Di tích lịch sử

Thừa Thiên Huế

Cung An Định

An Định là cung điện riêng của vua Khải Định, tọa lạc bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế, nay là số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế. Nguyên tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau) đã lập phủ, đặt tên là phủ An Định. Năm Khải Định 2 (1917), vua mới dùng tiền riêng cải tạo lại thành cung theo lối kiến trúc hiện đại. Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất, cung vẫn giữ nguyên tên gọi. Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu Cung An Định. Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Đến nay di tích Cung An Định đang được phục hồi trùng tu. Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch, dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình. Từ trước ra sau là: Bến thuyền, Cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước... trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao. Trong đình nguyên có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920. Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của Cung An Định. Chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành), tên lầu là do vua Khải Định đặt. Lầu 3 tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, chiếm diện tích tới 745m2. Lầu được trang trí rất công phu, đặc biệt là phần nội thất của tầng 1 với các bức tranh tường có giá trị nghệ thuật rất cao. Cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn... cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique). Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia 13/12/2006. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 638 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đấu trường Hổ Quyền

Hổ Quyền là đấu trường cổ, thuộc thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây từng diễn ra những trận chiến sinh tử giữa voi và hổ dành cho vua cùng dân chúng thưởng lãm. Các trận đấu này vừa mang tính giải trí vừa là cách để triều đình rèn luyện tượng binh. Trước khi xây dựng đấu trường Hổ Quyền, các trận chiến sinh tử giữa voi và hổ dưới thời nhà Nguyễn được tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương. Trong giai đoạn này, có rất nhiều sự cố nguy hiểm liên quan đến trận đấu. Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chứng kiến một cuộc đấu đẫm máu với 40 con voi tàn sát 18 con hổ. Đặc biệt, một con hổ đã tát ngã người quản tượng, sau đó ông lại bị chính con voi mình huấn luyện giẫm chết. Đến thời vua Minh Mạng, khi nhà vua đang ngồi xem giao đấu trên sông Hương thì một con hổ đã bơi về phía thuyền rồng, may mắn là có đội quân hộ giá kịp thời. Chính vì vậy, vào năm Minh Mạng thứ 11 tức năm 1830, vua đã cho xây dựng một đấu trường kiên cố tại vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, thuộc phía Tây kinh thành. Hổ Quyền được xây dựng theo hình vành khăn với hai vòng tường thành. Vòng trong có chiều cao 5.9m, vòng ngoài cao 4.75m, nghiêng góc 15 độ tạo thế vững chãi. Chu vi phía tường ngoài là 140m, phần đường kính lòng chảo là 44m. Hổ Quyền được tôn tạo bởi gạch vồ, vôi vữa và đá thanh. Khán đài được chia làm 2 nơi, cho vua và quan dân, binh lính. Nơi vua ngồi nằm ở phía Bắc, được xây cao hơn các vị trí khác. Bên trái là 24 bậc cấp dành cho hoàng tộc và đại thần. Bên phải dành cho quan và binh lính phẩm cấp thấp hơn. Đối diện khán đài là hệ thống 5 chuồng cọp có các cửa gỗ đóng mở bằng cách kéo dây từ phía trên xuống. Trên tường thành còn một cửa cao 8 thước, rộng 7 tấc là nơi đưa voi vào trường đấu. Nghi thức tổ chức trận đấu giữa voi và hổ tại Hổ Quyền rất trang trọng. Xung quanh đấu trường có bày nghi trượng, cờ lọng. Binh lính cầm khí giới cung kính đứng hai bên đường đã sẵn trải chiếu hoa để chào đón nhà vua. Đến chính ngọ, vua và đoàn tùy tùng sẽ ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền gần sát bờ sông, vua rời thuyền, sang kiệu che bốn lọng vàng cùng bốn tàn vàng. Đi phía trước sẽ là lính ngự lâm, phía sau theo thứ tự là thị vệ cầm cờ tam tài, cờ ngũ hành, cờ nhị thập bát tú, gươm tuốt trần và đến cuối cùng là đội nhạc cung đình. Trận tử chiến tại đấu trường Hổ Quyền diễn ra hằng năm và kết thúc khi voi quật chết hổ. Hổ Quyền đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia ngày 26/9/1998. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1315 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất của Huế, tọa lạc trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương. Chùa Thiên Mụ là một danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của cố đô Huế. Chùa được xây trên đỉnh một ngọn đồi cao ngay bên bờ sông Hương đối diện vùng đất Long Thọ. Trước cửa chùa có tháp kiến trúc theo hình bát giác, một kiểu bố cục theo hình bát quái. Tháp này gồm có 6 tầng đều nhau nhưng càng lên cao thì diện tích lại được thu nhỏ lại. Mỗi tầng có một mái nhỏ chìa ra với những đường nét trang trí khá tinh vi, đều đặn và sinh động lạ thường. Mỗi mặt có một cửa cuốn khá lớn hình chữ nhật nhưng chung quanh có nhiều mô hình long nguyệt. Trên cùng là một mái nhỏ 8 cạnh. Chính giữa có trang trí một hình nậm rượu có mũi nhọn. Chung quanh có những mô hình vân vũ. Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn. Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ". Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao sóng gió lịch sử, chùa Thiên Mụ từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều vua nhà Nguyễn. Năm 1884, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” (mừng sinh nhật thứ 80) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: Xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là tháp Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng hai tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua. Khuôn viên chùa được chia làm hai khu vực: Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc: Bến thuyền có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh) sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vời vợi, hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng thời Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng thời Nguyễn Phúc Chu). Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp). Khu vực phía trong cửa Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan âm, nhà Trai, nhà Khách, vườn hoa, phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch. Chùa Thiên Mụ như một chứng nhân lịch sử diễn ra trên đôi bờ sông Hương. Ngôi chùa vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người dân Huế nói riêng và đời sống văn hóa người Việt Nam nói chung. Nguồn: Cục du lịch quốc gia Việt Nam

Thừa Thiên Huế 1189 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Gia Long

Lăng Gia Long nằm trong dãy núi Thiên Thọ, thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm Tp Huế 16km. Lăng Gia Long là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Kiến trúc lăng có vẻ đơn sơ nhưng hoành tráng. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn, nhỏ, trong đó có Ðại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này. Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng, hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng, báo hiệu khu vực lăng. Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng, rộng lớn. Trước có ngọn Ðại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu án. Bên trái có 14 ngọn núi làm "tả thanh long" và bên phải có 14 ngọn làm “hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng được chia làm 3 khu vực: Chính giữa là lăng mộ vua và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Qua khỏi sân chầu có các hàng tượng đá uy nghiêm và bảy cấp sân tế là Bửu Thánh ở đỉnh đồi. Trong Bửu Thánh có 2 ngôi mộ đá được sáng tác theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” biểu tượng cho hạnh phúc và thuỷ chung. Bên phải là khu tẩm điện mà điện Minh Thành là trung tâm nơi thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Trước đây trong điện Minh Thành có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của Gia Long. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn tấm bia lớn ghi bài “Thánh Ðức Thần Công” của vua Minh Mạng soạn, ca ngợi vua cha được chạm khắc tinh tế, sắc sảo. Ngoài ra còn có các lăng phụ cận trong khu vực này như lăng Quang Hưng (bà vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần), lăng Vĩnh Mậu (vợ chúa Ngãi vương Nguyễn Phúc Trăn); lăng Toại Thánh (vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Luân và là thân mẫu của Gia Long),...lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, thân mẫu của vua Minh Mạng, bên cạnh có điện Gia Thành dùng để thờ. Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt vời giữa thiên nhiên và kiến trúc đã tạo nên nét hùng vĩ hoành tráng của cảnh quan. Vua Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, tên húy là Chủng, sinh năm 1762, con thứ ba của Nguyễn Luân. Năm 1773, Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Phúc Ánh 12 tuổi, theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam. Mùa thu năm Ðinh Dậu (1777) Nguyễn Phúc Thuần tử trận, Nguyễn Phúc Ánh một mình chạy thoát ra đảo Thổ Chu, rồi sau chạy sang ẩn náu nhờ bên đất Xiêm. Tháng 7/1792, vua Quang Trung mất, con là Quang Toản còn ít tuổi. Nguyễn Phúc Ánh đã tổ chức tấn công và tiêu diệt nhà Tây Sơn. Ông lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long đóng đô tại thành Phú Xuân (Huế) và đặt tên nước là Việt Nam. Ngày Ðinh Mùi tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), Gia Long mất, thọ 59 tuổi, ở ngôi chúa 25 năm, ở ngôi vua 17 năm. Lăng Gia Long (hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng) là nơi an nghỉ của vị vua đầu tiên sáng lập ra triều Nguyễn. Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

Thừa Thiên Huế 1329 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng thuộc Xã Hương Thọ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) nằm trên ngọn núi Cẩm Kê cách thành phố Huế khoảng 14km, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp nguồn tạo thành sông Hương. Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 1840 và được Vua Thiệu Trị tiếp tục xây dựng hoàn tất vào năm 1843. Lăng Minh Mạng là một mô hình kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, bao gồm cung điện, đền miếu và đài tạ... được bố trí trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m từ Đại Hồng môn ở ngoài cùng tới chân tường của la thành sau mộ vua. Hình thế của lăng tựa dáng một người đang nằm nghỉ trong tư thế đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên. Mở đầu Thần đạo là Đại Hồng môn (cổng chính vào Lăng), cao 9m, rộng 12m, cổng này có ba lối đi, lối đi giữa chỉ mở một lần để đưa quan tài nhà vua vào lăng sau đó đóng chặt, ngoài ra còn có hai cổng phụ Tả Hồng môn và Hữu Hồng môn. Sau Đại Hồng Môn là sân rộng 45m x 45m, hai bên có hai hàng tượng quan viên, voi ngựa. Cuối sân là Bi đình, trên bia có bài “Thánh Đức thần công” (ghi công của Vua Minh Mạng). Tiếp theo là sân triều lễ; Hiển Đức môn mở đầu cho khu vực tẩm điện, được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu trưng cho mặt đất. Điện Sùng Ân nằm ở trung tâm, xung quanh có Tả, Hữu, Phối điện (trước) và Tả Hữu Tùng phòng (sau) cũng được giới hạn trong lớp tường thành hình vuông. Hoàng Trạch môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện. Đi qua ba cây cầu bắc qua hồ Trừng Minh là tới Minh Lâu, Minh Lâu là lầu sáng là nơi vua suy ngẫm và là nơi đi về của linh hồn Tiên đế. Một cái hồ hình trăng non tên Tân Nguyệt ôm lấy Bửu thành hình tròn nằm ở giữa, đây là nơi bắt đầu của thế giới vô biên, nơi yên nghỉ của nhà Vua giữa tâm một quả đồi mang tên Khai Trạch Sơn. Hai bên trục chính của lăng còn có nhiều công trình phụ nằm đối xứng nhau theo từng cặp. Lăng Minh mạng với hai hồ và kiến trúc trang hoàng tuyệt đẹp, là một trong những lăng tẩm uy nghi, đường bệ nhất trong các lăng tẩm của vua nhà Nguyễn. Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 29/4/1997. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1164 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức có địa chỉ tại Phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Lăng nằm giữa một rừng thông bát ngát, cách Huế 8km. Tổng thể kiến trúc Lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao, thấp hơn nhau chừng 10m. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong Lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà Vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách. Đi tiếp ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm Cung môn, rồi đến điện Hòa Khiêm, đây vốn là nơi làm việc của Vua nhưng nay dùng để thờ phụng Vua và Hoàng hậu. Sau điện Hòa Khiêm đến điện Lương Khiêm, trước là chỗ nghỉ của Vua và sau này trở thành nơi thờ mẹ Vua, bà Từ Dũ. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường, nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để Vua xem hát, đây được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn. Ngay sau hai hàng tượng quan văn võ uy nghi là Bi đình (nhà bia), tấm bia làm bằng đá thanh lớn có khắc bài Khiêm Cung ký của Vua Tự Đức dài 4.935 chữ để nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi Vua yên nghỉ. Lăng Tự Đức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình. Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 29/4/1979. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1226 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng ở Xã Thủy Bằng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua. Lăng Khải Định được xây dựng trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) cách trung tâm thành phố Huế 10km. Lăng khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn thành. Vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói ác đoa, sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh để kiến thiết công trình. So với các Lăng trong hệ thống lăng tẩm ở Huế, lăng Khải Định có diện tích nhỏ (117m 48,5m) nhưng rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nó là kết quả hội nhập của nhiều dòng kiến trúc Á, Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại. Tổng thể của Lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc. Núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh Lăng được dùng làm các yếu tố phong thủy: tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ, tạo cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất và là kiến trúc chính của Lăng. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: Hai bên là Tả, Hữu Trực phòng dành cho lính hộ lăng, phía trước là điện Khải Thành - nơi để án thờ và chân dung vua Khải Định, chính giữa là Bửu án, pho tượng nhà vua và mộ phần ở phía dưới, trong cùng là khám thờ với bài vị của vị vua quá cố. Giá trị nghệ thuật cao nhất của Lăng là phần trang trí nội thất cung Thiên Định. Ba gian giữa trong cung đều được trang trí phù điêu ghép bằng sánh sứ và thủy tinh màu. Đặc biệt chiếc Bửu tán trên pho tượng đồng, nặng 1 tấn với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác làm bằng nhung lụa rất nhẹ nhàng. Bên dưới Bửu tán là pho tượng đồng Vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1922 theo yêu cầu của nhà vua. Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tách, tác giả của ba bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất nước ta, được trang trí trên trần ba gian giữa cung Thiên Định. Lăng Khải Định là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, đây thực sự là một công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc. Lăng Khải Định được công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 29/4/1979. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1147 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đại Nội Huế

Đại Nội Huế có địa chỉ tại Đường 23/8, phường Thuận Hòa, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế, bên bờ sông Hương thơ mộng. Đại Nội Huế được xây dựng từ nửa đầu thế kỉ XX, đây là một trong số các di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới từ năm 1993. Đại Nội Huế chính là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của vua chúa Nguyễn cùng triều đình phong kiến cuối cùng của nước ta. Huế là vùng đất bình yên và thơ mộng, nên vua Gia Long đã lựa chọn nơi này để xây dựng công trình Đại Nội Huế vào năm 1803. Phải mất 30 năm, công trình này mới chính thức được hoàn thành trọn vẹn. Đại Nội Huế được xây dựng với lối kiến trúc cung đình Huế vì vậy từng đường nét, cách thức bài trí đều rất tinh xảo. Đại Nội Huế có hai khu vực chính là Hoàng thành và Tử Cấm thành, mỗi khu vực lại bao gồm nhiều công trình khác nhau. Khu Hoàng thành gồm có cổng Ngọ Môn, Điện Thái Hòa. Tử Cấm thành là khu vực dành riêng cho vua và hoàng tộc, gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ... 1. Khu Hoàng thành Cổng Ngọ Môn được xây dựng đồ sộ, hoành tráng với các đường nét hoa văn hết sức kỳ công, tinh xảo và vững chắc. Ngọ Môn không chỉ đơn giản là cổng ra vào mà còn là bộ mặt đại diện cho Đại Nội cung đình Huế nên được thiết kế gồm nhiều lớp với hệ thống hào nước xung quanh. Cổng Ngọ Môn của Hoàng thành Huế nhìn về phía Nam kinh thành và có 5 cửa, cửa chính ở giữa dành cho vua đi, hai cổng bên dành cho quan văn và quan võ. Còn lại, khu vực hai cổng bên quanh là dành cho binh lính cùng voi ngựa theo hầu vua để bảo vệ cũng như hầu hạ vua. Điện Thái Hòa là một biểu tượng về quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn thời bấy giờ. Điện Thái hòa là công trình quan trọng bậc nhất trong tổng thể Đại Nội Kinh Thành Huế, nơi đây cùng Sân Đại Triều Nghi từng là nơi diễn ra các buổi thiết triều của triều đình nhà Nguyễn mà đa số đây đều là những buổi thiết triều quan trọng. Điện Thái Hòa sử dụng chất liệu là gỗ lim. Phần mái điện, cột… được điêu khắc hình rồng uốn lượn đầy tinh tế, tỉ mỉ. Chính giữa điện là ngai vàng của vua được đặt ở vị trí trang nghiêm, nơi vua ngồi trong các buổi thiết triều. 2. Khu Tử Cấm thành Đại Cung Môn là cửa chính (hướng Nam) vào Tử Cấm thành, gồm có 5 gian 3 cửa và được xây dựng vào thời vua Minh Mạng, năm 1833. Cửa ở gian chính giữa chỉ dành cho vua đi, mặt sau hai bên có hai hành lang nối với Tả Vu, Hữu Vu. Đại Cung Môn nhìn ra sân trước hướng ra Điện Thái Hòa, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, phía trên lợp bằng ngói hoàng lưu ly. Tả Vu và Hữu Vu là hai tòa nhà ngay đối diện điện Cần Chánh, xây dựng đầu thế kỷ 19. Tòa nhà Tả Vu được xây dựng cho các quan văn, Hữu Vu là nơi dành cho các quan võ trong triều. Hai tòa nhà này là nơi để chuẩn bị cho các nghi thức trước buổi thiết triều, nơi tổ chức các cuộc thi Đình hay yến tiệc. Điện Cần Chánh nằm thẳng với Điện Thái Hòa theo hướng Bắc Nam, đây là nơi để vua thiết triều. Điện Cần Chánh được xem là điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong toàn bộ Tử Cấm thành. Các bộ cột bằng gỗ lim, phần khung phía trên được trạm trổ tinh xảo, công phu. Thái Bình Lâu nằm ở bên trong Tử Cấm thành của khu Đại Nội Huế, nơi đây sẽ dùng để nhà vua nghỉ ngơi lúc rảnh rỗi, đọc sách, viết văn hay làm thơ thư giãn . Thái Bình Lâu được xây dựng vào những năm 1919 do vua Khải Định khởi công được hoàn thành vào năm 1921. Trong số nhiều cung điện trong Hoàng thành Huế, Cung Diên Thọ được xem là một hệ thống kiến trúc cung điện mang tầm cỡ quy mô nhất ở Huế . Nơi đây là nơi ở của các Hoàng Thái Hậu và các Thái Hoàng Thái Hậu những người phụ nữ quyền lực ở bên cạnh vua. Đại Nội Huế là công trình có quy mô đồ sộ nhất lịch sử Việt Nam với thời gian xây dựng kéo dài trong nhiều năm với hàng vạn người thi công cùng các hoạt động lấp sông, đào hào, đắp thành, bên cạnh đó là khối lượng đất đá khổng lồ lên tới hàng triệu mét khối. Đến thăm quan quần thể di tích Đại Nội Huế, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình miếu thờ, đền đài và cung điện nguy nga bề thế. Với vẻ đẹp tráng lệ kết hợp với nét kiến trúc độc đáo hứa hẹn sẽ là điểm đến mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Nguồn: Cổng thông tin du lịch Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1267 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà Lưu Niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Nhà Lưu Niệm Bác Hồ ở số 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan, Phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ 1895 - 1901. Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ Cử nhân ở trường thi Hương Nghệ An, năm 1895 ông vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi sau, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận. Để có điều kiện chăm sóc con cái, và gia đình cũng là nguồn động viện ông trong những tháng ngày đèn sách, ông về quê, cùng vợ là bà Hoàng Thị Loan đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế. Nhờ người quen giới thiệu, ông thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích hiện nay). Tại ngôi nhà này, Cậu Nguyễn Sinh Cung (Tên Bác Hồ lúc nhỏ) đã sống những năm tháng hạnh phúc cùng gia đình: Người cha mẫu mực nhưng nghiêm khắc, đêm ngày chuyên tâm chăm lo việc đèn sách; người mẹ hiền từ, đảm đang, tảo tần bên khung cửi và niềm vui khi đón em Nguyễn Sinh Xin chào đời. Nhưng tại ngôi nhà này cũng in đậm trong tâm hồn Nguyễn Sinh Cung nỗi đau mất mẹ, tiếng khóc khát sữa của em thơ. Và sự yêu thương, đùm bọc của bà con nghèo xứ Huế. Nghĩa tình sâu nặng đó chính là những giá trị văn hóa góp phần hình thành nhân cách đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - Người suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan là một ngôi nhà gỗ rộng ba gian, gồm 4 vài cột, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế, với mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”; nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh. Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là cậu bé Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901). * Nhà lưu niệm Bác Hồ tại đường Mai Thúc Loan, Ngôi nhà đã được Bộ Văn Hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 02/02/1993. * Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. (gồm 4 di tích đã được xếp hạng Quốc gia trước đây là: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Địa điểm Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ và Đình làng Dương Nỗ). Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1261 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế thành lập ngày 16/9/1980, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, trên cơ sở Nhà trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 30 tháng 6 năm 1982, Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên chính thức trở thành thành viên của hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1989, sau khi tỉnh Bình Trị Thiên tách ra làm ba tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chức năng và nhiệm vụ không thay đổi. Ngày 19 tháng 5 năm 1998, nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chính thức được khởi công xây dựng lại và khánh thành vào ngày 19 tháng 5 năm 2000. Năm 2007, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được xếp hạng là bảo tàng hạng II ngày 27 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển đã có một cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Thừa Thiên Huế, mảnh đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước giai đoạn 1895 -1901 và 1906 - 1909. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước của Người, để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Di sản Hồ Chí Minh - Những năm tháng Bác Hồ ở Huế dưới góc độ “vật thể”, là hệ thống di tích của Người để lại. Đến nay theo thống kê ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 4 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan (số mới 158); Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ và 5 di tích cấp tỉnh. Về di sản “phi vật thể” có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ. Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là niềm tự hào, là tài sản vô giá mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào cuộc sống, động viên mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, xây dựng Thừa Thiên Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng an ninh. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1081 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Trường Quốc Học Huế

Di Tích Trường Quốc Học Huế có địa chỉ tại số 12 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trường Quốc Học Huế nay là trường trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế. Ngôi trường là nơi chứng kiến những tháng năm miệt mài học tập và hoạt động sôi nổi của Bác Hồ trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trường Quốc Học Huế vẫn là nơi hun đúc, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và lưu giữ trong mình truyền thống, nhiệt huyết của những thiên tài cách mạng. Trường Quốc Học được thành lập theo chỉ dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Đây là trường Pháp - Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương. Tháng 5 năm 1906 ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế sinh sống và học tập. Được cha đưa vào học Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành thông minh, ham học và học giỏi. Là học sinh xuất sắc của trường, kỳ thi Primaire 1908, Thành là một trong mười học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của trường Quốc Học niên khóa 1908 - 1909. Vào học ở trường Quốc Học, Nguyễn Tất Thành có điều kiện tiếp thu nền văn minh phương Tây sâu sắc hơn, nhưng anh cũng hiểu rõ hơn bản chất khai hoá mị dân của khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà thực dân Pháp đang rao giảng. Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn can ... khởi xướng đã tác động rất lớn đến nhận thức của Nguyễn Tất Thành, anh đã tham gian làm liên lạc cho các tổ chức yêu nước và vận động bạn cùng lớp ủng hộ các phong trào yêu nước. Đây là những hoạt động đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh yêu nước của Nguyễn Tất Thành, để từ đó anh quyết định tạm biệt mái trường Quốc Học, đi dần vào miền Nam, ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà độc lập thống nhất, trường THPT Quốc Học thật sự trở thành ngôi trường XHCN, nơi thu hút và đào tạo học sinh năng khiếu của Thừa Thiên Huế, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tưởng nhớ đến người học trò xuất sắc của trường, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cùng với trường Quốc Học đã xây dựng tượng anh Nguyễn Tất Thành ở ngay vị trí trung tâm của trường. Trường Quốc Học tự hào đã góp phần bồi đắp nên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một lãnh tụ thiên tài cho dân tộc: Hồ Chí Minh. * Di tích Trường Quốc Học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 26/3/1990, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2020. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế 1181 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật