châu Quảng Nguyên làm nước Trường Sinh; rồi cho xây thành, xây cung điện tại Na Lữ. Tháng 3/1039, Nùng Tồn Phúc bị triều đình nhà Lý tiêu diệt. Năm 1414, giặc Minh cai trị nước ta, ở Cao Bằng, chúng đặt quan Thái thú cho đóng quân ở gò Đống Lân, thành Na Lữ, bắt nhân dân đóng sưu thuế nặng, đàn áp và hà hiếp, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Trước tình hình đó, Bế Khắc Thiệu - một hào trưởng giàu có ở Cao Bằng đã chiêu quân đứng lên khởi nghĩa, đồng thời liên kết với Nông Đắc Thái tổ chức đánh giặc, đã giành được thắng lợi sau trận kịch chiến ở Nà Khuổi (tháng 9/1426). Bế Khắc Thiệu xưng là Bế Đại vương, phong cho Nông Đắc Thái là Nông Nguyên soái, đóng ở thành Na Lữ, cho quân tu sửa lập lại cung điện năm 1430. Năm 1592, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, Mạc Kính Cung chiếm lấy thành Na Lữ lập cung điện. Sau ba đời sinh sống ở Cao Bằng, đến thời Mạc Kính Vũ bị quân Lê - Trịnh đánh bại. Nhà Mạc bỏ cung điện và thành Na Lữ chạy sang Trung Quốc. Năm Chính Hòa thứ 3 đời Vua Lê Hy Tông, tức năm 1682, quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Văn Hải đã tâu xin Vua Lê cho sửa chữa thành Na Lữ cũ làm đền thờ Vua Lê Thái Tổ (Đền Vua Lê hiện nay); lấy áo bào và thanh kiếm thờ ở chỗ ngai vàng. Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đền vua Lê là một di tích lịch sử gắn liền với những hoạt động của Đảng trong thời kỳ vận động cách mạng dân tộc, dân chủ. Tại đây, năm 1936, đồng chí Hoàng Đình Giong đã đứng ra thành lập “Đoàn thanh niên phản đế”. Đền xây theo kiểu hình chữ tam gồm 3 nhà, 7 gian, tường xây bằng gạch vồ, mái lợp ngói máng, cột kèo, hoành phi bằng gỗ. Xung quanh đền xây tường thành dài 600m, trước mặt đền có hai sân rộng khoảng 1.000m2. Đền là nơi tổ chức lễ hội, tập trung sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân trong vùng. Hội đền Vua Lê được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ngoài phần lễ được tiến hành ngay từ sáng sớm dưới sự có mặt đông đảo nhân dân trong vùng, phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, đẩy gậy, kéo co… thu hút đông đảo người dân tham gia. Đền Vua Lê là di tích có giá trị về mặt lịch sử, giáo dục truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân ta, đồng thời là di sản văn hóa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật của dân tộc. Đây cũng là nơi khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa, niềm tự hào về trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng. Ngày 20/4/1995, đền Vua Lê được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Nguồn: Cục Du Lịch Quốc Gia Việt Nam

Cao Bằng 874 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích Hoàng Đình Giong

Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được xây dựng tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng. Khu lưu niệm được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1988. Khu lưu niệm nằm trên một khu đất rộng gồm các hạng mục: Khuôn viên, tượng đồng chí Hoàng Đình Giong, nhà tưởng niệm. Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh), sinh ngày 1/6/1904, tại làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, Châu Hòa An (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng). Ngay từ nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, hăng say học tập, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng yêu nước, chống thực dân Pháp của ông nội là cụ Hoàng A Cả. Những năm 1923 – 1924, đồng chí bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở Thị xã, Hòa An và Hà Quảng. Cuối năm 1925, đầu năm 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ, Hà Nội, tích cực tham gia các phong trào bãi khoá của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau một thời gian hoạt động ở Hà Nội, đồng chí trở về Cao Bằng, vận động một số thanh niên và học sinh ở châu Hòa An vào Hội Thanh niên yêu nước. Năm 1927, Hoàng Đình Giong sang Trung Quốc tham gia hoạt động cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Chi bộ Đảng ở Long Châu (Trung Quốc) được thành lập, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư chi bộ, được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng - Lạng Sơn và các tỉnh vùng Đông bắc. Ngày 1/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, mở ra bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Đảng bộ Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ vận động cách mạng 1930 - 1935, cũng như các thời kỳ sau này. Với những thành tích xuất sắc, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ đi dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc) tháng 3/1935; đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng khóa I. Tháng Tám năm 1945, đồng chí là Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở Cao Bằng. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Bác Hồ đặt tên là Võ Văn Đức, giao nhiệm vụ Chỉ huy đoàn quân Nam tiến vào Nam bộ chiến đấu, chống thực dân Pháp. Với những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1998, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong Huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2009, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nguồn: Báo Cao Bằng

Cao Bằng 957 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích lịch sử địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng

Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 - 1978), thuộc thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Hang Ngườm Chiêng với địa hình hiểm trở và địa thế vững chắc, được chọn làm nơi lập đài dự phòng của Đài Tiếng nói Việt Nam (gọi là Điện Đài A3). Trạm phát sóng điện đài A3 là nơi sơ tán của Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứ nước giai đoạn từ 1966 - 1978. Đây là một trong những “cứ điểm” quan trọng có nhiệm vụ tiếp âm, phát sóng, phát thanh đi Phần Lan và các nước Bắc Âu, góp phần đảm bảo làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam được duy trì và thông suốt, truyền đi tiếng nói của Đảng và Chính phủ, tiếng nói của nhân dân Việt Nam kiên cường và kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Hơn 10 năm hoạt động (từ ngày đầu phát sóng 24/4/1966 đến năm 1978), Đài A3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử, ghi dấu bao kỷ niệm của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ và hào hùng, đặc biệt là của những người làm phát thanh với bản lĩnh và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng. Điện Đài A3 khi bắt đầu xây dựng gọi là Công trường 50, thời gian hai năm xây dựng có thời điểm đã phải huy động đến 300 dân công để mở đường, khai phá khu vực xung quanh để đảm bảo cho việc phát sóng, phát thanh được nhanh nhất có thể. Khi được chọn làm nơi lập đài dự phòng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Ngườm Chiêng được mở rộng thêm lòng hang xuyên qua núi rất rộng và sâu. Trước cửa hang bên trái được xây một nhà thông gió bằng đá kiên cố. Phía trong hang được xây dựng 3 nhà để đặt máy phát và nhà kho. Phía cuối hang cũng là khoảng trống và cuối cùng là con đường đi lên cửa hậu được xây bằng 124 bậc thang dẫn ra ngoài hang phía sau núi và cũng là nơi đặt hệ thống máy thu. Đứng ở đây quan sát được con đường Quốc lộ 4A đi Thác Bản Giốc và khu vực xung quanh. Ngoài hang chính còn có một hang phụ với lòng hang hẹp hơn để đặt hệ thống máy nổ. Phía trước hang là dãy nhà cơ khí nằm ở bên phải, xa hơn về phía bên trái là nhà của lực lượng bảo vệ và nhà ăn. Tất cả những dãy nhà này đều được xây bằng đá rất kiên cố, chắc chắn. Khoảng đất trống và bằng hơn ở phía dưới trước cửa hang là nơi đặt hệ thống Ăng ten thu phát. Trải qua thời gian dài cùng với tác động của tự nhiên và con người, hiện nay những gian nhà được xây dựng ở trong hang Ngườm Chiêng để đặt máy phát sóng, phát thanh đã bị phá hủy chỉ còn lại nền nhà lát gạch hoa và hệ thống móng nhà, phía cuối hang vẫn còn nguyên 124 bậc thang dẫn ra cửa hậu là nơi đặt máy thu. Hang nhỏ bên phải để đặt hệ thống máy nổ hiện nay vẫn còn lại bệ xi măng đá và cốt thép. Trước cửa hang những dãy nhà cơ khí, nhà của lực lượng bảo vệ, nhà ăn và bể nước vẫn còn nguyên, hiện nay chỉ hỏng phần mái. Tất cả các dãy nhà đều được xây bằng xi măng, đá kiên cố và chắc chắn. Khu vực đất để đặt các cột Ăng ten hiện nay là ruộng lúa cùa bà con xóm Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh. Di tích hang Ngườm Chiêng có diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 là 6.616,7m2 và khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 là 42.016,6m2. Với giá trị tiêu biểu trên, Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 - 1978), đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 29/6/2021. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Cao Bằng 928 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Quần thể di tích chuông chùa Đà Quận, Chùa Viên Minh, Đền Quán Triều

Quần thể di tích Đà Quận bao gồm 3 di sản văn hóa vật thể được xếp hạng, đó là chùa Viên Minh, đền Quan Triều (đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2008) và đôi chuông “Thần chung” được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2016. Chùa Đà Quận hay chùa Viên Minh đều là một. Viên Minh là tên chữ của ngôi chùa, còn Đà Quận là tên Đà Quận công Mạc Ngọc Liễn - Danh tướng nhà Mạc, ở làng Đà Quận, xã Xuân Tĩnh, châu Thạnh Lâm, nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Chùa có từ thời Lý, vì trong chùa có hai câu đối như sau: “Viên Minh thắng tích hưng tiền Lý, Đà Quận thần chung chú Hậu Lê”. Tạm dịch: Thắng tích Viên Minh được khởi dựng trước, vào thời Lý. Chuông thần Đà Quận được đúc sau, vào thời Lê. Đôi câu đối này, như nghĩa của nó, cũng là phản ánh truyền ngôn trong dân gian về lịch sử ngôi chùa. Chùa là một quần thể hoàn chỉnh, kiến trúc thống nhất mở đầu bằng tam quan và kết thúc bằng gác chuông. Kiến trúc trang trí ở đây lấy cái ý: “sắc sắc không không của Phật giáo làm gốc”. Đối diện với chùa là đền Quan Triều. Tương truyền, đền Quan Triều được xây dựng từ thời nhà Lý, đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175). Trải qua thời gian và do biến cố của lịch sử, đền đã bị hoang phế hoàn toàn, đến khi nhà Mạc lên đất Cao Bằng đóng đô đã cho trùng tu lại, nay chỉ còn nền móng cũ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhân vật lịch sử của Di tích lịch sử văn hóa đền Quan Triều là Dương Tự Minh, người dân tộc Tày, quê ở đất Bản Danh, xã Quan Triều, phủ Phú Lương (đạo thừa tuyên Thái Nguyên). Dương Tự Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là quan châu mục, thủ lĩnh một đội dân binh Tày, từng đánh trận Ung Châu, trận sông Như Nguyệt, một võ quan của triều đình nhà Lý ở đất Bản Danh, xã Quan Triều, phủ Phú Lương, nay là xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Làm quan phủ, Dương Tự Minh được muôn dân kính trọng bởi sự thanh liêm và đức độ. Nhưng sau đó, triều đình rối ren, quan lại lộng quyền, Dương Tự Minh vì lòng chính trực mà bị gian thần trả thù. Dương Tự Minh bị vua Anh Tông đày đi nơi rừng sâu, nước độc ở chân núi Đuổm, phủ Phú Lương. Vị chủ tướng oai hùng năm xưa trở thành “ông già núi Đuổm”, nhưng chính cái tên hiền lành đơn sơ ấy cùng với những kỳ tích năm xưa mãi mãi khắc sâu danh tiếng anh hùng Dương Tự Minh trong lịch sử. Chùa Viên Minh là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của tỉnh, giá trị lịch sử lâu đời ấy được khắc ghi tại đôi chuông đang hiện diện tại đây. Năm 1993, đôi chuông này có giá trị nghệ thuật điêu khắc. Với những giá trị đặc sắc, năm 2016, đôi chuông được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Quả chuông to cao 1,75 m, miệng rộng 1,07 m; quả chuông nhỏ cao 1,55 m, miệng rộng 0,95 m. Cả hai đều đúc bằng hợp kim đồng, lâu ngày đã ngả sang màu gang. Chuông chùa Viên Minh là một trong số ít những di sản của nhà Mạc còn lại ở vùng đất biên viễn này. Quần thể di tích Đà Quận, Đền Quán Triều nơi lưu giữ đôi chuông cổ được công nhận là Bảo vật Quốc gia này có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và văn hóa. Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử

Cao Bằng 919 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Điểm di tích nổi bật