Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Đồng Tháp

Triều Âm Tự (ông đạo ngoạn)

Triều Âm Tự (Chùa ông Chín) tọa lạc tại ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Là ngôi chùa theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên. Chùa được ông Đặng Văn Ngoạn (tục gọi là ông Đạo Ngoạn) sáng lập lần đầu tiên vào năm Giáp Dần (1854) dưới triều vua Tự Đức năm thứ 7 tại vàm rạch Trà Bông, thôn Nhị Mỹ, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ông Đạo Ngoạn là vị đại đệ tử trong “thập nhị hiền thủ” của Phật Thầy Tây An. Ông sanh năm Canh Thìn (năm Minh Mạng nguyên niên 1820) trong một gia đình nhơn đức tại thôn Nhị Mỹ, gần rạch Trà Bông. Năm Ông ngoài 20 tuổi, sau khi đã cần mẫn khẩn đất lập được một khoảnh ruộng vườn để gia đình có sanh kế, Ông xin mẹ cho mình được thong thả tìm chốn thanh vắng để tu tâm dưỡng tánh. Được thân mẫu thuận lòng, Ông chọn một khoảnh đất ở rạch Ông Bường cất am tranh để tịnh tu. Ông Đạo Ngoạn theo học đạo với Phật và truyền bá đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật, hướng dẫn dân chúng lập trại ruộng, khai hoang phục hóa vùng ven Đồng Tháp Mười và chữa bệnh cho dân chúng. Ông hướng tín đồ niệm Phật tu nhơn, khai phá được hơn 500 công đất. Sau đó không lâu, chùa bị phát hỏa cháy sạch, kế đến là việc mấy tỉnh Nam Kỳ bị giặc Pháp đánh chiếm. Trong cơn binh biến, Ông Đạo Ngoạn cùng với tín đồ phải bỏ chùa tìm phương lánh nạn. Năm 1867, ông Ngoạn trở về lại Trà Bông quy tập bổn đạo dựng lại chùa xưa, tiếp tục bốc thuốc chữa bệnh cho dân và quy tụ được rất đông tín đồ rao giảng giáo lý Tứ Ân, trong đó ân nước được đặt ra trước tình cảnh đất nước đang bị nạn ngoại xâm. Chùa Trà Bông trở thành nơi các thân hào yêu nước quy tập để bàn chuyện chống giặc. Ngày 19 tháng 2 âm lịch năm Canh Dần (1890) ông Đạo Ngoạn qua đời, thọ 70 tuổi, tín đồ thương tiếc tựu nhau chôn cất ông theo đúng giáo lý của Đức Phật. Sau khi ông Đạo Ngoạn qua đời, chùa tiếp tục được Nguyễn Thị Huê (Là người vợ thứ 3 của ông) và bổn đạo coi sóc. Ông Đặng Công Hứa (Chín Hứa con trai của Ông) cũng được ông Ngoạn và bà Huê truyền dạy giáo pháp và phương cách chữa bệnh nên chùa Trà Bông vẫn quy tụ được đông đảo tín đồ. Đến khi ông Chín Hứa thay thế trụ trì ngôi chùa ông đặt tên mới cho chùa là Triều Âm Tự. Ngoài tên gọi Triều Âm tự ít người biết, dân gian vẫn quen gọi đây là “Chùa Ông Chín” bởi đức độ và tài năng của ông Chín cũng không kém ông Đạo Ngoạn. Trong kháng chiến chống Mỹ Năm 1965 – 1966, tại chùa một căn hầm bí mật được xây dựng để nuôi chứa những cán bộ của tỉnh và huyện. Mỗi khi có đợt càn quét của địch, khi chúng rút khỏi, chùa đánh 3 tiếng mỏ lớn để làm ám hiệu cho cán bộ trú ẩn trong hầm. Hầm bí mật này được sử dụng rất hiệu quả cho đến ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975. Từ năm 1973 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thị xã Ủy Cao Lãnh về ở rạch Trà Bông gần chùa, những người tu hành trong chùa vừa làm giao liên xã Nhị Mỹ và bảo vệ cán bộ xã. Triều Âm Tự (Chùa Ông Chín) là nơi ghi lại dấu tích các sự kiện cách mạng, nơi phụng cúng Sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh và Đại Càn Quốc gia Nam Hải cùng với hộp đựng 6 lá sắc của đình Nhị Mỹ được hậu duệ của ông Chín gìn giữ và duy trì hương khói dù đã trải qua bao biến cố lịch sử. Chùa còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đức tánh từ bi, rao giảng và khuyến khích nhân dân cùng bổn đạo thực hiện theo giáo lý “Tứ Ân”.Ngày 23/12/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xếp hạng Triều Âm Tự là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp

Đồng Tháp 762 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Bửu Hưng

Chùa Bửu Hưng tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Bửu Hưng cổ tự đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 3/8/2007. Vì ngôi chùa nằm bên cạnh rạch ông Cả Cát nên người dân quen gọi đây là chùa Cả Cát hàng trăm năm nay. Theo lịch sử ghi chép tại chùa thì Bửu Hưng tự được thiền sư Nguyễn Đăng từ kinh thành Huế vào đây dựng chùa vào giữa thế kỷ 18, khoảng những năm 1777 – 1780 với vật liệu tạm bợ là tre trúc, vách đắp bùn, lợp lá dừa nước. Năm 1803, ngôi chùa được vua Gia Long phong là Sắc tứ Bửu Hương tự. Tương truyền, có lần bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) đã phải chạy vào chùa trú ẩn. Nhớ ơn, nên sau khi lên ngôi, chúa Nguyễn đã ban biển sắc tứ cho chùa, đồng thời phong cho sư Tiên Thiện Từ Lâm là Từ Dung hòa thượng. Trong chùa có tấm biển ghi “Sắc tứ Bửu Hưng Tự Gia Long nhị niên”. Sau đó, nhà sư đã cho xây dựng ngôi chùa đơn sơ thành một ngôi đại tự kiên cố bằng cây gỗ quý. Năm 1821, dưới đời Vua Minh Mạng, tổ Minh Tịnh Bửu Thành và Minh Phước Tư Trung cho xây dựng chùa quy mô hơn và được triều đình cúng tượng phật Di Đà bằng gỗ cao 1,8m và các pháp khí để thờ. Năm 1910, đến đời tổ Như Lý hiệu Thiên Trường (1887 – 1969) chùa lại được trùng tu lớn. Trong những năm 1909 – 1911, sư đã cho sửa sang chánh điện, chạm trổ thêm bao lam thần vọng, biển thờ, hoành phi, câu đối… Đồng thời, nhà sư cũng cho chỉnh sửa lại khu mộ tháp và trồng thêm cây cảnh nên ngôi chùa càng thêm đẹp đẽ và uy nghiêm. Tháng 9 năm 1946 chùa bị máy bay ném bom trúng ngay nhà tổ làm thiệt mạng sư trụ trì Chánh Viên và 4 phật tử. Hưởng ứng công cuộc kháng Pháp nhà chùa đã hiến một đại hồng chung cho cách mạng để chế tạo vũ khí đánh Pháp. Sau đó hoà thượng Chơn Hoà (1950 – 1966) về trụ trì cho xây dựng lại nhà tổ như cũ, chùa dần dần hưng thịnh lại như trước. Năm 2002 chùa được tu sửa lại, mái lợp ngói lưu ly, nền lát gạch men. Các cột kèo phù điêu, các bức chạm tứ quý còn nguyên gốc rất đặc sắc khéo léo. Về kiến trúc xây dựng, Chùa Bửu Hưng hiện tọa lạc trên diện tích khoảng 4.000 mét vuông, thiết kế theo kiểu chữ tam có chiều ngang 15 mét, dài 50 mét bao gồm: Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ. Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau. Chánh điện gồm ba gian hai chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, Thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và công đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm 1821. Phía sau chánh điện chùa là một sân lộ thiên (sân thiên tỉnh) hình chữ khẩu, có hành lang hai bên (Đông lang, Tây lang) nối với nhà Hậu Tổ. Trong vườn trúc cạnh chùa là khu tháp cổ. Đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư đã từng tu tập tại chùa. Ngoài nét kiến trúc cổ kính, điểm đặc biệt của chùa Bửu Hưng chính là phần lớn các tượng Phật trong chùa đều được làm bằng nhiều loại gỗ quý có niên đại hàng trăm năm tuổi. Trong đó đáng chú ý là tượng Phật A Di Đà được làm bằng gỗ do triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821) được đặt giữa chánh điện. Hiện chùa vẫn còn hơn 100 cây cột gỗ to và quý, ba bộ cửa gỗ lớn (mỗi cửa 4 cánh) có chạm hình rồng và hoa lá rất mỹ thuật. Ba bộ cửa này được làm ở đầu thế kỷ 20 và được dựng ở vách sau Chánh điện vào những năm 1909 – 1911. Nguồn: Du Lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 1010 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Định Yên

Đình Định Yên được xây dựng vào năm Canh Tuất 1909, tọa lạc tại ấp An Lợi A xã Định Yên, huyện Lấp Vò – Đồng Tháp. Truyền thuyết địa phương kể rằng: xưa có ông Phạm Văn An là người đầu tiên chọn nơi đây khai hoang, lập ấp định cư lạc nghiệp. Để ghi ơn những người đi trước, người dân nơi đây lấy tên ông ghép với chữ Định đặt chi tên làng gọi là Định Yên (vì kiêng gọi tên An), tên Đình Định Yên do đó mà có. Đình được kiến trúc theo kiểu nội CÔNG ngoại QUỐC, tường xây, cột gỗ, lợp ngói đại ống, các kỳ, kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng lân khéo và đẹp. Các câu đối, liễn bao lam được cẩn ốc xà cừ, chạm cá hóa long, lưỡng long tranh châu, sen, mẫu đơn… sơn son thếp vàng. Các bức tranh sơn thủy, bích họa đường nét sắc sảo, nội dung ca ngợi đất nước con người văn, võ, trí, đức. Trước sân đình nền tráng xi măng rộng rãi với những bồn hoa hương thơm bát ngát, hàng cổ thụ dương, dầu, sao cao vút vi vu trong gió gợi nên cảnh cũ người xưa còn đâu đây. Trong ngoài thật khéo sắp đặt hài hòa, cân đối tạo cho công trình kiến trúc thật nguy nga lộng lẫy. Tại bái đình (chánh điện) trên bục cao thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Hai bên trần thiết trang nghiêm với long, lân, quy, phụng, chim hạc, ngai thần, lổ bộ, lư hương, tàn, lọng… Hai bên thờ thần được bố trí thờ tả, hữu ban là các vị tiền hiền của đình. Hàng năm vào những ngày 16 – 17 tháng 4 và 15 – 16 tháng 11 âm lịch, lễ cúng đình diễn ra thật long trọng với đầy đủ nghi thức như: đội kỵ mã, đội lân, lính hầu, học trò lễ, trống, chiêng, nhạc lễ… Đến đình Định Yên với lòng tôn kính nhớ đến công đức người xưa đối với đất nước quê hương mới hiểu được chữ “Thần”. Đó chính là anh linh của tiền nhân như còn quyện trong hương khói luôn chở che bao người và tồn tại vĩnh hằng trong lòng Nhân dân. Nguồn: Du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 1106 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Tân Phú Trung

Đình Tân Phú Trung tọa lạc nằm trên một khoảnh đất rộng, giữa một vùng quê trù phú thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, là một trong những ngôi đình cổ ở Đồng Tháp rất đáng để du khách ghé thăm. Đình Tân Phú Trung thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, được vua Tự Đức ban Sắc phong 1854. Đình làng Tân Phú Trung được trùng tu lớn vào các năm 1952, 1957… Đến nay đình Tân Phú Trung là một trong những ngôi đình có kiến trúc khá tiêu biểu cho đình làng Nam bộ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. Từ cổng nhìn vào ta nhận ra những công trình chính: cổng đình, sân đình, đình chính và nhà Hương hội. Cổng chính ngay trước đình chính, ngang 3m, cao 3,5m. Trụ cổng bằng gạch vững chãi, trên gắn tượng lân bằng sành. Thanh ngang cổng đình đắp nổi: Đình Tân Phú Trung. Sân đình rộng, lát gạch tàu, giữa là cột cờ cao 8m. Dưới chân cột cờ là Đàn xã tắc. Trước Đàn xã tắc là Bình phong, phía trước là tranh vẽ cảnh đôi rồng vờn uốn lượn trong mây, phía sau là hổ xuống núi (hạ sơn lâm). Cân đối trong sân đình, bên phải là miếu Sơn thần (thần hổ), đối xứng là miếu Ngũ hành (Ngũ nương). Chỉ trong sân đình đã chứa đựng biết bao biểu tượng đời sống văn hóa tâm linh, tư duy của cư dân nông nghiệp Đình chính gồm ba khối nhà theo kiểu sắp đọi, mỗi nhà có bốn cột chính, cũng là tứ trụ, theo đó mà đâm lòng trính và vì kèo ra bốn phía kêu là tứ tượng, trên mỗi vì kèo còn đâm kèo quyết, trên đó là dàn rui mè… tạo nên mái đình vững chãi. Đình chính có ba nóc, kiểu thượng lầu hạ hiên, trùng thềm điệp ốc. Mái đình lợp ngói âm dương, trên cùng trang trí công phu những lưỡng long tranh châu, cá hóa long, lân vờn mẫu tử, bát tiên, chim phượng ngậm cuốn thư… Trong đình, nhiều mảng chạm khắc các hoành phi, bao lam, câu đối với các đề tài khá phổ biến như: Long, Lân, Quy, Phụng, xuân – hạ – thu – đông, hoa lá cách điệu. Đặc biệt đình có 3 tượng quan Thánh – Đế – Quân làm bằng gỗ trầm quí hiếm hiện còn lưu giữ. Đình Tân Phú Trung không chỉ là công trình kiến trúc lâu đời của nhân dân địa phương mà còn là nơi lưu giữ những hoạt động văn hóa tín ngưỡng cộng đồng tiêu biểu, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa. Ngày 15 tháng 8 năm 2012, Đình Tân Phú Trung đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, lễ hội đình làng Tân Phú Trung diễn ra vào những ngày 16 – 17 tháng tư âm lịch (năm chẵn) và 12 – 13 tháng 5 âm lịch (năm lẻ) thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch Đồng Tháp đến tham quan, chiêm bái, cầu cho quốc thái dân an, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi việc làm ăn thuận lợi, làng xóm ấm no sung túc… Nguồn: Du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 1202 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Tượng đài sự kiện Tập kết năm 1954

Ngày 29/10/1954, tại Bến bắc Cao Lãnh, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra – Cuộc đưa tiễn hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đây là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa vô cùng to lớn: đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, xây dựng miền Bắc Xã hội chủ nghĩa làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 66 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh vẫn còn vẹn nguyên giá trị, tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương đất nước. Bến bắc Cao Lãnh là nơi đưa tiễn cán bộ, chiến sĩ, học sinh các tỉnh: Mỹ, Tân, Gò, Long Châu Sa, Gia, Định, Ninh, Phân Liên khu miền Đông và quân tình nguyện rời quê hương xuống tàu tập kết ra Bắc. Cuộc tập kết chuyển quân ra Bắc tại Cao Lãnh diễn ra trong 3 đợt (tháng 8 đến tháng 10 năm 1954) với tổng số 13.508 người (trong đó tỉnh Long Châu Sa nay là Đồng Tháp là 2.655 người). Những ngày tập kết ở Cao Lãnh, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ rất đỗi thân thương và gần gũi. Thể hiện tình cảm quân dân gắn bó nhau như cá với nước. Đồng bào đón bộ đội và thân nhân các gia đình như người thân trong gia đình, cùng ăn, cùng ở, cùng chung sức . Với ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của sự kiện chuyển quân tập kết ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tỉnh Đồng Tháp được sự hỗ trợ kinh phí của các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh đã tổ chức xây dựng Tượng đài kỷ niệm sự kiện lịch sử này với diện tích trên 12.000m2, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (Khóm 6, Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tổng thể mặt bằng khuôn viên Tượng đài mang dáng dấp như một đóa sen đang nở bên dòng sông Tiền hiền hòa, thơ mộng. Nằm ở trung tâm là tượng hai nhân vật Người mẹ miền Nam và Anh bộ đội. Hình tượng mẹ tiễn con đi tập kết – người mẹ choàng lên vai đứa con thân yêu của mình chiếc khăn rằn, sản phẩm đặc trưng vùng Nam bộ, hàm ý gửi gắm tình cảm thiêng liêng của miền Nam đến Bác Hồ, đến miền Bắc ruột thịt, và cũng hàm ý những người ra đi không quên nguồn cội để có ngày quay về đoàn tụ, Ra đi để trở về. Và họ thật sự đã trở về sau “21 năm nối lại đôi bờ”khi đất nước hoàn toàn thống nhất bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng Mùa xuân năm 1975. Hai bên Tượng đài là hai mảng phù điêu được thể hiện cả hai mặt trước và sau. Tổng thể phù điêu mang dáng dấp hình ảnh chiếc tàu sắt tiễn đưa người đi tập kết, đồng thời cũng là hình ảnh của những lá sen trong một đầm sen – đặc trưng của vùng quê Đồng Tháp. Mảng phù điêu bên phải Tượng đài: Khắc họa những hoạt động thắm đượm tình quân dân trong những ngày tập kết tại Cao Lãnh. Mảng phù điêu bên trái Tượng đài: Khắc họa quan cảnh buổi tiễn đưa đoàn cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam lên tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Tượng đài sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 29/10/2019. Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 989 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Phước Kiển Tự (Chùa Lá Sen)

Chùa Phước Kiển nằm ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, được thành lập trước thời vua Thiệu Trị. Chùa được bộ văn hoá thể thao và du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá. Theo sư trụ trì Thích Huệ Từ thì trước đây ngôi chùa rất lớn, uy nghiêm, sở hữu không gian khoáng đãng, thanh tịnh, mát mẻ. Chùa Phước Kiển Tự còn từng là cơ sở hoạt động, nuôi dấu cán bộ cách mạng. Tuy nhiên không may là vào năm 1966, bom đạn chiến tranh đã làm sập hoàn toàn ngôi chùa. Sau năm 1975, chùa được xây lại với kiến trúc đơn giản không cầu kỳ bao gồm: cổng vào, tháp thờ Phật Quan Âm và chính điện. Những hố bom được các sư thầy trong chùa dùng làm hồ sen. Trong ao sen có một loài sen kỳ lạ và hiếm thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước Đông Nam Á. Ao sen ở chùa Phước Kiển có hình vuông tượng trưng cho đất, lá sen có hình tròn tượng trưng cho trời. Lá sen khổng lồ, to như những cái nia, vành cong gần cả tấc tay, rất đẹp mắt. Được biết, loài sen này xuất hiện trong ao của nhà chùa từ năm 1992 và tồn tại cho đến bây giờ. Không ai biết tên gọi chính xác của chúng nên người ta thường gọi bằng nhiều tên khác nhau. Có người gọi là sen vua, có khi gọi là súng nia, cây nong tầm,…chính vì có loài sen lạ nên người dân thường gọi chùa bằng cái tên dân dã “Chùa Sen Vua” hay “Chùa Lá Sen”… Lá sen vua đặc biệt ở một điểm là có thể co rút theo mùa. Vào mùa khô lá chỉ tầm khoảng 1 mét nhưng vào mùa nước nổi lá to với đường kính từ 3 đến 4 mét. Phần mép lá cao hơn mặt nước khoảng từ 3 đến 5cm, hình dáng của chúng tựa như chiếc nón quai của những cô gái làng quan họ. Vào mùa con nước nhảy bờ, lá sen to có thể dễ dàng chứa được một người trọng lượng 70 – 80 cân mà chỉ làm chao nhẹ mặt nước. Còn vào mùa khô, lá sen chỉ to khoảng 1 – 1,5m. Mặt trên của lá nhẵn bóng màu xanh nhạt, còn mặt dưới nhiều gai và có nhiều gân lớn, được chia nhỏ thành các ô vuông có màu đỏ nhạt khi còn non và thẫm dần khi lá già. Hoa sen nở trong 3 ngày và mỗi ngày nở 2 lần, chuyển màu liên tục. Hoa nở lần đầu vào khoảng 6 giờ tối, tỏa hương thơm ngát đến 12 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 3 giờ hoa lại nở, đến khoảng 4 – 5 giờ chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm. Chùa Phước Kiển còn gắn liền với câu chuyện về rùa thần và hạc thần. Năm 1948 có người mang đến tặng chùa một con rùa. Con rùa này suốt ngày cứ quanh quẩn bên sư thầy, hằng ngày chỉ ăn chay và nghe tụng kinh niệm phật. Đến năm 1966, chiến tranh tàn phá khiến cho chùa tan hoang, rùa bị bắt mất nhưng sau đó người trộm rùa tự mang rùa đến chùa nhận tội. Đến năm 1999, trong chùa xuất hiện một con hạc và nó rất hay đậu trên lưng rùa nhưng sau đó, có ý kiến bắt chim hạc về khu bảo tồn. Từ đó về sau, người ta không thấy chim hạc xuất hiện nữa, chim hạc bay đi, rùa cũng qua đời. Sư trụ trì ướp xác rùa và đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa. Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp

Đồng Tháp 1108 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Kiến An Cung (Chùa Ông Quách)

Kiến An Cung, tục gọi là chùa ông Quách, là một ngôi đền tọa lạc tại trung tâm thành phố Sa Đéc ( số 39 Đường Phan Bội Châu, Phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), đối diện với con rạch Cái Sơn. Đền được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa đến từ Phúc Kiến. Chùa mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc, với tổng thể là hình chữ Công gồm ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chính điện thì rộng hơn. Mái ngói gồm 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói. Ngói được lợp theo gợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo kiểu “ngũ hành". Mỗi đầu ngọn sóng là một cung điện thu nhỏ, bao gồm có 6 cung điện. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn. Trên những bức tường của chùa là những hình ảnh trong Tây du ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa,... Phía cổng vào là hai con Kì Lân bằng đá xanh rất lớn, phía trên là tấm hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tại chính giữa chánh điện là gian thờ đức Quảng trạch Tôn Vương, tượng ông được đúc bằng đồng đỏ với gương mặt phúc hậu, tay cầm đai ngọc, bên cạnh là hai vị thần khác. Phía tay phải của ông là nơi thờ đức Thanh Thủy Tổ Sư, bên trái là Bảo Sanh Đại Đế. Còn hai gian ngoài tức Đông Lang và Tây Lang là nơi thờ một số vị thần khác như Quan Thánh Đế Quân...Phía trên các khánh thờ có một hoành phi đề bốn chữ Hán "Phú bảo an đông". Hai bên cột có đôi liễn: Đông thôn chúc thánh đức thành cung hách trạc thạnh trùng tu Phú Mĩ tạ thần án, khánh hạ nguy nga hưng miếu tự Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu ba lần nhưng vẫn nằm tại vị trí cũ. Mỗi năm chùa có hai lễ hội lớn vào ngày 22 tháng 2 Âm lịch và 22 tháng 8 Âm lịch đón tiếp nhiều khách thập phương. Với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa, với một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27-4-1990. Nguồn: Du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 1237 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa (Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc. Ngôi nhà được xây dựng kết hợp độc đáo giữa hai lối kiến trúc Đông - Tây, đặc biệt ngôi Nhà cổ này còn nổi tiếng bởi liên quan với một cuộc tình không biên giới của nữ văn sĩ người Pháp tên Marguerite Duras và chàng công tử người Việt gốc Hoa tên Huỳnh Thủy Lê, con của ông Huỳnh Cẩm Thuận - chủ ngôi nhà. Năm 1929, Marguerite Duras và Thiếu gia Huỳnh Thủy Lê gặp gỡ và đã yêu ngay từ lần gặp đầu tiên. Tuy nhiên sau 18 tháng yêu nhau, vì sự phản đối kịch liệt của ông Huỳnh Cẩm Thuận mà mối tình này phải kết thúc và Marguerite Duras phải quyết định buông bỏ trở về Pháp. Sau này Huỳnh Thủy Lê phải thuận theo gia tộc để kết duyên với một cô gái gốc Hoa. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếng Người tình (The Lover) năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud chuyển thể thành phim L’Amant năm 1992. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 258 mét vuông có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong nhà cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30-40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp. Nhà có ba gian, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chạm khắc rất giống như chùa người Hoa, khung bao lơn chính giữa có chạm đôi Loan Phụng thể hiện “Loan Phụng hòa minh sắc cầm thỏa hiệp” có ý nghĩa là hạnh phúc trường tồn. Các khung bao hai bên chạm trổ chim muông hoa lá thể hiện sự sung túc của gia đình. Đặc biệt, giữa gian nhà chính có thờ Quan Công, một tín ngưỡng truyền thống của người Hoa; đồng thời cũng thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống. Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu, tinh xảo. Năm 2008, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh và 2009 được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Du Lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 1119 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu Di Tích Xẻo Quýt

Khu di tích Xẻo Quýt nằm trên địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có tổng diện tích là 70 héc-ta. Từ năm 1960 đến năm 1975 Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) đã chọn nơi đây làm căn cứ để lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xưa kia, nơi đây là vùng đất hoang vu, sình lầy, đầy cỏ dại và là vùng nước ngọt nhiễm phèn, lắm muỗi, nhiều đỉa. Việc ăn ở, hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy chủ yếu dựa vào sự đùm bọc, che chở của nhân dân quanh vùng và phải đào mương lên liếp để ngăn xe tăng giặc, xây dựng công sự và trồng cây gây rừng để trú ẩn và hoạt động. Quanh căn cứ này, với bán kính 6 km là hệ thống gần như khép kín của hơn 10 đồn bốt địch. Trong đó, có hai đồn cách khu căn cứ khoảng 1 km. Trong suốt cuộc chiến tranh nơi đây là vùng tự do túc xạ, tự do bắn phá, là “trường bắn” và là “bãi tập trực thăng” của địch. Nhiều lần máy bay B52, xe lội nước M113, thuyền bay, pháo binh kết hợp với bộ binh địch liên tục dội bom, càn quét, bắn phá vào vùng căn cứ, hòng tiêu diệt mọi sự sống trên mảnh đất này. Vì vậy, Xẻo Quýt trở thành một vùng chiến sự rất ác liệt. Có những lúc Tỉnh ủy phải đối mặt giữa cái sống và cái chết trong gang tấc. Để hoạt động và tồn tại cho đến ngày toàn thắng, một mặt, Tỉnh ủy đã thể hiện tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khó để bám đất, bám dân “một tấc không đi, một ly không dời”, phải có kiểu ở thích hợp để sống được và sống tốt trong vùng đồng bằng, đồng đưng, mùa nước (phải đi lại và làm việc trên xuồng)… Mặt khác, Tỉnh ủy tồn tại được là do một nghĩa cử rất cao đẹp: “Xẻo Quýt nằm ngay trong lòng quần chúng nhân dân”. Đây là yếu tố mang tính quyết định cho sự tồn tại và an toàn của căn cứ. Vì vậy, ngày nay Xẻo Quýt được gọi là “CĂN CỨ LÒNG DÂN”. Xẻo Quýt được chia làm 2 khu vực: Khu vực 1 khoảng 50ha, khu vực 2 khoảng 20ha. Khu vực 1 là khu bảo tồn nguyên trạng các giá trị lịch sử, văn hóa của khu căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến và sự đa dạng về sinh thái tự nhiên …. Khu vực 2 là khu phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch và dã ngoại như: Nhà hàng, Hội trường, Khu ẩm thực ngoài trời, câu cá giải trí, các trò chơi trải nghiệm vùng sông nước…. Hội trường Tỉnh ủy-nơi diễn ra nhiều hội nghị lớn, đề ra các chủ trương, nghị quyết quan trọng để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh; nhà làm việc của đơn vị văn thư; công sự chiến đấu, công sự tránh bom, hầm bí mật, bãi ngù-tử địa… Hiện Xẻo Quýt có 170 loài thực vật (với 158 loài hoang dại) và 12 loài cây thân gỗ, tuy không quý hiếm nhưng lại là giống cây thích nghi với điều kiện ngập nước. Hệ động vật có 200 loài hoang dã gồm 7 loài ếch nhái, 22 loài bò sát, 73 loài cá, 91 loài chim và 7 loài thú. Đặc biệt ở đây có 13 loài động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam: trăn mốc, rắn hổ trâu, rùa hộp, chim sả mỏ rộng và loài rái cá thường… Thảm tràm già và các quần thể đưng, lục bình là hai kiểu hiện nay hầu như không còn tìm thấy ở các vùng khác của Đồng Tháp Mười. Nhiều cây tràm với tuổi thọ hơn 30 năm vươn cao, cùng với hệ thống dây leo bám quanh, tạo thành những khối hình chóp nón khổng lồ. Với những dấu ấn lịch sử quan trọng đó, ngày 9 tháng 4 năm 1992, Xẻo Quýt đã được Bộ Văn Hóa-Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nguồn: Du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 953 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Khu di tích Gò Tháp

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp tọa lạc tại ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Gò Tháp được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. - Giá trị văn hóa khảo cổ học: Những ghi nhận sớm nhất về khảo cổ học ở Khu di tích Gò Tháp vào khoảng những năm 1881, do Đại úy Silvestre - một thanh tra người Pháp làm việc tại đây. Cho đến nay, qua các đợt nghiên cứu, khảo sát, thăm dò và khai quật, Khu di tích Gò Tháp được các nhà khảo cổ xác định là một tiểu quốc của vương quốc Phù Nam. Nơi đây lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di tích của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, với hơn 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác,… và nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: tượng thần Hindu giáo (trong đó có 2 tượng thần Vishnu được công nhận là Bảo vật Quốc gia), tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng gồm các lá vàng, khuyên tai vàng, nhẫn vàng, sợi dây chuyền vàng,… đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập hiện vật vàng Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam”. - Giá trị lịch sử: Khu di tích Gò Tháp có “trang sử vàng son” trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Nơi đây từng là “Đại bản doanh” của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược những năm 1862 – 1866. Sau năm 1945, Gò Tháp là “địa chỉ đỏ” của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây được Xứ uỷ và Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ chọn làm căn cứ kháng chiến trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1949. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 4 tháng 1 năm 1960 của quân và dân tỉnh Kiến Phong. - Giá trị về văn hóa tâm linh: Khu di tích Gò Tháp còn nổi bật qua những giá trị tâm linh với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo với các di tích như: Miếu thờ Bà Chúa Xứ, Miếu Hoàng Cô, Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đền thờ Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều và chùa Tháp Linh. Hằng năm có hai kỳ lễ hội truyền thống lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 âm lịch và Lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 âm lịch. Mỗi kỳ lễ hội ở Gò Tháp đã thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương về tham dự. Đầu năm 2018, Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm đã tổ chức lễ đặt đá khởi công xây dựng Thiền viện Trúc lâm Tháp Mười tại Khu di tích Gò Tháp với quy mô 10ha, với điểm nhấn là Đại Bảo tháp Định Quốc cao 99m. Khi hoàn thành, Thiền viện Trúc lâm Tháp Mười kết hợp với các di tích hiện có sẽ tạo nên sự phong phú, đa dạng để thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh tại Khu di tích Gò Tháp. - Giá trị về sinh thái: Khu di tích Gò Tháp còn có khu sinh thái rộng hơn 160ha đã được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường công nhận là Khu bảo tồn đa dạng sinh học vào năm 2015. Khu sinh thái ở Khu di tích Gò Tháp là nơi bảo lưu nhiều nét hoang sơ của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười với nhiều loài động - thực vật đặc hữu, nơi được xem là vương quốc của sen. Hoa sen Gò Tháp với vẻ đẹp thuần khiết của mình đã đi vào thơ ca, trở thành biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp, để mỗi khi nhắc tới Đồng Tháp, người ta nghĩ ngay đến hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:“Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt đó, Khu di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia năm 1989 và năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nguồn: Du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 959 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc số 137, đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi an nghỉ của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là một nhà nho yêu nước, và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Đến ngày 9/4/1992 Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh ra và lớn lên tại Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm Tân Sửu (1901), cụ đỗ Phó bảng vào năm 1906 nhậm chức “Thừa biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Trong thời gian làm quan, cụ luôn đứng về phía dân nghèo, trừng trị bọn cường hào ác bá và chỉ làm quan được một thời gian ngắn thì bị Triều đình nhà Nguyễn cách chức. Sau khi bị cách chức, ông vào miền Nam và sinh sống tại làng Hòa An thuộc tỉnh Đồng Tháp để dạy học, bốc thuốc chữa bệnh giúp đỡ người nghèo và sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời. Để tưởng nhớ công ơn của cụ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đã xây dựng khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc để mọi người trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm và thắp nén hương tưởng nhớ cụ. Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được kết cấu thành 4 khu vực: khu vực lăng mộ, đền thờ và nhà trưng bày cuộc đời sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn ao cá; không gian văn hóa mô hình làng Hòa An xưa và khu vực tổ chức hội trò chơi dân gian, giải trí. Khu di tích không những được xây dựng rất kỳ công mà còn mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc. Vòm mộ quay mặt về hướng Đông là một cánh hoa sen cách điệu có dáng hình bàn tay xòe úp xuống, phía trên là 9 con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và ôm ấp ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Ngôi mộ cụ Phó bảng được ốp đá hoa cương, nấm mộ màu xám tro yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi nằm bên trái mộ và cây sộp hơn 300 tuổi nằm bên phải mộ. Trước khu mộ là hồ sen hình ngôi sao 5 cánh, giữa hồ là đài sen trắng cách điệu sừng sững cao 6,5m tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Phó bảng. Khu nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ, nhất là thời gian cụ ở Cao Lãnh. Nơi đây tái hiện chân thực từng giai đoạn gắn liền cuộc đời cụ Phó bảng từ quê hương và gia đình; những năm tháng khổ luyện thành tài; chốn quan trường – từ quan vào Nam hoạt động; tình cảm của cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhân dân Hòa An và tình cảm của nhân dân Hòa An cùng cả nước đối với cụ… Hằng năm, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào ngày 28 tháng 10 âm lịch, có hơn 100 nghìn lượt khách tham quan và viếng thăm. Du khách đến từ khắp các tỉnh, thành, mang đến những sản vật từ dân dã đến quý lạ, dâng viếng, cúng trước anh linh cụ, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nguồn: Du lịch Đồng Tháp

Đồng Tháp 1015 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật