Điểm di tích

Di Tích Chùa Tiên

Chùa Tiên - Giếng Tiên nằm trong lòng núi Đại Tượng, một ngọn núi hình con voi lớn phía Nam thành phố. Bên trong lòng núi là một hang động lớn nơi tọa lạc của ngôi Chùa Tiên nổi tiếng được xây dựng vào đời vua Lê Thánh Tông. Chùa thường gọi là chùa Song Tiên, tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Theo truyền thuyết, tiên ông từ trời hạ phàm xuống đây nên gọi là chùa Tiên, đạp chân lên núi Đại Tượng tạo thành Giếng Tiên để cứu dân qua nạn hạn hán. Sau đó vì mải mê bên bàn cờ quên không về trời, tiên ông đã hoá đá ở đây. Từ đó người dân bản địa vì muốn ghi nhớ công ơn phổ độ chúng sinh của ông nên đã tôn ông làm thần Nông của vùng. Hằng năm tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ và cầu phúc cho làng. Khác với các động khách nằm dưới chân núi, động Chùa Tiên nằm ngay lưng chúng núi, muốn đến được chùa phải vượt qua 65 bậc thang bằng đá trên đường đi là những thách nhũ muôn hình dạng như tiên ông, đầu sư tử, dơi,..sinh ra loại cảm giác linh thiêng huyền bí lạ thường. Chùa trước đây là một ngôi miếu nằm cạnh Giếng Tiên do người dân Phai Luông lập, sau đó vì xuống cấp người ta đã chuyển chùa vào động Song Tiên. Chùa có hệ thống các tượng thần, tượng phật,... 13 tấm bia Ma Nhai di tích của các bậc văn nhân kỳ tài để lại. Đặc biệt là bút tích của Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài “Trấn Doanh Bát Cảnh” tám cảnh đẹp của xứ Lạng và nơi đây là một trong số đó. Chính giữa chùa thờ chư Phật, Bồ tát. Cung bên phải thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, cung bên trái thờ Thánh Mẫu. Gắn liền với câu chuyện Tiên ông hạ phàm ban cho người dân Phai Luông nguồn nước quý khi kỳ hạn hán đang kéo dài. Vì để trả ơn cho những đước trẻ chăn trâu trong làng đã cho ông nắm cơm ít ỏi khi ông giả làm một lão ăn xin nghèo đói. Nên tiên ông đã đạp gót chân hóa ra thành Giếng Tiên mang dòng nước mát lành. Giếng không lớn được cấu tạo hoàn toàn bằng đá và nước quanh năm luôn trong vắt. Người dân bảo nhau, uống ba ngụm nước tiên trong động để được cầu phúc lộc. Lễ hội chùa Tiên hàng năm vào ngày 18 tháng giêng (âm lịch). Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1992. Nguồn: Du lịch Lạng Sơn

Lạng Sơn 194 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Kỳ Cùng

Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền Kỳ Cùng được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa. Nhưng sau đó, đền Kỳ Cùng thờ ông Tuần Tranh. Tương truyền, ông Tuần Tranh là một vị quan dưới thời nhà Trần, được cử lên Lạng Sơn đánh giặc, trấn ải biên thùy. Lịch sử của Đền còn gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh, được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch. Do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc - ông Dài) làm vị thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng. Về sau, nỗi oan khuất của ông được một vị tướng nhà Lê là Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ) chứng minh, hóa giải. Vì vậy mới có tục lệ vào ngày lễ hội đền Kỳ Cùng (cũng từ ngày 22 đến ngày 27 tháng giêng âm lịch giống như đền Tả Phủ), phải có lễ rước kiệu ông lớn Tuần Tranh lên đền Tả Phủ để tạ ơn và hầu chuyện Thân Công Tài. Điều này giải thích cho sự liên quan mật thiết của hai lễ hội đền Kỳ Cùng - T Phủ. Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong "Trấn doanh bát cảnh" xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ. Sở dĩ như vậy là vì theo sử sách chép lại, ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi nay. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọtu tắng xóa, ttrào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại. Ngày nay Cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia Thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của nhân dân Thành phố, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của Tỉnh. Đền Kỳ Cùng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hiện là nơi thu hút rất đông đảo bà con khách thập phương đến tham quan du lịch và cúng lễ. Nguồn: Du lịch Lạng Sơn

Lạng Sơn 189 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thành Lạng Sơn

Vào thời Lý Trần, triều đình đã cho dựng nhà công quán làm nơi nghỉ chân của sứ thần hai nước Việt - Trung. Nhân dân xây chùa cạnh nhà công quán, đặt tên là Diên Khánh tự. Ngôi cổ tự nằm cạnh Đoàn Thành phía bắc, nên dân gian vẫn quen gọi là chùa Thành. Diên Khánh tự tọa lạc bên dòng sông Kỳ Cùng dưới chân cầu Kỳ Lừa, Đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Tương truyền, ngôi chùa cổ này được xây dựng bên trên để trấn yểm cột đồng do giặc Hán dựng đã bị nhân dân ta chôn vùi. Vào thế kỷ thứ 1, tướng Hán là Mã Viện đem quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sáp nhập nước ta vào Đông Hán, đi đến đâu chúng xây thành đắp lũy đến đó. Nơi tiếp giáp giữa Giao Chỉ và Trung Quốc (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn), Mã Viện cho quân dựng cột đồng, khắc sáu chữ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Nếu cột đồng đổ thì người Giao Chỉ bị diệt). Bất cứ người dân đất Việt nào đi qua nơi ấy đều ném vào chân cột đồng một hòn đá. Trải nhiều đời, đá trùm lên lấp kín trụ đồng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Tân Mùi (1271), Hốt Tất Liệt đòi vua Trần Thánh Tông phải sang chầu, vua viện cớ đang ốm không đi được. Hốt Tất Liệt cho sứ sang yêu cầu vua Trần chỉ cho chúng cột đồng của Mã Viện thuở xưa, với ý đồ dùng cột đồng để hăm dọa sẽ san bằng Đại Việt. Vua không hề run sợ mà khẳng khái trả lời chúng rằng: "Cột ấy lâu ngày nên đã mất".Đến thế kỷ 17, năm Đinh Sửu (1637), thám hoa Giang Văn Minh được vua Lê cử sang yết kiến hoàng đế nhà Minh. Thấy sứ thần Việt Nam tài chí phi phàm, vua Minh ra vế đối: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (ý nói cây cột đồng từ thời Mã Viện đến nay rêu đã phủ xanh, vua Minh huênh hoang sức mạnh của phương Bắc). Giang Văn Minh đối lại: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (ý nhắc nhở về sự thất trận nhiều lần của Bắc triều, bao lần nhuộm máu trên sông Bạch Đằng khi chúng sang xâm lược nước Nam). Vua Minh tái mặt, phục tài Giang Văn Minh. Tại tam quan của chùa treo một quả chuông nặng 2.100kg mới được đúc năm 2007 để sớm hôm chiêu mộ. Tam quan chùa chồng diêm lớp lớp với 24 mái, lợp ngói mũi hài và các đầu đao cong vút. Hệ thống mái chùa được chạm đục tỉ mỉ theo lối "thuận chồng bẩy con, với các đầu phượng đỡ toàn bộ hoành và các kèo. Những linh vật: long, ly, quy, phượng được đắp vẽ công phu, uyển chuyển. Toàn bộ câu đối phía ngoài bằng chữ Hán được gắn bằng sứ hết sức tỉ mỉ, công phu. Chùa gồm 38 gian lớn nhỏ, với nhiều hạng mục công trình: hậu cung thờ phật, bái đường, phương đình, tiến đường, tam quan, tổ đường, hậu đường... Toàn bộ hệ thống tượng thờ của chùa được đúc bằng đồng vàng nguyên khối với trên 40 pho tượng lớn nhỏ. Đây là ngôi chùa duy nhất trên toàn quốc có đầy đủ hệ thống tượng Phật thờ theo Phật giáo Bắc Tông. Hệ thống hoành phi, câu đối của chùa được chạm khắc cực kỳ tinh xảo và sơn son thếp vàng, nhiều bộ hoành phi có tuổi hàng trăm năm. Trong chùa hiện lưu giữ quả chuông được đúc từ năm 1671 triều vua Lê Hiển Tông, nặng 600kg. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các năm 1967, 1980, 1992 và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. Nguồn: Du lịch Lạng Sơn

Lạng Sơn 181 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đài Chiến thắng Bông Lau, Lũng Phầy

Trong những năm 1948-1949, đường 4 là một trong những tuyến đường huyết mạch được quân Pháp sử dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí từ Lạng Sơn lên phục vụ cho lực lượng chiếm đóng ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Đây là tuyến đường tương đối hiểm trở, nhất là khu vực đèo Bông Lau (dài khoảng 10 km, thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) là đoạn đường quanh co gấp khúc, góc cua hẹp, độ dốc lớn, nơi các đoàn xe vận chuyển của quân Pháp thường bị lực lượng ta chặn đánh gây nhiều tổn thất (tính đến tháng 8.1949 quân Pháp đã 3 lần bị ta phục kích trên khu vực này). Để bảo đảm an toàn cho tuyến đường vận chuyển quan trọng, quân Pháp đã rải quân chốt giữ các vị trí quan trọng trên trục đường, đồng thời mỗi khi tổ chức vận chuyển, thường phải sử dụng số lượng xe lớn (khoảng trên dưới 100 xe) và chia thành nhiều tốp, có lực lượng bộ binh và xe thiết giáp hộ tống với kế hoạch đề phòng chu đáo. Sau khi kết thúc Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng tháng 4 năm 1949, ta chủ trương tiếp tục tiến hành một số trận đánh để khuếch trương thắng lợi của chiến dịch, trong đó tập trung đánh phá hoạt động giao thông vận chuyển của địch trên đường 4. Thực hiện chủ trương trên, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tổ chức trận phục kích thứ 4 tại khu vực đèo Bông Lau (đoạn giữa 2 đồn Bông Lau và Lũng Phầy), với quyết tâm “trận đầu ra quân phải thắng”. Sau khi nghiên cứu tình hình, Trung đoàn 174 quyết định tổ chức trận địa phục kích trên quãng đường dài 2,5 km, từ đầu bản Bó đến đỉnh đèo, trung tâm là kilômét 58. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 2 tiểu đoàn 23, 53. Mỗi tiểu đoàn gồm 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến, được trang bị súng bộ binh, súng máy 12,7 mm, súng phóng lựu, badôca, lựu đạn, cối 81 mm và 60 mm. Tiểu đoàn 259 làm nhiệm vụ nghi binh thu hút địch ở đoạn Bố Củng - Lũng Vài. Theo đúng kế hoạch, các đơn vị bí mật chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình chiến đấu xong trước ngày 2.9. Sáng 3.9, phát hiện dấu hiệu địch sẽ hành quân lên Cao Bằng, trung đoàn tổ chức các đơn vị vào vị trí chiến đấu. Trưa 3.9, lực lượng hộ tống đoàn xe địch gồm 10 xe (6 xe vận tải), chở khoảng 100 quân tiến vào trận địa phục kích, nhưng trung đoàn chưa nổ súng để chờ đánh mục tiêu chủ yếu là đoàn xe vận tải. Đúng như dự đoán, khoảng 14 giờ khi phần lớn đoàn xe vận tải của quân Pháp gồm hơn 100 xe lọt vào trận địa phục kích, các đơn vị khẩn trương vận động chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Tuy nhiên vào thời điểm này, 1 chiếc xe của quân Pháp chạy đến gần kilômét 58 đột nhiên chết máy, làm cả đoàn xe dồn sát vào nhau, đồng thời lực lượng bộ binh địch đi cùng triển khai đội hình bảo vệ. Nhận thấy thời cơ chưa thuận lợi, ta vẫn kiên trì phục kích; đến 14 giờ 30 phút, địch sửa xong xe tiếp tục hành quân lên đến đỉnh đèo; trận đánh bắt đầu, các loại hỏa lực của trung đoàn đồng loạt bắn vào đoàn xe khiến cho đội hình hành quân của quân Pháp rối loạn. Tận dụng thời cơ, các đơn vị nhanh chóng vận động chiếm lĩnh vị trí có lợi, sử dụng lựu đạn và súng bộ binh tiến công mãnh liệt vào đội hình quân địch; sau hơn 1 giờ chiến đấu quyết liệt, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, áp giải tù binh, giải quyết thương vong và rút quân. Trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ, địch 2 lần sử dụng máy bay bắn phá vào trận địa và đưa quân từ Thất Khê lên ứng cứu, nhưng đều bị lực lượng của Tiểu đoàn 53 chặn đánh, buộc phải rút lui. Kết quả, ta diệt và làm bị thương 194 quân địch, bắt 23 quân, phá huỷ 86 xe (trong đó có 1 xe tăng, 2 xe thiết giáp, 78 xe ô tô vận tải), thu gần 100 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Trận Lũng Phầy thắng lợi là chiến công đầu của Trung đoàn 174, đồng thời cũng là trận phục kích lớn nhất trên đường 4 trong những năm 1948-1950, không những có tác động khích lệ tinh thần và khí thế chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, mà còn mang ý nghĩa cổ vũ, động viên, tạo niềm tin chiến đấu và chiến thắng cho quân và dân ta trên mật trận đường 4 trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam

Lạng Sơn 191 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Lưu Niệm Hoàng Văn Thụ

Đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 – 1944) là một nhà cách mạng, một chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông sinh ngày 04/11/1909 trong một gia đình người Tày tại thôn Phạc Lạn, xã Nhân Lý, huyện Văn Uyên (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng), tỉnh Lạng Sơn. Từ nhỏ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, ông cùng các bạn của mình sang Trung Quốc để tìm đường cứu nước. Năm 1930, ông trở về huyện Văn Uyên để xây dựng phong trào cách mạng, thành lập chi bộ đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Lạng Sơn. Đến năm 1938, ông được phân công phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ rồi đảm nhận trọng trách là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1941, ông được bầu vào Thường vụ trung ương Đảng. Ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giặc bắt tại Hà Nội và bị tử hình ngày 24/5/1944. Tuy thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ không dài nhưng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển cơ sở của Trung ương Đảng trước Cách mạng tháng 8 trong thời gian bị chính quyền thực dân khủng bố ác liệt nhất. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu anh hùng, liệt sĩ. Để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đồng chí Hoàng Văn Thụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng một số công trình lưu niệm đồng chí tại thành phố Lạng Sơn và huyện Văn Lãng, quê hương của đồng chí. Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ nằm bên cạnh Bảo tàng tỉnh, cổng chính khuôn viên tượng đài quay về phía Ủy ban nhân dân tỉnh, thuộc đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Khánh thành năm 1994. Di tích Nhà số 8 phố Chính Cai hiện nay nằm ở phố Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Từ năm 1923 đến năm 1927, đồng chí Hoàng Văn Thụ theo học trường Pháp – Việt và ở trọ tại nhà số 8 phố Chính Cai. Tại phòng trọ, ngoài công việc học tập, đồng chí đã soạn thảo một số truyền đơn cũng như khẩu hiệu có nội dung vận động quần chúng đấu tranh giành cơm ăn, áo mặc, giành tự do dân chủ và chống chế độ thực dân, phong kiến áp bức. Hiện nay, nơi đây đã trở thành một bảo tàng nhỏ trưng bày về quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Vào những dịp ngày tết, ngày lễ, tại di tích Nhà số 8 Chính Cai lại mở cửa đón tiếp khách tham quan, học tập và dâng hương. Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ nằm tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, cách thành phố Lạng Sơn 26 km về phía bắc. Khu di tích được hoàn thành với những hạng mục cảnh quan văn hóa, di tích lịch sử cách mạng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, được khánh thành ngày 25/10/2009 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 – 04/11/2009). Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Lạng Sơn

Lạng Sơn 181 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri

Đồng chí Lương Văn Tri sinh ngày 17/8/1910 trong một gia đình người Tày ở Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, tổng Mỹ Liệt, châu Điềm He (nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan). Thuở nhỏ, đồng chí rất thông minh, học giỏi. Sinh ra và lớn lên dưới chế độ thực dân phong kiến hà khắc, nhân dân vô cùng cực khổ, đồng chí đã sớm có tinh thần yêu nước và tư tưởng tiến bộ. Đồng chí Lương Văn Tri là một nhà hoạt động cách mạng và là người có đóng góp lớn trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Đồng chí từng cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ lập ra một nhóm thanh niên yêu nước tại thị xã Lạng Sơn vào năm 1926. Năm 1928, được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tháng 12 năm 1929, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) năm 1933, Lương Văn Tri được phân công về Việt Nam xây dựng phong trào cách mạng ở Cao Bằng – Lạng Sơn. Năm 1939, đồng chí được bầu làm Xứ Ủy viên Xứ uỷ Bắc kỳ, phụ trách vấn đề quân sự. Năm 1940, đồng chí giữ chức Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, phụ trách liên tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn… Sau hội nghị Trung ương lần thứ bảy (tháng 11/1940), Lương Văn Tri được cử làm chỉ huy trưởng đội du kích Bắc Sơn và khu căn cứ Cứu quốc quân Bắc Sơn – Võ Nhai. Tháng 8 năm 1941, trên đường hành quân lên Cao Bằng, đồng chí Lương Văn Tri bị thực dân Pháp bắt tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) và đã hy sinh sau đó tại nhà tù Cao Bằng vào ngày 29/9/1941. Đồng chí Lương Văn Tri đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần tô điểm cho trang sử vẻ vang của Đảng ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng ngời để lớp lớp con cháu chúng ta học tập và noi theo. Hiện nay, ngôi nhà của đồng chí đã từng sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan được được tu bổ, tôn tạo, phục chế nguyên gốc, trở thành di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 – 17/8/2010), đảng và nhà nước ta đã xây dựng công trình Tượng đài đồng chí Lương Văn Tri tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan. Đây là những hoạt động thiết thực để tưởng nhớ và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Văn Tri trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Di tích lưu niệm và tượng đài đồng chí Lương Văn Tri tại huyện Văn Quan là những địa chỉ văn hóa, thường xuyên thu hút các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tìm hiểu và học tập truyền thống cách mạng của quê hương đất nước. Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Xúc Tiến Du Lịch Lạng Sơn

Lạng Sơn 189 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn

Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn có giá trị lịch sử tiêu biểu, quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử quân sự cách mạng Việt Nam. Khu di tích là an toàn khu nuôi giấu, bảo vệ các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời gian hoạt động cách mạng tại Bắc Sơn, nơi đặt trạm liên lạc thông suốt giữa Trung ương với Xứ uỷ Bắc kỳ cùng các địa bàn khác và là nơi cung cấp tài liệu cho công tác huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng. Di tích gồm 12 điểm, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, phân bố trên địa bàn 06 xã: Tân Hương, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Vũ Lễ, Tân Lập, Long Đống thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, bao gồm: 1. Di tích Bó Tát (Mỏ Tát): nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Bắc Sơn (25/9/1936 – 25/9/2021). 2. Di tích đồi Nà Kheo: nơi có hệ thống đường hào 3. Di tích đình Nông Lục: ngày 2 tháng 9 năm 1940 những đảng viên sau khi thoát khỏi nhà tù của chế độ thực dân dã di chuyển tới đình Nông Lục để họp. Cuộc họp được tổ chức với mục đích lựa chọn thời cơ để tiến hành cuộc khởi nghĩa đấu tranh chống thực dân Pháp để giải phóng đồn Mỏ Nhài. 4. Di tích đồn Mỏ Nhài: là căn cứ quân sự được thực dân Pháp cho xây dựng ngay khi vừa đặt chân đến xâm lược nước ta. 5. Di tích Thâm Thoông - Dập Dị: là đoạn đèo nằm trên tỉnh lộ 241 (tuyến đường Bắc Sơn - Vũ Lăng). 6. Di tích Trường Vũ Lăng: Ngôi trường được thực dân Pháp xây dựng với mục đích đào tạo nên đội ngũ tay sai làm việc cho chúng. 7. Di tích Sa Khao (Phia Khao): nơi nuôi giấu cán bộ, hoạt động của Đoàn cán bộ Trung ương và Châu ủy Bắc Sơn. 8. Di tích Khuổi Nọi: Đây là địa bàn hoạt động bí mật của Đội Cứu Quốc quân. 9. Di tích Lân Pán: là địa điểm hoạt động bí mật của Đoàn cán bộ Trung ương Đảng trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 8 và củng cố phát triển lực lượng vũ trang cơ sở tại Đảng bộ Bắc Sơn. 10. Di tích Lân Táy - Mỏ Pia: gồm 2 điểm là hang Mỏ Pia và địa điểm Lân Táy. 11. Di tích hang Mỏ Rẹ: Đây là nơi hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ và là nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt phá vòng vây của địch ngày 28/8/1941. 12. Di tích Đèo Tam Canh: được lựa chọn làm địa điểm xây dựng biểu tượng Khởi nghĩa Bắc Sơn và 01 nhà bia ghi dấu sự kiện với tổng diện tích khuôn viên khoảng 120m2. Hiện nay, các di vật, tài liệu hiện vật liên quan đến khu di tích đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Sơn và Nhà trưng bày truyền thống trường Vũ Lăng, với tổng số 138 hiện vật, gồm: 127 hiện vật gốc, 11 hiện vật phục chế. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân, dân Bắc Sơn nói riêng và quân, dân Việt Nam nói chung. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Cục di sản văn hoá

Lạng Sơn 193 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Ải Chi Lăng

Chi Lăng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông ta trong suốt lịch sử dựng nước, giữ nước. Chi Lăng là ải hiểm trở nhất trên đường cái quan từ Nam Quan về Thăng Long. Ải Chi Lăng là một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, hai đầu nam bắc thu hẹp, gần như khép kín. Chiều dài ải Chi Lăng khoảng 4km, chỗ rộng nhất hơn 1km. Trong nhiều năm trước đây, các tài liệu về di tích Chi Lăng đều ghi nhận có 52 điểm di tích (trong đó bao gồm cả các di tích, dấu tích, địa danh tên gọi hiện còn và các câu chuyện truyền miệng còn lưu lại trong dân gian). Tuy nhiên theo kết quả kiểm kê di tích do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn thực hiện năm 2018, hiện chỉ còn 46 điểm di tích, địa điểm, địa danh còn được ghi nhận, 6 điểm còn lại đã hoàn toàn mất dấu tích. Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một thung lũng hẹp, kẹp giữa hai dãy núi Bảo Đài và Cai Kinh, là nơi thể hiện tài thao lược, nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn, góp phần quyết định trong thắng lợi của cuộc kháng chiếng chống Minh. Thời tiền sử Chi Lăng đã là quê hương của các nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng như: Bắc Sơn, Mai Pha với hệ thống di tích tiêu biểu như Hang Lạng Nắc, Hang Ngườm Sâu, Hang Nà Ngụm… nơi lưu giữ, phát hiện những di vật, mảnh tước, rìu đá, mảnh gốm… minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ có giá trị về nghiên cứu khoa học. Chi Lăng ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc với tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta với 2 lần chống Tống (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (năm 1285 và 1287), cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh (năm 1788 – 1789), đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh những năm 1882 – 1888, nữ du kích Quang Lang bắn rơi máy bay Mỹ). Trong lịch sử, đây là nơi liên tục diễn ra các trận đánh mang tính chiến lược trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng Chi Lăng năm 1427 quân và dân ta đã lập nên một chiến công vang dội tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần kết thúc trường kỳ cuộc kháng chiến, lật nhào ách đô hộ của Nhà Minh dành lại trọn vẹn non sông, đất nước. Chiến thắng Chi Lăng đã đi vào Lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi, cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Như Nguyệt, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Chiến thắng Chi Lăng là khúc ca hùng tráng về chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của dân tộc ta. Với những giá trị lịch sử quan trọng đó ngày 28/4/1962 Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia; Chi Lăng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2019, Khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Nguồn: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn

Lạng Sơn 197 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Thành Cổ Lạng Sơn

Thành cổ Lạng Sơn hay còn gọi là Đoàn Thành nằm trên địa bàn phường Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn. Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử, Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng từ rất lâu đời. Trong các tài liệu của Trung Quốc viết về thời nhà Tống, nhà Minh có ghi chép. Khi đó, Trương Phụ (một vị tướng thời nhà Minh – Trung Quốc) sau khi đánh chiếm nước ta và đặt ách đô hộ đã tiến hành củng cố tổ chức bộ máy chính trị ở địa hạt. Tương truyền rằng trong thời gian này y đã cho đắp thành Khâu Ôn. Về việc xây dựng Đoàn Thành còn có truyền thuyết khác cho rằng Thành là do hai ông Tiên xuống giúp xây dựng, có lẽ vì vậy Thành cổ còn có tên gọi khác là “Thành Tiên xây”. Theo Đại Nam nhất thống chí: “... Năm Hồng Đức thứ 26, nhà Lê (1495) thành đã được tu bổ lại…”. Căn cứ vào một số tư liệu đã nêu trên, có thể dự đoán rằng Thành cổ Lạng Sơn được xây dựng vào thời nhà Lý hoặc nhà Trần vào khoảng thế kỷ XII, XIII. Thành được xây dựng trên địa thế đất rộng và bằng phẳng, bao quát một không gian rộng lớn của thành phố Lạng Sơn (trước đây gọi là Thành Lạng). Xung quanh thành có núi bao bọc và có sông Kỳ Cùng chảy qua, các núi đó còn gọi là núi Hồi Đoàn (phía Bắc), phía Nam có núi Công Mẫu. Kiến trúc của Đoàn Thành cũng giống như bao thành cổ khác là có tường cao, hào sâu… (hào ở đây chính là dòng sông Kỳ Cùng uốn mình lượn quanh). Xung quanh là các đồn ải được bố trí ở các xã, các châu xa gần, tất cả có 19 đồn, 3 điếm và 26 cửa ải. Tường thành được xây bằng “gạch vồ”, là một loại gạch cổ có kích thước lớn, tường cao 4m dựng đứng rất khó xâm nhập tấn công từ ngoài vào, tuy vậy nhưng có thời "... Đoàn Thành đã ba lần bị thất thủ, dân bảy châu bị hãm vào cảnh lầm than. Tường thành phía Tây và phía Nam bên trong được đắp đất cao lên đến mặt thành, ở chân thành được đắp đất rộng 10m , trên mặt thành đắp đất rộng 3m, rất thuận lợi cho số đông binh lính cùng tham gia chiến đấu. Chiều cao tường đất bên trong bằng chiều cao tường xây phía ngoài tạo thành một hình thang vuông vững chãi, có đường huyền thoải dốc rất thuận tiện cho việc triển khai binh lính lên mặt thành, ở góc Tây Nam nơi giao nhau của tường thành phía Tây và phía Nam có một ngọn núi đất nhỏ tên là Tổ Sơn. Tường thành phía Đông và phía Bắc bên trong không đắp đất nhưng trên mặt tường thành lại trổ các lỗ châu mai; Trên đỉnh tường thành gạch được xây chìa ra hai bên, mỗi bên 0,1m để tạo thành mái bảo vệ tường thành bền vững. Thành cổ hiện còn lại hai cổng (một cổng ở phía Tây và một cổng ở phía Nam), cổng thành được thiết kế xây dựng theo kiểu kiến trúc Van Ban (Vô Băng) của Pháp. Đoàn Thành không chỉ nằm trên địa thế hiểm trở, nơi đây còn được xem là mảnh đất linh thiêng. Theo truyền thuyết dân gian thì đây còn là nơi hội ngộ của công chúa Liễu Hạnh (Thánh Mẫu) và Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan. Thành cổ là một trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của Lạng Sơn trong thời kỳ phong kiến. Bên cạnh đó Thành cổ còn thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng trong vấn đề bang giao với các triều đại phong kiến phương Bắc. Đây là nơi qua lại cửa ngõ biên giới, nơi giao bang giữa hai quốc gia Đại Việt - Trung Hoa. Thành cổ có 4 cổng chính ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và tương ứng với 4 cổng này là 4 ngôi Đền thiêng được gọi là: Đông Môn từ , Tây Môn từ, Nam Môn từ, Bắc Môn từ (nay gọi là: Đền Cửa Đông, Đền Cửa Tây, Đền Cửa Nam, Đền Cửa Bắc) đó là bốn vị thần trấn yểm bốn phía của Đoàn Thành. Các nhà khoa học đã công nhận đây là Tứ trấn thành cổ Lạng Sơn linh thiêng độc đáo. Với tất cả ý nghĩa và tầm quan trọng nói trên, di tích Thành cổ Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1999. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Bảo Tàng Tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn 169 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Thành Nhà Mạc

Thành nhà Mạc Lạng Sơn có địa chỉ tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn - đây là di tích lịch sử còn sót lại với nét hoang sơ, cổ kính phản ánh kiến trúc quân sự thời phong kiến. Nằm ở vị thế khá quan trọng với thế dựa lưng vào 3 ngọn núi Tô Thị, Lô Cốt, Mạc Kính Cung cao tới hàng chục mét. Từng bức tường thành được xây kiên cố, lên cao vây kín một khoảng đất trống bằng phẳng hàng nghìn m2. Thành Nhà Mạc Lạng Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo nhằm phục vụ khách du lịch và người dân quanh vùng tham quan, vãn cảnh. Dấu tích của thành Nhà Mạc Lạng Sơn hiện nay còn lại gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, từ chân núi dẫn lên cổng thành hơn 100 bậc tam cấp được xây dựng để tạo thuận lợi cho du khách lên tham quan. Vào tới trong thành là một khu đất trống rộng hàng trăm m2; bao xung quanh ngoài những đoạn tường thành có 3 đỉnh núi cao hàng chục mét. Để du khách lên các đỉnh núi thăm quan, ngắm cảnh là hàng trăm bậc thang được xây dựng uốn lượn, do vậy đây là một địa điểm lý tưởng để cho du khách và người dân tham quan, vãn cảnh. Vào những ngày lễ, tết, ngày nghỉ lượng du khách về đây tham quan tương đối đông, một phần do vị trí của di tích thuận tiện nằm trong quần thể Di tích núi Tô Thị, Động Tam Thanh, Nhị Thanh, một phần vì sự độc đáo của danh thắng này nên không chỉ du khách phương xa mà các bạn trẻ trong vùng và người dân sinh sống xung quanh danh thắng cũng chọn nơi đây là điểm dã ngoại, tập thể dục để được thưởng thức không khí trong lành. Nguồn: Cục du lịch Quốc Gia Việt Nam

Lạng Sơn 184 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật