Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

ĐỀN XÀ

ĐỀN XÀ

Đền Xà nằm bên bờ nam sông Cầu, gần ngã ba Xà, là nơi hợp lưu của hai con sông cổ Cà Lồ và sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt) cùng chảy xuống sông Lục Đầu (tỉnh Hải Dương). Đền Xà, thôn Xà Đoài, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) thờ hai vị tướng quân Trương Hống, Trương Hát. Hai vị là hai anh em ruột và là tướng tài của Triệu Quang Phục trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương. Gần một ngàn năm trước, vào thế kỷ 11 nơi đây được Thái úy Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2, làm lên chiến thắng giặc Tống lẫy lừng tháng 10 năm 1077. Nói về lịch sử ngôi đền, cụ Vũ Công Tưởng (82 tuổi, người làng Xà Đoài, thủ từ đền Xà) cho biết: Đền Xà thờ đức thánh Tam Giang - tức anh em ngài Trương Hống, Trương Hát là những danh tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương vào thế kỷ 6. Ngôi đền thiêng cũng có từ thế kỷ thứ 6, sau khi các ngài mất. Truyền thuyết về thánh Tam Giang kể rằng, xưa kia ở làng Vân Mẫu (xứ Kinh Bắc) có một người con gái tên là Phùng Từ Nhan. Năm 18 tuổi, Từ Nhan chiêm bao thấy thần Long từ trên trời hạ xuống quấn mình trên sông Lục Đầu, sau đó bà mang thai 14 tháng và sinh hạ được cái bọc 5 con: 4 trai 1 gái. Do là con trời ban cho nên bà lấy họ Trương của Ngọc Hoàng đặt cho 4 người con trai là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và con gái là Trương Đạm Nương. Thời gian sau đó, Trời phái Lã Tiên Ông xuống trần dạy văn võ cho 5 người con của Từ Nhan tại bãi Tràng Học gần nhà Cổ Trạch. Năm anh em đều văn võ song toàn, lớn lên hưởng ứng lời kêu gọi của Triệu Việt Vương làm tướng tiến đánh giặc Lương ở đầm Dạ Trạch và giành thắng lợi lớn. Trương Hống, Trương Hát được phong làm tướng tài của Triệu Quang Phục. Khi Triệu Quang Phục lên ngôi vương (tên gọi khác là Triệu Việt Vương, Dạ Trạch Vương), Lý Phật Tử đã đem quân đánh lại nhưng không thắng, bèn dùng kế gả con khiến Triệu Việt Vương mắc mưu rồi bị đánh bại. Khi Lý Phật Tử đoạt được ngôi vua, biết Trương Hống, Trương Hát là tướng tài giỏi bèn cho người mời ra làm quan. Song các ông với lòng trung quân, quyết không thờ hai vua. Biết không thể khuất phục được, Lý Phật Tử lệnh truy bắt các ông khắp nơi. Các ông biết không thoát được liền tự vẫn ở dòng sông Cầu để giữ trọn tấm lòng trung với vua. Cũng theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng Thượng đế cảm thương đã sắc phong Trương Hống, Trương Hát làm Thần sông. Từ đó, nhân dân 372 làng dọc theo sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ và các nơi hai ông từng đóng quân đánh giặc đều thương tiếc, lập đền thờ suy tôn các ngài làm Thần. Các triều đại nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý sau đó được âm phù giữ yên bờ cõi nên đều phong anh em họ Trương là Đức thánh Tam Giang - đại vương thượng đẳng thần. Theo sử sách, đền Xà và đức thánh Tam Giang cũng gắn với sự ra đời của bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà”của Lý Thường Kiệt – bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Nói về truyền thuyết phát tích bài thơ Thần, cụ Vũ Công Tưởng kể: Theo các bậc cao niên làng Xà Đoài truyền lại, vào một đêm tháng 10 năm 1077, tại ngôi đền thiêng bên chiến tuyến sông Cầu chống giặc Tống, Lý Thường Kiệt vào đền làm lễ cầu âm phù dương hộ cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Làm lễ xong bầu trời đột nhiên bừng sáng như ban ngày, trên không trung xuất hiện hai đám mây một trắng, một hồng bên trên là hai tráng sĩ một cưỡi ngựa trắng, một cưỡi ngựa hồng đạp mây đi giữa bốn bề quân reo ngựa hí. Tương truyền đó chính là ngài Trương Hống, Trương Hát hiển linh phù hộ cho quân dân ta đánh giặc Tống. Cụ từ Vũ Công Tưởng xúc động, thành kính nói: “Các ngài “sinh vi tướng, tử vi thần”; tức là sống làm tướng, thác hóa thần, vẫn thực hiện sứ mệnh cao cả phụng sự đất nước”. Cùng lúc đó trên không trung hay trong tâm tưởng Lý Thường Kiệt bỗng vang vọng bài thơ “Nam quốc sơn hà”: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Bản dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.” Đây chính là lý do khiến bài thơ được gọi là thơ Thần. Khi bài thơ được Lý Thường Kiệt đọc lên âm vang sang sảng một vùng, khiến quân giặc Tống kinh hãi rụng rời tháo chạy dẫm đạp lên nhau mà chết. Cùng với tài trí mưu lược của quân và dân ta, cuộc kháng chiến chống Tống đã thắng lợi hoàn toàn, tiêu diệt 30 vạn quân Tống, xác chất thành núi, máu chảy thành sông. Trải qua gần 1.000 năm kể từ chiến thắng thần thánh đó, hiện tại ở xã Tam Giang vẫn còn các địa danh như Bãi Xác, Bờ Xác, Đồng Xác là dấu tích sự thất bại thảm hại của quân giặc năm xưa. Hàng năm đền Xà có hai dịp lễ lớn vào mùng 5 tháng Giêng và mùng 9, 10 tháng 4 âm lịch. Hội đền Xà thuộc hội lớn nhất vùng, ngoài các nghi lễ trang nghiêm rước kiệu, rước nước, còn có tục thi bơi chải. Truyền rằng, tục bơi chải của đền Xà gắn liền với việc Lý Thường Kiệt huy động dân binh địa phương tham gia vào việc đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt. Đền Xà ngày nay tọa lạc trên một gò đất rộng gần 10 hecta, cách ngã ba Xà - nơi hợp lưu hai con sông cổ chưa đầy cây số. Hiện ngôi đền đang được trùng tu nhưng về kiến trúc vẫn giữ được nét cổ kính có từ ngàn đời. Phía trước sân vẫn còn tấm bia đá cổ khắc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” hai mặt bản chữ Hán và chữ quốc ngữ, phía ngoài là cổng tứ trụ với bức phù điêu nhuốm màu thời gian. Ngoài hệ thống cổ vật quý còn lưu giữ như tượng thờ, trong hậu cung đền Xà còn có bàn thờ Táo Quân với tượng “hai ông, một bà”. Đầu xuân, du khách, người dân đến lễ đền Xà cầu quốc thái dân an cũng không quên thắp nhang ban thờ Táo Quân với ước nguyện cầu cho gia đình luôn ấm lửa, mong hạnh phúc, bình an cho gia đình mình và cho mọi nhà. Với bề dày lịch sử gần 1500 năm, năm 1988 Đền Xà được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịc sử cấp Quốc gia. Nguồn: Báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Bắc Ninh 371 lượt xem

Xếp hạng : Di tích Quốc gia

Mở cửa

Khám Phá Bắc Ninh

Văn Miếu Bắc Ninh

Bắc Ninh 1424

Di tích cấp quốc gia

Đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên

Bắc Ninh 1344

Di tích cấp quốc gia

Đền Đô và khu Lăng mộ các vị vua triều Lý

Bắc Ninh 1333

Di tích quốc gia đặc biệt

Đình chùa Đọ Xá

Bắc Ninh 1319

Di tích cấp quốc gia

Chùa Hàm Long

Bắc Ninh 1308

Di tích cấp quốc gia

Đền Vua bà Thuỷ tổ

Bắc Ninh 1298

Di tích cấp quốc gia

Cụm di tích: Đền Vân Mẫu - Nghè Chu Mẫu - Nhà Cố Trạch

Bắc Ninh 1270

Di tích cấp quốc gia

Cụm di tích đình đền chùa Điều Sơn

Bắc Ninh 1253

Di tích cấp quốc gia

Cụm di tích đình, đền, chùa làng Quả Cảm

Bắc Ninh 1220

Di tích cấp quốc gia

Nhà thờ 18 Tiến sĩ họ Nguyễn

Bắc Ninh 1179

Di tích cấp quốc gia

Điểm di tích nổi bật