Điểm di tích

Đền Kim Đằng

Đền Kim Đằng nằm ở trung tâm thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xưa kia, nơi đây là trang Đằng Man, tổng An Tảo, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam thượng. Tương truyền, đền được xây dựng trên mảnh đất Đinh Điền chọn làm đại bản doanh với thế "Thanh Long, Bạch Hổ chầu về". Cuốn "Đại Nam nhất thống chí" có ghi: Tướng quân Đinh Điền quê ở Gia Phương - Gia Viễn - Ninh Bình, là con nuôi của Đinh Công Trứ (thân phụ Đinh Bộ Lĩnh). Từ thuở nhỏ ông đã làm bạn "cờ lau tập trận" của Đinh Bộ Lĩnh, lớn lên đã cùng Nguyễn Bặc, Lu Cơ, Trịnh Tú và Đinh Bộ Lĩnh kết nghĩa anh em. Khi đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, mấy anh em bằng hữu đã theo sứ quân Trần Lãm chiếm giữ vùng Bố Hải (nay thuộc Tiền Hải - Thái Bình). Khi đã trở thành Vạn Thắng Vương, Đinh Bộ Lĩnh giao cho Đinh Điền chỉ huy 10 đạo quân đi thu phục các sứ quân khác. Khi đến trang Đằng Man, thấy địa thế đẹp, ông liền cho dựng đại bản doanh và chọn 3 người họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn ở trang Đằng Man làm gia tướng và chọn người con gái họ Phan tên là Môi Nương làm vợ. Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư - Ninh Bình. Đến năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị kẻ phản tặc Đỗ Thích giết hại, Đinh Điền cùng các quan đại thần tôn Đinh Toàn (khi đó mới 6 tuổi) lên ngôi vua, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu. Khi quân Tống lăm le xâm lược biên giới phí Bắc, đất nước đứng trước họa ngoại xâm, quân sĩ tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, thay cho Đinh Toàn khi đó còn quá nhỏ. Không chấp nhận việc đó, quan Ngoại giáp Đinh Điền và Định quốc công Nguyễn Bặc đang trấn giữ Châu Ái cùng Phạm Hạp dấy binh, đưa quân từ Thanh Hóa ra đánh Hoa Lư nhưng không thành, Đinh Điền lui quân về trại Đằng Man. Ngày 17.11 (âm lịch) năm Kỷ Mão (979), Đinh Điền và phu nhân mất, nhân dân trại Đằng Man đã lập đền thờ trên nền doanh trại, 3 gia tướng của Đinh Diền cũng được phối thờ tại đây. Trải qua thời gian, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, Đền Kim Đằng còn giữ được nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Năm 1997, đền đã được Bộ Văn Hoá Thông Tin xếp hạng là di tích lịch sử. Đền có kiến trúc kiểu chữ đinh, bao gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Tòa tiền tế được làm kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái; các đao mái đắp nổi đầu rồng; trên đường bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật, 2 đầu kìm đắp "lưỡng ngư" (2 con cá chép); mái lợp bằng ngói vẩy rồng, phần cổ diêm đắp 4 chữ "Đinh Đại Linh Từ" bằng chữ Hán. Kết cấu các bộ vì kèo kiểu quá giang đơn giản, được nâng đỡ bằng hệ thống cột gỗ lim vững chắc. Nối tiếp với tiền tế là 3 gian hậu cung lợp ngói mũi. Kết cấu vì kèo kiểu con chồng, đấu sen, trên các con rường được trạm nổi hình hoa lá cách điệu. Gian trung tâm đặt tượng tướng quân Đinh Điền và phu nhân Phan Thị Môi Nương, được tạo tác trong tư thế ngồi tọa thiền... Ngoài ra trong di tích còn lưu giữ một số bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của thần. Hàng năm, lễ hội Đền Kim Đằng được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 11 âm lịch để tưởng nhớ tới ngày mất của tướng quân Đinh Điền và phu nhân. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài tổ chức rước kiệu còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, múa lân, hát nói, hát trống quân, múa rối nước... để góp phần dựng xây tình đoàn kết xóm thôn, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Nguồn: Báo Hưng Yên

Hưng Yên 261 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Mây

Đền Mây thuộc địa phận thôn Đằng Châu - phường Lam Sơn - Thị xã Hưng Yên - tỉnh Hưng Yên. Đền Mây thờ tướng quân Phạm Phòng Át tức Phạm Bạch Hổ, vị tướng tài ba của nước ta trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ (đầu thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XI). Theo “Đại Nam nhất thống chí”, Phạm Bạch Hổ sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910), thân phụ là Phạm Lệnh Công người lộ Nam Sách Giang (nay là Kim Thành- Hải Dương). Lệnh Công có tiệm buôn lớn ở Đằng Châu - Kim Động - Hưng Yên (nay là Xích Đằng - Lam Sơn - Hưng Yên). Tương truyền mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ trắng mà có mang nên đã đặt tên ông là Bạch Hổ. Lớn lên Bạch Hổ có thân hình vạm vỡ, mạnh mẽ như hổ, thông minh hơn người, văn võ song toàn. Phạm Bạch Hổ từng làm hào trưởng đất Đằng Châu, là tướng tài của Dương Đình Nghệ. Năm Tân Mão 931, ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, thứ sử Giao Châu; đánh bại Trần Báo do Đường Minh Tông cử sang cứu viện, rồi xưng tiết độ sứ. Khi Kiều Công Tiễn, một nha tướng của Dương Đình Nghệ giết chết chủ tướng, đoạt chức rồi cầu cứu quân Nam Hán xâm lược nước ta. Phạm Bạch Hổ đã phối hợp với Ngô Quyền đem quân tiêu diệt Kiều Công Tiễn và đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938). Khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi Vua, Phạm Bạch Hổ cùng Đỗ Cảnh Thạc lật đổ Dương Tam Kha đưa Ngô Xương Văn, con của Ngô Quyền lên ngôi, thời kỳ này được gọi là Hậu Ngô Vương. Năm 965, Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt trong nước nổi lên cát cứ từng vùng. Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu và là một trong mười hai sứ quân thời đó. Năm 968 Vạn Thắng vương - Đinh Bộ Lĩnh được sứ quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền, đã dẹp "Loạn 12 sứ quân". Phạm Bạch Hổ đem quân quy thuận được phong là thân vệ Đại tướng quân. Ngày 16/11 năm Nhâm Thân (972), Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Đinh Tiên Hoàng đã sắc cho nhân dân lập đền thờ, các triều đại đều phong tặng ông là: “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”. Tương truyền thần rất linh thiêng. Khi xưa Vua Lê Ngoạ Triều (tức Lê Long Đĩnh) khi chưa lên ngôi, có thực ấp ở Đằng Châu, thường bơi thuyền dạo chơi. Một hôm gặp mưa to, Long Đĩnh tìm nơi trú ẩn, thấy trên bờ sông có đền, mới hỏi người làng: “Đền thờ thần gì”, người làng thưa: “đây là đền thờ thần thổ địa”, Vương hỏi “có thiêng không?” thưa rằng “đây là chỗ dựa của một châu, lễ cầu mưa, cầu tạnh đều rất ứng”. Vương bèn nói to: "Nếu thần khiến được mưa gió thì nay thử khiến cho bên này sông tạnh, bên kia sông mưa. Thế mới thật là thiêng!”. Nói xong quả nhiên nửa sông bên kia mưa rất to, nửa sông bên này chỉ có gió mát. Long Đĩnh không bị ướt, lấy làm lạ mới sai tu bổ đền thờ. Trải qua thời gian, Đền Mây đã được trùng tu, tu sửa nhiều lần. Ngày nay, kiến trúc ngôi đền vẫn mang đặc trưng nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Đền được xây dựng kiểu chữ Tam gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung. Toà tiền tế với 3 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Tiền tế được trang trí bằng hệ thống cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối. Chính giữa toà tiền tế treo bức đại tự khảm trai có ghi hàng chữ. “Thái Bình vương Phủ”. Các gian bên treo các bức hoành phi . Nối với tiền tế là 5 gian trung từ được làm song song nhưng nền nhà cao hơn. Hai bên cột treo đôi câu đối ca ngợi công lao của tướng quân. Hậu cung gồm 3 gian, kết cấu vì chồng rường đơn giản, không chạm trổ hoa văn. Trong đền còn lưu giữ 27 pho tượng, hầu hết được tạo tác từ thời Lê, hai cỗ kiệu bát cống và một lư hương đồng rất quý. Hàng năm, lễ hội Đền Mây được tổ chức ở hai thời điểm khác nhau: Tháng Giêng từ ngày mồng 8 đến ngày 16 (âm lịch) là lễ hội kỷ niệm ngày sinh; từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 11 (âm lịch) là lễ hội kỷ niệm ngày hoá của tướng quân Phạm Bạch Hổ. Trong lễ hội ngoài tế lễ trước đây còn diễn ra phần hội với nhiều trò chơi truyền thống mang đậm nét văn hoá của cư dân Bắc Bộ như: đấu vật, múa lân, hát trống quân, múa rối nước, đánh cờ… Năm 1992, Bộ văn hoá thông tin đã công nhận Đền Mây là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hưng Yên

Hưng Yên 269 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Nễ Châu

Chùa Nễ Châu có tên chữ là. “Thụy Ứng tự”, gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Đại Hành. Chùa tọa lạc tại thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Tương truyền, chùa Nễ Châu được khởi dựng từ thời Tiền Lê (thế kỷ thứ 10) với quy mô ban đầu còn nhỏ. Khi nghĩa quân Lê Hoàn đóng quân ở đây để chống giặc Tống ngoại xâm, đã cho xây dựng một ngôi chùa mới trên đất làng Phương Cái (ngày nay là thôn Nễ Châu), thay thế cho ngôi chùa cũ đã đổ nát. Khi chùa xây xong, dân làng Phương Cái không đủ sức trả công thợ. Lê Hoàn truyền rằng “Nếu làng nào đủ tiền trả công thợ thì chùa thuộc về làng đó”. Bấy giờ, dân làng Nễ Châu nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nên đã trả được công thợ, chùa thuộc về làng Nễ Châu từ đó. Lê Hoàn cảm mến Ngọc Thanh xinh đẹp nên đã lấy bà làm vợ. Trong thời gian này, bà đã đóng góp công sức, giúp đỡ nghĩa quân cất giấu lương thảo, chăm lo hậu cần. Đánh tan giặc, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, nhưng bà đã không theo nhà vua về Hoa Lư mà xin ở lại quê hương để chăm sóc cha mẹ già yếu. Sau khi bà mất, nhà vua đã cho lập đền thờ ở đối diện chùa Nễ Châu và sắc phong làm “Ngọc Thanh Hoàng hậu”. Trải qua các triều đại, chùa Nễ Châu đều được tôn tạo, lần gần đây là vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại nguyên niên (1926). Đến năm 1992, chùa Nễ Châu đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Vào năm 2005, trong khuôn khổ dự án tu sửa di tích cổ Phố Hiến giai đoạn II, chùa Nễ Châu tiếp tục được phục dựng theo đúng nguyên bản. Chùa xây theo kiểu “Nội công ngoại quốc” với nhiều hạng mục, trong đó có 3 hạng mục nổi bật là: Tiền đường, Thượng điện và hai dãy hành lang. Nhà Tiền đường của chùa Nễ Châu gồm 7 gian, được kiến trúc theo kiểu vì kèo đơn giản. Ở hai bên đầu hồi có hai cột đồng cao, trên đỉnh cột đắp hai con nghê quay đầu vào nhau. Phía trên, ở chính giữa mái nhà có đắp nổi 3 chữ Hán “Thụy Ứng Tự”. Toàn bộ hoa văn trang trí ở nhà Tiền đường đều được chạm khắc hình lưỡng long chầu nguyệt và hoa lá cách điệu, mang đậm nét văn hóa thời Lê. Nhà Thượng điện kiến trúc giống Tiền đường. Bên trong Thượng điện đặt các tượng thờ rất đẹp, có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao, trong đó nổi bật là bộ tượng Tam Thế và tượng Tuyết Sơn. Bộ tượng Tam Thế được tạc bằng gỗ, trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen, khuôn mặt mỉm cười đôn hậu. Các mặt tòa sen đều được khắc hình hoa lá và một số tích truyện của nhà Phật. Đáng chú ý là cả ba bức tượng Tam Thế đều dựa lưng vào một lá gỗ có hình dáng giống như bài vị. Khác với bộ tượng Tam Thế, tượng Tuyết Sơn được tạc trong tư thế ngồi suy tư, hai tay bó gối. Đây là pho tượng cổ có từ thời Lê, hiện thân của Đức Phật Thích Ca giai đoạn tu luyện trên núi Tuyết Sơn. Hai dãy hành lang của chùa Nễ Châu nằm đối xứng, có hàng trăm pho tượng với các tư thế, vẻ mặt khác nhau, phác họa đầy đủ các tích truyện của nhà Phật. Riêng đền thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (nằm đối diện chùa Nễ Châu) có kiến trúc kiểu chữ Đinh bao gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Đền có kết cấu kiến trúc kiểu con chồng đấu sen, chạm khắc hoa văn cách điệu, mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Hàng năm, chùa Nễ Châu thường tổ chức tế lễ vào các ngày 15 tháng giêng và ngày 15.8 âm lịch để tưởng nhớ ngày sinh và ngày mất của bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hưng Yên

Hưng Yên 260 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Chuông

Chùa Chuông có tên chữ là “Kim Chung tự” nằm tại thôn Nhân Dục phường Hiến Nam thị xã Hưng Yên. Tương truyền vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa còn có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng). Chùa Chuông được khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ 15) và trải nhiều lần trùng tu, tôn tạo về sau nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ 17). Trong “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như Tấu có ghi “Chùa Chuông - phố Hiến nổi tiếng danh lam”. Năm 1992, chùa Chuông đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Quần thể kiến trúc chùa Chuông có bố cục hài hòa, theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông và 2 dãy hành lang... Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của “Bát Nhã” và “Trí Tuệ”. Các công trình chùa Chuông nằm cân xứng trên trục nối từ Tam quan đến nhà Tổ. Cổng Tam quan xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, có các họa tiết, hoa văn trang trí như hình rồng đắp nổi, bức phù điêu về thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh ở Tây Trúc... Qua cổng Tam quan là tới cây cầu đá xanh được dựng vào năm 1702, bắc qua ao mắt rồng. Nối tiếp là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến Tiền đường, theo quan niệm nhà Phật là con đường chân chính dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ. Tiền đường có quy mô 5 gian 2 chái, kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Tiếp đến là khoảng sân nhỏ, giữa sân có cây hương đá còn gọi là “Thạch trụ”, trên bốn mặt có khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân đóng góp tu sửa chùa Chuông. Thượng điện cũng gồm 5 gian 2 chái, kết cấu giống Tiền đường. Bên trong được bài trí nhiều pho tượng được tạo tác công phu như: tượng Tam Thế, các vị Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà... Qua Thượng điện là tới hai dãy hành lang đối xứng nhau, có đặt rất nhiều tượng được xếp theo thứ tự. Đầu tiên là nhóm tượng phác họa về động “Thập điện Diêm Vương” diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới theo triết lý nhân quả của nhà Phật. Tiếp đến là tượng Bát Bộ Kim Cương, sau là “Thập Bát La Hán” với 18 vị được tạo tác rất biểu cảm trên từng nét mặt. Cuối dãy hành lang là tượng Đức Ông, đứng cạnh có Già Lan - Chân Tể và tượng Đức Thánh Hiền, đứng cạnh có Diệm Nhiên - Đại Sỹ. Trong chùa Chuông còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như hoành phi, câu đối... đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Trên bia ghi danh những người công đức, và mô tả Phố Hiến thời hưng thịnh. Vào các ngày 15/1, 8/4, 15/4, 15/7 âm lịch hàng năm, lễ hội chùa Chuông được tổ chức, thu hút nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự. Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hưng Yên

Hưng Yên 253 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Mẫu

Đền Mẫu hay còn được gọi là Hoa Dương Linh Từ, tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi, được tán xưng là Dương Thiên Hậu. Theo sử sách và Ngọc Phả truyền lại, thì bà là vợ vua Tống Đế Bính. Năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Trên đường chạy, họ bị tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt được. Vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tuẫn tiết, xác của Dương Quý Phi trôi vào bãi cát, được nhân dân chôn cất chu đáo và lập đền thờ. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, Đền Mẫu được khởi dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu và phong tặng nhiều lần. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền được trùng tu lớn và có quy mô kiến trúc như ngày nay. Đền được xây trên thế đất “Ngọa Long” nhìn ra hồ Bán Nguyệt với không gian rộng rãi, tạo nên thế “Sơn Diễu Thủy”. Cổng Nghi môn của Đền Mẫu Hưng Yên khá bề thế, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, với các đầu đao uốn cong. Cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ, hai cột trụ trên đỉnh có đắp 2 con sấu chầu vào cửa. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ Triện “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán “Thiên Hạ mẫu nghi”. Qua Nghi môn là sân đền, giữa sân có cây cổ thụ với tuổi đời hơn 700 năm, được kết hợp bởi 3 cây sanh, đa, si quấn lấy nhau vững chắc, rủ bóng um tùm quanh Đền Mẫu Hưng Yên, càng tăng thêm vẻ trang nghiêm, u tịch. Đây là một trong những cây cổ thụ lâu đời nhất Bắc Bộ. Tòa Đại bái của Đền Mẫu Hưng Yên gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu tám mái lợp ngói vẩy rồng, các đao mái uốn cong kiểu rồng chầu. Các con rường, đấu sen, trụ chạm hình lá hoa, rồng, phượng, các bẩy chạm hình đầu rồng. Hai bên tòa Đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn. Tòa Tiền đường cũng gồm 3 gian, kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen, lộng lẫy với hoành phi, câu đối, đồ tế tự, tán lọng, cờ, y môn, giá cắm đồ binh khí, kiệu bát cống, long đình được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Nóc được đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, đao rồng chầu, phượng múa tinh xảo. Hậu cung gồm 5 gian, kiến trúc theo kiểu chồng rường con nhị với 12 cột cái, 6 cột quân, các bức cốn chạm hoa lá mềm mại, bộ cửa bức bàn chạm lộng mai cúc. Bên trong có tượng Dương Quý Phi với nét mặt đôn hậu, cùng 2 người hầu là Kim Thị và Liễu Thị , niên đại thế kỷ 17-18. Ngoài ra, trong Đền Mẫu Hưng Yên còn lưu giữ nhiều di vật quý như long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18-19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, ca ngợi tấm gương trung tiết của Dương Quý Phi. Hàng năm, lễ hội đền Mẫu ở Hưng Yên được tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái, cầu mong những điều tốt lành, hạnh phúc. Phần tế lễ diễn ra long trọng. Phần hội có các trò chơi giân dan, hát chầu văn. Đặc biệt, trong dịp lễ hội sẽ diễn ra 2 buổi rước kiệu sôi động. Rước liềm từ Đình Hiến lên Đền Mẫu Hưng Yên, đi đầu là cờ, trống chiêng, long đình, bát bửu, lộ bộ, có đội múa lân, múa rồng. Rước du đi quanh phố phường, rồng vàng uốn lượn từ đầu đến cuối đám rước, có múa “Con đi đánh bồng”... Năm 1990, Đền Mẫu Hưng Yên đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Hưng Yên

Hưng Yên 290 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Thái Lạc

Chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm còn có tên gọi là Pháp Vân Tự. Xã Lạc Hồng có 4 ngôi chùa thờ 4 vị thần trong Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tức là các vị thần mây, mưa, sấm, chớp. Trong đó chùa Thái Lạc thờ thần Pháp Vân. Chùa Thái Lạc được xây dựng từ thời nhà Trần và đã trải qua 4 lần tu sửa vào đầu thế kỷ 17 và thế kỷ 18. Chùa được xây dựng theo kiểu nội công, ngoại thất, qua cổng tam quan là khu thờ chính. Chùa được xây dựng trên gò đất cao, dân gian vẫn thường gọi là lưng con rùa. Chùa hiện vẫn còn giữ 3 tấm bia cổ ghi lại các quá trình trùng tu, tôn tạo. Cho đến nay, trên cả nước chỉ còn 3 công trình bằng gỗ từ thời nhà Trần, là chùa Dâu ở Bắc Ninh, chùa Bối Khê ở Hà Nội và chùa Thái Lạc. Trên các cồn, các đố của bộ vì, và trên các cột đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn mang dấu ấn mỹ thuật thời Trần. Thượng điện chùa Thái Lạc được đánh giá là một trong những công trình gỗ cổ nhất Việt Nam từ thế kỷ 14. Chùa Thái Lạc trước kia có khoảng 20 bức phù điêu chạm trổ hay còn gọi là các bức cồn, nhưng nay chỉ còn 16 bức vẫn được giữ tương đối nguyên vẹn. 16 bức chạm trổ được gắn giữa các xà dọc thượng và xà dọc hạ có tác dụng che kín viền trang trí. 16 bức chạm trổ được sắp xếp từ gian ngoài vào gian trong. Những bức chạm nhiều đề tài với kỹ thuật nổi bong. Những nét chạm khắc bằng đục và các thớ gỗ tạo nên sự mềm mại uyển chuyển, huyền ảo như những bức tranh vẽ. Có thể nói 16 bức phù điêu này là những bức chạm có một không hai. Không chỉ vậy, mỗi cột, kèo, những chữ viết còn gìn giữ cho đến ngày nay cũng nói lên sự cổ kính và giá trị của thời gian, lịch sử, sự linh thiêng của chùa Thái Lạc. Người dân trong vùng truyền tai nhau, chùa Thái Lạc rất linh thiêng, nếu ai đi qua không bỏ mũ nón thể hiện sự thành kính sẽ bị ngã, hoặc không xuống ngựa khi qua chùa cũng sẽ bị ngã ngựa. Chùa Thái Lạc được bài trí theo kiểu tiền Thần, hậu Phật, nghĩa là tượng Tứ Pháp được đặt trước tượng Phật. Tượng thần Pháp Vân được đặt ở trung tâm của tòa tam bảo, là bức tượng cổ có niên đại từ thời Hậu Lê. Chùa vẫn giữ được hai bức tượng Tam thế Phật tổ, đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Đây là những bức tượng mang phong cách điêu khắc thời Nguyễn. Với giá trị về mặt lịch sử, thời gian, sự linh thiêng của ngôi cổ tự, chùa Thái Lạc đã và đang trở thành điểm đến tâm linh nổi bật của Hưng Yên. Vì thế chùa được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2018. Nguồn: Báo Hưng Yên

Hưng Yên 269 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Hương Lãng

Chùa Hương Lãng, còn gọi là chùa Lạng hay chùa Giác Viên, tọa lạc tại thôn Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngoài thờ Phật, chùa Hương Lãng còn thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan - một người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà dưới thời Nhà Lý. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, có giá trị lịch sử văn hóa và khoa học. Tương truyền, chùa do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng vào thời Lý, khoảng năm 1115. Chùa có quy mô lớn, trên diện tích ngót một héc ta, gồm nhiều tòa, bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”. Bao gồm, cổng tam quan với ba lối vào, bậc tam cấp dẫn lên một nền phẳng. Chùa được chia thành ba cấp, từ cấp này lên cấp thứ hai cũng có ba lối lên, cấp thứ ba là khu chính. Nơi đây là một khu gồm nhà tăng, nhà hội đồng, phật điện. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị phá huỷ, đến năm 1955 mới trùng tu lại. Chùa quay hướng chính ra sông Lạng. Toà tiền đường bố trí trên bậc thềm cao với thành bậc chạm hình sấu đá. Công trình có kiến trúc kiểu vì kèo con chồng đấu sen với bốn hàng chân cột. Tất cả các cột đều được kê trên các tảng kê bằng đá trang trí hoa văn hình cánh sen, phong cách thời Lý. Các bộ vì kèo được làm bằng gỗ lim có chạm khắc hoa văn các đề tài hoa lá. Các khối nổi trên bề tượng hầu như không có góc cạnh gồ ghề, tất cả đều nhẵn, êm và chau chuốt, không có chỗ ngắt nhịp đột ngột. Có thể nói đây là một bệ tượng đồ sộ nhất của Thời Lý hiện còn được lưu giữ tại di tích. Ngoài ra, chùa còn có mười đôi tay vịn bằng đá, chạm phượng, chồn và hoa cúc dây; 4 cột đá vuông góc đỡ các xà đá của công trình, nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh hoa sen và hoa cúc rất tỉ mỉ và tinh vi. Đây là những tác phẩm vô giá của Thời Lý còn được lưu giữ. Tòa đại bái quay hướng chính chùa nhìn ra sông Lạng, gần đường làng, được phục hồi năm 2005, với quy mô 7 gian. Muốn vào trong tòa tiền đường phải qua các bậc thềm, ở đây các bậc thềm, được ngăn cách thành 5 lối bởi 6 thành bậc chạm hình sấu đá nằm quay đầu ra phía trước. Toà tiền đường có kiến trúc kiểu vì kèo con chồng đấu sen với bốn hàng chân cột, tất cả các cột đều được kê trên các tảng kê bằng đá trang trí hoa văn hình cánh sen, phong cách Thời Lý. Các bộ vì kèo được làm bằng gỗ lim được chạm khắc hoa văn các đề tài hoa lá cách điệu. Tòa hậu cung cách tòa tiền đường một khoảng trống. Hậu cung có kiến trúc kiểu chồng diềm, hai tầng tám mái. Giữa hậu cung là “Linh vật” sư tử đội tòa sen tạo thành bệ đá lớn. Chùa Hương Lãng hiện còn lưu giữ nhiều di vật thời Lý rất đặc sắc và độc đáo. Cũng tại nơi đây người ta đã phát hiện ra di chỉ được đặt tên là Di chỉ Chùa Lạng gồm tượng sư tử còn gọi là ông Sấm. Chùa có mười đôi tay vịn bằng đá, chạm phượng và chồn, hoa cúc dây, bốn cột đá vuông bốn góc đỡ các xà bằng đá của công trình trước đây và nhiều tảng đá chân cột chạm khắc cánh sen và hoa cúc. Vì những giá trị về văn hóa - lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, chùa Hương Lãng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 13-3-1974. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên 286 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Đậu An

Đền An Xá (còn gọi tên khác là Đền Đậu An), tên chữ là Thụy Ứng Quán, toạ lạc tại thôn An Xá (còn được gọi là làng An), xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Căn cứ vào các tư liệu, hiện vật còn lưu giữ tại di tích và lời kể của các cụ cao niên trong làng, đền An Xá là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Lão Tiên Ông (những vị thần tiên của Văn hóa Đạo giáo), cùng các vị Thiên tiên, Địa tiên - là những người có công khai phá vùng đầm lầy hoang vu, diệt trừ thú dữ, dậy dân cầy cấy, lập làng Chạ, dựng "Thụy Ứng Quán", để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Căn cứ vào truyền thuyết, lời kể của các cụ cao niên trong làng và những di vật cổ có giá trị hiện còn lưu giữ được tại di tích cho biết đền An Xá được khởi dựng từ khá sớm, muộn nhất vào khoảng Thế kỷ XVI – XVII, đến nay đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Đền An Xá được khởi dựng trên khu đất cao có dáng hình đầu rồng ở phía Tây ngoài làng An Xá. Phía trước đền là những cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng xuống hồ nước trong xanh được xem là nơi “tụ thủy, tụ phúc” của làng. Bao bọc vòng ngoài là những hào nước và khu vực ruộng đồng trù phú. Mặt tiền đền quay hướng Nam, có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Công gồm: 05 gian Tiền tế, 03 gian Ống muống và 03 gian Hậu cung. Ngoài ra, nằm trong và ngoài khuôn viên di tích hiện còn một số hạng mục công trình kiến trúc gắn liền với sự hình thành và các tích truyện liên quan tới nhân vật thờ tại di tích: Đền Hạ, đền Kỷ Niệm nằm về hai bên hồi đền chính. Đăng đối hai bên sân đền là hai dãy nhà Giải vũ. Hai bên Tam quan là đền Mẫu và đền Thiên Quan. Bên ngoài khuôn viên di tích về phía Đông là hai ngôi đình Vô và đình Căn. Tam quan: được dựng trên bình đồ hình vuông, gồm 03 cửa ra vào với hai tầng mái. Xung quanh bốn góc dựng bốn cột đồng trụ lớn. Mái Tam quan lợp ngói mũi hài. Tam quan đền An Xá có treo 01 quả chuông đồng được đúc vào thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 và 01chiếc trống. Tòa Tiền tế: là một tòa nhà 05 gian, được làm theo kiểu tường hồi bít đốc. Kết cấu theo kiểu 4 hàng chân cột. Tiền tế là nơi đặt ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế (gian giữa), hai gian bên là nơi đặt ban thờ Thiên Tiên và Địa Tiên cùng các bức hoành phi, câu đối và đồ thờ tự có giá trị. Điêu khắc trang trí tòa Tiền tế chủ yếu gồm ba đề tài chính: linh vật, lá lật và vân xoắn mang phong cách nghệ thuật Thế kỷ XIX và XX. Ống muống: hạng mục này được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối. Toàn bộ hệ thống các cột trụ, câu đối, hoành phi, cửa võng tại đây đều được làm bằng đá có tấm nặng tới hàng chục tấn được các nghệ nhân và thợ thủ công đương thời chạm khắc hình rồng, phía ngoài chạm khắc các đôi câu đối bằng chữ Hán vô cùng tinh xảo và đặc sắc, hiếm thấy trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng của người Việt. Hậu cung: gồm 03 gian, theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Đây là nơi đặt ban thờ Tam Thanh Lục Ngự. Phía trên mái dưới là phần cổ diêm được làm bằng đá chia thành các ô khác nhau trang trí hình chim phượng, rồng, hoa sen, giữa khắc ba chữ Hán “Thụy Ứng quán”. Mái được lợp ngói di truyền thống, bờ nóc để trơn không trang trí. Tường bao mặt trước được dựng bằng đá xanh nguyên khối. Gian giữa được xây giật vào hàng cột cái tạo thành một khám thờ, cửa chạm khắc các hoạ tiết: Những con dơi ngậm tiền (phúc hàm tiền), hạc đứng trên lưng rùa nhằm thể hiện ước vọng về phúc, lộc và mong muốn cho dân làng An Xá được sống lâu mãi mãi. Trung tâm Hậu cung đặt một nhang án thờ bằng đất nung có dạng hình hộp chữ nhật. Các hạng mục công trình khác gồm. Đền Hạ: Đền Thiên Quan. Đền Mẫu. Đền Kỷ niệm. Đình Vô. Đình Căn. Về giá trị lịch sử: Đền An Xá là trung tâm văn hóa tiêu biểu, một ví dụ khá điển hình của sự chuyển biến, dung hội giữa quán Đạo giáo và đền thờ. Lễ hội đền An Xá diễn ra từ ngày mồng 1 đến 12 tháng Tư (Âm lịch) hằng năm. Với giá trị đặc biệt trên, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền An Xá đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2020. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Hưng Yên 241 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đền Đa Hoà

Đền Đa Hòa còn có tên gọi là đền Chính Đa Hoà, thuộc địa phận thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Hồng Vân công chúa. Đền nhìn ra sông Hồng và bãi Tự Nhiên, tương truyền là nơi tác thành mối tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đền Đa Hòa được xây dựng từ lâu, công trình hiện nay được hưng công cuối thế kỷ 19, từ 1884 đến 1886 do Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, quan Án sát tỉnh Hưng Yên đảm trách. Công trình nổi tiếng với quy mô đồ sộ, ý tưởng kiến trúc độc đáo, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Khu đền bao gồm 18 công trình lớn nhỏ: nhà bia, gác chuông, gác khánh, ngọ môn, nhà tiền tế, tòa thiêu hương, đệ nhị cung, đệ tam cung, hậu cung và các nhà thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo. Các mái đền tạo dáng hình thuyền rồng cách điệu. Nếu từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy các nóc đền, tổ hợp lại trông giống như một đoàn thuyền đang dập dìu trên sông nước. Chu Mạnh Trinh có ý tạo hình khu đền giống như đoàn du thuyền của nàng Tiên Dung mười tám tuổi con gái vua Hùng thứ 18 đang du ngoạn trên sông. Đền Đa Hòa còn giữ được nhiều di vật quý giá. Tượng đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân đúc bằng đồng, tầm vóc cỡ như người thật. Ba cỗ ngai thờ Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân, làm bằng gỗ, bố cục cân đối, đầu ngai chạm rồng trong tư thế quay đầu vào. Ngai có niên đại cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, được coi là cổ nhất của loại hình này hiện còn tìm thấy ở nước ta. Hội đền Đa Hòa tổ chức từ ngày 10-12/2 âm lịch. Ngày chính hội được mở đầu bằng đám rước thần thành hoàng 8 làng thuộc tổng Mễ xưa về đền chính (gồm làng Mễ Sở, Đa Hòa, Bằng Nha, Phú Thị, Phú Trạch, Thiết Trụ, Nhạn Tháp). Mỗi đám rước đều có cờ, chiêng trống, bát bửu, lộ bộ, phường bát âm, kiệu bát cống, múa sinh tiền, rồng, sư tử. Đám rước của 8 làng gặp nhau chiêng trống vang rền, rồng vàng uốn lượn từ đầu đến cuối đám rước. Ngày hôm sau là cuộc rước nước. Đám rước gồm kiệu nước, kiệu thành hoàng của 8 làng tổng Mễ xưa lên thuyền ra giữa dòng sông Hồng làm lễ lấy nước về đền tế lễ. Cả khúc sông tưng bừng tiếng trống chiêng rộn rã, nhạc bát âm rộn ràng. Lễ hội Đa Hòa tổ chức múa rồng, vật lão, cờ người. Múa rồng, có từ 6-8 con rồng. Động tác múa của rồng theo sự điều khiển của người cầm quả cầu và tiếng trống khẩu. Rồng múa vòng quanh, uốn lượn nhịp nhàng. Khi trống đánh chậm thì múa chậm, khi trống đánh nhanh thì múa nhanh, sôi nổi. Rồng múa đơn, múa từng đôi hoặc tất cả rồng các làng đều múa, trình diễn những động tác điêu nghệ của rồng làng mình. Tham gia vật lão là các cụ già 70-80 tuổi, trong trang phục ngày hội, đầu chít khăn điều, mặc áo xanh, áo vàng, thắt lưng đỏ, vàng biểu diễn các động tác vật tượng trưng. Cuộc biểu diễn này gợi mọi người tưởng nhớ tới công ơn của Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã cứu nhiều người khỏi bệnh tật và để chứng tỏ mình hoàn toàn khoẻ mạnh, họ kéo nhau ra sân vật nhau, làm trò cho ông bà xem. Cờ người, được tổ chức tại sân đền. Có 32 quân chia làm 2 phe, một phe nam, một phe nữ. Người đóng vai tướng sĩ, quân cờ đều là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Đẹp nhất là vai tướng ông, tướng bà. Kỳ thủ các nơi về đọ tài cao thấp. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên 275 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Văn miếu Xích Đằng

Văn miếu Xích Đằng nằm cạnh con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Sở dĩ Văn miếu có tên như vậy là do được khỏi dựng trên đất làng Xích Đằng từ thế kỷ 17 (thời Hậu Lê) với qui mô ban đầu nhỏ, đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), triều Nguyễn, được xây dựng lại có quy mô như hiện nay trên nền của chùa Nguyệt Đường( chùa Xích Đằng). Với hơn 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đại khoa, văn miếu Xích Đằng đã thể hiện tinh thần hiếu học của con người trên mảnh đất. "Nhất Kinh kỳ, Nhì Phố Hiến". Thế kỷ 17 dưới thời vua Lê Thánh Tông, để chấn hưng lại đạo Nho, triều đình đã cho thành lập nhiều trường học bên ngoài trường Quốc Tử Giám ở các trấn. Ở trấn Sơn Nam (gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và một phần đất của Hà Nội và Hưng Yên) có văn miếu Xích Đằng ( hay còn có tên là văn miếu Sơn Nam) được xây dựng vừa làm nơi để thờ tự các bậc hiền nho, vừa là nơi tổ chức các kỳ thi của trấn. Sau nhiều biến chuyển trong việc chia tách lại địa lý các trấn dưới các triều Hậu Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn, văn miếu Xích Đằng trở thành văn miếu của trấn Sơn Nam thượng và sau này là của tỉnh Hưng Yên. Trước cổng văn miếu Xích Đằng là hai cây gạo đã có hàng trăm năm tuổi, và tượng hai con nghê đá lớn được tạc từ thế kỷ 18. Tam quan (hay còn gọi là cổng Nghi môn) của văn miếu Xích Đằng là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam. Được dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương. Thay vì lầu trống như ở các văn miếu Quốc tử giám, văn miếu Mao Điền, ở văn miếu Xích Đằng lầu trống được thay vào bằng lầu chuông. Tiếng chuông và tiếng khánh vang lên chính là lúc báo hiệu giờ thi đã bắt đầu và kết thúc, đồng thời nó cũng là tiếng cầu thỉnh tỏ lòng biết ơn, tri ân với những bậc hiền nho trong mỗi dịp lễ hội. Hai chiếc chuông và khánh của văn miếu cũng là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ 18. Khu nội tự kết cấu theo kiểu chữ Tam: gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Mặt chính quay về hướng nam. Bên trong khu nội tự tỏa sáng với hệ thống các đại tự, cấu đối, cửa võng và một hệ thống các trụ, kèo được sơn son thếp vàng phủ kim hoàn toàn. Hiện vật quý giá nhất trong văn miếu còn lưu giữ được đến ngày nay đó chính là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa. Trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình. Từ các khoa thi đầu tiên dưới thời nhà Trần đến khoa thi cuối cùng vào cuối thời nhà Nguyễn, tỉnh Hưng Yên đều có người đỗ đạt cao. Thời nào cũng có người tài của đất Hưng Yên đỗ đạt ra giúp việc nước, việc dân. Ở văn miếu Xích Đằng hiện tại đang thờ hai pho tượng của Đức Khổng Tử và các bậc chư hiền nho gia. Cùng với đó là pho tượng của người thầy giáo lỗi lạc, người hiệu trưởng đầu tiên của văn miếu Quốc Tử Giám Chu Văn An. Năm 1992, Văn miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hàng năm, vào dịp mùng 4-5 Tết, Văn miếu lại tổ chức lễ hội với các hoạt động như cho chữ đầu xuân, tổ chức tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù, từng bước khôi phục lại lễ hội xưa. Ngoài ra vào mùa thi, thanh thiếu niên, học sinh về văn miếu tìm hiểu truyền thống hiếu học của cha ông và thắp nhang cầu mong cho sự học hành ngày càng phát triển Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Hưng Yên 269 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Điểm di tích nổi bật