Điểm di tích

Đền Thờ Lê Thành Phương

Di tích lịch sử mộ và đền thờ Lê Thành Phương tọa lạc tại thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1996. Lê Thành Phương là danh nhân lịch sử hàng đầu ở tỉnh Phú Yên. Ông sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh (nay là thôn Mỹ Phú – xã An Hiệp – huyện Tuy An – tỉnh Phú Yên) trong một gia đình nho học và giàu lòng yêu nước. Thi đỗ tú tài năm 30 tuổi, ông trở về quê mở trường dạy học. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương đã đứng lên chiêu tập nghĩa quân Phú Yên dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Ông được vua Hàm Nghi phong làm "Thống soái Quân vụ Đại thần". Với tài năng của Lê Thành Phương, chỉ sau 1 tháng, ông đã tập hợp được vài nghìn người kéo cờ khởi nghĩa. Bấy giờ, ai ai cũng biết đến ông với danh xưng “Thống soái quân vụ đại thần”. Ông tiến hành chia phân khu chiến đấu thành 2 khu, một là từ đèo Cù Mông đến đèo Tam Giang, hai là từ đèo Tam Giang tới đèo Cả. Chỉ trong thời gian ngắn, cuộc nổi dậy của ông đã nhiều phen làm giặc Pháp khiếp sợ. Tháng 2 – 1887, Lê Thành Phương bị địch bắt do có tay sai chỉ điểm. Ngày 20/2/1887 (nhằm ngày 28 tháng Giêng năm Đinh Hợi), vì không dụ dỗ mua chuộc được ông, tên việt gian Trần Bá Lộc đã ra lệnh xử tử Lê Thành Phương cùng nhiều sỹ phu yêu nước khác tại Bến Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay). Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương tổ chức và lãnh đạo ở Phú Yên là một bộ phận quan trọng của phong trào Cần Vương toàn quốc, có ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ đến phong trào Cần Vương ở các tỉnh Nam Trung bộ. Cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương là trang sử vẻ vang trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc vô cùng anh dũng, hào hùng của nhân dân Phú Yên và mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Phú Yên. Ông đã nêu cho tấm gương sáng ngời về ý chí kiên cường bất khuất và tinh thần anh dũng hy sinh vì dân vì nước. Di tích Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương tại thôn Mỹ Phú – xã An Hiệp – huyện Tuy An – tỉnh Phú Yên đã được nhà nước chính thức công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Từ đó, đã trở thành truyền thống, cứ đến ngày 27 và 28 tháng Giêng hằng năm, huyện Tuy An, chính quyền xã An Hiệp phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức lễ tưởng niệm đến vị “Thống soái quân vụ đại thần” Lê Thành Phương, người con yêu tú của quê hương Phú Yên. Đây cũng là dịp để nhân dân khắp nơi trong tỉnh Phú Yên, nhất là huyện Tuy An tụ hội về tham gia các hoạt động truyền thống, các trò chơi dân gian được tổ chức như: Đẩy gậy, kéo co nam, nữ, đi cà kheo, chạy 3 chân, vừa chạy vừa lắc vòng, vừa hành quân vừa nấu cơm, thi cờ tướng, cờ người, cắm trại đẹp, thi hát dân ca, hội bài chòi và liên hoan văn nghệ. Nguồn: Trung Tâm Xúc Tiến Thông Tin Du Lịch Phú Yên

Phú Yên 169 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thành Hồ

Thành Hồ nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Thành Hồ là một toà thành có bình đồ gần với hình chữ nhật, các bờ thành nằm đúng với các hướng đông - tây - nam - bắc. Mặt phía nam giáp sông Đà Rằng, phía tây giáp núi, mặt phía bắc và phía đông giáp với đồng ruộng bằng phẳng. Ngoài ra có một bờ thành thứ năm chạy theo hướng bắc - nam chia Thành Hồ làm hai phần: Phần phía tây còn được gọi là thành nội, phần phía đông còn được gọi là thành ngoại. Bờ thành bắc có chiều dài 726m, chiều rộng và chiều cao giống như bờ thành đông. Bờ thành nam đã bị đổ sụp xuống sông Đà Rằng, chỉ còn một phần ở góc tây nam dài 250m. Bờ thành tây chạy vòng qua phía tây của Hòn Mốc, được phân thành hai đoạn: Đoạn thứ nhất từ góc đông nam đến chân phía tây Hòn Mốc dài 600m; đoạn thứ hai chạy xéo ở góc phía tây bắc nối bờ thành tây và bờ thành bắc. Bờ thành thứ 5 là bờ thành giữa, dài 920m. Phía tây thành Hồ trong phạm vi khu vực thành nội còn có một hòn núi nhỏ gọi là Hòn Mốc cao khoảng 60m, trên đỉnh Hòn Mốc có rất nhiều vật liệu xây dựng của một công trình kiến trúc cổ. Trên các bờ thành hiện nay còn có dấu vết của các chòi canh, phía ngoài bờ thành bắc và bờ thành đông còn có dấu tích của các hào nước như là hệ thống phòng thủ hỗ trợ bờ thành. Thành Hồ đã được các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu từ lâu. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả Thành Hồ như sau: “Thành cổ An Nghiệp: ở phía bắc sông Đà Diễn, thuộc xã An Nghiệp huyện Tuy Hoà, chu vi 1400 trượng; tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi là thành Hồ...Nay nền cũ vẫn còn…” Những năm gần đây, việc nghiên cứu về di tích thành Hồ đã được tiếp tục đẩy mạnh. Trong 2 năm 2003 và 2004, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Phú Yên đã phối hợp khai quật tại thành Hồ, tìm thấy dấu tích các công trình kiến trúc cổ vùi lấp trong lòng đất với mật độ tương đối dày. Cuộc khai quật cũng đã thu được một số lượng lớn các loại đồ gốm dân dụng, gốm kiến trúc, trong đó có loại đầu ngói ống trang trí hoa văn với nhiều mô tip khác nhau. Những đầu ngói ống này có niên đại vào khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 7. Ngoài những cổ vật tìm thấy trong các đợt khai quật, nhiều cổ vật trong phạm vi di tích thành Hồ cũng đã được phát hiện trong thời gian qua. Gần đây nhất, vào đầu năm 2006 tại khu vực Hòn Mốc, 4 pho tượng cổ đã được phát hiện. Những pho tượng này có niên đại vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Kết quả thu được qua các lần khảo sát, nghiên cứu đã khẳng định thành Hồ được xây dựng từ rất sớm; có thể vào thế kỷ 4 và tồn tại trong khoảng 10 thế kỷ cho đến khi người Việt bắt đầu vào đây sinh sống. Những kết quả nghiên cứu cũng đã khẳng định giá trị nhiều mặt của di tích thành Hồ. Chắc chắn thành Hồ vẫn còn ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử văn hóa. Việc di tích thành Hồ được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ quốc gia sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếp tục nghiên cứu, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của tòa thành này. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phú Yên

Phú Yên 162 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Đá Trắng

Chùa Đá Trắng (Chùa Từ Quang, Bạch Thạch Từ Quang Tự) là ngôi chùa cổ ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng. Chùa được xây dựng từ năm 1797 dưới Triều Vua Quang Toản (nhà Tây Sơn), do Thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 phái Lâm Tế khai sơn. Cổng chùa và đặc biệt là khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc cổ. Với quy mô lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, tất cả các bảo tháp đều được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo phong phú. Từ tượng hổ đến tượng nghê, kỳ lân… đều toát lên sức mạnh phi thường trong nhiều tư thế khác nhau. Vườn chùa có tất cả 8 ngôi tháp xây dựng trên khu đất rộng ở phía Tây. Trong số đó có một ngôi tháp rất đồ sộ, những ngôi tháp khác nhỏ hơn nhưng không kém phần tráng lệ. Trong chùa có hai đại hồng chung nặng đến 330 cân, do Hòa thượng Pháp Ngữ đặt vào năm Duy Tân thứ 9 và nhiều tượng phật cổ hàng trăm năm tuổi. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Đá Trắng trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, góp phần làm nên những thắng lợi hào hùng của quân và dân Phú Yên. Với tổng diện tích khoảng 5000m2, xung quanh chùa là một vườn xoài. Xoài Đá Trắng còn có tên là “xoài Ngự”, “xoài tiến” và được mang hiệu là “Bạch Thạch Yêm Ba”. Tương truyền, ngày xưa, các vị sư trụ trì trong ngôi chùa cổ kính này trồng rất nhiều xoài tượng, có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm dịu, vừa ngọt lịm khiến ai đã từng nếm thử đều không thể quên được hương vị của nó. Gọi xoài Đá Trắng là xoài tiến, bởi nó được tiến lên Vua cùng với trái lòn bon của Quảng Nam. Những lúc đem quân từ Cù Huân ra Quy Nhơn, Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) thường dừng chân ở Xuân Đài để nghỉ ngơi, chuẩn bị lương thảo. Có thể chính vào thời kỳ này Nguyễn Ánh đã nếm vị xoài Đá Trắng và nhớ mãi vị ngon nên sau này ra lệnh cho Phú Yên phải tiến. Hàng năm, cứ đến vụ xoài, các quan cho người về chùa kiểm kê số xoài thu hoạch, đóng sọt chuyển về Kinh dâng lên Vua, chỉ để lại một số vừa đủ để cúng Phật tổ, đãi khách. Đến đời Minh Mạng, mỗi năm vào Tết Đoan Ngọ, Phú Yên phải cống cho Triều đình 1.000 trái xoài Đá Trắng. Hiện nay, tại chùa Đá Trắng chỉ còn lại 4 cây xoài đã già cỗi nằm ở 4 góc chùa. 4 cây thì có đến 3 cây đã lâu không ra trái, còn một cây có khi đậu trái, có khi không. Trong vườn chùa cũng có khá nhiều cây xoài, nhưng đó là giống từ nơi khác, không phải loại xoài tiến Vua tuyệt hảo. Chùa Đá Trắng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Nguồn: Thế giới di sản

Phú Yên 178 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tháp Nhạn

Tháp Nhạn tọa lạc trên Núi Nhạn thuộc phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Nhạn có độ cao khoảng 60m so với mực nước biển, chu vi chân núi khoảng 1,5km; Kiến trúc Tháp Nhạn là sự chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1 và phong cách kiến trúc Bình Định, niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12. Nhiều tác phẩm điêu khắc gắn với di tích Tháp Nhạn, trong đó, tiêu biểu nhất là đài thờ đặt trong lòng tháp thuộc phong cách nghệ thuật Tháp Mắm có niên đại vào khoảng thế kỷ 12. Tháp Nhạn gồm 3 phần: đế tháp, thân tháp và mái tháp. Đế tháp bao gồm nhiều gờ giật và hơi choãi ra tạo thế vững chắc. Thân tháp hình trụ vuông, cả phần đế và thân tháp cao 12,4m. Trên mỗi mặt của thân tháp có trang trí 5 trụ ốp tường (kể cả 2 trụ góc), giữa các trụ ốp có đường gờ giật cấp tạo thành đường rãnh ăn sâu vào thân tháp. Phía dưới và phía trên các trụ ốp tạo hình loe rộng, để trơn, không chạm trổ hoa văn. Phía trên thân tháp tiếp giáp với phần mái xây thành gờ loe rộng tạo nên các đường băng chạy bốn phía làm cho ngôi tháp có dáng vẻ vững chắc và bớt đi sự đơn điệu giữa phần tiếp giáp giữa các khối vuông. Cửa tháp nằm ở phía Đông, nhưng đã bị sụp đổ. Căn cứ vào vết tích nền móng còn lại, phần xây lồi ra phía trước dài 3m, cửa tháp hiện nay cao 2,4m; phía trên xây giật cấp tạo thành vòm cuốn. Mái tháp có 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên mỗi tầng của mái tháp đều có trang trí cửa giả ở bốn mặt. Các cửa giả này cũng được trang trí rất cầu kỳ, theo mô tả của Pacmentier, từ đầu thế kỷ 20 vẫn còn thấy được hình thủy quái đang cấu xé những con rắn. Hiện nay, chỉ còn thấy một số trụ đá hình chóp cụt 4 mặt ở hai bên các cửa giả trên các tầng mái. Tầng mái cuối cùng của Tháp Nhạn thu nhỏ dần và kết thúc trên đỉnh tháp là một trụ đá hình chóp nhọn 4 mặt, cao 1,4m, phía dưới chân của chóp đá này có trang trí 8 cánh sen. Lòng Tháp Nhạn có bình đồ hình vuông, diện tích 4,6m nhân 4,6m, tường phía trong xây theo kỹ thuật xây giật cấp, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng, vì thế lòng tháp có hình như một chiếc chuông. Gạch xây tháp là loại gạch có kích thước lớn với chiều dài khoảng 40cm, chiều rộng 20cm và chiều dày 8cm. Kỹ thuật xây dựng chồng khít các viên gạch lên nhau tạo thành các lớp tường dày từ 2m. Tại Tháp Nhạn, ngày 23 tháng Ba Âm lịch hàng năm, diễn ra lễ Vía Bà (tức là Bà Thiên Y A Na), kéo dài từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Ba, trong đó, ngày 21 tháng Ba là chính lễ. Di tích Tháp Nhạn là chứng tích về một quá trình phát triển lâu dài của vùng đồng bằng Tuy Hoà trong tiến trình lịch sử. Ngày 24/12/2018, Tháp Nhạn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Phú Yên

Phú Yên 175 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên

Ngày 5/10/1930, tại nhà đồng chí Phan Lưu Thanh, ở xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long (nay là khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), đã tổ chức Hội nghị Đảng viên, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên gồm có 8 đảng viên, đồng chí Phan Lưu Thanh được bầu làm Bí thư. Đến tháng 01/1931, Tỉnh ủy Phú Yên được thành lập. Ngày 18/6/1997, Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/2/1930), một số thanh niên trí thức yêu nước ở Phú Yên tìm cách liên lạc với các tổ chức Cộng sản để tổ chức các cuộc đấu tranh. Cuối năm 1929, cuộc vận động thành lập tổ chức cộng sản có nhiều chuyển biến tích cực, gắn liền với quá trình hoạt động của một tập thể chiến sỹ cách mạng, trong đó tiêu biểu nhất là đồng chí Phan Lưu Thanh. Đồng chí Phan Lưu Thanh sinh năm 1906, quê ở xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân (nay là khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), là một thanh niên yêu nước sống trong cảnh đất nước lầm than, đã tích cực tham gia các tổ chức yêu nước lúc bấy giờ như: Hưng nghiệp hội xã, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên... Được tuyên truyền và giác ngộ về lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, đồng chí Phan Lưu Thanh đã tích cực hoạt động để gây dựng cơ sở cộng sản. Với việc tổ chức những hoạt động cách mạng có ý nghĩa lịch sử, đồng chí Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Thị Nghè (Sài Gòn) vào tháng 8/1930 và được cử về La Hai, Đồng Xuân, Phú Yên để tiếp tục gây dựng cơ sở. Đồng chí đã liên lạc, móc nối, tập hợp một số thanh niên tiến bộ trước đây, cùng tiếp tục hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, treo cờ búa liềm, rải truyền đơn ở La Hai, Tuy An, Tuy Hòa, Tỉnh lỵ Sông Cầu... Những hình thức này đã gây ảnh hưởng trong quần chúng, tạo điều kiện cho quần chúng công nông tiếp xúc với chủ trương của Đảng, kích thích tinh thần yêu nước trong một số thanh niên, học sinh có ý thức dân tộc theo tư tưởng cộng sản. Qua tuyên truyền, giác ngộ, thử thách, đồng chí Phan Lưu Thanh đã kết nạp một số đồng chí ưu tú vào Đảng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 5/10/1930, đồng chí Phan Lưu Thanh tổ chức cuộc họp toàn thể đảng viên tại nhà của mình bàn việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định của Đảng, trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, đồng chí Phan Lưu Thanh tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên. Chi bộ có 9 đảng viên. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên đã mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng ở Phú Yên, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ lớp trí thức và nhân dân lao động ở Phú Yên. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Phú Yên có sự soi đường, dẫn lối của tổ chức những người cộng sản - nhân tố có tính chất quyết định cho sự thắng lợi của phong trào cách mạng ở Phú Yên sau này. Nguồn: Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên

Phú Yên 172 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

NHÀ THỜ BÁC HỒ

Nhà thờ Bác Hồ hiện nay tọa lạc ở thôn Bình Hòa, xã Sơn Định, thuộc cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, thành phố Tuy Hòa. Nơi đây gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến và các cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh Phú Yên. Suốt bao nhiêu năm bền bỉ, dẻo dai, kiên cường bất khuất từ thập niên 60 đến mùa xuân đại thắng 1975. Ngày 22/8/2008, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận khu di tích lịch sử cấp quốc gia, bao gồm nhà thờ Bác Hồ và 12 địa điểm nữa một thời là nơi căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy, chính quyền, quân dân Phú Yên. Khu di tích 3 Sơn ấy tọa lạc trên cao nguyên Vân Hòa, mảnh đất miền Tây Phú Yên, ở độ cao trên 400m so với mặt nước biển Tuy Hòa. Nơi đây địa hình đồi núi, bạt ngàn cây xanh, có nhiều hang động, sông suối, thác và hồ nước đẹp. Đất đỏ ba-zan màu mỡ. cà phê, hồ tiêu bạt ngàn… đầy nắng, gió và sương mờ, mỗi khi khí hậu vào thu, nhiệt độ ở cao nguyên Vân Hòa luôn thấp hơn nhiệt độ TP Tuy Hòa. Mỗi buối sáng thức dậy, khí hậu Vân Hòa đem đến cho chúng ta một điều kì thú, sương mờ giăng giăng trên mặt hồ suối phẫn, suối phèn. Khu di tích là nơi thuận lợi , lý tưởng cho du lịch sinh thái, tìm hiểu và khám phá vùng đất phía đông dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trước khi vươn dài ra biển Đông ở mũi Đại Lãnh nơi đón ánh bình minh ngày mới đầu tiên trên đất liền. Căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Phú Yên là một quần thể các di tích, mà trung tâm là nhà thờ Bác Hồ. Nằm trên khu đất 5.000 m2, sát bên đường giao thông liên tỉnh ĐT 643. Ngôi nhà thờ Bác xây cất kiên cố, không gian thông thoáng theo lối kiến trúc đền đài người Việt xưa, uy nghi, trầm mặc trên nền xanh của cây cỏ và núi rừng. Cách đây 40 năm cũng vào ngày tháng năm này (6/9/1969) quân dân Phú Yên làm lễ truy điệu tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng và giờ đây vật chứng còn lại là hai cây dẻ, ngày ấy nhỏ bé bây giờ sum xuê tỏa bóng râm mát, phủ che cho bao nhiêu người đến viếng Bác. Lớp lớp con cháu đã hành hương về đây thắp nén nhang dâng lên Người, thăm nhà thờ Bác, bạn có dịp thăm cả quần thể 12 điểm di tích căn cứ kháng chiến của Phú Yên xưa đó là”Hội trường mùa xuân”, “trạm xã Trúc Bạch”, “trường Đảng tỉnh”, …mỗi cái tên gợi nhớ một thời, cha anh ta làm nên lịch sử, đó chính là địa chỉ đỏ gọi ta về nguồn… Nhà thờ Bác Hồ - nơi mảnh đất miền tây Phú Yên, khu căn cứ kháng chiến của quân dân Phú Yên , giờ đây là địa chỉ đỏ về nguồn, cho các tổ chức xã hội, chính trị, cơ quan đoàn thể và đông đảo nhân dân hành hương thăm viếng, dâng hương tưởng niệm 400 năm vùng đất Phú Yên và năm du lịch Quốc gia 2011, ắt hẳn nơi đây sẽ còn đón nhiều nhiều khách thập phương đến dâng hương, tưởng niệm và tìm hiểu khám phá lịch sử, tham gia lễ hội và nhiều hoạt động đầy ý nghĩa khác của vùng đất từng có bề dày chiều sâu văn hóa – lịch sử truyền thống hào hùng. Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Phú Yên

Phú Yên 168 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Di tích cảng Vũng Rô

Bến tàu Vũng Rô là một trong những bến quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con Tàu Không Số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 11 năm 1964 đến tháng 02 năm 1965, bến Vũng Rô đã đón bốn chuyến Tàu Không Số. Vũng Rô được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia ngày 18/6/1997. Năm 2014 được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp hạng là Top 10 vùng vịnh đẹp của Việt Nam. Tháng 5/1964, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chọn bến bãi sẵn sàng tiếp nhận khí tài chi viện từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển. Bến Vũng Rô nằm ngay dưới chân đèo Cả, phía đông quốc lộ 1, là bến nước sâu, êm sóng có nhiều hang, gộp đá có thể làm nơi cất giấu nhiều loại khí tài, có những tuyến hành lang an toàn từ Vũng Rô đến Hòa Hiệp, Hòa Xuân và lên căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên, căn cứ Liên Tỉnh ủy 3 và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Đêm 28/11/1964, bến Vũng Rô tiếp đón chuyến tàu Không số đầu tiên. Việc tiếp nhận vũ khí từ các chuyến tàu Không số đã được quân, dân Phú Yên tổ chức chu đáo, chặt chẽ. Từ bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên xung kích, dân công ngày đêm vận chuyển hàng trăm tấn khí tài về hậu cứ và tỏa đi khắp các chiến trường Nam Trung Bộ, trang bị kịp thời cho những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng. Chuyến tàu thứ tư cập bến đêm 15/02/1965, sáng hôm sau bị địch phát hiện. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho Đường Hồ Chí Minh trên biển, ta đã phải phá huỷ con Tàu Không Số cho chìm xuống biển tại Bãi Chùa. Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển vốn được xây dựng kỳ công và bí mật, đã bị lộ nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây cho kẻ địch một phen kinh hoàng. Thời gian qua đi nhưng chiến công mãi rạng ngời, năm 2001 bia Di tích bến Vũng Rô, Đài tưởng niệm Vũng Rô được xây dụng và hoàn thành, để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử chiến tranh dân tộc. Vũng Rô và những chuyến tàu “Không số” huyền thoại mãi mãi là niềm tự hào của nghệ thuật quân sự Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Phú Yên và của cả dân tộc Việt Nam anh hùng. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Thành Phố Tuy Hoà Tỉnh Phú Yên

Phú Yên 175 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Địa Đạo Gò Thì Thùng

Cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) về hướng tây 15km, cao nguyên Gò Thì Thùng (xã An Xuân) có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, cây xanh trái ngọt hiền hòa. Trên đỉnh cao nguyên này, có một mặt bằng gò bãi rộng lớn và một hệ thống hầm địa đạo của quân và dân Phú Yên trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Hệ thống hầm địa đạo này đã góp bao trận đánh làm rúng động kẻ thù và làm nên những chiến công vang dội của quân và dân ta. Ngày đó trước sự lớn mạnh của kẻ thù, Tỉnh ủy Phú Yên và Ban Chỉ huy quân sự Khu V quyết định đào địa đạo tại gò Thì Thùng. Công trình khởi công vào ngày 10/5/1964. Huyện đội và Tỉnh đội trực tiếp chỉ huy cho các xã An Xuân, An Định, An Nghiệp đào địa đạo. Đến 8/1965, địa đạo gò Thì Thùng đã hoàn thành. Sau khi hoàn thành, tổng chiều dài địa đạo là 1.948m xuyên qua Gò Thì Thùng, sâu 4,5m, rộng 0,8m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Xung quanh địa đạo là một hệ thống dây thông hào chằng chịt chạy ngang dọc. Khi có địch, ta xuất hiện để đánh, đánh xong thì rút xuống, địch không phát hiện và nhân dân tuyệt đối giữ bí mật an toàn. Khi thất bại nặng trên chiến trường, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Tại cao nguyên An Xuân đã diễn ra nhiều trận càn ác liệt, quân và dân ta đã lập được nhiều chiến công vang dội góp phần quan trọng vào chiến thắng “Chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam. Sau ngày giải phóng, dấu vết chiến tranh trên gò Thì Thùng còn in rõ bởi hố bom, bãi mìn và thuốc súng. Thế nhưng hiện nay, những khoảng đất của chiến trường xưa đã xanh dần, các dãy nhà mới mọc lên, cuộc sống của người dân nơi đây dần được cải thiện. Ngày nay, đến gò Thì Thùng ít có ai biết rằng cách đây hơn 40 năm, nơi đây đã từng là chiến trường ác liệt, đã từng diễn ra trận đánh giáp lá cà giữa quân ta với kẻ thù và cũng ít có ai biết rằng dưới lòng đất sâu kia đã từng có một hệ thống địa đạo do nhân dân xã An Xuân và các vùng lân cận đào… Năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Được biết, cùng với địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Gò Thì Thùng là một trong 3 địa đạo lớn ở nước ta. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phú Yên

Phú Yên 162 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thành An Thổ

Thành An Thổ nằm ở thôn An Thổ, thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, được xây dựng vào năm 1832 và hoàn thành khoảng 1836, là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên. Thành An Thổ nằm khu vực hạ lưu Sông Cái thuộc địa phận thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thành An Thổ là một trong những nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Phú Yên. Thành An Thổ được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1832 đến năm 1836 dưới thời vua Minh Mạng, thành có bình đồ hình vuông, với diện tích khoảng 6.400m2, bốn góc được đắp nhô hẳn ra phía ngoài, xung quanh có hào nước rộng khoảng 15m, tường thành cao khoảng 3,5m. Bốn cửa thành quay ra bốn hướng Đông Tây Nam Bắc ứng với tên gọi bốn cửa: Tiền, Hậu, Hữu, Tả. Bên ngoài thành An Thổ còn một số công trình phụ trợ. Phía nam có con đê Hộ Thành chống ngập lụt, bên trong con đê là Trường Bắn - nơi binh sỹ tập luyện. Sát bờ sông Cái có một khu đất gọi là Gò Tượng, là nơi đóng quân của đội Tượng binh. Chợ Thành nằm gần cửa Hữu là nơi trao đổi hàng hóa của bộ máy quan lại cũng như của nhân dân ở khu vực thành An Thổ. Sau khi xây dựng xong, thành An Thổ trở thành trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên. Năm 1888, lỵ sở của Phú Yên dời từ thành An Thổ ra Vũng Lắm nằm trong vịnh Xuân Đài cách thành An Thổ khoảng 10km về phía bắc nhưng cũng chỉ ở đây trong khoảng 1 năm sau đó lại chuyển về thành An Thổ. Đến năm 1899, lỵ sở Phú Yên lại dời từ An Thổ về đóng tại thôn Long Bình (nay thuộc thị xã Sông Cầu). Từ năm 1899 trở đi, thành An Thổ tiếp tục đảm nhận vai trò là phủ lỵ của phủ Tuy An. Đến khoảng năm 1939, phủ lỵ Tuy An chuyển đến vị trí khác thì vai trò lịch sử của thành An Thổ xem như kết thúc. Trong thời gian từ 1901 đến 1906, ông Trần Văn Phổ là phụ thân đồng chí Trần Phú được cử vào Phú Yên giữ chức Giáo thụ tại phủ Tuy An. Ông Phổ đưa cả gia đình vào làm việc và sinh sống tại thành An Thổ. Và cũng chính nơi đây vào ngày 01/5/1904 đã chứng kiến sự chào đời của một người con ưu tú của Đảng đó là đồng chí Trần Phú – Cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển và năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam trung bộ - Phú Yên 2011, di tích thành An Thổ đã được đầu tư tôn tạo gồm nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú và một số công trình phụ xung quanh. Thành An Thổ là một trong những địa chỉ không thể bỏ qua của du khách khi đến với vùng đất Tuy An, vùng đất của những lễ hội gắn một chuỗi các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh làm nên điểm đến hấp dẫn, thân thiện và đầy lòng mến khách. Thành An Thổ được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp Quốc gia vào ngày 22/8/2005. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phú Yên

Phú Yên 160 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Lương Văn Chánh

Danh nhân Lương Văn Chánh là người Bắc Hà, dưới triều vua Lê Thế Tông được phong chức Thiên Vũ vệ Đô chỉ huy sứ. Năm Mậu Dần – 1578, Lương Văn Chánh được chúa Nguyễn Hoàng cử vào ổn định vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả. Nhờ có công lớn, ông được thăng chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, sau làm Trấn Biên quan. Sau đó ông chiêu tập lưu dân vùng Thanh – Nghệ, Thuận Hoá và các nơi khác đến khai phá đất hoang, kết lập gia cư, làng mạc ở vùng Cù Mông, Bà Đài và dọc theo sông Đà Rằng. Ông đem kinh nghiệm khẩn hoang vào áp dụng ở Phú Yên, cùng với người dân làm cho vùng đất này trở nên trù phú, làng xóm dần được hình thành. Đây là cơ sở để chúa Nguyễn lập ra phủ Phú Yên vào năm 1611. Ông Lương Văn Chánh qua đời ngày 19 tháng Chín năm Tân Hợi 1611. Mộ Lương Văn Chánh nằm trên một gò cao, quay mặt ra phía sông Bến Lội, hướng về núi Chóp Chài. Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở địa hình thông thoáng, phía trước là sông Bến Lội, phía sau là núi Cấm. Trong khuôn viên còn có cây bồ đề cổ thụ cành lá xum xuê, che mát cả một góc đền, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam năm 2014. Để bày tỏ sự ngưỡng mộ, tri ân của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập nghiệp; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng nguyện vọng cũng như sự mong đợi của cán bộ, nhân dân trong tỉnh và cả nước, Tỉnh Phú Yên đã cho đúc tượng danh nhân Lương Văn Chánh để thờ ngay tại Đền của ông, tượng được đúc bằng đồng có chiều cao 1,4 mét, tư thế ngồi trên ghế tựa, tay cầm chiếu chỉ, ngay chính điện đền thờ, thể hiện sự tôn nghiêm trang trọng. Hàng năm, vào ngày mùng 06 tháng 2 và ngày 19 tháng 9 (Âm lịch), Phú Yên tổ chức Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh với sự tham gia của đông đảo nhân dân và thu hút nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu. Di tích khu Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 27/9/1996. Nguồn: Trung Tâm Xúc Tiến Du Lịch Tỉnh Phú Yên

Phú Yên 183 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật