Di tích lịch sử

Bắc Ninh

CHÙA DẠM

(BNP) – Chùa Dạm là ngôi chùa cổ nằm trên núi Dạm (phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Chùa thờ Phật và Nguyên Phi Ỷ Lan (dân gian gọi bà là Tấm nên cũng gọi là chùa Bà Tấm). Chùa còn có nhiều tên gọi: Chùa Dạm, Lãm Sơn, “Cảnh Long Đồng Khánh”, “Thần Quang tự”. Sử chép và truyền kể, chùa do đích thân Nguyên Phi Ỷ Lan chọn địa điểm và hưng công xây dựng từ mùa đông năm 1086 đến năm 1094 thì hoàn thành và được coi là “Trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước Đại Việt”. Đây là một công trình quan trọng nên vua Lý Nhân Tông rất quan tâm chăm lo và khi chùa hoàn thành đã ban tên “Cảnh Long Đồng Khánh”. Trải qua trường kỳ lịch sử, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị dỡ bỏ. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1986, nhân dân địa phương xây dựng 3 gian chùa nhỏ trên nền đất cũ để thờ Phật.Kế thừa kết quả khảo cổ học, từ năm 2015 đến nay, cũng như việc tham vấn ý kiến của giới chuyên gia, các nhà khoa học, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện việc quy hoạch tổng thể và xây dựng “khu di tích văn hóa và sinh thái núi Dạm”. Chùa Dạm được trùng tu tôn tạo, với quy mô to lớn, khang trang tố hảo, cùng với hệ thống tượng thờ và đồ thờ tự tại chùa giá trị lớn về nghệ thuật, thẩm mỹ đại diện cho đặc trưng mỹ thuật mỗi thời kỳ. Hiện tòa Tam Bảo có kết cấu mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Công (I); bao gồm các công trình như: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng Điện. Toàn bộ công trình làm bằng gỗ lim to chắc khỏe đồ sộ. Tiền đường 7 gian 2 chái 4 mái đao cong; có kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách “chồng rường bán giá chiêng”. Nối giữa tiền đường và thượng điện là 3 gian thiêu hương. Thượng điện 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, có kết cấu vì tương tự tòa Tiền đường, có hệ thống hiên chạy bao quanh công trình chính. Các hạng mục chùa mới có quy mô kiến trúc đồ sộ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, đắp vẽ, trang trí tinh xảo bằng kỹ thuật truyền thống. Hệ thống cửa bức bàn mở cả 7 gian, 2 hồi xây tường gạch trổ cửa kiểu chữ “Thọ”. Ngoài ra, chùa còn có Nhà Tổ, nhà Mẫu xây dựng đăng đối hai bên, mỗi tòa 3 gian 2 chái 4 mái đao cong và bộ khung gỗ chịu lực và có kết cấu tương tự nhau. Hiện chùa còn bảo lưu tại cột đá chùa Dạm có niên đại từ thế kỷ XI, đã được công nhận là bảo vật Quốc gia có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học về nghiên cứu, tìm hiểu. Trong chùa còn có các tượng thờ và các đồ thờ tự đều mới tạo tác thế kỷ XXI như: 03 tượng Tam Thế, bộ tượng Dida Tam Tôn, bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, 01 tượng Ngọc Hoàng, 01 tượng Di Lặc, 01 tượng Quan âm, tượng Hộ Pháp, tượng Đức Ông, tượng Thánh Hiền, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng bà Nguyên Phi Ỷ Lan, tượng Vua Lý Nhân Tông, Hoành phi, câu đối và các đồ thờ tự….. Chùa tòa lạc trên lưng chừng phía Đông - Nam núi Dạm, nhìn xuống cánh đồng trước mặt là núi Con Rùa, xa xa là sông Tào Khê và sông Thiên Đức. Trước cửa chùa có một con mương chạy từ chân núi ra bờ sông gọi là ngòi Con Tên. Giống như hầu hết các ngôi chùa trên làng quê Việt Nam, chùa Dạm là công trình tôn giáo khởi dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị sư tổ. Ngoài ra, chùa thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan (người có công xây dựng ngôi chùa vào thời Lý), chùa còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân. Hội chùa diễn ra hàng năm vào ngày 8 tháng 9 (âm lịch). Nhà chùa cùng toàn thể nhân dân sắm sửa lễ vật cúng phật cầu bình an, sức khỏe và may mắn. Ngoài ra vào các ngày như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, tuần rằm, mùng một, dịp lễ hội truyền thống, Tết nguyên đán, các phật tử, các vãi và quý khách thập phương về dự lễ hội chùa. Chùa Dạm được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số 29 -VH/QĐ ngày 13/01/1964. Nguồn: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÌNH BẮC NINH

Bắc Ninh 6 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia Mở cửa

CHÙA TIÊU

Chùa Tiêu có tên chữ là (Thiên Tâm tự) hay còn gọi là Tiêu Sơn tự, nằm trên lưng chừng núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang - thị xã Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh. Nơi lưu giữ những di sản văn hóa quý giá của vương triều Lý và thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Theo lịch sử ghi lại, chùa Tiêu là nơi Lý Công Uẩn được đầu thai và được Quốc sư Lý Vạn Hạnh nuôi dưỡng, giáo dục trưởng thành sau trở thành bậc minh vương có công khởi lập vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt. Thái Tổ họ Nguyễn (Lý), người châu Cổ Pháp Lộ Bắc Giang; mẹ là Phạm Thị, ngày 12 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình (974) sinh ra vua. Vua khi bé đã thông minh, khí độ, rộng rãi, học ở chùa Lục Tổ, sư Vạn Hạnh trông thấy lấy làm lạ nói rằng: Đây là người phi thường sau này lớn lên tất có thể cứu nước, yên dân làm bậc minh chủ thiên hạ. Căn cứ vào sử sách và truyền thuyết dân gian, có thể coi chùa Tiêu có từ thời Tiền Lê. Đến thời Lý đã là một trong những trung tâm Phật giáo lớn, nơi trụ trì của Thiền sư Lý Vạn Hạnh, người có công nuôi dạy Lý Công Uẩn lớn khôn trưởng thành. Chùa Tiêu có nhiều công trình như: Viện Cảm Tuyền, Lầu Tiên Lĩnh, Tiền đường, Thượng điện, Hậu đường… Bên cạnh về phía Đông Nam còn có chùa Trường Liêu. Thời Lê Trung Hưng, chùa Tiêu được trùng tu mở rộng với quy mô lớn theo kiểu chùa trăm gian, nên còn có tên là chùa “trăm gian”. Đến thời Nguyễn, triều vua Bảo Đại, chùa tiếp tục được trùng tu và ghi lại trên câu đầu của toà Tam Bảo. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quân giặc đã ném bom phá hoại gần như hoàn toàn chùa Tiêu, chỉ còn sót lại một số tượng Phật và đồ thờ tự. Chùa Trường Liêu cũng bị phá hủy, chỉ còn lại ba pho tượng Tam Thế, một pho Đức Chúa và một chuông đồng có tên chùa “Trường Liêu tự chung” đúc năm Thiệu trị 3 (1843). Kiến trúc hiện tại của chùa Tiêu là kiến trúc của những lần trùng tu tôn tạo. Chùa gồm các tòa: Tam bảo, nhà Tổ, nhà khách, gác chuông và các công trình phụ trợ. Tòa Tam bảo được dựng bằng bộ khung gỗ, chạm khắc trang trí hoa lá cách điệu. Nhà Tổ có mái theo kiểu chồng diêm. Tại nhà Tổ có pho tượng cổ Thiền sư Vạn Hạnh và ngai bài vị ghi rõ “Lý triều nhập nội Tể tướng Lý Vạn Hạnh Thiền sư thần vị”. Ngoài những công trình chính, chùa Tiêu còn có một số công trình phụ trợ như: nhà khách, nhà sư… Đặc biệt, chùa Tiêu còn bảo lưu được 14 tháp cổ của các vị sư nổi tiếng từng trụ trì ở đây. Ngoài ra, trên đỉnh núi Tiêu còn có pho tượng Thiền sư Lý Vạn Hạnh cao khoảng 5m. Chùa Tiêu hiện còn bảo lưu được một số cổ vật quý giá thời Lê, Nguyễn, phản ánh về thời Lý như sau: 15 pho tượng Phật bằng gỗ chạm khắc đẹp, 01 pho tượng Thiền sư Lý Vạn Hạnh, 01 bia đá có tên “Lý gia linh thạch” niên đại “Cảnh Thịnh nguyên niên” (1793) ghi chép về lai lịch và công trạng của Lý Công Uẩn, 01 chuông đồng của chùa Trường Liêu, niên đại Thiệu trị ” (1843), 01 bia đá có tên “Cúng điền bi kỷ” niên đại Bảo Đại 3 (1923) và nhiều câu đối, thơ ca, sấm ký… Du khách về với khu di tích chùa Tiêu (Thiên Tâm tự) là tìm về những trang sử sống động tuổi ấu thơ của Lý Công Uẩn, bậc minh vương có công khai lập vương triều Lý và quốc gia Đại Việt. Về chùa Tiêu là về một vùng đất cổ với bao điều bí ẩn gắn với lịch sử, văn hóa của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc và của dân tộc Việt Nam. NGUỒN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BẮC NINH

Bắc Ninh 2 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia Mở cửa

ĐÊN THỜ KINH DƯƠNG VƯƠNG

Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, hàng ngàn vạn “con Hồng cháu Lạc” từ khắp mọi miền lại tìm về khu di tích đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, để tri ân và thờ phụng những bậc thủy tổ dân tộc có công khai mở nước. Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, truyền rằng là đất hội tụ của “Tứ linh” với 99 cái ao, 99 cái gồ, được ví như Long, Ly, Quy, Phượng chầu về, nơi duy nhất có lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước. Lăng Kinh Dương Vương nằm ở trên bãi bồi cao rộng thoáng sát bờ Nam sông Đuống và sầm uất bởi rừng cây cổ thụ bao quanh. Xưa kia, hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ thờ phụng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ), có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vụ Tiên, Thần Long và Âu Cơ. Thủy tổ Kinh Dương Vương còn được thờ làm Thành Hoàng làng thôn Á Lữ. Ngôi đình cổ ở phía Đông làng được khởi dựng với quy mô to lớn gồm 2 tòa: Tiền tế 7 gian và Đại đình có 5 gian tiền đình và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ chạm khắc “tứ kinh tứ quý” lộng lẫy. Hệ thống thần phả sắc phong của đình và đền đã cho biết rõ người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, có công khai sơn sáng thủy. Năm 1949-1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại toàn bộ đền đình chùa, dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình. Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống. Điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội: Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “ Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “ Nam tổ miếu” (Miếu tổ nước Nam)… Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các niên đại như sau: 1 đạo Gia Long 9 (1810), 1 đạo Minh Mệnh 2 (1821), 2 đạo Thiệu Trị 2 (1842), 2 đạo Thiệu Trị 6 (1846), 2 đạo Tự Đức 3 (1850), 1 đạo Tự Đức 33 (1880), 2 đạo Đồng Khánh 2 (1887), 1 đạo Duy Tân 3 (1909) và 2 đạo Khải Định 9 (1924). Kho tàng di sản văn hóa quý giá của quần thể di tích còn được thể hiện ở tín ngưỡng và lễ hội truyền thống. Tục truyền, xưa hàng năm cứ đến ngày 18 tháng giêng đền, đình làng Á Lữ lại được mở hội. Để lo việc đình đám, ngay từ trong năm làng phân công việc cho quan đám và các giáp. Giáp đăng cai lễ hội được nhận ruộng công để nuôi lợn và làm bánh chưng, bánh dày tế thần. Vào hội, ngay từ ngày 12, đền và đình được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Đến ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình đền để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng và đền Hạ để xin rước các bậc thủy tổ dân tộc về đình để tế lễ và mở hội. Từ ngày 18 đến 24, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh trưng, bánh dày. Đến ngày 25, tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi. Ngoài đình đám 18 tháng Giêng, còn có ngày sự lệ riêng của đền Thượng và đền Hạ. Tục truyền, cứ đến ngày 15 tháng 8 (âm lịch), dân làng làm 3 mâm trám đen và 3 mâm gỏi cá để tế các bậc thủy tổ Kinh Dương Vương. Lạc Long Quân và Âu Cơ tại đền Thượng và đền Hạ. Các mâm tế: “trám đen” tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên vùng rừng núi sinh cơ lập nghiệp. Còn các mâm “cá gỏi” tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống biển khai mở miền biển. Trong những ngày lễ hội, đã thu hút hàng ngàn vạn “Con lạc cháu Hồng” từ khắp mọi miền đất nước về với khu di tích lăng và đền thờ, nhằm tri ân và thờ phụng tôn vinh Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước. Với những giá trị và ý nghĩa lớn lao của khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã công bố Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích với quy mô rất lớn gồm nhiều hạng mục công trình. Khu di tích đã và đang trở thành trọng điểm du lịch văn hóa tâm linh của nước ta. Nguồn: DI SẢN VĂN HÓA THUẬN THÀNH

Bắc Ninh 4 lượt xem

Xếp hạng : Đang cập nhật Mở cửa

CHÙA BÚT THÁP

Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự - Được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay, cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 30km và chùa Dâu 3km. Ngôi chùa nằm kề bên bờ nam Sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Phát tích ngôi chùa có từ TK- XIII, được khởi dựng vào Thời vua Trần Thánh Tông, Do sư Huyền Quang sau khi đỗ trạng nguyên rồi từ quan đã về tu ở đây (Sách Chùa Bút Tháp - Bùi Văn Tiến, cũng nói đến vị trụ trì chùa thời Trần là Thiền sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ). Trải qua thời gian, chùa đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Nhưng lần trùng tu lớn nhất là vào đầu TK –XVII, thời Lê – Trịnh. Khi ấy trụ trì chùa là vị sư Chuyết Chuyết (Từ 1633-1644), cùng đệ tử của ông là thiền sư Minh Hạnh (Từ 1633-1659) đã trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa với quy mô lớn, kiến trúc theo kiểu “ Nội công, ngoại quốc” và có sự đóng góp công đức to lớn về tiền của, ruộng lộc của hoàng thái hậu - Diệu Viên, Trịnh Thị Ngọc Trúc (Con gái của Thanh vương Trịnh Tráng) cùng Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên pháp danh Diệu Tuệ và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ (Những vị này về sau cũng đã được lập phủ thờ, tạc tượng đặt trong khám, thờ tại chùa Bút Tháp cho đến ngày nay).Đợt trùng tu này kéo dài từ 1644 đến 1647 chùa mới hoàn thành và có tên chữ là “Ninh Phúc thiền tự”. Sang đầu thế kỷ 18, chùa Bút Tháp lại được tu sửa với quy mô lớn hơn trước. Bia “Ninh Phúc thiền tự bi ký” và “Khánh Lưu bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh 10 (1714) chép rằng “chùa được các quan viên cho tu sửa thêm, chẳng tiếc ngàn vàng sắm mua toàn gỗ tốt, lại được dân làng góp sức và mời thợ cất dựng sửa sang, Với Điện thờ nguy nga, chùa chiền rộng rải, trang điểm một bầu thế giới Lưu ly”. So với trước thì chùa có thêm dãy nhà riêng ở phía ­­sau Phật đường, quy mô đã to lớn hơn nhiều. Đến năm 1876, khi vua Tự Đức kinh lý qua đây, thấy có ngọn tháp hình dáng khổng lồ nên gọi tên là chùa Bút Tháp từ đó. Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp, nổi bật giữa đồng lúa mênh mông. Chùa quay theo hướng Nam là hướng của trí tuệ, bát nhã trong triết lý nhà Phật. Ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái. Khu trung tâm bao gồm 7 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành được bố trí trên một trục dọc - Đường thần đạo. Bên trong nội tự, nằm giữa hai dãy hành lang (mỗi dãy gồm 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau từ ngoài vào, gồm: Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng điện, vắt nối giữa Thượng Điện và Tích Thiện Am là chiếc cầu đá bắc ngang hồ sen ( Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo). Tòa Tích Thiện Am, như tên gọi có nghĩa là chứa điều lành. Trong Tích Thiện Am, có tòa cửu phẩm liên hoa - tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Rồi tiếp đến nhà Trung, phủ thờ và cuối cùng là hậu đường, tổng chiều dài hơn 100m. Phía sau nhà Hậu Đường là hàng tháp đá, trong đó có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Bên trái chùa có nhà thờ vị tổ thứ nhất Chuyết Chuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm tám mặt, 5 tầng cao 13m là nơi táng xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết. Hai bên phía đầu ngoài, dọc theo toà Tiền đường là hai nhà bia. Mỗi một công trình kiến trúc của ngôi chùa này là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các họa tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Nó thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên. Nhìn tổng thể ngôi chùa được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên thoáng mở ở khu vực xung quanh, nên chùa Bút Tháp có nét riêng có và vô cùng độc đáo. Đặc biệt, trong hệ thống các pho tượng cổ của chùa Bút Tháp phải kể đến một báu vật cổ, được xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đó chính là tượng Phật “ Thiên thủ thiên nhãn - nghìn mắt, nghìn tay”. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau, nở khối vươn cao như ánh hào quang. Đây được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng đương thời. Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái. Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa mà không đâu trên đất nước ta có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Lòng tháp có một khoanh tròn đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa. Lùi về phía sau có tháp Tôn Đức cao 11m, nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Tháp được xây dựng từ giữa thế kỷ 17, 4 mặt tháp đều bít kín bằng đá, mới đây trong lòng tháp người ta vừa tìm thấy được 2 cuốn sách đồng cổ, viết/ khắc kinh Phật. Mấy thế kỷ đã trôi qua, song những gì còn lại ở chùa Bút Tháp cho thấy đây là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng Kinh Bắc xưa, là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của nước ta. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo ngày càng đẹp hơn trở thành một trong những điểm thăm quan – Du lịch tâm linh nổi tiếng ở vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc. Hàng năm, mọi người dân trong vùng và du khách gần xa luôn nhớ và trở về dự lễ hội chùa, được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 ( Âm Lịch). Hội chùa Bút Tháp được diễn ra trong niềm vui náo nức và lòng sùng kính của khách thập phương mỗi khi đến với chùa. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Chùa Bút Tháp đã được Bộ VH-TT xếp hạng và công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia từ ngày 28/4/1962. Đến năm 2013, được thủ tướng Chính Phủ cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Pho tượng Phật “ Thiên thủ thiên nhãn – Nghìn mắt nghìn tay” được cấp bằng công nhận là bảo vật quốc gia./. Nguồn: DI SẢN VĂN HÓA THUẬN THÀNH

Bắc Ninh 14 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia Đặc biệt Mở cửa

Chùa Dâu

Chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương, tìm hiểu về giá trị lịch sử. Chùa Dâu còn có tên gọi là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng Tự, Pháp Vân tự. Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, được chứng nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Đây là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Thiền Định tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, nó đã được xây dựng lại. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4. Chùa Dâu được xem là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ , chùa Tướng thờ Pháp Lôi , chùa Dàn thờ Pháp Điện và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ Tứ Pháp. Chùa Đậu tại vùng Dâu đã bị phá hủy trong chiến tranh nên pho tượng Bà Đậu được thờ chung trong chùa Dâu. Trong Tứ Pháp thì Pháp Vân đứng đầu, Thạch Quang Phật (tảng đá trong cây Dung thụ) luôn ở bên Pháp Vân và Pháp Vân đại diện cho cả Tứ Pháp, mỗi khi triều đình thỉnh tượng về kinh đô cầu đảo, có thể rước cả bốn tượng hoặc chỉ mình Pháp Vân. Có thể nói Tứ Pháp thì Pháp Vân, Pháp Vũ được thờ cúng rộng rãi hơn cả nhưng Pháp Vân là trọng tâm, nên Chùa Dâu đã trở thành trung tâm của tín ngưỡng này ở cả vùng Dâu lẫn cả nước. Nhà Tiền thất gồm 7 gian, 2 chái, bên trong bày một số bộ bàn ghế để khách thập phương sắp lễ trước khi vào lễ Phật. Nổi bật nhất trong các công trình của chùa là tòa tháp Hòa Phong. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng. Những kiến trúc của tòa tháp hiện còn là của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m. Bên ngoài tháp có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Trong tháp có 4 tượng Thiên Vương - 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Nhà Tiền đường gồm 7 gian, 2 chái. Trước nền nhà là tam cấp chạy suốt 5 gian giữa. Ở gian chính giữa có 2 thành bậc đá chạm rồng, mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Tại Tiền đường có các ban thờ Hộ Pháp, Đức Ông, Đức Thánh Hiền, Bát Bộ Kim Cương. Tượng Pháp Vân được thờ trong nhà Thượng điện. Đây là một trong 4 pho tượng trong hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu ​-Luy Lâu được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng Pháp Vân uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Khu vực nối tiền thất và hậu đường là nơi thờ Thập bát La Hán (18 đệ tử đắc đạo của Phật đã tu đến cảnh giới La Hán). Ngoài ra, các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện. nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh'

Bắc Ninh 16 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích (còn gọi là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên sườn phía Nam núi Phật Tích trên địa bàn xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Theo sách "Đại Việt Sử Ký toàn thư" và các dấu tích, di vật tìm thấy ở khu vực chùa, Vạn Phúc tự được xây dựng vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 10. Ngay từ khởi đầu, chùa Tiên Sơn là nơi hội tụ và dừng chân của các nhà truyền giáo đầu tiên từ Ấn Độ sang nước ta và các thiền sư đạo cao, pháp minh. Tuy nhiên, phải đến thời Lý (1010-1025) mô hình sinh hoạt, tu tập tại chùa mới rõ nét và quy mô bởi lúc này chùa trở thành quốc tự, cũng là quê hương của các vị vua triều Lý. Năm 1041, Lý Thái Tông cho xây Viện Từ Thị Thiên Phúc và đúc tượng Phật A Di Lặc nặng 7.560 cân để tôn thờ. Kể từ đấy, núi Thiên Phúc hay chùa Thiên Phục được hình thành, thay cho tên chùa Tiên Sơn. Năm 1057 - 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Thiên Phúc và dựng tháp cao nhất nước, bên trong dựng tượng Phật hiện cao 1,87m, cả bệ là 2,87m, đúc 2 tượng Phạm Thiên và Đế Thích bằng vàng thờ trước chùa. Theo sử sách, năm 1071, vua Lý du ngoạn đến Phật Tích đã viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước (5m), sai khắc vào đá để ở chùa trên núi Tiên Du. Cũng có truyện kể rằng, năm 1129, dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung, đặt ở nhiều nơi trong cả nước, riêng ở Phật Tích đặt 8 vạn tháp, vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên Bát Vạn sơn. Từ 1073 – 1210, các triều vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông đều đến Quốc tự Thiên Phúc. Sang đời Trần (1228 - 1400), chùa Thiên Phúc vẫn là quốc tự nhưng được đổi tên là Vạn Phúc. Năm 1279 - 1280, vua Trần Nhân Tông đã cho xây cung Bảo Hoa, sau khi khánh thành, nhà vua đã soạn tập thơ Bảo Hoa dư bút gồm 8 quyển để kỷ niệm. Vua Trần Nghệ Tông (1370) cho xây dựng thư viện Lạn Kha do chính ông làm Viện trưởng, để đọc sách, thưởng ngoạn và hành cung của triều đình. Năm 1384, Vua tổ chức cho thi Thái học sinh (Tiến sĩ) tại đây để chọn người tài đức phục vụ đất nước. Chùa cũng là nơi ghi nhận dấu ấn một thiền sư Trung Hoa nổi tiếng - thiền sư Chuyết Chuyết. Từ năm 1635 - 1644, Thiền sư Chuyết Công đến hành đạo tại chùa Phật Tích, chúa Trịnh Tráng, vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu đều kính trọng. Chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước nên thiền sư đã cho đệ tử Minh Hành về Trung Hoa thỉnh kinh. Kinh điển thỉnh về, một số được khắc để phổ biến, số còn lại và các bản khắc đều được tàng trữ tại chùa Phật Tích. Đến thời Lê Trung Hưng (1686), chùa bị xuống cấp, các vua Lê đã cho tu bổ lại như quy mô cũ, gọi là chùa Phật Tích (tên chữ là Vạn Phúc). Thời Nguyễn, chùa Phật Tích được tu bổ lần cuối. Từ năm 1949 - 1952, Pháp chiếm chùa Phật Tích và phá hủy hoàn toàn ngôi quốc tự này, chỉ còn nền gạch và một số pho tượng Tổ, và một vài Pháp khí khác.Năm 1959, chùa Phật Tích được Nhà nước cho xây dựng lại theo quy mô nhỏ để giữ gìn các di vật còn lại. Năm 2008, khởi công xây dựng mới một số công trình, trong đó có công trình tạo tác tượng Phật bằng đá(tính cả bệ) cao 30m trên núi Phật Tích. Tượng Phật A Di Đà mới dựng theo tượng Phật do vua Lý Thánh Tông cho tạc năm 1057, nay được tôn thờ tại Chánh điện. Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn lưu giữ kho tàng truyền thuyết, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian, tiêu biểu là những huyền thoại về bà Tổ Cô, các cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Triệu Đà, chàng tiều phu Vương Chất, Từ Thức gặp tiên, Cao Biền xây tháp yểm bùa, bà chúa Chè, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo và nổi tiếng là hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Với những giá trị nổi bật nêu trên, chùa Phật Tích đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt, ngày 31 tháng 12 năm 2014. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Bắc Ninh 462 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Cụm di tích đình, đền, chùa làng Quả Cảm

Đình làng Quả Cảm nằm trên núi Tượng. Theo tư liệu cổ của làng thì vào thời Lê đình đã có quy mô to lớn. Ngôi đình đó đã bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngôi đình hiện nay được xây dựng ngay từ khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc (1954), có thế dựa lưng vào núi Tượng, hướng Đông Nam, nhìn ra ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Cầu và Ngũ Huyện khê. Đình có 3 gian 2 chái tiền tế, 3 gian hậu cung, liên kết thành một tòa có mặt bằng kiến trúc hình chữ “đinh” với kết cấu bộ khung vững chắc với các cấu kiện gỗ lim to khỏe, mái lợp ngói mũi hài cổ, tường xây gạch chỉ. Nội dung Thần tích và các đạo sắc phong có niên đại thời Lê và thời Nguyễn cho chúng ta biết đình làng Quả Cảm thờ Thành hoàng là Thánh Tam Giang. Sắc có niên đại sớm nhất là năm 1710 và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924). Đình có một ngai thờ gỗ và một bài vị ghi “Tam Giang hiển linh”, 2 bức đại tự, 7 đôi câu đối, 3 hương án gỗ thời Lê, Nguyễn, trên đặt bát hương gốm, sứ, lọ hoa cổ men ngọc, men lam thời Lý và thời Lê, Nguyễn, hòm đựng sắc và các loại long miện, long bào, long bia. Không chỉ là một cơ sở thờ tự tín ngưỡng còn lưu giữ được nhiều tư liệu và hiện vật cổ, vào thời Lý, đình Quả Cảm là một điểm quan trọng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Tống của quân dân Đại Việt vào thế kỷ XI. Đình Quả Cảm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử ngày 9 tháng 1 năm 1990. Đền làng Quả Cảm được dựng trên trại Sáng, nằm ở phía Đông núi Tượng thuộc khu vực bãi Miễu. Theo truyền thuyết và thần tích của làng thì đền thờ bà chúa Sành là Trần Thị Ngọc, người làng Quả Cảm, thứ phi của vua Trần Anh Tông. Bà có nhiều công tích với quê hương, nên khi mất, bà được 72 trang ấp tôn làm phúc thần và lập đền thờ. Trại Sáng vào thời Lý là địa điểm quan trọng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Tống năm 1077 thời Lý. Trải qua nhiều năm tháng, đền thờ được trùng tu nhiều lần. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đền bị phá hoàn toàn. hòa bình lập lại, nhân dân xây dựng lại trên nền cũ. Đền có mặt bằng kiến trúc hình chữ “đinh”, có 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Gần đây, dân làng lại xây dựng thêm 3 gian phía trước. Toàn bộ công trình có hướng Tây Nam. Trong đền có bức hoành phi “Quang Thái sinh”, 2 đôi câu đối, tượng bà chúa Sành ở tư thế tọa thiền, chất liệu gỗ, 3 đạo sắc phong có niên đại 1783, 1812, 1924, một văn bia 4 mặt ghi chép về sự tích bà chúa Sành. Đền Quả Cảm được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử ngày 9 tháng 1 năm 1990. Chùa làng Quả Cảm có tên là Kim Sơn tọa lạc trên núi Kim Sơn, hướng ra Ngũ Huyện khê theo hướng Tây nam. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn. Các hạng mục công trình của chùa Kim Sơn hiện nay gồm: tòa tam bảo, tòa tạo soạn. Tòa Tam bảo có mặt bằng kiến trúc hình chữ “đinh”, gồm 5 gian 2 dĩ Tiền đường và 4 gian Thượng điện. Các bộ vì kèo có kết cấu theo kiểu chồng giường, giá chiêng, tiền kẻ hậu bẩy. Hệ thống cột to chắc. Cột cái có chu vi 1,32 mét. Nghệ thuật trang trí nổi bật là hình rồng mây chạm nổi trên các đầu dư, con bẩy. Tòa Tam bảo được tu sửa lớn vào năm 1998. Chùa Kim Sơn, ngoài hệ thống tượng thờ phong phú (tượng Phật, Bồ tát, Thánh tăng,...) hoàn toàn bằng chất liệu gỗ có niên đại thời Nguyễn, còn có tượng thân mẫu bà chúa Sành, tượng quan Đề lĩnh Tứ thành người làng Chi Long là những pho tượng gỗ đẹp. Chùa còn lưu giữ chuông đồng thời Nguyễn, chóe thời Thanh, lọ độc bình, bát hương gốm và các văn bia: Hội chùa được tổ chức ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Chùa Kim Sơn có vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân Đại Việt thế kỷ XI. Chùa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử ngày 9 tháng 1 năm 1990. Nguồn: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 902 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Vua bà Thuỷ tổ

Đền Vua Bà Thủy Tổ (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ gốc của Bắc Ninh, Bắc Giang thờ vị Thủy tổ Quan họ. Đền được cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994. Căn cứ tư liệu tại địa phương, Đền Vua Bà vốn được khởi dựng từ thời Lê, đã qua nhiều lần tôn tạo. Hiện nay, di tích được trùng tu, tôn tạo với quy mô bề thế, khang trang tố hảo, bố cục gọn gàng chặt chẽ, hoà nhập với môi trường thiên nhiên xung quanh, công trình của di tích được làm bằng các chất liệu truyền thống, bền vững mang đậm phong cách của Việt Nam. Đền Vua Bà có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa: Đại bái và Hậu cung. Trong đó, tòa Đại bái gồm 3 gian 2 chái bình đầu bít đốc, mái lợp ngói, trên đỉnh bờ nóc có đắp đôi rồng chầu. Tòa Hậu cung gồm 2 gian chạy ngang cùng hướng với tòa Đại bái, mới được trùng tu năm 2018, là công trình chào mừng kỷ niệm 10 năm vinh danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đền thờ Vua Bà là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ gốc của Bắc Ninh, Bắc Giang thờ vị Thủy tổ Quan họ, người sản sinh làn điệu Quan họ và là người khai dân lập ấp dạy dân làm ăn, dạy dân làng trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, nghề này ngày nay vẫn còn duy trì và phát triển thành nghề truyền thống của làng Viêm Xá, bà được phong là Vương mẫu giới phúc. Sau này qua nhiều thế kỷ, nhân dân Viêm Xá còn thờ bà ở trong đình của mình như một vị thần hoàng. Đình Diềm hiện còn giữ được 5 ngai thờ của 5 vị thần hoàng và sắc phong của 5 vị, trong đó có bà. Bà được phong “Đương cảnh thành hoàng thiên tử Nhữ Nương nam nữ Nam Hải Đại Vương”. Hàng năm, cứ đến ngày 6, ngày 7 tháng Hai, gọi là ngày mùa xuân chơi hoa của Đức Vua Bà. Ngày 6/2 là ngày sái tảo, làm lễ nhập tịch tại đền, tế lễ và hát Quan họ tại đền. Ngày 7/2 là ngày chính lễ. Trong ngày chính lễ có rước và hội đảm bảo phong tục truyền thống, an toàn tiết kiệm. Năm 2014, lễ hội làng Diềm được nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng cơ quan chức năng cùng tập trung về đền tổ chức dâng hương, mở đầu cho Cuộc thi hát quan họ đầu Xuân, được đông đảo quần chúng tham gia. Qua cuộc thi, Ban tổ chức đã chọn được nhiều nhân tài xuất sắc, đảm bảo duy trì công tác truyền dạy di sản văn hóa quan họ cho thế hệ mai sau. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 948 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Chùa Hàm Long

Chùa Hàm Long (hay Long Hạm) thuộc khu Thái Bảo, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, được khởi dựng từ thời Lý (khoảng thế kỷ XII). Theo con mắt dân gian thì chùa nằm ở thế hàm rồng, nghĩa là dưới hàm một con rồng lớn dài 9 khúc, đó chính là cả dãy Lãm Sơn. Đây là trung tâm Phật giáo lớn, tương truyền là chỗ tu hành của sư Dương Không Lộ. Tọa lạc trên diện tích đất hơn 9.000m2, chùa có vị trí cảnh quan đẹp, hòa hợp với thiên nhiên, được mệnh danh là danh lam cổ tự có lịch sử lâu đời, các công trình kiến trúc được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống, chạm khắc tinh xảo, nghệ thuật. Ngày nay, Chùa Hàm Long là trung tâm sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương và thập phương quanh vùng, nơi tôn thờ phật pháp, là nơi hướng chúng sinh đến với điều thiện tránh xa điều ác, sống từ bi hỷ xả. Ngôi chùa hiện nay có quy mô lớn gồm các công trình: cổng Tam Quan, Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Khách, nhà Tăng và các công trình phụ trợ. Tam bảo chùa được làm bằng gỗ lim, kết cấu hình chữ Đinh, gồm Tiền đường 7 gian, kết cấu vì nóc “chồng rường giá chiêng”, vì nách “kẻ ngồi cốn mê” và 3 gian Thượng điện kết cấu vì nóc “chồng rường giá chiêng”, vì nách “kẻ ngồi”. Chùa thờ 7 vị Tổ, thờ Mẫu, thờ ông Đỗ Trọng Vỹ, ông nổi tiếng là người thông minh hiếu học và sau trở thành vị quan thanh liêm, nhà giáo, nhà văn hóa, đặc biệt ông là người có công khởi dựng Văn Miếu Bắc Ninh. Sau khi về già ông về chùa Hàm Long tu trì, sau khi ông mất được thờ phụng tại đây. Hiện nay, chùa Hàm Long vẫn duy trì nghi thức gửi vong cho các vong linh mất vào các giờ hung, giờ phạm. Để tránh tai ương, tật ách, gia đình của vong linh thường gửi vong lên chùa Hàm Long để sớm được trì trú, phổ độ, để các vong linh sớm được vãng sinh, siêu thoát về cõi cực lạc. Các công trình kiến trúc trong khuôn viên Chùa được chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật với một diện mạo khang trang tố hảo. Chùa có ngày hội vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, ngoài ra trong năm còn các ngày như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, tuần Rằm, Mùng một, dịp lễ hội truyền thống, Tết nguyên đán. Chùa cũng đón nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài, các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm lễ Phật. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, ngày 18/01/1988. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 945 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà thờ 18 Tiến sĩ họ Nguyễn

Nhà thờ 18 tiến sĩ họ Nguyễn, thôn Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh được khởi dựng khoảng cuối thế kỷ XV. Nơi đây là nhà ở của cụ Nguyễn Lung khi cụ về đây sinh cơ lập nghiệp. Năm 1990, xây dựng nhà Tiền tế, năm 2015 xây dựng thủy đình. Hiện toàn bộ khuôn viên của di tích đã được xây dựng tường bao bảo vệ, khu vực ao và thủy đình của nhà thờ được cải tạo lại khang trang, sạch sẽ. Nhà thờ chính quay hướng Tây, công trình có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm Tiền tế và Hậu đường. Tiền tế có quy mô 3 gian, với không gian mở và không có cửa, kiến trúc kiểu bình đầu cột trụ cánh phong, hai mái tay ngai. Bờ nóc đắp nổi biển tự dạng bảng văn, bờ dải kiểu tay ngai, mái lợp ngói mũi hài. Bộ khung chịu lực gồm 4 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang, gồm 4 bộ vì chính, kết cấu vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách kiểu kẻ ngồi, cột hiên đỡ kẻ hiên, trên các con chồng, câu đầu, xà nách, kẻ hiên đắp vẽ hoa lá cách điệu. Hậu đường có quy mô 5 gian, cửa mở 3 gian chính giữa kiểu thượng song hạ bản, gian dĩ trổ cửa chữ Thọ tròn. Bộ khung chịu lực gồm 6 hàng cột dọc, 5 hàng cột ngang, gồm 6 bộ vì chính, kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng chồng rường, vì nách kiểu kẻ ngồi, cột hiên đỡ kẻ hiên, trên các con chồng, câu đầu, đầu kẻ đắp vẽ hoa lá cách điệu. Nhà thờ họ Nguyễn là nơi thờ phụng các bậc tiên tổ (nội, ngoại), các danh nhân khoa bảng của dòng họ và những người thầy có công truyền dạy kiến thức, chữ nghĩa, học lễ, học văn…cho con cháu trong họ, góp phần gây dựng truyền thống khoa bảng hiển vinh của gia tộc. Nhà thờ 18 tiến sĩ họ Nguyễn được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, ngày 21/01/1989. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 884 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích: Đền Vân Mẫu - Nghè Chu Mẫu - Nhà Cố Trạch

Đã từ lâu trong dân gian xứ Kinh Bắc, dọc đôi bờ sông Cầu có khoảng 372 làng thờ Thánh Tam Giang, tương truyền là những danh tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương vào khoảng thế kỷ VI. Đặc biệt, tại xã Vân Dương còn cụm di tích phản ánh về quê hương của các Thánh như: Nghè Chu Mẫu là nơi thờ tứ vị Thánh Tam Giang, Nhà Cố Trạch là nhà của Thánh Mẫu và ngôi đền thờ cùng lăng mộ Thánh Mẫu mà dân gian vẫn thường gọi là “Đền Vân Mẫu”. 1. Đền Vân Mẫu tương truyền được xây dựng ngay sau khi bà Phùng Thị Nhan (tức thân mẫu của các Thánh Tam Giang) qua đời. Ngôi đền tọa lạc trên khu “cát địa” tại phía Tây Bắc làng Vân Mẫu, chính đền là “hàm rồng”, hai bên có giếng ngọc chính là đôi mắt rồng. Theo nhân dân địa phương, xưa ngôi đền có quy mô khá lớn: Phía trước là 5 gian Tiền tế, sau đến mộ Thánh Mẫu, hai bên là dải vũ, phía sau cùng là 3 gian Hậu cung. Sang thời Nguyễn, ngôi đền được tu bổ tôn tạo lại. Năm 1952, công trình đã bị phá hủy hoàn toàn bởi giặc Pháp, duy chỉ có phần mộ là còn nguyên vẹn. Năm 1975, nhân dân địa phương đã quyên góp tiền của để tu dựng lại ngôi đền nhỏ trên nền xưa đất cũ để thờ Thánh Mẫu. Tòa đền chính nằm trên nền đất khá cao so với mặt bằng tổng thể của di tích, kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: 3 gian, 2 chái 4 mái đao cong, bộ khung gỗ lim chắc chắn, gồm 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, được liên kết bởi chồng rường giá chiêng, trang trí chạm khắc tinh xảo. Năm 2012, nhân dân địa phương xây mới toà Tiền tế phía trước mộ đức Thánh Mẫu, quy hoạch xây tường bao xung quanh mộ bằng đá kiểu lục giác. Toà Tiền tế có kiến trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong, liên kết với nhau bởi 4 cột gỗ lim to khỏe được chạm nổi với đề tài tứ linh, tứ quý và hoa lá cách điệu. Hiện nay, đền thờ Thánh Mẫu còn lưu giữ được bản thần tích Thánh Tam Giang, 13 đạo sắc phong với các niên đại: Duy Tân 3, Cảnh Thịnh 4, Tự Đức 3, Gia Long 9, Thiệu Trị 4, Khải Định 6, Khải Định 7, Minh Mệnh 2, Đồng Khánh 2... 2. Nhà Cố Trạch. Nằm cách đền Thánh Mẫu chưa đầy 300m về phía Tây Nam là nhà Cố Trạch, tương truyền là nhà ở của Thánh Mẫu. Căn cứ tư liệu lịch sử, Nhà Cố Trạch xây dựng từ lâu đời, trước chỉ là một lều cỏ, hàng ngày bà đi làm, tối về đây trú chân. Sau khi bà mất, để tưởng nhớ công ơn đã sinh ra đức thánh Tam Giang, nhân dân địa phương đã lấy ngôi nhà bà ở khi xưa làm nơi thờ tự. Trải qua thời gian, Nhà Cố Trạch được nhân dân địa phương tôn tạo mở rộng ngày càng khang trang với kết cấu kiến trúc kiểu chữ nhị gồm: Hậu cung và Tiền bái. Hậu cung là một căn nhà gạch 3 gian, lợp ngói móc, phía trước trổ 3 cửa hình vòm, bên trong là các bệ thờ xây gạch, xây thoáng gồm 7 hàng chồng lên nhau. Cấu trúc khung nhà đơn giản, theo kiểu con chồng kẻ chuyền trốn cột ở lòng nhà. Tiền bái được trùng tu năm 1994, bộ khung gỗ tứ thiết được liên kết bởi 4 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc, kiến trúc thượng chồng giường, hạ kẻ ngồi. Năm 2002, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng Nhà khách 5 gian trong khuôn viên nhà Cố Trạch. Năm 2016, xây dựng thêm 1 toà nhà 3 gian để thờ bà Đạm Nương (người con gái út của Thánh Mẫu). 3. Nghè Chu Mẫu cách đền Thánh Mẫu khoảng 500m, nằm ở phía Đông Bắc của làng, mặt quay về hướng Đông, vốn được khởi dựng từ lâu đời. Đến thời Nguyễn, nghè được trùng tu khá quy mô, tọa lạc trên diện tích đất 803m2, bao gồm: Đại Đình, Hậu cung, cổng Nghi môn. Toà chính có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm Đại đình 3 gian 2 chái, vì nóc giá chiêng, vì nách cốn mê có chạm rồng cuộn mây, trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”, con kìm, con sô. Hậu cung 3 gian, bộ khung gỗ táu to khoẻ được chạm khắc hoa lá cách điệu. Nghè Chu Mẫu hiện còn bảo lưu được 4 pho tượng Thánh Tam Giang bằng chất liệu đá xanh, chính vì vậy dân gian còn gọi Nghè tứ vị. Cả bốn pho tượng đều tạc trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ quan, mặc áo thêu rồng, phượng. Điều quý giá là làng xã nơi đây còn gìn giữ được nhiều tài liệu, cổ vật quý phản ánh rõ nét, sâu sắc về quê hương Thánh Tam Giang như: tượng thờ, thần phả, sắc phong, bia đá cùng nhiều đồ thờ tự khác. Như vậy, cụm di tích thờ Thánh Tam Giang nói chung, cụm di tích xã Vân Dương nói riêng là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian lớn với bề dày lịch sử hơn ngàn năm và không gian văn hóa rộng lớn trên 372 làng thờ phụng tưởng niệm, phản ánh sâu sắc về hình mẫu anh hùng dân tộc, những người có nhiều công lao lớn với dân, với nước. Với những giá trị to lớn đó, năm 1989, cụm di tích đền thờ Thánh Mẫu, nhà Cố Trạch và nghè Chu Mẫu thuộc xã Vân Dương đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 923 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Cụm di tích đình đền chùa Điều Sơn

Đền Điều Sơn, khu phố 1, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh vốn được xây dựng từ lâu đời. Theo văn bia còn để lại, ngôi đền được trùng tu vào thời Nguyễn (1874 ). Trải qua thời gian cùng biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2018 cùng với kinh phí của Nhà nước và nhân dân địa phương đóng góp, đền được trùng tu khang trang như hiện nay. Hiện nay, đền Điều Sơn có kiến trúc kiểu chữ Nhị. Toà Tiền tế 5 gian, 2 chái. Bộ khung gỗ, vì nóc kiểu "giá chiêng" chạm khắc hoa lá cách điệu, vì nách kiểu ván mê chạm “tứ quý”, cửa mở ở 3 gian giữa với hệ thống cửa thượng song hạ bản. Toà Hậu cung 3 gian 2 chái, vì nóc theo kiểu “giá chiêng”, vì nách kẻ ngồi. Đền Điều Sơn thờ thành hoàng là mẫu đức Thánh Gióng và phối thời bà Khôn Ninh công chúa (là vợ của tướng Trần Lựu); phối thờ đức Trần Lựu - một danh tướng của Lê Lợi; phối thờ đức Cao Sơn Quý Minh - người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh thắng giặc Thục. Các hiện vật tiêu biểu gồm: tượng thờ, hương án, hoành phi, câu đối, kiệu rước, bộ bát bửu, hạc, ngựa, bia đá, cây hương đá. Đền Điều Sơn trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo song vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống. Nơi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, là nơi thờ phụng những người có công lao to lớn với dân với nước. Hiện đền còn bảo lưu được một số tài liệu hiện vật tôn vinh người được thờ tại đền. Đền Điều Sơn cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư. Đền Điều Sơn là di tích lịch sử cấp Quốc gia, ngày 02/03/1990. Phía Nam giáp Đền Điều Sơn là Chùa Điều Sơn, tọa lạc trên diện tích đất gần 1.000 m2. Cổng chùa quay theo hướng Đông nhìn ra đường Hoàng Quốc Việt, Tam Bảo chùa quay hướng Nam nhìn ra Đền Điều Sơn. Toàn bộ khuôn viên chùa được xây tường bao bảo vệ, các công trình kiến trúc khang trang. Tòa Tam bảo hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh với thiết kết cột trụ lồng đèn mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp bức cuốn thư ghi lại tên của chùa. Tòa Tam bảo gồm Tiền đường 5 gian, Thượng điện 3 gian. Chùa Điều Sơn là di tích có vị trí cảnh quan, kiến trúc cùng khuôn viên đẹp. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự trong chùa mang đậm những nét đặc trưng của phật giáo Việt Nam. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 950 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình chùa Đọ Xá

Chùa Đọ Xá tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu phố Đọ Xá, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh. Chùa Đọ Xá được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Chùa thờ Phật Tổ và các vị La Hán. Chùa Đọ Xá được xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1992. Chùa có vị trí cảnh quan, kiến trúc đẹp, được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống, chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự trong chùa mang phong cách đặc trưng của mỗi thời kỳ và tài năng của các nghệ nhân chế tác. Tòa Tam bảo chùa Đọ Xá hiện có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường 5 gian, Thượng điện 4 gian. Hệ thống cửa được mở ở cả 5 gian hướng Tây Nam theo kiểu cửa bức bàn. Từ sân tới nền tòa Tam bảo là 7 bậc cửa làm bằng đá xanh. Phần mái chùa lợp ngói mũi, trên đỉnh nóc đắp nổi tên chữ của chùa “Quang Minh tự” bằng chữ Hán. Chùa được xây theo kiểu bình đầu bít đốc tay ngai. Hai bên hồi phía trước cửa Tam bảo là hai cột đồng trụ, trên cột đắp các câu đối bằng chữ Hán. Bên cạnh công trình chính là tòa Tam bảo, trong khuôn viên của chùa còn có các công trình Tam quan, nhà Tổ, nhà mẫu và nhà ở của sư đều được xây dựng theo dáng vẻ truyền thống, hài hòa với kiến trúc của công trình chính với vẻ đẹp khang trang, tố hảo. Hiện trong chùa còn bảo lưu được một số hiện vật tiêu biểu như: Bia “Linh bi đỗ tự bi ký”, niên đại Vĩnh Thịnh 2 (1706); Bia “Hậu Phật bi ký”, niên đại Tự Đức 29 (1875); Bia “Hậu Phật bi ký”, niên đại Tự Đức 29 (1875); Bia Hậu Phật bi ký, niên đại Tự Đức 29 (1876); 1 chuông đồng đúc năm 1898; các pho tượng Phật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Hội chùa Đọ Xá diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Ngôi chùa từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê hương nơi đây, góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện trừ ác. Chùa Đọ Xá và Đình Đọ Xá nằm liền kề nhau tạo thành một quần thể kiến trúc với không gian mở không có tường bao mà để thông thoáng với xung quanh. Theo văn bia, Đình Đọ Xá được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18), đình được trùng tu với quy mô rất lớn chạm khắc “tứ linh tứ quý) lộng lẫy. Nhưng trải lâu năm đình đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Hiện đình Đọ Xá là công trình kiến trúc mới được trùng tu, nhưng vẫn còn bảo lưu được những mảng chạm khắc thời Lê Trung Hưng với “Rồng mây” tinh xảo nghệ thuật. Đình Đọ Xá còn bảo lưu được những tài liệu cổ vật quý giá là hệ thống thần tích thần sắc, bia đá đã cho biết khá rõ về lịch sử ngôi đình, cũng như người được thờ. Bản “Thần tích Thần sắc” của đình Đọ Xá được kê khai năm 1938, được sao chụp lại của Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho biết: Đình Đọ Xá thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) có công đánh giặc Lương ở thế kỷ 6 và còn ghi chép lại nội dung một số đạo sắc phong của Thánh Tam Giang được thờ ở đình làng. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 942 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên

Từ đường dòng họ Nguyễn - cũng chính là đền thờ Danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên ở xóm 7 (nay là khu 7 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên nổi tiếng với cách trị bệnh cứu người dị thường và chủ thuyết Gia đạo - một giáo lý mà tầm ảnh hưởng còn đến hôm nay trong đời sống tinh thần của con cháu dòng tộc. Đền thờ danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên có tên gọi Bồ Tát Linh Từ, dựng trên khu đất rộng giữa làng Đông Pheo xã Đại Vũ, Tổng Đỗ Xá, huyện Sóc Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc ngày trước. Đền quay hướng Đông Nam, trước mặt là dải đồng chiêm trũng mang tên Đồng Nhân; có sông Ngũ Huyện uốn khúc bao quanh, xa hơn là núi Ba Huyện, Mộc Hoàn, Bát quả Bồ Sơn. Sau lưng là núi Vũ Sơn bên dòng Như Nguyệt. Đây vốn là sinh từ và sinh phần của Thiên sư đại Bồ tát - đạo hiệu của danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên. Theo những tư liệu lịch sử, đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên được xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII. Gia phả dòng họ cho biết, ban đầu đền là ngôi nhà của cụ Nguyễn Phúc Xuyên, sau khi cụ mất, ngôi nhà trở thành đền thờ. Năm 1768, cháu 4 đời ngành Quý chi là Nguyễn Phúc Giám cho sửa chữa lại. Qua thời gian, di tích này đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần, ngày càng khang trang tố hảo với quy mô gồm: Cổng tam môn uy nghi, đẹp đẽ; toà chính gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung; hai bên bố trí tả vu, hữu vu, nhà mẫu, phía sau là lăng mộ của ngài. Có hồ nước trước mặt, mùa về rực sắc sen, súng. Nét độc đáo của di tích chính là ở lối kiến trúc: Trước là đền, sau là lăng mộ. Lối kiến trúc này bắt đầu có từ thời Lê. Đó là hình thức chịu ảnh hưởng của thứ đạo “tiêu dao” quên lãng cảnh trần ai. Toà thờ chính có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ lim, kết cấu vì nóc theo kiểu giá chiêng, vì hai gian bên theo kiểu chồng giường. Trên các cấu kiện kiến trúc đều được chạm khắc rồng mây, hoa lá nghệ thuật và được bài trí hệ thống đại tự, hoành phi, các bản khắc chữ Hán dầy nhiều tầng lớp. Nguyễn Phúc Xuyên - tự là Tế An, đạo hiệu là Thiên sư đại Bồ tát, còn có đạo hiệu là Hàn Thiết, sinh năm Quý Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 13 đời vua Lê Kính Tông và Chúa Trịnh Tùng (1613), trong một gia đình dòng dõi Nho học, hâm mộ đạo Thiền và làm thuốc tại làng Đông Pheo, xã Đại Vũ, tổng Đỗ Xá, huyện Sóc Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh). Tổ năm đời của ông là Cử nhân Nguyễn Tiến Tư, hiệu là Thuần Chính, cha của ông là Nguyễn Phúc Khánh. Theo thế phả và truyền kể của dòng họ, tiền tổ của họ Nguyễn Phúc ở Đông Pheo là danh nhân văn hoá - quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không - một tên tuổi lớn trong làng Thiền Việt Nam, với khá nhiều huyền tích xung quanh hành trạng được dân gian thêu dệt về việc chữa bệnh cho vua Thần Tông và quyên đồng đúc chuông, tạo nên 1 trong An Nam tứ đại khí. Thánh tổ Nguyễn Phúc Xuyên lúc mới sinh diện mạo khôi ngô, lớn lên tư phong đĩnh đạc, khí chất thông minh, là người điềm tĩnh, trong sạch, đoan chính, không làm việc gì khác ngoài việc học hành. Qua đó, tri thức dần mở rộng, vượt xa hẳn người thường. Nhưng ông không lấy đó làm đường tiến thân, mà chuyên chăm theo đạo Phật, sớm chiều đèn nhang thành kính. Cùng với đó, việc để tâm nghiên cứu về triết học Lão Tử đã cho ông sự thông tuệ những huyền vi của tạo hoá, và biết nhiều phương pháp thần bí trong hành thuật chữa bệnh cứu người sau này. Ông được triều đình Lê - Trịnh phong là Hộ quốc Thiền sư Thánh tổ Bồ Tát, được người đời tôn là Hoạt Phật (tức Phật sống). Không những giỏi cả Phật học, Nho học và triết học Lão Tử; mà ông còn hợp nhất tư tưởng 3 đạo Phật - Lão - Nho mà đề xướng đạo mới - gọi là Đạo nhà, hay Gia đạo. Đây là một sáng tạo của Nguyễn Phúc Xuyên nhằm thông qua sự vận dụng tinh thần tu nhân, hành thiện, mà nhập thế giúp đời trong hoàn cảnh lịch sử thời Lê - Trịnh đầy rối ren, loạn lạc. Nguồn: Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 936 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Văn Miếu Bắc Ninh

Văn Miếu Bắc Ninh là 1 trong 6 văn miếu ở Việt Nam, có giá trị lịch sử, văn hóa, phản ánh truyến thống khoa bảng của vùng quê Kinh Bắc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thuộc các triều đại phong kiến. Văn Miếu Bắc Ninh là niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của quê hương và là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng trên núi Phúc Sơn, thuộc khu 10 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Văn miếu được xây dựng trước thời Nguyễn (muộn nhất vào thời Lê), để thờ phụng và tế lễ “Đức Khổng Tử” - người được tôn vinh là “Thánh sư” hay “Vạn thế sư biểu” và Tứ phối - các chư hiền của đạo Nho là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử (các vị được phối thờ với Khổng Tử). Tổng thể công trình Văn Miếu Bắc Ninh hiện nay gồm: Cổng Nghi môn, toà Tiền tế 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Hậu đường là 2 toà Bi đình 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Tiền tế là 2 toà Tả vu - Hữu vu, tại sân chính giữa cổng Nghi môn và toà Tiền tế dựng bia bình phong. Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, tại Văn Miếu tổ chức lễ dâng hương có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tưởng niệm các bậc tiền nhân, cầu mong quốc thái dân an, tỉnh Bắc Ninh ổn định phát triển, sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ. Nơi đây cũng thường đón tiếp các Đoàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của tỉnh Bắc Ninh đến dâng hương, báo công sau mỗi kỳ thi. Cổng di tích được xây dựng Tam môn, cột trụ lồng đèn, hai trụ giữa đình đắp phượng tạo thành trái giành, hai trụ bên đặt nghê chầu. Xung quanh lồng đèn, các ô chính đắp nổi kênh bong Tứ linh Tứ quý. Tấm bia đá (bia bình phong) dựng giữa sân Văn miếu “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” (Bia ghi việc trùng tu Văn miếu Bắc Ninh); có kích thước lớn gần 10m2, được coi là bảo vật của Văn miếu. Trên tấm bia ca ngợi vai trò, ý nghĩa của Văn Miếu, cũng như tôn vinh những bậc hiền tài. Trung tâm di tích là tòa Tiền tế gồm 5 gian 2 dĩ, dựng trên nền bó gạch cao hơn sân 55 cm. Phía trước mở cửa bức bàn 3 gian giữa, hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ. Hai hồi tường xây gạch kiểu bình đầu dật cấp, nối cánh phong, cột trụ lồng đèn, đình trải giành. Bờ nóc xây chỉ, hai đầu đắp rồng hóa, chính giữa là đôi rồng chầu mặt nguyệt. Hậu đường kế tiếp sau Tiền đường và nối với nhau bằng một gian giải muống tạo thành chữ Công. Nhà Hậu đường 5 gian được đục chạm Tứ quý. Hậu đường là nơi tôn thờ Chu Công, Khổng Tử, Tứ Phối. Nối liền hai đầu hồi nhà Hậu đường, bên phải dựng nhà bia, bên trái nhà Tạo soạn, mỗi công trình 4 gian, dựng trên nền bó gạch thấp hơn Hậu đường. Kiến trúc theo lối kéo kìm, qua giang vợt. Hai nhà Tả vu, Hữu vu dựng dọc hai bên sân trước Tiền đường, mỗi dãy 4 gian, hai dĩ, kiến trúc đơn giản kiểu bình đầu bít đốc, tường xây gạch, mái lợp ngói mũi, mở cửa cánh ván gian giữa. Nét đặc sắc nổi trội trong số toàn bộ những giá trị còn tồn tại của Văn miếu Bắc Ninh chính là 15 tấm bia đá. Trong đó, 12 bia “Kim bảng lưu phương” được dựng năm 1889, lưu danh gần 700 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học khoa bảng và có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh 1033 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền Đô và khu Lăng mộ các vị vua triều Lý

Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý là chứng tích lịch sử về làng Cổ Pháp xưa và Đình Bảng ngày nay; là đất phát tích, tôn miếu thờ các vị vua triều Lý và còn là nơi an táng của các vị tiên vương và hoàng tộc nhà Lý. Triều Lý (1009 - 1225), từ khi Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010), trải qua 8 đời vua, truyền ngôi được 216 năm, là giai đoạn nhà nước phong kiến độc lập tự chủ,vững mạnh, nhân dân được sống trong cảnh thái bình, thịnh trị. Khu di tích là công trình kiến trúc đặc sắc, với nghệ thuật điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, tạc tượng thờ, kỹ thuật xây dựng đều đạt ở mức tinh xảo và nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu: tín ngưỡng thờ cúng, lễ hội, phong tục, tập quán.... Khu lăng mộ các vị vua triều Lý còn là di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Di tích có nhiều tên gọi khác, như Đền Đô, Cổ pháp Điện/Đền thờ Lý Bát Đế và Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Thọ lăng Thiên Đức hay Sơn lăng cấm địa); bao gồm 2 khu vực chính là: Đền Đô và Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Sơn lăng cấm địa). 1. Đền Đô: tổng diện tích 31.250m2, được phân chia thành khu nội thành và ngoại thành. Ngoại thành: rộng 26.910m2, gồm các hạng mục hồ bán nguyệt, nhà thủy đình, nhà văn chỉ bên phải, nhà võ chỉ bên trái. Nội thành: rộng 4.340m2, được chia thành khu nội thất và ngoại thất. Nội thất gồm: hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà bia và nhà để 8 kiệu thờ, nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên. Ngoại thất gồm: phương đình, đền Vua bà, nhà chủ tế, nhà khách, nhà trưng bày, hội trường, ngũ long môn, sân đền, tượng voi, sấu đá… 2. Khu lăng mộ các vị Vua triều Lý (Sơn lăng cấm địa) Khu lăng mộ là nơi an nghỉ cuối cùng của các vua triều Lý, cách đền Đô khoảng 800m về phía Đông Bắc, nằm ở khu Ao Sen, thuộc cánh đồng phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, khu lăng mộ các vị vua nhà Lý bao gồm những công trình sau: - Lăng vua Lý Thái Tổ - Lăng Lòng Chảo - Lăng Cả (vua Lý Thái Tông) - Lăng Hai (còn gọi là lăng Con) thờ vua Lý Thánh Tông - Lăng Con Voi (vua Lý Nhân Tông) - Lăng Đường Gio (vua Lý Thần Tông) - Lăng Đường Thuấn (vua Lý Anh Tông) - Lăng vua Lý Cao Tông - Lăng vua Lý Huệ Tông - Lăng bà Nguyên Phi Ỷ Lan - Lăng Phát Tích (lăng Bà Phạm Thị) Hiện vật ở di tích đền Đô và Khu lăng mộ các vị vua triều Lý còn lại không nhiều, có thể kể đến như 8 bài vị ghi tên các vua Lý được sơn son thếp vàng, chạm khắc vào thời Lê, đỉnh đồng, hạc đồng và một số bát đĩa có niên đại thời Lê. Đặc biệt còn một bia đá, niên đại 1604 do Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan soạn ghi công đức các vua Lý. Ngoài ra, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và thờ các vị vua triều Lý vẫn được duy trì và trở thành truyền thống ở đền Đô. Hằng năm ở Đình Bảng diễn ra 3 lễ hội chính: - Hội chùa vào ngày mùng 7 tháng Giêng. - Hội đình vào ngày 15 tháng Hai, diễn ra 2 ngày chính (từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Hai). - Hội đền vào ngày 15 tháng Ba, được diễn ra tại đền Đô. Với giá trị đặc biệt, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn: Cục Di sản văn hóa

Bắc Ninh 979 lượt xem

Xếp hạng : Di tích quốc gia đặc biệt Mở cửa

Điểm di tích nổi bật