Ứng dụng số 1 về khám phá du lịch 63 tỉnh thành Việt Nam

Khám phá lịch sử, văn hóa, con người và cảnh đẹp Việt Nam trên ứng dụng du lịch 63Stravel

Tải ứng dụng 63Stravel

Logo 63stravel

Di tích lịch sử

Ninh Bình

Đền thờ Trương Hán Siêu

Đền thờ Trương Hán Siêu nằm ở phía Tây Nam của núi Dục Thúy, một bên dựa vào núi, bên dưới là dòng sông Đáy trữ tình lững lờ trôi, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền tạo nên khung cảnh trữ tình, thanh bình mà uy nghiêm. Trương Hán Siêu (không rõ năm sinh) quê ở huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, nay là thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông là người có tài văn, võ, giàu lòng yêu nước, được các vua đời Trần tôn quý. Ông cùng với Nguyễn Trung Ngạn đã soạn ra Bộ Luật "Hình thư" và sách "Hoàng triều đại điển", đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật. Khi chết, ông được truy tặng chức Thái phó, cho thờ tự ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi ông mất, đã được lập đền thờ ở phía Đông Nam gần mộ ông. Nhưng trải qua thời gian do chiến tranh, đền Trương Hán Siêu đã bị san lấp. Đầu năm 1993 trong quá trình thi công xây dựng nhà ở phường Vân Giang, người dân thành phố đã phát hiện ra bài vị đá và những tấm bia đá, chân cột, bậc thềm đá của đền vùi sâu trong lòng đất. Ngày 24/4/1998, công trình xây dựng đền thờ Trương Hán Siêu đã chính thức khởi công tại khu đất phía Tây Nam núi Dục Thúy. Đền thờ Trương Hán Siêu có kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian Bái Đường và 2 gian Hậu cung, hai tầng mái lợp bằng ngói ta, các góc có các đầu đao cong vút lên. Nhìn bán diện rìa mái cuộn lên ở hai đầu như hình ảnh một chiếc thuyền rồng ngoạn mục. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt. Mặt tiền của đền có tấm đại tự bằng chữ Hán "Trương Thăng Phủ Từ". Bên trong gian thờ là bức tượng Trương Hán Siêu bằng đồng với tỷ lệ 1 1, đặt ngồi trên bệ trong trang phục triều Trần. Bái đường có cửa võng, hương án và hai giá ở hai bên cắm bát bửu. Gian cuối của hậu cung có hương án để bài vị của Trương Hán Siêu. Mỗi dịp đầu xuân, Đền thờ Trương Hán Siêu còn là nơi đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh đến thắp nén hương thơm, thành tâm xin chữ đầu năm mới, với ước mong về những điều tốt đẹp và may mắn trong năm mới. Đền thờ Trương Hán Siêu nằm ngay bên núi Non Nước, là một trong những địa điểm du lịch Ninh Bình được nhiều người biết đến. Đền thờ Trương Hán Siêu – một vị danh nhân Văn hóa và cũng là một người con của Ninh Bình. Ông là một người “văn võ song toàn”, đã cùng với tiền sĩ Nguyễn Trung Ngạn soạn ra bộ luật “Hình Thư”. Đền thờ Trương Hán Siêu sẽ vẫn luôn là những tư liệu sống mãi cho đến muôn đời sau. Nếu ghé thăm mảnh đất cố đô, quý khách đừng quên đến thăm đền thờ Trương Hán Siêu để tìm hiểu thêm về cội nguồn lịch sử Việt Nam. Thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ mà còn liên quan để cả lịch sử văn hóa của cả một dân tộc. Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Trung Tâm Thông Tin Sở Du Lịch Ninh Bình

Ninh Bình 850 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Động Am Tiên

Chùa và động Am Tiên nằm trong dãy núi Ngũ Phong Sơn, phía Đông Nam khu di tích Cố đô Hoa Lư, thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là cụm di tích chứa đựng nhiều giá trị về không gian cảnh quan kiến trúc, lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc. Năm 1998 di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Chùa và động Am Tiên ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người có công tu sửa động và dựng chùa. Không chỉ tinh thông đạo pháp, Ngài còn tinh thông y thuật, vì có công lớn chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư - vị cao tăng đứng đầu Phật giáo dưới triều đại nhà Lý. Theo truyền thuyết địa phương và các thư tịch còn lưu giữ tại di tích, vào thế kỷ X, động này vốn là ngục đá, nơi vua Đinh Tiên Hoàng nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ phạm tội nặng. Về sau động không dùng làm ngục tù nữa, nhưng tương truyền những oan hồn tử khí vẫn còn trong động. Người dân địa phương đi qua đây thường nghe thấy tiếng ma kêu quỷ khóc, hổ thét, beo gầm, không ai dám đến gần động. Đến thời Lý, Quốc sư Nguyễn Minh Không vào đây đã lấy động làm chùa, ngày ngày tụng kinh thuyết pháp làm cho ma quỷ không kêu rú, hãm hại dân lành nữa. Theo văn bia “Đại Chu Ma Sơn Áng Đại Quang Thánh nham bi”. niên đại Chính Long Bảo Ứng thứ 4 (năm 1166) khắc trên vách cửa động cho biết: Động này có tên gọi là động Đại Quang Thánh, nằm trên ngọn núi lớn Chu Ma Sơn Áng. Theo văn bia “Tiên Am tự bi Tiên Am thạch lộ chí”. do Tuần phủ Phan Đình Hòa soạn vào niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (năm 1932) hiện lưu giữ tại di tích cho biết: “Từ khi có Đại Quang Thánh quy ẩn ở động này, sau lấy động làm chùa. Dựa vào Phật Thánh mà biến nhà ngục thành kỳ viên, động biến thành chùa từ đó. Niên hiệu Tự Đức thứ 32 (năm 1879) mới hưng công sửa lại. Các hội chủ quanh vùng luôn chú ý việc sửa sang chùa ngày thêm đẹp đẽ và hội Tập phúc đặt tên cho chùa là Am Tiên”. Chùa và động Am Tiên toạ lạc ở lưng chừng núi, quay hướng Tây Nam, phía trước có hồ lớn uốn khúc, bao bọc xung quanh là những dãy núi đá vôi trùng điệp. Văn bia “Tiên Am tự bi ký”. niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887) cho biết, khi muốn vào động phải trèo qua một “quèn núi cao khoảng 8,9 trượng… trong quèn có ruộng ước hơn 10 mẫu có thể cấy lúa, hai bên núi có cảnh sắc hoang dã, cầm thú, chim muông đối họa, vì vậy gọi là Cổ Am. Núi làm thành bao bọc lấy am, trong núi đá có động. Từ phía dưới men theo cạnh mà lên động”. Văn bia này cũng cho biết thêm. “cảnh chùa không biết tạo dựng từ khi nào. Năm thứ 32 đời vua Tự Đức (1879) thấy cảnh chùa hoang vu, cảnh u thảm, vì vậy bản hội đồng lòng tu sửa. Những thứ mục nát thì cẩn thận niêm phong, sơn lại tượng Đại Quang Thánh, sơn lại tượng quốc pháp thiền sư Nguyễn Minh Không ở phủ bên phải, riêng tượng Phật chưa sơn lại được. Đến đời vua Hàm Nghi thì trang hoàng xong hết”. Chùa và Động Am Tiên còn lưu giữ được những di vật có giá trị. Ở vách đá bên phải động có tấm bia ma nhai “Đại Chu Ma Sơn Áng Đại Quang Thánh nham bi”. (Nghĩa là: bia khắc ở vách hang động Đại Quang Thánh trên ngọn núi lớn Chu Ma Sơn Áng). Bia đề niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 4 (1166). Bên trái động dựng ba tấm bia, trong đó có hai bia đá thời Nguyễn niên đại Đồng Khánh thứ 2 (năm 1887), Bảo Đại thứ 7 (năm 1932) và một bia không có chữ. Nội dung hai tấm bia đều nói về lịch sử tên gọi của chùa và quá trình tu sửa chùa. Vách đá bên trái cửa động có treo một quả chuông nhỏ. Ngoài vẻ đẹp về không gian cảnh quan kiến trúc, chùa và động Am Tiên còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Đây là nguồn sử liệu có giá trị trong việc tìm hiểu nghiên cứu về vùng đất cố đô Hoa Lư, về nhà nước Đại Cồ Việt, về các sự kiện, nhân vật lịch sử. Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình 1566 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Phòng tuyến Tam Điệp

Khu di tích phòng tuyến Tam Điệp là gọi theo tên gọi phòng tuyến Tam Điệp của nghĩa quân Tây Sơn, được xây dựng vào cuối năm Mậu Thân (1788) để chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch thần tốc, đánh tan 29 vạn quân xâm lược Thanh và bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789). Vào cuối năm Mậu Thân (1788), bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh vào xâm lược nước ta. Trước sức mạnh ban đầu của giặc, Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm cùng các tướng lĩnh Bắc Hà rút lui chiến lược về xây dựng phòng tuyến Tam Điệp và Biện Sơn, hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau, giữ lấy chỗ hiểm yếu. Phòng tuyến Tam Điệp là giới hạn rút quân cuối cùng của nghĩa quân Tây Sơn, nhằm đề phòng, ngăn chặn cuộc tiến công của địch, bảo đảm bí mật và an toàn cho hậu phương ở phía Nam. Khi Quang Trung tiến quân ra Bắc, phòng tuyến Tam Điệp lại là nơi tập kết của nghĩa quân Tây Sơn (từ 20 tháng 12 năm Mậu Thân tức 15 tháng 1 năm 1789 đến 30 tháng 12 năm Mậu Thân tức ngày 25 tháng 1 năm 1789). Khu di tích phòng tuyến Tạm Điệp, gồm có 3 đỉnh đèo của Tam Điệp và một cụm đồn lũy, Kẽm Đó, lũy ông Ninh, đồn Tam Điệp, chặn ngang đường Thiên lý từ Bắc vào Thanh Hóa. Đường Thiên lý ra Bắc vào Nam chạy trên 3 đỉnh đèo Tam Điệp, đỉnh cao nhất khoảng 110m. Thế kỷ 16, lợi dụng địa thế hiểm trở của dãy núi của Tam Điệp, chính quyền phong kiến Lê – Trịnh đã đắp một số thành luỹ ở cả hai mặt Bắc Nam đèo Tam Điệp và lấy Tam Điệp làm ranh giới giữa Nam triều và Bắc triều. Tại Kẽm Đó ở hai bên đường Thiên lý được đắp hai đoạn lũy nối liền với vách núi thành một cửa ải kiên cố. Cách Kẽm Đó khoảng 400m về phía Bắc là “lũy ông Ninh”, nối giữa 2 dãy núi gọi là núi Thành, ở giữa chiến lũy có một lối đi, hai bên có kè đá như “cửa lũy”. Phía Tây chiến lũy có một con hào rộng khoảng 8m, phòng sự tấn công của đối phương từ đường thiên lý vào. Cách chiến lũy này khoảng 100m là “đồn Tam Điệp”, rộng khoảng 1 mẫu bắc bộ, kiểm soát con đường thiên lý ở phía Bắc cửa ải. Khi rút lui chiến lược xây dựng phòng tuyến Tam Điệp vào cuối năm Mậu Thân (1789), nghĩa quân Tây Sơn đã sử dụng những đồn lũy này cho nên có nhiều truyền thuyết về Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn ở đây. Nhân dân địa phương quan niệm “lũy ông Ninh” là cửa tiền và “lũy Quận Kế” là cửa hậu của nghĩa quân Tây Sơn. Riêng đồn Tam Điệp được sử dụng từ đời Lê đến đời Tây Sơn đời Nguyễn và thuộc chính quyền Nguyễn Quang Toản khi đã suy yếu, nhưng đã đóng đồn ở Tam Điệp để chống lại chính quyền Nguyễn Ánh. Khi triều Nguyễn được thiết lập cũng sử dụng đồn Tam Điệp để kiểm soát con đường thiên lý ra Bắc vào Nam. Tại Kẽm Đó, hai con đường thiên lý còn vết, hai đoạn lũy ngắn nối liền với vách núi đã bị phá hủy gần hết. Lũy ông Ninh còn khá rõ, dài 135m, chiều rộng 15m, đường cái, đồn Tam Điệp còn hai dấu vết mờ nhạt ở bờ thành phía Đông. Hiện nay trên đỉnh đèo Tam Điệp, đèo cao nhất (thuộc phần đất tỉnh Thanh Hóa) còn một tấm bia ghi bài thơ “Qua Tam Điệp Sơn” (qua núi Tam Điệp) tạc năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ghi lại một bài thơ của Thiệu Trị làm khi đi tuần du qua đây. Ngày 8/10/1985, phòng tuyến Tam Điệp được công nhận là di tích lịch sử quốc gia Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình 1533 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đình Lược

