Điểm di tích

Khu Giao tế Quảng Bình

Tọa lạc ở thôn Giao Tế, Đức Ninh, cách trung tâm thành phố Đồng Hới chỉ 3km về phía Tây, Di tích lịch sử Quốc gia, cơ quan Giao tế – Chuyên gia (gọi tắt là Khu giao tế Quảng Bình) được thành lập ngày 21-8-1954 và giải thể vào tháng 7-1988. Trong 34 năm thực hiện sứ mệnh ngoại giao, cơ quan này đã đón tiếp chu đáo trên 450 đoàn khách trong và ngoài nước. Với vai trò lịch sử vô cùng to lớn của mình, Khu Giao tế Quảng Bình được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, ngày 4-12-1998. Khu giao tế Quảng Bình khi mới thành lập có trụ sở tại thị xã Đồng Hới. Thời kỳ đầu, Khu Giao tế Quảng Bình được xây dựng ở thị xã Đồng Hới, nhiệm vụ của Khu Giao tế lúc này là đưa đón các đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, các đoàn khách đến thăm và công tác tại tỉnh. Năm 1964, khi giặc Mỹ điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong mưa bom bão đạn, để bảo đảm hoạt động đưa đón, phục vụ khách, Giao tế Quảng Bình đã liên tục chuyển trụ sở tiếp khách cũng như bắt buộc phải chia hoạt động giao tế thành những nhóm nhỏ, đóng tại nhiều địa phương trong tỉnh như Đức Ninh, Cộn, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Bố Trạch… Năm 1970, Ủy ban hành chính Quảng Bình quyết định triển khai xây dựng Khu Giao tế tại đồi Đức Ninh. Việc xây dựng đang dang dở thì đế quốc Mỹ quay trở lại, tiếp tục mở rộng cuộc chiến với âm mưu ngày càng xảo quyệt hơn. Khu Giao tế lại tiếp tục sơ tán lên vùng Cộn. Năm 1973, khi Hiệp định Pari vừa được kí kết, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị cho Quảng Bình gấp rút xây dựng Khu Giao tế tại Đức Ninh để phục vụ tổ cố định quốc tế đóng tại Đồng Hới giám sát Hiệp định Genevơ. Với bao bộn bề, thiều thốn của một tỉnh vừa mới thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt và trường kỳ, Quảng Bình đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai nhiệm vụ mới. Chỉ sau một thời gian ngắn, Khu Giao tế đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động. Với khuôn viên gần 4 héc-ta, Khu Giao tế được chia thành nhiều khu vực như: khu nhà nghỉ cho khách trong nước, khu nhà nghỉ cho khách nước ngoài, nhà làm việc, hội trường, bếp ăn… Tháng 5/1973, 19 đoàn ngoại giao quốc tế và Đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam – Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu cùng các ông Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Thích Đôn Hậu… đã đến khu Giao tế để làm công tác chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam – Việt Nam. Tháng 9/1973, khu Giao tế đã vinh dự đón và phục vụ Đoàn khách cao cấp của Đảng và Nhà nước Cu Ba do đồng chí Phi đen-Catxitơrô dẫn đầu. Tại đây Chủ tịch Phi đen-Catxitơrô đã ở lại nhiều ngày để vào thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị. Cũng tại khu Giao tế này, lãnh đạo cao nhất của các nước Lào, Campuchia, Tiệp Khắc, Đảng Cộng sản Pháp… đã đến làm việc và nghỉ tại đây. Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta như đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ đã từng vào nghỉ lại ở khu Giao tế để làm việc. Tại khu Giao tế, nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bàn về giải phóng miền Nam đã được khởi xướng… Nguồn: Du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 198 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Lăng mộ và nhà thờ Đề Đốc Lê Trực

Nhà thờ và khu mộ Đề đốc Lê Trực ẩn mình bên dòng sông Gianh, thuộc làng Thanh Thủy, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Đề đốc Lê Trực là thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương lừng danh, một tấm gương trung trinh yêu nước mà hậu duệ bây giờ vẫn kể. Vào cuối thế kỷ XIX, xã hội phong kiến Việt Nam ngày một rối ren, Đàng Trong thì nội bộ lủng củng đố kỵ nhau, Đàng Ngoài thì thực dân Pháp ra sức lấn chiếm. Trước sức mạnh của chủ nghĩa thực dân với phương thức sản xuất Tư Bản chủ nghĩa, triều đình phong kiến nhà Nguyễn liên tục phải ký các hiệp ước đầu hàng với Pháp. Sau khi triều đình phong kiến nhà Nguyễn ký các hiệp ước bán nước, khắp nơi trên đất nước ta từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ rồi Nam Kỳ phong trào kháng chiến chống Pháp nổi lên mạnh mẽ, đặc biệt là khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương thì phong trào khởi nghĩa lan rộng ra khắp các tỉnh, làm cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ. Ở Quảng Bình phong trào kháng chiến của nhân dân nổi lên rầm rộ, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là nghĩa quân do Đề Đốc Lê Trực đứng đầu. Lê Trực người làng Thanh Thủy, phủ Quảng Trạch (nay là xã Tiến Hóa – Tuyên Hóa) Ông đỗ Tạo sỹ (Tam Giám Tiến sỹ võ), nguyên làm lãnh binh Hà Nội. Khi tướng giặc Henry Ryviere hạ thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn, Ông bị triều đình cách chức. Đến khi nhận chiếu Cần Vương vào năm 1885, các cuộc khởi nghĩa ở khắp nơi bùng lên, Lê Trực tập hợp một số quân dân đứng lên khởi nghĩa ở vùng sông Gianh, lấy Cửa Xai trong vùng núi Thanh Thuỷ làm căn cứ, được Tôn Thất Thuyết cho phục nguyên hàm. Từ đó, ông kêu gọi sĩ phu, thân sĩ trong vùng theo Hàm Nghi chống Pháp. Nghĩa quân của Lê Trực ngày một phát triển mạnh mẽ, tầm hoạt động càng lớn, tiếng vang ra khắp các địa bàn. Lê Trực đã tổ chức được nhiều cuộc tấn công lớn, nhỏ, đánh tập kích vào đồn bốt địch, bắt giết lũ tay sai bán nước. Tuy phong trào Cần Vương bị thất bại, các văn thân, sỹ phu yêu nước, người bị bắt, người bị giết nhưng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất và ngọn lửa hồng truyền thống ấy luôn luôn cháy rực trong lòng nhân dân cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng. Đến khoảng ngày 28,29 tháng 9 năm 1888, khi hay tin vua Hàm Nghi bị bắt và bị giải về Đồn Thuận Bài, Quảng Trạch, Ông và một số đề đốc khác đã đến bái kiến vua và nộp mình. Tuy nhiên, Ông vẫn không chịu nhận niên hiệu vua mới Đồng Khánh mà chỉ lấy niên hiệu vua Hàm Nghi. Đầu năm 1891, cụ Lê Trực đã phải giải hoà với Pháp để bảo vệ cuộc sống cho dân lành. Phong trào Cần Vương Quảng Bình kết thúc. Lê Trực mất tại quê nhà vào tháng 6 năm Đinh Mẹo (1918), tại làng Thanh Thủy, Tuyên Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình-Hưởng thọ 90 tuổi. Lê Trực mất ở quê nhà nhưng tên tuổi ông vẫn gắn liền với những địa danh như tên làng, tên phố, tên đường. Hình ảnh, công lao cùng ý chí kiên cường của ông vẫn sống mãi trong lòng nhân dân. Để tưởng nhớ một người con trung với nước, hiếu với dân, tận tuỵ, gian khổ một lòng vì tổ quốc, giang sơn, nhân dân và bà con đã góp công, góp của để xây dựng nhà thờ, mộ của Ông vào năm 1912. Khu Di tích Mộ và Nhà thờ Đề đốc Lê Trực đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc Gia, ngày 21 tháng 6 năm 1993. Nguồn: Du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 191 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Di tích đình làng Minh Lệ Quảng Bình

Đình Làng Minh Lệ thuộc thôn Minh Lệ, tổng Thuận Phi, Phủ Quảng Trạch nay thuộc làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Đình làng nằm cách trụ sở UBND xã 400m về phía Tây Bắc, cách thị trấn Ba Đồn 6km về phía Tây Nam, cách ga Minh Lệ 400m về phía Đông Bắc. Đình Làng Minh Lệ được xây dựng từ những năm 1464 dưới thời vua Lê Thánh Tông, hoàng đế thứ 5 của nhà Lê sơ. Đây là nơi thờ tự linh thiêng và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tính ngưỡng, là nhân chứng của lịch sử. Đình làng Minh Lệ là nơi thờ tự thành hoàng làng Trương Hy Trọng và 4 vị đức thần tổ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần. Ông là người con trai thứ hai của Trương Công Lang – là một vị tướng tài của vua Lê Lợi. Trương Hy Trọng tên thật là Trương Công Chấn tiếp nghiệp cha đã lập nhiều chiến công to lớn trong công cuộc chống quân Chiêm Thành, trấn giữ vùng Thuận Hóa. Ông cùng 3 họ Nguyễn, Hoàng, Trần đã có công chiêu dân, khai phá cùng đất phía Nam sáng lập ra xã Thị Lệ gồm 5 thôn: Minh Lệ (Quảng Minh), thôn Đoài (Diên Trường-Quảng Sơn), Vĩnh Ninh (Hoà Ninh-Quảng Hoà), Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc (Quảng Lộc). Năm 1493 sau trận đánh tại Thành Lồi ông đã bị trọng thương và tạ thế tại tại quê làng Minh Lệ. Vua Lê đã vô cùng thương tiếc cho nhân tài của đất nước nên đã sắc phong cho ông là “Cai tri phương tước hầu”. Năm Quang Trung thứ hai ông được phong sắc Trung lang Thượng Tướng Quân. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử thì Đình Làng Minh Lệ vẫn trường tồn với thời gian cùng những giá trị văn hóa và tinh thần vô cùng to lớn đối với nhân dân. Đình làng Minh Lệ được xây dựng công phu từ các khối hình rồng, phượng, đến các bức vẽ, chạm khắc, thể hiện màu sắc nhất là sự bố trí, cấu trúc các cửa, các vòm liên tiếp nhau, cửa chìm vào tường, cửa thông các gian, tường dày, hơi thấp về độ cao. bố cục trong phép đối xứng, đình hậu lại làm theo kiểu mái cuốn vòm kế tiếp nhau thành hai vòm, càng vào trong càng thấp xuống. Mặt rồng hung dữ, thân rồng thô, chân rồng chắc khoẻ thể hiện thế lực đầy quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Đình Minh Lệ là khu di tích bao gồm: cổng, thành bao, sân, bình phong, đình trung và đình hậu. Trong đó đình trung có bốn mái, hai mái trước và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con rồng lượn được cách điệu bằng hoa lá, đầu rồng ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình rồng lượn vuốt cong, nâng mái lên cao uyển chuyển, giữa hai đường mái trước là hình khối những con lân. Gian giữa thông với gian hai bên bằng ba cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng 3 cửa vòm. Đình làng Minh Lệ gắn liền với nhiều những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương qua các thời kỳ. Như trong thời kỳ vận động thành lập đảng, khởi nghĩa giành chính quyền 1945, hay cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Đến năm 1992 Đình Làng Minh Lệ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia. Hàng năm trong các ngày lễ tết, con cháu trong làng từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đều về đây dâng hương. Nguồn: Du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 187 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chiến Khu Trung Thuần

Chiến khu Trung Thuần nằm ở vùng bán sơn địa thuộc địa phận hai xã Quảng Lưu và Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, cách thị trấn Ba Đồn chừng 5 km về phía Tây. Từng là căn cứ địa cách mạng quan trọng của quân và dân Quảng Trạch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quôc Mỹ xâm lược, chiến khu Trung Thuần đã trở thành chứng tích lịch sử hào hùng, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Chiến khu Trung Thuần là di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia năm 1995. Chiến khu nằm trên diện tích 2 xã là Quảng Lưu và Quảng Thạch. Tuy nhiên, diện tích chính chủ yếu vẫn thuộc xã Quảng Thạch. Chiến khu Trung Thuần xưa là một thung lũng bao kín với nhiều núi cao và rừng rậm theo hình chữ U. Trong chiến khu có đỉnh Chóp Chài cao gần 1.000m so với mực nước biển đã trở thành “đài” quan sát lý tưởng cho cả vùng. Ở các xóm nhỏ của Trung Thuần như Dương Khê, xóm Hà, Xuân Vương, Kim Thanh, Tam Đa, Trung Chính, Tiền Miếu, Dinh Cừ, Phù Lưu, Vân Tập... các nhà Khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ như: Trống đồng Phù Lưu, trống đồng Đông Sơn loại I, lưỡi câu đồng, rìu đồng và dấu tích phế đô Lâm ấp. Trung Thuần trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh là căn cứ lớn của quân Trịnh ở phía Bắc sông Gianh, căn cứ Đại Đồn (Trung Thuần) cùng với đồn Roòn, đồn Thuận Bài là những phòng tuyến chiến lược quan trọng của quân Trịnh ở phía Bắc sông Gianh, những dấu tích còn lại như giếng Tàu Voi, hòn Vọng Bái... Trong thời kỳ Cần Vương, Trung Thuần là căn cứ của nghĩa quân Lê Trực trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Bình. Trung Thuần là căn cứ quan trọng trong cả hệ thống căn cứ Cần Vương như Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), Quy Đạt, Khe Ve v.v..., những dấu tích còn lại như Bãi Tập, Bạch Thạch, Linh Thần, Ao cá, Khe đá mài, xóm Tiền Miếu, xóm Xuân Vương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến khu Trung Thuần không chỉ là nới Huyện ủy, Ủy ban hành chính và các cơ quan đầu não của huyện Quảng Trạch làm việc mà còn là nơi huấn luyện, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền và bổ sung lực lượng để cùng tự vệ Võ Xá giành chính quyền tại thị xã Đồng Hới tháng 8-1954. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung thuần là hậu cứ của Binh đoàn B70 quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là điểm trung chuyển trong hệ thống đường Hồ Chí Minh chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Do có vai trò quan trọng nên những năm 1968 và 1972, chiến khu Trung Thuần bị máy bay Mỹ bắn phá rất ác liệt. Bộ đội địa phương và người dân hy sinh rất nhiều, tuy nhiên, với ý chí quật cường, điều đó vẫn không làm lung lay tinh thần cách mạng của quân và dân nơi đây. Với đóng góp quan trọng của mình, năm 1971, chiến khu Trung Thuần vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm và tổng kết chiến thắng Đường 9-Nam Lào. Nguồn: Báo Quảng Bình

Quảng Bình 228 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Thành cổ Đồng Hới

Thành cổ Đồng Hới là một bộ phận nằm trong tổng thể các di tích lịch sử quân sự của Đồng Hới vào thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, được xây dựng trên một vùng đất xung yếu của đường xuyên việt từ Bắc vào Nam. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi là phía Đông giáp với sông và cửa biển Nhật Lệ, vừa là nơi tiếp viện quân, vừa góp phần chặn đứng mũi tiến công bằng đường thuỷ của đối phương, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự thắng lợi trong công cuộc Bắc tiến của 9 đời chúa Nguyễn, kết thúc 200 năm nội chiến. Đồng thời, thành Đồng Hới còn ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân Quảng Bình qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Thành Đồng Hới được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 10 (1812). Thành được xây trên mảnh đất năm xưa chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho dựng luỹ Trấn Ninh (hay còn gọi là luỹ Đào Duy Từ - 1631) và đồn Động Hải (1774) trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Lúc đầu thành được xây bằng đất, đến đời vua Minh Mạng, ông đã nhờ một viên sỹ quan Pháp thiết kế lại và xây bằng gạch vào năm 1824 theo kiến trúc vô băng, mang dáng dấp thành lũy quân sự, hình mũi khế, 4 múi to, 4 múi nhỏ theo hướng tây nam-đông bắc và tây bắc-đông nam. Thành có 3 cổng lớn bắc-nam-đông, trên cổng có vọng canh 8 mái, cổng thành xây cuốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào. Ngoài thành, cách chân thành khoảng 5-6m là hào rộng 7 trượng (28m), mặt ngoài thành đắp đất phụ thêm 3 trượng, thành được xây bằng gạch, vữa bằng mật mía trộn cát, không tô trát, gạch có độ nung cao, loại gạch to còn gọi là gạch vồ. Năm Nhâm Dần 1842, vua Thiệu Trị trên đường đi tuần du ra Bắc qua lũy Trấn Ninh đã đổi tên cũ thành tên Định Bắc Trường thành và cho tu sửa lại. Năm 1885, thực dân Pháp đánh miền Trung, thành Đồng Hới trở thành nơi phòng ngự, phản công của quan quân nhà Nguyễn. Ngày 19-7-1885, thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới lần 2 và thành đã rơi vào tay Pháp. Trong phong trào Cần Vương, quân và dân Quảng Bình tham gia nghĩa quân do Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy đã 3 lần đột nhập vào thành Đồng Hới vào tháng 1, 6, 8 năm 1886 tấn công binh lính Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất. Trong thời chống Pháp, thành Đồng Hới là nơi tụ nghĩa, tụ quân, là điểm hẹn của những con người dám sống, dám hy sinh vì Tổ quốc. Phần lớn thành Đồng Hới đã bị phá hỏng trong thời kỳ Pháp thuộc. Sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, với mục đích san phẳng và huỷ diệt, biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã trút xuống Đồng Hới hàng vạn tấn bom đạn và phá huỷ một phần thành cổ. Ngày nay thành Đồng Hới chỉ còn khoảng 1.087m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế, đoạn thành phía nam còn lại 2/3 tương đối nguyện vẹn, đoạn thành phía đông còn 3 cổng, 2 cầu nam, bắc thành đã bị sập hoàn toàn, nhìn rõ nhất từ trên bản đồ là một hào nước xung quanh thành theo kiến trúc xưa. Mặc dù đã bị phá huỷ nhiều qua hai cuộc chiến tranh nhưng thành Đồng Hới vẫn bảo lưu được những yếu tố gốc cần thiết. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cùng với thời gian thành Đồng Hới là nhân chứng, cũng là pho sử ghi dấu một thời kỳ đấu tranh anh dũng của người dân Đồng Hới-Quảng Bình và cả nước trong cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam yêu dấu. Với tầm quan trọng là một di tích tồn tại hơn 200 năm, là chứng tích lịch sử quan trọng của mãnh đất Đồng Hới-Quảng Bình, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã xếp thành Đồng Hới là một trong 32 công trình trong danh mục dự án văn hoá trọng điểm được đầu tư từ năm 2001-2010. Nguồn: Báo Quảng Bình

Quảng Bình 202 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Di tích lịch sử Trạm thông tin A72 Quảng Bình trạm thông tin a72

Tổng Trạm thông tin A72 nằm trong hệ thống hang đá thuộc núi An Bờ, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi ghi dầu những chiến công thầm lặng, tinh thần quyết chiến quyết thắng, không ngại gian khổ, hi sinh, ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sở thông tin liên lạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. A72 là Tổng trạm cơ vụ quan trọng của Trung đoàn Thông tin 136, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, đặt ở vùng núi An Bờ, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào những năm 1966-1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang giai đoạn mới quyết liệt hơn, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng thêm tuyến thông tin từ Bắc Nghệ An vào sát bờ Bắc sông Bến Hải. Từ đường trục này sẽ có nhiều đường nhánh toả về các địa bàn để Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo các mặt trận phía Nam Quân khu 4, mặt trận Trị Thiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559), Đoàn vận tải 500 của Bộ Giao thông vận tải và mặt trận Nam Lào. Theo đó, Cục Thông tin liên lạc (tiền thân của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc sau này), quyết định thành lập Đại đội 7 trực thuộc Trung đoàn Thông tin 136, quản lý và khai thác tuyến dây trần hơn 300 cây số từ Giang Sơn-Nghệ An vào điểm cao 316-Vĩnh Linh. Tuyến này có 3 trạm cơ vụ đều ở trên đất Quảng Bình là: A69 ở Lèn Hà-Tuyên Hoá; A70 ở Khương Hà-Bố Trạch và A72 ở An Bờ-Lệ Thuỷ. Ngày 7-1-1967, tại hang lèn núi An Bờ, xã Ngân Thủy, Tổng trạm Thông tin A72 thuộc Đại đội 7, Trung đoàn 136, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc được thành lập. Trạm cơ vụ A72 có tới 50 mạch thoại cao tần, 28 đầu máy tải ba các loại và 2 tổng đài loại 100 số. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho các hướng chiến trường, A72 còn là trạm đón tiếp các cơ quan của Bộ Quốc phòng và phái viên cấp cao của Đảng và Nhà nước vào trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các chiến dịch. Nơi đây trở thành trung tâm chỉ huy chiến dịch. Công việc của cán bộ, chiến sĩ Trạm A72 tăng tới 7-8 lần so với bình thường. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ở tại hang đá trong Sở chỉ huy, khu vực Tổng trạm Thông tin A72, cùng các tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy quân và dân ta chiến đấu trong “Chiến dịch đường 9-Nam Lào” lịch sử. Đánh bại hoàn toàn “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” của quân đội đế quốc Mỹ và quân ngụy của chính quyền Sài Gòn. Một chiến công vang dội, oai hùng vào bậc nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Tổng trạm Thông tin A72, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Sở chỉ huy của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống ác liệt nhất. Tháng 12-1982, trước yêu cầu về tổ chức lực lượng, Bộ Quốc phòng đã sáp nhập Trung đoàn 136 vào Trung đoàn 134, thống nhất nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc hữu tuyến từ miền Bắc vào miền Trung. Từ năm 1967-1982, Tổng trạm Thông tin A72, Đại đội 7, Trung đoàn 136 đã trưởng thành vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, góp phần vào sự nghiệp chiến đấu xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trung đoàn được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đại đội 7 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Tổng trạm Thông tin A72 ở xã Ngân Thủy được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia. Nguồn: Báo du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 212 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Lăng Nguyễn Hữu Cảnh

Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi cao, cây cối thoáng mát của dẫy núi An Mã thuộc xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy. Nguyễn Hữu Cảnh là quan có công lớn dưới thời chúa Nguyễn trong việc đánh giặc, mở cõi, định hình lãnh thổ Việt Nam trong một quốc gia thống nhất. Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại thôn Phước Long, Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông được phong tước Lễ Thành Hầu, Khai Quốc Công Thần, liệt vào hạng Thượng Đẳng Công Thần và thờ ở Thái Miếu. Nguyễn Hữu Cảnh là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Thuộc dòng dõi con nhà tướng, tổ tiên là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc – người khai quốc công thần thời nhà Đinh – Nguyễn Hữu Cảnh cũng là cháu đời thứ 9 của Nguyễn Trãi – người khai quốc công thần nhà Lê. Sinh ra trong gia đình truyền thống, lớn lên ở thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh nên tài năng của Nguyễn Hữu Cảnh sớm bộc lộ. Ở tuổi đôi mươi, Nguyễn Hữu Cảnh nổi tiếng khắp vùng bởi văn võ song toàn. Ông theo cha chinh chiến khắp nơi, lập nhiều công lao nên Chúa Nguyễn phong cho chức Cai cơ. Người có vóc dáng hùng dũng, da ngăm đen, sinh năm Dần nên dân gian gọi ông bằng biệt danh “Hắc Hổ”. Lịch sử cũng ghi nhận ông từng nhiều lần đem quân dẹp nhà Chiêm Thành quấy nhiễu phương Nam. Đầu năm 1692, chúa Nguyễn phái Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân bình định biên cương, thành lập trấn Thuận Thành (đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Bình định vừa xong, một nhóm người Thanh, đứng đầu là Aban xúi giục bè đảng dấy loạn. Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh dẹp bọn tạo phản, đem lại sự an ninh cho dân chúng bản hạt rồi được cử làm trấn thủ dinh Bình Khương (còn được gọi Bình Khang, nay là vùng Khánh Hòa – Bình Thuận). Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur, có sách ghi Nặc Ong Thu) đem quân tiến công Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh, lo việc đánh dẹp và an dân. Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Nam Vang), đánh tan quân của Nặc Thu. Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh bị bệnh. Ngày 16 tháng 5 năm 1700. Nguyễn Hữu Cảnh mất tại Sầm Giang (Rạch Gầm). Đến năm 1802, di hài của Nguyễn Hữu Cảnh được hậu duệ cải về an táng tại xã Trường Thủy. Hiện nay trong khuôn viên Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh ở Quảng Bình còn tấm bia đá rất có giá trị. Bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh cao khoảng 1,2m, được tạc bằng đá xanh (cẩm thạch). Sau khi ông mất nhân dân miền Nam nói chung và nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lập miếu thờ ông ở nhiều nơi. Dù mấy thế kỷ đã đi qua song tên tuổi và sự nghiêp của Nguyễn Hữu Cảnh còn mãi khắc ghi với người dân Việt nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng. “Công Lễ Thành Hầu đi mở đất Nghìn năm con cháu mãi còn ghi” Ngày 25/3/1991 Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nguồn: Du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 185 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Đèo Đá Đẽo

Đèo Đá Đẽo nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông huyền thoại gắn liền với lịch sử Việt Nam. Đèo dài 17km thuộc địa phận của xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sở dĩ người ta gọi là Đèo Đá Đẽo bởi vì con đèo nằm vắt ngang qua đỉnh một ngọn núi đá vôi dài hơn 10 km. Ngày trước đây chỉ là một con đường mòn nhỏ, nhưng khi chiến tranh Việt Nam, các anh hùng thanh niên xung phong đã mở đường Trường Sơn là con đường huyết mạch cho việc vận chuyển quân, lương, vũ khí… chi viện cho chiến trường miền Nam. Người đi trước đẽo đá mở đường để quân ta tiếp bước đi sau, cũng chính lẽ đó có tên là đèo Đá Đẽo. Địa hình khu vực đèo Đá Đẽo khá đa dạng với đồi núi, thung lũng xen kẽ và bị chia cắt bởi một bên là dãy núi cao, một bên là vực sâu thẳm. Đèo với các đường vòng cua cong gấp, độ dốc khá lớn, bị xói lở nhiều. Khí hậu ở đây lại vô cùng khắc nghiệt với gió Lào nắng cháy, mưa lũ triền miên… Trong những năm tháng chiến tranh, đèo Đá Đẽo là một trong những điểm khốc liệt, bị bom đạn bắn phá suốt ngày đêm. Các loại máy bay tiêm kích, B52 dội bom liên tục, bên cạnh đó là pháo từ hạm đội 7 Hoa Kỳ bắn từ biển Đông. Nơi đây tưởng chừng như đã bị san phẳng thành bình địa bởi bom đạn quân thù. Biết bao thanh niên xung phong đã ngã xuống đảm bảo lưu thông cho tuyến đường trọng điểm. Chiến tranh tàn khốc là thế, bom đạn ác liệt là thế nhưng Đèo Đá Đẽo vẫn sừng sững hiên ngang. Cùng những đôi bàn tay trần không ngại gian lao, hiểm nguy của chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong. Tất cả với tinh thần “máu có thể đổ, đường không thể tắc”, sau khi tiếng bom vừa dứt thì tất cả các anh, các chị ào ra mặt đường lấp hố bom, khắc phục thiệt hại. Khi xây dựng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh công nghiệp hóa hiện đại hóa, đèo Đá Đẽo đã được cải tạo nâng cấp. Trở thành tuyến đường du lịch về thăm chiến trường xưa vô cùng ý nghĩa. Ngay trên đỉnh đèo vẫn còn một tấm bia đá ghi dấu thời kỳ lịch sử: “Đèo Đá Đẽo trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972”. Khi đi qua đèo Đá Đẽo chúng ta có thể cảm nhận được phần nào sự tàn khốc của chiến tranh, cũng để tưởng nhớ những người con đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những câu chuyện, những sự tích oai hùng nơi đây sẽ được truyền mãi đến mai sau. Ngay dưới chân đèo Đá Đẽo là thung lũng Chà Nòi, một khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp. Nằm tựa mình bên dãy núi đá vôi hùng vỹ thuộc Phong Nha Kẻ bàng, có sông, suối, bao quanh bởi những làn sương khói mờ ảo. Nguồn: Du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 204 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Chùa Hoằng Phúc

Chùa Hoằng Phúc với khởi nguồn là am Tri Kiến, chùa Kính Thiên, dân gian thường gọi là chùa Trạm hay chùa Quan, thuộc phường Thuận Trạch (nay là xã Mỹ Thủy), huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trải qua hơn 700 năm lịch sử, chùa Hoằng Phúc vẫn tồn tại và phát triển với nhiều lần trùng tu, phục dựng. Năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng lại chùa trên nền cũ và đặt tên là Kính Thiên Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa, cho tu sửa lại, ngự để hai bức hoành biểu “Kính Thiên tự“, “Vô song phúc địa”, và ngự chế 5 đôi liễn treo ở chùa. Năm 1821, vua Minh Mạng ghé thăm chùa, cho đổi tên chùa thành “Hoằng Phúc tự”. Năm 1823, 1826 vua ban 250 lạng bạc cho tu sửa lại chùa. Năm 1842, vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, đến thăm chùa Hoằng Phúc, cấp 300 lạng bạc để trùng tu chùa. Chùa Hoằng Phúc không những là nơi thờ tự Đức Phật, nơi hoằng dương Phật pháp mà còn là nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương qua các thời kỳ. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, với vị trí nằm ở vùng bán sơn địa, xung quanh cây cối um tùm và giáp với Mỹ Thổ – Trung Lực, nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở phía Nam tỉnh Quảng Bình (1931). Chùa Hoằng Phúc đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu, che chở cho cán bộ về đây hoạt động. Đặc biệt năm 1943, đồng chi Bùi Trung Lập cán bộ của Xứ uỷ Trung Kỳ cũng đã đến đây để gặp gỡ cán bộ cách mạng, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, tinh thần đấu tranh đến quần chúng nhân dân. Đầu thàng 5 năm 1945, theo chỉ thị của cấp trên, Ban vận động khởi nghĩa các làng được thành lập, chùa Hoằng Phúc được chọn là nơi hội họp để triển khai các chỉ thị khởi nghĩa của cấp trên và chuẩn bị lực lượng, vũ khí tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ngày 23/8/1945. Trong những năm tháng đấu tranh ác liệt đó, chùa Hoằng Phúc là nơi cất giấu vũ khí, nơi kết nạp, huấn luyện dân quân tự vệ, nơi các cán bộ quân sự cấp trên về hội họp và cùng tổ chức những trận tập kích ở địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Bình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ Thuỷ là một trong những xã tiếp giáp trực tiếp với tiền tuyến lớn miền Nam. Nơi đây là hậu cứ của chiến trường B, nơi tập kết hàng hoá, vũ khí, điểm dừng chân trước khi vào chiến trường miền Nam. Các phật tử trong chùa Hoằng Phúc đã cùng nhân dân địa phương tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại địa phương. Năm 1967, chùa Hoằng Phúc đã bị bom đạn đánh sập sau những đợt không kích của giặc Mỹ Trước đây, hệ thống tượng thờ tại chùa Hoằng Phúc có số lượng khá lớn, được thiết kế trên 7 cấp thờ. Tuy nhiên, hiện nay chùa chỉ còn lại 07 pho tượng các loại với chất liệu, kĩ thuật chế tác, kiểu dáng và mỹ thuật trang trí khác nhau. Trong đó, có 5 pho tượng bằng đồng và 2 pho tượng bằng gỗ. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ đại hồng chung đúc năm Minh Mạng thứ 20 (1839) để tên Hoằng Phúc linh chung. Tháng 11 năm 2014, công trình phục dựng lại chùa Hoằng Phúc được triển khai thực hiện theo lối chùa cổ thời nhà Trần gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, tháp Phật, Tam bảo, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác. Với những giá trị lịch sử của chùa, ngày 09/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 209 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Di tích vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng tọa lạc tại vùng núi Trung Trung Bộ Việt Nam, là một kỳ quan thiên nhiên nằm ở phía Tây Nam sông Gianh. Với vị trí địa lý độc đáo, di tích vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng giáp với nước Lào ở phía Tây và Tây Nam; phía bắc giáp với xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa; phía Đông Nam giáp với xã Trường Sơn, Huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Di tích quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng không chỉ là núi đá vôi lớn nhất thế giới; nơi đây còn sở hữu những hang động kỳ vĩ, những dòng sông bí ẩn và những thác nước tuyệt đẹp. Từ những hang động nổi tiếng được biết đến từ thập kỷ 1920 và được khai thác du lịch từ thời Pháp thuộc, đến những phát hiện mới gần đây từ Đoàn thám hiểm Hang động Hoàng gia Anh, di tích này vẫn làm cho người người mê mẩn bởi những cảnh đẹp mà tạo hóa ban tặng cho nơi đây. Hệ thống hang động ở vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng thuộc loại hang động cổ nhất Đông Nam Á, với những tác động tự nhiên từ hơn 35 triệu năm trước. Đây cũng là nơi hình thành các hệ sinh thái đa dạng nhờ vào khối đá vôi lớn nhất Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của rừng nguyên sinh. Với hơn 15 kiểu sinh cảnh và 10 loại thảm thực vật quan trọng, Phong Nha Kẻ Bàng che phủ rừng nguyên sinh đến 83,74% diện tích. Điều làm nên sự nổi bật của di tích Phong Nha Kẻ Bàng không chỉ nằm ở phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, mà còn nằm ở sự đa dạng sinh học. Với hơn 2.600 loài thực vật, 735 loài động vật có xương sống và 369 loài côn trùng, trong đó có nhiều loài sinh vật quý hiếm được liệt kê vào sách đỏ. Nơi đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài linh trưởng và dơi đặc hữu, góp phần làm cho hệ sinh thái ở đây trở nên phong phú và đa dạng. Ngoài giá trị sinh học, di tích vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử. Từ những dấu tích văn hóa cổ xưa của người Chăm, Việt cổ, cho đến những kỷ vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tất cả điều đó đã mang đến cho di tích Phong Nha Kẻ Bàng những giá trị lịch sử và văn hóa vô cùng to lớn. Nhờ đó mà vào tháng 7 năm 2003, di tích vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản thiên nhiên của thế giới. Đến ngày 12/8/2009, thủ tướng chính phủ nước Việt Nam đã công nhận di tích vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là một trong những di tích lịch sử Quảng Bình được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nguồn: Du lịch Quảng Bình

Quảng Bình 194 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

Điểm di tích nổi bật