Đình Lược nằm ở thôn Lược, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, trong không gian văn hóa mang đậm nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với khung cảnh yên bình xanh mướt của hàng cây, ao nước, sân đình. Đình là điểm sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng dân cư thôn Lược, tên gọi của di tích được đặt theo tên địa danh của thôn từ xa xưa. Đình lược quay hướng Tây, được xây dựng trên một khu đất cao nằm ở rìa phía tây của thôn. Trước mặt là không gian thoáng đãng của khu đồi Dâu, xa xa phía Bắc là dãy núi thoai thoải ngăn cách với xã Gia Sinh và Trường Yên. Bao quanh đình là các cây thị cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm với dáng vẻ cổ kính, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của di tích. Phía trước đình là ao sen rộng làm minh đường, nơi được xem là tụ phúc, tụ thủy của ngôi làng. Đình được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhất, gồm 3 gian, theo lối cổ tường hồi bít đốc, bốn hàng chân cột. Mái đình lợp ngói, hệ thống vì kèo, cấu kiện hoành, xà, rui mè đều được làm bằng gỗ tứ thiết với kích thước vừa phải, còn chắc chắn. Các họa tiết, hoa văn trong đình mang đặc trưng phong cách thời Nguyễn như trang trí dạng hoa lá, hình kỷ hà. Tại di tích thờ vị thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương, là một nhân vật thời nhà Đinh, có công phò trợ cho đất nước và nhân dân. Đình Lược thờ Chăn Vương công chúa, nguyên là con gái một vị hào trưởng trong vùng, một phụ nữ xinh đẹp có tài đức vẹn toàn, được vua Lê Hiển Tông tuyển chọn làm cung nữ. Bà có công lớn với dân làng Lược, đã cùng cha xuất tiền bạc xây dựng đình, chùa, mời thầy về dạy chữ cho con em trong vùng, giúp cho cả một vùng quê trở nên trù phú. Khi bà mất, nhân dân thành kính thờ phụng để tưởng nhớ công lao của bà. Triều đình ban sắc phong cho bà là Trinh Uyển Huyền Chân Linh Chúa. Di tích đến nay vẫn giữ được những tư liệu, hiện vật quý giá như: các bản sao sắc phong của các triều vua Nguyễn, ngai thờ, bát hương có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Đình Lược trong thời kỳ kháng chiến là cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng vùng Quỳnh Lưu, là điểm tập kết dân quân du kích và bộ đội địa phương. Thời kỳ hòa bình cho đến nay, đình trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng và là điểm văn hóa tâm linh của nhân dân thôn Lược. Đình Lược luôn được nhân dân và chính quyền địa phương quan tâm, bảo tồn, tu bổ khang trang và uy nghiêm. Hàng năm, tại di tích diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghi thức lễ tiết đặc sắc như: lễ mừng năm mới (tết Nguyên Đán), lễ khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), lễ thượng điền (ngày 24 tháng 6). Đây là dịp để nhân dân trong làng cùng những người xa quê hương gặp mặt, cùng tưởng nhớ đến công lao của cha ông, những người đã có công xây đắp và gìn giữ làng xóm, trao truyền lại những nét văn hóa độc đáo của quê hương cho các thế hệ con cháu mai sau cùng gìn giữ và phát huy. Cùng với truyền thống hào hùng của vùng đất căn cứ cách mạng, di tích đình Lược trở thành niềm tự hào của cộng đồng dân cư thôn Lược, một điểm tựa cho con cháu xa quê trở về với quê cha đất tổ. Nguồn: Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An

Ninh Bình 1397 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Chùa Khả Lương

Chùa và đền Khả Lương ở làng Khả Lương, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa còn có tên chữ là Thắng Lâm Tự (chùa Thắng Lâm). Đền Khả Lương có địa thế đẹp nằm trên mảnh đất hình con rùa, phía trước sân là miệng con rùa, nên dân làng không san lấp, như một kiểu “thuỷ trì” là nơi tụ thuỷ, tụ phúc. Tương truyền chùa được khởi dựng từ thời Lý, đến thời Nguyễn dân làng di chuyển đền từ địa danh Mả La về phí trước chùa, tạo thành một kiểu kiến trúc “Tiền Thần, Hậu Phật”. Đền có cấu trúc kiểu chữ Đinh hậu cung nối thêm một hàng cột và một mảnh giường tạo thành Tiền Đường ba gian. Hậu Cung ba gian, bốn hàng chân cột bằng gỗ lim, lợp ngói vẩy, vì kèo ngoài, kiểu kèo mê, vì trong kiểu giá chiêng, được chạm khắc rồng hổ phù tứ linh: long, ly, quy, phượng, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đền là nơi thờ cúng Hộ Sinh Đại Vương, người có công cứu giúp dân làng khỏi đại nạn, được Nhà phong là Hộ Quốc Đại Vương, trở thành Thành Hoàng của làng Khả Lương. Chùa Khả Lương có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) Tiền Đường năm gian vì kèo kiểu “thượng giường, hạ kẻ”, ba hàng chân cột, trốn một hàng cột giữa , hàng cột trước được làm bằng đá xanh. Hậu Cung hay Chùa Thượng ba gian, những kèo kiểu “thượng giường, hạ kẻ”, ba hàng chân cột, hàng cột trước và hàng cột sau bằng đá xanh, phía trước có hai con rồng chầu bằng đá (tương truyền từ đời Lý). Chùa thờ Tam Thế, A Di Đà tam tôn, Thích ca sơ sinh, Thánh Tăng, Thổ Địa râu trắng, một tín ngưỡng dân gian với mong ước phù hộ che trở cho nhân dân và ngôi làng của mình. Ngoài ra chùa còn thờ Hàn Lâm, đó là nơi thờ các cô hồn, đây cũng là một việc thờ tự cổ xưa mang tính chất lương thiện tốt đẹp của người dân. Hàng năm chùa và đền Khả Lương diễn ra nhiều các hình thức sinh hoạt văn hóa như ngày hội kỷ niệm vua Trần Thái Tông, ngày xá tội vong nhân, ngày lễ Thích Ca thánh Phật, ngoài ra còn những ngày Tư, Rằm, mùng Một nhân dân trong làng đều thắp hương, cúng bái. Di tích trải qua các thời kỳ cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện cách mạng của địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp chùa là cơ sở chữa trị cho thương binh, chùa còn là nơi sơ tán của trường Phổ thông cấp I, xã Ninh Thắng. Nhiều người đã trưởng thành trong mái trường này. Chùa và đền Khả Lương còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: bia đá, chuông, rồng đá, sắc phong, long ngai, bài vị… đây là những hiện vật có giá trị đang được nhân dân trong làng bảo quản rất cẩn trọng để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân. Đền và chùa Khả Lương xã Ninh Thắng là một ngôi đền, chùa cổ, có cảnh quan đẹp, cây cối toả bóng xanh mát quanh năm, đây còn là một kiến trúc thời Nguyễn mang phong cách truyền thống của dân tộc. Xuất phát từ những giá trị của di tích, UBND tỉnh Ninh Bình xếp hạng di tích Đền và chùa Khả Lương là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Nguồn: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Ninh Bình 1638 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền Dâu

Đền Dâu thuộc địa phận phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp tỉnh Ninh Bình, đền có tên chữ là Tang Dã Linh Từ (nghĩa là: Đền Thiêng nương Dâu) thờ Liễu Hạnh Công chúa – một trong tứ bất tử của điện thần Việt Nam đã hoá thân vào người con gái địa phương giúp dân và quân lính Tây Sơn trồng dâu nuôi tằm. Đền Dâu toạ lạc trên một thế phong thuỷ đẹp, đền nằm trên một khu đất cao quay hướng đông nam, phía trước đền có núi Hồng Ngọc làm án, phía sau có núi Chong Đèn làm hậu chẩm, bên trái có núi Ngang(Hoành Sơn) làm Thanh Long, bên phải đền có núi Béo làm Bạch Hổ. Lễ hội đền Dâu hàng năm mở vào 15 tháng riêng, tương truyền đó là ngày hội đặt hom dâu và cũng là ngày mừng vua Quang Trung chiến thắng khải hoàn, kéo dài cho đến hết ngày 3-3 Âm lịch (Ngày kỵ của mẫu Liễu), ở địa phương còn lưu truyền câu ca dao: “Dù ai đi đâu về đâu. Nguyên tiêu lễ hội đền Dâu thì về. Dù ai bận rộn trăm bề. Nguyên Tiêu lễ hội thì về đền Dâu”. Trước đây lễ hội có tục rước tượng và kéo chữ “Mẫu Nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình” và “Lý Nhân vi mỹ” nhưng hiện nay tục rước tượng và kéo chữ chưa khôi phục được, chỉ còn lễ và tế nữ quan còn duy trì. Cũng như nhiều phủ, điện Mẫu khác, nơi đây có những nghi thức thờ cúng cơ bản như: hầu bóng, tôn lô nhang và trình đồng để cầu mong đức Thánh Mẫu và các vị thần thánh ban phúc, lộc, thọ và an khang cho trăm họ. Di tích đền Dâu là một trong những di tích có liên quan chặt chẽ tới Mẫu Liễu Hạnh như ở đền Sòng, Phố Cát (Thanh Hoá), Phủ đồi Ngang, đền Quán Cháo(Ninh Bình) liên quan tới con đường Thiên Lý cổ ra bắc vào Nam, gắn với không gian ảnh hưởng của Mẫu Liễu từ Phủ Tây Hồ (Hà Nội) qua Vân Cát (Nam Định), qua đèo Tam Điệp (Ninh Bình – Thanh Hoá) tới tận đèo Ngang (Hà Tĩnh – Quảng Bình). Di tích nằm trong không gian của phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn gắn với các địa danh như luỹ Ông Ninh, thung Đong Quân, đèo Tam Điệp, luỹ Quèn Thờ đây là một phòng tuyến có ý nghĩa lịch sử quan trọng của dân tộc trong chiến thắng 20 vạn quân Thanh năm 1789. Nguồn: Trung tâm Xúc tiến du lịch Ninh Bình

Ninh Bình 1452 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Quý Minh Đại Vương

Đền thờ Quý Minh Đại Vương và hang Đền nằm ở chân núi Hàm Rồng, phía Đông Bắc thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Đền còn có tên gọi khác là đền Thánh Quý hay đền Thượng. Hang Đền hay còn gọi tên là hang Nhà Kho ở ngay phía sau đền. Đây là di tích đã được UBND tỉnh Ninh Bình xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006. Đền là nơi thờ cúng Thánh Quý Minh Đại vương, một vị tướng của vua Hùng thứ 18. Theo truyền thuyết từ dân gian, Ngài là một trong ba anh em - ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một "Thượng đẳng Thần”, được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ Đinh gồm Tiền đường và Hậu cung. Tòa Tiền đường gồm 3 gian nhà ngang dùng làm nơi tế lễ, mới được trùng tu năm 2015. Tòa Hậu cung gồm 3 gian dọc, hiện vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn, vì kèo ngoài là kiểu kèo mê phía trên trạm mặt hổ phù, phía dưới có 3 chữ “Cao Sơn Từ”. Bức mê bên trái trạm rồng, bức mê bên phải trạm “Phượng Vũ” (phượng múa), các vì kèo bên trong là kèo moi. Đền tựa vách núi đá xanh vững chãi, thâm nghiêm. Phía ngoài đền về bên trái có ban thờ các quan. Trong ngôi đền, ban thờ Thánh Quý Minh đại vương được đặt trang nghiêm ở chính giữa, phía bên phải là ban thờ Quan Sát, bên trái là ban thờ Sắc Nga công chúa. Trước cửa đền có hồ bán nguyệt, là nơi tụ thủy, tụ phúc. Hang Đền nằm ngay sau đền Thánh Quý. Bên trái hang là mộ ngựa, có ban thờ. Tương truyền có một con ngựa chiến quý đã chết ở đây. Hang Đền là một mái đá lớn, cửa hang rộng 10m, sâu khoảng 50m. Chỗ cao nhất khoảng 5m, giữa hang có một giếng nhỏ sâu hút vào thân núi gọi là đường xuống âm phủ và một đường leo ngược lên cao gọi là đường lên trời. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây, đền là trụ sở của nhiều cơ quan (trong đó lâu dài nhất Xí nghiệp in Ninh Bình), là nơi cất giữ vũ khí, đạn dược, quân lương. Ngoài ra còn là nơi in ấn tài liệu, sách báo, nơi sơ tán của nhân dân các vùng lân cận… Hiện nay, ở đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: 6 sắc phong của các vị Vua triều Nguyễn; Trùy đồng; Phủ việt; Quản tẩy; long ngai; đồ thờ tự… Hàng năm dân làng tổ chức tế Thánh tại di tích vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch. Ngoài ra, còn dâng lễ vào các ngày tuần, ngày rằm trong năm. Đền Quý Minh Đại vương và hang Đền nằm trong khu vực núi Hàm Rồng, là một thắng cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, lại ở gần Cố Đô Hoa Lư lịch sử. Trong tương lai, đây sẽ là một điểm tham quan hấp dẫn ở vùng ngoại vi Cố Đô Hoa Lư. Nguồn: Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Ninh Bình 1552 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp tỉnh Mở cửa

Đền thờ Công chúa Phất Kim

Đền thờ Thục tiết Công chúa còn có tên gọi khác gọi là phủ Bà chúa, đền thờ Công chúa Phất Kim, nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên, huyện Hoa lư. Di tích nằm trên một mảnh đất rộng khoảng 500m2, được ngăn cách với đường liên thôn bởi bức tường bao có trang trí chữ “Thọ” cách điệu kiểu thông phong. Phía trên có bốn chữ Hán “Các Trung Đế Tử” (Lầu thờ con gái Vua) hai bên có hai cột động trụ xây liền tường. Di tích có giếng Ngọc hình bát giác gồm 8 cạnh, xây liền kề gần tường bao. Công chúa Phất Kim là con gái thứ ba của Vua Đinh Tiên Hoàng. Vì nghĩa lớn, Công chúa Phất Kim đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, chấp nhận kết duyên cùng Ngô Nhật Khánh. Ngô Nhật Khánh xưng là An Vương, thủ lĩnh sứ quân ở Đường Lâm, một trong 12 sứ quân. Là phò mã, nhưng Ngô Nhật Khánh vẫn không nguôi oán hận và tìm cách cầu viện Chiêm Thành chống lại Nhà Đinh. Trước sự phản bội của chồng, lại thêm việc vua cha Đinh Tiên Hoàng và anh trai Đinh Liễn bị sát hại, Công chúa Phất Kim vì đau đớn và quá thất vọng đã gieo mình xuống giếng nước ở Lầu vọng nguyệt tự vẫn. Theo truyền lại trong nhân dân địa phương, vị trí ngôi đền thờ hiện nay chính là nền của cung điện Vọng Nguyệt - nơi ở của công chúa Phất Kim. Ngay sau khi công chúa tuẫn tiết để bảo toàn đức hạnh, nhân dân đã lập đền thờ công chúa. Trải qua các thời kỳ lịch sử di tích được tu sửa nhiều lần, dấu vết gần đây nhất là vào thời nguyễn. Kiến trúc đền theo kiểu chữ Đinh gồm hai tòa Tiền bái và Hậu cung. Tòa Tiền bái chiều dài 8,2m, chiều rộng 4,44m gồm 3 gian 2 dĩ, mái lợp ngói nam, hiên trước tòa Tiền bái làm theo kiểu chồng diêm, hai tầng. Bờ nóc của tòa Tiền bái ở chính giữa trang trí hình mặt nguyệt, hai đầu của bờ nóc trang trí hình hai đầu rồng chầu vào. Hàng cột thứ nhất gồm bốn cột gỗ đơn giản, hàng cột thứ hai gồm bốn cột bằng đá hình hộp chữ nhật, hàng cột thứ ba liền với tòa Hậu cung, hai cột giữa hình tròn, trang trí rồng mây bằng sơn ta. Kiến trúc vì kèo kiểu giá chiêng. Tòa Tiền bái có nhang án thờ các quan, dưới nhang án có thờ thần Bạch Hổ. Tất cả các họa tiết trang trí đều tinh xảo và mang đậm nét mỹ thuật thời Nguyễn. Tòa Hậu cung gồm 1 gian 2 dĩ, chạy dài ra phía sau là hai gian. Kiến trúc vì kèo đơn giản, chỉ có một hàng cột gồm hai cột gỗ còn phía trước liền với tòa Tiền bái. Đây là nơi thờ tự chính, tượng Công chúa Phất Kim trong long đình, đặt trên hậu bành, được tạc ở tư thế ngồi, chân chữ ngũ, đầu cài hoa, mắt nhìn thẳng, nét đẹp nhân hậu mặt hoa da phấn. Hậu bành trang trí hoa văn lá lật, phượng, vân xoắn, hoa lá cách điệu, hai tay hậu bành gần giống tay ngai, được trang trí thành hình hai con rồng chầu hai bên. Hai bên tượng có hai nàng hầu tạc ở tư thế đứng trên một bệ gỗ. Hai bên bệ thờ tượng Công chúa Phất Kim có nhiều bát hương thờ bản mệnh của nhân dân trong xóm theo tín ngưỡng cổ xưa. Đền thờ Công chúa Phất Kim nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, vì vậy các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống diễn ra tại di tích cũng nằm trong những chương trình của Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư (diễn ra ngày mùng 8 tháng 3 đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày mùng 10 tháng 3 cũng là ngày kỵ của công chúa Phất Kim, lễ chính của đền). Trong những ngày hội sau khi làm lễ rước nước, lễ rước lửa, lễ khai mã và lễ dâng hương tại hai Đền thờ vua Đinh và vua Lê các vị đại biểu, các đoàn tế lễ và du khách thập phương đến các di tích phụ cận khác để dâng hương và tế lễ. Ngoài ra trong những ngày đầu và giữa tháng âm lịch, nhân dân địa phương đều đến đền thắp hương dâng lễ vật để cầu bình an. Đền thờ Thục tiết Công chúa hay Phủ Bà Chúa, được xây dựng dưới triều đại nhà Đinh để thờ phụng Công chúa Phất Kim, suy tôn người phụ nữ có tấm lòng trung hiếu, đức sáng trong, tiết hạnh. Đây là một ngôi đền cổ với nhiều ý nghĩa tâm linh và giá trị của cội nguồn văn hóa mãi đi cùng năm tháng. Nguồn: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Ninh Bình 1455 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Nhà bia Lý Thái Tổ

Nhà bia Lý Thái Tổ nằm ở xã Gia Mỹ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vua Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn, sinh năm Giáp Tuất (974), người châu Cổ Pháp (nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Lúc nhỏ, vua rất thông minh, tuấn tú khác thường. Vua đi học ở chùa Lục Tổ (Tiên Sơn, Bắc Ninh) được nhà sư Vạn Hạnh khen là người thông minh, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ. Trưởng thành, vua là người có chí khí. Lê Long Đĩnh lên ngôi, đã thăng ông đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Vua Lê Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên ngôi Hoàng đế vào năm Kỷ Dậu (1009). Thế kỷ X, trong hoàn cảnh nền thống nhất quốc gia mới được thiết lập, vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành định đô ở vùng núi hiểm trở Hoa Lư là để phòng thủ. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ nhận thấy đóng đô ở kinh thành Hoa Lư với tính chất một quân thành phòng thủ chỉ phù hợp với tình hình của đất nước trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng sang đến thời Lý thì yêu cầu giữ nước không phải là yêu cầu độc tôn, mà vấn đề đặt ra là phải đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự hưng thịnh của quốc gia phong kiến độc lập, với yêu cầu phát triển về mọi mặt. Do đó, không thể tiếp tục đóng đô ở vùng núi non hiểm trở, Lý Thái Tổ đã có một quyết định đặc biệt quan trọng mang tính lịch sử đó là dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Vua ban tác phẩm “Chiếu dời đô”. Vua khẳng định “.... thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế Rồng cuốn Hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời...”. Chép về việc này, sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết “Mùa thu tháng 7, vua dời đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn ở Đại La của kinh phủ”. Năm 1997, trong khi thi công san lấp khu vực sân lễ hội đã tìm thấy rất nhiều gạch đất nung, trang trí họa tiết Hoa sen, Chim phượng; gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, “Giang Tây quân”. Những viên gạch này được xác định có cùng niên đại với gạch phát hiện trong đợt khai quật tại khu vực phía nam đền thờ vua Lê. Các nhà nghiên cứu cho rằng Bến Đền ở phía trước đền vua Đinh và đền vua Lê là bến sông mà vua Lý Thái Tổ xuất phát dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Để ghi lại dấu ấn lịch sử trọng đại, một hành trình lịch sử của đất nước từ khôi phục độc lập tự chủ đến thời kỳ phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội, đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã dựng nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ. Văn bia do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn, đây là một áng văn hay theo thể biền ngẫu. Văn bia gồm 4 khổ. Nội dung khổ 1: Thái tổ ta xưa - Viết về thân thế, sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ. Nội dung khổ 2: Sự nghiệp Hoa Lư thuở ấy - Ca ngợi sự nghiệp dựng nước, giữ nước của triều Đinh - Tiền Lê và công cuộc thiên đô của vua Lý Thái Tổ. Nội dung khổ 3 và khổ 4: Truyền thống Hoa Lư bất diệt - Đất nước hôm nay - Kế thừa và phát huy truyền thống Hoa Lư bất diệt, hơn 10 thế kỷ qua, các thế hệ con cháu của vùng đất địa linh nhân kiệt Hoa Lư - Ninh Bình đã đoàn kết, dũng cảm, kiên trung cùng với quân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh cho quê hương đất nước, làm cho truyền thống Hoa Lư mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Nguồn: Sở văn hóa và thể thao Ninh Bình

Ninh Bình 1443 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Vua Lê Đại Hành

Lăng vua Lê Đại Hành nằm dưới chân núi Mã Yên về phía Nam, hai bên có hai quả núi mà nhân dân gọi là “Long chầu, Hổ phục”, là tay ngai, nên núi còn có tên chữ là Hoàn Ỷ Sơn. Trong khu vực thành ngoại của Kinh thành Hoa Lư ngày nay thuộc Thôn Yên Thượng, Xã Trường Yên Huyện Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình. Lăng vua Lê còn có tên gọi khác nữa theo nhân dân địa phương là Mả Quan. Cách gọi này có thể xuất phát từ quan niệm của dân gian về vai trò, vị trí (bề tôi) của Lê Hoàn dưới triều đại vua Đinh Tiên Hoàng, tuy nhiên tên gọi này cổ xưa và không phổ biến lắm. Lăng vua Lê thuộc loại hình di tích mộ táng, theo truyền thống cổ truyền của dân tộc. Theo quan niệm của người xưa, lăng vua Đinh - vua Lê đều đặt vào nơi được gọi là “huyệt Đế Vương”. Vua Lê Đại Hành tức Lê Hoàn trước đây là người tài giỏi võ nghệ, phóng khoáng, có chí lớn. Lê Hoàn gia nhập nghĩa quân Hoa Lư, theo Nam Việt Vương Đinh Liễn tham dự các trận mạc, đánh dẹp các sứ quân cát cứ, lập nhiều chiến công. Được vua Đinh Tiên Hoàng trọng là bậc trí dũng và trở thành Thập Đạo tướng quân dưới triều nhà Đinh. Lê Hoàn cầm quân đuổi giặc Tống, đánh thắng Chiêm Thành, củng cố bộ máy Nhà nước phong kiến độc lập, thống nhất. Chính quyền cũng chăm lo thi hành một số biện pháp tích cực cho sự phát triển kinh tế. Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc. Có thể nói, dưới triều vua Lê Đại Hành, Kinh đô Hoa Lư và đất nước Đại Cồ Việt đã có sự phồn thịnh, ổn định. Về chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao có xu thế phát triển, đánh dấu những mốc quan trọng. Ông xứng đáng là người đã dẹp yên thù trong, giặc ngoài, tạo thế mạnh nước nhà và tỏ rõ quyền uy với nhà Tống phương bắc. Năm Ất tỵ 1005, vào tháng ba Vua Lê Đại Hành băng hà ở điện Trường Xuân. Khi vua Lê mất, quần thần an táng và xây dựng lăng mộ ở phía tây nam chân núi Mã Yên. Kích thước của lăng nhỏ hơn lăng của vua Đinh Tiên Hoàng nhưng vẫn chứng tỏ được thế uy nghi của vị đế vương. Phía sau là bia đá, mặt chính của bia có dòng chữ: "Lê Đại Hành Hoàng Đế lăng" và dòng niên đại của bia: Minh Mệnh năm thứ 21 (1840). Theo truyền lại trong dân gian, vùng đất Trường Yên khi xây dựng Kinh đô Hoa Lư, vua Đinh và vua Lê đều lấy Mã Yên Sơn làm tiền án, lấy dãy Đại Vân làm hậu chẩm cho kinh thành. Núi Mã Yên cũng là nơi Vua thường ngự trong mỗi lần duyệt thủy quân. Lăng vua Lê Đại Hành đã được trùng tu vào năm 2020, uy nghi xứng đáng với tầm vóc của vị Hoàng đế. Vị thế lăng vua Đinh và lăng vua Lê nằm trong khu di tích Cố đô Hoa Lư, gắn liền với các di tích trung tâm như: Đền thờ vua Đinh - vua Lê và các di tích phụ cận khác. Ngoài giá trị lớn về mặt lịch sử - văn hóa, nơi ghi dấu ấn vẻ vang của dân tộc, đây còn là nơi được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sơn thủy hữu tình, thu hút du khách gần xa về thăm quan, chiêm bái, tri ân bậc vĩ nhân có công lớn với đất nước. Nguồn: Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An

Ninh Bình 1602 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, còn có tên là đền Đinh Bộ Lĩnh, đền Văn Bòng hoặc đền Đại Hữu (lấy tên địa danh nơi ngôi đền tọa lạc), hiện thuộc thôn Văn Bòng, xã Gia Phương huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền, đây chính là nơi gắn với tích sinh ra Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng dân tộc có công trong việc dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt vào năm 968. Tại đây, cũng có bài vị thờ các quan trung thần là tứ trụ triều đình nhà Đinh gồm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng cùng với con trai là Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại vào năm 979, theo nghi lễ triều đình đã tấn phong thuỵ hiệu, mỹ tự, lập đền thờ cúng tại quê nhà. Như vậy, đền đã được khởi lập từ xa xưa. Hiện nay phần còn lại của di tích mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Những nguồn tư liệu về vua Đinh Tiên Hoàng rất nhiều, chính sử và truyền thuyết dân gian đã ghi lại và âm hưởng chung là ca ngợi sự tài giỏi, công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, mở nền chính thống của nước ta sau hàng nghìn năm nô lệ. Trên mảnh đất quê hương ông hiện nay vẫn còn rất nhiều truyền thuyết, địa danh liên quan tới thời ấu thơ của Đinh Tiên Hoàng cũng như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, những vị danh tướng cùng quê Đại Hữu với vua Đinh. Núi Kỳ Lân nằm ở đầu xã Gia Phương, cách đền gần 3km, với lăng phát tích vua Đinh, động Đại Hữu, lăng phát tích Nguyễn Bặc. Về phía tây nam của núi có một khoảng uốn lượn trông giống hình tay ngai, lưng chừng có một khu rộng tương đối bằng phẳng. Tương truyền, ông Đinh Công Trứ, thân phụ của Đinh Tiên Hoàng thấy cảnh đẹp đã mang mộ của ông nội nhà vua an táng tại ngai này, xây dựng lăng mộ, gọi là Lăng phát tích, hiện đã được tôn tạo. Cạnh Lăng phát tích có động Đại Hữu ở lưng chừng núi, trong hang có nhiều hình thù đẹp do nhũ đá tạo thành, có chỗ có hình giáng như con Kỳ Lân, nên còn gọi là động Kỳ Lân. Trước đây, theo truyền lại thì hang có đền thờ Sơn Thần, là nơi nương tựa của bà Đàm Thị và Đinh Bộ Lĩnh khi ông Đinh Công Trứ qua đời, như nhiều sách đã viết. Phía đông nam lăng phát tích vua Đinh còn có lăng phát tích Nguyễn Bặc. Lăng nằm cạnh chân núi. Ngay phía trước đền, cách khoảng hơn 200m là gò Bồ Đề, một khu đất cổ cao ráo, hình vuông, rộng gần 200m2 ở đầu xóm Văn Bòng, tương truyền đây là nền nhà cũ của Đinh Bộ Lĩnh. Ở giữa khu ruộng của thôn Văn Bòng, gần đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có một khoảng đất tương đối cao, rộng hàng nghìn mét vuông, có tên cổ là Đào Áo (còn gọi là xứ Đào Áo). Tương truyền nơi đây là chỗ tụ quân của Đinh Bộ Lĩnh để tập trận. Nhìn chung vùng xung quanh di tích hiện nay còn lưu lại rất nhiều địa danh, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là những nguồn sử liệu quý để làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của ông. Đặc biệt từ quê hương ông ở xã Gia Phương hiện nay, ngược lên Gia Hưng (Gia Viễn), sang Trường Yên (Hoa Lư), cả một chiều dài, rộng hàng chục km, vùng đất nào cũng có những địa danh, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng. Đền thờ được tu bổ quy mô trong những năm gần đây, nhưng vẫn bảo tồn được nét kiến trúc thời Nguyễn cổ kính, quay hướng tây có ba toà, kiến trúc theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh”. Phía trước đền là hồ bán nguyệt. Phía trong hồ, khoảng giữa của sân được xây 2 cột đồng trụ tạo thành lối ra, vào di tích. Khu đền thờ gồm 3 toà: Tiền bái, Trung đường và Chính tẩm. Tiền bái gồm 5 gian, kiến trúc theo lối chồng rường bằng gỗ lim, tường hồi bít đốc. Toàn bộ các đầu bẩy chạm khắc hoa văn lá lật, riêng gian giữa mặt đầu bẩy chặm khắc rồng. Các con chồng ở hệ thống các vì kèo đều được chạm hoa văn lá lật. Bờ nóc Tiền bái hình lưỡng long chầu nguyệt. Trung đường tiếp giáp với Tiền bái, gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu mê toàn (toàn bộ hệ thống hoành nằm trên các mê kèo), phía trước có hệ thống cửa ra vào, các đều bẩy chạm hoa văn lá lật. Đặc biệt mê kèo phía đầu đốc hai bên cửa hiên có mảng chạm bong đề tài tứ linh khá tinh vi. Tòa Chính tẩm gồm 2 gian chính và 1 gian dĩ. Kiến trúc theo kiểu thượng rường hạ mê. Di tích hiện còn giữ được một số hiện vật quý như tượng thờ, ngai, khám thờ, sắc phong của các triều đại… Hàng năm, vào dịp lễ hội cố đô Hoa Lư, người thôn Văn Bòng và xã Gia Phương, cũng mở hội đền và tham gia lễ rước kiệu lửa từ quê hương vua về cố đô Hoa Lư. Với những giá trị lịch sử và văn hóa nổi bật, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1993. Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình 1587 lượt xem

Xếp hạng : Di tích cấp quốc gia Mở cửa

Điểm di tích nổi bật